Xuân đã đầy cành

26/01/202012:59 CH(Xem: 5430)
Xuân đã đầy cành
blank
bia_xuandadaycanh

Lời Mở

Mỗi năm gần đến Tết, chúng tôi đều có viết một đôi bài. Thông lệ này bắt đầu từ năm con Cọp nào xa lắc xa lơ. Viết báo Tết trở thành thói quen, đó là dịp các huynh đệ thư giãn sau những lúc cuốc đất làm ruộng.

Tập sách này kết hợp những bài viết nói về mùa Xuân đã đăng báo của Thiền viện hoặc đăng trên báo Xuân Giác Ngộ.

     Viên Chiếu
     Cuối năm Bính Tuất

Tầm Xuân
Như Đức

          Khi tôi cho xây lại bờ con suối, chỗ bị nước xói mòn hư hao nghiêm trọng, tôi có cảm giác như mình phạm một lầm lỗi với thiên nhiên. Phía bờ đối diện vẫn còn bờ đất thô sơ, mấy cây dừa bụi tre an nhàn, và một dãy sen mọc lân la bên bờ cỏ gần nước. Vậy mà bên này đại chúng vẫn hì hục tấn đá, đổ đất, đổ cột beton - Viễn cảnh sẽ có một bờ rào bằng lưới B40 bao quanh, tăng vẻ kiên cố chắc chắn lạnh lùng, và mấy chùm hoa khế không có dịp thò đầu vươn cánh nhìn xuống nước.

          Một thời bình an trôi qua. Bên mé suối cạn lững lờ, cô bé em của Huệ Đức ngồi giặt đồ và ca hát véo von. Bờ còn hẹp, hai cây tre bắc ngang song song đủ cho mấy cô ngồi thòng chân, rửa sạch bùn đất từ mép quần công tác, sau đó phơi khô khỏi giặt giũ. Mấy con sóc chạy lăng quăng chỗ cây dẻ già to tướng, hai tay ôm bận bịu cất giấu thức ăn. Chim chóc thì véo von đủ kiểu. Chúng có ngôn ngữ của một miền yên tĩnh, không bận tâm nhiều cho một khoảng đời chẳng lâu dài lắm. Từng thứ ấy, cây rừng, bờ nước, trời đêm ngút ngàn sao đã nuôi dưỡng vỗ về chúng tôi một thuở.

          Thời mà mỗi người chúng tôi đều có một ước mơ về khung trời tu tập có mây giăng đầu núi, vách đá rêu phong với cánh cửa rừng khép chặt, ba năm không bước ra khỏi hang động... Một dòng suối là gợi lên hình ảnh:

          Guốc mòn gõ nhịp sơn ca
          Sư về chống gậy trúc qua cầu này
          Ngó bờ suối lạnh hoa bay
          Thương sao giòng nước trôi hoài thiên thu.

              (Phạm Thiên Thư - Động hoa vàng)

          Viên Chiếu là nơi đáp ứng mơ mộng đó, có gần đủ hết, chỉ trừ khoảng cuốc đất làm ruộng là không có trong thi ca. Mỗi người ôm một giấc mộng thiền, và nhiều giấc mộng thiền gặp nhau, để mỗi đêm và mỗi sáng xếp hàng ngồi thiền từng dãy. Thời chưa có điện, trong bóng tối mông lung, chỉ thắp cho mình một chút tâm nóng cháy. Ban đêm nghe tiếng cồng tiếng chiêng lẻ loi xa của một xóm làng thượng nào đâu phía trong rừng. Từng đợt sao đêm đi qua trên đầu, buồn ngủ không chịu nổi nên trợn mắt ngó sao cho tỉnh táo. Bóng của người ngồi bên cạnh lung lay, giám thiền đôi lúc dụi mắt, không biết mình nhìn lầm hay người ngồi ngủ thiệt. Trong thiền sử chỉ nghe các sư đánh, hét và nói những câu cao vời, không nghe đến khoảng chật vật chiến đấu với ma ngủ. Nhưng biết chắc rằng để đi tới con đường làm Phật, phải kinh qua những gian nan khốn đốn của chính mình. Từng hoàng hôn và từng bình minh, từng mùa mưa nắng, khi thảnh thơi ngắm hoa đào báo xuân, lúc vất vả vào mùa, làm không kịp thở ăn chẳng kịp nhai, lúc nào cũng có những thời thiền tiếp sức.

          Vậy đó, bên con suối này, từ lúc hoang vu chưa có vết người, nay đã lên vườn, lập ấp. Người ta ngăn một đập thủy lợi để chứa nước, nước lên cao gần hai thước. Nước bình thường êm ru dễ chịu, nhưng khi mưa lũ về, cả một mặt sau của thiền viện mênh mông nước. Thúc hối nhau, cuồn cuộn xoáy để chảy thoát, để tuôn về dòng, bờ đất lở, mấy bụi tre già gai góc cũng chịu chẳng nổi, té nhào luôn theo dòng cuốn. Đã có một lần cái nhà thiền của chúng bị nước bao quanh, nước chảy ríu rít bên hông nhà, hăm he leo vào nền, phải dời lúa lên gác. Tượng Phật ngồi phía trước chỗ lễ lạy, và phía sau là lúa được ví trong cót, cái sàn tre cứ kêu lên như một giàn nhạc stéreo, mỗi khi chúng tôi di chuyển.

          Đã vang vọng vào thiền viện, mỗi đêm thanh vắng, tiếng sinh hoạt vui buồn của hàng xóm. Kèn đám ma nỉ non, tiếng trống chập chờn báo tin phúng điếu. Nhạc rộn ràng khi có nhà kết cổng Vu Quy, Tân Hôn. Âm thanh lan vào theo từng hơi thở sổ tức, đang hít thở hoặc chiêm nghiệm vọng tưởng, bỗng nghe... “Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng...” Thôi, thôi em ơi, đi chỗ khác chơi. Đó là chưa kể mỗi khi bà Hai Măng cạnh hàng rào, cao hứng mở những dĩa vọng cổ suốt đêm. Suốt đêm vì nhà có khách hay vì một canh bạc đang hăng. Vậy là cứ nghe tiếng đàn lục huyền, đàn bầu, đàn gáo gì đó réo rắt. Vẫn phải ngồi thiền tỉnh rụi trên những đợt sóng, thấy mình ngồi với sóng, hoặc chỉ là bờ nước nhẹ nhàng.

          Cũng như xưa, cho dù mọi việc có thể đổi mới hoàn toàn, nhưng vẫn thấy những trang ngữ lục, lời thơ kệ các thiền sư còn đầy ắp, như một nguồn nhiên liệu không cạn. Đi theo để nâng dắt tâm hồn và làm sâu thêm những giấc mơ không bao giờ đạt. Lời của thiền sư Kyokan: “Bạn sẽ tìm thấy am thất của tôi nằm sâu trong rừng. Mỗi năm con đường phủ đầy dây leo càng rậm rạp. Ở đây, tôi không biết tin tức bên ngoài cuộc đời. Mối liên lạc duy nhất là tiếng hát người đốn củi đôi lúc vang tới. Ban ngày vá áo, đêm trăng đọc kệ kinh. Tôi không có gì để nói với chư huynh đệ. Nếu các bạn tìm ý nghĩa cuộc sống, thì đừng đeo đuổi quá nhiều thứ.”

          Tại sao người xưa khuyên hãy đi tìm cái cốt lõi của cuộc đời bằng một cuộc sống ẩn cư? Qua bao nhiêu năm tháng, chúng tôi đã làm biết bao việc. Xây nhà, đắp tường, trồng rau, hái trái, dạy dỗ trẻ em... Làm chỉ vì phải làm. Như cái bờ suối này, mỗi năm đến cơn lũ lụt thì nó bị bào mòn, đổ sụp, đất trong vườn cứ trôi tuột dần dần. Không thể nói vì tọa thiền mà cứ để cái bờ tiếp tục sập. Hãy nhìn một ni cô đang cuốc đất, xếp đá xem có cưu mang nhiều thứ không? Vẫn làm tự nhiên như hơi thở không tính toan, như mỗi đêm ngồi thiền dưới trăng, đó là yếu lý cuộc đời. Còn cho dù đang nín thở ngồi yên nhưng vô vàn mối mang lăng xăng cọ quậy, sẽ biết ngay là ổn hay không. Chúng tôi vẫn đi tìm như thế, một mùa xuân xưa khơi dậy từ nguồn tâm Phật Tổ.

- o0o 

Một Chút Bình Yên
Như Đức

          Khi tôi bước chân đi bên đường, chợt thấy đám mắc cỡ tây nở những chùm bông tím tròn vo, một bờ cỏ nở rộ hoa tím hoa vàng lác đác của con đường trong xóm, tôi biết trời đã bước sang mùa. Ngày sẽ êm hơn, nắng thong thả điệu đàng nhởn nhơ một chút trước khi trời tối thật lẹ. Và mỗi đêm tọa thiền, không khí thật mát dịu dàng bởi vì một năm sắp hết, tất cả đều lắng xuống, những xôn xao lo tính trong năm chạm phải đêm cuối ngày cuối tháng như đứng lại, như muốn ngủ yên trong cái vỗ về của đêm.

          Trong chúng rất thích tọa thiền vào những đêm tháng mười một tháng chạp thế này. Nhất là vào dịp lễ Thành đạo, thế nào cũng xôn xao rủ nhau ngồi thiền một đêm chuẩn bị đón sao mai. Thiền viện ở tuốt trong xóm, khuất lấp bởi những vạt rừng tràm và những lùm cỏ tranh cỏ lau phất phới cờ bay. Trời tối là nhà nhà đóng cửa ngủ yên chẳng có mấy xe chạy vùng vằng như ở ngoài quốc lộ, một hơi thở thiệt mát thổi lên từ khoảng rừng quá khứ còn sót lại, thổi qua mấy nóc nhà dân, rồi đến nóc chùa đĩnh đạc. Chánh điện một vài ngọn đèn đủ soi bóng ngồi thiền tỉnh táo, chung quanh êm ru. Đêm càng sâu thì ngồi càng yên. Thông lệ ngồi thiền đêm thành đạo không biết soạn ra từ năm nào, từ lớp Viên nào mới xuất gia? Chỉ biết ngày đó thì tất cả hớn hở thay đồ công tác, mặc đồ mới nếu còn để dành kịp. Vì là một ngày được nghỉ ngơi tự do, không phải làm lu bu, không phải bị đám rau đám ruộng kêu giật ngược. Buổi chiều nhà bếp đã chuẩn bị nào sữa, bánh, cà phê bày trên bàn, có trà xanh, trà Thái Nguyên từng bình to. Sắp ra trận mà. Có thêm một vài cư sĩ đến tu ké, mỗi người hùn một chút nhiệt tình.

