Thư Viện Hoa Sen

Chương III: Nhất Kỳ Vô Thường và Sát-Na Vô Thường

09/07/20214:33 SA(Xem: 6016)
Chương III: Nhất Kỳ Vô Thường và Sát-Na Vô Thường
VÔ THƯỜNG VÀ GIẢI THOÁT ĐẠO
Thượng Tọa Thích Minh Quang 
Nhà xuất bản Bồ Đề Tâm
Tu Viện Thiện Tường, Champagne, IL 61824

Chương III

Nhất Kỳ Vô Thường Và Sát-Na Vô Thường

    Nhất kỳ vô thường

    Trong Phật Pháp, vô thường có chia làm nhất kỳ vô thường hay tương tục vô thường và sát-na vô thường hay niệm niệm vô thườngNhất kỳ vô thường hay tương tục vô thường là nói vạn vật tuy có tướng tương tục một thời kỳ, nhưng đó chỉ là tạm bợ, cuối cùng cũng thay đổi, biến hoại. Nhìn ở góc độ nhân sinh, con người trải qua bốn thời kỳ vô thường, đó là sinh, già, bệnh, chết. Đây chính là tướng khổ của thế gian. Khi chúng ta oa oa khóc tiếng khóc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay gọi đó là sinh. (Theo Phật Pháp, giây phút tái sinh vào thai mẹ đã gọi là sinh). Cũng vậy, từ khi tuổi trẻ da sáng tóc xanh đến lúc tuổi già da mồi tóc bạc chúng ta gọi đó là già. Còn khi tứ đại bất hòa, có những triệu chứng bất an, chúng ta gọi đó là bệnh; rồi khi trút hơi thở cuối cùng, không còn sự sống, chúng ta gọi đó là tử.

    Đây chính là nhất kỳ vô thường hay tương tục vô thường, vì từ sinh đến tử, từ trẻ đến già, từ khỏe mạnh đến yếu đau…, dường như có tướng sinh, già, bệnh, chết tồn tại tương tục trong một thời kỳ hoặc dài hoặc ngắn.  Đây là tri thức phổ thông của nhân loại.

 

    Sát-na vô thường

    Nhưng nhìn sâu sắc hơn, già đâu phải đợi đến khi tóc bạc da nhăn, bệnh không giới hạn khi thân thể cảm thấy bất an, phải uống thuốc hay nằm bệnh viện, và cái chết không chỉ xảy ra khi mình nhắm mắt xuôi tay. Thực ra, chúng ta đang sinh, đang già, đang bệnh và đang chết dù mình có ý thức về nó hay không. Mỗi phút mỗi giây, có bao nhiêu tế bào cũ trong thân chúng ta chết đi và bao nhiêu tế bào mới tái sinh trở lại. Thân đã vậy mà tâm càng như vậy. Tâm ý chúng ta thay đổi mau chóng, từ ý nghĩ, tư tưởng…cho đến tình cảm v.v….

   Cho nên, trong mỗi sát-na (đơn vị thời gian cực kỳ ngắn) thân và tâm của chúng ta không ngừng sinh diệt, liên tục sinh, già, bệnh, chết như dòng sông trôi mãi không dừng. Tên con sông tuy không thay đổi nhưng dòng sông sát-na trước đã khác với dòng sông sát-na bây giờ. Ngay cả, khi mình khởi niệm hay gọi “bây giờ” thì bây giờ đã không còn là “bây giờ” nữa! Đó gọi là sát-na vô thường hay niệm niệm vô thường.

Đức Phật đã dùng nhiều ví dụ để nói đến sát-na vô thường. Trong kinh, thường dùng hình ảnh đàn cá mắc cạn, đàn bò đang bị lùa đi đến lò sát sinh…để dụ cho sự thực này. Như trong Kinh Xuất Diệu, đức Phật bảo:

                 

                  Ngày nay đã qua
                  Mạng sống lần giảm
                  Như cá thiếu nước
                  Nào có vui gì?[1]

    Trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ cũng nói:

                Ví như người cầm gậy
               Chăn dắt đàn bò si
               Già chết cũng như vậy
               Đang lùa mạng sống đi.
                       ***

               Trăm ngàn không có một
               Trai gái dòng họ nào
               Tài sản nhiều biết bao
               Mà tránh khỏi già chết.
                      ***

               Sự sống ngày lẫn đêm
               Sinh mạng tự lần giảm
               Tuổi thọ luôn tiêu mòn
               Như nước ao rút cạn.[2]

    Thực ra, vì sát-na vô thường nên mới có nhất kỳ vô thườngNhất kỳ vô thường chỉ là biểu tướng của sát-na vô thường, vì mỗi phút, mỗi giây… thân tâm chúng ta đều luôn biến đổi, nên mới có tướng già như tóc bạc da mồi…, tướng bệnh như thân thể trục trặc đau nhức…, và tướng chết như hơi thở không còn, thần thức phân tán. Nói khác đi, già, bệnh, chết của nhất kỳ vô thường là kết quả của quá trình vô thường biến đổi không ngừng. Chẳng qua, vì quá trình thay đổi này xảy ra quá nhỏ nhiệm vi tế, nên bình thường chúng ta khó phát hiện ra.

