- Lời Đầu Sách
- Dẫn Nhập
- Chương I: Phước Đức Đạo, Giải Thoát Đạo và Bồ-Tát Đạo
- Chương II: Quan Niệm Về Vô Thường Theo Thế Gian
- Chương III: Nhất Kỳ Vô Thường và Sát-Na Vô Thường
- Chương IV: Từ Vô Thường Đến Vô Ngã và Giải Thoát
- Chương V: Vô Thường: Sự Thực Không Dễ Chấp Nhận
- Chương VI: Thiền Quán Vô Thường: Con Đường Giải Thoát
- Kết Luận
- Phụ Lục 1: Phật Nói Kinh Vô Thường
- Phụ Lục 2: Phẩm Vô Thường Kinh Pháp Cú Thí Dụ
- Phụ Lục 3: Nghi Thức Tụng Kinh Bát Đại Nhân Giác
- Tri Ân Thầy
- Lời Bạt
Thượng Tọa Thích Minh Quang
Nhà xuất bản Bồ Đề Tâm
Tu Viện Thiện Tường, Champagne, IL 61824
Phụ lục 2
GIỚI THIỆU PHẨM VÔ THƯỜNG
KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Kinh Pháp Cú Thí Dụ được Sa-môn Pháp Cự và Pháp Lập dịch vào đời Tấn tại Trung Quốc. Kinh này được bút giả dịch và xuất bản lần đầu tại Việt Nam năm 1994 trước khi có duyên du học ở Đài Loan. Năm 2000, nhờ sự cúng dường của các Phật tử Đài Loan bút giả đã tái bản 10000 quyển Kinh Pháp Cú Thí Dụ để cúng dường chư Tăng Ni và Phật tử hữu duyên toàn quốc. Hiện nay bản dịch này cũng được tái bản nhiều lần và đang phát hành tại Việt Nam. Khi hoằng Pháp tại Mỹ, bút giả cũng đã giới thiệu Kinh Pháp Cú Thí Dụ tại khóa tu chùa Tịnh Luật vào năm 2004.
Pháp Cú là những lời dạy ngắn gọn của đức Phật về sự thực của cuộc đời nhằm khuyến khích người nghe phát tâm tu học. Thí Dụ có nghĩa là những tích truyện, những lời giải thích nhằm làm sáng tỏ thêm những câu Pháp cú súc tích. Theo truyền bản Tích Lan (Nam truyền), Kinh Pháp Cú được mở đầu bằng Phẩm Song Yếu, nhưng theo bản Hán truyền, Kinh Pháp Cú và các dị bản như Kinh Xuất Diệu đều mở đầu bằng Phẩm Vô Thường. Kinh Pháp Cú Thí Dụ cũng vậy, mở đầu bằng Phẩm Vô Thường với sáu câu chuyện vô thường nhằm làm sáng tỏ hơn chân lý này. Chúng ta có thể hiểu sáu câu chuyện này là tuệ quán vô thường qua sáu góc độ khác nhau để phá trừ những kiến chấp và tâm bệnh khác nhau của chúng sinh.
Tích truyện 1: Tuệ quán ba cõi đều vô thường, dù cõi trời cũng không ngoại lệ: Phá kiến chấp sinh thiên là cứu cánh của ngoại đạo.
Tích truyện 2: Tuệ quán cái chết đến với bất cứ ai, dù trường thọ bao lâu, cuối cùng cũng chết: Phá kiến chấp tham sống sợ chết, mưu cầu trường sinh bất tử.
Tích truyện 3: Tuệ quán sát-na vô thường, sinh diệt trong từng phút giây. Cho nên, chúng sinh thực ra đang già, đang bệnh và đang chết mà không phải sẽ già, sẽ bệnh và sẽ chết: Phá ảo tưởng chỉ có nhất kỳ vô thường, do đó sinh tâm dễ duôi, hẹn lần hẹn lữa mà không kịp thời tu hoc.
Tích truyện 4: Tuệ quán vô thường có thể xảy ra với những người thân bất cứ lúc nào, nhiều khi vào lúc chúng ta bất ngờ nhất: Phá ảo tưởng ỷ lại vào người thân, cho rằng quyến thuộc có thể sum họp lâu dài.
