17. Sống tỉnh thức

21/06/202110:14 SA(Xem: 3691)
17. Sống tỉnh thức

ỨNG DỤNG LỜI PHẬT DẠY
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
NHÀ XUẤT BẢN ANANDA VIET FOUNDATION 2021

 

17

SỐNG TỈNH THỨC

 

I. DẪN NHẬP

          Kính chào tất cả quý đại chúng. Đây là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau, nhưng nói theo nhà Phật thì chúng ta đã từng gặp nhau từ nhiều đời, nhiều kiếp, trên con đường học đạo này rồi, nhưng vì chúng ta lơ đểnh không tinh tấn, nên thi hoài rớt hoài, bởi thế hôm nay có duyên gặp lại, âu cũng là dịp để chúng ta cùng nhau ôn tập! Có lẽ đây là lý dochúng ta quy tụ về chùa Địa Tạng hôm nay để cùng nhau chia sẻ Phật pháp.

          Được trở lại đời này cùng nhau học Phật pháp, cho thấy chúng ta thật may mắn, nếu không nói là chúng ta có nhiều phước báu, vì đã được sanh làm người. Trong kinh đức Phật ví được tái sanh làm con người rất khó, khó như chuyện con rùa mù sống dưới đáy biển, mù thì không thấy đường, 100 năm mới trồi lên mặt biển một lần và phải trồi lên trúng ngay bọng cây trôi trên mặt biển bao la, thì cơ hội làm người mới có thể xảy ra.

Sanh làm người đã khó như thế, mà giữ được cái thân mạng còn khó hơn nữa, bởi có sanh thì phải có diệt. Nếu mình giữ được thân mạng mình mãi mãi, thì đâu có nhiều nghĩa trang trên thế giới này, đâu có những tấm bia ghi tên tuổi của những em bé còn rất nhỏ, hay những ngôi mộ của những anh chị thanh niên thiếu nữ chết khi tuổi đời còn thanh xuân. Riêng đối với những người có phước báu tuổi thọ kéo dài, nhưng rồi đến một lúc nào đó thân hoại mạng chung cũng phải vĩnh viễn rời xa gia đình, thân nhân, bạn bè. Điều này cho thấy lời dạy của đức Phật: "Các pháp hữu vi đều Vô Thường" nghĩa là tất cả hiện tượng thế gian, từ con người, loài thú, cây cỏ, vật chất đều thay đổi từng sát-na, sống đó, chết đó, không ai biết trước được.

          Cái chết là nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi to lớn của con người. Nhưng tâm lý chung, chúng ta thường dành nhiều thời gian để vật lộn, đấu tranh, lo lắng cho sự sống và ít khi quan tâm đến cái chết. Hằng ngày chúng ta bận bịu với đời sống, nhưng đời sống của chúng ta có được an lạc, thoải mái hoài hay không? Hay là chúng ta hạnh phúc ít mà đau khổ nhiều? Có ai chưa một lần nếm mùi đau khổ dù người đó được sanh ra trong một gia đình quyền quý cao sang? Chắc là ai cũng có khổ, mỗi người có một tâm sự, một nỗi khổ khác nhau. Cho nên chân lý "Vô thường, Khổ, Vô ngã"đức Phật nhận ra từ 26 thế kỷ về trước cho đến ngày nay vẫn còn giá trị. Chúng ta biết Vô thường không chừa một ai, cho nên dù có lo sợ thì cũng không tránh khỏi, vì thế được sanh làm người, chúng ta cứ thản nhiên sống, nhưng sống sao cho xứng đáng một kiếp người!

          Thế nào là sống xứng đáng? Sống xứng đáng là sống đạo đức, sống vui vẻ hạnh phúc, là sống vì mình và vì người. Mà muốn sống vì người, thì trước tiên bản thân của mình phải có hạnh phúc, an lạc. Thân tâm mình hài hoà, bản thân mình hạnh phúc thì mình mới có năng lượnglòng từ bi san sẻ với người khác.

          Hôm nay quý vị đã vân tập về đây, bỏ lại sau lưng những sinh hoạt thường nhật của gia đình, cộng đồng... cho thấy quý vị có nhu cầu tâm linh rất cao. Để đáp lại tinh thần cầu pháp của quý vị, chúng tôi chia sẻ cùng quý vị một đề tài thiết thực nhằm nâng cao giá trị đời sống, mang đến sự an lạc hạnh phúc cho bản thân chính mình và từ đó sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đó là đề tài "Sống Tỉnh Thức".

