Triết Lý Tịnh Độ Nhân Gian Trong Việc Mở Rộng Cương Giới Thời Lê- Nguyễn

22/04/20225:50 SA(Xem: 2448)
Triết Lý Tịnh Độ Nhân Gian Trong Việc Mở Rộng Cương Giới Thời Lê- Nguyễn
TRIẾT LÝ “TỊNH ĐỘ NHÂN GIAN”
TRONG VIỆC MỞ RỘNG CƯƠNG GIỚI THỜI LÊ- NGUYỄN   
Thích Tâm Chánh

Đặt vấn đề

Phật giáo Việt Nam thời kỳ Lê- Nguyễn thế kỷ XV- XIX, có thể nói không còn đóng giữ vai trò quan trọng và chiếm lĩnh vị trí quốc giáo như thời Lý- Trần. Tuy nhiên, nhìn nhận xuyên suốt tiến trình lịch sử trong khoảng thời gian 500 năm tồn tại, những dấu ấn sâu sắc để lại trong lòng đời sống quần chúng nhân dân của Phật giáothời kỳ này không vì thế mà trở nên mờ nhạt và thiếu mất sự ảnh hưởng nhất định đến bối cảnh thời đại Lê- Nguyễn. Cụ thể, khi không còn đóng giữ vị trí đặc biệt trên vũ đài chính trị, thì Phật giáo lui về sinh hoạt gắn bó trong lòng đời sống nhân dân; thiết lập các phương thức tu tậpsinh hoạt truyền thống đáp ứng những nguyện vọng, nhu cầu tâm linh cùng với đông đảo quần chúng phật tử. Đặc biệt, trong công cuộc Nam tiến mở rộng cương giới về phía Nam diễn ra dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, có thể thấy một mô hình Phật giáo bình dân đã được kiện toàn thiết lập ngay trong đời sống sinh hoạt Phật giáo bấy giờ với các triết lý tu tập được vận dụng, thực thi vào nếp sống thực tiễn, từ đó giúp làm điểm tựa tinh thần cho giới lãnh đạo cùng đông đảo quần chúng nhân dân trong việc bình ổn đời sống về mọi mặt, nhất là ý niệm mưu cầu hạnh phúc bình yên buổi đầu tại vùng đất Đàng Trong ngang qua vai trò hộ trì tích cực của Phật giáo với những triết lý sống được hiện thực hóa, áp dụng trong mọi giai tầng của xã hội để nương tựa thực hành.

Bối cảnh, điều kiện lịch sử

Thực tế tiến trình lịch sử dân tộc cho thấy, vấn đề xây dựngmở rộng cương giới lãnh thổ Đại Việt đã từng được chú trọng và diễn ra trong thời đại nhà Trần dưới thời lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông bằng việc chủ trương sáp nhập châu Ô mã và Việt lý vào cương giới Đại Việt, xem đây như là một trong những việc làm thiết yếu để củng cố nền độc lập tự chủ của dân tộc nhưng đồng thời cũng là chính sách tối cần thiết để chống lại sự gây hấn của phong kiến phương Bắc trong vấn đề an ninh cương giới lãnh thổ Đại Việt lâu  dài. Đến thời Lê- Nguyễn vì những lý do nội tại mà những chính sách này không được thực thi theo như tinh thần chủ trương của giới lãnh đạo bấy giờ. Thay vào đó, các cuộc binh biến diễn ra giữa các thế lực phong kiến trong hai thế kỷ XVII- XVIII dưới thời Lê- Mạc, Trịnh- Nguyễn đưa đến nhiều vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ tầng lớp lãnh đạo, khiến bối cảnh xã hội bấy giờ bị đặt trong sự rối ren, bất ổn. Chính trong hoàn cảnh lịch sử phân tranh quyền lực như thế, sự kiện Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558- 1613) được triều đình chúa Trịnh là Lê Anh Tông chấp thuận trở vào vùng đất Thuận Hóa để trấn thủmở rộng cương giới đất nước trong giai đoạn này, vô tình đã đưa đến sự phát triển không ngừng của cả một vùng lãnh thổ Đại Việt được mở rộng ở phía Nam cùng với số lượng dân cư ngày càng được tăng lên trên vùng đất mới kéo dài từ Thuận Hóa rồi Thuận Quảng cho đến tận vùng đất mũi Cà Mau sau này, bởi họ đa số đều là những người bất mãn chính trị với 2 cuộc nội chiến khiến dân tình loạn lạc, xã hội phân ly, cũng như tầng lớp dân cư là những thành phần người Chiêm Thành, Chân Lạp, về sau còn có cộng đồng người Hoa di dân sang1. Trong hoàn cảnh như vậy, các chúa Nguyễn đã dùng chánh pháp để quản dân, ổn định đời sống, xây dựng nếp sống hiền thiện để hướng đến quốc thái dân an: “Vỗ về quân nhân, thu dụng hào kiệt, quân lệnh nghiêm trang, mở mang ngoại thương, khiến dân trong cõi an cư lạc nghiệp”2. Hết thảy đều minh chứng rõ ràng nhất cho thời kỳ bình ổn, phát triển của dân tộc Đại Việt được thống nhất về mọi phương diện dưới thời các chúa Nguyễn, đặc biệt về ước nguyện thiết lập một xã hội an bình, hạnh phúc tại vùng đất mới xứ Đàng Trong, đúng như bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu được viết trên chiếc chuông đồng đúc tại chùa Thiên Mụ vào năm 1710: 惟願風調雨順國泰民安法界衆生同圓 種智 (Duy nguyện: phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sanh, đồng viên chủng trí nghĩa là: Xin nguyện cho mưa thuận gió hòa, đất nước thịnh trị yên lành, mọi chúng sanh trong pháp giới cùng được tròn đầy trí tuệ).