    Vì vậy, đứng về mặt sát-na sinh diệt nhìn, mình ngày hôm qua không phải là mình ngày hôm nay và càng không phải mình ngày mai. Ngay cả mình giây phút trước không phải mình ở giây phút này và càng không phải mình ở giây phút sau. Vậy mình là ai? Hay chỉ là vọng tưởng chấp ngã? Quán chiếu như vậy giúp chúng ta xa lìa ngã chấp.

    Đứng về mặt thứ lớp giáo hóa, đức Phật trước nói về nhất kỳ vô thường là điều chúng sinh dễ nhận biết, sau mới nói đến sát-na vô thường là đạo lý vi tế khó thấy hơn. Quán sáttư duy về nhất kỳ vô thường, hay tướng trạng già, bệnh, chết của nhân sinh, giúp chúng ta cảnh giác vô thường, phát tâm xuất ly, cầu đạo giải thoát. Cho nên, đức Phật và chư tổ thường dùng tướng già, bệnh, chết để cảnh tỉnh và sách tấn người tu. Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu tướng trạng vô thường: già, bệnh, chết…để tự cảnh tỉnh mình. 

    Tướng khổ của thế gian

    Trong Kinh Vô Thường, đức Phật dạy:

         Có ba pháp trong thế gian không khả ái, không xán lạn, không đáng nhớ, không xứng ý. Những gì là ba?  Đó gọi là già, bệnh, chết. Này các thầy Tỳ-kheo, già, bệnh, chết này nơi thế gian thực không khả ái, thực  không xán lạn, thực không đáng nhớ, thực không xứng ý. Nếu thế gian không có già, bệnh, chết thì Như  Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác sẽ không ra đời vì chúng sinh nói Pháp mà mình chứng ngộ cũng như   việc điều phục [già, bệnh, chết]. Cho nên, nên biết già, bệnh, chết là điều không khả ái, không xán lạn, không đáng nhớ, không xứng ý. Do ba điều này, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác xuất hiện trong đời  vì chúng sinh nói Pháp mà mình chứng ngộ và việc điều phục [già, bệnh, chết].[3]

    Cho nên, già, bệnh, chết là điều mà nhiều người trong thế gian cho là mặt trái của cuộc đời, đem lại đau khổsợ hãi nên không muốn đối diện, nhưng muốn giải thoátgiác ngộ, người con Phật cần phải can đảm đối diệnquán chiếu vô thường. Vô thường đau khổ thực sự không phải là mặt trái của cuộc đời, mà nó chính là sự thực của cuộc đời! Chính vì đời đau khổ đức Phật mới ra đời chỉ cho chúng ta con đường giải thoát. Cũng như ngôi nhà của các con ở đang bốc cháy, người cha mới thương xót cảnh báo và kêu gọi các con mau chạy thoát ra ngoài. Nếu không tỉnh thức cuộc đờivô thường đau khổ, chúng ta sẽ như những đứa con ham vui trong căn nhà lửa, không ý thức hiểm họa cận kề, không thể nào thoát khỏi khổ đau. Vì vậy, thay vì sợ hãi già, bệnh, chết, chúng ta hãy đối diện, tư duy quán chiếu chúng để có thể giác ngộ, giải thoát. Trước hết, chúng ta hãy tư duy quán chiếu về tuổi già.

    Vâng, tuổi già thực sự khiến người bước qua “bên kia đồi” (over the hill) của kiếp nhân sinh. Sức khỏe, trí nhớ và khả năng hoạt động đều suy giảm đáng kể. Nhiều người còn phải sống trơ trọicô đơn lúc tuổi xế chiều:

             

             Tuổi già lụm cụm ốm đau hoài
             Tóc bạc da mồi trí lãng sai
             Tay yếu chân mềm nhờ giúp đỡ
             Lưng còng gối mỏi sống qua ngày.
             Tinh thần lụn bại, tâm suy nhược
             Vật chất suy đồi, trí lãng sai.
             Tật bệnh rình chờ như cướp dữ
             Tồi tàn, thui thủi tợ đêm dài.