          Thức một đêm, không làm gì chỉ có việc tọa thiền, đối với tôi ban đầu dường như là một việc quá sức. Từ hồi nhỏ tới lớn tôi quen ngủ như gà, 9 giờ là hết cỡ, có thức đêm để học bài cũng lõm bõm chữ mất chữ còn. Bây giờ một đêm ngồi thiền êm ru không nhúc nhích! À, không bắt buộc như vậy. Khoảng 1 tiếng rưỡi hay 2 tiếng đồng hồ sẽ có một hồi chuông nhẹ để tạm nghỉ 15 phút xoa bóp tay chân rồi ngồi tiếp. Mười hai giờ khuya, cho nghỉ nửa tiếng để mọi người có thể đi uống nước, uống cà phê hoặc ăn bánh. Đó là để cho mấy người nhỏ hay bị xót ruột. Vào quãng đầu canh một canh hai cho đến canh năm, có tiếng hô thiền dõng dạc để xua bớt ma ngủ đang rình rập bên mí mắt. Ba giờ sáng xả thiền, lạy một thời vía Phật Thành Đạo đến khoảng bốn giờ là xong. Mừng nhất lại là cái lưng, dù chân tay xếp lại mà nó chẳng kêu ca, chỉ có cái lưng hơi bị mỏi.

          Ngồi trong đại chúng nghiêm trang có sức cảnh giác rất mạnh. Từ chánh điện, nhà Tổ, bên hành lang đều có từng hàng người ngồi ngay ngắn. Khung cảnh đẹp và có chút gì cảm động. Không ai bảo ai, mỗi người tự đương đầu với chính mình, tự dàn xếp với chính mình. Có người gương mặt bình an nhưng cũng có người thấy là đang gồng mình chịu đựng ghê lắm. Ngồi càng lâu đêm càng khuya, vọng tưởng cũng mệt nên chịu thua không dấy khởi lung tung. Tâm tạm yên nhưng cái thân quen tiện nghi lại càm ràm lên tiếng. Có lúc hắn nói: Chèng ơi! Sao lâu quá không nghe lắc chuông xả? Chắc giám thiền quên rồi, hay cái đồng hồ bị chết! Có ai biết không? Rồi tự an ủi: Thôi thôi rán thêm một chút, ai cũng đang yên lặng thì mình đừng cựa quậy nhá! Và cứ thế đếm từng phút. Chăm chú vào hơi thở để quên bớt thời gian. Một con muỗi bay lảng vảng gần bên, mày sướng nhé bay tự do, ê! đi chỗ khác chơi, đừng bu lên mặt ta. Đang ngồi yên toàn thân thì dù một cái chân muỗi cũng nặng như núi Tu-di. Ôi, giá mà mình được buông chân ra một chút. Những người ngồi quanh mình vẫn tự nhiên im re, ai cũng chỉ có ngồi và ngồi. Buồn cười thật, một thiền sinh chẳng giống ai đang cố ngồi trong đêm này.

          Đêm vẫn yên tĩnh, ngàn sao di chuyển từ Đông sang Tây không một tiếng động. Hơi khuya lạnh khiến cả người tỉnh rụi, ước gì mà khí hậu của mình luôn luôn được mát mẻ hơi lạnh như vầy. Bao nhiêu tâm tưởng chạy đâu mất hết, chỉ thấy một chút yên ổn nhẹ nhàng. Một đêm trôi qua không khó khăn lắm. Có ngồi như vầy mới cảm nhận được cái nỗ lực vô cùng vô tận của người xưa. Đó không phải là chuyện nói suông, mà phải thực hành đến nơi đến chốn để biết việc buông bỏ thân tâm không phải một sớm một chiều là xong.

          Mỗi năm đến gần tháng Tết, tôi luôn vui mừng đón ngày Thành Đạo với kỷ niệm ngồi thiền suốt đêm. Từng năm rồi từng năm, ngồi bớt nhọc nhằn, buổi sáng ngày hôm sau không cần phải ngủ bù hay dụi mắt kỹ, tôi vẫn thấy chốn an bình này thật là bình an.

- o0o -

Xuân Đã Đầy Cành
Như Đức

          Một Thiền sư Ni đời Đường bút hiệu Mai Hoa Ni viết một bài thơ. Sư nói mình đi tìm xuân, lội khắp đầu non, giày cỏ vương mây khắp chốn. Tìm mùa xuân hay tìm một cành mai, hay tìm một cái gì đó rất đẹp, rất trọn vẹn. Tìm đã đời không ra, quay trở về chợt mỉm cười, té ra cây mai trước sân đã nở đầy. Sư mỉm cười hay nụ mai đang cười giễu cợt Sư? Bài thơ không nói rõ vì thơ vốn ít lời, chúng ta chỉ tự hiểu.

          Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân
          Mang hài đạp biến lãnh đầu vân
          Quy lai tiếu niễn mai hoa xú
          Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.
          (Mai Hoa Ni)

          Tạm dịch:

          Trọn buổi tìm xuân chẳng thấy đâu
          Giày gai đạp nát đỉnh mây cao
          Trở về cười ngất hương mai rộ
          Xuân ở đầu cành rõ biết bao.

          Các Thiền sư Ni cũng ít nhiều thích trồng hoa. Xem việc chăm sóc hoa kiểng như một công phu học đạo, rất chí tình, rất khổ công. Để đáp lại, xem Sư được gì:

          Thổ lai kiêm quán thủy lai tài
          Điên đảo công phu nhậm ngã lai
          Mãn viện xuân phong hoa tự ngữ
          Bất tương nhan sắc hướng nhân khai.
          (Siêu Nhất Tử)

          Siêu Nhất Tử có thể chỉ là biệt danh. Sư là con gái họ Ân, góa chồng sớm, đóng cửa học đạo. Ba năm sau, Sư ngồi tịch. Bài thơ trên là một trong những thi phẩm để lại. Ba năm học đạo, Sư nhận ra rằng những khổ công của mình rốt cuộc không thành vấn đề gì cả. Nếu có một cái gì để chờ đợi thì làm sao thanh thản ra đi.

          Bao phen gánh nước vun trồng,
          Nhọc công chăm sóc mặc tình đảo điên.
          Gió xuân thổi mát đầy hiên,
          Hoa cười nhắn nhủ: Chẳng riêng vì người.

          Hoa có tư cách riêng của hoa, khi muốn nở thì dù giữa núi rừng hay trong chốn nhân gian cũng tự nhiên khoe sắc. Không thích nở hoa thì dù ở vương cung trong thượng uyển, lệnh vua nghiêm nhặt cũng cứ khép cánh. Một ngày mùa đông, Võ Tắc Thiên muốn ngự giá thăm hoa, vua ra lệnh cho tất cả hoa trong vườn ngày mai phải nở. Tất cả đều y lệnh, chỉ có Mẫu đơn lạnh lùng không chào đón, vua ra lệnh đày hoa xuống Giang Nam. Đó là chuyện theo các cụ xưa kể lại, chúng ta có thể nghĩ rằng lúc ấy, Võ Tắc Thiên thương Mẫu đơn chịu không nổi cái lạnh miền Bắc cho nên đưa xuống Giang Nam khí hậu ấm hơn. Hảo ý của nhà vua có thể bị hiểu lệch đi. Xưa nay vẫn thế, việc gì được lòng thiên hạ thì đều được tán thưởng, việc gì thiên hạ không ưa thì hoa cũng bị đưa vào cuộc.

          Trần Thánh Tông, ngày xuân đi qua vườn cũ trong cung, có thể đó là một nơi đã lâu không người qua lại nên rêu phong cổ kính, và giữa cái u trầm tịch mịch của một ngày đáng lẽ phải rộn ràng, những cành hoa xuân cứ chúm chím mừng xuân, bất kể là có người hay không có người.

Cung viên xuân nhật ức cựu

          Cung môn bán yểm kính sinh đài
          Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai
          Vạn tử thiên hồng không lạn mạn
          Hoa xuân như hứa vị thùy khai?
          (Trần Thánh Tông)

Ngày xuân trong vườn ngự nhớ người cũ

          Cửa cung nửa khép, đường rêu phủ,
          Ngày lặng đìu hiu vắng bóng người.
          Muôn tía nghìn hồng đua rực rỡ,
          Hoa xuân dường ấy nở vì ai?

          (Nam Trân dịch)

          Chuyện của con người muôn thuởrắc rối, hãy bắt chước như hoa chẳng để tâm.

          Ni Chánh Giác người Triết Giang. Sư trải qua cuộc đời thiếu nữ quý tộc, kết hôn với một học giả trẻ tuổi, rồi sớm làm Ni trong tu viện Pháp Âm. Thân thế phù du như mưa mùa xuân, hoa buổi sớm, đến đến đi đi cứ mặc tình. Khi thâm ngộ chỗ an bình xưa nay thì cứ để mọi sự trôi qua thanh thản.

          Xuân triêu hồ thượng phong kiêm vũ
          Thế sự như hoa lạc hựu khai
          Thối tỉnh bế môn chân lạc xứ
          Nhàn vân chung nhật khứ hồi lai.
          (Chánh Giác)

          Trên mặt hồ mùa xuân, gió và mưa thổi nhẹ
          Hoa rụng cánh rồi đâm chồi, hoa lại nở
          Việc đời xưa nay là như vậy
          Ta một mình đóng cửa, tâm thôi nghĩ ngợi
          Để mặc mây trời trôi tự do.

          Đi suốt mùa xuân, với những cành hoa nở rộ, rồi một mùa qua, hoa gởi lời tạm biệt. Những bài thơ tâm sự theo hoa chỉ là một chút văn chương trong cõi tạm.

- o0o -

Thiền SưMùa Xuân
Như Đức

          Đối diện mùa xuân các thiền sư cũng thường làm thơ. Thiền sư Thanh Viễn Phật Nhãn có tám câu:

          Ngày xuân xuân trong núi
          Việc xuân thảy đều xuân
          Hồ xuân ánh xuân chiếu
          Khí xuân kết mây xuân
          Khách xuân lòng xuân động
          Thơ xuân xuân càng tươi
          Chỉ có người biết xuân
          Muôn kiếp một mùa xuân.

          Dàn trải nét hân hoan tươi mới khắp tận núi khe sông hồ, đâu đâu cũng thấy một màu xuân. Nếu để lòng buồn vui theo cảnh, đó gọi là khách của mùa xuân, mãi mãi không tự dừng, nên bị gọi là xuân khách. Như giới trẻ chúng ta ăn mặc theo mùa gọi là thời trang, không biết trong cuộc chơi này mình là chủ thời trang hay bị thời trang làm chủ. Trước mắt là thấy mình luôn làm khách hàng vào mấy shop. Cần có một lời nhắc ở đây: Phải là người biết xuân. Người này nắm được nguyên lý tột cùng chi phối vũ trụ, người cùng vận hành với muôn vật, cùng tang thương biến đổi nhưng không bao giờ mất nét xuân xưa, nên gọi “Muôn kiếp một mùa xuân”.

          Một năm trôi qua thật nhanh, mới thấy ngày mồng một Tết rộn rịp chúc tụng, người người nói những lời tốt đẹp, hy vọng một năm toàn là phát tài, hỷ sự. Ngày đầu năm mới, người ta thích tất cả đều mới. Nhà thơ Lâm Xuân Thi nói:

          Nếu không phải ngày mồng một
          Anh mặc chi áo mới may này.
          ...
          Nếu không phải là ngày mồng một
          Chưa chắc em nở nụ cười này.

