'Bồ Tát Quán Thế Âm

02/10/201012:00 SA(Xem: 119890)
'Bồ Tát Quán Thế Âm

bo tat quan the am

Cung thỉnh chư hành giả thắm nén tâm hương và dâng lên lời cầu nguyện...

Giới Hương, Định Hương và Huệ Hương
Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến Hương
Cúng Dường Ngào Ngạt Khắp Mười Phương
Thanh Tịnh Tâm Hương Đệ Tử Nguyện Cúng Dường
Nam Mô Hương Cúng dường Bồ Tát
Nam Mô Hương Cúng dường Bồ Tát
Nam Mô Hương Cúng dường Bồ Tát Ma Ha Tát

Nhất tâm đảnh lễ
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán-Thế- Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán-Thế- Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán-Thế- Âm Bồ Tát
(xá lễ 3 lễ)
(Niệm càng nhiều càng tốt mỗi khi vào ngồi cầu nguyện)

Nghe âm thanh (MP3) 


ĐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

Hầu hết người Việt Nam đều ngưỡng mộ Đức Quán Âm Bồ-tát. Trong các chùa ở thành thị cũng như thôn quê ở đâu cũng có tôn thờ hình tượng của Ngài, người ta còn thờ riêng ở nhà nữa. Nhiều người chưa biết gì nhiều giáo lý của đạo Phật, nhưng họ vẫn kính mộ Đức Quán Thế Âm Bồ-tát một cách thuần thành.

Trong những truyện cổ tích, người Việt Nam thường kính cẩn nhắc nhở đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát mà coi Ngài là một vị Bồ-tát luôn luôn sẳn sàng cứu khổ nạn cho họ. Ngay trong những vở tuồng cải lương, kịch nói, dĩa hát, phim ảnh, và hệ thống internet đều có hình ảnh và tiếng nói của Bồ-tát. Lòng tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ-tát của dân tộc Việt Nam quả thật rất sâu sắc. Để cho lòng tin ấy được vững bền và phát triển, xin quý vị hiểu qua một vài nét lịch sữ và những quan điểmliên hệ đến Ngài sau đây:

Tiếng Phạn là A-va-lô-ki-tết-va-ra (Avalokitecvara). Tàu dịch là Quán Thế Âm, nghĩa là quán xét tiếng tâm đau khổ của đời để cứu độ. Tiếng Phạn là Bô-đi-sa-ta (Bodhisat). Tàu dịch là Bồ-tát. Bồ Tát là một danh từ chỉ cho những vị phát tâm rộng lớn cầu sự giác ngộ như chư Phật và giáo hóa chúng sanh . Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni chép: Trong vô lượng kiếp về quá khứ, Đức Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như-Lai. Vì nguyện lực đại bi nên hiện thân Bồ-tát để độ chúng sanh. Kinh Quán Âm Tam Muội, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có nói Quán Thế Âm Bồ-tát là một vị cổ Phật ấy. Kinh Bi Hoa chép trong thời quá khứ Bồ-tát Quán Thế Âmthái tử con vua Vô Tránh Niệm. Đồng thờiđức Bảo Tạng Như-Lai ra đời giáo hoá chúng sanh. Thấu triệt giáo lý do đức Phật ấy truyền dạy, vua phát tâm cầu đạogiáo hóa chúng sanh. Nhà vua cúng dường đức Phật luôn trong ba tháng và tinh tấn tu hành; thái-tử cũng vậy. Khi công hạnh vẹn toàn, vua thành Phật hiệu là A-Di-Đà ở tây phương cực lạc. Thái-tử cũng sanh về thế giới ấy và thành Bồ-tát hiệu Quán Thế Âm để trợ giúp Phật A-Di-Đà tiếp dẫn chúng sanh.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ-tát có thuật lại phương pháp tu hành của Ngài là do nghe, suy nghĩ, và tu tập mà nhập chánh định. Bắt đầu Ngài tu từ sự nghe. Trong một cái nghe mà trước tiên là phải quán triệt tiền trần rồi bỏ luôn quán trícuối cùng diệt hết đế lý. Ngài chuyển dụng khả năng nghe tiếng bên ngoài mà nghe lại tự tánh nghe của mình. Đến lúc những cái sinh diệt diệt hết thì tánh vắng lặng hiện ra và khi ấy chứng được “nhĩ căn viên thông,” được hai thứ thù thắng: một là đồng với từ lực của mười phương chư Phật, hai là cảm thông lòng cầu mong thương cứu của chúng sanh trong sáu đường.

