Đức Vua Asoka Của Tích Lan

03/07/20143:41 SA(Xem: 7072)
Đức Vua Asoka Của Tích Lan

ĐỨC VUA ASOKA CỦA TÍCH LAN

(Đức vua Duṭṭhagāmaṇi Abhaya (421 PL)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh


Sri Lanka mapĐược xem như đây là thời hoàng kim của Phật giáo Tích Lan.

Là một đức vua vĩ đại, sáng suốt, hiền minh, trọn đời chỉ biết chăm lo cho sự vinh quang của chánh pháp - như noi gương đức vua Asoka của Ấn Độ vậy.

Ông vốn là con trai của đức vua Kākavaṇṇatissa, sau này giúp cho Phật giáo một giai đoạn phát triển vinh quang. Niềm tin tôn giáo, tư chất, phẩm hạnh của đức vua đều được vua cha giáo dục từ nhỏ.

Rút tư liệu từ Mahāvaṃsa, ta có thể tóm lược như sau:

- Vào thời ấy, ở tịnh xá Koṭapabbata có một sa-di sống một đời phạm hạnh, luôn để tâm phục dịch, hầu hạ các tỳ-khưu, luôn bận rộn làm các thiện sự. Hôm kia, một mình khuân những tảng đá lớn để làm bậc cấp lên bảo tháp, do làm quá sức mình nên sa-di bị nhuốm bệnh nặng; chư tỳ khưu biết ơn nên hết lòng săn sóc.

Hoàng hậu Vihāradevī là một cô gái trẻ đẹp, nết na, vợ của vua Kākavaṇṇatissa, có đức tin Tam Bảo, luôn luôn cúng dường thực phẩm, hương liệu, tràng hoa, thuốc chữa bệnh, y phục đến chư Tăng.

Hôm ấy, sau khi làm lễ cúng dường lớn, vị trưởng lão thuyết pháp, sau đó nói lời phúc chúc đến hoàng hậu:

- Con sẽ đạt những hạnh phúc lớn nhờ những phước sự mà con đã làm ngày hôm nay.

Hoàng hậu Vihāradevī buồn bã nói rằng:

- Hạnh phúc gì đâu khi con chẳng có một mụn con nào!

Vị trưởng lão, vốn là bậc có sáu thắng trí, hướng tâm là biết rõ mọi việc, nên gợi ý với hoàng hậu:

- Có một sa-di ở đây, có phẩm hạnh rất tốt, hiện đang lâm trọng bệnh, sợ không qua khỏi; hoàng hậu nên đến gặp vị sa-di ấy, thỉnh nguyện với vị ấy, nguyện tái sanh làm con của hoàng hậu.

Y lời, hoàng hậu đến thăm vị sa-di, cầu khẩn, năn nỉ mãi, vị sa-di vẫn không chấp thuận. Lần cuối, hoàng hậu thiết lễ một cuộc cúng dường lớn, trang hoàng chùa tháp bằng tất cả hoa đẹp trong thành phố, rồi nhân danh vị sa-di để cúng dường đến chư Tăng. Cảm động trước việc làmý nghĩa của hoàng hậu, vị sa-di chấp thuận tái anh vào dòng dõi nhà vua.

Thế là hoàng tử Duṭṭhagāmaṇi-Abhaya, hậu thân của vị sa-di được sinh ra - với tất cả mọi hảo tướng, quý tướng - là niềm vui sướng của mọi người. Đồng sanh với quả phước của hoàng tử là bảy thuyền châu báu và một con voi sáu ngà tên là Kaṇḍula.

Trong ngày lễ đặt tên, vua thỉnh mời 1.200 vị tỳ-khưu đến hoàng cung để đặt bát cúng dường; nhưng nhà vua thầm nguyện: “Nếu con trai của ta, sau khi nắm vương quyền khắp toàn cõi Sri Laṇkā, sẽ làm cho giáo pháp của đức Chánh Biến Tri chiếu sáng rực rỡ thì chư tỳ-khưu sẽ không đến đủ 1.200 vị, họ chỉ đến đúng 1.008 vị mà thôi; và trước khi đặt chân vào ngưỡng cửa, các ngài sẽ cất đi cái dù và cái lọc nước. Còn nữa, sẽ có một vị trưởng lão tên là Gotama - họ của đức Phật - sẽ thâu nhận con trai ta làm đệ tử, truyền tam quy, ngũ giới cho nó!”

