VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ BẢN SẮC
TẠI PHƯƠNG TÂY HIỆN NAY
Tóm Lược
Các nước phương Tây đang sống trong một thời đại bất thường: Trung Quốc trỗi dậy và uy hiếp, kinh tế khủng hoảng, nợ công cao ngất, nạn di dân đe doạ, xã hội bất bình đẳng, dân chúng nổi giận giúp đưa cho ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và đẩy Vương Quốc Anh thống nhất ra khỏi Liên Âu. Đâu là nguyên nhân cho nền kinh tế thị trường không còn vận hành hoàn hảo và giải pháp cho hệ thống dân chủ tự do đang lâm nguy? Phần một lý giải cho vấn đề này theo quan điểm của Francis Fukuyama trong tác phẩm Identity: khủng hoảng về bản sắc của các nhóm sắc tộc là nguyên nhân, đấu tranh để công nhận nhân phẩm là giải pháp và việc hội nhập xã hội là tín điều. Phần hai giới thiệu một khảo hướng bổ sung theo quan điểm của Phật giáo. Khi Phật giáo có một triết lý giáo dục phổ quát và những phương tiện kỹ thuật khả thi, thì tỉnh thức, tương thuộc và từ ái là nền tảng cần áp dụng. Nâng cao bản sắc đạt được, may ra, sẽ đem lại thông cảm chung cho cá nhân và cộng đồng. Phần kết luận cho là tinh thần Phật giáo sẽ là một định hướng giáo dục phù hợp trong các mối tương tác xã hội, môi trường và thú vật. Tỉnh thức về bản sắc trong từng con người bản xứ hay nhập cư hy vọng sẽ đem lại đạo đức bình đẳng, tương thuộc, hiếu hoà và khoan dung.
I. KHỦNG HOẢNG VỀ BẢN SẮC TẠI PHƯƠNG TÂY
Khái niệm
Bản sắc cá nhân là một khái niệm trong lịch sử tư tưởng hiện đại, nó có hai lý giải chính và bổ sung nhau. Một là, John Locke trong tác phẩm Essay cho bản sắc là tất cả những thành tố ắt có và đủ để tạo nên những đặc điểm chính cho con người, dù qua thời gian vẫn không thay đổi. Hai là, bản sắc là một vấn đề nền tảng mang tính trừu tượng khi chúng ta tự hỏi mình là ai, phát hiện những điểm chủ quan, có liên hệ với kinh nghiệm riêng tư và không thay đổi trong từng cá nhân. Nhưng có thể khách quan hoá vấn đề bằng một khái niệm tổng thể để có giá trị phổ quát không?
Thomas Nagel trong tác phẩm The View from Nowhere đặt vấn đề này trong hai viễn kiến nhân sinh quan và thế giới quan. Nhân sinh quan là xác định quan điểm của tôi trong khi thế giới quan là quan điểm tinh thần chung của thời đại, bao gồm tất cả, nhưng không ràng buộc cho cá nhân. Khi một cá nhân sinh ra trong một gia đình (giàu hay nghèo), trong một thời điểm (chiến hay hoà), trong không gian (nông thôn hay thành thị), có đặc điểm riêng biệt (thông minh, khoẻ mạnh hay ngược lại), vấn đề cá nhân này là siêu hình, nên miễn bàn. Chúng ta không thể tổng hợp tất cả các nhân sinh quan của mọi người để tạo thành một thế giới quan, vì phải giới hạn quan sát và kiểm chứng trong một mẫu số nhất định. Do đó, bản ngã là cảm giác của cái tôi trong mối quan hệ với tha nhân trong thực tại xã hội.
Ngược lại, trong tác phẩm Identity and Violence, Amartya Sen cho rằng bản sắc rất đa dạng, phức tạp và có thể thay đổi. Một công dân xuất thân từ Ca-ri-bê, nhưng tổ tiên đến từ châu Phi, theo đạo Cơ Đốc, làm việc như một sử gia và lực sĩ điền kinh là một thí dụ dễ tìm thấy trong xã hội Mỹ. Các bản sắc dị biệt này không tạo mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày. Do ý thức xã hội và tự do chọn lựa, mọi người có thể chọn một bản sắc chính dựa trên căn bản tự nguyện hay do bắt buộc, mà thường là lý do kinh tế. Do đó, bản sắc có thể thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Amartya Sen không đào sâu lập luận này để chứng minh, nên khó thuyết phục được trong khi trào lưu chung đang cho bản sắc là đơn thuần và bất biến.[1]
Hiện trạng
Đã có nhiều lý giải cho vấn đề nền dân chủ tự do đang lâm nguy, nhưng tác phẩm Identity: Contemporary Identity Politics and the Struggle for Recognition: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment của Francis Fukuyama, nhà khoa học chính trị nổi danh tại Hoa kỳ là gần đây nhất. Fukuyama cho là khủng hoảng về bản sắc của các nhóm sắc tộc là nguyên nhân và đấu tranh để công nhận nhân phẩm là giải pháp, mà nội dung chính sẽ được tóm lược sau đây.
Sau khi chế độ Cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô sụp đổ làm cho nền chính trị thế giới thay đổi triệt để và mô hình dân chủ tự do của phương Tây trở nên thu hút hơn tại các nước đang chuyển đổi. Đến đầu thế kỷ XXI, số lượng các cuộc bầu cử tại các nước tăng từ 35 lên 110, nền kinh tế của thế giới phát triển cao độ, sản lượng và dịch vụ tăng gấp bốn lần. 42% người dân nghèo cùng cực trong toàn cầu trong năm 1993 xuống còn 18% trong năm 2008. Triển vọng tăng trưởng còn lan rộng khắp mọi nơi.
Lý giải cho xu hướng này ở các nước đang phát triển là những người giàu có và được giáo dục tốt biết tận dụng lợi thế để hưởng lợi trong khi các dân làng cũng hưởng một phần nào các tiện nghi như xem truyền hình và kết nối Internet trên điện thoại di động. Dân Trung Quốc và Ấn Độ làm thay công việc trong nền kinh tế chế biến tại Hoa Kỳ và châu Âu nhờ chi phí lao động thấp. Nhờ các thành tựu giáo dục, phụ nữ thay cho nam giới trong thị trường lao động. Đặc biệt hơn, các ngành dịch vụ ngày càng lấn chiếm nền kinh tế chế biến và gần đây nhất, ngay tại các nước Đông Á, các máy tự động có đủ thông minh thay cho công nhân có tay nghề thấp. Do đó, mặt trái của thành công này là tại phương Tây tăng trưởng kinh tế sút giảm và bất bình đẳng xã hội tăng lên.
Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008 và đồng Euro vào năm 2009 làm cho nền kinh tế thị trường không còn vận hành hoàn hảo và mô hình của hệ thống dân chủ tự do không còn thanh danh như xưa. Tại hai nơi có các nền dân chủ tự do bền vững nhất thế giới lại có hai biến động ngạc nhiên: Vương quốc Anh thống nhất rời khỏi Liên Âu và Donald Trump thắng cử tổng thống Hoa Kỳ.
Tại sao? Sự thay đổi triệt để trong kỹ thuật công nghệ và trào lưu toàn cầu hóa là lý do chính. Qua thời gian, sinh hoạt chính trị phương Tây không hoàn toàn do hai lý do kinh tế này quyết định, mà biến động về bản sắc và chủ nghĩa dân túy nổi lên là hai lý giải khác.
Trước đây, Karl Marx xem các cuộc đấu tranh chính trị như một phản ánh về các xung đột giai cấp. Cuối thế kỷ XX, tầng lớp lao động ở hầu hết trong các nền kinh tế công nghiệp đã khá giả hơn và bắt đầu hoà nhập với tầng lớp trung lưu. Thực tế này dẫn đến một lập luận chung: Cuộc cách mạng vô sản và bãi bỏ triệt để quyền tư hữu không còn nằm trong chương trình khả thi trong nghị sự của các chính quyền và đảng phái.
Do đó, phe cánh Tả giải quyết các tranh chấp của công nhân và công đoàn qua chương trình phúc lợi xã hội và tái phân phối lợi tức. Ngược lại, phe cánh Hữu lo giảm bớt tác hại quan liêu và tốn kém của bộ máy công quyền, tạo điều kiện thúc đẩy cho nhiều đầu tư hơn vào khu vực tư nhân và lo bảo vệ truyền thống dân tộc qua kết nối với vấn đề chủng tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo.
Việc thực thi mục tiêu của một nhà nước phúc lợi không đạt được theo mức độ lý tưởng. Do những khó khăn tài chính, các chính phủ phản ứng bằng cách in thêm tiền, biện pháp táo bạo này dẫn đến nạn lạm phát và các khủng hoảng khác. Khi những động lực khích lệ cho tăng trưởng kinh tế không còn, nó làm cho suy giảm tiết kiệm và tinh thần mạo hiểm trong kinh doanh, trong khi tình trạng bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn bám rẻ sâu xa.
Nhưng lòng vị kỷ vật chất của các phe nhóm không là tất cả. Trong các phương tiện truyền thông, vấn đề bản sắc không được công nhận phù hợp đã trở thành một chủ đề chính trị quan trọng. Xã hội Mỹ phân hoá cùng cực mà bản sắc là một khái niệm tổng thể nhằm giải thích những phản ứng dữ dội làm cho nước Mỹ sôi sục, mà cụ thể là sự thù hận của người Mỹ da đen, nạn nhân do cảnh sát bạo hành mất nhân phẩm, quấy rối và tấn công tình dục phụ nữ mà nam đồng nghiệp là thủ phạm.