Pháp môn của Bồ Tát Quán Thế Âm chính là phương pháp phản văn văn tự tánh (không xuôi dòng đuổi theo âm thanh mà trở ngược lại tánh nghe) tức là từ cái nghe để trở về tự tánh của mình. Trong pháp tu này, hành giả tuyệt đối không dùng tai để nghe. Nếu còn dùng tai để nghe là chạy theo âm thanh sắc tướng.

Hoà thượng Thích Thiện Hoa khi giải thích về phương pháp tu của ngài Bồ Tát Quán Thế Âm đã cho biết: (1) Bắt đầu từ khi cái nghe đối với thanh trần không khởi phân biệt theo thanh trần, nên thanh trần tự vắng lặng; xong còn cái nghe. (2) Đến giai đoạn thứ hai là cái nghe (năng, sở) cũng hết, xong còn cái hết. (3) Đến tầng thứ ba không chấp ở nơi hết, xong còn cái biết hết. (4) Đến tầng thứ tư là cái biết đó cũng không, xong còn cái không. (5) Nên đến tầng thứ năm là cái không đó cũng không còn. Lúc bấy giờ các cái vọng niệm phân biệt chấp trước đều hết, thì chân tâm thanh tịnh tự hiện bầy; cũng như các cặn đục đã hết, thì tánh nước trong tự hiện. Mười phương các đức Phật hay các vị Đại Bồ Tát tu hành, chỉ có một con đường duy nhất là trừ hết vọng thì chân hiện bầy, như lau gương sạch bụi, thì ánh sáng tự hiện, thế gọi là thành Phật, hay là chứng Đại Niết Bàn.

Tóm lại, chúng ta chỉ tìm thấy một vài điểm lịch sử của đức Quán Thế Âm Bồ-tát qua những đoạn văn trong các khế kinh do đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy. Và Pháp môn tu hành của Ngài là “dùng nhỉ căn quán chiếu thanh tịnh,” khi căn trần thanh tịnh thì chứng được viên thông. Ấy là pháp môntác dụng đặc biệt với chúng sanh trong cảnh giới Ta-bà này.

Kinh Pháp-Hoa phẩm Phổ-Môn đức Phật giải thích, nếu có vô lượng trăm nghìn vạn ức chúng sanh bị các khổ não, nghe danh hiệu của Bồ-tát này liền nhứt tâm xưng danh của Bồ-tát, thì tức thời Bồ-tát nghe tiếng kêu cầu rồi làm cho tất cả đều được giải thoát. Vì thế nên gọi là Quán Thế Âm.

Quán Thế Âm Bồ-tát là một vị thánh nhândiệu dụng đặc biệt là quán xét và nghe thấu tất cả tiếng đau khổ rồi từ bi giáo hoá cứu độ đưa chúng sanh đến nơi an vui giải thoát, cho nên cũng gọi là Tầm Thanh Cứu Khổ Nạn Đại-Từ Đại-Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ-tát. Cũng có tên là Quán Tự Tại Bồ-tát, nghĩa là vị Bồ-tát dùng trí huệ Bát-nhã quán sát sự vật đúng như chân lý một cách tự tại và thoát ra ngoài các tai ách khổ nạn.

Trong tất cả các danh hiệu chư Phật và chư Bồ-tát, danh hiệu của Ngài là được chúng sanh trì niệm nhiều - Nhất là gặp những lúc điên đảo đau khổ đầy đao binh và tai nạn. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn, đức Phật so sánh phước đức của người thọ trì sáu mươi hai ức hằng hà sa số danh hiệu của các vị Bồ-tát khác thì trì niệm danh hiệu của Ngài là phước đức hơn hết.

Vã lại, chúng ta thường thấy sự thờ phụng Ngài bằng đất và vẽ tượng Ngài với hình dáng phụ nữ để tượng trưng cho lòng thương không bờ bến của Ngài là bà Mẹ hiền trong tất cả các bà mẹ hiền.

Nhành dương liễu và bình cam lồtượng trưng cho lòng từ bi trí giác ngộ của Ngài rưới tắt và làm diệu mất bao nỗi đau khổ, bao điều phiền não đang bừng cháy trong long chúng sanh. Hình vẽ Bồ-tát ngự trên hoa sen trắng trong biển động ba đào cho chúng ta biết rằng: mặc dù trong cõi đời dạt dào sóng gió đau khổ tai nạn chúng sanh đang hụp lặn nổi trôi; Bồ-tát Người của chân lý ngát hương thơm của hoa đạo, quyết đưa họ về với cuộc sống dịu hòa của chân lý.

Một hình tượng khác Ngài lại ngồi nhập định trong núi Phổ Đà, nhưng đồng thời vẫn thuyết pháp độ sanh, nói được ý hằng tùy duyên hóa độ chúng sanh, nhưng Ngài vẫn an trú nơi đạo tràng thanh tịnh. Bên cạnh có tượng Long NữThiện Tài tượng trưng cho phạm hạnh đồng chơn của Bồ-tát; tuy ở trong bùn lầy ô trược trần gian đen tối, nhưng Bồ-tát vẫn hồn nhiên vui sống trong cảnh giới thanh tịnh của đạo mầu trong trắng.

Ở một vài nơi như chùa Linh Sơn tại Sài-Gòn, chùa Bút Tháp ở Hà Nội, có thờ tượng Ngài đủ cả ngàn tay ngàn mắt. Tay là tượng trưng cho từ-bi, do từ-bi mà phát xuất vô lượng phương tiện để cứu độ chúng sanh. Mắt là tượng trưng cho trí tuệ, trí tuệ sáng suốt ngộ nhập chân lý và quán xét căn cơ của muôn loài để đưa họ về nơi bến giác.

Những hình tượng trên đều nói được ý sáng tươi cao đẹp của Ngài và của chân lý, nên người ta thờ khắp nơi khắp chốn. Người ta còn đeo tượng Ngài ngay trên thân thể để được sống nhiều trong ảnh hưởng từ-bi và sự che chở mầu nhiệm trong bàn tay giáo hóa của Ngài.

Kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng: Quán Âm Bồ-tát có những hạnh nguyện rất vĩ đại, Ngài dùng oai thần diệu dụng hoá hiện vô số thân trong mọi loài để cứu độ; đáng dùng thân Phật để cứu độ, Ngài hiện thân Phật; cho đến đáng dung thân đồng-nam đồng -nữ để cứu độ, Ngài hiện thân đồng-nam đồng-nữ để hoá độ, đáng dung thân gì Ngài hiện thân ấy. Ngài hiện đủ ba mươi hai loại thân và hoá thân nhiều nhất của Ngài là hoá thân phụ-nữ.

Có nhiều người thắc mắc không hiểu Quán Thế Âm Bồ-tát là đàn ông hay đàn bà? Nơi đây chúng ta thấy Ngài hiện vô số thân chớ không phải chỉ đàn ông hay đàn bà. Ngài dùng tất cả phương tiện để làm cho các chúng sanh khỏi khổ nạn tai ách, diệt trừ tham-sân-si đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộgiải thoát hoàn toàn. Nhất là Ngài thường ban bố đức vô-úy, hùng lực không sợ sệt trước tai nạn bất ngờ cho những chúng sanh hèn yếu.

Trong khế kinh và trên sự thật cho chúng ta biết Quán Thế Âm Bồ-tát là một vị Bồ-tát có rất nhiều nhân duyên với chúng sanh trong cõi Ta-bà này. Ngài lại đủ oai-thần và phương tiện để cứu khổ ban vui cho muôn loài. Nhưng có thừa hưởng được ân huệ của Ngài hay không, một phần lớn là do nơi chúng ta định đoạt, vì ngoài việc trì niệm danh hiệu, lễ bái cúng dường Ngài, bằng cách chúng ta hãy cố gắng thực hành theo hạnh từ-bi của Ngài, để làm vơi cạn bao nỗi khổ đau, bao điều sầu não cho mình và cho người trong hiện tại và tương lai.

Điều mà chúng ta cần hiểu rõ thêm là khi chúng ta chuyên tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát thì bao nhiêu ý niệm xấu xa của chúng ta đều lắng xuống; tất nhiên mọi đức tánh tốt sẽ phơi bày; hạnh từ-bi trí tuệ gì cũng đều do đó mà phát sinh ra. Như thế chúng ta không phải ỹ lại nơi thần quyền, để mong được an vui hạnh phúc mà bằng mọi nỗ lực của cá nhân, chúng ta tự tu tự hành; giữ cho tâm mình thanh tịnh thì mới mong hiệp được sức gia hộ của Bồ-tát.

Nam-mô Đại-từ Đại-bi Quán-Thế-Âm Bồ-tát.

Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara)

Được coi như vị Bồ-tát đầy tình thương, luôn luôn sẵn sàng cứu độ, giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi chúng sinh khi cần thiết.

Bồ-tát Quán Thế Âm đã được tượng trưng trong truyền thống Phật giáo bằng hình ảnh một người nữ có ngàn con mắt để thấu hiểu và ngàn cách tay để giúp đỡ chúng sinh.

Bồ-tát Quán Thế Âm trong chân nghĩa thực sự, không phải là "một vị” Bồ-tát, mà là một lực lượng (force) vĩ đại của tình thương, có mặt khắp nơi, vô sở bất tại (omnipresent). Bạn là một người bình thường, nhưng trước một tình huống thương tâm, bạn bỗng quên mình lao người ra giúp đỡ kẻ bị nạn. Ngay chính lúc đó, Bồ-tát Quán Thế Âm đã thị hiện trong bạn, hay nói cách khác bạn đã là sự thị hiên của Bồ-tát Quán Thế Âm trong thế giới này.

Bồ tát Quan Thế Âm là một người có khả năng lắng nghe. Lắng nghe tiếng kêu bi thương của con người để tìm tới mà cứu độ. Hạnh của ngài là hạnh lắng nghe với tâm từ bi. Trong khi trì tụng danh hiệu của đức Quan Thế Âm Bồ tát Avalokitesvara thì chúng ta tiếp xúc được với năng lượng của tình thương trong trái tim của chúng ta. Chúng ta tiếp xúc được với năng lượng tình thương lớn của đức Bồ tát. Khi trì tụng như vậy chúng ta chế tác được năng lượng hùng hậu, năng lượng tập thể của tăng đoàn. Chúng ta mở lòng ra tiếp nhận năng lượng đó để những đau nhức, căng thẳng trong thân và trong tâm của chúng ta được ôm ấp và chuyển hóa. Vì vậy, nếu quý vị có những căng thẳng, những đau nhức trong thân thể thì quý vị mở lòng ra để cho năng lượng của tăng đoàn, năng lượng của đức Bồ tát thấm vào trong cơ thể và nó sẽ ôm ấp, chuyển hóa những căng thẳng, những đau nhức đó. Chúng ta chỉ cần trở về với giây phút hiện tại đừng suy nghĩ về quá khứ, đừng lo lắng cho tương lai. Có mặt thật sự trong giây phút này, mở lòng ra thì năng lượng của đức Quan Âm sẽ đi vào trong cơ thể của mình và sẽ chuyển hóa những căng thẳng những đau nhức đó. Nếu chúng ta có những lo âu, sợ hãi buồn khổ thì chúng ta cũng nên mở trái tim ra để cho năng lượng đó của ngài và của tăng thân đi vào để ôm ấp, chuyển hóa.

Thực trong vòng năm mười phút, thân và tâm chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chỉ cần đem tâm trở về với hơi thở, lắng nghe buông thư để cho năng lượng của đức Bồ tát có cơ hội đi vào thân và tâm, đừng lo lắng, đừng suy nghĩ chuyện này chuyện khác. Nếu chúng ta có một người thân ở nhà đang bị bệnh hoặc đang có khó khăn trong lòng, chúng ta cũng có thể gởi năng lượng này về, truyền năng lượng này về được bằng cách nghĩ tới người đó, hoặc gọi tên người đó một cách thầm lặng, năng lượng của đại chúng và của đức Bồ tát có thể được truyền về ngay trong giây phút hiện tại cho người đó và người đó sẽ cảm thấy bớt căng thẳng, bớt đau nhức, bớt khổ đau ngay trong giây phút hiện tại.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.