   Đã vậy rồi, tuổi già còn gắn liền với tật bệnh. Khi còn trẻ, vấn đề chúng ta quan tâm nhất có lẽ là sắc đẹp, tiền tài và địa vị. Phụ nữ trẻ đi đâu trong ví cũng mang theo gương lược, son phấn, viết chì kẻ mắt…. Họ gặp nhau thường bàn chuyện tình cảm yêu đương hay mua sắm, còn đàn ông gặp nhau thì hay nói chuyện làm ăn, vui chơi…. Nhưng đến lúc tuổi già, có nhiều bệnh tật yếu đau, không luận là nam hay nữ, đi đâu chúng ta lúc nào cũng mang theo túi thuốc! Trong giỏ xách không còn son phấn nữa, thay vào đó là thuốc cao huyết áp, thuốc giảm cholesterol, thuốc tiểu đường, thuốc đau nhức v.v…. Đối với một số người, khi trở về già, họ không còn mang vòng vàng và đồ trang sức trên người nữa; thay vào đó là máy trợ tim (pacemaker) trong lồng ngực hay đồ kim loại thay thế vài bộ phận đã hỏng trong thân!

   Đề tài đàm luận của người già khi gặp nhau cũng thay đổi. Họ sẽ hỏi nhau nhiều về bệnh tật, thuốc men và bác sĩ. Thay vì giới thiệu cho nhau chỗ nào chơi vui hay ăn ngon như lúc trẻ, họ lại mách nhau những bài thuốc dân gian, hay tên những bác sĩ mà họ biết. Đây là vì, lúc lớn tuổi, thân thể đau nhức, sức khỏe yếu kém không còn muốn đi chơi đâu xa. Lại nữa, lúc già dù có tiền nhưng ăn uống không còn nhiều và ngon như xưa; ăn cái gì cũng lo sợ, kiêng khem, không biết có nhiều mỡ, nhiều đường và nhiều muối không? Có người dí dỏm bảo rằng, khi về già, con người cái gì cũng suy giảm, chỉ trừ có ba cái càng già là càng “cao”, đó là cao mỡ, cao đường và cao máu! Người già chỉ có một cái “thấp”, nếu có, đó chính là thấp khớp!

    Song không phải đợi đến già mới có bệnh. Bệnh tật có thể xảy ra với bất cứ mọi ai và ở mọi lứa tuổi. Tuổi giàbệnh khổ đã đành, còn trẻ mà bệnh khổ khiến người lỡ dỡ sự nghiệp, tan tành mộng ước, thì nỗi khổ niềm đau đó còn tăng thêm gấp bội. Bút giả quen biết một gia đình Phật tử ở Portland, Oregon. Gia đình này có một người con trai học rất giỏi, luôn được học bổng không phải tốn tiền lúc đi học. Anh ra trường luật, có bằng luật sư, hứa hẹn một tương lai xán lạn phía trước. Nhưng chưa kịp hành nghề, anh ta bỗng dưng phát bệnh tâm thần. Gia đình ban đầu để ở nhà chăm sóc, sau đó vì bệnh trở nặng, lại thêm không ai chăm sóc nổi, nên mẹ và chị phải đưa anh vào điều trị nội trú tại một bệnh viện tâm thần địa phương. Thế là, bệnh tật đã hủy hoại đi một tương lai xán lạn của một người trẻ tuổi đầy tài năng và nhiệt huyết. Cho nên, bệnh thực sự là nỗi khổ lớn của nhân sinh:

                  Bệnh tật đeo theo để khổ đời
                  Con người vì bệnh phải mòn hơi

                  Bệnh xui quân tử không tròn chí
                  Bệnh khiến nam nhi phải lỡ thời
                  Bệnh biến trần gian thành địa ngục
                  Bệnh mờ non nước, áng mây trời
                  Phải chăng không bệnh là hy hữu
                  Nên mộng xuân hồng phải tả tơi!

    Bệnh tật không lành thường là nguyên nhân chính đưa đến cái chết, điểm tận cùng của một kiếp người. Với bản năng tham sống sợ chết của con người, cái chết là điều hết sức đáng sợ. Cái chết lấy đi tất cả mọi thứ của con người, từ tiền tài, danh vọng, địa vị cho đến quyến thuộc thân thương…. Cả một đời vất vả gom góp và tranh đấu để xây dựng nên những thứ thuộc về ta và của ta, bỗng dưng phải đối diện cái chết, ai mà không bàng hoàng lo sợ hay nuối tiếc không đành? Tâm tham chấp càng lớn, khi đối diện cái chết lại càng sợ hãiđau khổ. Cho nên, khi đối diện cái chết, con người không chỉ bị bệnh tật hành hạ phần thân mà còn bị sự nuối tiếc và sợ hãi hành hạ phần tâm. Trong Văn Cảnh Sách, tổ Quy Sơn đã tả thực tâm cảnh của người không biết tu khi hấp hối trên giường bệnh: “Một mai bệnh nặng tại giường, các khổ vây quanh bức ngặt. Sớm chiều lo nghĩ, sợ hãi bàng hoàng. Đường trước mịt mờ, không biết về đâu!”[4]  Cho nên, một nhà thơ đã tả thực cái chết:

             Chết là lìa bỏ những người thương
          Trước lúc chia ly nỗi đoạn trường
          Não dạ giã từ con hiếu thảo
          Đau lòng ly biệt vợ hiền lương
          Mãi lo gia nghiệp thành cơ sở
          Chẳng chút đạo tâm ngại bước đường
          Hắc ám bao trùm miền lạnh lẽo
          Thẫn thờ, vô định khổ sầu vương!