Do đâu mà có các phản ứng như vậy? Thông thường, hành động của con người được thúc đẩy bởi sự ham muốn vật chất. Suy nghĩ này bắt nguồn từ trong tư tưởng chính trị của các nhà triết học cổ điển phương Tây. Socrate tin rằng ngoài lý trí và ham muốn, có một “thành phần thứ ba” không thể thiếu trong con người, đó là mong muốn được công nhận phẩm giá. Trong tác phẩm Cộng Hòa, Plato gọi đây là thymos, một động lực tinh thần quan trọng khác. Thymos gồm có hai dạng, một là “megalothymia”, nghĩa là mong muốn được tôn trọng như là bậc thượng cấp hay trưởng thuợng, hai là “isothymia”, mọi người muốn được bình đẳng cũng như mọi người khác. Sự trỗi dậy của dân chúng khắp nơi hiện nay là chiến thắng của isothymia đối với megalothymia, các xã hội không còn thừa nhận quyền lực chỉ là dành cho một số ít người ưu tú, mà mọi người vốn dĩ đã bình đẳng như nhau.
Nhưng bình đẳng theo luật pháp không đương nhiên dẫn đến bình đẳng kinh tế hay xã hội. Dù có thịnh vượng chung, nền kinh tế thị trường tự do tạo ra sự chênh lệch quá mức về thu nhập, bất công này gia tăng trong hơn 30 năm qua trong phần lớn các nước. Hậu qủa là thu nhập bị đình trệ và giới trung lưu bị xuống thang trong xã hội. Đó là lý do tại sao trào lưu dân túy nổi lên khắp nơi. Nhóm cực đoan khích động người bất mãn rằng: “Đất nước không còn là của bạn, phẩm giá của bạn không được tôn trọng, dù bạn luôn là thành viên chủ yếu của một quốc gia vĩ đại, nhưng người nước ngoài, người nhập cư và giới tinh hoa đã dìm cho bạn xuống thấp trong xã hội. Trong cộng đồng tín hữu, bạn đã bị phản bội bởi những người không phải là tín đồ; họ đã đem đến sự nghèo khổ cho bạn.”[2]
Ai tham gia trào lưu này? Đương nhiên là tầng lớp công nhân Mỹ. Họ thường có trình độ học vấn trung học hoặc ít hơn. Khi nền kinh tế thế giới đi vào thời kỳ toàn cầu hoá, đa số bị giảm thu nhập hoặc mất việc. Tại các thành phố như Chicago, Detroit và New York, đa số công nhân da đen trong ngành công nghiệp đóng thịt hộp, thép và ô tô bị mất việc làm, một loạt bệnh xã hội nảy sinh: tỷ lệ tội phạm, dịch sử dụng ma túy tăng và cuộc sống gia đình băng hoại, thảm kịch này làm cho tình trạng nghèo túng tiếp nối.
Ảnh hưởng này lan rộng sang tầng lớp công nhân da trắng nông thôn. Trong năm 2016, việc sử dụng ma túy quá liều đã dẫn đến hơn 60.000 trường hợp tử vong, gấp đôi số tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm trong cả nước. Tuổi thọ dự liệu đối với nam giới da trắng Mỹ đã giảm từ năm 2013, một điều xảy ra rất bất thường ở một nước phát triển cao. Tỷ lệ trẻ em trong giới lao động da trắng lớn lên trong các gia đình cha mẹ đơn thân đã tăng từ 22% trong năm 2000 lên 36% trong năm 2017.
Nhìn chung, tầng lớp công nhân và trung lưu bất mãn về đời sống hiện tại và lo về tương lai bất trắc. Khi cho chính quyền là không quan tâm đến họ và nhân phẩm không còn được tôn trọng, họ không nể trọng giới tinh hoa vì chỉ tìm mọi cách lo cho quyền lợi phe nhóm.
Các phong trào xã hội mới thành hình đòi hỏi mạnh mẽ các yêu sách đủ loại. Phong trào nữ quyền, bảo vệ môi trường thiên nhiên, người tàn tật, người bản xứ, người nhập cư, nam và nữ đồng tính và những người chuyển giới, tất cả cùng có yêu cầu chung là chính quyền phải thực hiện quyền bình đẳng trong Bản Tuyên ngôn Độc lập và các quyền hiến định. Họ đưa vấn đề tôn trọng bản sắc này thành một trào lưu chung xã hội.
Khi xưa Martin Luther King, Jr. yêu cầu đối xử bình đẳng giữa người da đen và da trắng. Nay chiến lược của nhóm Black Panthers có khác hơn. Người da đen lập luận rằng phân biệt chủng tộc là do lịch sử của chế độ nô lệ để lại, họ có ý thức riêng, tự hào về bản thân vì không giống người da trắng, họ trưởng thành và trải nghiệm trong phân hoá xã hội và bạo lực của cảnh sát, truyền thống này tạo một khoảng cách mà chính quyền không thể hàn gắn. Phong trào Black Lives Matter đòi hỏi mọi người phải ý thức hơn về cuộc sống hàng ngày của người da đen, phục hồi công lý cho các nạn nhân do cảnh sát bạo hành. Phong trào đòi nữ quyền tập trung vào việc đối xử bình đẳng đối với phụ nữ trong việc làm, giáo dục, tòa án, v.v. Nữ quyền đến từ ý thức và kinh nghiệm sống và mục tiêu của phong trào là tạo điều kiện bình đằng trong hành vi và suy nghĩ của phụ nữ như nam giới.
Thuật ngữ “đa văn hóa” trở thành một chương trình chính trị gây thu hút đặc biệt cho những người đã bị đánh giá thấp: người Canada nói tiếng Pháp, người Hồi giáo nhập cư hoặc người Mỹ da đen là thí dụ. Đối với họ, không chỉ luật lệ và định chế là cần cải cách, các kinh nghiệm sống của họ, thậm chí ký ức tập thể và các ngày lễ cũng cần được công nhận.
Phe cánh Tả xem “đa văn hóa” là một khởi điểm chung cho các cải cách hiếu hoà trong xã hội, chấp nhận mở rộng quyền sử dụng dịch vụ xã hội và tiện ích công cộng cho tất cả nhóm người thiểu số bị thiệt thòi, người nhập cư và sắc tộc. Nâng cao vai trò của nhà nước phúc lợi cho các nhu cầu “đa văn hóa” là một đối sách không thể tránh khỏi và phù hợp với tinh thần bình đẳng.
Nhằm mục đích thay đổi văn hóa và hành vi, các tố giác của phong trào #MeToo về quấy rối tình dục có phần nào kết quả. Các phản ứng của phong trào Black Lives Matter đã khiến cho các sở cảnh sát ý thức hơn về sự lạm dụng bạo hành, nhất là cách giải quyết cho phù hợp theo luật hình sự hiện hành. Vai trò của phụ nữ được tôn trọng và họ có thu nhập cao hơn, chẳng hạn như tại thung lũng hoa vàng Silicon và phim trường Hollywood.
Nhìn chung, có sự thay đổi so với trước đây. Nhiều luật lệ bảo vệ pháp lý cho các nhóm được ban hành, nhưng chính quyền còn phải tiếp tục đối phó với các gánh nặng do phân biệt đối xử, thành kiến và thiếu tôn trọng vô hình khác.
Vì chuyển hướng này mà phe cánh Tả không còn quan tâm đến các vấn đề khủng hoảng toàn diện hoặc cách đối phó chung cho tình trạng rối loạn trong cấu trúc và sinh hoạt công quyền. Người Mỹ là nạn nhân của toàn cầu hoá và tự động hóa trong khi việc chênh lệch trong thu nhập là thách thức chính. Phe cánh Tả quy lỗi tình trạng này cho phe cánh Hữu và lập luận là Đảng Cộng Hòa tiến nhanh về phía cực Hữu hơn là đảng Dân Chủ di chuyển theo hướng ngược lại. Nhưng cả hai đảng đã làm mất đi những cử tri trung thành khi quyền lợi của các tầng lớp lao động đã không được cả hai đảng quan tâm đúng mức.
Khi vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump gây thu hút quần chúng. Với một cá tính bất thường, những tuyên bố bất nhất, ông ít vi phạm đến việc hoạch định chính sách hay phải đạo trong chính trị mà là trong đạo đức cơ bản cá nhân và gây phản cảm trong công luận. Nhiều người ủng hộ không nhất thiết phải chấp nhận những lời lẽ thái quá của ông Trump; ngược lại, họ thán phục là ông bạo dạn, không sợ bị áp lực khi thể hiện một đặc tính chân thực: thoá mạ, cao ngạo, nhưng dám nói những gì mà ông nghĩ, mặc dù hành vi đó, trong thời kỳ trước đó, sẽ phải chịu thất cử.
Tuy nhiên, tầng lớp lao động da trắng sống ở nông thôn ủng hộ ông Trump triệt để khi cảm thấy đang bị giới tinh hoa quốc tế và đô thị bỏ quên. Họ làm cột trụ chính cho phong trào dân túy và mở đường cho một nền chính trị về bản sắc của phe cánh Hữu: có phân biệt ở mức cực đoan rõ ràng nhất. Đó là những động lực mạnh nhất đã giúp cho ông Trump vào Toà Bạch Ốc.
Ông Trump đã trực tiếp đóng góp cho tiến trình này. Nhờ ông Trump, tinh thần bài ngoại của dân da trắng đã thành một trào lưu chính. Cổ vũ cho quyền của phụ nữ, người da đen hoặc người đồng tính là được chấp nhận về mặt chính trị, nhưng khi ủng hộ cho quyền của người Mỹ da trắng lại bị gán ít nhiều cho là phân biệt chủng tộc. Phe cánh Tả cho rằng xác nhận bản sằc của một cộng đồng là phản ánh quan điểm lịch sử. Điều đó rõ ràng là đúng. Phe bảo thủ cho là các nhóm thiểu số nhận được nhiều lợi thế cũng như quan điểm phải đạo chính trị làm ngăn trở cho tự do ngôn luận, đó là phóng đại mức độ. Thực tế cho thấy là ít nhiều người Mỹ da đen tiếp tục bị cảnh sát bạo hành lực và phụ nữ vẫn bị tấn công và quấy rối tình dục.