Kỳ diệu thay, mọi sự việc, mọi diễn tiến đều xảy ra y hệt lời nguyện lạ lùng của đức vua.

Thời gian sau, hoàng hậu sinh thêm một trai nữa và đặt tên là Tissa. Rồi cả hai được sống trong đức tin Phật giáo.

Hôm kia, sau khi cúng dường món cơm sữa đặt biêt đến 500 tỳ-khưu, phần thừa còn lại, đức vua, hoàng hậu và hai con cùng ăn. Sớt một ít trong cái muỗng bằng vàng sang cái đĩa của hai con, đức vua nghiêm giọng nói:

- Này các con! Nếu các con từ bỏ giáo pháp của đức Chánh Biến Tri thì cái bụng của các con sẽ không tiêu hóa được vật thực này!

Một lần khác, khi các hoàng tử đã trên mười tuổi, cũng nhân dịp cúng dường như vậy, đức vua lại sớt thực phẩm thừa cho chúng ăn rồi dạy:

- Này các con! Ăn thực phẩm này, các con sẽ nuôi dưỡng ý nghĩ, là chúng ta sẽ không bao giờ quay lưng với các vị tỳ-khưu - là những vị thần linh ở trong nhà!

Rồi sau đó, một lần khác:

- Khi ăn những vật thực này, hãy nuôi dưỡng ý nghĩ, chúng ta là hai anh em, sẽ mãi mãi không bao giờ có lòng thù địch với nhau.

Những lần được giáo dưỡng như thế, cả hai hoàng tử đều sung sướng, chúng ăn ngon miệng tựa như ăn thực phẩm của cõi trời.

Trong thời gian Duṭṭhagāmaṇi-Abhaya còn nhỏ, tộc người Dāmiḷa từ Nam Ấn, theo tà giáo, cố tàn sát đạo Phật, do các tướng quân Eḷāra dẫn binh đã xâm chiếm Bắc đảo. Quân của chúng rất cương mãnh, lại hung tàn, bạo ngược, giết người như ngóe; đi đến đâu là chúng đập phá chùa am, tàn sát Tăng lữ - nên vua cha Kākavaṇṇatissa, sau nhiều lần thất trận, rút lui, về cố thủ kinh đô, khuyên các con nên tránh việc binh đao.

Nên một lần nọ, khi vua nói với ý rằng:

- Tộc người Dāmiḷa bạo tàn, hung dữ lắm, đừng gây chiến tranh với họ, chỉ cần cố thủ thành trì, các con nhé!

Thì cả hai hoàng tử đều bất mãn, bỏ đi!

Lớn lên, Duṭṭhagāmaṇi-Abhaya là một thanh niên vừa tráng kiện vừa thông minh, chứng tỏ có bản lãnh và uy lực nhiếp phục mọi người. Sau này, Tissa, người em, dấy binh chống lại anh, nhưng được Duṭṭhagāmaṇi tha thứ vì tình máu mủ, vì lời hứa với vua cha - mà cũng do nhờ các vị tỳ-khưu đùm bọc, chở che.

Khi vua cha băng hà, thái tử Duṭṭhagāmaṇi-Abhaya lên ngôi, giao cho em mình chăm lo lương thực, thực phẩm; còn mình âm thầm ren đúc vũ khí, chiêu mộ quân sĩ, ngày đêm rèn tập huấn luyện, chuẩn bị cho việc khôi phục giang sơn một cách chu đáo hơn, vì có lần theo vua cha, thái tử đã cảm giác một lần bại trận nó tủi nhục như thế nào.

Ngày khởi binh, với quyết tâm cao độ, đức vua Duṭṭhagāmaṇi-Abhaya tôn trí, gắn chặt một viên xá-lợi Phật trên đầu mũi thương, đến tịnh xá Tissamāhārāma, nói với chư Tăng rằng:

- Trẫm sẽ đi qua bên kia con sông Bắc đảo, để đem lại sự vẻ vang cho giáo pháp. Trẫm rất tôn kính chư Tăng, tôn kính giáo pháp, nên xin các ngài hãy cho 500 vị tỳ-khưu, đi chung với quân binh; bởi vì các ngài là sự bảo vệ và niềm phúc lạc cho quân đội. Các ngài đi theo chỉ để hộ trì uy lực của chánh giáo mà thôi!