          Thiệt cũng có những nụ cười phải để dành cho ngày đầu năm, cũng như ngày đó đừng nói những chuyện xúi quẩy sợ “dông” cả năm, hay là đừng quét nhà sợ tiền tài bay hết. Bao nhiêu là chuyện cho ngày mồng một. Vậy mà, qua mồng hai mồng ba, cái mới tinh khôi đã phai nhạt, cái trang trọng bớt trang trọng, cái cũ dần dần chiếm chỗ. Thoắt cái đến Rằm tháng Giêng đi chùa Bà Bình Dương; rồi xúm nhau đi Dinh Cô Long Hải, tháng Hai; núi Tà Cú Phan Thiết tháng Tư. Giới xe khách bận rộn vào vụ mùa. Sẽ thấy mùng Năm tháng Năm, rồi Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Tám trung thu trăng tròn. Khi Rằm tháng Mười xuất hiện là người ta lo chạy tiền ăn Tết. Không thể đi, phải chạy mới kịp, dù biết chạy là thời gian cũng qua mau.

          Hòa thượng Quản Giám nói kệ:

          Năm trước gặp thanh xuân
          Mặt hồng khoe đào lý
          Năm nay gặp thanh xuân
          Tóc bạc đầy cả mái
          Người đời tuổi bảy mươi
          Nhanh như dòng nước chảy
          Chẳng ngộ tâm xưa nay
          Sanh tử nào thoát khỏi.

          (Thơ kệ TS. Trung Hoa - HT. Thanh Từ dịch)

          Những khứ niên (năm đã qua) kéo nhau đi mất, tuổi trẻ một thời trôi qua, mấy đứa trẻ hàng xóm ngày nào còn cỡi trâu, chăn bò đen nhẻm, thoắt một cái đã thành thanh niên thiếu nữ. Nhìn thấy nó lớn là biết mình đã già. Xuân năm nay rồi cũng thành khứ niên, tóc bạc không từng xanh lại - trừ khi nhuộm. Thiền sư nhìn một đời người chảy nhanh như nước cuốn ra biển, một đời như thế, trăm ngàn đời cũng thoáng nhanh. Có một người xưa nay y như vậy, không đổi khác, người đó rất gần với chúng ta.

          Với năm mới, chúng ta nói là mình thêm một tuổi, thiền sư Thiên Tùng nói là tuổi ta giảm một năm:

          Sáng nay đều nói thêm một tuổi
          Tôi bảo ngày này bớt một năm
          Thêm bớt lại qua số khôn tính
          Chỉ cần dứt sạch duyên thế gian
          Cốt là biết được trong duyên chủ
          Trăm ngàn ức kiếp thường an nhiên.

          Bốn mùa thay đổi là duyên của vạn vật. Tuổi trẻ sắc tươi, tuổi già khô héo là duyên của thân người, biết được người chủ trong muôn duyên biến đổi mới không bị biến đổi.

          Thiền sư Pháp Diễn một hôm nói:

          - Hôm qua sơn tăng vào thành thấy một đám múa rối, bèn đến gần xem. Thấy bọn họ có kẻ xinh đẹp phương phi, có kẻ xấu xí dị hình, cả đám tới lui đi đứng lăng xăng, điệu bộ ra phết. Xem kỹ té ra có người điều khiển sau tấm màn. Sơn tăng không nhịn được bước tới hỏi y: Ông tên họ gì? Y bảo: Hòa thượng già này, thấy rồi thì thôi hỏi tên họ làm gì?

          Cái gọi là đời sống của chúng ta, gẫm ra là một tuồng múa rối lăng xăng, ngày lẫn đêm bị người giựt giây không thôi. Nhìn được người giựt giây này, không cần biết họ tên, bởi vì một khi gọi tên là từ đó tang thương đìu hiu.

          Hỏi tên rằng biển xanh dâu
          Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
          Gọi tên rằng một hai ba
          Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm.

          (Bùi Giáng)

          Thiền sư và thi sĩ vốn ít lời, vì biết rằng khi lập danh là xa đạo. Nhưng chính vì chúng ta ngây ngô quá đỗi, hóa ra các vị lại là người nói nhiều hơn ai hết. Thử đọc Ngữ lục của các thiền sư và các tập thơ của thi sĩ. Ngài Pháp Diễn có một đệ tửPhật Quả Viên Ngộ, xuất thân Nho học, từ nhỏ mỗi ngày nhớ được cả ngàn lời. Làu thông kinh sử như vậy, khi đến học với ngài Pháp Diễn, nghe thầy nói chuyện với quan Đề hình về câu thơ Tiểu Diễm:

          Từng kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc
          Chỉ cốt anh chàng nghe được thôi.

          Tiểu thư trong nhà luôn gọi người hầu Tiểu Ngọc, không việc gì khác ngoài việc ra ám hiệu cho anh chàng ngoài kia. Thời nay chắc không cần phiền phức thế, chỉ cần bấm di động là được. Ngài Pháp Diễn nói chuyện đó, có khi muốn nhắc thị giả Viên Ngộ, vốn là người hay thơ giỏi chữ. Quả nhiên sau chuyện này, Viên Ngộ chợt tỉnh, sư làm kệ trình thầy, một bài kệ như thơ, lời ý đẹp mơ màng.

          Mùa xuân lại về, người và vật thay áo mới. Thiền sư cũng theo nhân tâm khen ngợi mùa xuân, nhưng chủ ý không phải khen suông, muốn nắm tay dắt chúng ta trở về chỗ mới mẻ nguyên sơ, chỗ Xuân bất tận ấy. Chỉ hiềm đời sống đa đoan, để bao nhiêu lần Tết đến Xuân về, chúng ta chỉ mãi là trẻ con mừng áo mới.

- o0o -

Ý Xuân Trong Kinh
Như Đức

          Vào năm mới, chúng ta thường chúc nhau: hạnh phúc, bốn mùa bình an, phát tài phát lộc... Những lời chúc đó là ước vọng, mong muốn chung của tất cả. Chúng ta gọi nó là miền hạnh phúc, cõi bờ hạnh phúc, và có lẽ suốt cuộc tồn sinh đều là đi tìm hạnh phúc.

          Cô bé ba tuổi, tóc cột nơ xinh xắn, mặt mày rạng rỡ đưa tay chỉ trên bàn viết của tôi: Kẹo kìa! Trong khi tôi còn chưa nhớ ra mình có bao nhiêu viên kẹo để giữa sách vở ngổn ngang. Chỉ có bé nhận ra nhanh nhất, và hạnh phúc khi cầm viên kẹo thì không thể tả. Cô bé này lớn lên sẽ không cần viên kẹo ngọt, mà niềm vui là lúc xuân về, cùng bạn bè diện áo hoa quần lục, đi chơi phố.

          Thanh minh trong tiết tháng ba
          Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
          Gần xa nô nức yến anh
          Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
          (Truyện Kiều)

          Niềm vui biến thiên theo cá tính từng người, theo thời gian không gian. Khi trẻ vui khác, khi già vui khác, người Việt Nam mừng Tết Nguyên Đán thì bên Tây im re, lặng lẽ đi làm và gọi điện chúc nhau: Happy New Year.

          Khi đức PhậtKỳ Viên, có 500 thầy Tỳ-kheo ngồi ở pháp đường bàn luận về “Điều hạnh phúc nhất trên đời”. Một Thầy nói: Không có gì hạnh phúc bằng làm vua. Thầy khác nói: Chỉ có tình yêu là hạnh phúc nhất. Một Thầy đề nghị: Chỉ có ăn ngonhạnh phúc nhất. Khi câu chuyện đến tai đức Phật, ngài dạy:

          Tất cả hạnh phúc mà các ông kể ra đều nằm trong vòng luân hồi khổ đau. Ngược lại gặp Phật ra đời, được nghe chánh pháp, sống thanh tịnh hòa hợp trong tăng đoàn, những điều ấy là hạnh phúc nhất.

          Đức Phật có lý của Ngài khi nói như thế, vì những điều mà các thầy Tỳ-kheo đề nghị, ngài đã từng nếm trải khi làm thái tử của kinh thành Ca-tỳ-la-vệ. Nếu nó không khổ đau Ngài đâu có bỏ để tìm chân lý. Đi theo dấu chân Phật, để tìm cho mình sự an lạc vĩnh hằng, các thầy Tỳ-kheo đã có nhiều dịp đạt được. Thầy Datta, sống đời khổ hạnh bên bờ sông Hằng, do vậy được đặt tên Gangatiriya (Ẩn sĩ bên sông Hằng). Ngài nguyện không nói với ai, như vậy cả năm. Đến năm thứ hai, một phụ nữ trong làng thường cúng dường Ngài, muốn biết Ngài có câm hay không, nên khi rót sữa cúng bà đổ tràn ra ngoài bát. Ngài mới nói: “Thôi đủ rồi, bà chị!”. Đến năm thứ ba, Ngài chứng quả A-la-hán, nói lên bài kệ:

          Trên bờ của Hằng Hà
          Dùng ba lá thốt nốt
          Ta dựng lên cho ta
          Một chòi lá nho nhỏ
          ... ... ...
          Suốt hai năm sống vậy
          Ta chỉ nói một câu
          Trong khoảng năm thứ ba
          Khối si ám tan vỡ

          Chọn đời sống không có chút gì tiện nghi sung sướng để cuối cùng đạt đến chân lý, sự thật sáng ngời, là hạnh phúc không gì sánh bằng. Do vậy, khi đắc quả A-la-hán, hầu hết các vị đều tuyên bố một cách rất happy: “Ta sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau”. Câu này như một dấu ấn đặc biệt quen thuộc trong hầu hết các kinh Nguyên Thủy. Tới đây coi như cầm được visa đến vô sanh, Niết-bàn. Pháp cú 204 nói:

          Không bệnh lạc tối thượng
          Biết đủ, giàu tối thượng
          Thành tín, bạn tối thượng
          Niết-bàn, lạc tối thượng.

          Niết-bàn có nơi chốn riêng hay không? Nơi nào khổ đau chấm dứt, nơi đó là Niết-bàn, thiền sư Ajahn Chah nói: Chúng ta không hành thiền để thấy Niết-bàn, nhưng để chấm dứt khổ đau (We don't meditate to see heaven, but to end suffering). Tổ sư Trung Hoa nói: “Cầm một cọng cỏ để tạo nên thân Phật”. Có thể thấy Niết-bàn quanh ta, một cọng cỏ mùa Xuân, một cánh bướm lượn, hoặc đôi mắt trẻ thơ. Khi tâm trong sáng không vướng chút xíu ý niệm phân biệt, ta sẽ không tự hỏi đâu là Niết-bàn hay chẳng Niết-bàn. Nhà thơ Masaoka Shiki khi nhìn những ngọn núi xanh biếc, bỗng liên tưởng đến một giỏ cỏ non mềm:

          Giỏ đầy cỏ non
          Như núi mùa xuân
          Núi xa xanh biếc
          Như tầng cỏ xuân

          Thật ra vì cảm giácđời sống này bất toàn, khổ đau, hạnh phúc mong manh chưa kịp làm gì đã thấy già chết, chúng ta bèn vọng tưởng đến một chốn địa đàng, thiên thai của Lưu Nguyễn, cũng như phim ảnh giả tưởng về siêu nhân cứu người trong chớp mắt.

          Có một cảnh giới Đại thừa Bồ-tát không nói đến việc tái sanh hay chẳng tái sanh, hạnh phúc hay chẳng hạnh phúc, mà chỉ chăm chăm làm việc vì lợi ích cho mọi người. Như Bồ-tát Địa Tạng tình nguyện vào chốn địa ngục “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”, ngài A-nan thì:

          Nếu còn một chúng sanh chưa chứng quả
          Thì Niết-bàn con đâu dám tự an.