Làm sao để phe cánh Hữu chấp nhận lập luận của phe cánh Tả trong khi người da trắng đang là nạn nhân xã hội? Các cấu trúc chính trị và xã hội lỗi thời phải chịu trách nhiệm về sai lầm này, đặc biệt là các phương tiện truyền thông và cơ chế lâu đời trong nền chính trị, tất cả cần phải được thay đổi triệt để, mà hầu hết các vấn đề băng hoại xã hội hiện nay đang được nhìn thấy qua thấu kính bản sắcCác chương trình cải cách của cả hai phe cánh Tả và Hữu phải tiến hành, nhưng tiến trình thu phục nhân tâm còn nhiều khó khăn. Vấn đề không phải là từ bỏ ý tưởng về bản sắc theo phe cánh, mà là xác định bản sắc quốc gia và gây hội nhập hơn trong sự đa dạng của thực tế. Khi bản sắc không được công nhận và xã hội áp chế làm cho mọi người phát sinh oán giận, đó là nhu cầu phản ứng tự nhiên. Các đòi hỏi chung của xã hội hiện nay là công nhận bản sắc và phẩm giá. Vấn đề bản sắc được xây dựng dựa trên nhân phẩm, đó là thành phần cơ bản nội tại cho mọi người. Khi phẩm giá được tôn trọng, thì nền dân chủ tự do có thể vận hành trở lại bình thường. Nếu không, cuối cùng, thất bại này dẫn đến nước Mỹ sụp đổ. Trước hiện tình như vậy, chính quyền phải có các giải pháp.
Giải pháp
Dù tuân thủ tinh thần hiến định, trọng pháp, bình đẳng và hưởng lợi từ những đóng góp kinh tế, dù vô hình, do người nhập cư bất hợp pháp, Hoa Kỳ chưa thành công trong việc xây dựng tinh thần dân tộc trong sự hội nhập xã hội toàn diện. Những vấn đề nhập cư chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi trong khi chính quyền không thể đề cao nhân phẩm chung chung, nó tùy thuộc vào một số điều kiện sống của từng cá nhân và phe nhóm qua các tương tác xã hội, xác định bởi chủng tộc, giới tính, nơi làm việc và trình độ giáo dục.
Dù trong các nhóm nhỏ có tinh thần tự quản, nhưng bản sắc chung là cái gì đó rộng lớn hơn có thể kết nối mọi người không giống nhau, khi tất cả nhận ra một điểm chung nhau. Vì vậy, thay vì đưa họ xa nhau, trong sự tôn trọng lẫn nhau, tất cả có thể dựa các hình thức rộng hơn, nên xem bản sắc dân tộc không phải là đặc điểm, kinh nghiệm sống cá nhân, quan hệ lịch sử hay niềm tin tôn giáo mà là các giá trị chính và niềm tin chung, xem tinh thần đoàn kết xã hội như là tín ngường. Ý tưởng này khuyến khích tất cả xác định lý tưởng nền tảng của quốc gia và sử dụng các chính sách công để thuyết phục những người mới đến.
Còn Châu Âu? Vấn đề có khác hơn. Hiện nay, khó khăn chính là khả năng giải quyết vấn đề băng hoại xã hội của Cơ quan Liên Âu. Một chương trình nghị sự đa văn hoá như vậy không thể đạt đến đồng thuận trong một cơ chế khổng lồ với 28 quốc gia. Chuyện dễ hiểu vì các thành viên luôn nhiệt tình bảo vệ từng nền văn hoá quốc gia, sẵn sàng phủ quyết bất kỳ cải cách nhân danh văn hoá Liên Âu. Do đó, bất kỳ giải pháp nào khả thi thường ở cấp độ quốc gia và luật về quốc tịch là một vấn đề thảo luận chung.
Quyền công dân của một nước dựa trên huyết thống, jus sanguinis, nghĩa là theo dòng máu của bố mẹ. Hiện nay, đang có ý kiến cho là nên áp dụng luật quốc tịch mới dựa trên lãnh thổ, jus soli, quyền công dân dành cho ai sinh ra trên lãnh thổ. Nhưng châu Âu cũng nên áp dụng như luật thi nhập tịch của Hoa Kỳ. Ngoài việc phải chứng minh cư trú liên tục trong năm năm, ứng viên sẽ có thể đọc, viết và nói tiếng Anh cơ bản, kiến thức tổng quát về lịch sử và sinh hoạt công quyền, không có tiền án và thể hiện sự gắn bó với các nguyên tắc lý tưởng bằng cách tuyên thệ trung thành với hiến pháp.
Trầm trọng nhất hiện nay là việc giải quyết vấn đề di dân. Liên Âu không đủ khả năng kiểm soát ngoại biên, trong khi các nước Hy Lạp và Ý không đủ thẩm quyền, phương tiện, nhân sự, tài trợ và hỗ trợ chính trị để chận đứng dòng người nhập cư. Hệ thống tự do di chuyển trong Liên Âu sẽ không bền vững khi vấn đề kiểm soát ngoại biên chưa được giải quyết.
Tại Hoa Kỳ, việc thi hành luật di trú không nhất quán. Đó là một đặc điểm của thời Obama. Nhưng cam kết xây dựng bức tường tại biên giới Mexico của ông Trump còn tranh cãi. Điều cần thiết là phải tìm ra các biện pháp cho vấn đề hiện có khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp, đã ở Mỹ và đang làm công việc hữu ích nuôi gia đình và tuân thủ pháp luật như công dân cư trú hợp pháp; một số ít phạm pháp cũng như người Mỹ bản xứ. Làm sao chế tài các tổ chức đưa người và những người Mỹ thượng lưu và trung lưu thuê người lao động bất hợp pháp rẻ tiền? Khi chính quyền buộc tất cả những ai vi phạm luật nhập cảnh và hình sự phải đưa về nguyên quán, giải pháp cực đoan này là vô lý và khó khả thi. Chính giới và công luận còn đang tiếp tục tranh luận những biện pháp giải quyết. Trong khi phe cánh Hữu tìm cách cách trục xuất, phe cánh Tả chấp nhận cho hội nhập, xem đó là nghĩa vụ của nền dân chủ tự do. Cả hai quan điểm có giá trị tương đối.
Tình thế trở nên khó khăn hơn khi người nhập cư ngày càng nhiều, có xu hướng tự túc và tự quản, không còn cần kết nối với các nhóm khác và gây áp lực cho các tổ chức khác. Theo Fukuyama, chiến lược tốt nhất là hội nhập người nhập cư vào trong bản sắc quốc gia dân tộc, nên xem giải pháp này là một sự đa dạng lành mạnh và tín điều cho xã hội. Một chương trình xây dựng chung bắt đầu với giáo dục công cộng. Trong nhiều thập niên, nội dung môn công dân giáo dục đã suy giảm, không chỉ cho người nhập cư mà kể cả cho người Mỹ bản xứ. Các chương trình song ngữ và đa ngôn ngữ đã trở nên phổ biến và đã được thương mại hoá tối đa, nhưng bằng chứng cho thấy là chương trình này làm trì trệ trong việc học tiếng Anh. Nâng cao bản sắc đề ra một yêu cầu chung là tinh thần phục vụ quốc gia. Cụ thể là người nhập cư cam kết thi hành nghĩa vụ quân dịch hoặc làm việc trong vai trò dân sự, chẳng hạn như làm việc trong các trường học hoặc dự án công ích hay bảo tồn môi trường. Một chính sách hoà nhập toàn diện sẽ giải quyết các hệ lụy của vấn đề nhập cư, trong đó có vấn đề bản sắc, khi người nhập cư có việc làm, nộp thuế và là công dân hợp pháp.
Nhận xét
Fukuyama đặt vấn đề bản sắc trong bối cảnh tranh cử để giải thích một cách đặc sắc cho việc suy tàn của nền chính trị dân chủ phương Tây. Không còn khái niệm nào khác hơn để diễn tả tình trạng phân hoá cùng cực hiện nay chính xác bằng bản sắc. Trong bối cảnh xã hội khủng hoảng bản sắc, các hậu quả là các phe nhóm trỗi dậy và ông Trump thắng cử. Nhưng giải pháp đề ra có hữu hiệu không, đó là vấn đề.
Dù đa số dân da trắng còn chiếm ưu thế trong mọi sinh hoạt xã hội vả chính giới và trí thức ngày càng xa rời quần chúng, nhưng bản sắc các nhóm thiểu số không là một khái niệm giới hạn nhất thời dùng trong phạm vi tranh cử. Nội dung bản sắc có giá trị toản diện và trường kỳ, một tiêu chuẨn sâu xa và bền vững qua thời gian mà trong vấn đề Brexit nó có đặc tính lịch sử.
Vì sống trên đảo, dân Anh không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Bản sắc có nguồn gốc lịch sử, được hình thành từ ba thế kỷ khi Đế quốc Anh thành lập. Brexit là “collective English mental breakdown” (sự suy sụp tinh thần tập thể của dân Anh). Sự hiểu biết hiện tại của hầu hết người Anh về bản sắc là một tiếng vang trong lối suy nghĩ của Đế chế, không do trưng cầu dân ý.
Với một kết quả 51,9% dân Anh đã quyết định rời khỏi Liên Âu. Đa số người cao tuổi ờ nông thôn ủng hộ cho việc ra đi vì việc ở lại là không thiềt thực cho quyền lợi về bảo hiểm y tế. Vấn đề không thuần túy nằm trong việc công nhận bản sắc, mà là thái độ lũng đoạn của chính giới bất tài. Hai Đảng Bảo thủ (Tories) và Đảng Độc lập Anh (UKIP) lèo lái một chiến dịch mị dân chống Brexit: Anh phải trả khoảng 350 triệu bảng Anh hàng tuần cho Liên Âu, số tiền thuế này cần lấy lại để sử dụng cho các dịch vụ y tế trong nước. Thực ra, lập luận này là sai lạc, nhưng đã thu phục.
