- Lời đầu - Nguyên Giác
- Diễn Văn Chào Mừng Lễ Trao Giải Sáng Tác Văn Chương Hương Pháp - Tn Giới Hương
- Tường trình của Ban Giám Khảo - Tâm Diệu
- Giải Xuất Sắc I. The Mustard Seeds - Anh Hinh
- Những Hạt Cải-Anh Hinh, Chuyển Tiếng Việt: Nguyên Giác
- Giải Xuất Sắc II. Con Dịt - Hoa Hà
- Giải Xuất Sắc III. Có Những Niềm Vui - Như Chiếu
- Giải Khuyến Khích I. Đạo Hữu Song Hành - Vĩnh Hữu Tâm Không
- Giải Khuyến Khích II. Nghịch Duyên Và Trợ Duyên - Hoa Lan
- Giải Hương Pháp 1. Am Xưa Con Đã Trở Về - Thích Nhật Minh
- Giải Hương Pháp 2. Vài Trải Nghiệm Trong Tu Tập - Thích Nữ Như Như
- Giải Hương Pháp 3. Sắc Màu Cuộc Sống - Trần Thị Nhật Hưng
- Giải Hương Pháp 4. Thơ Vui Đạo, Vui Đời - Mộc Đạc
- Giải Hương Pháp 5. Nắng Chiều Đẹp Vô Hạn, Chỉ Tiếc Sắp Hoàng Hôn - Nguyễn Phương Lan
- Giải Hương Pháp 6. Dạ Quỳnh - Tâm Nhuận Phúc
- Đôi dòng về Ban Giám Khảo
- Lời tác bạch của Ban Bảo Trợ - Hạnh Hiền
- Lời Cảm tạ của Ban Tổ chức - Nguyên Giác
GIẢI XUẤT SẮC III
CÓ NHỮNG NIỀM VUI
Võ Ngọc Thanh PD. Như Chiếu
Tin dược sĩ Cần qua đời vì Covid khiến ai cũng xót xa. Thương tiếc thì rất nhiều, nhưng cũng có người chặc lưỡi "Thôi thì xem như ảnh được giải thoát!". Phải, giải thoát khỏi sự hành hạ của cơn bệnh Parkinson từ gần hai thập niên qua.
Đ.T. Cần là một cái tên quen thuộc trong giới dược sĩ tại Montreal. Chú sang đây từ trước năm 75. Sau khi tốt nghiệp, chú mở một tiệm thuốc tây và làm việc ở đó cho tới ngày về hưu. Cửa hàng này như là đứa con tinh thần của chú. Mặc dù khổ sở với căn bệnh Parkinson bộc phát ở tuổi vừa ngoài 50, chú vẫn kiên trì bám trụ với "con" thêm gần 20 năm nữa mới chịu "đóng cửa về vườn".
Sống ở viện dưỡng lão là một nỗi khổ đối với chú. Bản tính siêng năng, chú không biết làm gì cho hết 24 tiếng đồng hồ. Thế là ngày nào chú cũng đến thăm bè bạn. Cứ xoay tua hết người ngày tới người nọ. Mà rồi cũng cạn, đâu ai rảnh mà tiếp mình hoài. Rốt cuộc chỉ còn bác B., thấy thương nên mở lòng tiếp bạn, cho đến ngày chú qua đời.
Vài tuần trước khi mất, chú ghé thăm mẹ tôi. Chú khoe chúng tôi một xấp hồ sơ. Chú bảo "quý lắm nên lúc nào tôi cũng mang theo mình, không dám để ở nhà, sợ mất". Chú cầm từng tờ đưa lên cho mẹ tôi xem. Đây là mảnh báo trắng đen, nhàu úa. Dán mắt nhìn thiệt kỹ, tôi mới đọc được là một ngày nào đó của năm 1975. Mẩu báo đăng tin ngày khai trương tiệm thuốc của chú. Xa xưa quá rồi, chú cắt giữ lại làm kỹ niệm, tìm vui. Kia là một bức hình, màu sắc mờ nhạt, chụp chú với bạn bè trong một chuyến đi chơi. Rồi một tấm ảnh nữa, hình chú và vợ con. Tôi hiểu và thông cảm, niềm vui tuổi già của chú là Quá khứ.
Rồi tiếp theo, tin cô dược sĩ Nga từ trần, cũng vì Covid, lại gây xôn xao thành phố. Cô Nga là một gương mặt thân quen, không những trong giới y dược sĩ, mà còn với những cư dân trong khu nhà già. Có một quãng thời gian, cô thường vào nhà dưỡng lão nói chuyện về thuốc men, bệnh tật cho các bác nghe.
Tới tuổi hưu, cô vẫn chưa chịu nghĩ, vì như cô tâm sự "ở nhà buồn". Làm thêm vài năm nữa, thì chứng bệnh tiểu đường ngày càng nặng, cô phải ghép thận. Ca ghép thành công nhưng rồi sức khỏe yếu dần, cô quyết định dọn vào viện dưỡng lão sống.
Cô Nga là người vui tính, dễ mến. Cô thích viết truyện, làm thơ. Thơ của Cô nhẹ nhàng, còn truyện của Cô thì vừa vui vừa ý nghĩa, ai đọc cũng thích. Cô có tặng mẹ tôi tập thơ "Để lại cho vui" do cô sáng tác. Thơ cô viết về cuộc đời và phảng phất đâu đó những giáo lý nhà Phật. Cô ra đi trong sự thương tiếc của nhiều người.
Thật đáng trân trọng những con người như thế. Cô Nga, chú Cần là hình ảnh của những người yêu nghề tha thiết. Với họ, tiệm thuốc là đứa con tinh thần và bệnh nhân như những người thân quen, ruột thịt. Khi phải rời xa những thứ ấy, họ không nỡ, không đành lòng và chính tình cảm này đã giữ chân họ lại thêm cả chục năm. Khi tuổi già và sức khỏe buộc phải "bứng" họ ra khỏi những gì thân thương, cũng là lấy đi niềm vui lớn nhất của cuộc đời họ.
Thông thường, những ai yêu nghề đều dành phần lớn thời gian, công sức và nhiệt huyết cho việc mình làm. Có người dành gần như cả cuộc đời cho công việc. Trong tiếng Anh có từ "work-alcoholic" để diễn tả một căn "bệnh" ngày càng phổ biến, bệnh "nghiện công việc". Chúng ta thường nghe "nghiện rượu", "nghiện cờ bạc", nhưng ở thời đại máy móc hóa hiện nay, lẽ ra ngồi nhà để các chú robot làm việc thay mình, thì con người lại đâm ra "nghiện công việc".
Trong xã hội, tình trạng nghiện công việc thường được xem là một đặc điểm tích cực hơn là một vấn đề. Người làm việc nhiều sẽ được đánh giá cao và thậm chí được khen. Tuy nhiên, nghiện công việc có thể gây ra những điều tiêu cực. Thay vì cảm giác lành mạnh như những người chăm chỉ, siêng năng trong công việc, những người rơi vào tình trạng nghiện công việc có thể không hài lòng lắm về công việc. Vì thế mà họ quan tâm quá mức đến công việc và dành quá nhiều thời gian, năng lượng cũng như nỗ lực trong công việc.
Có nhiều nguyên nhân khiến một người được xem là nghiện công việc. Có thể là do họ quá tham công tiếc việc, bị cuốn hút vào công việc đến nỗi xem nhẹ các việc khác. Có thể họ cố gắng làm việc quá mức với mong muốn nào đó (giúp đỡ người khác, tự khẳng định mình trong xã hội, hay để đạt được mục tiêu..). Nhưng phần lớn những người nghiện công việc là do họ không tìm được một việc gì, một thú vui nào khác, hay ho hơn, hấp dẫn hơn, thu hút họ hơn là công việc. Nói đơn giản, là vì niềm vui duy nhất, hay niềm vui lớn nhất của họ là công việc.
Vì thế đa phần những người nghiện công việc thường về hưu khá trễ. Ngừng làm việc khiến họ buồn, có cảm giác thiếu vắng, đôi lúc lại mang ý nghĩ rằng mình không còn hữu ích nữa. Bởi thế họ nấn ná không về hưu, hay thậm chí về rồi thì lại quay trở lại làm việc thêm 1 năm, 2 năm và rồi cứ thế mà làm cho tới lúc ... không còn làm được nữa .
Thế thì có thật sự là khi ngừng làm việc sẽ khiến con người ta nhàm chán?
Thông thường khi còn đi làm, hay "đi cày"- như nhiều người thường gọi, chúng ta đa phần đều mong tới ngày hưu trí. Nhưng khi nghĩ hưu rồi thì có người lại "nhàn cư vi phát chán", "không biết làm gì cho hết ngày hết giờ". Nếu vậy thì chắc chắn là ta đã quên một điều quan trọng: Quên "đối xử tử tế với bản thân"!
Thế nào là đối xử tử tế với bản thân?
Câu trả lời thật đơn giản. Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền. Hãy lắng nghe cơ thể. Khi cần ăn thì cứ ăn, cần ngủ thì cứ lên giường. Mấy chục năm rồi cơ thể này chưa được nghĩ ngơi. Giờ là lúc ta cần phải "xạc" lại bộ máy cũ xì để mà có thể "chạy" tiếp.
Buổi sáng hãy cho phép ta nằm nướng thêm chút nữa. Buổi tối nếu thích thì cứ xem tivi và đi ngủ muộn. Nếu hôm nay ta còn khoẻ mạnh, còn ăn được những món ta thích và ăn mà còn cảm thấy ngon thì đã là một niềm vui.
Hãy cho phép mình nghĩ ngơi. Hãy tự thưởng cho mình những phút giây nhàn nhã. Đến tuổi già, người ta thường thích chơi hoa, cây cảnh, vui thú điền viên. Tưới cây, nhổ cỏ, tỉa hoa lá cành là khoảng thời gian yên tĩnh để ta tìm về với chính ta, giúp tâm hồn thư thái.
Ở tuổi già, ta cần phải biết tự tìm niềm vui. Cả nửa đời người, ta đã dành khá nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho công việc, sự nghiệp, cho gia đình và người thân. Giờ là lúc ta cần sống cho chính mình, sống làm sao cho vui vẻ, thanh thản, thoải mái nhất.
Cuộc sống tuổi già sẽ thêm phong phú nếu ta có nhiều bạn bè. Hãy tham dự những buổi sinh hoạt của các hội đoàn. Gửi "meo" chia sẻ một mẩu chuyện vui. Lên mạng "chit chat" với bè bạn. Gõ google tìm đọc những bài viết có giá trị. Đó cũng là cách để bộ não hoạt động giúp trí nhớ còn sáng suốt.
Hãy cùng vài người bạn nhâm nhi ly cà phê buổi sáng, ôn lại chuyện năm xưa, hay tán dóc chuyện hiện tại. Nếu may mắn tìm được một người bạn có cùng sở thích, hãy rủ nhau đi câu cá, tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, giúp tâm hồn thanh thản. Đi nhảy đầm, nghe nhạc.. cũng là một niềm vui. Học thêm một ngoại ngữ sẽ giúp não bộ hoạt động để chậm già đi.
Còn vợ còn chồng thì cùng nhau đi du thuyền, tận hưởng thời gian còn lại bên nhau. Còn nếu "sầu lẻ bóng" thì có thể rủ bạn bè cùng du lịch, đi cho biết đó biết đây .
Hãy đọc sách, xem báo, vừa mở mang tri thức, cập nhật tin hằng ngày, mà cũng là một cách bồi bổ trí óc.
Sáng đi tập tài chi, khí công, dưỡng sinh với bè bạn ở công viên, hít thở khí trời, hoà mình với thiên nhiên, còn gì tuyệt vời bằng. Tối ở nhà một mình ngồi thiền tĩnh tọa, giúp tâm hồn thanh tịnh, thật là tốt biết bao.
Thật ra cuộc đời ban tặng cho chúng ta nhiều niềm vui hơn ta tưởng. Công việc không phải là niềm vui duy nhất. Gia đình, người thân là những người gần nhất mà ta có thể chia sẻ thời gian để cùng vui. Rồi còn bạn bè, người quen và các nhóm sinh hoạt như Hội Rồng vàng (cho những người cao niên), các Hội ái hữu, Cộng đồng người Việt, vân vân. Nói chung có rất nhiều những hội đoàn khác nhau để người về hưu có thể tham gia mà "giết thời gian".
Nhưng có một điểm chung là các niềm vui kể trên còn là niềm vui của cuộc đời. Ngẫm nghĩ lại xem, ở đời những lúc nào chúng ta mừng vui? Đó là lúc chúng ta được một cái gì đó hơn thiên hạ. Thời trẻ, giàu sang, thành công hơn người khiến ta vui. Về hưu, trong một hội đoàn gồm toàn những bô lão, họp nhau tán dóc về kinh tế thời sự, cho vui. Thế nhưng khi phát biểu ý kiến, ai cũng cho là mình đúng, người kia sai, thế rồi sinh xích mích, buồn giận. Già rồi, có tiền hưu, không còn lo cái ăn cái mặc, nhưng cái tôi thì vẫn còn. Khi ý kiến mình nêu ra được người khác ủng hộ thì mình vui, còn hễ ai phản bác lại thì mình buồn, mình khó chịu. Như vậy vui đó là vui trong giành giựt hơn thua, ai được khen thì vui, ai bị chê thì khổ. Như vậy mới thấy rõ cái vui của cuộc đời là cái vui kéo liền theo sau là cái khổ.
Người đời vui khi họ được. Người tỉnh ngộ vui khi họ cho ra. Cô Vân về hưu, lúc rảnh rổi, cô vào chùa làm công quả. Hôm nọ phật tử tới nghe pháp đông quá nên cô tất bật phụ ban ẩm thực nấu ăn, dọn bàn, rửa chén. Về nhà, vừa thở cô vừa khoe với chồng "Hôm nay em vô phụ chùa mệt quá, nhưng mệt mà vui!". Thế không phải cho ra mà vui hay sao? Cô bỏ thời gian, công sức, mồ hôi cho người khác, đổi lại cô "thu vào" niềm vui cho chính bản thân.
Người đời vui khi đạt được mục đích. Có tiền, có danh, thành công, hạnh phúc, là những điều ta ham muốn, khiến ta vui. Thời trẻ thi đậu lãnh được tấm bằng khiến ta vui. Ra đời việc làm suông sẻ, được thăng quan tiến chức, khiến ta vui. Vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng khiến ta vui. Quyền cao chức trọng, bạc vàng đô la đầy túi khiến ta vui. Con người ta luôn vui khi đạt được điều mình ham muốn, mà đó không nằm ngoài 5 thứ "tài, sắc, danh, thực, thùy (ngủ)".
Người tỉnh ngộ vui mà không cần đòi hỏi. Bác Bình về hưu, sáng sáng lái xe tới chỗ tập, hướng dẫn cô bác các thế tài chi, tâm chẳng mong cầu gì, vậy mà vui! Cô Yến mỗi tháng một lần đến khu nhà dưỡng lão nấu đồ ăn Việt nam cho các cụ, một mình vừa đi chợ vừa làm bếp chánh, vậy mà vui!
Người đời vui ở những nơi nhộn nhịp, ở những chốn đông đúc ồn ào. Chính bởi thế mới có những hội đoàn lập ra, gồm một nhóm người cùng lứa tuổi, cùng hoàn cảnh, cùng sở thích, cùng có một điểm chung nào đó để cùng nhau chia sẻ. Khi tham gia hội đoàn, ta có thể cùng ăn uống, trò chuyện, thảo luận, vân vân. Những thứ đó khiến ta cảm thấy bớt lẻ loi, cô đơn, khiến tuổi già của ta đỡ buồn chán.
Người tỉnh ngộ không thích cái vui ồn ào mà lại thích niềm vui trong yên lặng. Khi ngồi một mình, nhìn trời, nhìn mây, ta cảm thấy lòng mình phơi phới nhẹ nhàng. Vui trong yên lặng là cái vui khỏe khoắn, an nhàn, không phải cái vui ồn ào, náo động. Vui ở chỗ nhộn nhịp thường khiến ta tiêu hao sức lực. Vui nơi yên bình là cái vui nhẹ nhàng thanh thoát, tâm hồn ta sảng khoái, đó mới là niềm vui chân thật.
Người về hưu có thể dành thời gian cho con cháu. Cả đời bà ngoại bận bịu việc làm, nay về hưu bà phụ con gái chăm sóc cháu. Cả ngày nó cứ chạy lăng xăng, nắm tay bà nũng nịu, bà mệt mà vui. Có khi cháu bập bẹ nói đủ điều, bà không hiểu gì mà vẫn rất vui. Thương con thương cháu, bà lo cho nó ăn ngon, chăm cho nó giấc ngủ. Bà quyến luyến cháu. Xa nó một ngày bà nhớ. Vui như thế là vui trong ràng buộc.
Người tỉnh ngộ là người vui khi được giải thoát. Những gì ràng buộc, làm cho ta bị dính mắc, thì phải cắt bỏ đi. Cắt đây không có nghĩa là bỏ chồng lìa con, xa bè bạn, mà là cắt bỏ những gì không ích lợi hay gây phiền não cho mình. Dự buổi tiệc sinh nhật, thiên hạ khoe nhau nhà sang, con cháu giỏi, thôi mình im lặng. Tham gia buổi họp mặt hội đoàn, ai nấy thay nhau tranh cãi, thôi mình lắng nghe. Người tỉnh ngộ lấy sự giải thoát làm vui, không để bị trói buộc bởi những thứ mà người đời khoe khoang, dành giật.
Còn có những niềm vui lớn hơn thế nữa, mà trong đạo Phật gọi là "pháp hỷ". Người nào học đạo, nghe pháp mà thấy trong lòng vui tươi sung sướng, đó là người đã được pháp hỷ. Trong cuộc đời, có những lúc vui quá lại khiến người ta khóc. Trong đạo cũng thế. Khi đọc kinh Phật, có một sự vui mừng cùng tột, cảm động cũng rơi nước mắt. Cả một đời bon chen dành giật, giờ chỉ còn hai bàn tay trắng. Nay nghe pháp Phật, hiểu được Vô thường, mừng rơi nước mắt. Cả một đời đau khổ vì tình, nay nghe pháp Phật, ngộ được chữ Duyên, mừng rơi nước mắt. Cả một đời hận kẻ phản bội, nay nghe pháp Phật, học được chữ Xả, mừng rơi nước mắt.
Niềm vui sướng tột cùng khiến con người ta rơi lệ. Người học đạo mà vui đến mức đó thì không bao giờ thối chuyển. Khi nào đọc kinh, nghe pháp mà thấy đúng quá, hay quá khiến ta cảm động sung sướng, nước mắt tự động rơi, thì đó là duyên lành nhiều đời kiếp. Người được cái vui đó là người sẽ không bị những khó khăn, chướng ngại làm thối chí trên đường tu. Không có vui thì sự tu khó mà tiến bộ được. Đó là cái vui của Pháp hỷ.
Còn có niềm vui nữa, đặc biệt và kỳ lạ lắm. Không hớn hở, cũng không rơi nước mắt. Vui nhè nhẹ, lâng lâng. Khi thực hành thiền có kinh nghiệm vững chắc, đến giai đoạn tâm hồn tịch lặng, thân thể điều hòa, hơi thở gần như không còn, khi đó ta sẽ có được cảm giác hết sức khinh an, nhẹ nhàng, thơ thới lạ lùng. Cái vui lần lần, từ từ, lan tỏa. Cái vui an lành, không thể diễn tả bằng lời. Trong đạo Phật gọi là "thiền duyệt", nghĩa là sự an vui trong thiền tập. Một khi cảm nhận được niềm vui này, thì không có cái vui nào của cuộc đời có thể hấp dẫn ta nữa.
Đến giờ ngồi thiền mà không ngồi được, chúng ta cảm thấy có cái gì đó thiếu thốn. Cảm giác thiếu thốn đó, chính là ta đang thiếu cái vui trong thiền định. Nó trở thành thức ăn rồi, ta không thể thiếu nó như con người không thể thiếu cơm. Nhà Phật gọi là “Thiền duyệt vi thực” tức là lấy cái vui thiền định làm món ăn.
Hiếm hoi lắm ta mới có và cảm nhận được những niềm vui đến từ bên trong. Niềm vui không do người khác ban cho, cũng không do ồn ào bên ngoài mang lại. Vui trong an lành, vui từ nội tâm vắng lặng của chính mình. Niềm vui này người ngoài rất khó đoán biết. Niềm vui này chỉ có mình ta cảm nhận được. Niềm vui tĩnh tại, không lời, vượt lên buồn vui của thế gian, gọi là An nhiên.
Nhiều người không hình dung được sự An nhiên. Đời sống thì buồn hoặc vui, hay buồn vui lẫn lộn, làm gì có cái trạng thái vượt lên trên cả buồn và vui. Bởi người đời quan niệm vui buồn theo được và mất, là cái buồn vui đến từ bên ngoài.
Nếu cứ sống theo được mất buồn vui thì ta không bao giờ có thể bình thản trước những biến động của cuộc đời. Chỉ người nào biết làm chủ tâm mình trước buồn vui được mất mới thực sự là người giải thoát. Muốn thế chúng ta cần phải luyện tâm ta, mất không buồn, được không vui thì ắt An nhiên sẽ đến.
Người biết sống tùy duyên là người an lạc nhất. Người biết sống tùy duyên thấy rõ rằng được mất vui buồn chỉ là hai mặt của một vấn đề. Người biết sống tùy duyên hiểu rõ rằng đời sống của chúng ta đầy biến động và đổi thay, thấy rõ bản chất vô thường, vô ngã của vạn pháp rồi thì được cũng không quá vui, mất cũng không quá buồn. Nhờ thấy đúng (chánh kiến) mà vượt thoát được buồn vui. Chỉ khi nào sống tùy duyên thì ta mới sống an nhiên, tự tại.
Bài viết này không buộc bạn phải ép mình ngồi thiền đến tay mỏi chân đau, để mong có được niềm vui thiền duyệt. Cũng không phải để cầu chúc bạn nghe pháp mà cảm động khóa òa.
Bài viết này, xin được xem như một lời chia sẻ đến các bạn bè, đồng nghiệp, những ai chưa, lẫn những người đã về hưu, rằng "Cuộc sống không phải chỉ có công việc. Cuộc đời này còn có rất nhiều những niềm vui!".
(Kính tặng hương linh DS Đào Trọng Cần và DS Lê Thị Bạch Nga)
Như Chiếu
(Canada),