    Vâng, đời người rồi ai cũng chết, nhưng có những cái chết trong sợ hãi bàng hoàng, cũng có những cái chết thanh thản trang nghiêm như các vị thiền sư:
                         Sinh như đắp chăn bông
                     Tử như cởi áo hạ.

                  Hay:

                     Cho dù ngày mai tận thế
                     Đêm nay sen vẫn gieo trồng
                     Đem lòng gió mát trăng thanh
                     Xưng tán A-di-đà Phật!

   Muốn được như vậy, thay vì tránh né, chúng ta cần phải đối diện già, bệnh, chết. Hãy lấy già, bệnh, chết làm đề tài thiền quán, xem đây là cơ hội giúp ta tỉnh thức vô thường, phát tâm xuất ly, và tu tập đến giải thoát giác ngộ. Nếu Thái tử Tất-đạt-đa ngày xưa không đối diệntư duy về vô thường già, bệnh, chết khi đi dạo nơi bốn cửa thành Ca-tỳ-la-vệ, thì làm sao Ngài có thể thâm ngộ vô thường, phát tâm xuất giacuối cùng thành Đạo Vô Thượng? Cho nên, thay vì sợ hãi già, bệnh, chết, chúng ta hãy học an nhiên tiếp nhận, tri ân vô thường, xem đây là cơ hội giúp chúng ta tinh tấn tu học hướng đến giải thoát.

    Tri ân vô thường

    Nếu thế gian không có vô thường: già, bệnh, chết, có lẽ không ai biết tu hành. Cho nên, là người con Phật chân chính, chúng ta phải biết tri ân vô thường, vì già, bệnh, chết chính là thiện tri thức thức tỉnh chúng ta, giúp mình tinh tấn tu tập, cầu đạo giải thoát.

   Cõi trời có phước hơn nhiều so với cõi người về mặt hưởng thụ vật chấtthọ mạng lâu dài. Nhưng đức Phật lại tán thán thân người khó được, còn đáng quý hơn thân trời vì dễ giác ngộ vô thường già, bệnh, chết để có thể tu tập đạo giải thoát. Thực ra, theo Phật Pháp, sinh ở cõi trời Trường Thọ Thiên, nơi thọ mạng lâu dài lại trở thành một nạn trong tám nạn, chướng ngại người tu đạo giải thoát. Cho nên, thay vì sợ hãi vô thường, chúng ta phải tập đối diện vô thường, quán chiếu vô thườngtri ân vô thường. Vô thường chẳng những là đề tài thiền quán, là “công án hiện thành”, giúp chúng ta giải thoát, giác ngộ, mà còn là bài học cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta biết trân quý những gì mình đang có và cố gắng nỗ lực tu tập để không phí được phước duyên làm người, nghe được Phật Pháp.

    Mạng người trong hơi thở

   Tuổi trẻ sức mạnh, nhiều mơ ước và dục vọng, chúng ta còn bận lo công danh sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, ít khi nghĩ đến tìm cầu chân lý, học đạo giải thoát.  Thực ra, cái chết không hẹn cùng người, không luận già trẻ, sang hèn, có bệnh hay không, mình đều có thể chết bất cứ lúc nào. Đừng nghĩ rằng mình nhất định sẽ sống đến bảy, tám hay chín mươi tuổi, bây giờ còn trẻ, từ từ sẽ tu. Thực tế cuộc đời cho biết, bệnh nan y như ung thư hay aids, bệnh cấp tính như đột quỵ (heart attack) hay tai biến mạch máu não (stroke), tai nạn máy bay, xe cộ, cướp bóc, chiến tranh…, đều có thể cướp lấy sinh mạng chúng ta bất cứ lúc nào. Trong cuộc sống, chúng ta đã gặp biết bao cái chết bất ngờ, không ít cảnh đầu bạc đưa tiễn đầu xanh. Cho nên, đời người không phải dài ngắn bao nhiêu năm, mà đời người chỉ trong hơi thở! Một hơi thở ra không trở vào là đã sang đời khác.

          Xưa đức Phật hỏi một vị Sa-môn:

            -Mạng người trong bao lâu?

          Vị này trả lời:

            -Trong khoảng vài ngày.

          Đức Phật bảo: “Ông chưa thể tu Đạo.”

          Đức Phật lại hỏi một thầy khác:

            -Mạng người trong bao lâu?

          Vị này trả lời:

             -Trong khoảng bữa ăn.

         Đức Phật cũng bảo: “Ông chưa thể tu Đạo.”