          Các vị Bồ-tát trong phẩm Tùng Địa Dõng Xuất (kinh Pháp Hoa), khi đến gặp Phật thì hỏi thăm: Thế Tôn ít bệnh, ít não, chúng sanh dễ độ chăng? Lấy sự an vui của người khác làm hạnh phúc của mình, con đường Bồ-tát là dọn dẹp gai góc, kiến tạo cảnh tốt đẹp cho mọi người cùng hưởng, có thể mình cũng đang còn đau khổ nhưng không quan trọng lắm.

          Kinh Lăng Già đề nghị phương pháp tu tập hữu hiệu để thực hành Bồ-tát đạo. Quán sát thân tâm cảnh giới như huyễn mộng, phù vân.

          Ta người như móc cũng như sương
          Phàm Thánh như sấm cũng như chớp

          (Tuệ Trung Ngữ Lục)

          Hành giả như thế sẽ được ở trong “Như huyễn tam-muội”. Danh từ Tam-muội là để chỉ trạng thái vững chắc không lay động, mọi vật chung quanh cũng vào tam-muội như mình, không bị phân tán. Dùng trí huệ Bát-nhã chiếu thẳng vào sự vật, thấy chúng hiển lộ tánh không, vì chúng tánh không nên lung linh hòa quyện.

          “Hà Nội mùa Thu, mùa Thu Hà Nội, mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió, mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ... (TCS)”. Hà Nội tánh Không, mùa thu tánh Không, chẳng từ chối mùa hoa sữa, mùa cốm xanh... Dùng hình ảnh chút xíu để cho bài kinh bớt khô khan.

          Lời thưa hỏi của Bồ-tát Đại Huệ luôn luôn hướng đến mục đích độ thoát chúng sanh: “... Con và các đại Bồ-tát xa rời vọng tưởng rồi, mau chóng thành tựu đạo Vô thượng giác, làm cho tất cả chúng sanh an lạc, đầy đủ trọn vẹn...” Như thế qua mỗi trang kinh, khi đức Phật dạy xong một vấn đề, ta lại thấy mùa Xuân, sự thiện lành an ổn hiện diện, qua hình ảnh người dấn thân vào đời làm tất cả việc, khuyến hóa dìu dắt mọi loài cùng đi đến chốn Xuân. Kinh văn gọi là “Bồ-tát luôn hiện diện trong mọi cõi nước Phật. Bồ-tát nghe dạy về Phật pháp, biết mọi vật đều như huyễn mộng, bóng trong gương, hoa nắng... Bồ-tát rời bỏ khái niệm sanh diệt, thường còn hay tắt mất, được thảnh thơi trước mọi hiện tượng... Sẽ ra vào các cung điện cõi trời để tuyên dương Tam bảo, sự có mặt của Bồ-tát nơi đâu cũng là sự hiện diện của chư Phật, nên được mọi bậc Thánh Hiền chào đón...” Những lời tán tụng như là “Ngồi trên hoa sen báu, ở trong cung điện bằng báu, cùng quyến thuộc nghe kinh dự hội...” đều là mô tả một cảnh giới thành tựu mọi điều tốt đẹp.

          Mùa xuân hay năm mới là để bắt đầu cho những gì tốt đẹp, hạnh phúc. Đức Phật không nói đến thời gian, nơi chốn, nhưng những điều Ngài dạy luôn luôn là xây dựng cõi nước trang nghiêm vĩnh hằng. Ý xuân ở trong ấy.

- o0o -

Hoa Đào Năm Cũ
Như Đức

          Nhân diện bất tri hà xứ khứ
          Đào hoa y cựu tiếu Đông phong

          Sáng nay, đẩy cánh cửa sổ về phía mặt trời mọc, một cành đào trụi lá vươn ra trước mắt tôi. Tiết Đông-Xuân lạnh sơ khởi nhẹ nhàng, như vậy đủ quý rồi, ở đất này không thể đòi hỏi có mùa Đông. Những cành đào rừng chỉ cần bấy nhiêu đó, đủ để nở những chùm hoa đón Tết. Hơn hai mươi năm, những dấu tích cỏ dại của một thời khai hoang đã mất hút, đã trốn biệt tăm. Chung quanh chùa, vườn cây xum xuê hoa trái, đất phẳng phiu sạch sẽ như thể được lau bằng khăn mặt mỗi buổi sáng. Ai biết vào những năm xưa cũ, trong chốn cỏ cây mịt mù có một cái chùa lá, và một nhúm người đang đào đất, dọn cây, tỉa lúa rừng theo kiểu dân du mục?

          Buổi chiều, chúng tôi bưng mỗi người một tô cơm nguội, trên mỗi tô cơm là miếng khô in bằng xác và vỏ đậu nành nướng xém xém và lăn qua một lượt nước tương. Ngồi trên mấy gốc cây cạnh nhà, vừa ăn vừa nhẩn nha tính công việc, ai cũng có thể góp ý kiến theo cách suy nghĩ của mình, không ai khôn hơn ai, nên chỉ làm việc cầu may. Lúc đó, tôi làm tổ trưởng; trong tổ cũng toàn dân khẩn đất hoang, và làm chủ hộ cho mười mấy huynh đệ, đang ăn vội ngừng khi nghe tiếng chú Thanh đạp xe lọc cọc tới gần: - Cô “Dơn”, tối nay ra ấp họp.

          Một huynh đệ mời: - Chú Thanh vô uống nước.

          Chú Thanh xuề xòa theo kiểu người Hoa, quay xe trở ra, nói: - Thôi, tui phải chạy qua báo bên ông Phú.

          - Chú nhắn giùm nhà Hùng - Tài bên suối luôn nghe.

          Chú Thanh làm thơ ký kiêm nhân viên thông tin cho bác Hai Phòng, trưởng ấp. Làm việc không có đồng xu lương nào, nhưng mỗi lần có cuộc họp hay thương nghiệp bán vải, bán dầu ... chú đều nhanh nhẹn đạp xe chạy khắp mấy tổ ở xa cho hay. Đương nhiên ở cái chỗ ít ai vào tới như chúng tôi, chú là khách quý được tiếp đón long trọng.

          Buổi tối các huynh đệ “thướng lâu”, tức là leo lên cái sàn gác rung rinh, chuẩn bị thời kinh Bát Nhã. Tôi xách cái đèn bão, rủ thêm tiểu Thu đi ra ấp. Mấy nhà ở gần đó, hai ba người lác đác cũng đợi đi cho vui. Con đường ban đêm đầy những đom đóm, mấy lùm bụi cỏ tranh, cỏ lau cao ngất nghểu chen với lũ đom đóm chập chờn, chúng tôi vừa đi vừa nói xì xào, sợ động đến lũ cây rừng đang hóng chuyện. Trụ sở ấp không có; ban ngày có việc gì, dân chạy đến nhà bác Hai, muốn hội họp phải đợi buổi tối, mượn trường học và mượn luôn cái trống làm hiệu lệnh. Họp ban ngày dân ít khi đi đầy đủ vì nhà nào cũng bận công chuyện. Ban đêm mát mẻ, một cây đèn dầu lớn để trên bàn, bác Hai làm chủ tọa, dân ngồi đứng tự do đủ kiểu, thân mậtquen thuộc nhau cả, không cần khách sáo. Có thể bác Hai đang đọc một cái thông báo, một ông đứng gần đó chồm lên cây đèn dầu mồi thuốc, điếu thuốc vấn tay to bự bắt lửa rất lâu, nhưng không cản trở gì đến cuộc họp. Tôi quen với cung cách giản dị này, cũng ngồi hòa với mấy bà mấy thím nghe họ bàn chuyện công cấy công gặt. Chúng tôi thành công dân chính thức của ấp Hai, đi dự họp, đi công tác chung với cả ấp, và thỉnh thoảng xách sổ đi mua đồ thương nghiệp, đàng hoàng an ổn như thế này là nhờ bác Hai Phòng. Nhớ những ngày đầu tiên xuống phá rừng, chúng tôi lớ ngớ giữa khung cảnh xa lạ, phần ỷ y vào mấy câu thơ: Mai sau trời đất thái bình/Vào lưng núi phượng một mình túy ca/Gây giàn thiên lý vàng hoa... (PTT), và phần lo trồng lúa, làm cỏ lúa cho kịp với cỏ rừng, chúng tôi không để ý đến giấy tờ. Cho đến ngày du kích ấp vào xét giấy, mới khám phá ra chúng tôi không có hộ khẩu. Vậy mà cả gan ở trên đất người ta, cất nhà dọn rừng, tỉa lúa ngang nhiên... Du kích báo về ấp, bác Hai đi vô gặp chúng tôi, nheo nheo một con mắt nhìn qua khung cảnh, và nói nhẹ nhàng: - Mấy cô ra nhà, tôi làm giấy tờ hộ khẩu cho, nhớ xin giấy chứng nhận ở chỗ cũ của mình.

          Đi ra nhà bác, té ra là cái nhà mà ngày đầu tiên chở đồ xuống, giữa một đống bao bị tay nải, lu hũ soong nồi lỉnh kỉnh, chúng tôi được ngoắc vào cho mượn cái xe đẩy. Và luôn cả những lần sau, lần nào đi chợ tha đồ đạc về xây tổ, chúng tôi đều được bác chủ nhà đôn hậu cho mượn xe, có khi cả xe đạp để thồ đồ. Từ ngoài đường vào đến chùa, qua hai cái dốc, con đường mòn mấp mô dấu xe bò, có đi và có xách nặng mới biết ơn chiếc xe mộc mạc, sẵn lòng cho mình chất đồ lên đó, lôi kéo kiểu gì cũng được, miễn là nhích từ từ trên đoạn đường xa. Ở yên trong mấy tháng đầu để xây dựng cơ ngơi, vừa mơ mộng vừa làm việc, chúng tôi cũng không biết mình đã mang ơn bác Trưởng ấp. Sau này bác mới nói: - Tôi biết mấy cô vô dọn rừng, nên nói anh em du kích từ từ xét giấy, không thôi dễ gì mấy cô ở yên.

          Mảnh đất mà chúng tôi cắm dùi nằm trên địa bàn ấp Hai, hồi xưa nổi tiếng một thời địa danh “Quán Chim”, xe từ Vũng Tàu về ít ai dám qua sau 4-5 giờ chiều. Dân địa phương, ban ngày là những thanh niên mộc mạc, đánh xe bò bình dị chở củi chở than, đêm tới tay nắm súng bảo vệ rừng. Danh từ “Du kích” chỉ là kỷ niệm của thời chiến tranh, họ quen dùng với một niềm tự hào. Dĩ nhiên họ biết rõ khu rừng chúng tôi đang khai phá và biết rõ về chúng tôi. Sau đợt xét giấy đó, chúng tôi được cấp hộ khẩu và mới biết bác là trưởng ấp, chú ba Chình là công an ấp... , những điều mà đáng lẽ một người dân mới đến phải biết trước tiên. Người ta nói an cư rồi mới lạc nghiệp thiệt đúng. Chúng tôi tin tưởng vào bác trưởng ấp nhân hậu, mọi thứ chuyện rắc rối về giấy tờ đều chạy đến bác, giải quyết xong về cầm cây cuốc tiếp tục. Đi chợ hay đẩy xe xay lúa đường xa, ghé vô nhà bác kiếm miếng nước uống, tìm cây búa đóng lại cây đinh guốc sút sổ. Nhà bác chỉ có hai vợ chồng già, một mảnh sân vườn cây lơ thơ, nhưng lúc nào cũng ấm áp đối với bà con trong xóm, nhất là với những hộ mới đến.