Chư Tăng ở đây cảm giác mình có lỗi - vì trước đây đã vô tình bảo vệ cho hoàng tử Tissa soán nghịch, gây chiến với vua nên đồng ý cho 500 trăm tỳ-khưu đi theo. Thế rồi, với đội quân hùng hậu, với những toán dũng sĩ với khiên, giáp, vũ khí chói ngời; trên mình con voi Kaṇḍula sáu ngà vô địch, đức vua lần lượt đánh chiếm tất cả mọi thành trì đi ngang qua. Thế trận như chẻ tre, tướng lãnh và quân đội của Eḷāra khiếp phục, chiến bại, đa phần đám tàn quân bỏ lại vũ khí, chạy dài.

Thấy người chết nhiều quá, chư Tăng than phiền, ghê sợ chiến tranh, quyền uy, tham vọng thống trị của con người. Chuyện đến tai, đức vua xem đấy như lời buộc tội, khiển trách nặng nề của những bậc hiền trí, ông lập đàn, phát nguyện:

“- Chẳng phải vì tham vọng, chẳng phải vì quyền uy thống trị, cũng chẳng phải vì lãnh thổ, đất đai - khiến tôi gian nan, cay đắng thực hiện cuộc chiến tranh này. Tất cả mọi nỗ lực, ý chí của tôi, mãi mãi vẫn là để thành lập một quốc độ chánh pháp của đức Chánh Biến Tri. Và nếu đấy là sự thực, là ước nguyện thiêng liêng tận đáy lòng thì xin cho những chiếc áo giáp trên thân của những chiến sĩ oai hùng của tôi, có màu của lửa!”

Lạ lùng thay, nhiệm mầu thay, sau lời phát nguyện, áo giáp của toàn bộ quân sĩ, màu sắc lửa rực lên như mặt trời màu đỏ.

Đức tin của đoàn quân bách chiến, bách thắng được xông lên tận mây xanh, sau đó không có thành trì nào, sức mạnh nào ngăn chặn được họ. Không lâu sau, đức vua thu phục lãnh thổ, lấy lại toàn bộ Bắc đảo.

Quân đội vào kinh đô ca khúc khải hoàn. Vua bước qua những xác người và những dấu tích đổ nát, điêu tàn của khói lửa, lòng chùng xuống. Trên thượng lâu, mọi trần thiết xa hoa mỹ lệ, nhạc công, vũ nữ, tiên nga, thượng yến được dành sẵn cho vị anh hùng chiến thắng; nhưng đức vua không vui. Đành rằngước nguyện chánh đáng, nhưng giết người nhiều quá đã làm cho tâm nhà vua bất an, phiền não.

Những vị đại trưởng lão A-la-hán có 6 thắng trí, biết được tâm ý của đức vua, tức tốc cử 8 vị A-la-hán xuyên qua hư không, nửa đêm, đáp xuống cung điện. Đức vua sợ hãi, bước ra đảnh lễ rồi hỏi lý do.

Các ngài đáp rằng:

- Các bậc đại tôn túc trưởng lão ở trong rừng sâu cử chúng tôi đến đây để an ủi bệ hạ.

Đức vua thở dài:

- Làm sao có được sự an ủi nào dành cho trẫm được, thưa chư đại đức! Khi mà trẫm đã gây ra cuộc tàn sát, giết người với đầu rơi, máu chảy bạo tàn, kinh khiếp như thế!

Một vị A-la-hán chậm rãi, mỉm cười giải thích:

- Đức vua chỉ thấy một, biết một nên sinh ra buồn rầu, lo nghĩ. Cái tâm ăn năn hối quá ấy là rất tốt. Tuy nhiên, chư đại trưởng lão cho biết rằng, trong mười phần số người bị chết, chỉ có một phần rưỡi là bị chết oan - vì họ là người hiền lành, sở dĩ đi lính là vì bị cưỡng bức. Số còn lại, tám phần rưỡi là không có đức tin với thiện pháp, họ sống theo tà giáo, ác giới đã quen nề! Họ chết là do nghiệp của họ. Vậy, nghiệp giết người vô tội của bệ hạ, chưa hẳn là chướng ngại ngăn chặn con đường đến với cõi trời - nếu bệ hạ biết tìm cách sám hối, biết tìm cách đem lại vinh quang cho giáo pháp của đức Phật trong suốt quảng đời còn lại. Hãy tức khắc bỏ đi nỗi lo lắng trong tâm đi, hỡi chúa của loài người!