         Ngài lại hỏi một thầy nữa:

             -Mạng người trong bao lâu?

         Vị này đáp:

             -Trong khoảng hơi thở!

         Đức Phật tán thán: “Lành thay! Ông có thể gọi là người biết tu Đạo.”[5]

   Như vậy, người biết tu là người luôn tỉnh thức trước sự sống mong manh, mạng người chỉ trong hơi thở để tinh tấn tu tập. Ai không chánh niệm điều này, người đó “chưa thể tu Đạo.”

   Nhiều người trong chúng ta dù biết Phật Pháp là đáng quý, nên tu tập, nhưng lại nghĩ cái chết vẫn còn xa lắm, từ từ hãy tu. Đó chính là lý do khiến mình giải đãi, hẹn lần hẹn lữa, cho đến lúc già bệnh, một việc cũng không thành!

   Nếu biết sống là tạm, còn chết là điều chắc chắn, mạng người trong hơi thở, thì chúng ta sẽ không còn có tâm hẹn, chờ, lần lữa nữa. Xin luôn khắc ghi lời Tổ Quy Sơn nhắc nhở: “Niệm niệm mau chóng, trong khoảng sát-na, dứt hơi tức là đời khác, sao lại nhàn nhã luống qua?”[6]

    Tiếng chuông cảnh tỉnh

    Lúc còn trẻ, phần lớn chúng ta bận rộn học hành, sau đó kiếm việc làm, lo tương lai sự nghiệp, rồi lập gia đình, có con cái. Đời sống con người trở nên bận rộn với bổn phận và trách nhiệm của kẻ làm con, làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà…. Nếu có một chút thời gian rỗi rảnh, chúng ta lại tranh thủ hưởng thụ ngũ dục, như bù đắp lại những vất vả của mình. Nhưng nhiều người đam mê ngũ dục đến mức nghiện ngập hay trác táng. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng tưởng như để giải trí và tìm lại thăng bằng cho thân tâm sau những ngày giờ bận rộn, căng thẳng hay cơ cực bởi công ăn việc làm, không ngờ chỉ đem lại mệt mỏi rã rời cho thể xác, chán chường trống rỗng cho tâm linh, và nhiều khi là sự sợ hãi bất anhậu quả của nó.

                  Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
                  Giật mình, mình lại thương mình xót xa
                  Khi sao phong gấm rủ là
                  Giờ sao tan tác như hoa giữa đường!

                        (Truyện Kiều-Nguyễn Du)

   Cho nên, đôi khi khổ đau của già bệnh và thất bại trong cuộc sống hóa ra lại hay, vì khổ đau này giúp chúng ta thức tỉnh, biết nhìn lại mình. Cũng như một người quá mê ngủ, kêu mãi không thức, cần có một gáo nước lạnh để có thể tỉnh lại! Đây là lý do chư Tổ dạy: “Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh tật, vì không bệnh tật thì dục vọng dễ sinh” (Luận Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội).  Nếu không, chúng ta cứ mãi “sống say chết mộng” (túy sinh mộng tử) với danh lợi và tình cảm thế gian, mà không biết thức tỉnh tu tập.

   Lý Thiệp, một nhà thơ Đời Đường, có bài thơ nổi tiếng:

                 Sống say chết mộng mãi mê mang
                 Chợt nghe xuân hết gắng đăng san
                 Cùng tăng trò chuyện bên sân trúc
                 Trộm được phù sinh nửa buổi nhàn!

                    (Chung nhật hôn hôn túy mộng gian
                     Hốt văn xuân tận cưỡng đăng san
                     Nhân quá trúc viện phùng tăng thoại
                     Thâu đắc phù sinh bán nhật nhàn!)

                                   (Đăng San-Lý Thiệp)

   Vâng, “chợt nghe xuân hết gắng đăng san” đó chính là thức tỉnh vô thường, không những mùa xuân bên ngoài sắp hết mà tuổi xuân của mình cũng không còn! Đây là lúc nhà thơ tìm đến Phật Pháp để có được phút giây thanh thản, an lạc trong tâm hồn. Vì vậy, cả đời bận rộn cơm áo gạo tiền, tình cảm và sự nghiệp, đã đến lúc chúng ta cần dừng lại, đi tìm sự thực nhân sinh, để có được “nửa ngày nhàn” trong kiếp phù sinh như Lý Thiệp.

   Tóm lại, chúng ta phải thường trực quán chiếu, thấy già, bệnh, chết là sự thực của cuộc đời, một phần của sự sống. Nhờ già, bệnh, chết nhiều người trong chúng ta mới biết thức tỉnh tu tập. Nếu không có già, bệnh và chết, có lẽ mình vẫn chưa biết tu, còn mãi miết với danh lợidục vọng thế gian. Vì vậy, thay vì sợ hãi già, bệnh, chết, chúng ta phải chấp nhậntri ân già, bệnh, chết, vị thiện tri thức luôn dạy chúng ta bài kinh vô thường không chữ và nhắc nhở mình tinh tấn tu học.