          Một hai năm đầu, ban tri viên trồng vài thứ bông vạn thọ, mồng gà hoặc sao nháy để làm vui khung cảnh sân viện, để mấy ông thợ rừng ít ra cũng biết đây là chùa ni cô, nhưng vẫn còn thấy thiếu một thứ gì đó, đặc biệt vào những ngày cuối năm. Rồi một bữa, Diệu Tánh đạp xe đi đâu về, chị Hạnh Thanh ngồi sau lưng, tay cầm một nhánh đào rừng đầy nụ. Chị Thanh bình thường làm việc rất ngầu, hôm đó lại cười thật tươi, chỉ thua cành đào trên tay chút xíu. Cả chúng ùa ra đón, khen sáng kiến của chị. Chẳng là vài hôm nữa Tết tới, phải có cành mai hay cành đào mới báo được tin Xuân. Không có cái bình tương xứng nên xách đại cái thùng nước hai chục lít để chưng bông. Cành đào to rộng, trải những nhánh hoa dày đặc làm sáng trưng cả nhà. Sau Tết, chị Thanh ra nhà bác Hai xin về một nhánh cây đào mập mạnh, chị chặt ra từng khúc, ghim thành hàng dọc theo đường đi. Ban đầu chúng tôi e ngại chúng sống không nổi. Hồi trước, Hạnh Giải có trồng mấy bụi cúc vàng, chắt chiu chăm bón mà vì rễ cây rừng lấn quá, chúng tiu nghỉu thấy tội nghiệp, sau đó phải thế bằng mấy thứ hoa mạnh dạn hơn. Còn trồng kiểu như ghim hom mì thế này, hai ba ngày tưới sơ miếng nước! Nhưng cây đã bén rễ nhanh, đâm chồi và lớn mạnh sởn sơ. Và khi đợt hoa đầu tiên của chúng nở rộ, huynh đệ trong viện mừng rỡ, người này nói với người kia: - Cây đào nhà mình nở bông rồi.

          Câu nói được chuyền đi chuyền lại, làm như không nói chịu không được. Sáng sớm, trước khi vác cuốc ra ruộng, cả đám còn nấn ná bên mấy gốc đào. Chiều về ngắm nó từ xa, những chùm bông khỏe mạnh chen lẫn trong cây rừng, hình như ai cũng vui vì có một thứ cây mọc với rừng mà được thuần dưỡng bởi tay người.

          Chúng tôi thay đợt nhà đầu tiên, có một cái gác bảnh bao hơn, tuy vẫn là vách đất mái tôn. Đã có thêm nhiều hộ dân đến lập nghiệp, “chọn nơi này làm quê hương... dẫu khó thương”. Những đống lửa dọn rẫy ban đêm bập bùng xa xa, dù cho miền đất này không trù phú lắm nhưng vẫn là chỗ tựa cho những gia đình cần cù. Đông người mới, tình hình phức tạp, phải vừa mở rộng đất canh tác cho ấp, vừa canh chừng an ninh trong dân, bác Hai vẫn chân tình đối với hết thảy, như một già làng thương cư dân của mình. Cảm tấm lòng của bác, chú Huỳnh Tần làm bài thơ cho chúng tôi xem: ...Lúc dân cần, nửa đêm bác dậy/Ký giấy tờ mộc lận bên lưng/Không nề gian khổ khó khăn/Sao cho dân được dễ dàng, bác vui...

          Hình ảnh người trưởng ấp mộc lận lưng rất sống động; mà thiệt, bác hay bị mọi người chặn lại xin chữ ký giữa đường, vì cái ấp mênh mông quá, có khi tìm bác không ra.

          Cây đào hiện nay của viện thuộc hàng cháu chắt mấy đời của cây đầu tiên. Mỗi lần nới rộng sân nhà, chúng tôi lại trồng kèm thêm ít cây đào. Bác Hai vắng bóng; sau khi nghỉ việc, bác về Hà Nội và mất ngoài ấy, chúng tôi không có dịp thắp nén hương cầu nguyện, đưa tiễn. Hoa đào mỗi năm vẫn đúng hẹn, và như trong bài thơ của Thôi Hộ, nó hay gợi lại hình ảnh cố nhân. Cố nhân ở đây không phải là người đẹp có gương mặt hoa đào, mà là một ông già trưởng ấp đầu tiên của chúng tôi.

- o0o -

Mùa Xuân Đi Đâu
Như Đức

          Đến một tuổi nào đó, người ta thấy mùa Xuân thấy Tết tới mà trong lòng không còn mừng vui rộn ràng, trái lại chỉ thấy đủ thứ lo âu bận bịu để sắm sửa cho ba ngày Tết. Đó là lúc “Mới biết xuân xưa vừa mất hút. Mặn mà giọt lệ ướt viền môi...” Tuổi thơ qua, mùa Xuân đời người cũng qua. Hồi còn nhỏ được chút đỉnh tiền lì xì, đi ngang mấy đám bầu cua cá cọp, biết là không chắc ăn lắm nhưng vẫn cứ nhào vô. Đặt tiền dè dặt, rút trong túi đồng tiền mới tinh mà lòng còn thấy tiếc, hồi hộp nhìn theo tay nhà cái lúc mở cái tô có mấy con ở trong. Một lần được hai ba lần thua, trò vui không có gì đặc biệt mà vẫn mê, lúc đó đâu biết trời đất gì chung quanh. Ba má kêu năm lần bảy lượt mới chịu về nhà. Kinh Pháp Hoa nói về nhà lửa chắc cũng vậy. Ông Trưởng giả thấy đám con mình chạy nhảy vui chơi trong cái nhà gần sập, lửa cháy một bên mà không cách chi kêu nó ra cho được. Phải tìm một trò chơi khác ở ngoài cửa, lúc đó mới dụ dẫn đám con chạy ra.

          Rời bỏ trò chơi thế gian, chúng ta ở trong một trò chơi khác, một phương tiện lập bày của Phật. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Ta xem địa vị vương hầu như bụi qua khe cửa, xem vàng ngọc quý báu như ngói gạch, xem y phục lụa là như vải rách, xem thế giới Đại thiên như một hạt cải, xem nước ao A-nậu (Anavatapta) như dầu xoa chân, xem các môn phương tiện như đống châu báu hóa hiện, xem pháp vô thượng thừa như mộng thấy lụa vàng, xem Phật đạo như hoa đốm trước mắt...” Bản kinh này, những người xuất gia sơ cơ đều có học, đem ra đây suy gẫm nhân nói về trò chơi trẻ con, vẫn thấy lý thú. Hình như con nít bây giờ đâu còn mê những thứ cũ xưa, chúng có những thú vui hiện đại, hấp dẫn quên ăn quên ngủ, muốn dắt dẫn được chúng phải là một game thủ siêu quần. Tất cả được diễn ra trên màn hình vi tính, như một màn ảo hóa. Phật, Bồ Tát tùy theo sự ưa muốn của chúng sanh mà đem cho tùy theo căn cơ thời đại, chúng sanh thời này mê vi tính nên chắc các ngài cũng thâm nhập thế giới @.

          Ngoài ra những tiêu chuẩn trên đây cũng rất đáng kể. Địa vị chức tước, ai cũng mong cầu, với Phật thì chỉ như bụi bặm lăng xăng. Y phục lụa là, thời trang xum xuê cũng là vấn đề nổi cộm, Phật lại ví như vải rách. Mấy người thích đi du lịch, thăm viếng hết năm châu bốn bể, chinh phục núi cao, lặn xuống biển sâu, với đức Phật những thứ ấy là chuyện nhỏ. Nhìn thế gian thấy tận tâm can, vượt qua hết những điều đáng nói nhất thì chắc phải là bậc tu hành ghê gớm.

          Bước vào đạo, thử xem được gì? Thiền sư Hy Thiên vốn là đệ tử Lục Tổ Huệ Năng, sau khi Tổ nhập diệt, Ngài tìm tới sư huynhThiền sư Hành Tư. Ngài Hành Tư hỏi:

          - Ngươi từ đâu đến?
          - Từ Tào Khê đến.
          - Ngươi được cái gì từ Tào Khê?
          - Trước khi đến Tào Khê thì tôi thiếu cái gì?
          - Vậy thì ngươi cần gì đến Tào Khê?
          - Nếu không đến Tào Khê thì sao biết cái gì cũng không thiếu!

          Biết mình có sẵn đủ, nhưng cũng phải nhờ thiện hữu tri thức khai thị mới nhận ra, đó là ý của câu chuyện. Phật sau khi quán các pháp thế gian đều hư huyễn, thì quán các pháp xuất thế cũng như mộng: “Xem pháp vô thượng thừa như mộng thấy lụa vàng, xem Phật đạo như hoa đốm...” đem hết phương tiện để dắt lũ con ham chơi ra khỏi chỗ nguy hiểm, dù có đến được Niết-bàn thì cũng như trò đùa, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.

          Dù biết cuộc đời như mộng, chúng ta vẫn thích giấc mộng đẹp. Trong một năm mùa xuân là mùa đẹp nhất. Ở phương Nam này, những tháng gần Tết được xem như mùa xuân. Khí trời mát mẻ dễ chịu, buổi sáng hơi lạnh để có thể diện thêm chiếc áo khoác, buổi chiều gió rủ rê những con diều, một thời những cánh diều cuối năm bay nhàn nhã ngoài đồng ruộng. Người ta bỗng thấy muốn đi chơi đâu đó, muốn đi chỉ vì nắng trong vàng thúc dục, hay chút hơi lạnh gởi xuống từ trời xa. Một nhà hiền triết Trung Hoa, thấy trời xuân có chút tuyết rơi đẹp, nảy ý định đi thăm người bạn. Ông đi mất cả ngày mới tới nơi, nhưng vừa tới cửa nhà bạn đã quay về, thậm chí không cần gặp bạn. Thiệt là thích thú khi sống cuộc đời như thế.

          Càng gần đến cuối năm không khí Tết càng rộn ràng thúc hối. Người ta đi suốt ngày ngoài đường, mua bán giao dịch, sắm sửa chọn lựa vì Tết. Ngay cả ăn trộm cũng gia tăng để kiếm tiền xài Tết. Chợ búa lúc nào cũng đầy ắp người, làm như nếu không mua sắm thì không ra vẻ Tết. Tất bật cho đến ngày cuối năm, sau buổi chợ trưa 30 thì đột nhiên tất cả đều vắng hoe. Người ta, hàng hóa, xe cộ đồng loạt biến mất. Cả năm chỉ có không khí chiều 30 Tết là lạ lùng như thế. Dường như có một cỗ xe chở hết tất cả vui vẻ tấp nập, nôn nóng chờ đón, trời đất xênh xang đem đi cất một nơi nào đó, để đến sang năm đợi khi Xuân đến, lại chở về trả cho nhân gian. Bắt đầu từ cuối tháng mười, một chút lạnh... hoa mai, hoa đào...

- o0o -

Nhìn tới nhìn lui
Hạnh Huệ

          Tôi đã 60 tuổi. Theo Y Vân thì đúng một đời người, theo chuyện cổ nào đó thì gấp đôi nghĩa là có cộng thêm 15 tuổi của lừa và 15 tuổi của khỉ.

          Tôi đã hành hạ đời mình như thế nào?

          Có lẽ lúc nào mình cũng cảm thấy chưa được sống đúng như mình mong ước, nhưng mong gì thì mình lại rất mơ hồ.

          Trước khi bước vào tuổi làm lừa thì tôi lại đổi “tông”, đi tu để muốn mình làm Phật. Chuyện đâu có dễ! Nghiệp làm lừa khiến tôi hốc hác đúng 15 năm. Đúng là cắm mặt xuống đất, bán lưng cho trời. Ở giữa một vùng sình lầy gai góc, ăn uống thiếu thốn, khoai nhiều hơn cơm, áo quần vá chùm vá đụp, nhà rách vách nát, biến đổi dần thành một vùng trời mơ mộng thật gian nan, nghĩ đến còn rùng mình. Vậy mà lúc đó mình nghĩ sao nhỉ?

Đã bao phen thay rừng hoang thành vườn đẹp
Đã bao phen ban hố sâu thành ruộng xanh
Vẫn từng biến sầu lo ra hạnh phúc
Vẫn từng soi tăm tối thành quang minh.

          Và gì nữa?

          A ha quanh năm cày với cuốc
          Mà ta vẫn sống như muôn đời an nhàn
          Dân ta phong lưu trong nhọc nhằn
          Cà tương dưa muối nhưng ai giàu hơn?
          Xem ai giàu hơn?
          Dù mưa gió tấm thân này bết bùn
          Mình vẫn tắm nước trong Tào Khê
          Xưa đem quăng sạch hết
          Nay cũng không cần chi
          Kho báu đây cứ tha hồ xài
          Đâu mà không là Tây Lai Ý!

          Cừ thật! Ai bảo mình làm lừa? Chỉ là chuẩn bị làm cái gì cao cả hơn thì trước hết phải làm nhọc cái thân, khổ cái chí của nó vậy thôi. Chư Tổ cũng thường nói: Muốn làm thầy thiên hạ, trước hết phải làm trâu ngựa cho thiên hạ. Chả thế mà những người đẹp như Hạnh Phước, Như Đoan cũng đầu quân vào đây cho chân lún tay bầm, những tiểu thư như Chơn Ngộ, Tâm Lê Thê cũng từ giã phong lưu vào rừng khoác áo cái bang. Mình bây giờ chỉ làm trâu ngựa vì chính mình, thế là ít nhất sẽ làm thầy cho chính mình. Điều này đúng! Mấy ông thầy Đại Đăng khi qua Boston phụ dọn dẹp chuẩn bị lễ khánh thành thiền viện Bồ Đề, mặt mũi lem luốc vì xi măng quét tường tô trần, đóng nẹp, nối ống..., quần ống thấp ống cao, áo vạt cao vạt thấp, đã tức cảnh sinh... thơ rằng:

          Áo em vạt ngắn vạt dài
          Nghiệp em quá nặng bị đày đến đây

          mà cười tươi rói.

          Còn mười lăm năm qua, tôi đổi nghiệp. Hết còn nhúng xuống bùn sình vì em út đông. Mình qua lao động trí óc. Chà! Lao động kiểu này coi bộ còn găng hơn cày cuốc. Đầu óc lúc nào cũng như vật lộn với chữ nghĩa, không còn được hít thở không khí trong lành của ruộng nương, không còn nhiều dịp ngắm trời mây non nước. Thế giới của mình bỗng có chư Tổ, các thiền sư cách cả mấy trăm năm, có khi cả ngàn năm hiện về dạy dỗ nói năng. Ngôn ngữ của các ngài phần nhiều mình không hiểu nổi, vậy mà còn phải thông ngôn lại cho đàn em. Không nhăn như khỉ sao được?

          Thuần Chánh lâu lâu nhận xét:

          - Hình như càng lúc cô càng nóng hơn thì phải!

          Chết chưa! Nhưng mà chịu gì nổi những dây dưa, nhùng nhằng của huynh đệ, không chịu nhất đao đại đoạn như Tổ dạy chứ? Mình đâm ra không ưa những nhập đề lung khởi, cũng không ưa trực khởi một cách thô bạo. Nhưng còn mình thì sao? May mà có bảo bối của Thầy nhiều năm chắt chiu trao truyền cho nên phải cố chuyển cái anh Tôn Ngộ Không này thành Đấu Chiến Thắng Phật. Dù rằng thất bại cũng thường nhưng xá gì. Thất bại là mẹ thành công mà. Nhăn nhó đôi khi chỉ là phản ứng phụ của sự dụng công chưa chín.

          Bây giờ trở đi mới không biết mình sống nhờ vào tuổi của ai đây? Làm đàn ông, đàn bà gì thấy cũng ngán quá, huống là làm con gì! Tuy vậy, ngẫm cho kỹ, mình ngán vì nhìn mọi người chung quanh, coi báo coi chí, thấy đủ mọi chuyện trời ơi. Đôi khi thật bất lực trước sự rên rỉ của người, không biết phải giúp làm sao ngoài việc khuyên họ ráng chịu đựng quả do mình gây và tỉnh táo đừng gây tiếp. Chứ cuộc sống tu hành của mình lý tưởng hết biết, dù cũng có sanh tử biệt ly, cũng thành bại được mất như ai, nhưng

          Khi biết ta là ai
          Sẽ thẹn thùng biết mấy
          Xưa nay bao mệt nhoài
          Chỉ tự mình lay hoay

          Và hằng rán nhớ

Này xin chớ mơ ước chi xa xôi
Ngày mai cũng như ngày nay thôi
Tự chính ta khuấy lên cho cuộc đời đục ngầu
Nhìn xem có chi ngoài tâm đâu!
Dừng toan tính sẽ thấy ta thong dong
Lạc viên có ngay từ tâm không
Và sống yên ấm trong quê nhà mình ngàn đời
Tại đây cũng như tại muôn nơi
Tại đây cũng như mọi nơi.

          Bạn có tin được không?

          Vừa rồi nhận được bài của Đoan Trang viết về một cuộc leo núi tuyết bằng “ice axes” [móc đá] được dùng để lên dốc tuyết. Còn trẻ và có máu mạo hiểm lại khoái tu, muốn đi để nhìn mình cho kỹ. Đoan Trang bảo nếu có dịp sẽ đưa tôi đến ngọn núi hơn 12 ngàn bộ này. Tôi nhìn lại cặp giò mình mà ái ngại. Bây giờ mà trợt chân một cái là cứ việc rơi tự do qua bên kia thế giới. Tôi buột miệng:

          Phải chi thời gian quay lại chừng ba bốn mươi năm, mình sẽ sống bảnh cho mà biết.

          Hạnh Chiếu lật đật can:

          Thôi đi cô ơi! Tuổi nào thì cứ sống y như tuổi đó là hay nhất. Tâm già và thân trẻ, làm nhiều cái kỳ cục không giống ai!

          Tôi lắp bắp... trong bụng:

          Tôi đâu có già!

          Cả nhóm lên Dalat thăm Thầy bịnh. Trò vây quanh Thầy. Nhìn chung cả thầy lẫn trò đều lụm cụm. Cô Thuần Trí gai cột sống từ cổ đến đốt cuối cùng, hai đầu gối cũng gai luôn. Vậy mà làm thơ hăng hái như chiến sĩ ra trận. Tôi cười nhạo cô và thưa Thầy:

          Nhị sư huynh - tạm gọi thế - bảo rằng cái mê cách ấm thật đáng sợ. Con nói con không sợ vì kiếp trước chắc con cũng tu lai rai thôi, kiếp này vẫn gặp thầy lành bạn tốt. Chỉ cần bây giờ sống cho vui vẻ, huynh đệ bảo bọc nhau, hết lòng với nhau là quý rồi - đây không phải việc rất tầm thường và cũng rất khó làm sao?

          Các sư huynh, sư tỷ đều gật gù. Thầy bảo:

          Con nhỏ này [!!!] hay nói đùa nhưng cũng có chút ít đạo lý.

- o0o -

Bơ Vơ
Hạnh Huệ

          Tôi nằm mơ.

          Hình như bị lỡ một chuyến xe. Một mình đứng bơ vơ giữa đường, muốn hỏi ai đó nhưng không đồng ngôn ngữ, muốn về đâu đó nhưng địa chỉ mập mờ trong đầu, không thể nhớ là gì và là nhà của ai!

          Trời đất mông lung, mịt mờ, tôi hoang mang cho đến khi tỉnh dậy.

          Vài ngày sau đi Ấn Độ. Từ Bangkok qua Calcutta, chuyến bay dài ba tiếng, được báo là bốn tiếng rưỡi. Đổi hướng dẫn viên. Mười sáu nữ nhân cũng bơ vơ tại sân bay xứ người. Cô bé tour guide mắt nai ngơ ngác, chẳng biết địa chỉ khách sạn, chẳng có số điện thoại của người đón, đứng mãi ở quầy điện thoại. Cả đoàn bối rối, nhưng nhờ đông người và nhờ trong đoàn có Nhuận Ngọc rành tiếng Anh, cô chạy tới chạy lui tìm cách liên lạc kiếm xe và khách sạn. Bàn tán xôn xao một hồi, mọi người đồng ý chờ thêm tiếng nữa vì nghi họ bị báo sai giờ. Quả nhiên, đúng bốn tiếng rưỡi thì bác tài cùng với các cộng sự tiến vào phi trường với những vòng hoa vạn thọ vàng rực và sũng nước. Mỗi người choàng một vòng hoa cười tươi rói. Miễn có người đón là được rồi.

          Trời ơi! Có gì đâu! Mình cũng đã từng can đảm lò dò vào đời này một thân một mình, không một chút khí lực, không mảnh vải che thân, ú ớ nói không ra, không biết địa chỉ, không biết chủ nhà, mà cuối cùng cũng được đón tiếp theo nghiệp cho đến bây giờ đây!

- o0o -

Trên Máy Bay
Hạnh Huệ

          Trên đường đi phi trường, qua Long Thành trời mưa như trút nước. Máy bay cất cánh dưới mưa quả chẳng là chuyện thú vị. May mà đến Tân Sơn Nhất trời ráo hoảnh. Đến Đài Bắc bình an. Chuyến bay về Los gặp nhiều đoạn thời tiết xấu, gần như phải seat belt gần suốt chuyến. Ngồi tận đuôi máy bay, mỗi lần bị nhồi lắc lư như xe qua ổ gà ổ voi, tôi cứng mình rên thầm: - Ôi! Tại sao dại dột nhận lời thiên hạ làm chi cho phải treo tim lên ngọn cây như thế này!

          Nhìn qua Đoan Trang đang ngủ ngon lành, vẻ mặt bình thản. Các cô tiếp viên vẫn tới lui đưa nước đưa khăn, tôi mới thấy mình hơi quá mẫn cảm. Cả máy bay này không biết có ai hồi hộp như mình không?

          Hiền Phương từ hàng ghế First class đi xuống cười cười:

          - Máy bay lắc quá, con ngồi tuốt ở trên mà cũng bị lắc tơi bời. Vòng về thầy thêm ít trăm, ngồi ở trước đỡ hơn.

          Nhưng mà... có chuyện gì thì đầu cũng như đuôi! Cái máy bay chứa gần ngàn người, không một điểm tựa, lơ lửng giữa trời lại còn phụ thuộc gió mây, mưa bão. Ai nói lướt gió tung mây, vẫy vùng nhào lộn giữa không gianthỏa chí bình sinh! Mỗi chuyến bay là một lần nhắm mắt đưa chân, giao tính mệnh cho ai chẳng rõ. Thật khủng khiếp!

          Ủa, mà cái quả địa cầu cũng không nơi nương tựa, cũng quay vù vù trong những bấp bênh. Những nguy hiểm không những từ bên ngoài mà còn từ nó trào ra, những thiên tai dồn dập và nhân tai dập dồn. Vậy sao cả mấy tỉ người cũng bám cứng ngắc vào nó, còn mong bám lâu chừng nào tốt chừng nấy, có ngán gì đâu?

- o0o -

Xuân? Đâu?
Hạnh Huệ

          Từ Đông đường về, gặp T.Chánh đang thơ thẩn bên hàng liễu. Tôi gọi:

          - Chánh! Qua uống trà!

          T.Chánh chớp mắt băn khoăn:

          - Thôi... để bữa khác đi cô. Bữa nay qua, người ta nói mất công.

          - Nói gì?

          - Bữa nay là ngày Thinh Lặng mà!

          Chết chưa! Chả để ý ngày giờ gì cả, cứ phạm luật hoài. Thứ bảy hàng tuần là ngày phải im như tờ đấy! Không khí nhà chùa lặng lẽ thế sao mình chẳng nhận ra?

          Cành anh đào trổ bông tự bao giờ, chen vào lá. Tôi nhớ một bài hát xưa lắc xưa lơ. Một anh lính ở trong rừng than thở Nếu mai không nở anh biết xuân về hay chưa! Nếu vào lúc này thì anh sẽ tẽn tò khi mai trắng mai vàng gì cũng nở lai rai từ cuối thu. Thời tiết thay đổi lộn tùng phèo. Có kỳ tôi hỏi một chú Phật tử ở Oklahoma:

          - Chú có nghĩ là mình và thiên nhiênliên quan với nhau không?

          - Dạ dĩ nhiên. Phật dạy “Nhất thiết duy tâm tạo” mà!

          Tôi cười tinh quái: - Tôi tới đây mới hơn một tuần. Trời đất mấy ngày đầu lạnh tê tái, đỡ đỡ mấy ngày sau, và nóng hừng hực vào ngày cuối... Thế thì... !!?

          Chú Phật tử đành cười trừ: - Sập bẫy rồi! Nhưng đâu chỉ ở Oklahoma mà toàn thế giới, thế thì... !!?

          Vậy mà Tết đến lại cứ phải là mùa xuân - cô Trụ trì Viên Chiếu viết cho Giác Ngộ một bài Mùa Xuân Đi Đâu.

          T.Chánh lại cười: - Em định viết một bài Đâu Hẳn Chờ Xuân!

          Ra Linh Chiếu Hạnh Chiếu nói:

          - Em có viết một bài Đâu Là Mùa Xuân.

          Tôi lẩm bẩm:

          - Tôi sẽ làm bài thơ!

          - Bài gì? Bài gì?

          - Tóm mấy cái đề này lại.

               Tôi chẳng thấy mùa xuân
               Trên cây rừng đầy lá
               Tôi chẳng nghe mùa xuân
               Trên nhạc thơ tá lả
               Nhưng tôi biết mùa xuân
               Trong tôi nghe lạ quá
               Khi thơ thẩn trong sân
               Hay ngồi trên phiến đá
               Giữa đất trời lâng lâng
               Một bình an khôn tả
               Đại chúng một trăm hơn
               Nhìn nhau không xa lạ
               Một lời không thốt lên
               Nhưng lòng dường như đã...
               Hẹn nhau tạo mùa xuân
               Suốt cả Thu, Đông, Hạ.

- o0o -

Đâu Hẳn Chờ Xuân
Thuần Chánh

          Như vậy có nghĩa là.... Vâng đúng vậy, như tôi đang nhìn bạn, và thấy mùa xuân trong mắt bạn. Niềm vui đơn giản và giản dị như chính nó.

          Ta muốn hỏi tri âm trời lận đận
          Khóm cúc già bên giậu nở hay chưa.

          Chưa hẳn vậy là tôi đang buồn đâu nhé, vì ít nhất tôi cũng có một tri âm để hỏi. Nhưng khi nói như thế cũng nghe một điều gì mong manh trong đó. Trời Đà lạt sáng nay mưa nhẹ đủ để nghe lạnh. Tôi bâng quơ đọc đi đọc lại câu thơ viết trên tường trong khuôn viên Sử quán XQ. Khóm cúc già, tác giả muốn hỏi khóm cúc già nào đó thực ư, tôi không dám chắc. Nở hay chưa! Sao tôi cứ mường tượng như một vị thầy đang hỏi đệ tử, và với cái nhìn xuyên thấu tâm tư người đệ tử mà không cần câu trả lời. “Ta mừng ông”, vậy có nghĩa là khóm cúc già đã nở hay sao.

          Hôm qua uống trà với huynh đệ tới khuya, bạn có nói, nè, có câu này hay lắm để em đọc huynh đệ nghe.

          Lỡ đọa trần gian thì không tiếc
          chỉ tiếc trên đời thiếu tri âm.

          Tôi quên chưa kịp hỏi của ai. Nhưng chắc thế. Có mặt nơi đây cũng đâu có gì đáng tiếc lắm, chỉ tiếc đóa sen trên hội Linh Sơn, có mấy tri âm!

          Tri âm, người ta nhắc mãi điều này trong một tâm tình mang âm hưởng khó minh định là gì. Và dường như có những điều bất khả để khiến tâm tình mỗi người, chỉ có thể khi bên chén trà độc ẩm mới thấm hết những gì chứa đựng trong đó.

          Tôi không biết mìnhthói quen uống trà từ lúc nào, nhưng cái lặng lẽ một mình tự nó là mùa xuân. Dù rằng không thể tránh khỏi những lúc mưa xuân bất chợt. Có những điều người ta không thể nói dù rất muốn nói. Nhưng lúc nào đó, tình cờ mở trang sách:

          “Ông già đưa chung pha lê lên hỏi Sư:

          - Phương nam lại có cái này chăng?

          Sư thưa:

          - Không.

          - Hằng ngày lấy cái gì uống trà?”

          Thế là mùa xuân!

          Như một lần trong nỗi buồn đất khách, nâng tách trà lên, chưa kịp uống bất chợt nhìn thấy câu:

          tri âm nan tầm,
          tương thức vi duyên.

          tương thức vi duyên. Thế là mùa xuân!

          Ta sẽ định cùng ai kể lể,
          một nỗi niềm hư huyễn giữa chiêm bao.

          (Bùi Giáng)

          Sẽ định cùng ai! Tôi vẫn thường nhìn Thầy tôi trong cái lặng lẽ âm thầm. Vẫn thường tự hỏi sao Thầy có thể chỉ ra trong cái mong manh hư huyễn một niềm tin vững chắc được nhỉ. Để cho những gã cùng tử thường sống trong cơn say như tôi tiếp tục những lời thơ dường như vô nghĩa.

          ...

          chút lửa hồng nhen nhúm,
          gởi đến Tung Sơn một sáng xuân.

- o0o -

Quê Hương Thinh Lặng
Thuần Hậu

          Cuối năm, những ngày gần Tết, từng đoàn xe dài dằng dặc chở bao nhiêu là người trở về quê, sau một năm lăn lộn kiếm sống ở phương xa. Những khuôn mặt nôn nóng, hớn hở, vui tươi dù phải chen lấn, đợi chờ lê thê để đến phiên mình lên được chuyến xe nào đó. Những câu chuyện nổ ra giòn tan, những giọng cười trong vắt dù có phải mệt mỏi vì đường dài, vì bụi nắng. Người ta chỉ cần một điều duy nhấtquay về quê của mình để được nằm dài bên gối mẹ, được đẫm mình trong tình cha, được ở trong vòng tay của anh chị em. Thế thôi, và quên đi tất cả.

          Quê hương là mật ngọt, là ánh mắt em thơ, là môi cười rạng rỡ của mẹ, là bước chân đợi chờ của cha, là cơn mưa lạnh buốt, là con thuyền hắt hiu đêm đông, là bếp ấm khói se cay, là sợi nắng nhảy nhót sau tháng ngày mưa dai dẳng.

          Mưa rơi rét mướt lòng ly khách
          Nỗi nhớ bồng bềnh lay bóng đêm
          Hẹn Huế mùa sau trở lại thăm
          Thăm từng cái lạnh giấu trong chăn
          Thăm mưa rả rích trong đêm vắng
          Để nhớ vô cùng những tháng năm.

          ...

          Những ngày tha phương
          Ta cùng sông bầu bạn
          Chuyện trời gần
          Chuyện đất thấp
          Chuyện thế cuộc can qua
          Nói chuyện đời xưa
          Cho quên nỗi nhớ nhà.

          (thơ Thiếu Anh)

          Và thế đó, quê hương ở trong dòng máu của mỗi một người nên có ai mà quên được đâu! Dù phải đi xa thế mấy, rồi cũng mong có ngày được quay về, quay về với quê xưa, dù đó là một quê nghèo hiu hắt cỏ cháy, dù đó là một nơi chốn nước đọng bùn lầy. Cái người ta cần ở đây, lại là tình người, là tấm lòng nhân hậu không phai qua ngày tháng.

          Chúng ta thì Quê hương đâu? Cội nguồn đâu để quay về?

          Đây chính là mối trăn trở khôn nguôi, ở nơi mỗi một con người muốn đi tìm giải thoát.

          Cuộc đời với mọi thứ biến chuyển, trôi chảy không ngừng. Từ một em bé sơ sinh, oe oe khóc đó cười đó, rồi lớn lên đi học, thành tài, rồi ra đời kiếm sống lo toan, rồi già rồi chết. Tất cả đều ở trong vòng quay sanh trụ dị diệt, nào ai thoát ra được? Phật dạy rằng đó là ảo hóa, là vô thường, là huyễn mộng nhưng khó mà tin được, để sống không dính mắc, để được tự tại được an nhiên!

          Quê hương hay là cội nguồn chân thật của chính mình, nếu không biết để khéo tìm về thì muôn đời chỉ là một tên cùng tử lang thang khắp chốn, trôi lăn qua bao nhiêu đời chẳng thể về được bến xưa.

          Quê hương bên ngoài có một nơi chốn, có hình dáng, có những cái hấp dẫn lôi cuốn nên chúng ta dễ dàng tìm thấy để trở về. Chỉ cần lên một chuyến xe, một con tàu là về được quê hương. Còn quê hương tâm linh đâu có hình tướng, đâu có đường nét nào để tìm để gặp. Quê hương dường như có, dường như không, có mà chẳng thấy, không mà vẫn hiện tiền. Bởi vậy đường về quê mới lắm gian nan, lận đận. Bao nhiêu người ra đi, bao nhiêu người bỏ cuộc. Càng tìm kiếm lại càng mất dấu. Một người không kiên gan, không bền chí thì chẳng thể nào đến đích được. Nếu dể duôi, lây lất sống qua ngày thì quê nhà càng đi càng xa diệu vợi.

          Con người thay đổi, rồi cảnh vật thay đổi. Từ ruộng dâu biến thành biển xanh, từ núi cao trở thành đất liền, từ đất liền biến thành con sông chảy xiết... Rồi tâm vọng động của chúng ta cũng đổi thay liên tục, cứ mãi quay cuồng, nắm bắt, chẳng lúc nào dừng.

          Giữa những vòng quay vô tận này, có khi nào ta giật mình tự hỏi:

          - Thế cái gì là bất biến là thường hằng?

          Nói đến đời sống là nói đến hai mặt đối nghịch nhau: thương ghét, đẹp xấu, như ý bất như ý... Và lòng người thì luôn bị chuyển theo những cặp mâu thuẫn này. Cái gì thích thú thì muốn quơ vào, cái gì ghét thì lại tìm cách đẩy ra. Quơ vào đẩy ra mà chẳng hề biết rằng đó chỉ là những vật hư dối, tạm bợ, tùy duyên biến hiện, chứ nào thật có. Tham sân từ ưa ghét bùng khởi. Nghiệp cũng từ đó mà được tạo thành. Và dòng sanh tử đã luân lưu vô tận.

          Phật dạy khi nào dứt tham sân si thì đạt đến Niết-bàn tịch tịnh. Kinh sách và người xưa đã dạy phương pháp, đưa ra bao nhiêu là phương tiện - nào là quán như huyễn, quán bất tịnh, quán từ bi... nhưng rồi khi cảnh đến nào có kịp đâu để quán. Vừa thấy vừa nghe là liền khởi nhanh như chớp - một mê đồ trận bủa giăng và thế là tất cả đều sa lưới. Đến khi tỉnh, nhớ lại thì chuyện đã xong, nước đổ ra rồi khó mà hốt lại!!! Cái tập khí vô minh thâm sâu, dù tí xíu mảy may còn chẳng được huống là dày đặc.

          Nhưng cũng cám ơn vô cùng những lối quán này, dù bước đầu không tỉnh liền nhưng cũng từ từ huân vào. Quán mãi cũng có ngày thuần thục. Trong đời thường cũng như đời tu, có công việc nào làm một lầnthành công đâu, càng thất bại lại càng cố gắng, càng có thêm nhiều bài học đáng giá hơn - chỉ sợ không có tâm kiên trì chứ chẳng sợ không xong việc - Có tu thì có tiến là vậy.

          Có lần tôi nghe Thầy giảng. Ngỗng chúa uống sữa chừa nước. Sữa đâu? Nước đâu? Sữa chẳng phải là nước, nhưng sữa cũng không lìa nước. Không thị, không phi, chỉ có người trí mới biết uống sữa chừa nước. Người đến liền biết, còn trên ngôn ngữ thì bất khả tư nghì, không thể nào suy luận. Tìm kiếm mãi không ra, tôi đành trở về cái góc cố hữu của tôi - yên lặng - trong cái thinh lặng không khởi niệm này, mọi thứ lại chợt vỡ ra. Đâu ngờ rằng khi tâm rỗng rang thì lại sáng suốt vô cùng. Khi không còn phân biệt thì không còn khổ ách.

          Bây giờ tôi không quán nữa. Tôi tập thinh lặng. Khi đối duyên xúc cảnh. Một lời nói thoáng qua trái tai, vô lý, tôi nghe và lặng thinh. Lặng thinh từ đầu đến cuối, từ ngoài vào trong, chứ không như ngày xưa, bên ngoài thì lặng mà bên trong sóng bủa mênh mông. Lặng thinh và lặng thinh, để cho mọi tâm niệm đi qua - tâm niệm của người và tâm niệm của tôi. Khi mọi thứ đi qua thì người cũng yên mà tôi cũng yên. Tất cả chỉ còn lại một nụ cười tri ân. Chỉ sợ tôi không đủ tỉnh sáng để nhìn rõ niệm tự sanh rồi niệm tự diệt, chứ nào có ai diệt được đâu. Đây là bài thực tập của tôi và tôi sẽ cố làm cho được. Cái khó là lặng thinh mà lòng vẫn bình thản rỗng rang, chứ không sôi sục phản kháng bên trong, không phân biệt đúng sai, thiện ác. Dù chấp thiện chấp đúng vẫn là cái lỗi cần buông bỏ. Ngày xưa tôi cứ tưởng im lặng sẽ trở nên nhu nhược, yếu hèn. Đâu ngờ chính sự im lặng này lại là cội nguồn của tất cả.

          Tôi chợt nhớ đến bài kệ:

          Uyển nhiên thị danh
          Vô tác thị hành
          Tùy nhi bất biến
          An nhi tự hanh.

          (Sư V.M.)

          “Vô tác thị hành”. Tôi vẫn thường nhắc tôi như thế. “Vô tác” mà lại khó hơn trăm ngàn lần “tác”. Vô tác, không làm gì cả mà lại được hanh thông. Tôi cũng từng thắc mắc, sự thinh lặng, một mình nó làm sao giải quyết được bao nhiêu sự việc biến chuyển hằng ngày? Đến giờ tôi đã rõ ra rằng chỉ sợ mình không thinh lặng được, chỉ sợ mình cứ mê đắm trong suy lường toan tính phân biệt. Sự thinh lặng chính là cái chìa khóa vạn năng, mở ra được mọi ngõ ngách phức tạp rắc rối trong đời sống. Bởi thế, câu nói duy nhất mà vua Lý Thánh Tông khuyên bà phi Ỷ Lan trước khi thân chinh dẹp giặc là: “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định”. Đây không phải chỉ là niềm tin mà chính là một ngọn đèn rực sáng để soi chiếu tất cả.

          Gặp phải một công việc, một đồ vật như ý, bất như ý tôi cũng tập lặng thinh. Biết và lặng thinh. Tôi biết chỉ cần tôi kịp tỉnh khi vừa mới nổi cơn mê là mọi chuyện liền qua ngay. Tôi ráng nhắc chính mình, hễ mê một thì phải tỉnh một, mê hai ba thì phải có sức tỉnh hai ba để hai bên triệt tiêu lẫn nhau và tôi trở về lại được điểm gốc bằng không của ban đầu. Trở về không thì mọi chuyện đều thông suốt, không còn ngăn trở.

          Khi chợt khởi một niệm tham, một niệm si tôi cũng làm như thế, lặng thinh nên không còn toan tính, không toan tính nên không tạo nghiệp. Chỉ cần một sát-na tỉnh giác để lặng thinh là cũng đủ đi qua nỗi tham đắm này. Lặng thinh trong sự tỉnh giác sáng suốt nên không sợ bị rơi vào hang tối mê lầm. Có sống thử rồi mới thấy càng rỗng rang lại càng sáng suốt. Phải hoàn toàn lặng thinh, không khởi lên một niệm đúng sai nào nữa, đúng cũng mặc mà sai cũng mặc. Cứ một mực lặng thinh để niệm đó đi qua và mất dấu.

          Trong kinh Phổ Môn, Bồ-tát Quan Âm cũng dạy rằng đối với người tham sân si chỉ cần niệm danh hiệu Ngài là qua khỏi. Niệm Phật và lặng thinh có khác nhau chăng?

          Lặng thinh từng ngày từng giờ từng niệm. Với cái nhân như thế thì quả sẽ thế nào?

          Lúc đó thì nhật nhật thị hảo nhật. Không cần phải xem ngày tốt xấu nữa. Không còn phải sợ tai ương. Tai ương đến rồi cũng sẽ qua đi, không cầu mà vẫn được, không mong và vẫn gặp.

*

          Tình cờ một đêm khuya, chợt thức giấc. Tôi bước nhẹ ra sân, một khoảng vườn ngập ánh trăng. Trăng sáng vằng vặc, cả một bầu trời thênh thang trong suốt không có lấy một bóng mây. Đến lúc này tôi mới cảm nhận được câu

          Viễn viễn phong đầu phi
          Vong xứ điểu vô qui
          Hốt phùng thiên để nguyệt
          Qui hà, qui hà vi?
          (Sư V.M.)

          Gió cuốn bay đi xa
          Chim mê không chỗ về
          Chợt gặp trăng lồng lộng
          Về đâu, đâu cần về?

          À, té ra mỗi người đều có một “thiên để nguyệt” mà không tự biết để nhận lấy tiêu dùng tự tại. “Thiên để nguyệt” rực sáng thế đó mà ta lại cam đành suốt đời chỉ giành giật lấy những bóng ảo phù hư, hơn thua sống chết với những thứ sanh diệt vô thường đầy ắp khổ não.

          Đâu ngờ rằng chỉ cần một giây phút tỉnh thức, quay về với chính mình, là ngay đó liền bắt gặp ánh trăng thuần khiết này, không như từ lâu vì mê mờ, mải mò trăng đáy nước! “Thiên để nguyệt” thì hằng hiện hữu, còn lại thường lãng quên để cho mớ vọng niệm rối ren che mờ khuất lấp, nên trăng kia đã chẳng bao giờ rực chiếu được.

          Quê hương chính là đây, khỏi nhọc lòng tìm kiếm phương xa. Đâu không là quê hương, đâu không là đất Phật.

          Thật ra, những giây phút ngồi thiền hoặc sống thiền chẳng qua đó chỉ là phương tiện giúp yên, lắng lại tất cả, để tự thắp sáng lên ngọn đèn trí tuệ vốn sẵn có của chính mình; một ngọn đèn không bao giờ tắt, lúc nào cũng hiện hữu ở trong mọi con người. Đèn đã sáng thì tự chiếu soi, lúc đó chỉ cần hướng tâm đến đâu thì nơi đó liền rõ ràng hiện ra không hề thiếu sót. Đâu phải nhọc công mò mẫm suy đoán. Người xưa thường bảo huệ nhật tự chiếu là vậy.

          Cho nên, đâu đợi đến Tết mới bôn ba, bươn bả trở về quê. Mà trở về quê ngay trong từng ngày, từng giờ, từng niệm, từng sát-na. Tập hoài cho đến lúc nào thuần thục. Lúc nào cũng ở ngay quê hương, trong cội nguồn của chính mình. Đó mới là cái chân thật, cái thường hằng, cái bất biến của mỗi chúng ta.

          Ngày Tết, Thầy về Chân Không, bao nhiêu là Phật tử đồng tụ hội về đó, leo lên núi cao và đến với Chân Không. Nhưng sống được với chân không, một cái đơn giản nhất, an nhàn nhất lại khó làm nhất. Tôi vẫn biết rằng nói thì dễ nhưng làm cho được cũng là thiên nan vạn nan. Cho nên khi viết lên những điều này là chỉ để tôi tự nhắc tôi luôn nhớ để quay về, quay về với quê hương đích thực, chân thường để khỏi làm một tên cùng tử lang thang với nỗi nhớ quê hương quay quắt cùng cực - quê hương trong từng dòng máu, trong từng sớ thịt, trong tim gan, trong tình người thấm đẫm nên đã chẳng thể nào quên.

          Đâu đó một giọng hát vang lên -

          ... Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.

- o0o -

     Mục lục

     Như Đức:
         Tầm xuân
         Một chút bình yên
         Xuân đã đầy cành
         Thiền sưmùa xuân
         Ý xuân trong kinh
         Hoa đào năm cũ
         Mùa xuân đi đâu
     Hạnh Huệ
         Nhìn tới nhìn lui
         Bơ vơ
         Trên máy bay
         Xuân? Đâu?
     Thuần Chánh:
         Đâu hẳn chờ xuân
     Thuần Hậu:
         Quê hương thinh lặng

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
19/01/2014(Xem: 11751)
13/12/2014(Xem: 7842)
07/02/2024(Xem: 1156)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.