Cuộc đời của vị minh quân này là như vậy đấy.

Và sau đây là một số việc làm đặc sắc để phụng sự giáo pháp của đức vua:

- Kiến tạo tịnh xá Maricavattvihāra:

Sau khi được các vị A-la-hán dùng lời đúng đắn giải thích, đức vua Duṭṭhagāmaṇi-Abhaya tạm thời nguôi ngoai, sự bứt rứt, ăn năn có lắng xuống; tuy nhiên, vị ấy luôn luôn tự vấn, xem xét lại mình, là trong quá khứ, có lần nào xúc phạm đến Tam Bảo, có lần nào không nghĩ đến Tăng và có khiếm khuyết nào trong việc hộ độ, cúng dường hay chưa? Rồi đức vua thấy rằng, chưa có lần nào tâm tịnh tín lay động, chưa có lần nào là không nhiệt tình, chí thành trong việc phụng thờ Tam Bảo, cúng dường chư Tăng. Nhưng quả thật, có một lần, một lần duy nhất, khi dùng một món ăn ngon, ông đã không nghĩ đến chư Tăng! Do nghiêm túc, nghiêm khắc với chính mình, vua nghĩ, phải làm một công đức lớn để sám hối, để chuộc lại lỗi lầm này. Thế rồi, sau những lễ hội, những cuộc vui ăn mừng chiến thắng, đức vua bắt tay xây dựng một công trình vĩ đại, ròng rã suốt ba năm mới hoàn thành. Đấy là một công trình kiến trúc quy mô, gồm có tịnh xá, bảo tháp, những tòa nhà lớn bằng những vật liệu tốt nhất, quý nhất thời bấy giờ. Ngày khánh thành, vua thỉnh chư Tăng trong nước, hàng ngàn vị, cúng dường trọng thể, rồi sau đó làm lễ cúng dường toàn bộ công trình ấy đến Tăng. Vua cũng tuyên bố lý do của công trìnhsám hối một lần trong đời là dùng một món vật thực ngon mà không nghĩ đến chư Tăng”! Thật là bài học của người hiền trí, ngài muốn cả quốc độ noi gương ngài để hết lòng phụng thờ Tam Bảo, làm cho chánh pháp được rạng ngời và vinh quang.

Ngân ngoản chi phí cho công trình này - theo Mahāvaṃsa - là gần một Koṭi tiền vàng (mười triệu).

- Kiến tạo Đại Bảo Tháp (Mahāthūpa) còn được gọi là Thanh Đồng Điện (Lohapāsāda) .

Một sự tình cờ, hôm kia, đức vua tìm thấy một cái đĩa bằng vàng, nằm trong một cái rương cũ đựng châu báu, đã có ghi một hàng chữ có từ thời đức vua Devānaṃpiyatisa: “Trong tương lai, đúng 136 năm sau, một đứa con trai của đức vua Kākavaṇṇa là Duṭṭhagāmaṇi, cai trị vương quốc, sẽ xây dựng một tòa bảo tháp vĩ đại như vậy… như vậy… để thờ Xá-lợi - là dấu ấn vinh quang của triều đại chánh pháp”.

Đức vua vui mừng, bảo đọc cho cả triều đình cùng nghe, sau đó, đến công viên Mahāmegha, thỉnh mời chư vị tôn túc trưởng lão ở kinh đô. Chư Tăng đề cử 8 vị A-la-hán có thắng trí, tổ chức một buổi hội thảo, lấy ý kiến của các ngài về công trình sẽ kiến tạo.

Để đúc kết, đức vua nói:

- Quý ngài có năng lực thần thông, vậy xin hãy gởi đến con một bản vẽ giống cung điện của chư thiên, con sẽ thực hiện y như vậy.