Xây dựng hình ảnh một Phật giáo nhập thế, bình dân

Có thể thấy, ở những buổi đầu của sinh hoạt Phật giáo trong công cuộc Nam tiến diễn ra tại xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, hẳn nhiên không thể thiếu sự đồng hành của Phật giáo trong vai trò hộ trì cùng giới lãnh đạo, quần chúng Phật giáo đã tích cực tự xây dựng cho riêng mình một vị trí, vai trò mới: Phật giáo thế sự, bình dân, đồng hành cùng dân tộc để phát huy những giá trị ưu việt nhất thể hiện qua các phương diện tu tập, phổ hóa vào trong nếp sống thường nhật cho mọi giới trong xã hội được lợi lạc. Điều này, có thể thấy ngoài sự chủ động đến từ các chúa Nguyễn trong tinh thần vận dụng những triết lý sống của Phật giáo để thực thi vào các chính sách cai trị giúp bình ổn đời sống cư dân tại đây với việc các cơ sở thờ tự của Phật giáo được các chúa Nguyễn chủ trương phục dựng lại các chùa cũ, tạo lập các chùa mới, ban sắc tứ cho nhiều chùa tại Đàng Trong, từ đó làm tiền đề quan trọng để Phật giáo có cơ sở, điều kiện sinh hoạt tu tập thuận lợi tác động vào đời sống quần chúng nhân dân. Bởi tạo lập chùa cũng có nghĩa là định hình đời sống tâm thức cho cộng đồng quần chúng nhân dân thực hành theo nếp sống đạo, khi đó nhà chùa trở thành nhà trường, các sư trở thành nhà giáo, thầy thuốc… để hướng dẫn quần chúng nhân dân tu học, sinh hoạt văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng, phổ biến giáo lý đạo đức nhà Phật thông qua các chương trình tu tập, kiến tạo trai đàn, làm lễ bố thí, niệm kinh giải oan, cầu cho quốc thái dân an. Đặc biệt, chú trọng vào phương thức sinh hoạt truyền thống để phát triển Phật giáo bình dân đại chúng, thể hiện rõ nét nhất ở nơi hình ảnh các vị Thiền sư cùng với cư dân chung tay khai vỡ đất hoang, tạo lập cuộc sống, tu bổ nhà chùa, hoằng dương Phật pháp, giúp người dân vượt qua khó khăn hoạn nạn, góp phần ổn định cuộc sống. Cụ thể, một Phật giáo bình dân được thực thi trong đời sống cư dân, chẳng câu nệ lễ nghi, hình tướng, bởi Họ cần trước hết là những bài học về đạo đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số triết lý cao siêu. Và, Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành nhiệt huyết nhập thế một cách tích cực đã mau chóng đáp ứng điều này. Ở đâu có đất mới được mở ra là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với một xã hội lầm lũi3.

Và đương nhiên, nhu cầu cần có thầy cầu an khi đau ốm và cầu siêu khi qua đời là một đòi hỏi bức bách của lưu dân. Tín ngưỡng Phật giáo đã đáp ứng được nhu cầu ấy và tạo tiền đề để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển nhanh chóng của nhiều ngôi chùa lúc bấy giờ4. Đó đều là sự thiết lập cần thiết cho sự có mặt của Phật giáo với ý nghĩa đồng hành cùng cư dân tích cực xây dựng, ổn định đời sống về vật chất lẫn yếu tố nhu cầu tinh thần giúp người dân vượt qua khó khăn hoạn nạn trong giai đoạn này với truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam khơi gợi từ những thế kỷ trước được tiếp nối, duy trì không ngừng.

Hiện thực hóa các phương thức tu tập căn bản

Đặc biệt, trong thời gian này sự xuất hiện của các vị thiền sư Trung Hoa như Chuyết Công, Nguyên Thiều, Thạch Liêm, Minh Hải Pháp Bảo… sang hoằng hóa hành đạo tại xứ Đàng Trong, có thể nói mang đến một đời sống sinh hoạt Phật giáo cho mọi tầng lớp xã hộicơ duyên được tiếp nhận các phương pháp tu tập, tư tưởng mới đến từ các vị Thiền sư Trung Hoa. Bên cạnh các dòng thiền Lâm Tế, Tào Động có mặt trên lãnh thổ Đại Việt, bên cạnh các Thiền phái Trúc Lâm, Chúc Thánh, Liễu Quán của nền Phật giáo dân tộc cũng được phục hưng và hình thành trong giai đoạn này. Từ đó, đóng góp một vai trò quan trọng trong việc định hình, hướng dẫn quần chúng nhân dân tu niệm hiệu quả, lợi lạc và tạo dấu ấn rộng rãi của Phật giáo trong đời sống tâm linh của dân tộc Đại Việt ở Đàng Trong.

Thời gian này thay vì chủ trương, khởi xướng mạnh mẽ các công án tham thiền, thoại đầu, đánh hét… để hướng dẫn các tầng lớp trong xã hội thực hành tu trì nhằm kiến tánh ngộ đạo theo lối tu tập vốn có của triết lý Thiền tông, ngược lại để tạo nên sự lan tỏa sâu rộng, thích ứng với điều kiện tu tập bấy giờ của các giới xuất gia lẫn tại gia trong xã hội Lê- Nguyễn; một phương thức tu tập mới về giáo nghĩa Tịnh độ đã được thiết lập, khởi xướng trong quan điểm tu niệm bởi các vị thiền sư Chuyết Công, Nguyên Thiều, Chân Nguyên, Hương Hải, Thạch Liêm, Toàn Nhật… chủ trương khuyến hóa mọi giới trong xã hội bấy giờ nỗ lực tu tập hành trì theo pháp tu Tịnh độ, biểu hiện qua các phương thức tu niệm: Kết hợp giữa triết lý thiền tịnh để niệm Phật, thực hành pháp quán tưởng tự tánh Di Đà, phát khởi niềm tin cầu nguyện vãng sanh Tây phương, tin sâu giáo lý nhân quả, cho đến việc tụng kinh, trì trai, giữ giới… với mục đích ý nguyện đều nhằm hướng đến sự tịnh hóa thân tâm, thiết lập được giá trị an lạc giải thoát ngay kiếp sống hiện tại đồng thời hướng nguyện về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà qua pháp tu Tịnh độ. Ví như thiền sư Chuyết Công trong tác phẩm Bồ đề yếu nghĩa có bảo: “Trước khi niệm Phật A Di Đà, hành giả phải thực hành tuần tự quy y Tam bảo, thọ trì năm giới, sám hối nghiệp chướngcuối cùng phát khởi đại nguyện”. Rõ ràng, việc thực tập niệm Phật theo Thiền sư chủ trương trong thời kỳ này là vô cùng đơn giản, rất dễ dàng để thực tập tu niệm; bởi lẽ con người trong ý niệm cần cầu giá trị an lạc, hướng đến đời sống tịnh hóa của tự thân ngang qua việc trì niệm danh hiệu Phật, đương nhiên nhất mỗi cá nhân nhất thiết cần phải nỗ lực chuyển hóa đời sống tâm thức của mình bằng các hành động cụ thể thông qua ba nghiệp thân, khẩu và ý được tịnh hóa trong lộ trình hướng thượng; chỉ khi đó việc thực tập pháp tu niệm Phật mới mong được chuyên nhất và có hiệu quả lợi lạc. Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715), cho rằng việc chuyên trì danh hiệu Phật thâu nhiếp cả hết thảy công đức, hơn cả việc trì chú“Chuyên trì danh hiệu thắng hơn trì chú, thắng hơn hết thảy chư dư công đức”. Còn việc trì trai, giữ giới đối với các tầng lớp tu tập bấy giờ, chúng ta có thể thấy qua lời của ngài Thạch Liêm chỉ dạy cho chúa Nguyễn:

“Việc trai giới chẳng phải giữ cho sạch miệng, sạch mình, tư tưởng trong sạch mà thôi. Việc trai giới của nhà vua cần phải đem việc quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn…”5.

Rõ ràng, ý niệm tu tập theo tinh thần Phật giáo không phải cố chấp, nắm giữ trong những điều lệ, giới điều để ràng buộc người tu tập, chúng cần phải được vận dụng hành trì chuyển hóa một cách thiện xảo, sáng suốt, mà ở đây thiền sư Thạch Liêm mong muốn chúa Nguyễn Phúc Chu trong cương vị là một người lãnh đạo đất nước nhưng cũng là một phật tử thì cần phải thấu triệt đạo lý này để tránh rơi vào sự dính mắc, sai lầm.

Hơn nữa, Phật giáo với tinh thần triết lý nhân quả, nghiệp báo hướng con người đến chỗ hiền thiện, hạnh phúc, an lạc thì rõ ràng trong bối cảnh như vậy, những triết lý sống căn bản, giá trị của Phật giáo hẳn nhiên khiến cư dân bấy giờ cần phải tự nỗ lực sống tốt, biết sợ điều ác, thực hành những điều thiện để làm lợi ích cho mình và mọi người xung quanh6. Nhờ vậy, mà đời sống của cư dân bấy giờ mới đủ ý chí, niềm tin để vượt qua mọi khó khăn thử thách nơi vùng đất mới với nhiều thứ phải đối mặt. Chính khi ấy, tinh thần, triết lý sống của Phật giáo sẽ giúp mọi giai tầng trong xã hội kiến tạo xây dựng được cuộc sống an bình, hạnh phúc.

Tạm kết

Có thể nói, trong điều kiện bối cảnh dân tộc Đại Việt có nhiều sự chuyển biến, thay đổi về đời sống, văn hóa, con người diễn ra trong xã hội Lê- Nguyễn ở thế kỷ XV- XIX, thì việc định hình, thiết lậpxây dựng các tư tưởng triết lý tu tập của Phật giáo, được vận dụng vào trong nếp sống thực tiễn xã hội bấy giờ để bình ổn đời sống nhân dân buổi đầu trong công cuộc Nam tiến, mở rộng cương giới dưới thời các chúa Nguyễn rõ ràng mang đến một ý nghĩa, vai trò rất lớn trong sứ mệnh củng cố nền độc lập, tự chủ của dân tộc Đại Việt trong thời kỳ Phật giáo Lê- Nguyễn được phát huy, rộng mở trong mọi giai tầng xã hội về phương diện thích ứng, phù hợp của triết lý tu tập Phật giáo đối với điều kiện nhu cầu tín ngưỡng sinh hoạt của các tầng lớp trong Phật giáo thời Lê- Nguyễn. Đồng thời, đây đặc biệt còn là cách thức để khẳng định sự đồng hành gắn bó của Phật giáo đối với dân tộc ở mọi phương diện và trong bất cứ hoàn cảnh nào vì sự an bình, hạnh phúc cho cư dân Đại Việt.

 


1. Trần Thuận (2019), Phật giáo Đàng Trong đôi điều cảm nhận trong Phật giáo Việt Nam góc nhìn lịch sửvăn hóaNxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 79.

2. Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 67.

3. Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương Lịch sử văn hóa Việt Nam, Tập II, Nxb. Giáo dục, tr. 156.

4. Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 15.

5. Viện Đại học Huế (1963), Thích Đại SánHải ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, tr. 97.

6. Dẫn lại Ngô Thị Hường (2015), Sự phục hưng của Phật giáo ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn trong Phật giáo thời Nguyễn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 141.
(Trích từ: https://thuvienhoasen.org/p19393a37478/tap-chi-van-hoa-phat-giao)


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.