    Biết trân quý những gì đang có

 

                        Bây giờ rõ mặt đôi ta
                        Biết đâu rồi nữa đã là chiêm bao!
                              (Truyện Kiều-Nguyễn Du)

   Chúng ta đang sống trong hiện tại, nhưng nhiều người lại luôn tiếc nuối về quá khứ hay tơ tưởng ở tương lai, mà không biết trân quý những gì mình đang có trong hiện tại. Được sống sum họp với cha mẹ, vợ chồng, anh em, hay thầy tổ, huynh đệ… là phước báo lớn của chúng ta. Nếu mình không biết sống tốt với những người xung quanh, một mai vô thường đến, sinh ly tử biệt, chúng ta có muốn tìm lại những người thân thương để bù đắp hay nói những lời xin lỗi thì cũng đã muộn. Cho nên, trong khi còn có thể, chúng ta hãy nói và làm những gì có ý nghĩa cho những người mình yêu quý, để không phải hối tiếcmai sau.

   Lại nữa, chúng ta không những xa lìa những người thân yêu, mà cũng phải xa lìa tuổi trẻ, sức khỏe và mạng sống của mình. Cho nên, chúng ta phải biết quý trọng thời giờ, sức khỏetuổi trẻ, dùng đó để tu tập. Nếu còn trẻ không nỗ lực tinh tấn tu học, một mai tuổi lớn, học trước quên sau, ngồi tu một chút là đau nhức khó chịu, đến chừng đó có tiếc nuối thì cũng đã muộn. Cho nên, bài tựa trong Kinh Phạm Võng nhắc nhở:

                    Sắc trẻ không dừng
                    Dường như ngựa chạy;
                    Mạng người vô thường
                    Mau hơn nước thác.
                    Ngày nay tuy còn,
                    Ngày mai khó giữ![7]

   Vì vậy, chúng ta hãy biết quý trọng duyên lành hiện có, nắm lấy cơ hội lúc mình còn trẻ và khỏe để tinh tấn tu học. Trong kinh nói: “Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe, thầy sáng khó gặp, bạn tốt khó gần.” Chúng ta đã có thân người, được nghe Chánh Pháp, lại được gần gũi thầy sáng, bạn lành. Điều chúng ta cần làm là biết trân quý những phước duyên mình đang có để tinh tấn tu học, không cô phụ ân đức của chư Phật và thầy tổ.

   Ngay cả khi bệnh nặng trên giường, chúng ta cũng phải trân quý sinh mạng mong manh còn lại để nỗ lực thiền quán hay niệm Phật, vì đây có thể là cơ hội cuối cùng của đời mình!

 

    Học tha thứ bao dung

   Hơn nữa, trong cuộc sống ngắn ngủi này, nhiều khi chúng ta để cho hờn giận, vô minhphiền não xâm chiếm tâm trí, nói và làm những điều gây đau khổ cho mình và những người xung quanh. Thường thì chúng ta có việc phiền não với những người thân quen mà không phải với những người xa lạ. Cuộc sống gần gũi, chung đụng với nhau, làm sao tránh được ít nhiều va chạm? Người ta bảo chén nằm chung với nhau còn khua, huống chi là người sống chung với người?

   Nhiều khi chúng ta giận hờn một ai đó, giận đến mức mình muốn người đó biến mất trên cuộc đời! Chúng ta thường nghe nhiều người Mỹ nổi giận bảo: “I want to kill you!” Nếu chúng ta biết rằng, không đợi mình giết, người mình muốn giết trước sau gì cũng chết, thì chúng ta sẽ không tức giận đến vậy. Không những người đó chết, mà mình cũng chết! Tất cả chúng ta đều phải chết!

   Đời sống vốn ngắn ngủi, rốt cuộc rồi ai cũng chết. Sống giận hờn, phiền não cũng là một kiếp người; sống an tịnh, vui vẻ cũng là một kiếp người. Chúng ta có quyền chọn lựa cách sống. Vậy tại sao chúng ta không chọn cho mình một cách sống an vui, mà lại chọn một cách sống phiền não?

   Cho nên, một trong những phương pháp đối trị sân hận, hơn thua là quán chiếu vô thường. Kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta quán chiếu vô thường:

                       Khi thấy người bệnh
                       Nguyện cho chúng sinh
                       Biết thân không thật
                       Lìa pháp hơn thua.

                         (Kiến tật bệnh nhân
                          Đương nguyện chúng sinh
                          Tri thân không tịch
                          Ly quai tránh pháp).[8]

    Như cứu lửa cháy đầu

    Đức Phật dạy: “Thân người khó được Phật Pháp khó nghe.” Đời sống con người thực ngắn ngủi. Nếu chúng ta có phước duyên gặp gỡ Phật Pháp, lại không biết trân quý duyên lành để nỗ lực tu tập, một mai mất thân người rồi không biết bao giờ mới gặp lại. Chúng ta tưởng đời sống trăm năm của kiếp ngườilâu dài. Nhưng chư thiêncõi trời Đao Lợi nhìn xuống, trăm năm của kiếp người chỉ ngắn trong một ngày! Cõi trời Đao Lợi nhìn xuống còn như vậy, huống chi là các cõi trời cao hơn?

   Những ai lớn tuổi, thử nhìn lại đời mình trong mấy mươi năm qua, dường như một giấc mộng. Mới ngày nào tuổi trẻ sức mạnh, mơ mộng tương lai, đuổi theo công danh sự nghiệp, rồi lập gia đình, có con cái, bận rộn trăm công ngàn việc…, giờ đây nhìn lại thì tóc đã bạc, da đã nhăn, thân thể suy yếu với đủ mọi bệnh tật! Tất cả chỉ là một giấc mộng kê vàng, mọi việc dường như vừa mới xảy ra:

 

                       Ôi nhân sinh là thế ấy
                       Như bóng đèn, như mây nổi,
                       Như gió thổi, như chiêm bao
                       Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào
                       Vừa tỉnh giấc một nồi kê chưa chín!

                         (Vịnh Nhân Sinh-Nguyễn Công Trứ)

 

   Cho nên, chỉ cần chúng ta đang còn sống là còn có cơ hội quý báu để tu tập đạo giải thoát. Chư tổ từng nhắc nhở chúng ta:

                      Thân người khó được, nay đã được
                      Phật Pháp khó nghe, nay được nghe
                      Thân này nếu chẳng đời nay độ
                      Biết đến đời nào mới độ đây?

                              (Nhân thân nan đắc kim dĩ đắc
                              Phật Pháp nan văn kim dĩ văn
                              Thử thân bất hướng kim sinh độ
                              Cánh hướng hà sinh độ thử thân?)[9]

   Có người tuổi trẻ đã biết tu, có người tuổi già mới biết tu, có người khi bệnh khổ, lúc sắp chết mới biết tu, nhưng chỉ cần biết tu là không bao giờ trễ! Cho nên, người xưa bảo:

                               Biển khổ mênh mông
                               Quay đầu là bờ giác!

Nhưng chúng ta không nên có tâm dễ duôi, hẹn lần hẹn lữa: tuổi trẻ hẹn đến già, lúc bận hẹn lúc rảnh…. Chúng ta sống một ngày là chết đi một ngày, như đàn bò bị lùa đi vào lò thịt, đi một bước là gần đến cái chết một bước. Cho nên, đức Phật và chư tổ cảnh sách:

                              Ngày nay đã qua
                              Mạng sống lần giảm
                             Như cá thiếu nước
                             Nào có vui gì?
                             Đại chúng nên cần tinh tấn
                             Như cứu lửa cháy trên đầu      
                             Luôn nhớ vô thường
                             Cẩn thận, đừng có buông lung![10]

   Tóm lại, vô thường đang xảy ra từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây…. Cho nên, cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào, nếu không sớm phát tâm học Đạo, một mai duyên tốt mất rồi, không biết bao giờ mới gặp lại.

 

     Người chiến sĩ dũng cảm

     Xưa có một chiến sĩ vô cùng dũng cảm. Anh luôn xông pha trước lằn tên mũi đạn và lập được rất nhiều chiến công. Danh tiếng và chiến công của người chiến sĩ dũng cảm này được truyền đến tai vua. Vua cho người mời anh ta đến gặp. Sau khi ban thưởnghỏi thăm, vua hỏi anh có ước vọngđặc biệt không, nếu được vua sẽ giúp anh hoàn thành ước nguyện này. Nghe xong, anh thưa thật với vua rằng mình mắc một chứng bệnh nan y. Vì tưởng thưởng và khích lệ tinh thần phục vụ của anh, vua đã cho ngự y trị liệu bệnh tình.

   Một thời gian sau anh đã được trị dứt chứng bệnh nan y. Nhưng cũng kể từ đó anh không còn dũng cảm nữa. Anh trở nên nhút nhát không còn đi đầu trong mọi mặt trận. Vua nghe được tin này, cảm thấy rất tức giận, liền cho gọi anh đến. Khi gặp người lính này, vua căn vặn: “Tại sao anh lại vong ân phụ nghĩa như vậy? Nhờ ân vua khen thưởng và trị bệnh, lẽ ra anh phải can đảm hơn để đền ơn vua, nhưng sao anh lại trở nên hèn nhát như vậy?”

   Nghe xong, người lính mới thưa thiệt: “Thưa vua, chính vì biết mình đã hết bệnh nan y, không còn phải chết nữa, nên hạ thần trở nên tham sống sợ chết!”

