Đi Tìm Một Phật Giáo Mỹ

14/12/201212:00 SA(Xem: 22038)
Đi Tìm Một Phật Giáo Mỹ

ĐI TÌM MỘT PHẬT GIÁO MỸ
(Pursuing an American Buddhism)
Ký giả Linda Heuman (Providence, RI) phỏng vấn học giả Phật học Charles Prebish
Bài đăng trên Tạp chí Tricycle - Số Spring 2012
Trí Tánh Đỗ Hữu Tài dịch

phatgiaomy002Chúng ta thường nghe các danh xưng“Phật giáo Tây Tạng”, “Phật giáo Tích Lan”, “Phật giáo Việt Nam”, “Phật giáo Nhật Bản”, … Tại Mỹ, theo thống kê của PEW Research Center (2007, và cập nhật 7/2012, thêm số liệu về Phật tử Mỹ gốc Á châu), có tất cả 4 triệu Phật tử, đứng thứ ba về số lượng tín đồ, sau Thiên Chúa giáoDo Thái giáo; nhưng lại đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng, 170% mỗi năm.

Vậy thì, với 4 triệu tín đồ 150 năm sau khi Phật giáo được du nhập vào Mỹ, chúng ta đã có một “Phật giáo Mỹ” chưa? Quá trình hình thành và diện mạo đặc thù của Phật giáo Mỹ là gì? Viên ngọc quý trong chéo áo của chàng cùng tử (da đỏ) “sắc nước hương trời” ra sao? Bài phát biểu dưới đây là những mô tảquan điểm của một Phật tử Mỹ về chủ đề nầy. Ông đã quy ytu học hơn 45 năm, và hiện đang dạy Tôn giáo học (Religious Studies) với chuyên ngành “Phật giáo Mỹ” (American Buddhism) tại hai đại học Penn State và USU ở bang Utah. – Trí Tánh

phatgiaomy006phatgiaomy003Giáo sư Charles Prebish có lẽ là người đã viếng thăm nhiều tu viện Phật giáo Mỹ hơn bất kỳ người nào khác tại Hoa Kỳ. Với những ai quen thuộc với hoạt động của ông, điều nầy chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì ông là người đã đi tiên phong trong lãnh vực học thuật về Phật giáo Mỹ như một chuyên đề trong toàn bộ ngành nghiên cứu Phật học. Vào cuối thập niên 1960’ và đầu thập niên 1970’, khi ông bắt đầu dạy đại học, nghiên cứu kinh viện về Phật giáo chủ yếu được coi như là nghiên cứu một đặc sản của văn hóa “Đông phương”. Lúc bấy giờ đang là một học giả trẻ, ông chuyên chú vào Phật giáo Ấn Độ buổi sơ kỳ, gồm lịch sử phát triển hệ thống tu việnLuật Tạng Vinaya, vốn là những chủ đề nằm hoàn toàn trong lãnh vực nghiên cứu truyền thống về Phật học. Nhưng vào thập niên 1970’, ông Prebish là một trong những học giả Phật học đầu tiên quan sát thấy rằng Đạo Phật nảy mầm thông qua con đường ngoại nhập vào Mỹ thì đang hình thành một diện mạo văn hóa đặc thù của nó, một diện mạo đáng quan sát và cần tìm hiểu. Thế là ông soạn giáo trình và mở lớp dạy đầu tiên về “Phật Giáo Mỹ” (American Buddhism) vào năm 1974 và xuất bản tác phẩm đầu tiên về chủ đề nầy vào năm 1979. Trong những thập niên sau đó, trong bối cảnh nở rộ của Đạo Phật tại Tây phương, ông đã theo dõi lộ trình tiến hóa nhanh chóng của hiện tượng nầy, ghi chép tiến bộđánh dấu các cột mốc của hiện tượng đó.

Hiện nay (12/2012), ông Charles Prebish là giáo sư danh dự (Emeritus Professor) về Tôn giáo học (Religious Studies) tại Đại học Tiểu bang Pennsylvania (PSU – Penn State) và Đại học Tiểu bang Utah (USU). Ông đã kể lại những trải nghiệm của ông về việc học đạotu chứng Đạo Phật tại Mỹ trong bốn thập niên vừa qua trong hồi ký mới đây của ông: “Cuộc đời của một Phật tử Mỹ” (An American Buddhist Life, Memoirs of a Modern Dharma Pioneer - The Sumarun Press, Inc., Canada, 2011)

Linda Heuman

Chúng ta đã thật có một Phật giáo Mỹ chưa ?

Nhiều người không thích dùng cụm từ “Phật giáo Mỹ”. Cuối tuần vừa rồi, [nữ học giả Phật học] Jan Willis nói rằng “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã có một Phật giáo Mỹ đâu”. Tuy tôi cũng đã từng nói như thế từ năm 1975, nhưng [ngay cả đến bây giờ] có lẽ bà ấy nói đúng; có lẽ chúng ta chưa có một Phật giáo Mỹ. Trước hết, chúng ta cần tất cả mọi truyền thống khác nhau của Phật giáo đến Mỹ một cách trọn vẹn - với những truyền thống, tông môn, nghi thức, vân vân …của họ. Rồi phải cần thời gian để những truyền thống nầy trở thành Mỹ một cách rạch ròi hầu chúng có thể hội nhập vào văn hóa Mỹ, làm cho Phật tử của truyền thống nầy có thể truyền thông được với Phật tử của truyền thống khác. Chúng ta cần kiên nhẫn. Rồi cuối cùng thế nào cũng xuất hiện một cái mà ta gọi là “Phật giáo Mỹ”. Nhưng điều nầy không có nghĩa là chúng ta sẽ có chỉ một “Thừa” (vehicle). Chúng ta sẽ vẫn có các môn phái, nhưng tôi nghĩ rằng chúng sẽ tương nhập với nhau hơn [1]

Người Mỹ thường thiếu kiên nhẫn. Chúng ta nghĩ rằng vì Phật giáo đã có mặt trên đất nước nầy 150 năm nên tất nhiên Phật giáo phải là hoàn toàn Mỹ rồi. Suy nghĩ nầy không lý đến sự kiện rằng ở Á châu, Phật giáo phải mất nhiều thế kỷ mới hoàn thành quy trình tiếp biến văn hóa (acculturation) khi tiếp cận với những vùng văn hóa khác nhau. Khi chuyển dịch từ Ấn Độ qua Trung Hoa, Phật giáo phải mất ít nhất 500 năm mới hoàn thành công trình Hán hóa. Vậy mà người Mỹ chúng ta lại mong Phật giáo sẽ trở thành Mỹ rất nhanh. Chúng ta phải chờ thôi.

Cái gì làm cho Phật giáo Mỹ có “tính Mỹ” một cách rạch ròi ?

Phật giáo Mỹ sẽ phải phản ánh những nguyên tắc dân chủ, trong cái nghĩa “tự docông lý cho mọi người[2] . Đó chính là những nguyên tắc hòa hợp trong Tăng đoàn - tính bình đẳng trong ý nghĩa tốt nhất của từ nầy. Hiểu Bồ Tát đạo trong một khung cảnh Mỹ thì phải gồm cả việc dấn thân vào xã hội - những hoạt động như nhà dưỡng lão, bảo vệ môi trường, hoằng pháp trong tù.

Phật giáo Mỹ còn phản ánh những giá trịchúng ta tìm được trong nền văn hóa của chúng ta, dù những giá trị nầy không phải luôn luôn có tính tích cực. Người Mỹ rất quan tâm đến chứng ngộ cho riêng cá nhân mình; trong Phật giáo Mỹ, Phật tử thường nhấn mạnh vai trò của Thiền hành trên tất cả những điều khác, ngay cả trên tư cách là thành viên của một cộng đồng Phật tử. Vì vậyPhật giáo Mỹ có thể sẽ bao gồm cả những người tự nhận là Phật tử nhưng thật ra không có quan hệ gì với cộng đồng Phật giáo hay với Tăng già cả. Nhưng về điểm nầy, tôi thấy chúng ta còn cần phải thảo luận thêm.

Ví dụ như trường hợp của tôi. Tôi quy y ở một trung tâm Phật giáo Nguyên Thủy, thường xuyên trao đổi với vị Sư Tây Tạng Chögyam Trungpa Rinpoche, và vị giáo thọ riêng về Phật học của tôi là ông Richard Robinson. Nhưng tại Đại học Pennsylvania PSU, tôi chưa bao giờ gia nhập vào một cộng đồng (Phật tử) nào cả, cho nên trong 36 năm qua, tôi hành thiền một mình, tu tập một mình; tôi là Tăng đoàn một người. Đối với tôi, trạng huống đó đã là và đang là một tình trạng khó khăn vì tôi thiếu tinh thần cộng đồng, vốn thật sự giúp tôi xác định truyền thống Phật giáo mà tôi theo. Không có chỗ cho tôi đến và chia sẻ với những đồng đạo Phật tử khác. Có những điều thiếu sót mà ta có thể tìm ra được ở một cộng đồng Phật giáo Tây Tạng nào đó, hay nếu vào dịp cuối tuần, ta đi đến Thiền viện Zen Mountain Monastery ở New York [3] chẳng hạn, tham dự vào các chương trình sinh hoạt của họ, và tỉnh tọa trong Thiền đường rồi cùng ăn cơm với nhau. [Sự thiếu sót] nầy rất đáng ngại, vì loại ứng xử cộng đồng như vậy thì thật sự giúp chúng ta cũng cố tín tâm rất nhiều.

Học giả Phật học Michael Carrithers có viết một câu mà tôi luôn luôn ghi nhớ. Câu đó đại khái là “Không có Phật giáo nếu khôngTăng già, và không có Tăng già nếu khôngGiới luật”. Như vậy, có thể nói rằng chúng ta vẫn đang mong muốn có một Phật giáo Mỹ tại vì Tăng già chưa được thật sự phát triển hoàn chỉnh tại Mỹ, dù bây giờ rõ ràng đã tiến bộ rất nhiều so với năm 1975 chẳng hạn, khi tôi bắt đầu nghiên cứu về Phật giáo Mỹ.

Một sự phát triển hoàn chỉnh của Tăng già thì không dễ dàng như ta tưởng, vì từ Tăng già mang một nội hàm phức tạp hơn ta nghĩ. Trong truyên thống sơ kỳ của Phật giáo, khi Đức Phật dùng từ Tăng già, Ngài chỉ muốn nói đến các Tỳ kheo mà thôi. Nhưng rồi theo thời gian, Tăng già được biết đến như Tứ chúng gồm tất cả mọi Phật tử: Tăng, Ni, nam Phật tử và nữ Phật tử. Như vậy, ta có thể nói rằng Tăng già đã có đó, chỉ có điều chưa hoàn toàn phát triển mà thôi.

Vậy thì tiêu chuẩn để có thể nói “Bây giờ Tăng già đã hoàn toàn phát triển” là gì ?

Chúng ta sẽ cần một hệ thống kinh sách đầy đủ và kết cấu hơn. Truyền thống Phật giáo luôn nhấn mạnh rằng học và hành đi với nhau; cả hai tương nhập với nhau. Và vì học đạohành đạo tương nhập nên càng học thì càng hiểu sự phức tạp và các sắc thái của Phật pháp, từ đó, hành đạo càng trở nên tinh vi và sâu sắc. Và khi mà ta hành đạo có chiều sâu, ta sẽ có khả năng hiểu được giáo pháp một cách tinh tế hơn. Học và hành, do đó, vận động đối đãi qua lại. Tôi nghĩ rằng nhiều cộng đồng Phật giáo tại Mỹ hình như chưa đạt được điều nầy. Và chúng ta cũng cần một Phật giáo hoàn chỉnh, nhấn mạnh đến thực hành hơn là chỉ theo truyền thống ngồi Thiền.

Tại sao ông nghĩ rằng Phật tử Mỹ quá nhấn mạnh đến hành Thiền ?

Khi có người nói đến thực hành Phật pháp, tôi nghĩ rằng nhiều khi họ không ý thức được rằng Phật pháp là một hệ thống tôn giáo toàn diện. Nó không chỉ có nghĩa là ngồi trên bồ đoàn và tập trung theo dõi hơi thở. Phật giáo là một sự thực hành suốt đời.

Khi tôi quy y vào năm 1965, tôi không biết nhiều về Phật giáo, nhưng tôi biết rằng tôi muốn học ngồi Thiền. Sư phụ tôi bảo rằng “Nếu con muốn ta dạy Thiền cho con thì con phải ngồi Thiền bốn giờ mỗi ngày, và ngồi suốt ngày chủ nhật”. Tôi bắt đầu ngồi Thiền như thế từ năm 1965, và tiếp tục cho đến năm 1974, khi tôi gặp vị Sư Tây Tạng Chögyam Trungpa Rinpoche. Tôi đã thực hành điều mà tôi nghĩ là đúng theo truyền thống Phật giáo tốt nhất tại Mỹ lúc bấy giờ. Nhưng trong buổi gặp gở đầu tiên với vị Sư Tây Tạng nầy, chỉ trong 30 giây đầu tiên, Ngài bảo tôi rằng “Ta cần nói với con về cách hành trì của con”. Cho đến nay, tôi vẫn không biết vì sao Ngài lại biết được cách hành trì của tôi, tại vì không có cách nào Ngài có thể biết đươc. Nhưng Ngài đã nói với tôi rằng “Ta biết rằng con đã từng ngồi Thiền bốn giờ mỗi ngày. Và ta cũng biết rằng trong bốn tiếng đồng hồ đó, con đã chủ yếu rời bỏ thế giới để trốn vào trong sự yên tĩnh của cái đầu của con, hầu vận dụng những điều mà con nghĩ là của Phật giáo. Ta muốn con đừng ngồi như thế nữa”. Lời vị Sư Tây Tạng thật như một cú đá vào mông của tôi.

Ngài giải thích rằng tôi đã đóng được rất chặt cánh cửa liên thông với thế giới. Tôi cho rằng tôi đã tỉnh thứcquán sát được hơi thở, thân thểcảm xúc của mình. Điều nầy có thể đã xảy ra thật như thế, nhưng tôi đã hành trì như vậy trong một khoảng trống rỗng hoàn toàn, không có sự tham dự của con người Phật tử của tôi trong thế giới. Ngài bảo tôi hãy đem những điều tôi học được trong lúc hành trì, những giá trị của Đạo Phật, rời bồ đoàn và bước vào cuộc sống. Và ngài nói với tôi một cách rõ ràng rằng “Thỉnh thoảng, sẽ có lúc con mất tín tâm vào Phật giáo. Những lúc đó là lúc con lại cần ngồi xuống bồ đoàn, thanh thản không vướng mắc, và tái xác quyết cam kết của con với Giáo pháp”. Lời của Ngài quả thật là một bước ngoặt trong đời tôi.

phatgiaomy007

phatgiaomy012phatgiaomy010

Phật tử “Mỹ bản địa” đa số tu tập theo Thiền tông, nhưng cũng có một số chọn các Tông phái khác như Tịnh Độ tông, Mật tông, …

Tôi mong rằng tôi đã hiểu và thọ trì từ lâu điều mà Stephen Batchelor [4] gọi là “trì giới chính là tu tập” (precepts as practice) vì những giới căn bản của một cư sĩ Phật tử - không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không dùng chất làm say, và không tà dâm - thì không phải chỉ giữ gìn trong 30 phút hay một giờ trên bồ đoàn. Đó là những giới mà ta phải giữ mọi lúc mọi nơi với tư cách là một Phật tử sống trong một nước Mỹ hiện đại. Và với những cam kết đó, khi ta đi vào đời với ý thức rằng chúng là kết quả của công phu trì giới, thì ta đã đạt được một chứng nghiệm Phật giáo quân bằng và tròn đầy mà tôi nghĩ rằng sẽ mang đến một sự trưởng thànhchuyên chú trong vốn sống tôn giáo của đời ta. Thêm vào đó, thỉnh thoảng ta nên tham dự các nghi lễ tại các công đồng Phật giáo. Tôi nghĩ rằng nhiều người đã đánh giá thấp những nghi lễ. Họ không muốn dính líu gì đến các nghi lễ. Nhưng nếu ta hành lễ một cách đúng đắn, thì ta thật sự đang hành Thiền đấy. Hành lễbảo tồn truyền thống một cách thấm thía đến tận đáy lòng.

Ông có thể mô tả quá trình phát triển của Phật giáo Mỹ trong bốn thập niên vừa qua không ? Và ông có thấy những xu hướng mới nào không ?

Khi tôi bắt đầu đến với Đạo Phật, chúng tôi đã đề cập đến Phật giáo Mỹ và tự hỏi liệu có một thực thể như thế không? Điều nầy rõ ràng đã được triển khai đến một lúc mà chúng tôi nhận ra rằng có một Phật giáo với hình thức Tây phương rõ rệt. Nhưng bây giờ thì chính điều đó cũng là quá khứ rồi. Khi tôi mới bắt đầu nghiên cứu Phật giáo Mỹ, chúng tôi dùng điện thoại. Hôm nay chúng ta có Internet. Những cộng đồng Phật giáo khắp nơi ở Bắc Mỹ và trên toàn thế giới thì được nối mạng (networked) với nhau đến độ tôi phải bắt đầu dùng cụm từ “đối thoại Phật giáo toàn cầu” (global Buddhist dialogue) để nói đến một Phật giáo toàn thế giới thay vì chỉ Phật giáo Á châu, Phật giáo Âu châu hay Phật giáo Mỹ. Phật giáo Tây phương càng lúc càng trở thành một bộ phận của Phật giáo toàn cầu.

Trong thập niên 1970’s và ngay cả 1980’s cũng như đầu thập niên 1990’s, mỗi nhóm Phật tử thì chỉ theo một truyền thống Phật giáo rõ rệt. Ngày nay, khá nhiều cộng đồng Phật giáo phối hợp từng mảng nhỏ các truyền thống Phật giáo khác nhau thành một hình thức tu tập hiệu quả cho họ. Ví dụ như ta thấy có nhóm lấy một ít nội dung và phương pháp hành trì vừa của Thiền tông vừa của Phật giáo Nguyên Thủy. Vài học giả gọi hiện tượng nầy là “lai tông phái” (hybridity) [5]

Hiện tượng “Lai Tông phái” nầy đã được triển khai như thế nào ?

Vào cuối thế kỹ thứ 20, chúng ta thấy hiện diện tại Mỹ mọi tông phái của tất cả các truyền thống Phật giáo (Nguyên Thủy, Phát triển, Mật Tông, …) cũng như tất cả Phật giáo theo văn hóa chủng tộc (Phật giáo Nhật Bản, Tích Lan, Trung Hoa, Tây Tạng, …). Họ đã gặp gở nhau, và trong quá trình giao tiếp đó, họ tôn trọng nhau vì cùng chia sẻ những truyền thống của Đức Phật. Đã có vài nhóm quốc tế được tổ chức ra chỉ để dứt khoát làm chuyện nầy - như Hội đồng Tăng già Phật giáo tại Nam California (Buddhist Sangha Council of Southern California) hay Ủy hội Phật tử Mỹ (ABC: American Buddhist Congress). Và tuy họ chưa thành công như ý muốn, nhưng ít nhất họ cũng đã khởi động việc tập họp Phật tử lại để thảo luận với nhau.

Có một ví dụ rất rõ ràng về tình trạng “Lai Tông phái” hybridity nầy mà tôi được chứng kiến khoảng ba năm trước đây, khi tôi trở lại Cleveland, bang Ohio, để tham dự một buổi họp mặt ái hữu của một người đồng nghiệp. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu Phật giáo Mỹ, tổ chức Những Giáo hội Phật giáo tại Mỹ (BCA: Buddhist Churches of America) – Jodo Shinshu Buddhism – là một tổ chức mà đa số Phật tử là người Mỹ gốc Á châu. Và cũng có vài nhóm Thiền tông với các Thiền đường ở Cleveland mà họ chẳng quan hệ gì với cộng đồng Phật tử Mỹ gốc Á cả. Khi tôi trở lại Cleveland, tôi thấy hai nhóm nầy đã chia sẻ với nhau một ngôi chùa mà họ gọi là Chùa Phật giáo Cleveland. Có khi, họ gọi đó là “Zen Shin Sangha”. Khi họ đăng ký tông phái thì họ dùng cụm từ “Japanese Zen/Shin Buddhism”. Vị sư Trưởng giáo thọ là người Nhật và họ là thành viên của Những Giáo hội Phật giáo tại Mỹ (BCA). Như vậy, họ bắt đầu tiếp xúc với nhau. Và kết quả là ý niệm “Lai Tông phái” được mang ra để đề nghị với những Phật tử dù họ thuộc về những tông phái Phật giáo rõ ràng khác nhau. Thiền tông không bắt buộc phải hoàn toàn xa lạ với Hoa Nghiêm tông và họ có thể học hỏi lẫn nhau và chia sẻ với nhau như những Phật tử, dù tông phái, chủng tộctư cách thành viên của những tổ chức có khác nhau chăng. Kết quả là Phật tử càng lúc càng học hỏi về nhau.

Trong quá trình phát triển của Phật giáo Mỹ, ông thấy có một tình trạng căng thẳng giữa các truyền thống khi họ muốn duy trì sự nguyên vẹn của tông phái nhưng phong trào hiện nay thì lại đang tiến về (một Phật giáo Mỹ) lai Tông phái hybridity không?

Chúng ta nên nhớ rằng một cái “ấn” trong Tam Pháp ấnVô thường. Mọi vật đều thay đổi theo thời gian. Nếu ta khảo sát lịch sử phát triển Phật giáo thời sơ kỳ ở Ấn Độ, ta sẽ thấy rằng những truyền thống ban đầu, nhiều lúc gọi chung là Phật giáo Nikaya [6], có đến 18 bộ phái. Vậy thì [ngay từ thời đó] cũng đã có nhiều ý nghĩ khác nhau về Phật giáo. Tại sao? Tại vì khi Phật giáo lưu chuyển từ cộng đồng nầy đến cộng đồng khác, những vị đại sư phải sống trong các khu vực với tập tục khác nhau: Người dân ăn mặc khác, cư xử khác và suy nghĩ khác. Và vì vậy, vài bộ phái nầy đã triển khai [những giáo thuyết] phản ánh không phải sự khác biệt về học thuyết giữa các cộng đồng Phật giáo (dù đôi khi cũng có) mà phản ánh sự khác biệt giữa cách thế sống và giá trị [văn hóa] của các cộng đồng khác nhau. Và đó là lý do vì sao Phật tử đã tách rời nhau. Dĩ nhiên, trong số 18 bộ phái Nikaya đó, chỉ có một bộ phái tồn tại cho đến ngày nay - Phật giáo Nguyên Thủy (“Tiểu Thừa”). Nhưng điều nầy cũng đúng cho Phật giáo Phát Triển (“Đại Thừa”). Khi Phật giáo Phát Triển mở mang rộng ra, họ cũng tách ra thành nhiều bộ phái. Điều tất nhiên là những bộ phái nào tồn tại được trong thế giới hiện đại thì phải rất kiên trì. Khi những tông phái nầy đến Mỹ, ta có thể tin chắc rằng các tông phái đó lại sẽ thay đổi. Có thể trong thế kỷ 21 nầy, ta có thể thấy vài tông phái trở thành “tông Bắc Mỹ” một cách rạch ròi.

Khi ta trộn những tông phái với lịch sử và bối cảnh thành hình khác nhau như vậy vào cái nồi nấu hổ lốn Mỹ (melting pot), liệu chúng có nguy cơ trộn lẫn với nhau thành một khối hổn hợp không ? [Còn] nếu duy trì sự khác biệt giữa các tông môn thì tính nguyên vẹn vẫn có thể giữ được hay không?

Theo một cách riêng, tôi muốn thấy mỗi truyền thống Phật giáo duy trì sự toàn vẹn của riêng họ, nhưng tôi cũng hiểu rằng, dù sao, chúng ta cần quan tâm đến cứu cánh của Phật giáo là gì – là diệt trừ cái khổ của con người. Và tôi nghĩ rằng nếu có vài truyền thống kết hợp với nhau khiến cho con người tỉnh thức, thiện lành, có thể thoát ra khỏi nỗi khổ, có thể ra khỏi vòng luân hồi [nếu họ tu tập theo truyền thống Nguyên Thủy] hay [nếu họ tu theo truyền thống Đại Thừa] thì phát tâm Bồ Tát cho đến khi tất cả chúng sinh được cứu độ, trong trường hợp như thế thì tôi nghĩ rằng thật quý giá. Nhiều khi, trong các cuộc tranh luận, chúng ta không ý thức được rằng cứu cánh của Phật giáo là đem mọi chúng sinh ra khỏi nỗi khổ và đưa đến tỉnh thức.

phatgiaomy014phatgiaomy016

Tăng đoàn “Mỹ bản địa” ít khi theo một Tông môn hay Tông phái thuần nhất nào nhất định.

Lại càng không có một Giáo hội theo nghĩa tổ chức giáo quyền theo mô thức Phật giáo Á châu,

do đó nghi lễ, kinh điển, giáo phẩm, tăng bào … hầu như không thống nhất, trăm hoa đua nỡ.

Nghiên cứu Phật học ở mức độ học thuật thì quan trọng như thế nào cho việc hành trì ?

Truyền thống Phật giáo thưở ban đầu thường phân biệt hai loại Tăng sĩ. Một loại tu theo Minh Sát học (vipassana dhura), họ tu Thiền định, thường ẩn cư và/hoặc du hành trong rừng sâu. Một loại tu theo Kinh Điển học (gantha dhura), họ là những Tăng sĩ học thức, thường quanh quẩn trong làng mạc hay nơi thị tứ. Ta có thể xem họ là Tăng sĩ-học giả hơn là Tăng sĩ-hành giả [7]. Trên nhiều khía cạnh, Tăng sĩ-Hành giả là những người đã trao truyền Phật pháp cho cư sĩ trong làng mạc. Và khi ta hỏi Phật tử trong hai vị Thầy đó ai quan trọng nhất, thì thật là ngạc nhiên khi Phật tử trả lời là vị Thầy tu theo Kinh Điển, vì họ cho rằng nếu kinh điển (Pháp: Nhị bảo) biến mất thì sẽ không còn ai để mà Thiền định, và do đó cũng sẽ không còn Tu sĩ (Tăng: Tam bảo) nữa.

Trở về với thế giới Tây phương thời hiện đại, Hoa Kỳ chưa bao giờvăn hóa tu viện, ngay cả với những truyền thống tôn giáo khác [như Thiên Chúa giáo chẳng hạn] . Người Mỹ không có xu hướng chối bỏ cuộc đời, và trong nước Mỹ hiện đại, có rất ít Tăng Ni. Nếu vậy thì ai sẽ là người đóng vai trò Tăng sĩ-Học giả cho Phật tử và cho những người muốn trở thành Phật tử? Từ đầu thập niên 1990’, tôi đã cổ xúy rằng chính một vị học giả-hành giả sẽ là người đóng vai trò đó, vì họ đã có một phát nguyện riêng tư với đạo. Họ hành đạo, nhưng họ cũng có hiểu biết trí thức đến từ quá trình lấy Tiến sĩ trong ngành Phật học.

Vào năm 1978, ông đã đề cập đến “hai Phật giáo” - Một do cộng đồng “Người Mỹ cải đạo thành Phật tử” và một do những cộng đồng di dân Á châu. Đến nay [2012], ông vẫn thấy như thế sao ?

Lần đầu tiên khi tôi chế ra thuật ngữ “hai Phật giáo”, thuật ngữ đó đã rất chính xác; nhưng bây giờ thì không còn đúng nữa. Một học giả trẻ, ông Jeff Wilson, gần đây đã chỉ ra rằng chúng ta đã không thật sự nghiên cứu những khác biệt trong các cộng đồng Phật giáo Mỹ căn cứ trên vị trí địa dư của họ. Phật tử đồng quê (rural Buddhists) ở tiểu bang North Carolina thực hành Thiền định có thể rất khác với Thiền sinh ở San Francisco. Điều nầy thì đúng thật tuyệt đối, và không ai chịu điều tra hiện tượng nầy. Khoảng một năm trước đây, khi ông Wilson viết một tiểu luận về ý tưởng nầy, mà ông gọi là “chủ nghĩa địa phương”, tôi đã nói với ông ta là ông hoàn toàn đúng, nhưng mười năm nữa thì sao? [Vai trò của] Facebook và YouTube và Skype sẽ ra sao, có thể Phật tử ở New York sẽ hiểu biết Phật giáo đồng quê hơn bây giờ, và người sống ở bang Iowa hiểu biết về người thị tứ khác hơn bây giờ. “Chủ nghĩa địa phương” có thể sẽ chỉ còn là quá khứ. Và tôi liên hệ điều nầy với lý thuyết “hai Phật giáo” của tôi vì chính hiện tượng nầy cũng đã tác động lên [và làm thay đổi] lý thuyết của tôi.

Vậy thì liệu ông có thể nói rằng những Phật tử cải đạo (convert Buddhists) sẽ học được đôi điều từ những cộng đồng Phật tử di dân Á châu không?

Vâng. Ngược lại với những cộng đồng Phật tử Mỹ cải đạo, vốn chọn pháp môn mình thích nhất là Thiền định hay pháp môn nào mà họ nghĩ sẽ đạt đến trạng thái tỉnh thức nhanh nhất, cộng đồng Phật tử di dân Á châu hiểu rõ rằng tu tập là một phần của trải nghiệm cuộc sống. Đó là một sự tu tập mà ta chia sẻ với con cái. Đó là một sự tu tập mà ta mang theo khi ra khỏi chùa. Điều đó không có nghĩa là ta không hành Thiền, mà có nghĩa là cần hiểu rằng bối cảnh mà ta tu tập thì cần tương ứng với truyền thống tu tậptông môn mà ta đã chọn. Tôi sẽ không muốn khuyến khích rằng tất cả Phật tử đổi đạo hãy nhảy ngay vào những phương pháp tu tập vốn là truyền thống của các pháp tu Á châu. Tôi chỉ muốn nói rằng các bạn hãy chọn pháp tu nào tốt nhất cho bạn, nhưng hãy chọn lựa [khi đã cứu xét] toàn diện và với tất cả sáng suốt.

Việt dịch và hình minh họa: Trí Tánh Đỗ Hữu Tài

[Nguồn Anh ngữ: http://www.tricycle.com/feature/pursuing-american-buddhism ]

GHI CHÚ (của người dịch):

[1] tương nhập /interpenetrating và tương tức/interbeing là hai thuật ngữ Phật học mô tả mối quan hệ (hay vận động) của vạn pháp trong Kinh Hoa Nghiêm / Avatamsakia Sutra.

[2]Tự docông lý cho mọi người” là dịch từ câu “liberty and justice for all” trong Lời thề Trung thành Pledge of Allegiance của công dân Mỹ nguyện trung thành với Quốc kỳ và nền Cọng hòa Mỹ.

[3] Xin xem đoạn phim The Story of Zen Mountain Monastery về đời sống tu tậpsinh hoạt hằng ngày trong một Thiền viện Mỹ: http://www.youtube.com/watch?v=LIYTXLOB7Jc

[4] Stephen Batchelor nguyên là một tăng sĩ người Anh, xuất gia theo cả hai truyền thống Mật tông (ở Dharamsala, Ấn Độ, 1974) và Thiền tông (ở Songgwangsa, Hàn Quốc, 1981). Nhưng sau đó, ông xuất tu và trở thành một học giả, giáo sư và tác giả của nhiều cuốn sách nỗi tiếng về Phật học. http://en.wikipedia.org/wiki/Stephen_Batchelor_(author)

[5] Từ “hybrid” của tiếng Anh nghĩa là “lai giống”, “lai chủng loại”, được dùng đầu tiên trong lãnh vực Sinh học. Sau đó, được dùng trong các lãnh vực khác và không còn mang nguyên nghĩa là lai “giống” nữa. ( http://en.wikipedia.org/wiki/Hybrid ). Tiếng Việt hình như chưa có từ để dịch chữ “hybrid”. Thường thường, tiếng Việt ghép những thành tố tạo ra tình trạng “lai” nầy, ví dụ như “Thiền-Tịnh song tu”, “xe hơi điện-xăng” (hybrid car).

[6] Theo giáo sư Robert Thurman (Buddism Studies – Columbia U), tên gọi “Phật giáo Nikaya” là do giáo sư Maatoshi Nagatomi của Đại học Harvard sáng chế ra như một cách thế để tránh dùng thuật ngữ Tiểu Thừa.

[7] Các hệ thống tu tập để phát triển Trí huệ đó ngày nay được biết đến dưới các từ ngữ chuyên môn là Vipassana dhura, Minh Sát học. Danh từ Vipassana dhura, Minh Sát học, đối ngược với danh từ Gantha dhura, Kinh Điển học, cả hai ngành nầy ngày nay được xem như hai phương diện của sự tập luyện và bổ túc cho nhau. Minh Sát học là môn học hướng nội, thu hẹp chặt chịa vào sự huấn luyện tâm linh, chẳng màng đến kinh sách. Cả hai danh từ, Vipassana dhuraGantha dhura, đều chẳng thấy được ghi trong Tam Tạng Kinh Điển; cả hai đều được nói đến trong các kinh sách về sau” Theo http://www.dhammatalks.net/Vietnamese/Buddhadasa_Bhikkhu_Thu_ban_cho_nhon_loai.htm ]

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/05/2015(Xem: 13784)
26/04/2021(Xem: 4181)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.