II. THẾ NÀO LÀ SỐNG TỈNH THỨC?

          Theo nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu "tỉnh" là không mê, "thức" là không ngủ. Như vậy người sống tỉnh thức người sống trong trạng thái không mê ngủỞ một khía cạnh khác, tỉnh có nghĩa là “tỉnh táo, sáng suốt", thức là “biết”. Vậy “tỉnh thức”hiểu biết rõ ràng về một vấn đề gì, mà trước đó mình bị mê lầm. Nó cũng giống như: "Mình mê ngủ nằm chiêm bao, lúc thức dậy biết chiêm bao không phải thật, thì đó là trạng thái tỉnh thức." Hay là: "Người sống tỉnh thức là người sống giữa cuộc đời nhiều mê lầm, huyễn hoặc... mà vẫn tỉnh táo không bị sa ngã. Văn hoa hơn: Người sống tỉnh thức là người sống có trí tuệ sáng suốt, sống trong cuộc đời đầy bụi mà mình không dính bụi.

          "Tỉnh thức" trong Phật pháp cũng có nghĩa là "biết rõ ràng" nhưng là "cái biết không lời" là cái biết của tâm bậc thánh. Còn "cái biết có lời" là cái biết của tâm phàm phu.

          1) Biết có lời: Là cái biết của Tâm ba thời, cái biết có suy nghĩ, tính toán, suy luận, phân biệt, so sánh, khen chê. Đó là cái biết qua lăng kính của tâm Quá khứ, Hiện tại, Vị lai, bị ảnh hưởng của lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tuỳ miên… là những ghiền nghiện đam mê đeo đuổi từ nhiều đời trước cho tới đời này, không thể từ bỏ được. Bên cạnh đó lòng khát ái, ích kỷ, luôn phục vụ cho cái Ngã tức cái Ta nên luôn có thành kiến, thiên kiến, định kiến, tham, sân, si... đối với người khác. Người sống trong cái biết này, tâm luôn luôn bị dao động, dính mắc, phiền não, khổ đau và tạo nghiệp. Dù tạo nghiệp tốt hay xấu đều phải chịu luân hồi sinh tử để vay trả, trả vay!

          2) Biết không lời: Là cái biết bẩm sinh, không cần học hỏi, không cần suy nghĩ, không cần kinh nghiệm. Là cái biết không nội dung, biết tổng thể, biết thường hằng. Đó là cái biết không lời của Tánh Giác. Vì không lời nên lậu hoặc, tập khí bị cô lập, tâm yên lặng (tranquility), tĩnh lặng (calmness) và thanh thản (serenity). Người sống trong Tánh Giác là người sống Tỉnh Thức không bị gió đời lôi kéo làm khổ. Tánh Giác gồm các Tánh thấy, Tánh nghe, Tánh xúc chạm và Tánh nhận thức biết.

          Cái biết trong nhà Phật là cái biết từ thấp lên cao tuỳ theo kinh nghiệm tu tập của hành giả. Bước đầu là cái biết của người mới tỉnh ngộ còn xử dụng cái biết có lời để học hỏighi nhận pháp Phật. Sau đó thực tập chuyển sang Biết Không Lời rồi Thầm Nhận Biết Không Lời, Tỉnh Thức Biết Không Lời, cao hơn hết là Nhận Thức Biết Không Lời tương đương với Nhận thức Biết của Tâm Như hay Tâm Phật. Còn Thầm Nhận Biết, Tỉnh Thức Biết là cái biết của Tánh Giác hay tâm bậc Thánh.

          Đọc tiểu sử của đức Phật, chúng ta thấy mọi người xưng tụng Ngài là bậc Đại Giác Ngộ, là bậc Tỉnh Thức. Tỉnh thức ở đây là Tỉnh thức toàn vẹn, Tỉnh thức trên mọi phương diện, Tỉnh thức cao nhất không ai tỉnh thức hơn Ngài. Vì thế chỉ có Ngài là vị Phật trên thế gian này mà thôi!

          Trạng thái tâm của bậc Tỉnh Thức luôn bất động định tĩnh, không vướng mắc một điều gì, trong tâm đó chỉ có một dòng trí tuệ tâm linh vượt không gian thời gian và luôn toả ra từ trường tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả... khiến cho những ai đến gần cảm thấy được bình an hạnh phúc.

