Các Vị Luận Sư Ấn Độ

01/11/201312:00 SA(Xem: 9974)
Các Vị Luận Sư Ấn Độ

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Tác giả: MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

Các Vị Luận Sư Ấn Độ

 

Trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ IX Phật lịch, Phật giáo xuất sinh những vị sư lỗi lạc; họ là những học giả uyên bác, những luận sư vĩ đại. Chính nhờ họ mà tư tưởng Phật giáo ở cả hai bộ phái Theravāda và Mahāsaṅghika đều được phát triển, thăng hoa.

Tùy thuộc sự trước tác của họ bằng văn hệ Pāḷi hay Saṅskrit mà ta có thể phân chia thành hai dòng.

 

1. Dòng văn hệ Pāḷi

Họ ở trong truyền thừa Pāḷi của Theravāda, đã trước tác bằng văn hệ Pāḷi những tác phẩm, soạn phẩm vượt thời gian. Đại biểu cho dòng này là trưởng lão Nāgaseṇa (Na-tiên), Buddhaghosa (Phật Âm) và Dhammapāla (Pháp Hộ).

1.1. Na Tiên (Nāgaseṇa)

Sinh quán của ngài là ở một thị trấn nhỏ nằm bên cạnh chân núi Himalaya, cha là Bà-la-môn Sonuttara. Từ rất nhỏ, ngài đã thông bác ba kinh Vệ-đà, sau đó mới nghiên cứu Phật giáo dưới sự hướng dẫn của trưởng lão Rohana rồi gia nhập Tăng đoàn. Tiếp đến, Nāgaseṇa theo học với trưởng lão Assagutta; cuối cùngtham cứu chuyên sâu về giáo pháp dưới sự hướng dẫn của trưởng lão Dhammarakkhita tại Pāṭaliputta (Paṭna ngày nay). Sau khi đã làu thông Tam Tạngchứng quả vị A-la-hán, ngài gặp vua Milinda ở tu viện Sankheyya tại kinh đô Sācala. Tại đây, đã xẩy ra một cuộc đối thoại lịch sử giữa tỳ-khưu Nāgaseṇa và ông vua Hy Lạp về những điểm khúc mắt trong giáo pháp. Nội dung vấn đáp giữa hai vị đó đã trở thành một quyển sách trứ danh, bất hủ bằng văn hệ Pāḷi còn tồn tại ở cả hai truyền thừa cho đến ngày nay.

Có những tồn nghi – vì nhiều dị bản – liên hệ đến niên đại, con ngườitác phẩm.

* Về niên đại

- Thuộc truyền thống Miến Điện, thiên mở đầu Milindapañha có kể rằng: Sau 500 năm đức Phật nhập diệt, Phật giáo bị nạn bởi đức vua người Hy Lạp học vấn uyên thâm, ông ta đã đến các chùa chiền hỏi về giáo pháp Phật nhưng chẳng có ai đủ trí tuệ biện tài khả dĩ làm cho vua thỏa mãn. Tăng chúng thời ấy phải từ bỏ kinh đô, tản mác ra các thị trấn, thôn làng xa xôi hoặc trốn vào rừng sâu. Sau đó có tỳ-khưu Nāgaseṇa, có nhân duyên kiếp trước với vị vua này, vừa uyên thâm pháp học, vừa thâm chứng tứ quả, vừa có trí tuệ biện tài, đã giải đáp cho đức vua hằng trăm câu hỏi rồi đưa vua vào chánh đạo. Milinda quy y Phật giáo, hộ trì Phật giáo làm cho chánh pháp hưng thịnh một thời. Vua đắc quả A-la-hán, xả bỏ ngôi vua như manh áo rách, sau nhập diệt trong một mái lá ở rừng sâu.

- Theo một số tư liệu lịch sử, nếu Milinda là viên thống tướng do A-lịch-sơn Đại đế cắt cử ở lại với một đoàn quân để cai trị vùng thượng lưu sông Gaṅgā và cả vùng Tây Bắc Ấn – thì có điều tồn nghi, là niên đại lại sớm hơn, phải là trước thời đại đế Asoka, tức là khoảng 150 – 180 năm sau đức Phật nhập diệt?

- Có một vài học giả phương Tây lại cho rằng: Theo các tư liệu Pāḷi thì Milindapañha do trưởng lão Nāgaseṇa biên soạn, niên đại tối thiểu là trước thời Buddhaghosa, vì vị này có trích dẫn Milindapañha trong những soạn phẩm của mình?

* Về tác phẩm

Tuy có ít nhiều cơ sở lịch sử, nhưng sách do ai viết, viết vào thời đại nào, người viết có ý thêm bớt gì không – cũng là vấn đề phát sanh nhiều bàn cãi.

- Theo các nước Nam truyền như Srilaṅca, Miến Điện, Thái Lan… thì Milindapañha gồm có bảy chương. Và như vậy, một thì do chính trưởng lão Nāgaseṇa soạn thảo, hai là do người sau viết lại trong khoảng thời gian 150 truớc CN và 400 năm sau CN.

- Có một số khác nhận xét rằng, Milindapañha không phải là một quyển sách đồng nhất về văn phong, ngữ pháp. Nếu phân tích theo văn phong và ngữ pháp thì ba chương đầu cùng một phong cách, bốn chương sau phong cách khác.

- Milindapañha được Trung Hoa dịch ra chữ Hán với tên “Na-tiên tỳ kheo kinh”, khoảng 317 đến 420 sau CN, chỉ có ba chương đầu, không có bốn chương sau, hoặc bốn chương sau do người khác thêm vào?