Tương truyền, sau đó, các vị trưởng lão đã phải lên cõi trời Ba Mươi Ba, vẽ theo mẫu một cung điện đẹp nhất, bằng đất tỳ sương(?) trên một tấm vải lụa rồi mang về trình chư Tăng xem, đưa cho đức vua thực hiện.

Thật không thể kể hết sức người, sức của, ngọc vàng châu báu, nhiệt tình, một lòng một dạ, tâm huyết, đức tin từ chư Tăng, đức vua, triều đình bá quan và bách tính để kiến tạo công trình lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng có một không hai trên trần thế. Chúng ta thật không thể tưởng tượng công phuthời gian, sự chu đáo, toàn mãn, nguy nga, đồ sộ của ngôi Thanh Đồng Điện cao chín tầng, một ngàn căn phòng ở xung quanh với tất cả sự trang trí, hoa văn, họa tiết rực rỡ sắc màu; những bức tường được chạm trổ, điêu khắc các tiền thân Phật cũng như các chi tiết, hình ảnh đức Phật từ Đản sinh đến lúc ngài Nhập diệt… nó huy hoàng, lộng lấy, hoành tráng, kỳ vĩ như thế nào; nhưng rõ ràng là đức vua đã làm đúng với ước nguyện của mình. Sự tôn trí xá-lợi, sau đó, cũng là việc duy nhấthy hữu trong tầm quy mô, long trọng không thời nào có được. Đức vua còn thiết lễ cúng dường, hàng ngàn, hằng vạn, như sông như biển đến chư Tăng, không thiếu sót bất kỳ một ai (xem thêm Mahāvaṃsa).

Đến cuối đời, trước lúc lâm chung của đức vua hiền thiện, Mahāvaṃsa thuật lại như sau:

Hôm ấy, vị quan viết sử đọc cho vua nghe những công đức, những việc làm của đức vua cho chánh pháp:

- Vua đã xây dựng được 99 tịnh xá. Đặc biệttịnh xá Marivavaṭṭivihāra, phí tổn 19 koṭi; Thanh Đồng Điện chi phí hêt 30 koṭi. Còn phần mỹ thuật, trang trí các nơi bằng ngọc vàng châu báu lên đến 1000 koṭi.

- Nạn đói xảy ra ở Koṭṭa, vua đã bán hai chiếc bông tai quý giá, làm một món cháo kê chua, tự mình không ăn mà đem dâng cho năm vị trưởng lão với tâm tịnh tín.

- Trong cuộc chiến bại trận ở Cuḷanganiya (trước đây khi quân của Eḷāra chiếm Nam Đảo), vua đã nhịn ăn để dâng vật thực cho trưởng lão Tissa.

- Lễ dâng cúng Thanh Đồng Điện, suốt một tuần lễ, vua tổ chức một cuộc cúng dường lớn đến chư tăng với vật thực thượng vị.

- Vua đã tổ chức được 24 đại lễ Vesak.

- Đã ba lần dâng cúng Y đến chư Tăng.

- Đã năm lần, mỗi lần 7 ngày, vua đã dâng “địa vị cai trị - vương quyền” đến giáo pháp.

- Cúng 1000 cây đèn với những tim bấc trắng thường xuyên ở 12 tịnh xá để cúng dường Phật.

- Ở 18 tịnh xá, vua cúng dường đều đặn cơm đề hồ trộn với mật ong, bánh Jāle nướng bằng bơ.

- Cúng dầu để đốt đèn mỗi tháng một lần ở 8 tịnh xá.

- Vì nghe bố thí pháp là cao quý, nên ở Thanh Đồng Điện, đức vua đã thuyết pháp trên chiếc ghế của pháp sư bài kinh hạnh phúc (Maṇgalasutta); nhưng do lòng kính trọng Tăng, vua đã không thuyết được; sau đó vua truyền lệnh cho tổ chức các buổi thuyết pháp khắp các tịnh xá trong nước. Vua đã khuyến khích và ban thưởng cho các vị pháp sư.

Vua làm công đức rất nhiều, phước sự rất nhiều, nhưng chẳng có việc nào làm vua hoan hỷ bằng hai lần cúng dường: Lúc đói lòng và lúc nguy khốn dâng vật thực cho các vị trưởng lão.