III. NGUỒN GỐC BIẾT / NIỆM / CHÁNH NIỆM

           Trong Thiền học, từ biết được gọi là niệm. Niệm tiếng Pali là Sati, tiếng Sanskrit là Smrti/Smriti. Tại sao lại phải nói tới hai thứ tiếng Pali và Sanskrit? Đó là vì trong kinh điển Phật Giáo có hai bộ kinh lớn. Bộ kinh Nikàya xử dụng tiếng Pãli, xuất hiện trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ III khoảng 236 năm sau khi đức Phật nhập diệt (trước Công nguyên dưới thời vua A-Dục), và bộ kinh Àgama tức kinh A-Hàm xử dụng tiếng Sanskrit, trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV, khoảng 500 năm sau khi đức Phật nhập diệt (trước Công Nguyên dưới thời vua Ca-Nị-Sắc). Cố Hoà Thượng Thích Minh Châu khi dịch bộ kinh Nikàya sang tiếng Việt. Chữ Sati (tiếng Pàli) có nghĩa là "Niệm", Ngài dịch là "Chánh Niệm".  Thực ra, nếu "Chánh Niệm" thì phải là "Sammà Sati". Thí dụ một chữ khác là "Sati Sampajanna" nghĩa là "Niệm Tỉnh Giác" thì Ngài dịch là "Chánh Niệm Tỉnh Giác".

          Từ Chánh Niệm này rất phổ thông. Khi chúng ta đọc hai từ Chánh Niệm này, thì nên hiểu đó là niệm biết không lời, là chức năng của Tánh Giác chứ không phải là chánh niệm đối nghịch với tà niệm. Còn suy nghĩ lăng xăng hết chuyện này đến chuyện khác gọi là thất niệm hay vọng niệm. Vọng niệm chỉ cái Biết Có Lời của Tâm ba thời.

           Như vậy theo Thiền học, người "sống tỉnh thức" là người luôn sống với "cái biết không lời" tức sống hay an trú trong "Chánh Niệm". Có nghĩa là khi mắt nhìn, tai nghe, thân xúc chạm đối tượng, biết như thật, biết cái đang là của đối tượng. Chấm dứt. Không thêm bớt khen chê gì cả! 

III.  THẾ NÀO LÀ SỐNG TRONG CHÁNH NIỆM?

          Trong kinh đức Phật có dạy: "Này các Tỷ-kheo các ông hãy sống trong Chánh Niệm. Thế nào là Chánh Niệm. Đó là đi biết đi, ăn biết ăn, uống biết uống, đắp y biết đắp y; v.v… ". Nghĩa là khi làm gì biết đang làm việc ấy, không suy nghĩ đến chuyện khác. Như vậy là sống trong Niệm Biết Không Lời tức sống trong Chánh Niệm.

          Khi giác quan tiếp xúc đối tượng, nếu hành giả không giữ cái biết đang là, bị đối tượng dẫn đi tức là mình đang thất niệm, không tỉnh thức. Trong kinh Phật dạy tu tập "thu thúc lục căn" là nói đến tình trạng này. Khi sáu căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý tiếp xúc với sáu trần, tức sáu cảnh: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp ... mình phải thu thúc lục căn, nghĩa là giữ chánh niệm, không để sáu căn bị sáu trần dẫn dắt sinh ra những phản ứng thương ghét trong tâm.

          Do đó, khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, mình giữ cái biết như thật về đối tượng, tức cái biết khách quan, cái biết đang là của đối tượng, không so sánh, khen chê. Nếu biết mà phân biệt khen chê, đó là mình đang xử dụng cái biết của tâm Hiện Tại tức Ý thức. Nếu đối tượng đã quen mình từ trước, bây giờ gặp lại, suy nghĩ những chuyện cũ, sinh buồn giận thì mình đang xử dụng cái biết của tâm Quá Khứ tức Ý Căn. Còn như gặp đối tượng mình suy luận, suy đoán, nghĩ đến chuyện hợp tác với đối tượng làm chuyện này, chuyện nọ… trong tương lai, đó là mình đang xử dụng tâm Tương Lai tức Trí Năng.

          Khi biết tâm mình phóng đi, thì mình phải quay về với Chánh niệm để mang Tâm về với Thân, nghĩa là quay về với chủ đề Biết Như Thật về đối tượng.

          Người sống trong Chánh Niệm là người sống trong hạnh phúc, bởi vì người đó không bị dằn vặt khổ đau vì tiếc nuối quá khứ, không mong cầu tương lai tức không sống với ảo tưởng nên không rơi vào trạng thái thất vọng, không đắm say dính mắc với những ham muốn hiện tại cầu thoả mãn: tài, sắc, danh, thực, thuỳ nên không khổ.

          Trong bài kinh "Nhất Dạ Hiền Giả", đức Phật dạy rằng: "Quá Khứ không truy tìm. Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận.  Tương lai lại chưa đến. Chỉ có pháp hiện tại. Tuệ quán chính là đây. Không động không rung chuyển. Biết vậy nên tu tập. Hôm nay nhiệt tâm làm. Ai biết chết ngày mai. Không ai điều đình được. Với đại quân thần chết. Trú như vậy nhiệt tâm. Đêm ngày không mệt mỏi. Xứng gọi nhất dạ hiền. Bậc an tịnh trầm lặng."

          Bài Kinh ngắn này, đức Phật khuyên chúng ta không nên truy tìm lại cảm thọ vui buồn hạnh phúc hay đau khổ, không đắm chìm với những sự suy nghĩ hay tâm trạng của chúng ta từ quá khứ. Cũng không tưởng tượng đến cuộc sống huy hoàng nào đó trong tương lai, hoặc dính mắc với những ham muốn tiền tài danh vọng ở hiện tại, mà chỉ nên sống trong chánh niệm, tức sống trong cái biết không lời, bây giờ và ở đây của Tánh Giác. Bởi vì thần chết đến với chúng ta bất cứ lúc nào, chúng ta không hề biết.

          Thực vậy, mỗi đêm lên giường ngủ, sáng mở mắt, vận động tốt, mới biết mình còn sống. Cho nên lúc nào cũng phải sống trong tỉnh thức. Chúng ta biết rằng khi Chánh Niệm có mặt thì năng lượng Phật có mặt, tâm mình an nhiên tự tại. Khi mất Chánh Niệm tức thất niệm thì năng lượng chúng sanh có mặt, tâm chúng sanh thì luôn xáo trộn, dính mắc, lo âu, sợ hãi.

Khi sống trong Chánh Niệm vững chắc thì Tuệ Quán chính là đây, không động không rung chuyển. Tâm mình không động, không rung chuyển khi bị tám ngọn gió đời là những ngọn gió của Lợi-suy, Huỷ-dự, Xưng-cơ, Lạc-Khổ (thành công, thất bại, bị sỉ nhục hay được đề cao danh dự, nói tốt khen tặng hay chê bai gièm pha, vừa ý thì vui, không vừa ý thì khổ) thổi trúng.

          Khi Chánh Niệm có mặt thì mình có hạnh phúc. Khi mình có hạnh phúc thì mình mới có đủ năng lựclòng từ bi san sẻ với người khác. Tâm và thân mình hài hoà thì mình mới hài hoà với người xung quanh. Ngược lại thân đau tâm bệnh thì mình là con người bệnh hoạn mệt mỏi chán đời, gặp ai mình cũng buồn phiền nhăn nhó khó chịu nên rất dễ tạo nghiệp.

          Tóm lại, Chánh niệmcông năng tiêu trừ mọi dính mắc. Không dính mắc nên không bị những áp lực, hay những trói buộc từ bên ngoài ảnh hưởng đến tâm của mình. Trạng thái Tâm của người "sống trong Chánh niệm hay "sống tỉnh thức" được nhẹ nhàng, thanh thản an vui hạnh phúc.

 IV. LÀM SAO SỐNG TRONG CHÁNH NIỆM / TỈNH THỨC?

          Về phương diện hoằng pháp đức Phật giảng dạy nhắm vào 2 điểm quan trọng là: Đào thải Lậu hoặc và phát triển trí tuệ tâm linh bằng các pháp như sau:

          1) Tam vô lậu học: Giới-Định-Huệ: Là giữ giới, thực hành thiền Định cô lập lậu hoặc, phát huy trí huệ

          2) Tam tuệ học: Văn-Tư-Tu: Văn tuệ: Nghe nhiều bằng Tánh Nhận Thức để có trí huệ. Tư tuệ: Là suy nghĩ biết cái nào đúng cái nào sai. Tu tuệ: Tứ vô lượng tâm, đề cao tâm Xả là trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, thuật ngữ gọi là Tâm Như.

          3) Pháp siêu lý luận: Thực tập các phương pháp tác động thẳng vào Tánh Nghe, Tánh Thấy, Tánh Xúc Chạm, Tánh Nhận Thức.

          Ngoài ra, Đức Phật dạy nhiều phương thức tu tập khác như: Quán, Chỉ, Định, Huệ.

          1. Quán/ Anupassanà: Bằng mắt tâm (tuệ tri) nhìn liên tục hiện tượng thế gian nhận ra "Vô thường, Khổ/xung đột, Vô ngã". Chuyển đổi Nhận thức, chuyển đổi tâm, chuyển hoá nghiệp.

          2. Chỉ/Samatha: Tu tập giúp tâm yên lặng để đi đến định.

          3. Định/Samàdhi: Tâm không lời vững chắc.

          4. Huệ/Vipassanà (ở mức độ thấp, insight): Quan sát đối tượng biết như thật về đối tượng. Từ đó tu tập cao hơn có kinh nghiệm Panna/Prajna (Huệ Bát Nhã/ wisdom).

V. VÀI CHIÊU THỨC THỰC TẬP GIỮ CHÁNH NIỆM

          1. Thực tập bằng mắt, kích thích Tánh Thấy:

- Nhắm mắt, mở mắt nhìn, không kịp gọi tên, không kịp định màu sắc, thấy biết tổng quát, vật thế nào thấy y như vậy, thấy không khen chê, không gọi tên...   Cái thấy biết này là cái lóe sáng đầu tiên không nội dung của Tánh Giác.

- Nhìn lướt quang cảnh, nhìn qua nhìn lại,  như nhìn lớp học chẳng hạn, tâm chưa kịp ghi nhận rõ ràng chi tiết nên trong đầu không kịp suy nghĩ.

- Cao hơn là nhìn chằm chằm vào một đối tượng. Thí dụ như nhìn bình bông, biết đó là bình bông, trong đầu yên lặng, không gọi tên, không phê bình, không suy nghĩ. Nhìn như vậy tín hiệu không lời tác động vào Tánh Thấy.

           2. Dùng tai nghe, kích thích Tánh Nghe: Nghe tiếng chuông, nghe chỉ biết nghe, không theo dõi nghĩa là không chờ đợi tiếng chuông, không nói thầm tiếng chuông dài hay ngắn, thanh hay thô. Chỉ nghe thôi. Tín hiệu nghe biết lặng lẽ tác động vào Tánh Nghe.

          3. Thư giãn lưỡi tác động vào Tánh Xúc Chạm: Đầu lưỡi hơi thụt vào, để lồng bồng trong vòm miệng, gá ý thư giãn, trong đầu không nghĩ gì hết chỉ giữ niệm biết đang thư giãn. Tín hiệu yên lặng tác động vào Tánh Xúc Chạm.

          Những chiêu thức này giúp hành giả biết rõ ràng khi giác quan tiếp xúc đối tượng nhưng vẫn giữ niệm yên lặng. Tâm yên lặng, nhưng chưa hoàn toàn vững chắc gọi là Samatha tức thiền Chỉ, là bước đầu của thiền Định (Samàdhi).

VI. KẾT LUẬN

          Qua đề tài Sống Tỉnh Thức, điểm quan trọng là chúng ta phải hiểu và nhận ra trong tâm của chúng ta có hai cái Biết.

Thứ nhất: Biết Có Lời là Cái Biết của Vọng Tâm

Thứ hai: Biết Không Lời là cái biết của Tánh Giác.

Làm việc gì chúng ta cũng giữ cái Biết lặng lẽ thầm lặng thì Tánh Giác sẽ hiển lộ. Tánh Giác được tác động thường xuyên thì một ngày nào đó tiềm năng giác ngộ sẽ kiến giải cho chúng ta những điều mới lạ. Bấy giờ chúng ta mới bắt đầu nếm được hương vị của chiếc bánh thiền.

          Đồng thời khi Tâm yên lặng, tín hiệu tác động vào Đối Giao Cảm Thần Kinh tiết ra các chất sinh hoá học tốt giúp hài hoà nội tạng, ngăn ngừađiều chỉnh các chứng bệnh tâm thể là những chứng bệnh do xáo trộn tâm lý, mà chúng ta thường nghe nói là những căn bệnh thời đại như: bệnh tim mạch, heart attach, tai biến mạch máu não, stroke, bệnh mập phì, bệnh đường trong máu, mất ký ức, bệnh alzheimer, bệnh ảo giác, và sau cùng đi đến ung thư v.v...

          Tóm lại, người "sống tỉnh thức" là người sống có trí tuệ, nhờ tu tập thiền định giúp cho thân tâm họ được hài hoà. Thân tâm hài hoà thì cuộc sống luôn vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc. Hạnh phúc từ trong tâm biểu lộ ra phong thái, lời ăn, tiếng nói, đời sống đạo đức của họ ảnh hưởng tốt đến những người xung quanh từ trong gia đình con cái đến cộng đồng xã hội. Người ấy sẽ vui vẻ dấn thân giúp đỡ những người khác không mệt mỏi trên nhiều phương diện. Sống như thế mới là sống xứng đáng, sống biết ơn được sanh làm người và may mắn được gặp Phật pháp.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

(Giảng tại chùa Địa Tạng Canada tháng 6/ 2016)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.