TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC MÀ ĐI
Lê Huy Trứ
Chúng ta thán phục Phật và các chư vị Bồ Tát đã thấy trước chúng sinh hơn 2500 năm về vũ trụ, vật lý, vi trùng, tâm sinh lý, v.v. nhưng chủ yếu của Đạo Phật là làm cho chúng sinh bớt Khổ Đau, tiến tới An Lạc, Giác Ngộ rồi Giải Thoát. Điều này cho thấy, Đức Phật là một Dược Sư Vương, một Vua Bác Sĩ đại tài đã dày kinh nghiệm để biết cách chữa bệnh Đau Khổ nan y của con Người với đám lá thuốc trong tay. Còn cái đám lá kiến thức trụ sinh nặng đô trên rừng đó chỉ bổ ích cho chư Phật và các Bồ Tát cho nên Ngài im lặng vi tiếu (noble silence with smile.) Nó không hoàn toàn bổ ích, không thiết thực lẫn cần thiết cho đa số phàm phu tục tử còn đầy bệnh vô minh và còn bám trụ nghiện ngập cái bã thuốc phiện, ma túy, tham sân si như đa số chúng sinh trên cỏi Ta Bà này cho nên Ngài mới tuyên bố Như Lai chưa từng nói một chữ.
Để trả lời cho những thắc mắc lo lắng quan tâm của các đệ tử, Đức Thế Tôn để lại di chúc rất đơn giản dể hiểu: Tự mình thắp đuốc mà đi! Vì bài kinh nầy quá ngắn, quá dễ hiểu nên không ai để ý, bỏ ngoài tai, không ngờ tới, không hiểu nỗi, không biết mình không biết không biết (They don’t know don’t know) cái vi diệu, cao siêu, thâm thúy, tuyệt vời của ý Phật.
Trong 45 năm thuyết Pháp, với cả ngàn bài giảng lịch sử được ghi chép lại trong 84,000 kinh điển chỉ tóm gọn trong vài chữ: Im lặng!
Như Lai không nói một chữ. Như Lai không chứng đắc gì cả. Và cuối cùng là: Hãy tự mình thắp đuốc mà đi!
Dĩ nhiên là lúc còn sống, Ngài chưa bao giờ thấy và đọc được 84,000 bộ kinh (con số tượng trưng) của Ngài giảng. Ngài không thấy một chữ (vô tự,) không tụng một câu, không gõ một cái mõ cái chuông nào cả. Ngài chỉ lim dim đôi mắt đứng tròng, vi tiếu (noble smile) với nụ cười từ bi, đầy bí ẩn đẹp như nụ cười trong tranh của Mona Lisa.
Tại Hy Lạp, Sokrates đã nói câu nổi tiếng, “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả,” và tại Trung Hoa, Lão Tử nói, “Biết mà cho là không biết, thì cao.” Tôi xin thưa thốt, “Tôi không biết tôi biết!”
Khi Đức Phật đã lớn tuổi (84 tuổi?) và đau yếu, một hôm, A Nan Đà, người đệ tử thân cận luôn ở bên cạnh Ngài hỏi Ngài như sau, “Sau khi Như Lai tịch diệt thì Tăng Đoàn sẽ phải bước theo con đường nào? Xin Như Lai cho biết quyết định của Như Lai ra sao đối với Tăng Đoàn?"
Đức Phật trả lời như sau, "Này A Nan Đà, Như Lai không còn sống lâu nữa. Vừa lớn tuổi lại đau yếu, Như Lai đã đi đến cuối con đường của mình. Như Lai nay chỉ là một người già... Này A-nan-đà, hãy nương tựa vào chính mình, xem mình là ngọn đuốc soi đường cho mình và cũng là nơi an trú cho chính mình, không nên tìm một nơi nào khác cả [...] Đạo Pháp là ngọn đuốc soi sáng và cũng là nơi an trú cho mình [...] Này A Nan Đà, những ai ngay từ hôm nay và cả về sau này, tức là sau khi Như Lai đã hòa nhập vào niết-bàn, biết xem Đạo Pháp là ngọn đuốc soi đường cho mình và là nơi an trú cho mình, không tìm một nơi an trú nào khác cả, sẽ là những đệ tử xứng đáng của ta, là những ngườì biết giữ một cung cách hành xử đúng đắn." (Đại Bát Niết Bàn Kinh, Mahaparinibbana, DN.16, theo bản dịch của André Migot,1892-1967, trong quyển Le Bouddha, ấn bản Club français du Livre, 1957, 302 tr., đoạn trích dẫn tr.150)
Trong Đại Bát Niết Bàn Kinh cũng có một câu như sau, "Thế nhưng, này A Nan Đà, đối với một số đệ tử của ta thì ý nghĩ sau đây cũng có thể hiện lên trong trí: 'Những lời giảng dạy này là những lời sau cùng của vị Thầy, sau này sẽ không còn ai là Thầy mình nữa' (ý nói vị Thầy không còn nữa, ai muốn làm gì thì tùy ý?) Thế nhưng không được nghĩ như vậy, này A Nan Đà, bởi vì ta đã từng nói lên cho tất cả hiểu rằng sau khi ta không còn nữa, thì Đạo Pháp (Dhamma) và Giới Luật (Vinaya) sẽ thay ta làm Thầy cho mình." (Đại Bát Niết Bàn Kinh/Mahaparinibbana-sutta, DN.16, theo bản dịch của Jeanne Schut). Ngoài ra cũng còn một chi tiết đáng lưu ý trong Đại Bát Niết Bàn Kinh là Đức Phật có dặn bảo A Nan Đà rằng sau này các giới luật thứ yếu cũng có thể thay đổi được.
Những lời căn dặn này quả đã nói lên một sự chu đáo của Đức Phật nhằm dự trù các trường hợp cần phải thích ứng giới luật với các bối cảnh xã hội và văn hóa tiến bộ hơn. Điều này còn chứng tỏ cái trí tuệ thông thái với đầu óc cởi mở tiến bộ vượt không gian và thời gian của Đức Thế Tôn – không có luật lệ nào là bất di bất dịch theo thời gian. Rules are made to be broken! Những quy tắc được đặt ra để được phá vỡ.
Đức Thế Tôn không muốn độc đoán quyết định ‘những giới luật thứ yếu nào có thể thay đổi được.’ Đó là chủ trương của trung đạo với sáng kiến cải cách. Đức Thế Tôn là bật thầy vĩ đại, Ngài biết các đệ tử của Ngài đã có đủ bản lãnh để hạ san làm thầy chính mình lẫn hướng dẫn dạy dỗ chúng sinh không cần phải náng lại lâu trong trường học Phật Đà nữa.
Ngài cũng biết họ còn bịn rịn không muốn nghĩ đến cái ngày phải chia ly với thầy mình vì vậy không ai dám hỏi đến di chúc của Ngài, dù biết sớm muộn gì rồi cũng có ngày chia ly. Đức Thế Tôn cũng biết vậy nên Ngài đã gói ghém ngụ ý đó trong di chúc cuối cùng ‘tự mình đốt đuốc mà đi’ rồi. Chính mình tự làm chủ lấy mình, làm thầy chính mình, tự quyết định cho mình không cần ỷ lại vào Ngài nữa. Đức Phật dạy chúng ta tự mình giác ngộ, giải thoát, và thành Phật chứ không dạy chúng ta bám dựa mải mải vào Ngài.
Ngài là một giáo sư vĩ đại dạy các giáo sư tương lai trở thành vĩ đại như Ngài. Ngài dạy học trò tự gắng học để trở thành thầy chứ không dạy thầy trở thành trò mải mải. Tu Phật là noi theo gương Phật để thành Phật chứ không cầu khẩn, van xin Phật cứu độ thành Phật. Đây là điểm đặc thù, độc nhất vô nhị của Phật Giáo đối tất cả các tôn giáo khác.
Thế nhưng trong lúc bối rối và xao động trước tình trạng sức khỏe ngày càng sa sút của Đức Phật, A Nan Đà đã không kịp hỏi Ngài là những giới luật nào được xem là thứ yếu, và cũng vì thế nên Ma Ha Ca Diếp đành phải tuyên bố trước Đại Hội là trong bối cảnh hiện tại phải giữ nguyên tất cả các giới luật. Trước khi bế mạc, Đại Hội chọn lựa và đề cử một số các tỳ kheo uyên bác và có trí nhớ tốt, mỗi người phải học thuộc một phần kinh điển và giới luật vừa được hệ thống hóa, để truyền lại cho các đệ tử trong tăng đoàn của mình. (Lời Di Huấn Của Đức Phật, và sự tồn vong của Giáo Huấn Phật giáo, Hoàng Phong)
Tôi xin giải thích thêm một chút, các tỳ kheo uyên bác, có trí nhớ tốt được chọn lựa và phải nhựt tụng lẫn thường đối chứng lẫn nhau để không bị ‘tam tụng thất bổn.’ Làm sau duy trì được những điều này cho đến khi có văn tự là một cố gắng phi phàm, nhất tiền khoáng hậu của tiền nhân.
Có thể cũng vì những thói quen đó mà có chuyện tụng kinh rào rào, thuộc lòng nhưng không cần hiểu nghĩa. Còn thêm cái trò gõ mõ, đánh chuông để cho nhịp nhàng như một ban đại hòa tấu? Còn thắp hương có nhiều giới luật ‘cần thiết’ thì xin các Thầy và các Ni giảng dùm cho. Đa số chúng ta chỉ biết thắp hương vái vài ba lạy, hít hà, lảm nhảm khấn cầu tứ phương mà thật sự không hiểu lẫn không cần biết mình đang làm gì?
Tiến Sĩ Oldenburg, học giả người Đức, đã làm sáng tỏ ý nghĩa ‘Tự mình thắp đuốc mà đi.’ Ông viết: Đức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài. Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này đến từ nơi Ngài, nhưng vì lòng xác tín cá nhân, thức tỉnh bởi những lời Ngài dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình.
Phật dạy, “Truyền đăng tục diệm” nghĩa là mồi đuốc trí huệ của mình vào đuốc trí huệ của Đức Phật để tự soi đường mà đi. Ý là phải tự tu, tự chứng vì không ai tu dùm cho mình được. Nếu không tự đốt đuốc soi đường, cũng như người mù dựa vào cái đom đóm ngụy tưởng của ngoại đạo mà đi trong ban ngày, tất nhiên chúng ta phải lạc vào ma đạo hay thần đạo.
Giáo Chủ Thiên Thai Tông sáng lập tại núi Thiên Thai bên Tàu, thế kỷ thứ 6, Trí Giả Đại Sư phân tích chánh pháp và tà đạo như sau:
Có ba thứ ngoại đạo mà bài viết này cũng có thể lọt vào trong một trong 3 thứ đó.
(1) Chánh cống ngoại đạo. Họ không dùng bảng hiệu của Phật Giáo mà tự dùng bảng hiệu của họ. Họ cũng tu Thập Thiện, tu thiền, và cũng được lên Trời. Cái đạo này, cho đến ngày nay, vẫn thịnh hành, đa số là đạo thờ thần và ma đạo lừa bịp những tín đồ nhẹ dạ, ngu tối. Phật cũng đã dạy người Phật Tử không được ỷ lại vào một đấng Thần Linh nào để ban phước, giáng họa, hay giải thoát cho mình. Nếu không hiểu được những lời Phật dạy thì có nhiều ngộ nhận.
(2) Ngoại đạo dùng bảng hiệu Phật Giáo. Nhưng họ tu theo ngoại đạo. Những người này có tội đọa địa ngục. Nếu gặp chánh pháp, họ có thể trở lại chánh pháp. Cũng như đệ tử của Phật như Mục Kiều Liên, Xá Lợi Phất cũng là lãnh tụ ngoại đạo.
Như Tôn giả A Nan ỷ mình là em Phật, ỷ mình thông minh nhớ hết những lời Phật dạy, nên Ngài yên trí sẽ thành Phật dễ dàng. Nào ngờ, sau mấy chục năm trời chỉ mới đắc quả Thanh Văn mà thôi. Tự tu, tự chứng cũng như việc mình nhảy ùm xuống nước mới biết đuợc nước nóng hay lạnh, mặn hay ngọt, ngộp thở uống nước mới biết bơi hay chết đuối. Tuy nhiên, chúng ta không nhớ ra là chúng ta từ nước mà ra, quên mất cái khả năng lúc là bào thai ở trong bụng mẹ, có thể thở và bơi lội như cá (xem phim Mission to Mars.)
(3) Học Phật pháp hành ngoại đạo. Họ không biết là họ ngoại đạo vì họ thông suốt kinh điển, giảng kinh, thuyết pháp hay lắm. Tín đồ cũng nhiều lắm nên tự cho mình là hay quá rồi. Thông suốt kinh điển Đại Thừa liễu nghĩa là chánh pháp rồi còn chê vào đâu? Nhưng mà họ hiểu lầm cái ý của Phật để dạy cho chúng sanh. Cái đó tội còn nặng hơn ngoại đạo thứ nhì nữa. Cái ngoại đạo thứ 3 này rất nguy hiễm cho sứ mệnh hoành dương Phật Pháp, chúng ta đã thấy cái thứ ngoại đạo này nhan nhãn trong thời mạc pháp và nhất là trong các chùa chiền trên thế giới.
Tôi tự tin bài này không bị lọt vào ngoại đạo thứ 3 ở trên, vì tôi không ‘hợp lệ’ với những tiêu chuẫn đó. Tôi không tự nhận là thông suốt kinh điển Đại Thừa liễu nghĩa, không tự treo bảng hiệu riêng, không dùng bản hiệu Phật Giáo. Tôi không nội không ngoại! Tôi không thể vừa ở trong nội, vừa ở ngoài ngoại. ‘Tôi’ không viết một chữ, chưa nói một lời như thị. Tôi chỉ có cái tật luôn luôn ngứa tay nên thường gõ bậy trên internet. Nhiều lần muốn bẻ tay không gõ computer nữa, nhưng lở ghiền rồi, không gõ thì cái trí não nầy, nó không để cho tôi yên tâm ... ngủ.
Đức Phật nói: Tất cả chư Phật đều y nơi tướng giác thanh tịnh hằng chiếu soi để phá trừ vô minh mà được thành Phật. Chúng ta có thấy ý Phật nói có gì khác với lời suy luận ‘y ý bất y ngữ’ của các Tổ không? Các Tổ cũng nói, "Chúng ta y nơi Phật tánh hay y nơi tánh thanh tịnh sẵn có của chính mình để khởi tu thì sẽ được thành Phật." Như vậy, điểm y cứ ở đây Đức Phật dạy là phải nhận ra được bản tánh Viên Giác của mình. Nhận ra rồi lấy đó làm trụ xứ căn cứ của mình, nương đó mà khởi dụng chiếu soi, dụng chiếu soi đó sẽ phá dẹp vô minh.
Tôi xin góp ý: Chúng ta đã là Phật đi lạc trong vô minh; có cây đuốc báu Viên Giác ở trong túi nhưng không biết thắp sáng rọi tan màng vô minh u tối mà tự tìm đường đi về nhà (trở lại với Phật tính.) Bây giờ, thì đã có GPS, cell phones, đèn viên giác chiếu rọi đầy đường cứ lái xe phom phom về nhà không cần phải hỏi đường.
Mình tìm về lại nhà mình chứ mình sẽ không được thành mình khi về tới nhà mình. Trừ khi,
mình tỉnh cơn mê tìm đến nhà bồ mình rồi mình mê lú bồ quên đường về nhà mình. Mình mê say cố tìm về nhà mình, rồi mình tỉnh cơn say mê khi thấy vợ mình đang cầm chủi chà chờ mình bướt vào nhà ... chúng mình.
Câu hỏi rất thông thường vẫn là thế nào là vô minh?
Ngắn gọn, vô minh vì cố chấp vào ngũ uẩn, vọng tưởng nó là thật, là của Ta.
Trong Kinh Viên Giác giảng giải: Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, bị các thứ điên đão (làm mờ tánh Viên giác) như người mê lầm lộn bốn phương, vọng nhận tướng tứ đại là thân mình, chấp cái duyên theo dáng sáu trần là tâm mình. Ví như (người) nhặm mắt thấy hoa đốm trong hư không, và mặt trăng thứ hai... Hư không thật không có hoa đốm, vì người bệnh vọng chấp, do vọng chấp nên chẳng những lầm tự tánh của hư không mà cũng lầm luôn chỗ sanh ra hoa đốm là thật.
Do vọng chấp này mà có luân chuyển sanh tử nên gọi là vô minh... cái vô minh này không có thật thể. Như người trong mộng, khi mộng chẳng phải không có (cảnh vật) và đến khi thức dậy rõ ràng (cảnh vật) chẳng có. Như hoa đốm diệt trong hư không, không thể nói có chỗ diệt cố định. Vì cớ sao? Vì không có chỗ sanh. Tất cả chúng sanh ở trong vô sanh mà vọng thấy có sanh diệt, nên nói luân chuyển sanh tử... người tu nhân địa Viên giác Như Lai, biết hoa đốm trong hư không (không thật) liền dứt luân hồi và cũng không có thân tâm chịu sanh tử. Chẳng phải làm cho nó thành không mà bản tánh nó vốn không... Cái tri giác kia ví như hư không, biết hư không tức là (biết) tướng hoa đốm cũng không, và không thể nói không có tánh tri giác. Có, không đều dẹp gọi là tùy thuận tánh Viên Giác thanh tịnh. Vì cớ sao? Vì tánh hư không thường bất động, trong Như Lai tàng không khởi diệt vì không có tri kiến, như pháp giới tánh cứu cánh viên mãn khắp cả mười phương. Đây gọi là nhân địa tu hành (của Như Lai,) Bồ Tát cũng nhân đây mà phát tâm thanh tịnh tu theo Đại Thừa, chúng sanh đời sau y đây mà tu hành thì chẳng rơi vào tà.
Phật nói nhân địa của tất cả chư Phật tu hành đều từ nơi trí tuệ chiếu kiến. Do dùng trí tuệ giác chiếu nên thấy rõ vô minh, biết nó như hoa đốm trong hư không nên ra khỏi luân hồi sanh tử.
Cảnh đời giống như cõi mộng. Mộng du trong vô minh, khi vô minh thì thấy người thật cảnh thật, khi tỉnh thì thấy người không thật cảnh không thật, nên nói tỉnh giấc mộng Nam Kha rồi thì thấy cõi đời chỉ là một giấc mộng phù du. Mà không mê không tỉnh là Tri Kiến Phật vì ngay cả thấy cảnh không thật cũng vẫn ở trong vòng vô minh.
Kinh Phật và chư tổ không mảy may nói những điều hư vọng như một số người huệ căn còn quá thấp kém nên cho rằng những điều nói trong kinh có vẻ mơ hồ, huyễn hoặc, nếu không nói là bịa đặt không phải từ kim khẩu của Phật. Chỉ có trí tuệ của chư Tổ, Bồ Tát và của Phật mới nói nổi những điều ‘hư vọng’ cao siêu, huyền diệu khó hiểu đó.
Cho nên, Đức Phật, Bồ Tát và chư Tổ tùy theo căn trí bất đồng của chúng sinh, tùy theo cơ hội thuận tiện và nhân duyên để thuyết pháp cao thấp chứ không phải khi nào cũng đem đàn mà gãy tai trâu.
Ngưu Ma Vương nghe đàn
Kinh còn dạy rằng, “Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Phật.” Nếu chỉ coi vài cuốn kinh và biết sơ qua về Đạo Phật mà đã dám phê bình nọ kia thì thật là “võ đoán.”
Đúng vậy, trước khi chưa học Phật, tôi không biết gì về Phật Giáo. Lúc đang chưa học Phật, tôi biết tất cả về Phật Giáo. Sau khi chưa học Phật, tôi không biết gì về Phật Giáo. Tôi vẫn chưa biết là tôi chưa đã-chưa đang-chưa sẽ học Phật.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật đã quở những hạng người nói trên như sau, “Nguyên lai cái thể tánh của Tạng Như Lai cực diệu, cực minh, tức là Đạo Vô Thượng, không thể suy nghĩ, và cũng là Chánh Tri Kiến, không thể nào bàn đặng; như thế tại sao chúng sanh trong ba cõi lại lấy cái tâm sở tri phàm tiểu của mình mà suy lường cái Đạo Vô Thượng Bồ Đề của Phật …” Rồi vì lòng từ bi, Ngài lại dạy: Chúng sanh như thế thật đáng thương xót.
Tôi không biết những câu quở nhẹ nhàng ở trên, thay vì thịnh nộ hăm dọa trừng phạt như chúng ta từng thấy ở những thánh kinh của các tôn giác khác, là của chính Đức Thế Tôn hay từ những kinh điển Đại Thừa? Tuy nhiên cái quở đầy lòng từ bi như người cha khuyên nhủ, thương dạy con cái, được ghi lại trong kinh đã nói lên tinh thần độ lượng và cao thượng của Phật Giáo.
Tôi xin tạm kết, “Truyền Đăng Tục Diệm” ngoài nghĩa là mồi đuốc trí huệ của mình vào đuốc trí tuệ của Đức Phật để tự soi đường mà đi. Theo tôi còn có ý nghĩa là Ta đã ‘truyền quang minh trí tuệ của Như Lai vào các người rồi’ nên tự tin, vứt bỏ cái cặp nạng vô minh, chân cứng đá mềm, mà bướt đi như ta đã làm.
Hay nói rõ ràng hơn, chính mình là cây đuốc, ‘tự cháy,’ soi sáng vô minh không cần tìm kiếm đâu xa.
‘Chính mình là cây đuốc’ trong kinh không có nghĩa là phải tự thiêu, dùng lửa đốt than xác, thành cây đuốc cúng dường tam bảo hay để chứng tỏ lòng tin cuồng tín bằng cách mù quáng tế thần. Cúng dường tam bảo không phải hy sinh hay dâng hiến cái vô minh đó. Rất tiếc ngay đến bây giờ vẫn có rất nhiều người vẫn mê muội hiểu lầm như vậy.
Đạo Phật là đạo của trí tuệ không bao giờ chấp nhận mê tín cực đoan như vậy.
‘Chính mình là cây đuốc’ có nghĩa là trong mình đã có sẵn quang minh sáng như tam muội chân hỏa còn mất công tìm kiếm cây đuốc nào, ở đâu, sáng hơn được mà mồi mà thắp?
Đó cũng là ý nghĩa - chúng sinh đã là Phật từ vô lượng kiếp, khi mà ngộ được điều này rồi, thì có thể tự mình thắp đuốc mà đi không cần dựa vào lửa Như Lai nữa.
Ngược lại, có một số người ưa vọng ngoại tìm kiếm cũng như người mù cố mò mẫm tìm thắp ngọn đuốc ngoại đạo, đi trong ban ngày dưới ánh quang minh của thái dương, sở vào chấp ngã, và bám trụ vào cặp nạng vô minh. Những người này thiếu tự tin vì họ không biết dùng ngọc trí tuệ để minh tâm, và tự chiếu sáng cái bản lai diện mục của chính mình.
Trường hợp Albert Einstein là một thí dụ cụ thể, “Tôi là một người không tôn giáo. Nhưng nếu có Tôn giáo thì Tôi phải là một Phật tử. Vì những gì Tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua Kinh Phật đã nói hết rồi.”
Einstein đã phát biểu về Đạo Phật như sau: Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.
“The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description.”
Đồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng: Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật Giáo. Phật Giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật Giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học.
“If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science.” (Cả hai câu trên được trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp.stanford.edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm)
Tôi xin suy bụng của Einstein ra bụng của tôi, thay vì suy bụng ta ra bụng người như nhiều người hay suy ra.
Nhà Bác Học Einstein đã đạt được tâm vô ngã. Chắc chắn như vậy, vì qua suốt cuộc đời cống hiến, và hy sinh cho khoa học, ông cũng không biết tham sân si là gì? Vì vậy, ông ta dễ dàng giác ngộ dù chưa bao giờ tu hành, hay hành thiền theo đạo Phật.
Ông tự nhận mình là vô tôn giáo, có cảm tình với đạo Phật nhưng vẫn vô sở vô trụ vào tôn giáo. Tuy nhiên, ông sẽ chọn làm Phật Tử nếu cần có một tôn giáo. Ông ta đã rất là kiêm nhường với một tinh thần vô ngã, tự sẵn có trong ông ta khi tâm sự ‘những gì Tôi hiểu biết bây giờ thì mấy
ngàn năm qua Kinh Phật đã nói hết rồi’ rất tiếc cho chúng ta là ông ta đã không dẫn chứng là những điều gì ông hiểu mà kinh Phật đã nói hết rồi – hay ông đã dẫn chứng rồi, tất cả những gì ông ta hiểu kinh Phật đã nói hết rồi?
Theo tôi suy luận từ câu nói trên của Einstein cũng còn có nghĩa: Những gì tôi hiểu biết đã trùng hợp kỳ diệu và thật ngẫu nghiên lạ thường với những gì Đức Phật dạy trong kinh điển từ mấy ngàn năm về trước như một mối nhân duyên kỳ ngộ nhiệm mầu từ thuở nào.
Déjà vu
Ngay cả 6 câu thuyết pháp cuối cùng của Đức Phật Thích Ca: Tự mình thắp đuốc mà đi! Tôi đã luôn luôn tự mình thắp đuốc mà đi, tự nhiên như bản tâm của mình, cho dù có biết về Phật Giáo hay không biết về những điều Phật dạy trong kinh điển 2600 năm về trước. Những kiến thức khoa học của Tôi có được từ trí tuệ của Phật Pháp từ vô lượng kiếp.
Tôi đã đặc biệt thấy tôi tương đối. Tôi đã đặc biệt tương đối ... giác ngộ tổng quát. e = mc2
Bồ Tát Einstein
Tương tự, Đức Thế Tôn tìm được chân lý không phải học tu theo những đấng tu khổ hạnh trong mấy năm đầu đầu tầm đạo. Ngài đã chứng nghiệm rằng con đường tu ép xác đó chưa hẳn là thực tại rốt ráo và Ngài đã tự tìm lấy con đường (đạo) cho chính mình, và sau là cho chúng sinh bằng cách tự mình thắp đuốc đi đêm.
Vì vậy, trước khi tịnh diệt, và viễn ly các đệ tử của mình, Ngài đã chân tâm khẫu truyền cái tuyệt kỷ bí mật rốt ráo cuối cùng của đời mình qua lời trăn trối: Tự mình thắp đuốc mà đi như ta đã từng làm. Đây cũng là một ý nghĩa rất thâm diệu được nhìn qua lăng kính của trí tuệ bát nhã từ một góc độ đặc biệt. Có thể vì đa số những đệ tử của Phật và tất cả chúng ta chưa đủ trí tuệ để tự mình thắp đuốc mà đi nên vẫn phải dựa vào Phật vào Pháp cho nên không có nhiều người giác ngộ sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Đến đây mới thấy được câu Pháp 6 chữ: Tự mình thắp đuốc mà đi! của Đức Thế Tôn thật thâm diệu tuyệt vời.
Đây là lời trối trăn tuyệt diệu nhưng đa số chúng ta tuy thường nhắc đến nhưng ít ai quan trọng hóa hay hiểu đó là chân lý tối thượng. Tụng câu Tự mình thắp đuốc mà đi và nếu mà rốt ráo giác ngộ, trì hành được ý nghĩa đơn giản của 6 chữ này một cách viên diệu thì còn hơn là tụng cả ngàn cuốn kinh Phật.
Trong 45 năm thuyết pháp của Đức Thế Tôn chỉ gói gém trong 6 chữ cuối cùng đó. Còn trước đó thì Ngài đã tuyên bố: Như Lai chưa từng nói một chữ...Pháp, ngoại trừ 6 chữ ‘Ta chưa từng nói một chữ.’
Trang Tử viết: Cần nơm bắt cá, nhưng có cá rồi hãy quên nơm; Cần bẫy bắt thỏ, được thỏ rồi hãy quên bẫy; Cần lời truyền ý, được ý hãy quên lời.
Tại phương Tây, Alfred Korzybski cũng diễn tả ý đó rất công hiệu bằng câu, “Địa đồ không phải là cảnh thật.”
Cho nên cái ý Truyền Đăng Tục Diệm cũng là phương tiện nghĩa đen tượng hình chứ không phải là tượng ý của nghĩa bóng.
Phật Giáo có vô số phương tiện để mà tải Đạo, nên tùy cơ ứng biến.
Tôi không chấp phương tiện y ngữ mà chỉ tùy thời y nghĩa. Theo tôi, ý của Đức Thế Tôn còn có nghĩa: Chính ‘mình,’ chính Ta là Như Lai là Quang Minh Tam Muội Chân Hỏa. Ý trên được tôi diễn tả qua cùng một lăng kính Phật Pháp nhưng ở một góc cạnh không sở tại cho thích hợp với thời đại khoa học, và văn minh lẫn ngôn ngữ hiện tại.
Tương tự như hai câu kệ của Thần Tú, Tâm như đài gương sáng (Tâm như minh cảnh đài) và Huệ Năng, Gương sáng cũng chẳng đài (Minh cảnh diệc phi đài) hợp với Trong nhà có báu thôi tìm kiếm (Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch) trong Cư Trần Lạc Đạo (ở đời vui đạo hay An Cư Lạc Nghiệp.) Đó là đạo nghiệp thế gian mà Đức Vua Trần Nhân Tông, Ngài Thần Tú và Ngài Huệ Năng phương tiện đưa ra để đáp ứng với đời sống nhất thời hiện tại.
Đó là chân lý thực tại vượt thời-không, không thể không có trong vũ trụ và nhân sinh.
Ngã Phật Từ Bi!