Được nghe chuyện đó, trưởng lão Abhaya, bậc có 6 thắng trí, giải thích thêm cho vua biết rằng:

- Cả hai lần bố thí ấy đều hy hữuvi diệu. Khi vua bán hai chiếc vòng tai quý giá để làm món cháo kê chua; tự mình nhịn đói, không ăn, lại đem dâng cho 5 vị trưởng lão A-la-hán; vì muốn cho phần phước báu của bệ hạ trổ sanh to lớn hơn, các ngài đã dùng năng lực thần thông chia sớt vật thực ấy cho nhiêù chục ngàn vị tỷ-kheo khác rồi mình dùng sau.

Đức vua hoan hỷ quá, ông nói:

- Trong 45 năm trị vì, trẫm đã làm người bảo trợ cho chư Tăng không kể đến thân mình, điều ấy có thật. Bây giờ, phía bên ngoài đại bảo tháp, nơi chư Tăng thường hay hành lễ, tại chỗ ấy, chư Tăng hãy thiêu xác trẫm; trẫm muốn cái xác của trẫm cũng là người hầu hèn mọn của chư Tăng!

Nói thế xong, vua quay qua trăn trối với hoàng đệ:

- Công trình xây dựng bảo tháp, còn chỗ này chỗ kia chưa hoàn mỹ, hoàng đệ hãy quan tâm đúng mức. Sáng và chiều, hoàng đệ hãy cúng dường hoa đến bảo tháp. Tất cả những buổi lễ trong năm cúng dường chánh pháp, hộ độ chư Tăng mà ta đã thực hiện, hoàng đệ hãy làm theo như thế. Đừng bám víu vào của cải, tài sản. Chánh pháp là trân quý nhất. Đừng bao giờ buông lơi phận sự đối với chư Tăng.

Ngay lúc ấy, biết đức vua sắp ra đi, chư Tăng bèn tụng kinh. Cũng lúc ấy, đức vua thấy 6 chiếc xe có 6 vị trời cao sang xuất hiện; họ nói với ông, chỉ riêng ông nghe: “Hãy đi theo chúng tôi đến cõi trời để hưởng hạnh phúc, tâu đại vương!” Đức vua làm một cử chỉ xua tay rồi nói với họ: “Hãy đợi chút, để ta nghe kinh đã!”.

Thấy cử chỉ ấy, một số chư Tăng còn phàm tưởng đức vua bảo ngưng tụng kinh nên dừng lại. Đức vua bảo:

- Không phải vậy, thưa quý ngài!

Tất cả triều thần ở xung quanh đều suy nghĩ như nhau: Đức vua bị khiếp đảm vì sự chết nên nói lảm nhảm rồi!” Để đoạn trừ hoài nghi ấy, trưởng lão Abhaya bèn nói với đức vua rằng:

- Làm thế nào đức vua cho mọi người biết rằng là có 6 chiếc xe của cõi trời đã hiện đến đây?

Vua là người có trí tuệ, bèn sai quan hầu tung những tràng hoa vào không trung; tức khắc, những tràng hoa này bị mắc, dính vào những chiếc xe và lòng thòng giữa hư không. Lúc ấy mọi người mới biết vua nói thật, và ngài đã rất tỉnh táo vậy.

Đức vua chợt hỏi trưởng lão Abhaya:

- Cõi trời nào là khả ái nhất, thưa ngài?

- Đẩu-suất-đà, tâu đại vương! Là cảnh giới khả ái nhất, lại luôn có Bồ-tát Metteyya (Di-lặc) đầy lòng bi mẫn, đang ngụ ở đấy.

Đức vua nghe xong, quay nhìn Đại Bảo Tháp một lần nữa rồi nhắm mắt, tức khắc hóa sanh vào cung trời Tusita.

Như vậy, cuộc đời của một đấng minh quân, vốn là hậu thân của một vị sa-di sống đời phạm hạnh, đã đem đến vinh quang rạng ngời cho chánh pháp tại Đảo Quốc, một lần nhưng mà còn mãi, khó có triều đại nào ở đất nước xinh đẹp này sánh được.

(Trích Sử Phật giáo Sri-Laṅkā - sắp phát hành)

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

Bài viết liên quan:
Su Lieu Ve Dao Lanka PDF

Lịch Sử Phật Giáo Sri Lanka Thời Kỳ Đầu (Thích Huệ Pháp)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/10/2012(Xem: 32379)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.