Tích truyện 5: Tuệ quán vô thường có thể xảy ra với bản thân chúng ta bất cứ lúc nào, không luận trẻ hay già, mạnh khỏe hay yếu đau: Phá vọng tưởng cái chết vẫn còn xa mà giãi đãi không tu tập.
Tích truyện 6: Tuệ quán vô thường sự thực của cuộc đời, là bản chất của đời sống. Vô thường hiện diện mọi lúc mọi nơi, nên đã có thân là có khổ, đã có sinh là có tử, dù thánh thần tiên nhân cũng không ngoại lệ: Phá vọng tưởng có thể dùng sức mạnh tôn giáo như thần quyền, thần thông v.v… để trốn tránh vô thường.
Tích truyện 1
Tuệ quán ba cõi đều vô thường, dù cõi trời cũng không ngoại lệ: Phá kiến chấp sinh thiên là cứu cánh của ngoại đạo.
Thuở xưa, trời Đế Thích[1] bỗng nhiên mất đi năm đức tướng,[2] nên tự biết mình sắp mạng chung và sẽ tái sinh vào thai một con lừa trong nhà người thợ làm đồ gốm. Năm đức tướng mất đi là gì?
1. Hào quang trên thân mất.
2. Hoa trên đầu khô héo.
3. Không còn ưa thích chỗ ngồi của mình.
4. Mồ hôi nách chảy hôi dơ.
5. Bụi bám trên thân.
Đế Thích nhân năm việc này, biết phước mình đã hết nên hết sức lo buồn. Ông nghĩ trong tam giới chỉ có Phật mới cứu độ được khổ ách cho chúng sinh, nên vội tìm đến chỗ Phật.
Bấy giờ đức Thế Tôn đang tọa thiền, nhập tam muội Phổ Quang Tế trong thạch thất trên núi Kỳ-xà-quật. Thiên Đế đến nơi gặp Phật liền cúi đầu đảnh lễ, phủ phục sát đất, chí tâm quy mạng Phật Pháp Tăng. Trong khoảng thời gian cúi mình làm lễ, Thiên Đế mạng chung, thần thức liền nhập vào thai một con lừa trong nhà người thợ đồ gốm. Lúc ấy, lừa mẹ tự bứt đứt dây, chạy loạn vào chỗ đồ gốm chưa nung, làm đỗ vỡ rất nhiều. Người chủ giận lắm, bèn xách cây rượt đánh, lừa mẹ nhân đó bị sẩy thai. Thần thức của Thiên Đế liền thoát khỏi thai lừa, nhập lại thân cũ, đầy đủ năm đức tướng như xưa.
Đức Phật ra khỏi tam muội xong, tán thán: “Lành thay, này Thiên Đế! Ông có thể đến lúc sắp mạng chung biết quy mạng Tam Bảo, tội nghiệp đã trả xong, không còn thọ khổ báo nữa.”
Bấy giờ đức Thế Tôn lại nói kệ:
Các hành đều vô thường
Đó là pháp thịnh suy
Đã sinh thì phải tử
Tịch diệt là an vui.
***
Ví như nhà thợ gốm
Nắn đất làm đồ dùng
Tất cả đều phải hoại
Mạng người cũng vậy thôi.
Đế Thích nghe kệ xong liền biết yếu nghĩa vô thường, thông lẽ biến đổi tội phước, hiểu rõ cội gốc thịnh suy và tuân theo lý đạo tịch diệt. Ông hoan hỷ phụng trì chánh pháp, đắc quả Tu Đà Hoàn.
--------------------------------------------------
Tích truyện 2
Tuệ quán cái chết đến với bất cứ ai, dù trường thọ bao lâu, cuối cùng cũng chết: Phá kiến chấp tham sống sợ chết, mưu cầu trường sinh bất tử.
Thuở xưa, đức Phật trú tại tinh xá nước Xá-vệ thuyết Pháp cho hàng trời người long thần. Lúc ấy, mẹ vua Ba-tư-nặc tuổi hơn chín mươi chợt lâm trọng bệnh, vì không trị đúng thầy đúng thuốc nên đã qua đời. Vua và quần thần làm lễ tang theo pháp, rồi đưa đi an táng. Tang sự xong, mọi người trở về, ghé ngang qua chỗ Phật. Lúc ấy vua quần áo xốc xếch, giày dép trầy trật bước đến làm lễ bên chân Phật. Đức Phật mời vua ngồi xuống rồi hỏi: “Vua từ đâu đến mà áo quần thô xấu, vẻ mặt tiều tụy? Sao lại ra nông nỗi này?”
Nhà vua làm lễ rồi đáp: “Thái hậu của nước tuổi hơn chín mươi mắc phải trọng bệnh vừa mới qua đời. Con đưa linh cữu ra mộ rồi trở về ghé qua đây thăm đức Thế Tôn.”
Đức Phật bảo với vua: “Từ xưa đến nay có bốn việc đáng sợ nhất, đó là:
1. Sinh phải già yếu.
2. Bệnh sẽ tiều tụy.
3. Chết thần thức ra đi.
4. Xa lìa quyến thuộc.
Vạn vật vô thường, không thể dài lâu, chẳng hẹn cùng người. Mỗi ngày trôi qua, mạng sống lần giảm. Như nước năm sông chảy mãi không ngừng, mạng người mau chóng cũng lại như vậy.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:
Như nước sông chảy mau
Theo dòng trôi đi mãi
Mạng người cũng như vậy
Qua rồi không trở lại.
Rồi đức Phật nói với vua rằng: “Mọi vật trên đời đều như vậy, không có cái gì trường tồn. Mọi người đều phải chết, không ai có thể tránh được lẽ này. Các vị Phật, chân nhân, tiên ngũ thông và quốc vương thưở xưa nay có còn đâu? Vua không nên buồn thương vô ích có hại đến thân mình. Làm người con hiếu thương yêu cha mẹ quá vãng thì phải làm phước, tu tạo công đức hồi hướng cho cha mẹ, như là chuẩn bị lương thực gởi cho người thân lúc đi xa.”
Nghe đức Phật dạy xong, vua và quần thần ai nấy đều hoan hỷ, không còn lo buồn. Những người đến nghe pháp đều thấy được đạo.
-------------------------------------------
Tích truyện 3
Tuệ quán sát-na vô thường, sinh diệt trong từng phút giây. Cho nên, chúng sinh thực ra đang già, đang bệnh và đang chết mà không phải sẽ già, sẽ bệnh và sẽ chết: Phá ảo tưởng chỉ có nhất kỳ vô thường, do đó sinh tâm dễ duôi, hẹn lần hẹn lữa mà không kịp thời tu hoc.
Thuở xưa, đức Phật trú tại Tinh xá Trúc Lâm thành La-duyệt-kỳ. Một hôm, Ngài cùng với các đệ tử nhận lời thỉnh vào thành thọ trai thuyết Pháp. Thọ trai thuyết Pháp xong, lúc ấy vào khoảng xế chiều, đức Phật và các đệ tử ra khỏi thành trở về Tinh xá. Trên đường đi, Ngài và đại chúng gặp một người đang lùa một đàn bò vào thành sau một ngày thả cho chúng ăn bên ngoài. Lúc ấy, đức Thế Tôn nói lên kệ rằng:
Ví như người cầm gậy
Chăn dắt đàn bò si
Già chết cũng như vậy
Đang lùa mạng sống đi.
***
Trăm ngàn không có một
Trai gái dòng họ nào
Tài sản nhiều biết bao
Mà tránh khỏi già chết.
***
Sự sống ngày lẫn đêm
Sinh mạng tự lần giảm
Tuổi thọ luôn tiêu mòn
Như nước ao rút cạn.
Sau khi đức Phật về đến Tinh xá Trúc Lâm rồi rửa chân an tọa, A-nan ra trước đảnh lễ thưa hỏi: “Bạch đức Thế Tôn, ban nãy giữa đường Ngài có nói lên ba bài kệ. Chúng con vẫn chưa hiểu lắm, xin Ngài từ bi khai thị cho.”
Đức Phật hỏi: “Này A-nan, ông có thấy người ta lùa đàn bò đi không?”
“Bạch đức Thế Tôn, con có thấy,” A-nan đáp.
Đức Phật giảng giải: “Này A-nan, đàn bò đó là của một nhà hàng thịt, vốn có cả ngàn con. Mỗi ngày ông chủ đều cho người lùa ra ngoài thành tìm nơi cỏ tươi, nước trong cho chúng ăn uống. Họ nuôi lớn rồi mỗi ngày chọn ra một con to béo nhất giết lấy thịt. Số bò bị giết đến nay đã hơn phân nửa, mà những con còn lại vẫn không hay biết, cứ lo đấu húc lẫn nhau, nhảy nhót, kêu rống. Ta vì thương cho chúng ngu si vô trí nên mới nói lên ba bài kệ này.
Này A-nan, đâu phải chỉ có đàn bò đó vô trí thôi, mà người đời cũng như vậy! Họ chấp trước bản ngã, không biết vô thường, tham đắm năm dục, chỉ lo cung dưỡng thân mình. Tâm ý thỏa thuê trở lại gây ra tai họa. Vô thường túc nghiệp không hẹn chợt đến mà họ vẫn mờ mịt không biết, thì có khác chi với đàn bò kia?”
Lúc ấy, trong hội chúng có hai trăm Tỳ-kheo tham đắm lợi dưỡng nghe được bài pháp này liền tự sách tấn lấy mình, do đó chứng quả A-la-hán, đầy đủ lục thông. Còn đại chúng đều hoan hỷ bước ra đảnh lễ Phật.
-----------------------------------
Tích truyện 4
Tuệ quán vô thường có thể xảy ra với những người thân bất cứ lúc nào, nhiều khi vào lúc chúng ta bất ngờ nhất: Phá ảo tưởng ỷ lại vào người thân, cho rằng quyến thuộc có thể sum họp lâu dài.
Thuở xưa, đức Phật thuyết Pháp cho các hàng đệ tử ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá Vệ. Lúc ấy, có con gái của một vị Phạm Chí, tuổi khoảng mười bốn, mười lăm, đoan chánh, thông minh rất được cha yêu mến, bỗng lâm bệnh nặng đột ngột chết đi. Đồng thời ruộng của vị Phạm Chí đó đang mùa lúa chín cũng bị lửa cháy hết sạch. Trước tai nạn dồn dập, vị Phạm Chí vô cùng đau buồn, tâm ý hoảng loạn như người phát cuồng, không cách gì giải tỏa nổi. Ông nghe người ta nói đức Phật là bậc Đại Thánh, Thầy của cả trời người, hay thuyết Pháp giúp cho chúng sinh hết phiền não, khỏi khổ đau, nên tìm đến chỗ Phật nhờ giúp đỡ. Đến nơi, ông đảnh lễ rồi quì xuống thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, con vốn hiếm muộn, chỉ có một người con gái sớm hôm an ủi, thế mà nó bỗng lâm trọng bệnh, bỏ con ra đi. Tình cha con quyến luyến là lẽ tự nhiên, nên con vô cùng khổ não. Xin đức Thế Tôn oai thần giáo hóa giúp cho con giải tỏa nỗi đau buồn này”.
Đức Phật bảo Phạm Chí: “Trên đời có bốn việc không thể lâu dài. Đó là những gì?
1. Trường tồn phải hoại diệt.
2. Giàu sang phải nghèo hèn.
3. Hội họp phải chia ly.
4. Khỏe mạnh rồi phải chết.”
Bấy giờ đức Thế Tôn lại nói kệ:
Trường tồn phải hoại diệt
Cao sang sẽ sa cơ
Gặp gỡ rồi ly biệt
Đã sinh ắt tử vong.
Ông Phạm Chí nghe xong, tâm ý khai ngộ không còn đau buồn, rồi xin Phật xuất gia làm Tỳ-kheo.
Đức Phật hoan hỷ hứa khả bảo: “Lành thay, hãy lại đây Tỳ-kheo”. Phạm Chí râu tóc liền tự rụng, thành tướng Sa-môn.
Sau đó nhờ nỗ lực quán chiếu lý vô thường, chẳng bao lâu ông chứng quả A- la-hán.
-------------------
Tích truyện 5
Tuệ quán vô thường có thể xảy ra với bản thân chúng ta bất cứ lúc nào, không luận trẻ hay già, mạnh khỏe hay yếu đau: Phá vọng tưởng cái chết vẫn còn xa mà giãi đãi không tu tập.
Thuở xưa, đức Phật trú trên núi Kỳ Xà Quật thành La Duyệt Kỳ. Lúc ấy, trong thành có một nàng kỹ nữ tên là Liên Hoa.[3] Nàng này nhan sắc xinh đẹp, cả nước không ai sánh bằng. Thanh niên con em các nhà quyền quý ai cũng hâm mộ, tranh nhau tìm đến. Một hôm, nàng Liên Hoa bỗng sinh tâm lành, muốn bỏ việc đời xuất gia làm Tỳ-kheo-ni. Nàng từ bỏ tất cả tìm đến núi Kỳ Xà Quật nơi đức Phật đang cư trú. Giữa đường gặp một dòng suối nước trong mát, nàng Liên Hoa liền ghé lại uống nước và rửa tay. Làn nước trong xanh, long lanh hiện lên bóng dáng của nàng: vẻ mặt hồng thắm, mái tóc mượt xanh, thân hình cân đối đến mức hoàn hảo.
Tự nhìn thấy nhan sắc xinh đẹp của mình, nàng Liên Hoa hối tiếc nghĩ rằng: “Ta sinh ra có được nhan sắc mặn mà như vậy, sao lại nỡ bỏ đi để làm Sa-môn? Ta nên nhân lúc còn trẻ mà hưởng thụ cho thỏa mãn những khao khát riêng mình.”
Nghĩ như vậy xong, nàng liền đi trở về nhà. Đức Phật biết Liên Hoa có thể độ được, nên hóa ra một thiếu nữ trẻ đẹp từ phía khác đi ngược chiều lại. Nhan sắc nàng này đẹp tuyệt trần hơn xa Liên Hoa. Liên Hoa trông thấy vô cùng yêu mến, liền hỏi thăm: “Nàng từ đâu đến? Chồng con cha anh ở đâu mà đi một mình như vậy?”
Thiếu nữ đáp: “Tôi ở trong thành có việc ra ngoài, nay định trở về nhà. Chị em mình mới quen nhau, vậy cùng đi về chung đường nhé? Gần đây có bờ nước, chúng ta trước hãy đến đó nghỉ ngơi, trò chuyện.”
Liên Hoa vui vẻ đáp: “Vậy thì hay lắm.”
Hai người liền đến bên bờ nước chuyện trò tâm sự. Một lát sau, thiếu nữ mệt mỏi tựa vào gối Liên Hoa ngủ. Không ngờ, mới đó thiếu nữ đã chết, thi thể sình lên, giòi bò lúc nhúc, răng tóc rụng rời, tứ chi tan rã, mùi hôi thối bốc ra thật khó ngửi.
Liên Hoa trông thấy hết sức kinh sợ, nghĩ rằng: “Nàng ấy trẻ đẹp như vậy mới đó mà đã không còn. Huống chi thân ta, làm sao bảo đảm dài lâu?”
Nghĩ xong, nàng liền khởi tâm tinh tấn học đạo trở lại, tiếp tục tìm đến chỗ Phật. Đến nơi, nàng đảnh lễ đức Phật, rồi thuật lại đầy đủ những việc đã thấy.
Đức Phật nói với Liên Hoa: “Người ta có bốn việc không thể nương cậy. Đó là những gì?
1. Trẻ trung phải già yếu.
2. Mạnh khỏe phải tử vong.
3. Thân thuộc vui vẻ phải xa lìa.
4. Của cải tích trữ phải phân tán.”
Bấy giờ, đức Phật liền nói kệ:
Già thì hình sắc suy
Bệnh khiến thân này hoại
Khi mạng đã hết rồi
Thân rã tan, hư hoại.
***
Thân này có gì quý
Đồ dơ tuôn chảy hoài
Bị bệnh tật phủ vây
Phải chịu họa già chết.
***
Buông lung theo thị dục
Tăng thêm điều phi pháp
Đâu biết sự đổi thay
Mạng người trong hơi thở!
***
Dầu cho là còn ruột
Hay cha mẹ anh em
Khi cái chết đến nơi
Không nương cậy ai được.
Nàng Liên Hoa nghe pháp xong hân hoan giải ngộ, quán thân như huyễn hóa, mạng sống chẳng dài lâu, chỉ có Niết-bàn là an ổn vĩnh cửu, nên đến trước Phật xin xuất gia làm Tỳ-kheo ni.
Phật nói: “Lành thay!” Tóc Liên Hoa liền tự rụng, thành Tỳ-kheo ni. Sau đó, nhờ công phu tư duy thiền quán, Tỳ-kheo ni Liên Hoa đã chứng quả A-la-hán.
Những vị được nghe Pháp trong pháp hội, ai nấy đều hoan hỷ.
--------------------
Tích truyện 6
Tuệ quán vô thường sự thực của cuộc đời, là bản chất của đời sống. Vô thường hiện diện mọi lúc mọi nơi, nên đã có thân là có khổ, đã có sinh là có tử, dù thánh thần tiên nhân cũng không ngoại lệ: Phá vọng tưởng có thể dùng sức mạnh tôn giáo như thần quyền, thần thông v.v… để trốn tránh vô thường.
Thuở xưa, đức Phật thuyết Pháp trong Tinh xá Trúc Lâm thành Vương Xá. Lúc ấy, có bốn anh em Phạm Chí đã chứng được ngũ thông, tự biết sau bảy ngày nữa mình sẽ chết. Do đó, họ cùng bàn với nhau rằng: “Sức mạnh của năm loại thần thông có thể làm nghiêng trời lệch đất, nắm giữ mặt trời mặt trăng, dời núi cao, ngưng sông chảy…, không việc nào là không làm được, lẽ nào tránh không khỏi cái chết này sao?”
Người thứ nhất nói: “Tôi sẽ lặn xuống biển, trên không xuất hiện, dưới không đến đáy, ở giữa lưng chừng biển thì quỷ vô thường làm sao biết chỗ mà tìm?”
Người thứ hai nói: “Tôi chui vào giữa núi Tu Di, khép núi lại bao bọc xung quanh thì quỷ vô thường biết đâu mà kiếm?”
Người thứ ba nói: “Tôi sẽ ẩn nấp giữa hư không, quỷ vô thường làm sao biết được?”
Người thứ tư nói: “Tôi sẽ lẫn vào trong chợ, quỷ vô thường đến bắt được một người nào đó thì thôi, cần gì phải tìm bắt tôi?”
Bốn người bàn xong, bèn đến gặp vua Ba-tư-nặc từ giã: “Thọ mạng của chúng tôi chỉ còn bảy ngày. Nay chúng tôi muốn chạy trốn vô thường, mong rằng sẽ thoát được trở về thăm vua”.
Nói xong, bốn vị ấy ra đi trốn vào chỗ của mình. Bảy ngày sau, bốn người đều chết cả, như trái chín tự rụng. Người quản lý chợ báo cho vua biết có một vị Phạm Chí bỗng dưng chết giữa chợ. Vua chợt tỉnh ngộ bảo: “Bốn người cùng trốn nghiệp, một người đã chết, ba người kia làm sao tránh khỏi?”
Vua liền cho xa giá đến chỗ Phật, đảnh lễ ngồi qua một bên rồi bạch với đức Phật rằng: “Gần đây, có bốn anh em Phạm Chí đã đắc ngũ thông, biết rằng mạng mình sắp hết nên cùng nhau trốn quỷ vô thường. Không rõ hiện nay họ có tránh thoát được không?”
Đức Phật đáp: “Này đại vương, người ta có bốn việc không thể tránh khỏi. Bốn việc ấy là gì?
1. Khi ở thân trung ấm không thể không thọ sinh.
2. Đã thọ sinh không thể không có già.
3. Đã già không thể không mang bệnh.
4. Đã bệnh không thể không chết.”
Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ:
Dầu trốn giữa hư không
Hay biển khơi, núi rộng
Không một nơi nào cả
Tránh khỏi được tử vong.
***
Việc này do mình tạo
Làm sao mà tránh được
Người vì nó bất an
Đưa đến khổ già chết.
***
Biết vô thường, tự an
Kiến chấp sinh[4] liền hết
Tỳ-kheo thắng ma binh
Thoát khỏi vòng sinh tử.
Vua nghe đức Phật nói xong, than rằng: "Lành thay! Thật đúng như lời đức Thế Tôn dạy. Bốn người trốn nghiệp, nhưng trong đó một người đã chết, ba người kia làm sao tránh được.”
Các quan tùy tùng nghe đức Phật dạy xong đều tin nhận.
--------------------
[1] Đế Thích (Śakra devānām indraḥ) nói đủ là Thích Ca Đề Hoàn Nhân Đà La, nói lược Thích Đề Hoàn Nhân, Thích Ca Đề Bà, còn gọi là Thiên Đế Thích, Thiên Chủ. Ông vốn là một vị thần trong Ấn Độ Giáo sau quy y với Phật trở thành một trong những vị thần hộ pháp. Ông trú và làm vua ở cõi trời Đao Lợi (còn gọi là tam thập tam thiên) là cõi trời thứ hai trong sáu cõi trời dục giới. Một ngày một đêm ở cõi này dài bằng một trăm năm ở thế gian và thọ mạng của họ là một ngàn tuổi.
[2] Năm đức tướng mất đi còn gọi là ngũ suy tướng, thiên nhân ngũ suy, ngũ suy… Đây là năm tướng suy vong của thiên nhân hiện ra khi hết phước sắp mạng chung. Nó chia ra làm hai loại: năm tướng suy vong lớn, như kinh văn đã nói ở trên và năm tướng suy vong nhỏ như sau:
-
Âm nhạc không còn.
-
Ánh sáng trên thân mất.
-
Nước tắm dính thân.
-
Đắm mắc vào cảnh không dứt.
-
Mắt hay chớp.
Nếu năm tướng này hiện ra, gặp duyên lành thù thắng vẫn có thể chuyển đổi được.
[3] Liên Hoa (S.Utpalavarnā; P. Uppalavannā) còn gọi là Liên Hoa Sắc, Liên Hoa Tiên, Hoa Sắc là vị Tỳ-kheo ni được khen là thần thông đệ nhất trong hàng Ni. Lúc chưa xuất gia Liên Hoa ở thành Vương Xá (La Duyệt Kỳ) và lấy chồng là người ở nước Uất Thiền sinh được một người con gái. Sau đó nàng phát hiện chồng và mẹ mình tư thông nên đã bỏ nhà ra đi, đến thành Ba-la-nại lấy một người trưởng giả. Ông này sau đó đến nước Uất Thiền buôn bán lấy một thiếu nữ làm thiếp rồi dẫn về nước. Về sau, Liên Hoa mới biết đó là con gái mình. Liên Hoa cảm thấy vận mệnh bi thảm, lúc trước cùng mẹ chung chồng, về sau cùng con chung chồng. Từ đó nàng đâm ra hận đời, đến thành Tỳ Xá Ly làm kỹ nữ. Một hôm, được nghe ngài Mục-kiền-liên thuyết Pháp nàng phát tâm quy y đức Phật, nương theo Tỳ-kheo ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề xuất gia, về sau chứng quả A-la-hán.
[4] Kiến chấp sinh: Nguyên văn là “kiến sinh” theo PQĐTĐ giải thích: Đây là chỉ sự mong cầu vãng sinh, hoặc đã vãng sinh lại chấp trước vào thân cảnh thù thắng. Kiến sinh ở trên được hiểu theo giáo nghĩa tịnh độ. Còn ở đây kiến sinh chính là kiến chấp về sinh mạng của chúng sinh. Phàm phu vì vô minh che lấp nên không thấu triệt được bản chất vô thường, vô ngã của thân tâm, lại chấp nó là thật. Vì vậy, khi có thân do chấp ngã nên sinh ra tất cả phiền não, khổ đau. Khi mất thân (chết) cũng do chấp ngã nên theo nghiệp tìm thân khác nương vào. Do vậy dòng luân hồi tiếp nối vô tận. Dựa vào ý này chúng tôi dịch: “Kiến chấp sinh”, cũng tức là chấp ngã.