Dẫu sao, tất cả quan điểm nêu trên đều là “giả đoán”. Những luận cứ của chư vị học giả đưa ra nhằm chứng minh cho quan điểm của chính mình, rốt lại vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Điều mà ai cũng phải công nhận là Milindapañha rất gần với Theravāda, hoặc có lẽ là thuộc về các bộ phái đi ra từ Trưởng lão bộ. Có tư liệu đi hơi xa, nói là “năng lực vô biên của Phật trong Milindapañha có tư tưởng Đại thừa (1).

1.2. Phật-âm (Buddhaghosa)

Trước tác và luận giải của ngài đều thuộc văn hệ Pāḷi, sau Milindapañha. Ông thực sự là một nhà luận giải vĩ đại hiếm có về kinh sách Phật giáo.

Buddhaghosa sinh quán ở Bodhi-Gayā, nơi đây có ngôi chùa thuộc hệ Theravāda – Srilaṅca. Ông ra đời khoảng thế kỷ thứ V, triều đại Gupta, khi ngôn ngữ Pāḷi đã suy tàn. Khắp nơi đều thịnh hành chữ Saṅskrit, và Mahāsaṅghika chiếm ưu thế. Giai đoạn này cũng có chuyển biến lớn, đấy là sự phục hưng của Bà-la-môn giáo, và các kinh sách đại thừa đã lác đác ra đời (Saṅskrit dần dà từng bước được hoàn thiện). Nhờ ngôi chùa Theravāda – Srilaṅca này mà ông đã gắn bó với ngôn ngữ Pāḷi sau khi gia nhập Tăng đoàn. Lúc ấy, trưởng lão Revata làm viện chủ tu viện.

Tương truyền, khi chưa theo Theravāda, Buddhaghosa – tên tục là Ghosa – đã thông thuộc Vệ-đà, các chú giải liên quan cùng kiến thức Phật học của nhiều bộ phái (Ông là người dòng dõi Bà-la-môn). Ghosa đi tranh luận khắp nơi mà không có đối thủ. Hôm kia, một sự tình cờ, trưởng lão Revata nghe ông tụng kinh Patanjali (?); người rất cảm phục bởi giọng phát âm rất chuẩn xác của người trẻ tuổi – bèn chấp nhận một cuộc tranh luận. Vào đầu, Ghosa hỏi:

- Ngài có hiểu được các kinh tôi vừa đọc không?

- Có, ta hiểu, rất hiểu là khác. Tuy nhiên, các bài kinh ông vừa tụng “đều không đúng”.

Sau đó, trưởng lão nêu ra từng điểm rồi chỉ trích rất nghiêm khắc, đến nỗi Ghosa phải nghẹn họng, nín thinh. Biết nhân duyên đã có, trưởng lão Revata đọc cho người thanh niên nghe một số đoạn quan yếu trong Abhidhamma bằng Pāḷi.

Ghosa không hiểu Pāḷi, tưởng là thần chú, bèn hỏi.

- Thần chú ấy là của ai vậy?

- Là của đức Phật.

- Ngài có thể dạy tôi được không?

- Được, với điều kiện ngươi phải theo ta, ăn mặc như ta và sống trong hệ phái của ta.

Thế là Ghosa nhập viện, học ngôn ngữ Pāḷi rồi nghiên cứu Kinh, Luật và Abhidhamma của Theravāda. Sau đó, Buddhaghosa bắt đầu viết luận giải, đấy là các cuốn Manodaya, Atthasagini, Dhamma-saṅghaṃ. Khi sắp sửa viết luận giải cho bộ Parittasutta thì trưởng lão Revata nói rằng:

- Ở chùa này chỉ có một bộ Tam Tạng gốc mang từ Srilaṅca về đây, còn luận giải thì chưa có. Tại Srilaṅca có rất nhiều sách luận giải do trưởng lão Mahinda để lại, chúng đều đã được dịch ra tiếng Srilaṅca; ông hãy chịu khó sang bên đó nghiên cứu để những luận giải kia hữu ích cho người đời sau (2).

Theo lời thầy, Buddhaghosa sang Srilaṅca vào thời vua Mahānama; và chư Tăng bản địa sẵn lòng hỗ trợ ông hoàn thành tâm nguyện.

Ngoài Visuddhimagga dường như tóm tắt cả Tam Tạng lẫn chú giải; sự nghiệp vĩ đại của ông gồm cả những sách chú giải còn đồ sộ hơn:

- Samanta-pasasika (Thiện kiến luật) – luận giải về giới luật.

- Matikattha – luận giải về Paṭimokkha.

- Sumangala vilasili – luận giải Dighānikāya.

- Papañcasudani – luận giải Majjhimānikāya.

- Saratthappakasini – luận giải Saṃyutta.

- Manorathapurini – luận giải Anguttara.

- 4 bộ chú giải thuộc Khuddakānikāya (Tiểu bộ kinh): Dhammapada (Pháp cú kinh), Jataka (Bổn sanh kinh), Suttanipāta (Tập kinh) và Khuddakāpatha (Tiểu tụng).

Ngoài ra, bảy bộ trong tạng Abhidhamma và luận giải, ngài cũng viết lại, dựa theo luận giải gốc bằng ngôn ngữ Srilaṅca – được Đại tu viện (Mahāvihāra) ở đây chấp nhận.

Sau khi hoàn thành tâm nguyện của mình, Buddhaghosa trở về Ấn Độ, quê cũ, ngày tháng còn lại ông dành cho việc tu tập.

1.3. Pháp Hộ (Dhammapāla)

Dhammapāla sinh sau Buddhaghosa, tại Badaratittha, một xứ sở trên bờ biển Đông Nam Ấn. Ngài cũng là nhà luận giải tầm cỡ thuộc văn hệ Pāḷi.

Đầu tiên, Dhammapāla tiếp tục sự nghiệp luận giải của Buddhaghosa còn dang dở, đấy là các bộ còn lại của Khuddakā-Nikāya (Tiểu bộ kinh):

- Luận giải về Udāna (Kinh tự thuyết).