   Qua câu chuyện này, chúng ta thấy chính cái chết đã giúp chàng lính đó đã trở nên dũng cảm. Nếu chúng ta cũng ý thức về cái chết luôn rình rập bên mình, chúng ta liền có thể tinh tấn tu học. Cho nên, đức Phật và chư tổ đều dạy chúng ta phải thường trực nhớ về cái chết để không ngừng nỗ lực tu tập. Đức Phật dạy: “Ngày nay đã qua, mạng sống lần giảm, như cá thiếu nước, nào có vui gì?”[11]Tổ Quy Sơn răn nhắc học chúng: “Vô thường già bệnh chẳng hẹn cùng người, sớm còn tối mất trong sát-na đã qua đời khác. Ví như sương xuân, móc sớm, chợt có liền không; cây bờ dây giếng đâu thể lâu dài, niệm niệm mau chóng, trong một sát-na, dứt hơi tức là đời khác, sao lại nhàn nhã qua ngày?”[12] Đại sư Ấn Quang cũng nhắc nhở: “Chết—một chữ này người học Đạo niệm niệm không quên thì Đạo nghiệp tự nhiên thành tựu!”[13]

----------------------------------------

[1] Kinh Xuất Diệu.《出曜經》「是日已過,命則隨減,如少水魚,斯有何樂」Đại Chánh Tạng 04, kinh số. 212, tr. 616, b13-14.

[2] Thích Minh Quang dịch, Kinh Pháp Cú Thí Dụ, tr. 30-31.

[3]Kinh Vô Thường, Sakya Minh-Quang dịch. Xem phần phụ lục 1 trang 110 trong quyển sách này. Nguyên văn:《佛說無常經》「有三種法。於諸世間。是不可愛。是不光澤。是不可念。是不稱意。何者為三。謂老病死。汝諸苾芻。此老病死。於諸世間。實不可愛。實不光澤。實不可念。實不稱意。若老病死。世間無者。如來應正等覺。不出於世。為諸眾生說所證法及調伏事。是故應知。此老病死。於諸世間。是不可愛。是不光澤。是不可念。是不稱意。由此三事。如來應正等覺。出現於世為諸眾生。說所證法及調伏事。」Đại Chánh Tạng 17, kinh số. 801, tr. 745, c16-25.

[4] Nhất triêu ngọa tật tại sàng, chúng khổ oanh triền bức bách. Hiểu tịch tư thốn, tâm lý hồi hoàng. Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng. 一朝臥病在床。眾苦縈纏逼迫。曉夕思忖。心裏恛惶。前路茫茫。未知何往。Tục Tạng, q. 65, kinh số.1294, tr.471.

[5] Kinh Tứ Thập Nhị Chương.《四十二章經》「佛問諸沙門。人命在幾間。對曰。在數日間。佛言。子未能為道。復問一沙門。人命在幾間。對曰。在飯食間。佛言。子未能為道。復問一沙門。人命在幾間。對曰。呼吸之間。佛言。善哉。子可謂為道者矣」Đại Chánh Tạng 17, kinh số. 784, tr. 724, a1-5.

[6] Truy Môn Cảnh Huấn.《緇門警訓》「念念迅速。一剎那間轉息即是來生。」Đại Chánh Tạng 48, kinh số. 2023, tr. 1042, b26-23.

[7] Kinh Phạm Võng. Nguyên văn:《梵網經》「壯色不停猶如奔馬。人命無常過於山水。今日雖存明亦難保。」Đại Chánh Tạng 24, kinh số. 1484, tr. 1003, a27-28.

[8] Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Tịnh Hạnh, Đại Chánh Tạng 10, kinh số. 279, tr.69.

[9] Nguyên văn:人身難得今已得,佛法難聞今已聞,此身不向今生度,更向何生度此身?

[10] Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy. 《敕修百丈清規》「是日已過命亦隨減。如少水魚斯有何樂。眾等當勤精進如救頭然。但念無常慎勿放逸」Đại Chánh Tạng 48, kinh số. 2025, tr. 1128, c1-2.

[11] Kinh Pháp Cú. Nguyên văn:《法句經》「是日已過,命則隨減,如少水魚,斯有何樂。Đại Chánh Tạng 04, kinh số. 210, tr. 559, a10-27.

[12] Truy Môn Cảnh Huấn. Nguyên văn:《緇門警訓》「無常老病不與人期。朝存夕亡剎那異世。譬如春霜曉露倏忽即無。岸樹井藤豈能長久。念念迅速。一剎那間轉息即是來生。何乃晏然空過。」Đại Chánh Tạng 48, kinh số. 2023, tr. 1042, b24-27.

[13] Ấn Quang Đại Sư Toàn Tập, quyển 5. Nguyên văn:“死:學道之人,念念不忘此字,則道業自成。"

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: