Nhân Duyên Đầy Đủ

26/09/20223:32 SA(Xem: 1983)
Nhân Duyên Đầy Đủ
PHƯỚC DUYÊN
TT. Thích Chân Tính

NHÂN DUYÊN ĐẦY ĐỦ

Hôm nay, nếu thiếu dù chỉ một nhân duyên, các con cũng không  thể có mặt tham dự Khóa tu  mùa  hè tại chùa Hoằng Pháp. Thí dụ, dù đã đăng ký tham dự khóa tu, có giấy báo của chùa và chuẩn bị hành lý đầy đủ, nhưng các con lại bị đau, bị bệnh, hoặc nhà có việc bận, người thân vừa mất,… thì chắc chắn không thể có mặt ở đây được. Có rất nhiều nhân duyên để các con được tham dự Khóa tu mùa hè, nhưng ở đây thầy chỉ nêu lên năm nhân duyên chính: Nhân duyên thứ nhất, chùa Hoằng Phápcó tổchức Khóa tumùa hè. Như các con đã biết, đối với Phật giáo, ba tháng hạ là thời gian chư Tăng cấm túc, gọi là an cư kiết hạ. An cư kiết hạ nghĩa là kiết giới[1], ở yên một chỗ trong thời gian mùa hạ. Tại sao đức Phật lại chế pháp Ankiết hạ cho chư Tăng? Vì trong một năm, chư Tăng đã dành ra chín tháng để làm Phật sự và đi hoằng pháp các nơi; còn lại ba tháng hạ là mùa mưa, chư Tăng cần tập trung lại một chỗ để thúc liễm thân tâm, tinh tấn tu tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc tu họchoằng pháp lợi sinh. Do vậy, ba tháng an cư kiết hạ rất cần thiết đối với chư Tăng. Trong ba tháng này, lẽ ra quý thầy được nghỉ ngơi, tu học, trau dồi giới đức, nhưng vì thương các con nên mới tổ chức Khóa tu mùa hè. Quý thầy biết rằng các con cũng phải đi học suốt chín tháng, chỉ có ba tháng hè mới được nghỉ, vì vậy mà quý thầy nguyện hy sinh những tháng ngày tu học của mình để tổ chức khóa tu cho các con.

Quý thầy mặc dù rất muốn tổ chức khóa tu thật đông, nhưng nếu cơ sở vật chất không đủ thì cũng khó mà tổ chức được. Vì các con vào đây tu học cần có chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ nghe giảng, chỗ tắm giặt,… Nhưng vậy vẫn chưa đủ: Có chỗ ăn rồi, phải có  người  nấu  cơm,  nấu  canh, nấu thức ăn; nấu xong, phải có người dọn ra bàn; ăn xong, phải có người dọn dẹp và rửa chén. Nếu đi ngang qua nhà bếp, các con sẽ thấy quý thầy và các Phật tử công quả phải thức khuya dậy sớm để nấu cho các con ăn; trong bếp thì rất nóng, mồ hôi của mọi người lúc nào cũng ướt đẫm trên lưng. Dù vất vả, nhưng ai cũng rất vui khi giúp các con có được những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng, để các con đủ sức khỏe tu tập trong bảy ngày. Có chỗ ngủ rồi, phải có mùng, mền, chiếu, gối, còn phải có người quét dọn, sắp xếp cho các con. Có chỗ nghe giảng rồi, phải có quý thầy giám luật quản lý trật tự, và còn phải chuẩn bị để mời các giảng sư đến thuyết pháp. Có chỗ tắm giặt rồi, còn phải có người dọn vệ sinh, bơm nước, chuẩn bị xà bông tắm, bột giặt, kem đánh răng,…

Qua đó, có thể thấy, nhân duyên đầu tiên để Khóa tu mùa hè được tổ chức ở chùa Hoằng Pháp là quý thầy nơi đây khởi tâm muốn tạo điều kiện cho các con về chùa tu học. Chùa cũng phải có đủ nhân sự và tiền bạc. Chùa Hoằng Pháp tổ chức được một khóa tu như thế này phải nhờ đến hơn một trăm vị Tăng và gần năm trăm Phật tử công quả. Hiện nay, quý thầy ở các nơi cũng muốn tổ chức Khóa tu mùa hè, nhưng cơ sở không có, nhân sự không đủ, tiền bạc cũng thiếu nên việc tổ chức rất khó khăn. Do vậy, nếu không đủ ba điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và tiền bạc thì chùa Hoằng Pháp không thể tổ chức được Khóa tu mùa hè. Và nếu chùa Hoằng Pháp không tổ chức khóa tu này thì các con cũng không thể có mặt ở đây. Mười năm trước, các bạn trẻ có muốn đi dự Khóa tu mùa  hè ở chùa Hoằng Pháp cũng không thể được, vì đến năm 2005 chùa mới hội đủ điều kiện tổ chức khóa tu đầu tiên. Bởi vậy, các con đang ngồi đây đều là những người đã có đầy đủ nhân duyên.

Thứ hai là nhờ cha mẹ các con cho phép và tạo điều kiện. Vì biết rõ chùa là môi trường đạo đức, là nơi dạy con người sống hướng thiện, hướng thượng; biết rõ trong Khóa tu mùa hè, các con sẽ được học về hiếu đạo, nhân quả và kỹ năng sống chính niệm tỉnh giác. Cho nên, cha mẹ đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các con đến dự khóa tu này.

Nhân duyên thứ ba là các con ở đây đều có đủ sức khỏe và có sự kiên trì. Đã đăng ký và chuẩn  bị hành   lý đầy đủ mà đến ngày đi các con  bị bệnh thì cũng không thể có mặt tại đây được. Hoặc nếu các con đến tham dự khóa tu rồi mà không đủ sức khỏe thì vẫn phải ra về. Khóa trước có một bạn phải về nhà vì mắc bệnh quai bị. Bạn đã khóc rất nhiều, do bị bệnh nên phải về chứ thật sự bạn rất muốn tham dự khóa tu cho trọn vẹn. Ngoài bệnh tật, còn có rất nhiều lý do khác nữa khiến các con không thể dự tu trọn khóa. Chẳng hạn như hiện tại đang thời điểm World Cup, nhiều bạn mê bóng đá, muốn về nhà để theo dõi trận chung kết, không muốn ở chùa tu nữa. Một số bạn khác đến dự tu mới được một, hai ngày nhưng nhớ cha mẹgia đình quá nên cũng bỏ về. Có bạn mới vào được vài ngày, nghe tin người thân mất, đành phải ra về. Hôm qua, có một bạn mới vào buổi sáng thì buổi chiều đã đòi về vì ăn chay không được. Có những bạn chán nản xin về vì không thể thích ứng với điều kiện thực tế của khóa tu. Ở nhà các con ngủ tới bảy, tám giờ mới dậy; ở đây bốn giờ rưỡi là phải dậy rồi. Ở nhà các con ngủ giường nệm, có máy điều hòa; ở đây phải ngủ tập thể, chật chội và nóng bức, còn phải chấp hành các nội quy như ăn, ngủ và tu học đúng giờ; không được nói chuyện khi ăn cơm, nghe giảng, tu tập, ngủ nghỉ,…

Theo thống kê của Ban Tổ chức, khóa vừa rồi có khoảng 10% khóa sinh ra về khi chưa kết khóa. Thầy cho rằng con số đó không lớn. Trong 1000 bạn, chỉ có khoảng 100 bạn ra về. Nếu khóa này cũng vậy, thì trong hơn 3000 bạn sẽ có khoảng 300 bạn ra về, với rất nhiều lý dohoàn cảnh khác nhau. Cho nên, bạn nào tham dự được trọn vẹn là bạn đó có đầy đủ sức khỏe, bản lĩnh, ý chí, nghị lực, sự kiên trì, phước đứcnhân duyên.
Thứ tư là nhờ có sự bảo vệ của chính quyền địa phương. Để tổ chức Khóa tu mùa hè với số lượng đông như thế này, chùa phải xin phép chính quyền xã, huyện, thành phố; phải được sự chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn và Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh; và nhất là phải được sự giúp đỡ, bảo vệ về vấn đề an ninh của công an xã, ấp sở tại[2]. Nếu không nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ và bảo vệ thì các con cũng khó mà yên tâm tu học được. Những Khóa tu mùa hè đầu  tiên vào năm 2006, 2007, một số thanh niên bên ngoài vào chùa gây rối, dẫn đến đánh nhau với khóa sinh đang tu tập trong chùa. Sau đó, quý thầy phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương thì tình hình mới được an ổn. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2009, khi đến Khóa tu mùa hè, quý thầy quyết định đóng cửa chùa để các bạn bên ngoài không vào gây rối và các bạn ở trong cũng không trốn ra ngoài đi chơi được. Nhờ vậy mà hai năm gần đây, khóa tu của chúng ta được ổn định.

Trong khóa vừa rồi, một số thân nhân đến thăm các bạn đang dự tu. Thế nhưng chùa đóng cổng rồi nên không vào được. Họ liền nói rằng, chùa gì mà khó khăn quá, giống như nhà tù, nhốt người ta trong đó rồi không cho thăm hỏi. Thế là họ cương quyết bắt con em mình đi về, mặc dù nhiều bạn khóc và không chịu, nhưng buộc phải về. Họ hành động như vậy là do không thông cảm và không hiểu được tấm lòng của quý thầy dành cho các bạn trẻ. Đáng lẽ thân nhân của khóa sinh nên nhận ra rằng, việc làm của quý thầy là muốn giúp cho các con ở trong này được bảo đảm về an ninh trật tự, chứ không phải là quý thầy khó khăn với gia đình khóa sinh. Nhiều thân nhân không hiểu như vậy nên đã trách chùa và bắt các con về. Các con thử nghĩ xem, khi đóng cửa, Phật tử không vào cúng dường được thì chùa không có tiền, không có tiền thì công việc Phật sự sẽ gặp khó khăn, đó là một sự thiệt thòi cho chùa. Thế nhưng, quý thầy sẵn sàng hy sinh để bảo vệ các con.

Giả sử như chùa mở cổng, thanh niên bên ngoài vào gây rối, còn một số bạn khóa sinh lại trốn ra ngoài đi chơi thì sao? Thầy có kinh nghiệm rồi. Vài khóa trước đã xảy ra tình trạng như thế. Một số bạn đến đây tham dự Khóa tu mùa hè, vào ở ngày đầu, ngày thứ hai đi về, nhưng không về nhà mà đi chơi với bồ. Đến gần cuối khóa những bạn đó trở lại chùa. Khi lên đón vẫn thấy con ở chùa, gia đình cứ tưởng con mình ở đây tu bảy ngày, nhưng họ không ngờ rằng nó chỉ ở có một, hai ngày rồi tới ngày cuối mới về lại chùa. Nếu những bạn đó trốn ra ngoài rồi xảy ra chuyện  gì không hay thì sao? Thế nên, việc đóng cổng chùa là để bảo vệ cho các con. Thân nhân của các con nên hiểu điều này, không nên trách móc mà phải thương quý thầy mới đúng.

Nhân duyên thứ năm là nhờ có sự hỗ trợ của tín thí thập phương. Khi các con tham gia khóa tu này, Ban Tổ chức không thu một loại lệ phí nào. Mọi thứ như: đồ ăn, nước uống, xà bông tắm giặt, kem đánh răng, thuốc chữa bệnh, tập, bút, sách,… thậm chí cả những “nhu yếu riêng” dành cho các bạn nữ, Ban Tổ chức cũng chuẩn bị sẵn. Các con về đây chỉ việc ăn, học, tu tập, vui chơi, không cần lo gì hết. Ngoài ra, khi mãn khóa, các con còn được Ban Tổ chức tặng quà. Trong khóa trước, quý thầy tặng cho mỗi bạn năm quyển sách và năm đĩa giảng. Khóa này cũng sẽ tặng như vậy. Có được những thứ này là do Phật tử các nơi phát tâm cúng dường. Với số lượng hơn 6000 bạn, tổ chức thành hai khóa, chi phí phải bỏ ra sẽ rất lớn. Kết thúc khóa tu vừa rồi, tiền chi riêng cho nhà bếp và tiền quà tặng cho các con đã lên đến hơn 500 triệu đồng. Các con thử nghĩ xem tổng chi phí của hai khóa là bao nhiêu? Một tỷ đồng. Tất cả là do Phật tử phát tâm đóng góp. Đây gọi là sự hỗ trợ của thập phương tín thí. “Thập phương” nghĩa là các nơi, “tín thí” nghĩa là những người có lòng tin, những người có lòng tin ở các nơi đã đến cúng dường để quý thầy tổ chức Khóa tu mùa hè cho các con, chứ quý thầy không có tiền. Bởi vậy, các con phải thấy rằng, sự có mặt của các con hôm nay là do nhiều nhân duyên tạo thành, trong đó có năm nhân duyên chính như thầy vừa trình bày.

Trong bảy ngày tổ chức khóa tu, quý thầy và các Phật tử công quả làm việc rất cật lực: Một số thầy chịu trách nhiệm hướng dẫn các con tu học; một số thầy và Phật tử công quả lo phần nấu cơm cả ngày lẫn đêm để có những bữa ăn ngon miệng cho các con. Các bác sĩ phát tâm đến chăm sóc sức khỏe cho các con, phải túc trực 24/24 giờ, đề phòngtrường hợp cấp cứu. Các anh chị bảo vệ cũng phải vất vả ngày đêm để lo cho các con. Tuổi trẻ mà, nếu không bảo vệ, chăm sóc các con thật kỹ thì chỉ cần “nháy mắt” với nhau thôi là có chuyện rồi, hai người sẽ tìm một chỗ kín đáo nào đó ngồi riêng tâm sự. Thế nên, cần phải bảo vệ các con chặt chẽ để không có tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Ngoài ra, còn rất nhiều người nữa đã đem tất cả tấm lòng của mình giúp cho các con có được những điều kiện tốt nhất trong khóa tu này: người đóng góp công sức, vật chất, người giúp đỡ về tinh thần. Nếu không có họ thì khóa tu khó mà tổ chức được, và hôm nay các con cũng không thể có mặt ở đây. Một căn nhà là do nhiều viên gạch xếp chồng lên nhau. Một cánh rừng là do nhiều cây hợp lại. Một sa mạc là do có nhiều hạt cát nhỏ. Cũng thế, Khóa tu mùa hè là do hội tụ rất nhiều nhân duyên mà thành.

Như vậy, để có mặt ở đây là các con đã mang ơn rất nhiều người: quý thầy tổ chức khóa tu, cha mẹ tạo điều kiện cho các con đến dự tu, các bác sĩ chăm sóc sức khỏe, các Phật tử công quả làm việc ngày đêm, các anh chị bảo vệ giúp cho chùa được an ổn, các tín thí ủng hộ tịnh tài, tịnh vật,… Tất cả đều vì sự tu tập, vì tương lai tốt đẹp của các con mà hết lòng phục vụcống hiến. Mọi người đã hết lòng vì mình thì mình cũng không được phụ lòng mọi người. Các con phải ghi nhớ điều này, cố gắng tu tập, thực hiện đúng nội quy của khóa tu, đừng để quý thầy phải bận tâm về những sai phạm của mình. Trong khóa tu này, có ba điều quan trọng các con cần phải biết. Một là về hiếu đạo. “Hiếu là gốc của muôn hạnh lành, là căn bản của đạo đức, cho nên hiếu đứng đầu trăm nết tốt. Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận. Hiếu cảm đến đất thì mọi vật xinh tươi. Hiếu cảm đến người thì mọi phước lành đều tới”. Người có hiếu với cha mẹ chắc chắn cũng là một người tốt trong xã hội. Nếu đối với cha mẹ mà mình bất hiếu thì đối với mọi người trong xã hội, mình không thể tốt được. Cái gốc của đạo làm người là chữ hiếu. Do vậy, trong Khóa tu mùa hè, quý thầy thường cho các con tụng kinh Vu Lan nói về công ơn cha mẹ và thường mời giảng sư chia sẻ về đề tài chữ hiếu này.

Hai là về nhân quả. Làm lành gặp lành, làm ác gặp ác. Trồng đậu thì được đậu, trồng dưa thì được dưa. Đây là nhân quả rõ ràng. Khi hiểu về nhân quả, các con sẽ biết tránh điều ác, làm điều lành. Các con sẽ thấy được rằng, chính mình phải chịu trách nhiệm về tất cả ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, nghĩa là khi chúng ta nói, nghĩ và làm như thế nào thì quả tốt hay xấu sẽ đến với ta như thế đó. Cho nên, đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”[3]. Chúng ta làm lành thì sẽ nhận được quả lành, làm ác thì phải chịu quả ác. Đó là nội dung thứ hai.

Ba là kỹ năng sống chính niệm, tỉnh giác. Khi vào đây, quý thầy sẽ hướng dẫn cho các con biết sống có chính niệm, nghĩa là các con làm chủ được ý nghĩ, lời nóiviệc làm của mình. Cụ thể nhất là quý thầy sẽ dạy về oai nghi cho các con như: chắp tay, xá chào, lễ lạy, đi, đứng, nằm, ngồi,… tất cả đều thực hành trong chính niệm. Thực tập sống có chính niệm lâu ngày thành quen, các con sẽ thận trọng trong từng lời nói và hành động. Nhờ đó, các con không có lời nói xấu, hành động xấu, không gây đau khổ cho mình và cho người.

Vì những lợi ích này, cha mẹ đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các con đến chùa tham dự Khóa tu mùa hè. Có những gia đình ở rất xa như miền Tây, hay thậm chí tận miền Bắc, miền Trung vẫn cho con cháu  mình về chùa Hoằng Pháp dự tu. Các con là những người có nhiều may mắn, được cha mẹ thương yêu, tạo điều kiện, lo cho tiền bạc và tư trang để được tham dự khóa tu.

Nhiều bạn rất muốn đến tu như các con nhưng hoàn cảnhđiều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Ngoài xã hội, có những bạn phải đi bán vé số, buôn thúng bán bưng, làm thuê kiếm sống, không được đi học, không có tuổi thơ hạnh phúc như các con. Gần đây, chắc các con đã nghe tin báo chí đăng câu chuyện về bạn Hào Anh. Hào Anh tên thật là Nguyễn Hoàng Anh, sinh năm 1996. Lúc Hào Anh còn ở trong bụng mẹ, ba bạn đã bỏ đi. Sau đó, mẹ sinh đôi, bạn được sinh ra trước nên tên là Hào Anh, còn đứa em gọi là Hào Em. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi Hào Anh mới biết đi, mẹ gửi bạn cho bà ngoại nuôi giùm rồi đi đến Cà Mau làm nghề chèo đò để kiếm tiền nuôi thân và nuôi con. Trong thời gian chèo đò đưa khách qua sông, mẹ Hào Anh quen được vợ chồng Giang và Thơm. Biết hai người này cần người làm công cho trại nuôi tôm sú giống, mẹ đã đưa bạn đến làm thuê cho họ với tiền công năm trăm nghìn đồng một tháng. Việc của Hào Anh là rửa chén, lau nhà, giặt đồ và phụ những việc lặt vặt khác. Mặc dù công việc không nặng, nhưng bạn bị ông bà chủ hành hạ rất tội nghiệp. Chẳng hạn, ông chủ Giang đánh vào ngực, bụng và lưng Hào Anh bằng búa hay cây dầm (cây dùng để chèo thuyền), dùng kìm bẻ răng, hoặc tạt nước sôi vào người bạn. Bà chủ Thơm lại còn ghê gớm hơn. Bà ta dùng kìm kẹp vào môi, dùng thanh sắt cạy miệng làm gãy hai răng cửa hàm trên, dùng bàn ủi nóng là trên lưng và mặt bạn, dùng dây nịt đánh vào đầu, vai và đầu gối, dùng đũa sắt nung nóng đâm vào lỗ mũi, dùng dây thừng buộc vào cổ lôi đi, ép Hào Anh uống nước tiểu, tạt nước sôi vào người,... Một đứa trẻ phải đi làm thuê, làm mướn đã khổ lắm rồi mà còn bị ông bà chủ đánh đập, hành hạ thê thảm đến như thế! Vừa rồi, báo đăng tin, tòa án đã xử vợ chồng Giang và Thơm, mỗi người 23 năm tù vì tội bạo hành trẻ em.

Qua câu chuyện của bạn Hào Anh, các con có thấy mình thật hạnh phúc khi được cha mẹ thương yêu, lo cho ăn học, còn cho đến đây tham dự Khóa tu mùa hè hay không? Cha mẹ chăm lo cho cuộc sống của các con, không để các con thiếu thốn thứ gì, chỉ mong sao các con ngoan ngoãn, nghe lời, chịu khó học hành là mừng rồi. Các con rất sung sướng, được ăn, được chơi, được hưởng thụ mọi thứ, không phải lo lắng điều gì. Nhiều bạn dù có muốn đến đây tham dự Khóa tu mùa hè cũng không được, vì không có diễm phúcđiều kiện như các con. Trong cuộc sống, các con phải biết nhìn những người bất hạnh hơn mình để thấy rằng mình còn nhiều hạnh phúc. Từ đó, các con cần cố gắng, nỗ lực tu học để cha mẹ không còn phải buồn, phải khổ nữa.

[1] Kiết giới: Kết thành giới trường để hộ trì.

[2] Sở tại: Thuộc nơi đang ở hoặc thuộc nơi xảy ra sự việc đang nói tới.

[3] Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu, Thích Giác Toàn, Phạm Kim Khánh (2014), Phẩm Song Yếu, Lời Phật Dạy (Kinh Pháp Cú - Dhammapada), NXB Tổng Hợp TPHCM, trang 21.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?