- Luận giải về Itivuttaka (Kinh như thị thuyết).

- Luận giải về Vimanavatthu (Thiên cung sự).

- Luận giải về Petavatthu (Ngạ quỷ sự).

- Luận giải về Theragātha (Trưởng lão Tăng kệ).

- Luận giải về Therīgātha (Trưởng lão ni kệ).

- Luận giải về Caraya-piṭaka (Sở hành tạng).

Ông còn viết thêm bộ luận thư có tên Paramatthamanjusa để bàn về cuốn Visuddhimagga của Buddhaghosa. Phần bình luận trong luận thư này, ông nhắc đến những lệch lạc về tư tưởng của một số luận sư khác, tông, hệ khác. Qua đó, ta có thể biết đến tên của những vị luận sư đương thời, những kinh sách có mặt vào thời đó ở Nam Ấn và cả Srilaṅca.

Cuối cùng, Dhammapāla còn viết một cuốn luận giải khác nữa, có tên là Netti – theo yêu cầu của trưởng lão Dhammarakkhita. Theo sách này, ta được biết ngài sống tại tu viện ở Nagapattana, là chùa do vua Dharmasoka xây cất.

Tóm lại, các nhà học giả nói rằng: “Thật lạ lùng là địa vị độc nhất vô nhị của tiếng Pāḷi trong văn học Ấn Độ đã không được đánh giá đúng như, lẽ ra, nó phải có ở đây. Người ta không nhận ra rằng, ngôn ngữvăn học Pāḷi không chỉ có ảnh hưởng trên ngôn ngữ Ấn Độ ngày nay, mà còn ảnh hưởng trên sự phát triển của các ngôn ngữ Srilaṅca, Myanmar và Thái Lan”. Họ lại còn nói: “Văn học ngôn ngữ Pāḷi là một cái kho chứa những chất liệu quý giá cho việc viết lại một vài chương không được rõ ràng trong lịch sử Ấn Độ”. Hoặc: “Người đã biết tiếng Pāḷi thì chẳng cần tới ánh sáng bên ngoài nữa”. Hay: “Các bộ sách thuộc văn hệ Pāḷi có giá trị văn học, tư tưởng, lịch sử rất cao – không thể tìm thấy trong văn học thuộc hệ song hành cùng xứ sở – là văn hệ Saṅskrit”(3) .

 

2. Dòng văn hệ Saṅskrit

Điều mà ta cần lưu ý đầu tiên – là các văn phẩm bằng tiếng Saṅskrit không hoàn toàn là của Đại thừa. Vào buổi đầu, khi hệ Pāḷi không còn chiếm ưu thế, hệ Saṅskrit lên ngôi – thì đây là lúc mà, ngôn ngữ Saṅskrit chưa hoàn chỉnh, vì có lẫn lộn Pārkrit (không ngoại trừ lẫn lộn ngôn ngữ của nhiều bộ tộc khác nữa). Các luận sư vào thời này, có vị vẫn đang còn ở trong hệ tư tưởng của Nhất thiết hữu bộ, có vị nửa Hữu bộ nửa Đại chúng, có vị đã có tư tưởng rõ ràng là của Đại thừa hoặc phát triển Đại thừa.

2.1. Hiếp tôn giả (Pārasava)

Tương truyền, ông trên 80 tuổi mới đi xuất gia. Vị thầy tế độ nhìn ông một lát rồi ngậm ngùi nói:

- Ông già quá rồi, không thể tu được đâu.

Mái sương tuyết kia gật đầu mạnh mẽ:

- Được, chắc chắn là tôi tu được.

Thế rồi, không những ông già tu được mà còn làu thông Pháp học, thân chứng Pháp hành, trên 120 tuổi mới chịu vào Niết-bàn. Hiếp tôn giả sống vào thời vua Kanishka II, và được vị vua này tôn trọng, thường hay đến tham yết, vấn đạo. Ông nổi danh là hàng tòng bách trong Tăng lữ, cùng với trưởng lão Thế Hữu chủ trì kết tập kinh điển lần thứ IV của Hữu bộ bằng tiếng Saṅskrit (4). Kiến thức của ông rất uyên thâm. Ông giải thích “Phương quảng kinh”, nói về cái dụng lớn của trí tuệ (Paññā) với học phong khái quát, nhưng tinh lọc. Một bước, đưa tư tưởng Hữu bộ bao trùm các hệ phái đương thời.

2.2. Mã Minh (Aśvaghoṣa)

Trong“Thích-ma-ha diễn luận” của Nāgarjuṇa (Long Thọ) nêu ra có đến sáu Mã Minh (?). Nhưng đây ta chỉ nói đến Mã Minh ra đời vào thời vua Kanishka II, đồng thời với Hiếp Tôn GiảThế Hữu, là thuyết được nhiều người chấp nhận nhất. Kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV của Hữu bộ, trong lúc Hiếp Tôn GiảThế Hữu chủ trì – thì ông nhận trọng trách “nhuận sắc” toàn bộ kinh điển, thổi linh hồn cho ngôn ngữ, tiếp truyền hơi thở văn học cho trang kinh.

Ông sinh ra ở Trung Ấn, quê quán ở Soketa, vốn dòng dõi Bà-la-môn. Nhiều tư liệu nói rằng, Mã Minh thông tuệ khác người, tham bác, làu thông nhiều hệ tư tưởng, cả Vệ-đà và Phật học. Là thanh niên trí thức hơn đời, cũng như Buddhaghosa trước đây, ông luận tranh với thiên hạ, cũng vô đối thủ. “Thật rủi” cho ông, hôm kia gặp Hiếp tôn giả, một ông già hiền triết, không thể “luận thắng” mà còn “luận bại” một cách thê thảm! Khẩu phục, tâm phục, Mã Minh quy y theo Phật giáo Hữu bộ.