Tình trạng trong nước Mỹ là khác xa. Nước Mỹ có 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp đang sống và làm việc, kể cả phạm pháp, một di sản mà các vị tổng thống tiền nhiệm gây ra, nay trở thành một tình thế đe doạ cho đất nước và ông Trump cần có giải pháp cấp thời. Fukuyama không nêu ra một giải pháp mới khả thi mà đề cập đến hai giải pháp có sẵn từ lâu: luật quốc tịch và chương trình hội nhập; cho dù cải thiện hai giải pháp này đến đâu cũng không thể bảo đảm cho người nhập cư hội nhập thành công.
Fukuyama không thấy trong thực tế là có nhiều người nhập cư hưởng được quyền cư trú hợp pháp, cơ hội làm lại cuộc đời mà lại phạm tội đại hình. Sau khi thi hành án, họ không khả năng để tái hội nhập xã hội đến đổi toà di trú phải ra lệnh trục xuất về nguyên quán, nguyên nhân sâu xa này vượt khỏi phạm vi của khoa tội phạm học và là vấn đề siêu hình. Do đó, khi tổng hợp hai giải pháp và đơn giản hoá làm thành một luận điểm chung là không thuyết phục
Cuối cùng, Fukuyama xem việc công nhận nhân phẩm và hội nhập xã hội trong tinh thần đoàn kết như một niềm tin tôn giáo, nhưng không nêu ra cụ thể là nội dung tín điều nào, đây là một khảo hướng khiếm khuyết mà giáo lý Phật giáo có thể là một đối sách bổ sung, một vấn đề tìm hiểu sau đây.
II. NÂNG CAO BẢN SẮC THEO QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO
Khái niệm
Trái ngược với suy luận thuần lý của phương Tây, bản sắc là một khái niệm tôn giáo mà Ấn Độ giáo và Phật giáo chiếm một vai trò quan trọng.
Tiểu ngã theo Ấn Độ giáo
Bản sắc không những mang tính trừu tượng tôn giáo mà còn tràn đầy thi vị trong các thi phẩm cổ điển trong suốt thời kỳ dài từ thế kỷ VII đến XI trước Tây lịch. Hai bộ kinh Upanishad và Viœitâdvaita Vedânta của Ấn Độ giáo đã đặt khái niệm “âtman” (Tiểu ngã, Bản ngã) nhằm diễn đạt một sinh vật sống động mà tiêu chuẩn xác định là dòng hơi thở liên tục của cơ thể và cơ thể chỉ là một thành phần hữu cơ nhỏ trong thế giới vũ trụ. Bản ngã không phải là một nguyên tắc tư duy bất định, mà hàm chứa một sinh lực sáng tạo vô hình.
Khi tổng hợp các thành phần hữu cơ nhỏ đó thành Brahman (Đại ngã, Phạm Thiên), Brahman là hiện thực siêu việt không thay đổi, vô hạn, có ở khắp mọi nơi, nền tảng linh thiêng cho tất cả vật chất, năng lượng trong thời gian, không gian và vượt khỏi vũ trụ. Brahman tạo ra thể sống nguyên thủy, tương đương với vị thần sáng tạo ra thế giới.
Bản ngã theo Phật giáo
Từ khái niệm của Ấn Độ giáo, Đức Phật triển khai lại nội dung Bản ngã và đã giảng thuyết nhiều lần. Theo truyền thuyết, sau khi giảng về Tứ Diệu Đế tại Vườn Lộc Uyển, Đức Phật có đưa ra thuyết Ngũ Uẩn, (năm thành tố Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức) để tạo nên nhân cách, về sau được các môn đệ kết tập trong nhiều bản kinh khác nhau gọi chung là atta, (Bản ngã).[3]
Đức Phật dạy là Ngũ Uẩn là yếu tố duy nhất tạo nên toản bộ thân tâm của chúng ta. Chúng ta sống trong hiện tiền với tha nhân, một điều kiện tiên quyết; ngoài ra, không có gì gọi là cái ta cả. Các thành tố Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức đều là rỗng rang và không tướng. Dù thuộc quá khứ, hiện tại hay tương lai, dù nội tại hay ngoại lại, dù thô thiển hay vi diệu, tất cả các hình thức đều không phải là của tôi, tôi cũng không phải như vậy, đó không phải là cái chân bản ngã của tôi. Chúng ta đều thuộc vào nhau, mang tính vô thường và không thuộc trong bản ngã.
Bản ngã là vấn đề gây tranh cãi trong Phật giáo Nguyên thủy khi cho là sinh vật trong thế gian không phải là một thực thể hoàn toàn độc lập, Ngài Long Thọ (Nâgârjuna), người sáng lập tông phái Trung Quán luận (Mâdhyamika) cho là trong ý nghiã tuyệt đối, bản ngã không có bản chất và đề cao sự phụ thuộc triệt để và vô hạn lẫn nhau giữa tất cả các dạng của sinh vật đang tồn tại, đến mức độ mà mọi thứ là trong trạng thái vô ngã, anattâ, tức là không có bản chất của chính sinh vật này nửa. Ở đây, theo thuyết tính không, không phải là phủ nhận kinh nghiệm cá thể, mà phân tích về cảm tưởng của cái tôi trong một thế giới hữu tình như bao sinh vật khác. Một số luận sư đương thời ủng hộ cho lập luận này.
Các tranh luận này được Walpola Rahula trình bày trong danh phẩm What the Buddha Taught. Rahula kết luận là theo Đức Phật, bản ngã là một tưởng tượng sai lầm, không phù hợp với thực tế và còn tạo ra những tác hại khi phân biệt về cái tôi và những cái thuộc về tôi. Georg Grimm, trong danh phẩm Die Lehre des Buddhas cho là Đức Phật đã phân định giữa bản ngã và vô ngã một cách chính xác. “Những gì khi tôi cảm nhận được giữa sinh và diệt, đó không thể là cái tôi và của tôi. Lời dạy này không gây nghi ngờ cho bất kỳ ai biết tư duy.”
Những luận điểm trái ngược nhau trong khái niệm vẫn còn tồn tại. Trong tác phẩm Selfless Persons,Steven Collins đề cập đến nội dung theo tông phái Therâvada, mà hiện nay vẫn chiếm ưu thế ở Miến Điện, Thái Lan và Tích Lan. Quan điểm này chối bỏ triệt để cá thể hay bản ngã như một con người thường tại, khi nhấn mạnh ý nghĩa cái Tôi là một chủ thể ngôi thứ nhất, thì vấn đề tâm lý trở thành quan trọng, một khởi điểm cho tâm lý trị liệu cũng như tâm thần phân liệt.
Điểm tương đồng trong các quan điểm dị biệt này là trong cuộc sống con người, cho dù bản ngã có tầm vóc quan trọng, nhưng không vì thế mà nó chịu trách nhiệm cho tất cả những bất hạnh của chúng ta; đúng hơn, đó là một bước dò dẫm cần thiết để cho chúng ta đạt được cá tính nhân văn.
Deshimaru đồng ý lối lý giải này trong tác phẩm Questions aux Maître Zen khi cho rằng chúng ta nên biết về bản ngã thực sự và gọi đó là bản ngã khách quan. Bản ngã có ba khía cạnh chính trong sự tồn tại (tilakkhandha), đó là vô thường (anicca), đau khổ (dukkha) và vô ngã (anattâ). Đức Phật đưa ra khái niệm vô ngã để phủ nhận khái niệm tồn tại, nhưng không phủ nhận cả hai tồn tại và vô thường cùng một lúc. Trong tác phẩm The Buddhist Way of Life, Humphreys cho rằng Đức Phật không phủ nhận khái niệm bản ngã vĩnh cửu, mà là về cái Tôi hoặc linh hồn cá nhân, và anattâ cần được hiểu là sự phủ định tinh thần vị kỷ, nhưng không phải là phủ định con người của tôi.
Vậy Tôi là ai? Trong tác phẩm Inner Revolution, Thurman nêu lên một thí dụ giống như chuyện người mù sờ voi của phương Đông. Trước tiên, khi nhìn vào cơ thể, chúng ta lấy tay gỏ vào lồng ngực mà nói rằng: đây, chính là Tôi đây; thực ra, cái Tôi không phải chỉ gồm các bộ xương cộng lại. Đứng trước tấm gương và nói đây là hình ảnh của Tôi, đó chỉ là cảm nhận trong một phút giây ngắn ngủi, vì còn các thành tố khác như DNA và các đặc điểm khác bên trong không nhận ra được.
Khi không xác định bằng thể xác, cách định danh có tạo nên cái Tôi không? Tôi tên là Carol, Bob hay Cồ Đàm, tất cả cũng chỉ là một danh từ bên ngoài, không gợi lên một hình ảnh trung thực nào phản ảnh cái Tôi.
Tôi là những gỉ đã hấp thụ từ trường lớp hay là một tiểu sử do tôi tạo ra? Còn gì khác nữa không? Là một biểu tượng mà tôi yêu thích hay một thương hiệu? Không. Tất cả chỉ là những biểu kiến ngoại tại và không chạm đến đích thực bản chất của tôi, nó không hề tiến vào trong những gì đang lay động vào tâm trí và cảm xúc sâu thẨm của tôi. Khi tôi đang yêu hay được yêu cuồng nhiệt, tôi cảm thấy mình hiện diện một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tạo nên khoảnh khắc ý nghĩa. Ngược lại, khi tôi ghét hay bị ruồng bỏ, cảm tưởng bị hủy diệt tràn ngập trong tôi, tất cả những năng lượng này chiếm lấy tôi, hoặc dường như nó xuất phát từ trong cái tôi. Nghĩ về các cảm xúc này, quan sát nó trong thực tế hoặc trong ký ức, tôi mới ngộ ra rằng tất cả nhưng gì trong tôi hoàn toàn bị ràng buộc với các mối quan hệ.
Cuối cùng, nhân cách hay bản ngã chỉ là kết quả tổng hợp của ngũ uẩn. Khi cho bản ngã là độc lập và thường tại, đó là một ảo ảnh và dẫn chúng ta đến đau khổ, chuyện khó tránh khỏi.
Khi tìm kiếm bản ngã, dù trong các điều kiện khác nhau, đầu tiên là chúng ta buộc phải bắt gặp một cảm xúc cụ thể, nhưng không bao giờ là đích thực bản ngã. Luận giải của Đức Phật tương đồng với ý kiến của David Hume trong tác phẩm Treatise of Human Nature: Khi đi vào một cái gì đó sâu thẳm hơn trong tâm hồn tôi, đầu tiên tôi phải dò dẫm là một nhận thức đặc biệt: ấm, lạnh, tối, sáng, vui, buồn, yêu, ghét. Không bao giờ nắm bắt bản ngã bất cứ lúc nào mà không có nhận thức; ngoại trừ nhận thức không bao giờ có thể quan sát bất cứ điều gì, và bản ngả chỉ là ảo ảnh.
Tuy nhiên, Đức Phật cực kỳ cẩn thận khi không đề ra quan điểm về bản chất của bản ngã. Ngài A Nam Đà có kể về cuộc đối thoại giữa Đức Phật và du sĩ Vacchagotta. Vacchagotta hỏi rằng liệu có Bản ngã không, Ngài im lặng. Sau đó, Vacchagota hỏi lại là: Thưa Ngài, có phải Ngài đang nói rằng không có Bản ngã. Một lần nữa, Đức Phật im lặng. Khi Vacchagotta chào tạm biệt, A Nam đã hỏi Đức Phật về lý do im lặng. Đức Phật nói với A Nam rằng, nếu khẳng định Bản ngã tồn tại, luận điểm của Ngài giống những người theo thuyết vĩnh cửu, (sassata vâda), tức là những người cho rằng mỗi người sở hữu một linh hồn cá nhân không thể băng hoại; mặt khác, nếu phủ nhận sự tồn tại của Bản ngã, thì chẳng khác gì những người bài bác của Hồi giáo (uccheda vâda), mà thực ra bản sắc cá nhân chỉ là ảo ảnh.
Những triết gia theo học phái Kant tại phương Tây tìm ra hai lý giải chính về thái độ của Đức Phật Một là, luận đề của Hume khó chấp nhận, nếu đúng, thì việc đầu tiên là phải chấp nhận những đặc điểm của cảm xúc hay nhận thức trước và nó không có liên hệ đến chủ thế. Blackburn có ý kiến khác hơn, khi cho là một chiếc xe hơi bị đập dẹp, âm thành đập nát vẫn còn phát ra ngay khi chiếc xe không còn hiện diện.
Hai là, Đức Phật cho rằng chúng ta không có kinh nghiệm nhiều về bản ngã vì bản ngã như là một thứ gì đó biểu hiện ra bên ngoài. Trước những vấn đề siêu hình như vĩnh cửu của thiên nhiên hay vô tận của thế gian, Đức Phật im lặng. Hamilton cho rằng im lặng của Đức Phật là thuyết phục nhất. Thí dụ dể hiểu là khi một người bị thương, việc đầu tiên lả chữa trị, không dành thì giờ để tìm hiểu cây cung làm bằng loại gỗ gì, ai làm ra, nhân cách kẻ bắn cung, tất cả là không cần thiết cho việc trị liệu cấp thời.
Trong Kinh Nidânasamyutta có một đoạn đề cập đến chủ đề thế gian và bản ngã. Đức Phật nói rằng: cho mọi thứ đều tồn tại là một điểm cực đoan và không có gì là tồn tại lại là một điểm cực đoan khác. Đức Phật đề cập đến thuyết Trung đạo, nghĩa là không nghiêng theo một luận điểm cực đoan nào. Nếu con đường siêu hình sẽ dẫn chúng ta đến cửa tử, thì xác định những vấn đề mang tính siêu hình là sai lầm. Khi bản ngã không có bản chất, tại sao Đức Phật sau đó lại giảng thuyết về vô ngã như trong kinh điển có trích dẫn?
Vô ngã theo Phật giáo
Các triết gia thuộc học phái Kant tân thời giải thích theo cách khác, nhưng cùng một mục tiêu của Đức Phật khai thị: Ngũ Uẩn tạo điều kiện cho kinh nghiệm, nó sẽ điều chỉnh trải nghiệm, và cuối cùng, mọi hiện tượng hay pháp thân đều không có Tự ngã.[4]
Trong tác phẩm Early Buddhism: a New Approach, Hamilton cho một thí dụ mà nội dung giống như đối thoại của Lương Võ Đế và Na tiên Tỳ kheo về định nghĩa cái xe. Một nhân viên bán một chương trình phần mềm (Software) đang chia sẻ cho chúng ta biết cách sử dụng. Thay vì lắng nghe, chúng ta bị mê hoặc bởi chiếc máy Computer. Trong khi nghe phải làm gì để phần mềm chạy trơn tru, chúng ta luôn ngắt lời với các câu hỏi liên quan đến các phần khác. Chúng ta chỉ bàn phím và hỏi: Đây có phải là máy không? Người bán hàng trả lời rằng không và tiếp tục giải thích. Dù vậy, chúng ta ngắt lời, chỉ vào màn hình và bộ nhớ và hỏi tiếp tục: Đây có phải là máy không? Khi say mê, tôi suy đoán và có ấn tượng khác với những gì người bán hàng nói. Phải mất một thời gian, tôi mới nhận ra rằng những gì là máy không phải là lời giải thích của người bán.
Theo kinh Anattâ Sutta, Đức Phật phủ nhận mỗi yếu tố riêng biệt tạo thành bản chất của sự vật và giúp cho chúng ta điều chỉnh kinh nghiệm. Đức Phật mô tả về thế giới là thế giới cá nhân và cho là trải nghiệm là yếu tố quyết định. Khi giải thích rằng bản chất nằm ngoài phạm vi kinh nghiệm, điều đó có nghiã là chúng ta không giải thích gì cả. Đó là lập luận nguy hiểm. Hầu hết các lý thuyết về bản sắc cá nhân cũng gặp phải nguy hiểm tương tự. Khi cho rằng mỗi yếu tố định hình cho bản sắc là toàn bộ bản sắc, danh tính cá nhân là bản sắc, ký ức hay thể xác là bản sắc, sự đa dạng không có thống nhất, tất cả là sai lầm.
Học phái Kant hiện đại[5] đồng ý với cách giải thích của Phật giáo khi cho là chúng ta có thể tiến xa hơn khi hiểu được ý nghĩa của Bản Ngã. Có hai lý do để giải thích.
Một là, Đức Phật sử dụng khái niệm Bản Ngã dựa trên các suy nghiệm tùy theo thời điểm của lúc giảng Pháp và không căn cứ đơn thuần ngữ pháp. Trong bài Pháp cuối cùng, Đức Phật nói với A Nan đà rằng: Này A Nan, hãy nương tựa vào chính mình, xem mình là ngọn đuốc soi đường cho mình và cũng là nơi an trú cho chính mình, không nên tìm một nơi nào khác cả. Sau khi ta không còn nữa, thì Đạo Pháp và Giới Luật sẽ thay ta làm Thầy” (Niết bàn Kinh/Mahaparinibbana-sutta.) Kinh Pháp cú (Dhammapada) có một phần dành cho vấn đề Bản ngã. Bản ngã là chúa tể? Ai là chúa tể cho bản ngã? Nếu một người biết mình là ai, thì họ sẽ lả người biết cách bảo vệ cho bản ngã tốt nhất.
Hai là, Đức Phật nói về sự tồn tại của bản ngã qua trải nghiệm, đó là một trực giác, mà sau này, trong triết học phương Tây, Descartes có đề cập đến. Chúng ta chỉ có thể trải nghiệm sự hữu hạn, vô thường và nhờ thế mà cảm nhận các điều trái ngược. Không sinh thì sẽ không thành, hoại và không. Nhưng khi đã được sinh ra là một đại sự nhân duyên, chuyện không thể tránh lối thoát, thì ta sẽ chịu các tình huống nối tiếp là thành, hoại và không. Bất kỳ giai đoạn nào trong tiến trình này cũng là không vững chắc, nhưng đồng thời nó không thể cản trở nhận thức của chúng ta.
Tóm lại, Đức Phật xem thế giới này là thế giới của khổ đau và dạy những phương pháp đối trị. Các pháp đều vô ngã, nghĩa là vạn vật, hữu tình hay vô tình, tất cả không có cái mà chúng ta có thể gọi là bản ngã hay thực thể.
Nếu mọi vật đều hiện hữu tùy thuộc vào nhân duyên, thì đó cũng chỉ là một hiện hữu tùy thuộc điều kiện; không có một vật nào trong vũ trụ này có thể trường tồn hay biệt lập. Vô ngã là yếu tính của vạn vật và từ đó tất yếu dẫn đến một lý thuyết nữa là vạn vật đều vô thường. Vô ngã (không có cái bất biến), vô thường (không có cái trường tồn) là trạng huống đích thực trong sự hiện hữu của chúng ta. Niết bàn, theo nghĩa tiêu cực là hủy diệt, theo tích cực là tròn đầy, là lý tưởng của chúng ta, là giải thoát trọn vẹn. Dựa theo khái niệm căn bản này, chúng ta có thể định hình cho một đối sách mới, đó là vấn đề cải cách giáo dục sẽ được bàn đến.
Đối sách
Hiện nay, cá nhân và cộng đồng đang lạc hướng là vấn đề, mà hội nhập và phát triển là giải pháp. Trong thời gian qua, nhiều cải cách giáo dục đã có thành tựu nhất định, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu khẩn thiết mà nâng cao bản sắc là mục tiêu chính. Đó là một đối sách quan trọng để canh tân: Cá nhân và cộng đồng cùng nhau chia sẽ những giá trị chung.
Thương Toạ Thích Nhật Từ khi thuyết giảng về chương 11 Kinh Pháp Cú có đề cập đến bốn nội dung giáo dục Phật giáo là giáo dục trí tuệ, đạo đức, sức khỏe, và thiên hướng nghề nghiệp. Để tạo một khảo hướng mới làm đối sách, ở đây sẽ không đề cập toàn diện mà chỉ giới hạn xem tỉnh thức, tương thuộc và từ ái trong tăng đoàn của Phật giáo có là những phương tiện kỹ thuật khả thi cho nền tảng giáo dục không.
Tăng đoàn và xã hội
Tam bảo của Phật giáo là Phật, Pháp và Tăng. Giáo pháp của Đức Phật là kim chỉ nam đầu tiên dành cho các tăng sĩ trong tăng đoàn, cư sĩ và tín đồ, không nhất thiết áp dụng chung cho toàn xã hội.[6]
Tăng sĩ là những người quy y, có hạnh nguyện thoát ly để theo đuổi con đường mà Đức Phật đề ra. Truyền thuyết kể rằng Đức Phật có lần thăm viếng một tăng đoàn gồm có ba vị sư để xem việc hành trì tu tập. Đến tận nơi quan sát, Đức Phật hết lòng ca ngợi đạo hạnh của tăng đoàn này. Sau đó, Đức Phật còn giảng về nguyên tắc Lục hoà, một phương cách giúp cho tăng đoàn sống trong hoà ái. Nội dung chính của bài Pháp là trong đời sống hằng ngày, chư tăng phải cùng chia sẻ những nhu cầu cơ bản, trong hành trì tu tập, phải dùng ái ngữ tạo hoà khí, khuyến khích và chỉ dẫn cho nhau và nhất là tôn trọng các ý kiến dị biệt. Đức Phật nói rằng khi tăng đoàn tuân thủ nguyên tắc Lục hoà, thì mọi sinh hoạt sẽ an lành và hạnh phúc.
Trong tác phẩm A Joyful Path: Community, Transformation and Peace, Thượng toạ Thích Nhất Hạnhthực tế hơn khi cho là sinh hoạt tăng đoàn hiện nay không thể hoàn toàn đạt đến mức hoàn hảo như xưa. Điều tốt nhất là tăng sinh phải chấp nhận thực trạng này và luôn tỉnh thức để nỗ lực hoàn thiện xây dựng tăng đoàn và hoằng dương giáo pháp. Thực ra, nguyên tắc Lục hoà không chỉ áp dụng cho tăng đoàn, mà có giá trị phổ quát cho xã hội. Trong tinh thần này, Thượng toạ Thích Nhất Hạnh có đề cập đến việc áp dụng nguyên tắc tỉnh thức, tương thuộc và từ bi cho mọi sinh hoạt cá nhân và cộng đồng.
Tỉnh thức
Tỉnh thức giúp cho chúng ta ý thức về cuộc sống qua các kinh nghiệm thực tế, là phương tiện cho ta nhận ra suy nghĩ mà thiền định là một công trình tu tập tốt nhất để đạt đến mục đích. Một hình thức quen thuộc trong thiền định là toạ thiền. Thượng toạ Thích Nhất Hạnh trong tác phẩm Peace in every step: The path of mindfulness in everyday life cho là trong đời sống mọi người có thể tu tập với bất kỳ một sinh hoạt nào, khi nghe điện thoại, dừng xe khi đèn đỏ, rửa chén hoặc uống trà v.v.. Thực ra, còn có nhiều hình thức khác luyện tập hơi thở là đi, đứng, nằm, ngồi, tất cả trong cung cách oai nghi thanh tịnh cũng được gọi chung là hành thiền. Có nhiều giải thích cho là thiền tập chỉ là một vấn đề kỹ thuật, thiền định nghiêm túc sẽ đạt được tỉnh thức, an lạc cho tâm thân và gia tăng năng lượng.
Theo Thiền sư Suzuki, trong tác phẩm Branching streams flow in the darkness hành thiền là tỉnh thức trong chánh niệm, chánh niệm trong mối quan hệ, ý thức là chúng ta đang hiện diện trong cuộc sống cho dù bất cứ ở đâu và đang làm gì. Thiền định nhằm đơn giản hoá mọi trở lực nội tâm và ngoại cảnh, loại bỏ mọi ràng buộc về tiện nghi vật chất hay phiền não tinh thần. Khi loại trừ mọi hư vọng trong tu tập, đó chính là lúc chúng ta tìm thấy lại chân tâm. Cuối cùng, mục tiêu tối hậu của thiền định là tâm thiền.
Tương thuộc
Tương thuộc là một khái niệm lưỡng cực mà Thiền sư Suzuki dùng để giải thích khi so chiếu hai trạng thái đối nghịch còn gọi là nhị nguyên: sáng tối, đen trắng, tốt xấu, hoàn mỹ và bất toàn. Một người bước vào một căn phòng và nói là tối, trong khi một người khác lại cho là sáng. Tại sao sáng và tối nảy sinh trong tâm trí của từng người trong một cách riêng biệt?
Suzuki cho là mỗi người tạo ra một định nghĩa riêng mà mình yêu thích hay cho là hợp lý nhất, một cấu trúc theo một khái niệm riêng, nó làm sai lạc cho một nhận thức chung vốn dĩ là một cách nắm bắt khách quan. Vấn đề khái niệm dùng làm chuẩn mực được đặt ra. Dù sáng là sáng và tối là tối, sự tỉnh thức xác định cả hai là tương thuộc. Suzuki nói tới tính độc nhất trong mối quan hệ tương thuộc. Khi cho dị biệt là nguồn gốc của vấn đề, chúng ta cố phân biệt để soi sáng các đặc tính hay các quan điểm. Thực ra, tương thuộc là một điểm so sánh để kết hợp hơn là tách rời ra khỏi các mối quan hệ. Khi cho là hoàn toàn độc lập nhau, chúng ta lại tương thuộc nhau. Sự phân biệt tâm thân là thí dụ. Thân thể gồm có đầu, mình và chân tay, nhưng tay là tay, chân là chân, mổi một bộ phận có một chức năng riêng giúp cho cơ thể hoạt động. Độc lập trong chức năng, nhưng mổi bộ phận hoạt động trong hoà hợp và tương thuộc. Do đó, tĩnh thức trong mối tương thuộc giúp cho chúng ta bừng tỉnh ra là có tính độc nhất.
Tính độc nhất là gì? Theo Junyiro Tarakusa, qua bản dịch của Thượng Toạ Tuệ Sỹ, Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Đạo Phật chủ trương rằng không có cái được tạo độc nhất và riêng rẻ. Vạn hữu trong vũ trụ, tâm và vật, khởi lên đồng thời, nương tựa, ảnh hưởng lẫn nhau, và tạo ra một bản đại hòa tấu vũ trụ trong hòa điệu. Nếu thiếu một, vũ trụ sẽ không toàn vẹn; nếu không có tất cả, cái một cũng không. Bản hòa âm được gọi chung là “Nhất chân pháp giới”. Vũ trụ của cái Một và cái Thực. Trong lý tưởng đó, vạn hữu sẽ tồn tại trong hòa điệu toàn diện, mỗi hữu không chướng ngại hiện hữu và hoạt động của hữu khác.
Sự hòa đồng có ba hình thức và được áp dụng chung cho tất cả các tông phái Phật học: 1) Đồng nhất tính khi có hai thành tố riêng biệt hợp thành một, thí dụ như đồng đỏ và kẽm được pha trộn để tạo thành một hợp kim là đồng. 2) Đồng nhất tính khi có hai đối lập như là mặt trước và mặt sau, như sấp và ngửa, có thể coi như khác nhau, nhưng trong thực tế là một. 3) Đồng nhất tính khi toàn diện là theo bản thể luận, như nước và sóng, toàn thể của nước được biểu hiện như là sóng.
Cách định nghĩa nước đôi hay huề vốn này thường khó được chấp nhận trong các mô tả thông dụng và gây nhiều ngộ nhận, một phần là do khả năng diễn đạt, một phần là khi cho là vấn đề thuộc về góc độ khái niệm hơn là kinh nghiệm, trong khi tương thuộc nghiêng nặng giá trị về mặt tỉnh thức. Theo sau tính tương thuộc là tính không; dù là một sáng tạo huyền bí, vấn đề có thể trình bày trong một kinh nghiệm sống cụ thể với trạng thái tỉnh thức. Chân lý không thể tìm thấy trong một câu trả lời tổng quát. Đúng ra, tính không có thể được hiểu như một cánh cửa mở ra sự hiểu biết cho những vấn đề đào luyện cho tinh thần tỉnh thức.
Từ bi
Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh diễn tả cảm xúc hơn trong lối bình dị là "hiểu và thương“. Chúng ta đạt được trạng thái tỉnh thức qua tu tập thiền định, nhờ nhận ra ý nghĩa của mối tương thuộc và tính không sẽ dẫn tới việc phát triển lòng từ bi. Từ bi là trọng tâm của tỉnh thức, trong khi thiền định giúp cho chúng ta nắm bắt lại Phật tánh và lòng từ bi. Tất cả vốn có sẵn trong chúng ta, không phải là do phát minh hay sáng tạo trong tâm trí.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trong tác phẩm The art of happiness định nghĩa lòng từ bi là một tình trạng không gây bạo lực, gây hại và công kích. Hình thức của từ bi là bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô uý.
Đó là một ước vọng cho tha nhân thoát bỏ mọi khổ đau, ý nguyện này sẽ đem cho chúng ta tới một hạnh nguyện cùng gắn bó nhau trong tinh thần trách nhiệm và tôn trọng tha nhân. Từ bi không phải làm việc thiện cho tha nhân trong tính toán lợi hại thông thường, mà là kết quả của một lối suy nghĩ đây là một việc phải làm và nên làm, một việc đánh giá cao đúng lúc, đúng người và đúng việc trong thiện nguyện. Sau khi làm một việc thiện, chúng ta có thể không hài lòng, khi người nhận được không phản ứng theo đúng như cách mà chúng ta mong đợi. Do thế, từ tâm có thể giảm đi. Thực ra, lòng từ ái là một hành vi cởi mở, chấp nhận, khoan dung, không tính toán hay kỳ vọng bất cứ một thái độ nào nơi người nhận.
Tình thức và từ bi thúc dục chúng ta thực hành việc thiện nguyện, tất cả gắn liển với thái độ buông bỏ, chấm dứt mọi hư vọng hoặc các điều kiện tạo khổ đau. Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh là cần phá vỡ bức tường của cái tôi và tha nhân. Từ bi phát sinh do sự hiểu biết về tinh thần bình đẳng và cộng đồng trong thế giới nhân sinh, gắn liền với lòng tôn trọng các quyền cơ bản của tha nhân, hơn là bảo vệ quan điểm của cá nhân. Từ bi sẽ hỗ trợ cho sự phát triển các chính sách xã hội, nhất là khi quyền lợi của cá nhân được quan tâm đúng mức và hài hoà để hướng tới tự do và hạnh phúc chung. Từ bi là một nguồn an lạc cho cá nhận và tha nhân khi tất cả tôn trọng và nỗ lực thực hiện.
Nhận xét
Trong tiến trình nâng cao bản sắc, Phật giáo có tiềm năng to lớn cần khai thác, nhưng tại các nước phương Đông, nơi có truyền thống văn hoá Phật giáo lâu đời, mà Phật giáo lại suy yếu trong các nỗ lực thực hiện. Tại sao? Các lý do được giải thích như sau.
Suy đồi tại Á Đông
Tiểu luận “Vì sao Phật Giáo suy tàn tại Ấn Độ“ của D.C. Ahir kết luận là: “Ngoài các lý do ngoại tại, Phật tử chịu trách nhiệm cho số phận đáng buồn của Phật Giáo. Khi tu viện trở nên giàu có, các tăng sĩ không hành trì giáo luật, lo đào sâu nghiên cứu từ chương thay vì truyền bá giáo pháp, xa rời tín đồ và quần chúng, xao lãng và thụ động đối với những mục đích thực tiễn.”
Trong tác phẩm “The Story of Tibet: Conversations with the Dalai Lama“ của Thomas C. Laird, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã giải thích tương tự: “Có những tác động ngoại lai đã mọc rễ sâu trong đầu con người và khó loại bỏ mà chúng ta chẳng làm được gì nhiều. Nhưng nếu chúng ta không lo tu hành nghiêm túc, giữ giới luật, thì tôn giáo trở thành giả dối. Đây là sự thật cho lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ và Tây Tạng”.
Trong thời hiện đại, Phật giáo cũng không tiến bộ hơn. Johan Galtung đã lên tiếng báo động về hai hiện trạng suy đồi tại các nước Tích Lan, Thái Lan, Đại Hàn và Nhật Bản như sau.
Một là, các Tăng Đoàn không những luôn bị hạn chế trong nỗ lực hoằng pháp mà lại còn nhắm mắt trước bạo lực của bạo quyền. Do Tăng Đoàn sinh hoạt ngày càng cách biệt với xã hội đang chuyển mình, kết quả là có một tầng lớp tận cùng nghèo đói và một tầng lớp cực kỳ giàu sang. Phật giáo không đủ can đảm tranh đấu chống lại bất công kinh tế và xã hội. Bất lực này đưa đến mù quáng trước những vi phạm trong nhiều lĩnh vực khác. Giới lãnh đạo chỉ cần ban phát ít nhiều tự do hành đạo kèm theo những đặc quyền và đặc lợi, Phật giáo dễ dàng thoả thuận vì ý thức sống còn.
Hai là, dù tâm mộ đạo, nhưng Phật tử còn theo mê tín dị đoan, nghi lễ xa xưa và kinh điển cổ ngữ, nên việc tu tập không còn phù hợp với nhu cầu của thời đại mới.
Johan Galtung không đề cập tới đặc thù hiện nay của Phật giáo Việt Nam, mà những suy yếu nội tại cũng tương tự như các nước Á Đông khác và hầu như không thể vượt qua.
Phật giáo đã có hơn hai ngàn năm truyền thừa và đóng góp to lớn cho đất nước phát triển, nay là một đoàn thể xã hội trực thuộc Ban Tôn giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc, nên không thể phát huy nguồn lực. Trong khi giáo dục lạc lối và đạo đức suy đồi, Phật giáo lo phát triển cho chủ nghĩa xã hội và kinh doanh tâm linh; nhập thế cho sự phát triển hồn dân tộc qua hoằng dương đạo pháp nhiệm mầu chỉ là niềm hy vọng. Trước nguy cơ ngoại thù xâm lược, nội thù lũng đoạn, dân tộc điêu linh và đạo pháp suy vi, Phật giáo chưa tỉnh thức đểcải cách triệt để hầu làm sống lại hào khí Diên Hồng, bản sắc tinh hoa của đạo pháp trong các thời đại Lý, Trần và dân tộc Việt, hiểm hoạ diệt vong là một thực trạng báo động…7
Cơ hội tại phương Tây
Ngược lại, trong khi các nước phương Tây đang bị khủng hoảng về giá trị tâm linh, Phật giáo đã đem đến những giá trị mới đầy thu hút. Gần đây nhất, trong bản dịch bài Why So Many Americans Are Turning to Buddhism, Olga Khazan, Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải chỉ ra rằng ra người dân Mỹ ngày càng gặp nhiều căng thẳng, trầm cảm, trong khi 60% quận hạt Hoa Kỳ không có tới một bác sĩ tâm lý. Đó là lý do khiến cho 40% dân Mỹ đang thiền tập hàng tuần, họ tìm tới Phật giáo để xem như là một phương thuốc trị liệu và bỏ thói quen đi nhà thờ.
Ở Anh Quốc, trong khi Brexit làm chao đảo chính giới và dân chúng thì các học sinh tìm thấy an lạc trong thực tập thiền định. Hiện nay có 370 trường học đang thực hành thiền Phật giáo, một trong những chương trình trị liệu tâm lý áp dụng trong học đường lớn nhất trên thế giới. Đây là một phương pháp giúp cho học sinh giải tỏa căng thẳng trong học tập, cân bằng thể chất trước các những gánh nặng về học hành, giao tiếp và cuộc sống hiện nay. Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Quốc gia Anh, thực hành thiền làm thay đổi nhận thức và hành vi của học sinh, tất cả trở nên thân thiện trong giao tiếp với gia đình và học đường. Đến năm 2021, Bộ Giáo dục Anh dự kiến áp dụng chương trình thiền trong các trường học trên khắp nước Anh.
Trước thành tựu này, các nhà cải cách giáo dục có nắm bắt cơ hội để định hình cho một mục tiêu chung theo giá trị của Phật giáo không?
Nâng cao bản sắc là tìm lại chân tâm, sẽ thay đổi cho người dân biết họ là ai, dù là người nhập cư hay người bản xứ. Nó sẽ ảnh hưởng đến ý thức bản sắc và các vấn đề liên hệ: phạm vi riêng tư, quyền sở hữu, cách tiêu thụ, thời gian làm việc, giải trí, phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người trong các mối quan hệ. Nó thay đổi tình trạng sức khỏe và dẫn đến một sự lượng sức mình sẽ làm được gì và hy vọng gì. Thực tập thiền định theo Phật giáo tác động đến lối sống mới. Người dân thực hiện lối sống hàng ngày như là một người tiêu dùng và nhà đầu tư, nhưng quan trọng nhất là nâng cao bản sắc cá nhân và cải thiện cộng đồng xã hội theo giá trị cao cả của giáo lý Phật giáo.
Tuy nhiên, để làm được điều này, các nước phương Tây phải phát triển một nhân sinh quan và thế giới quan Phật giáo. Trong khi chia sẻ Phật tính và Bồ Đề Tâm, mọi người sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống trong các môi trường kinh tế, xã hội và văn hóa. Đặc biệt nhất là với lòng khoan dung những dị biệt, Phật giáo còn có khả năng hoá giải xung đột trong gia đình và ngoài xã hội. Khi nội dung là hiếu hoà và phương cách là khả thi, nên đạo đức Phật giáo sẽ là một tiềm năng to lớn để đóng góp thiết thực cho tiến trình canh tân giáo dục.
III. KẾT LUẬN
Khởi đầu, bài tham luận báo động là trào lưu dân túy đang mở rộng tầm ảnh hưởng khi khai thác những khát vọng thay đổi triệt để của các nhóm sống bên lề xã hội làm cho nền tảng cho kinh tế thị trường tự do và dân chủ đại nghị bị lung lay mà Brexit và sách lược “Mỹ đầu tiên” là bằng chứng. Dựa theo các bất ổn chính trị, suy yếu kinh tế do Trung Quốc trỗi dậy, trào lưu di dân, phân hoá xã hội, vô số sách vở cho là Phương Tây phải gia tăng khả năng hành động cho việc hội nhập các phe nhóm trong những cuộc đấu tranh từ hai phe cánh Tả và Hữu. Hiện nay, các chính đảng không quan tâm đến quyền lợi của các tầng lớp lao động mà họ là nạn nhân của toàn cầu hoá và chênh lệch thu nhập.
Xã hội đòi hỏi một chiến lược bản sắc toàn diện, công nhận phẩm giá trong sự đa dạng của thực tế, không phải là ý tưởng theo phe cánh, mà xác định bản sắc quốc gia. Hội nhập người nhập cư là công nhận sự đa dạng lành mạnh và sẽ giải quyết các vấn đề bản sắc, khi người nhập cư có việc làm, nộp thuế và là công dân hợp pháp. Giải pháp không thuyết phục vì nội dung bản sắc không giới hạn nhất thời dùng trong phạm vi tranh cử, mà nó có giá trị toản diện và trường kỳ. Trong thực tế, có nhiều người nhập cư hưởng được quyền cư trú hợp pháp, cơ hội làm lại cuộc đời mà lại phạm tội đại hình và không khả năng để tái hội nhập xã hội.
Tiếp theo, bài tham luận đề nghị một đối sách theo quan điểm của Phật giáo như một khảo hướng bổ sung. Đức Phật xem thế giới này là thế giới của khổ đau và dạy những phương sách đối trị. Bản ngã chỉ là kết quả tổng hợp của Ngũ Uẩn. Vạn vật hữu tình hay vô tình, tất cả không có cái mà chúng ta có thể gọi là bản ngã. Tỉnh thức, tương thuộc và từ ái là nền tảng cho nâng cao bản sắc, một giải pháp may ra đem lại thông cảm chung cho cá nhân và cộng đồng.
Cuối cùng, bài tham luận kết luận là đã đến lúc phương Tây phải phát triển một nhân sinh quan và thế giới quan Phật giáo. Nâng cao bản sắc sẽ ảnh hưởng đến lối sống mới cho người nhập cư hay người bản xứ biết tôi là ai, sẽ làm gì và hy vọng gì, như triết thuyết Khai sáng của Kant đề cao. Khi chia sẻ Phật tính và Bồ Đề Tâm, mọi người sẽ ảnh hưởng tốt đẹp đến cuộc sống trong các môi trường kinh tế, xã hội và văn hóa.
THƯ MỤC THAM KHẢO
________________________________________________________________________
* Tác giả cám ơn Prof. Dr. Phra Brahmapundit và Dr. Thich Thiện Nhơn về lời mời tham dự Đại lễ VESAK 2019, Prof. Dr. Thích Nhật Từ về lời mời tham gia Ban Biên Tập Anh Ngữ cho Đại Hội, Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã cung cấp nhiều tài liệu Anh ngữ, Đạo hữu Nguyễn Thị Tuyết Mai đã cung cấp nhiều tài liệu Pháp ngữ và tu chỉnh bài viết.
** Dr. Đỗ Kim Thêm, L.L.M, M.A, Biên tập viên Anh ngữ Đại Hội VESAK 2014 và 2019, Việt Nam, đã nghiên cứu về Global Governance, Competition Law and Policy tại các Đại học Hagen (Đức), Norwich Law School và Manchester Law School (Anh), hiện nay là Non-Governmental Advisor, International Competition Network (ICN), Research Associate on International Competition Law and Policy, United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD). Bài tham luận là ý kiến cá nhân và không phải là của ICN và UNCTAD.
Sách đã xuất bản: Kontakt mit Vietnam; Global Netwerke als Gestaltungschance für internationale Politik; Global Governance of Competition Law and Policy: Key Issues; Quan điểm của Phật Giáo trước các vấn đề hiện đại; Hoà Bình theo Quan điểm của Immanuel Kant và Phật Giáo; Giới thiệu các Danh tác Cổ điển và Hiện đại của phương Tây, Nhà Nước Pháp Quyền: Kinh Nghiệm Quốc Tế, Lý Thuyết và Thực tế
[1] Khái niệm bản sắc xã hội Mỹ không thể đào sâu ở đây. Câu hỏi chính không còn là “Tôi là ai?”, mà “Chúng ta là ai?”. Xã hội Mỹ phân hoá cực kỳ, nhưng không phải là xảy ra sau cuộc bầu cử 2016 hay khủng bố Hồi giáo 11 tháng 9 năm 2001. Nền tảng vấn đề nằm trong nhiều lĩnh vực lịch sử, văn hoá, truyền thống và tôn giáo. Samuel P. Hunntington thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm nay đã trở thành kinh điển: Who Are We, Simon & Schuster 2004. Gần đây nhất, tác phẩm The Once and Future Liberal: After Identity Politics của Mark Lilla, Harper (2017) gây tỉnh thức nhiều hơn. Dù là phê bình Đảng Dân chủ, Lilla đã trình bày nội tình một cách triệt để: Bản sắc chung tạo nên định mệnh chung, một bi kịch cho xã hội Mỹ, một cái nhìn khác hơn là Francis Fukuyama trong tác phầm Identity(2018) sẽ được bàn đến trong phần hiện trạng.
[2] Vấn đề “Đất nước là của ai?” phức tạp hơn “Tôi là ai?” và “Chúng ta là ai?”. Bằng khảo hướng lịch sử về các luồng di dân, sử gia lập luận rằng người Úc da trắng không thể tự hào về đất nước Úc là của họ, vì nguyên thủy là của các thổ dân. Trong các cuộc bạo động gần đây tại Mỹ, nhiều người dùng các lập luận tương tự: Đất nước Mỹ cũng không thuộc người nhập cư hay người bản xứ, mà là một tài sản chung. Tại châu Âu, thảo luận vấn đề này có khác hơn. Tại Đức, sút giảm dân số tác hại cho thị trường lao động, không còn giới trẻ chuyên nghiệp cho nhu cầu đang tăng cao. Tại Bỉ, các người di dân Hồi giáo thâm nhập đến mức báo động, có nhiều thành phố dân Á Phi hơn 25%. Nội dung tranh luận vấn đề là: Tại sao người châu Âu không sinh sản nhiều hơn cho phù hợp theo đà tăng trưởng thị trường nhân dụng?
[3] Khi giảng kinh Kim Cang, Thương Toạ Thích Tuệ Sỹ cho rằng khái niệm Vô ngã của Đức Phật được khai triển hoàn toàn độc lập với khái niệm Tiểu Ngã của Ấn độ giáo. Các tài liệu khác cho thấy là kinh Upanishad được phát triển về sau, không liên hệ đến tư tưởng của Phật giáo đã thành hình trước đó. Khái niệm về Đấng Phạm thiên cũng không được Phật giáo ủng hộ vì nội dung không phù hợp.
[4] Có sự khác biệt về nội dung của khái niệm Vô ngã của Phật giáo và Vô vi của Lão Tử. Giáo lý của ‘Vô vi’ là con đường giải thoát khỏi mọi dục vọng, đi sâu vào cõi chân thân, qua chân thân tới đạo. ‘Vô vi’ không phải là không, mà có nghĩa là vô cực, vô hình, nguyên lý của vạn vật, đặc điểm của ‘Đạo’. ‘Vô’ diễn tả “Vạn vật trong thế giới đều sanh ra từ hữu, hữu sinh từ vô”. Đạo là ý niệm cao nhất của tư tưởng Lão tử. Đạo là quy luật biến hóa chung của mọi sự vật, vừa có trước sự vật, vừa nằm trong sự vật. Quy luật hoạt động của tự thân mỗi sự vật gọi là Đức.
Theo Lão tử, có hai yếu tố kết hợp lảm nên cho con người là thân và danh. Mọi nguời đều muốn lập thân và tỏ danh trong cho xã hội. Cả hai đều tạo khổ nếu không có thái độ xuất và xử dè dặt, tạo an hoà cho chính mình và không gây tai họa cho xã hội. Một quy tắc xử thế chung là “hậu kỳ thân nhi thân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn, hậu kỳ danh nhi danh tồn”: đó là khiêm và nhu, vì không tranh với ai mà đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được, không nghĩ tới mình, chỉ lo giúp người thì lại có danh lợi cho mình.
[5] Trường phái Neo-Kant thoạt đầu do Otto Liebmann và Friedrich Albert Lange khởi xướng, về sau được bổ sung. Điểm chung của trường phái này là dựa vào các luận điểm trong các tác phẩm thuộc về logic siêu việt và nhận thức luận của Immanuel Kant để chống lại chủ nghĩa duy vật, vì Kant không thể đáp ứng phù hợp. Họ quan tâm đến việc thiết lập nền tảng triết học cho lý thuyết chính trị. Ví dụ, trường phái Marburg tạo cơ sở lý thuyết cho chủ nghĩa xét lại của Eduard Bernstein và chủ nghĩa Marx của Max Adler tại Áo. Vào đầu thế kỷ XX, trường phái Neo-Kant phát triển đáng kể tại Nga, giữ vị trí trung gian giữa siêu hình học chính thống huyền bí và chủ nghĩa duy vật vô thần.
[6] Tăng đoàn là một là một đặc điểm độc đáo nhất của Phật giáo trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế và hưng thịnh. Ấn độ giáo không có một hình thức tổ chức hay sinh hoạt tương tự như Phật giáo. Tại Ần độ, trong một xã hội phân hoá triệt để bằng nhiều giai cấp, sinh hoạt tăng đoàn Phật giáo mang tính bình đẳng và hoà ái, mọi liên hệ với cư sĩ hay tín đồ thể hiện tinh thân dân chủ. Đó cũng là một lý do tại sao Phật giáo thu hút được dân Ấn độ lúc bấy giờ.
[7] Vua Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý vào năm 1306 cho nhà Trần đã đi đến thảm họa diệt vong vẫn là bài học mang tính thời sự. Tại sao lãnh đạo Việt Nam không học tập bi kịch này?
Nguồn: http://www.undv2019vietnam.com/Subtheme-03/vi/03.pdf
Xem thêm các bài tham luận hội thảo Vesak khác: