Kết Luận

09/07/20214:34 SA(Xem: 3296)
Kết Luận
VÔ THƯỜNG VÀ GIẢI THOÁT ĐẠO
Thượng Tọa Thích Minh Quang 
Nhà xuất bản Bồ Đề Tâm
Tu Viện Thiện Tường, Champagne, IL 61824

Kết Luận

   Trong Kinh Tạp A-hàm, đức Phật dạy trên đời có bốn loại ngựa dụ cho bốn căn tính giác ngộ vô thường nhanh chậm khác nhau. Loại ngựa thứ nhất chỉ cần thấy bóng roi là biết chạy theo ý chủ. Đây là dụ cho người chỉ cần nghe đến già, bệnh, chết xảy ra cho ai đó liền biết sợ vô thường, phát tâm học Phật, khởi chánh tư duy, tự điều phục trong Chánh Pháp.

   Loại ngựa thứ hai tuy không thể thấy bóng roi liền chạy, nhưng chỉ cần roi chạm đến đuôi liền cảm giác được, cất bước chạy theo ý chủ. Đây là dụ cho người tuy không thể phát tâm tu hành khi nghe nói già, bệnh, chết xảy ra cho ai đó, nhưng khi chứng kiến già, bệnh, chết xảy ra cho những người quen biết liền biết sợ vô thường đau khổ, mà khởi tâm tu tập chánh tư duy.

    Loại ngựa thứ ba phải đợi roi đánh đau đến da thịt, mới giật mình phóng chạy theo sự điều khiển của chủ nhân. Đây là dụ cho người tuy không thể nghe hay thấy già, bệnh, chết của người không quen biết hoặc quen biết để phát tâm tu tập, nhưng khi nghe thấy già, bệnh, chết xảy ra với thầy bạn tốt hay người thân của mình liền biết sợ vô thường, đau khổ, khởi tâm chánh tu duy, tự điều phục mình trong Chánh Pháp.

   Loại ngựa thứ tư không thể thấy bóng roi, bị đánh chạm đuôi, hay đau đến da thịt mới chạy, mà phải dùng dùi sắt đâm lủng da thấu thịt, đau tận xương cốt mới biết giật mình chạy theo sự điều khiển của người cưỡi. Cũng vậy, có những người nghe thấy hay chứng kiến già, bệnh, chết xảy ra cho người khác, bạn bè hay thân thích của mình cũng không biết tu hành. Chỉ khi già, bệnh, chết xảy ra trên thân họ, họ mới sợ hãi vô thường, khởi chánh tư duy, tự điều phục mình trong Chánh Pháp.[1]

   Là người con Phật, chúng ta hãy tự hỏi mình là hạng ngựa nào? Đã ý thức được nỗi đau vô thường chưa? Để có thể tinh tấn nỗ lực thiền quán công phu.

   Già, bệnh, chết là một phần của sự sống. Cho nên, thay vì trốn lánh, không dám đối diện già, bệnh, chết, người học Phật phải nhìn thẳng vào già, bệnh, chết, khám phá bản chất của nó để có thể an nhiên trước già, bệnh, chết. Người tu không phải không già, nhưng già mà không sinh tật. Người tu không phải không bệnh, nhưng thân bệnh mà tâm không bệnh. Người tu không phải không chết, mà là không sợ chết! Đó mới thực sự là mục đích tu hành, chỗ khác nhau của người biết tu và người không biết tu.

    Thực ra, vô thường già, bệnh, chết là bài kinh không chữ, hay vô tự chân kinh, hiện hữu mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần có con mắt chánh kiến và chánh quán, chúng ta có thể đọc tụngtu tập bài kinh không chữ trong mọi hoàn cảnh. Khổng tử nói: “Bốn mùa vận hành, vạn vật sinh trưởng, trời có nói gì đâu? Trời có nói gì đâu?” (Tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai, thiên hà ngôn tai.) Lão tử bảo: “Đạo mà có thể nói ra, không phải là Đạo thường.” (Đạo khả đạo phi thường Đạo). Đức Phật dạy: “Tất cả kinh điển như ngón tay chỉ mặt trăng” hay “Ta thuyết pháp bốn mươi chín năm mà chưa từng nói một lời.” Pháp là chân lý, là sự thật, như mặt trăng vẫn hiện hữu xưa nay. Bài pháp không lời hay bài kinh không chữ này chính là thực tại của nhân sinh. Chỉ cần chúng ta có đủ con mắt trí tuệ là có thể đọc được.

    Ngày xưa khi còn là Thái tử, đức Phật đi dạo bốn cửa thành, thấy cảnh già, bệnh, chết rồi tư duy về nỗi khổ của kiếp người mới phát tâm xuất gia cầu đạo giải thoát. Đó chính là bài kinh không chữ. Bài kinh này không phải chỉ có nơi cửa thành Ca-tỳ-la-vệ hơn hai ngàn sáu trăm năm trước, mà vẫn còn mới nguyên, chưa từng cũ kỹ trong thế kỷ hai mươi mốt của chúng ta và mãi về sau này. Bài kinh này trước khi đức Phật ra đời đã có, sau khi đức Phật nhập diệt vẫn còn, ở mọi lúc mọi nơi nhưng chỉ có những người có trí mới đọc được và những ai phát tâm cầu đạo giải thoát mới có thể vận dụng.

   Còn bài kinh có chữ, được đức Phật hay chư Tăng thuyết giảng, đó là bài kinh phương tiện tùy cơ giúp người. Vì vậy, bài kinh có chữ phải có duyên mới có thể gặp gỡ và được nghe. Còn bài chân kinh không chữ sẵn có mọi lúc mọi nơi. Vậy chúng ta phải bắt đầu đọc bài kinh này từ đâu? Từ nơi chính con người chúng ta. Hay nói khác đi, hãy đọc bài chân kinh vô thường từ nơi thân tâm hay ngũ uẩn của mình bằng đôi mắt tuệ quán.

    Tóm lại, vô thường già, bệnh, chết là công án hiện thành, là đề tài thiền quán sẵn có nơi mỗi con người chúng ta. Chúng ta nhìn người khác già, bệnh, chết như nhìn vào một chiếc gương, để thấy được già, bệnh, chết nơi chính mình. Đó là chỗ công phu của người Phật tử. Đức Phật dạy, nơi ngay thân ngũ uẩn thế gian tập khởi, cũng ngay nơi thân ngũ uẩn này thế gian chấm dứt.

   Quyển sách nhỏ này tóm tắt giáo nghĩa vô thường của bài kinh có chữ. Mong rằng những ai có duyên đọc được, có thể tin hiểu vô thường, phát tâm tu tập, đọc được bài kinh vô thường không chữ ngay nơi thân tâm mình. Được như vậy, chúng ta sẽ dần dần tháo gỡ những lầm chấp khổ đau, cuối cùng được giác ngộ, giải thoát đồng như chư Phật.

 

----------------------------------------------------------

[1] Kinh Tạp A-hàm, Đại Tạng Kinh, q.2, kinh số 922, tr.0234

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 7055)
08/09/2015(Xem: 17923)
05/10/2014(Xem: 21165)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.