Các học giả Đông Tây khi nghiên cứu cuộc đờitác phẩm của Mã Minh, đều kết luận rằng: “Ông là một thi sĩ vĩ đại, một triết gia ưu việt, một học giả thông tuệ của thời đại”. Lạ lùng sao, ông còn giỏi cả âm nhạc nữa.

Nhiều học giả nói rằng, Mã Minh thuộc Đại thừa, điều này không đúng, vì Mã Minh và cả Hiếp tôn giả ở trên đều thuộc Nhất thuyết hữu bộ. Trong thời này, mặc dầu Hữu bộ có nhiều tư tưởng giống Đại chúng bộ nhưng họ lại cực lực chống đối Đại chúng bộ. Sau này khi Đại chúng bộ phát triển thành Đại thừa thì tư tưởng của họ cũng dần dần có một số điểm tương tợ Hữu bộ.

Sách của Mã Minh rất nhiều, ta có thể liệt kê một số tác phẩm, được coi là những thi phẩm kiệt xuất:

- Bhuddhacariya – Tàu dịch là “Phật sở hành tán”: Là một thi phẩm nổi tiếng, ca ngợi cuộc đời đức Phật, được so sánh ngang hàng với những bộ sử thi bất hủ của Ấn Độ như: Ramayana, Meghadūta và Raghuvamïsa.

- Saundrānandaxưng tán tôn giả Lợi-nan-đà.

- Sāriputtaparakaranaxưng tán tôn giả Xá-lợi-phất.

Về kinh và luận thư, theo Hán tạng thì quý ngài Chân Đế, Nhật Xứng, La Thập, Đàm Vô Sấm đã dịch của Mã Minh những soạn phẩm sau.

- Đại tông địa huyền văn bản luận.

- Ni-càn-tỉ vấn vô ngã nghĩa kinh (Nigaṇthapucchā).

- Thập bất thiện nghiệp đạo kinh (Dasākusaladhamma).

- Đại trang nghiêm kinh (Mahālaṅkārasūtra).

Riêng quyển “Đại thừa khởi tín luận”, từ lâu ai cũng cho là của Mã Minh. Có người ngờ là do người Trung Hoa mượn danh Mã Minh để viết. Cũng có thể là tên Mã Minh khác – là học trò của Trần Na hoặc Thế Thân (5).

Ông cũng còn một số tác phẩm khác nữa, như Sutrālaṇkāra, Raṭṭhapālasutta, Paṭipadāsuttaṃ…

2.3. Thế Hữu (Vasumitra)

Thế Hữu là vị trưởng lão uy tín đồng đẳng với Hiếp Tôn Giả, như đã nói ở trên. Ông có hai tác phẩm là “Dị bộ tông luận” và “Giới thân túc luận”.

Trong “Tây vực ký” của Huyền Tráng, gọi Thế Hữu là Bồ-tát Đại thừa, lại còn tá lời của Thế Hữu: “Ta coi những La-hán vô học cũng như đờm rãi. Ta chỉ cầu Phật quả, không đi lối nhỏ (6).

Thời này là thời phát triển Đại chúng bộ sang Đại thừa; còn Thế Hữu (cả Hiếp Tôn GiảMã Minh) là thuộc Nhất thuyết hữu bộ thì lời của Huyền Tráng có áp đặt, có tính cách miệt thị hay không, có xứng đáng tư cách sử gia hay không, xin dành cho hậu thế bình luận. Cũng có thể, không loại trừ khả năng, người ta đã mượn uy tín đạo đứctài danh của Huyền Tráng để nói lên quan điểm của mình. Thật đáng tiếc là có những sự thật bị che mờ hoặc đánh tráo bởi định kiến của những người viết sách, mạo nhận là sử gia!

2.4. Long Thọ (Nāgārjuṇa)

Cuộc đời của ngài Long Thọ có rất nhiều dị thuyết, tối thiểu là có ba sử liệu khác nhau.

- Theo “Long Thọ Bồ-tát truyện”La Thập dịch – thì ông sinh ra trong gia đình Bà-la-môn ở Nam Ấn, bản tính thông minh, dĩnh ngộ, học rộng, biết nhiều. Từ rất sớm, ông đã nghiên cứu sâu rộng về Vệ-đà, thuật số, thiên văn, địa lý, bí sấm… Ông cùng ba người bạn thân, học thuật ẩn thân, ra vào cung vua, dâm loạn với cung nữ hơn trăm ngày. Sau, bị bại lộ, ba người bạn bị giết, ông may mắn trốn thoát; nhờ đó, giác ngộ: “Dục là gốc của khổ, cái rễ của mọi tai họa” nên xuất gia theo Phật giáo.

Trước, học Tam Tạng Tiểu thừa (7) với một số tu sĩ cao niên ở Himalaya. Dù chưa nắm rõ thực nghĩa đã sinh tâm ngạo mạn, nên Bồ-tát Đại Long thương xót, đón ông vào biển, ở trong Long cung 90 ngày để nghiên cứu các loại kinh điển thâm thúy. Sau đó, trở lại Nam Ấn, ông thuyết pháp hoằng hóa rộng rãi, đẩy lùi ngoại đạo rồi chuyên tâm vào việc trước thuật. Vì ông nhiếp phục được quốc vương Nam Ấn, nên có một pháp sư Tiểu thừa rất ghét, biết vậy, ông vào nhà nghỉ, “lột xác”mà hóa.

Thuyết thứ hai:

- Tư liệu Tây Tạng nói rằng, Long Thọ sống tại Nālanda, theo học với Bà-la-môn Sānaha và trưởng lão Rāhulabhadra. Sau đó có vào nước Rồng, học được 10 vạn bài tụng bát-nhã. Ông đi các xứ Patavesa ở phương Đông và Kuru ở miền Bắc để du lịch, dựng chùa viện, trước tác. Cuối đời, vì thương cảm Thái tử Sa-khắc, tự cắt cổ mình mà hóa.

Thuyết thứ ba:

- Theo “Đại Đường Tây vực ký” của Huyền Tráng: Long Thọ được vua nước Nam-kiều-tát-la là Sa-đà-bà-kha quy tín, khoét núi xây dựng già-lam cho ông ở. Ngôi đại điện cực kỳ trang nghiêm, công việc chưa xong thì kho vàng đã hết. Long Thọ dùng thuốc nước phép, rỏ vào đá thành vàng giúp vua xây chùa và dựng sự nghiệp lớn. Long Thọ có thuốc trường sinh nên sống đến mấy trăm tuổi. Ông cũng cho vua thuốc ấy nên tuổi thọ cũng tương tự vậy. Thái tử thấy ngày kế vị dài dằng dặc nên ngước mắt nhìn Long Thọ có vẻ cầu cứu. Biết ý, Long Thọ tự vẫn. Vua đau buồn, cũng chết theo.

Trong cả ba thuyết, chỉ là tương truyền hoặc là hư cấu, mà thuyết nào cũng có những điểm kỳ dị, khó hiểu, rất khó tin là hành trạng của một con người của chánh trí, chánh đạo… như “lột xác mà hóa, tự cắt cổ mình, tự vẫn!”! Tuy nhiên, ta cũng có thể lần dò tìm ra nhưng dữ liệu lịch sử. Đấy là ông ra đời ở Nam Ấn, có nghiên cứu cả Hữu bộ lẫn Đại chúng bộ, sau đó có đọc đâu đó những kinh Bát-nhã và Hoa nghiêm của Đại thừa. Dẫu ông đi nhiều nhưng phạm vi hoạt động của ông đều là Nam Ấn. Ông sống vào khoảng 150 – 250 sau CN.

Pháp sư Huyền Tráng nói về “bốn mặt trời rọi sáng thế giới” của Phật giáo đương thời là Mã Minh (Aśvaghoṣa – Assaghosa), Thánh Thiên (Ariyadeva), Cưu-ma-la-thập (Kumāralabda) và Long Thọ (Nāgārjuṇa) thì Long Thọ chiếu sáng hơn tất cả. Đại thừaẤn Độ tôn xưng ông là bậc kỳ nhân trác việt (acchariyapurisa); chưa dừng lại ở đó, họ còn coi ông như “Thích-ca thứ hai!”

Quả thật, về phương diện triết luận, Long Thọ là một triết gia kỳ vĩ, có tầm vóc lớn, đã tạo nên một kỷ nguyên trong lịch sử tư tưởng Phật giáo, đã đưa Đại thừa lên một tầm cao mới. Ông đề xướng tư tưởng Trung quán (Madhyānika) hay Trung luận tông, tập trung vào quan điểm “không” (śūnyata- suññatā). Đây được coi là tư tưởng nền tảng, nhất quán của Long Thọ, tóm lược toàn bộ giáo lý các kinh điển thời manh nha của Đại thừa. Chỉ riêng công trình này thôi, cũng chứng tỏ sự hiểu biết của ông về luận lý học, có tư tưởng mạnh mẽ, táo bạo, lập ngôn cô đọng, chuẩn xác… Là một đầu óc lớn vượt qua, vượt cao, vượt trên tri thức thời đại.

Ngoài Trung quán luận, ông còn khoảng 20 luận thư đều đã được dịch ra Hán ngữ:

- Thập nhị môn luận.

- Quảng phá kinh, quảng phá luận.

- Thập trụ Tì-bà-sa-luận (Thích luận thập địa kinh của Hoa nghiêm).

- Đại thừa nhị thập tạng luận.

- Nhân duyên tâm luận tụng…

Cốt lõi những luận thư của Long Thọ đều xoay quanh duyên khởi tính, vô ngã tính của các pháp – là chỗ lập cước của không tông, không luận sau này. Thật ra, chẳng có tư tưởng nào của ông cao hơn, xa hơn, sâu hơn, rộng hơn, mới hơn tư tưởng của Phật đã nói rất dị giản ở các Nikāya như các kinh Đại không, Tiểu không và Đại duyên… Tuy nhiên, ông nổi bật là do cách nói táo bạo, lý luận sắc bén, lập luận vững chắc; ông đã làm cho sáng lại, “đao to búa lớn” hơn, trẻ trung hơn tư tưởng cũ từ gốc Theravāda; mà có lẽ là đã chìm khuất quá lâu qua 800 – 900 năm khói sương trùm lấp hỗn mang của các bộ phái đương thời mà thôi (8).

Những Vị Kế Thừa Trường Phái Trung Quán Của Long Thọ.

* Thánh Thiên (Ariyadeva)

đệ tử của Long Thọ. Là một truyền thừa kiệt xuất của Trung Quán.

Ông xuất thân trong một gia đình bà-la-môn ở Nam Ấn, sau bỏ ngoại đạo theo Long Thọ xuất gia, chu du khắp nơi để hoằng pháp. Ông có trí tuệ siêu quần.

Theo “Đề-bà Bồ-tát truyện” của Hán tạng: “Trong vòng ba tháng mà ông đã độ cho trăm vạn người theo Phật giáo (9) Sau bị ngoại đạo thù hận mổ bụng giết; lúc nhắm mắt, ông khởi tâm tha thứ cho người hại mình”.

Tư liệu khác thì nói, cuối đời, ông từ Nālanda đến Ranganātha, gần Kanci rồi thị tịch ở đấy.

Theo “Đại chính tân tu” thì sách của Thánh Thiên để lại có sáu bộ. “Đại tạng kinh Tây Tạng” thì nói có chín bộ. Ví dụ như tứ bách luận, bách luận, bách tự luận… của ông, Hán dịch, đều dựa trên lập trường Trung Quán.

* Phật Hộ (Buddhapāla)

Niên đại của ông là vào khoảng 470 – 540 TL, người nước Tambala ở Nam Ấn. Phật Hộ tiếp thu Trung quán của Long Thọ rồi viết thêm chú sớ (có bản dịch Tây Tạng), sau truyền đến Nguyệt Xứng (Candrakirti). Ông còn nghiên cứu thêm cả Duy thức của Vô Trước, sau lập riêng một trường phái dựa trên cơ sở tư duy lý luận, đó là phái Prasaṅgika (?). Theo ông: “Phải biết áp dụng phương pháp lý luận để đánh bại đối thủ!”

Dường như Phật Hộ sử dụng môn học lý luận, nhất là “nhân minh luận” đang thịnh hành thời bấy giờ.

* Thanh Biện (Bhavaviveka)

Thanh Biện cũng quê Nam Ấn, cũng từ Trung quán luận mà đi ra. Ông là một luận sư vĩ đại, đệ tử tỳ-khưu đi theo thường cả ngàn người. Một mình cai quản 50 ngôi chùa. Thanh Biện phê phán Phật Hộ, nhưng đối tượng luận chiến chủ yếu của ông là phái Duy thức của Vô Trước. Trong “Tây vực ký” Huyền Tráng có nói: “Thanh Biện từng đến Māgadha tìm gặp Phật Hộ để bác bỏ Duy thức – mà ông này đang theo”. Thanh Biện cũng là người nắm vững phương pháp lý luận. Ông luôn dựa vào “lý luận nhân minh” để phê phán, phủ bác các học giả Duy thức không coi trọng luận pháp nhân minh. Phong cách tranh luận của ông nổi tiếng một thời. Trường phái của ông có tên là Svatantra.

Tác phẩm của ông để lại đã được dịch sang Hán ngữ hoặc Tạng ngữ:

- Bát-nhã đăng luận.

- Đại thừa chưởng chân luận.

- Trung quán tâm luận tụng.

- Dị bộ tông tinh thích…

Vào thời này, hai phái Trung quán vừa luận chiến với nhau; và Trung quán của Thanh Biện còn luận chiến với phái Duy thức của Vô Trước nữa.

2.5. Vô Trước (Asaṅga) và Thế Thân (Vasubandhu)

Họ là hai anh em ruột, ra đời khoảng niên đại 310 – 390 TL. (trước Phật HộThanh Biện) thuộc gia đình bà-la-môn Kansika, tại Purusapura, thành phố Gandhāra, Bắc Ấn thuộc vương triều Samandra và Candragupta II. Hai anh em đều theo Nhất thiết hữu bộ, lúc ấy đang chiếm ngự Kashmire và Gandhāra, và cả hai đều thuộc lòng bộ Vibhāsāsastra (Tỳ-bà-sa luận) của phái này.

* Vô Trước (Asaṅga):

Vô Trước bỏ Hữu bộ sang Đại thừa. Nhưng Vô Trước học giáo lý Đại thừa ở đâu và của ai thì có hai truyền thuyết.

- Ông học giáo lý Đại thừa của Di-Lặc. Di-Lặc là người có thật, sống vào khoảng niên đại 270 – 350 sau CN. Lạ lùng làm sao, Di-Lặc này lại là một học giả của Nhất thiết hữu bộ?! (10)

- Thuyết thứ hai là Vô Trước đã dùng thần thông bay lên cung trời Đẩu Suất để nghe Bồ-tát Di-Lặc giảng giáo lý Đại thừa. Ông còn thỉnh Di-Lặc xuống dân gian, ở tại Ayodhyā, Māgadha để giảng thêm kinh nghĩa Đại thừaKhông quán Đại thừa. Đêm ông nghe pháp, ngày ông giảng lại cho đại chúng (11).

Vô Trước được xem là luận sư xuất chúng nhất, được coi là sáng lập phái Duy thức (được trao truyền từ Di-Lặc) – thường hay gọi là Duy thức Du-già (Yogācāra hay Viññāṇavāda).

Có ba luận thư được xem là của Di-Lặc, hay Vô Trước lấy tư tưởng của Di-Lặc để viết lại:

- Du già sư địa luận (Yogācārabhūmi śāstrās).

- Đại thừa trang nghiêm kinh (luận tụng) (Mahāyāna Sutrālaṅkāra).

- Thập địa kinh luận (bản tụng) (Dasabhūmi Kasūtraśāstrās)

Các bộ sau đây do Vô Trước trước luận:

- Trung biên phân biệt luận (Madhyanavibhāgaśāstrās).

- Nhiếp đại thừa luận (Mahāyānasampariggahaśāstrās).

- Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận (Mahāyānābhidhammasaṅgīti).

- Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh luận (Vajraprajnāpāramitā Sūtraśāstrās).

Bộ “Du già sư địa luận” là quan trọng nhất để lập nên trường phái Duy thức Du già (Duy thức).

Hai bộ “Đại thừa nhiếp luận” và “Đại thừa trang nghiêm kinh luận” quan trọng ở lãnh vực tư tưởng để đặt nền móng cho Đại thừa.

* Thế Thân (Vasubandhu):

Là em ruột của Vô Trước, ông xuất gia theo Vebhasika, là một chi phái nhỏ của Nhất thiết hữu bộ. Thế Thân có một trí nhớ, sự thông minhtrí tuệ kỳ đặc, hơn cả Vô Trước. Ông thuộc lòng Tỳ-bà-sa luận của Hữu bộ (nghe nói 200 quyển), nghiên cứu thêm A-tỳ-đạt-ma tâm luận để viết A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận. Luận này, mục đích của ông là hoàn chỉnh tư tưởng của Hữu bộ, đồng thời cực lực phản bác các quan điểm của Đại thừa, nhất là Trung luận tông của Long Thọ lẫn các vị kế thừa như Thánh Thiên, Phật Hộ, Thanh Biện… Cũng có một số bộ luận nổi tiếng khác – là bộ “Thất thập chân thực luận -Paramattha sattati”để đả phá “Thất thập số luận – Saṅkhya sattati” của phái Saṅkhya.

Tương truyền, Thế Thân được vua xứ Āyodhyā trao giải thưởng “Tam lạc sa kim” (12). Ông chia vàng này ra làm ba phần để xây cất ba ngôi chùa. Cả đức vua, vương phi, thái tử của nước này đều quy kỉnh Thế Thân, luôn mời thỉnh cận kề sớm hôm để học đạo.

Vô Trước lúc về già, nghĩ đến Thế Thân chống phá Đại thừa, ngày đêm lo lắng, quên ăn, mất ngủ. Khi lâm chung, Vô Trước mời Thế Thân đến bên giường bệnh, trăn trối, với đại ý: “Em luôn đả phá, hủy báng Đại thừa… làm cho ta phát sanh tâm bệnh không chữa khỏi”. Thương anh, Thế Thân bỏ Hữu bộ, theo Vô Trước, xiển dương Đại thừa, và nhất là làm cho Duy thức tông của anh thêm rạng rỡ.

Thế Thânluận sư vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng Phật giáo, được người đương thời xem như “Phật Thích-ca tái thế”. Tư liệu Trung Hoa nói là ông trước tác 500 bộ luận để xiển dương giáo nghĩa Hữu bộ và đả phá phái Trung quán. Sau khi theo Vô Trước, ông viết 500 bộ luận để xiển dương Duy thức, phát triển kinh điển Đại thừa. Ông được gọi là “Luận sư nghìn bộ”.

Tác phẩm kỳ vĩ và dài hơi của ông là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (Abhidhamma Kosa). Trong thế kỷ thứ VII, người ta nói rằng, tại Āyodhyā và Māgadha, các con vẹt cũng tụng được Câu-xá với nhau. Và, số tác phẩm bình luận về A-tỳ-đạt-ma Câu-xá từ xưa đến nay tốn không biết bao nhiêu giấy mực, chứng tỏ sự ảnh hưởng vượt thời gian của nó.

Ngoài “A-tỳ-đạt-ma Câu-xᔓThất thập chân thực luận” đề cập ở trên, ông còn có một số trước tác quan trọng khác:

- Duy thức tam thập luận.

- Duy thức nhị thập luận.

- Phật tính luận.

- Nhiếp đại thừa luận thích.

- Biện trung biên luận.

- Thập địa kinh luận.

- Diệu pháp liên hoa Ưu-bà-đề-xá.

- Vô lượng thọ kinh Ưu-bà-đề-xá.

- Niết bàn kinh bản hữu kim vô kệ luận.

- Niết bàn luận.

- Ngũ uẩn luận.

- Bách pháp minh môn luận.

-Thắng tư duy Phạm thiên sở vấn kinh luận.

- Kim cương bát-nhã luận.

Ngoài ra, ông còn viết hai cuốn sách về luận lý học. Các kinh Pháp hoa, Hoa nghiêm, Niết-bàn, Bát-nhã, Duy-ma, A-di-đà… ông đều viết chú thích, luận giải…

Ông dường như là nhà luận sư duy nhất, là học giả duy nhất nhiếp thống cả Đại Tiểu Thừa (1000 bộ). Người ta nói rằng, cái bóng của Long Thọ quá khổng lồ, nhưng cái bóng của Thế Thân lại khổng lồ hơn nữa, che lấp mất cả Long Thọ.

Ông mất năm 80 tuổi, tai Āyodhyā. Học trò kế tục ông sau này có Hộ Pháp (Dhammapāla) và Nguyệt Xứng (Candrakirti)(13).

2.6. Trần Na (Dinnāga – Dignāga)

Trần Na sinh ra tại Simha-vaktra, một vùng ngoại ô của Kanci, miền Nam Ấn, trong một gia đình Bà-la-môn. Lúc nhỏ, ông xuất gia theo Độc tử bộ (hệ Hữu bộ), sau theo Thế Thân học Duy thứcNhân minh.

Trong lịch sử luận lý học Phật giáo, Trần Na chiếm một địa vị nổi bật, được coi là cha đẻ của môn luận lý học trung cổ. Ông đã đẩy luận pháp nhân minh lên một bậc bằng 100 tác phẩm luận lý học, tiêu biểu là những tập:

- Nhân minh nhập chánh lý luận (Nyāya-pravesa).

- Tập lượng luận (Pramanana-samuccaya).

- Quán sở duyên duyên luận.

- Chưởng trung luận.

- Nhập Du-già.

- Câu-xá luận chú yếu nghĩa đăng…

Nghĩa Tịnh nói rằng các bộ luận của Trần Na về luận lý học được dùng làm sách giáo khoa thời ông đến Ấn Độ. Trần Na có đến đại tu viện Nālanda, tại đây ông đã đánh bại một nhà luận lý Bà-la-môn tên là Sudurjaya trong một cuộc tranh luận về tôn giáo. Ông cũng đã từng chu du luận tranh với những học giả ở Odivisa và Maharattha. Ông qua đời trong một khu rừng ở Odivisa, để lại một gia tài luận lý đồ sộ đã được dịch ra Hán ngữ và Tạng ngữ.

2.7. Hộ Pháp (Dharmapāla)

Hộ Pháp vốn là một vị hoàng tử tại nước Đạt-la-duy-xà ở miền Nam Ấn, cực kỳ thông minh, xuất gia lúc còn rất trẻ. Người ta ca ngợi ông: “Học sâu hơn vực biển, giải sáng hơn sao mai, nội giáo biết suốt cả Đại Tiểu thừa, tranh luận rực sáng cả chân tục”.

Không biết Hộ Pháp làm viện chủ Đại học viên Nālanda từ lúc nào, nhưng đến năm 29 tuổi, ông đã về ở ẩn nơi chỗ Phật thành đạo (Bodhi-gayā), đến 30-32 tuổi thì mất tại đây.

Ông là ngôi sao chổi của Duy thức học, học trò của Thế Thân. Tác phẩm của ông gồm có:

- Đại thừa giảng bách luận thích.

- Thành duy thức bảo sanh luận.

- Thành duy thức luận (giải thích Duy thức tam thập tụng)…

2.8. Pháp Xứng (Dharmakirti)

Sinh quán tại Tirumalai, xứ Cola, là người kế thừa Trần Na, ông là nhà lý luậnthiên tư xuất chúng. Tiến sĩ Stcherbatsky xem ông như triết gia Kant (14)của Ấn Độ. Các đối thủ Bà-la-môn cũng phải nhìn nhận năng lực và luận pháp lý luận siêu phàm của ông.

Pháp Xứng sống vào thế kỷ thứ VII, là đệ tử của học trò Trần Na, sau đến đại tu viện Nālanda, làm đệ tử của Hộ Pháp, lúc này ngài đang làm viện trưởng ở đây.

Những tác phẩm của Pháp Xứng phần nhiều nói về lý thuyết tri thức, thiên về nhận thức luận, chứng tỏ có một bộ óc uyên bác, một tư duy tinh tế. Ngoài ra, chúng còn đóng góp chung cho sự phát triển đỉnh cao của môn khoa học luận lý tại Ấn Độ.

Công trình của Pháp Xứng không thấy phiên dịch ra Hán ngữ, bị chìm trong bóng tối, may sao có những bản dịch Tạng ngữ vừa tìm thấy. Đó là:

- Nyāya-bindu.

- Sambandha-pariksa.

- Hetu- bindu.

- Vadamyaya.

- Samanan-tara-siddhi…

Như vậy, vào thời này, môn học lý luận đã phát triển rầm rộ, xoay quanh hai phái Đại thừa đã hình thành:

- Phái Đại thừa Trung quán: Long Thọ, Thánh Thiên, Phật Hộ, Thanh Biện…

- Phái Đại thừa Duy thức Du-già: Di-Lặc, Vô Trước, Thế Thân, Hộ Pháp…

Tóm lại, sự xuất hiện của những vị luận sư này đã đưa tư tưởng Phật học đến đỉnh cao. Về tri thức luận của nó, khả dĩ đối thoại với mọi hệ tư tưởng Đông, Tây. Nó trùm lấp. Đôi khi trùm lấp luôn đức Phật Thích-ca – vị khai tổ giáo pháp ấy. Người ta nói theo, nhại theo, kiến giải theo luận của tổ sư hơn là “tu” theo Phật! Đây là thời đại phát triển lý trí, nhận thức luận của Phật giáo lên đến đỉnh cao, cực thịnh… nhưng đồng thời, nó che mờ luôn cả tâm linh tu chứng, giác ngộ, giải thoát!
Chú thích

(1) Vì Phật có thập lực nên dĩ nhiên là có năng lực vô biên – nhưng chưa thần thánh hóa đức Phật như các nhà Đại thừa sau này.

(2) Phỏng theo “ 2500 năm Phật giáo” Gs. P.V. chủ biên; Nguyễn Đức Tư và Hữu Song dịch. – NXB Văn hóa Thông tin – 2002.

(3) Xem sách đã dẫn.

(4) Hán tạng phiên dịch Nam truyền đại tạng đều y cứ tạng này của Hữu bộ (Trung A-hàm, Trường A-hàm).

(5) Xem sách đã dẫn.

(6) Sách trên, trang 164.

(7) Lưu ý: Lúc này chưa có Tam Tạng Đại thừa, chỉ mới xuất hiện một số kinh, luận do các nhà sư trước tác – thì ai là người nói Tam Tạng Tiểu Thừa để phân biệt với Đại thừa? Quả thật là sàm ngôn loạn ngữ! Phải nói là Tam Tạng của Nhất thiết hữu bộ!

(8) Ví dụ bài kệ bát bất cô đọng luận Trung quán của ông: “ Bất sanh diệc bất diệc. Bất thường diệc bất đoạn. Bất nhất diệc bất dị. Bất lai diệc bất khứ” – chỉ là cách nói khác của thế giới chân đế (paramattha) mà thôi.

(9) Các con số theo sử liệu Ấn Độ thường không đáng tin.

(10) Xem Lịch sử PG thế giới của Thánh Nghiêm, trang 210-211.

(11) Lưu ý về những chi tiết sử liệu: Trước, Vô Trươc học ở Long cung, bây giờ, Vô Trước bay lên Đẩu Suất để học Đại thừa với Di Lặc!!! Lại nữa, Di Lặc là người có thật, dạy cho Vô Trước giáo lý Đại thừa – mà Di Lặc lại là học giả của Nhất thiết hữu bộ!!! Hóa ra, Nhất thiết hữu bộ lại dạy Đại thừa cho Vô Trước!!?

(12) Không biết là bao nhiêu vàng?

(13) Tên người, tên kinh luận, địa danh… lẫn lộn, nơi thì Saṅskrit, nơi thì Pāḷi, có thể sai cả chính tả, chỉ hiệu chính được chút ít, còn sai sót nhiều.

(14) Triết gia Đức – với tác phẩm “ Phê phán lý trí thuần lý”.

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/10/2012(Xem: 32422)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.