Thư Viện Hoa Sen

Nguyện Cầu Bình An Đầu Năm - Thích Phước Đạt

18/01/201112:00 SA(Xem: 37264)
Nguyện Cầu Bình An Đầu Năm - Thích Phước Đạt

tuyentapmungxuan


Tất cả mọi thất bại hay thành công trên cuộc đời đều bắt nguồn từ tâm. Tâm cũng là gốc của sanh và tử, là cội nguồn của mọi bất hạnh cũng như hạnh phúc.

Vậy mà tới khi sống gần hết cuộc đời, người ta mới sợ hãi cảm nhận cuộc đời mình đã và đang sống thật vô nghĩa. Bởi hết thảy những danh vọng, tiền tài suốt đời mình đeo đuổi đều là hư giả, bèo bọt; như giọt sương mai, như hoa tàn héo rơi vãi trên mặt đất, như giọt mưa lạnh ban đêm. Những hình ảnh quen thuộc này, được vua Trần Nhân Tông ghi nhận như sau:

“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn,
Hoa tận vũ tình sơn tịch mịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn...”

(Ý nghĩ chạy theo thị phi, như theo hoa rơi ban sớm/Tâm chạy theo danh lợi, như theo mưa đêm lạnh/ Hoa rụng hết, mưa tạnh, còn lại cảnh núi non vắng lặng/ Một tiếng chim kêu, xuân lại tàn...)

Xem ra, sống giữa vòng danh lợi hào nhoáng mà tâm vẫn an trú trong tự tại, xem danh lợithị phi như mưa lạnh chiều đêm, như hoa rơi ban sáng, chứng tỏ ngài Trần Nhân Tông đã biết sống tỉnh thức hàng giờ, hàng phút, mọi lúc, mọi nơi.

Thế nên, trong thời khóa hàng ngày, chúng ta thường tụng bài kinh kỳ an “Nguyện ngày an lành, đêm an lành. Đêm ngày sáu thời được an lành. Tất cả các thời đều an lành. Xin nguyện Tam bảo thường gia hộ/Xin nguyện Từ bi thường gia hộ/ Xin nguyện Hộ pháp thường ủng hộ”, mục đích là thực thi đời sống hướng nội thông qua việc hành trì tịnh hóa thân khẩu ý để thân tâm an lạc trong mọi môi trường và hoàn cảnh.

Ta thường nói, một năm khởi đầu bằng một tháng, một tháng khởi đầu bằng một ngày. Kể từ ngày mồng một Tết đến hết tháng Giêng, mọi người Phật tử đều lên chùa cầu nguyện Phật Tổ gia hộ để thân tâm an lạc, gia đình khương thái, xã hội thanh bình. Nhưng trọng điểm vẫn là ngày rằm tháng Giêng, nó trở thành ngày lễ hội kỳ an của đồng bào ta. Vào ngày này, dù Phật tử hay không Phật tử đều lên chùa khấn nguyện cho mình và cho những người thân yêu của mình được sống an lành, hạnh phúc. Và như thế, lễ hội kỳ an đã trở thành ngày hội kết nối sự yêu thươnghiểu biết, được khởi đầu bằng sự chuyển hóa thân tâm.

Thế nên đã là Phật tử thì phải sống trọn vẹn trong giờ phút hiện tại, chính là giờ phút sống đích thực nhất, bởi lẽ, quá khứ đã trôi qua, tương lai lại chưa đến. Chỉ có sống hết lòng trong hiện tại, mới có thể sống đích thực, sống có hiệu quả và cũng mới biết tâm mình, và cách thức vận dụng tâm mình sao cho tốt đẹp nhất.

Các thiền sư nói: “Gánh nước cũng là Thiền, bửa củi cũng là Thiền”. Sao vậy? Vì gánh nước và bửa củi mà có sự chú tâm, chánh niệm về đương tại, đó chính là tu. Con người sở dĩ không an tâmlo lắng vì tâm luôn dao động theo trần cảnh đang diễn tiến. Nguyễn Công Trứ thường nói:

“Ở nhà lại muốn ra đi,
Ra đi lại nghĩ ở nhà khi hơn”.

Rõ ràng, ở nhà thì nghĩ chuyện ra đi. Ra đi lại nghĩ chuyện ở nhà. Hay như trong Truyện Kiều: “Ma đưa lối quỷ dẫn đường”. Thực ra không có ma quỷ nào dẫn Kiều vào các chốn đoạn trường cả, mà chỉ vì Kiều sống không tỉnh giác, khi cần quyết định thì tâm lại nghĩ vơ vẩn đâu đâu, cho nên Kiều mới phải lạc lối vào những chốn đoạn trường.

Vậy nên, mỗi người cất bước chân lên chùa kỳ an đầu năm là tự thân cất bước đi vào miền đất an tịnh, nơi đó khởi dầu cho sự chuyển hóa thân tâm. Ở đó thân và tâm không dao động khi tiếp xúc với sáu trần. Chẳng hạn khi mắt nhìn thấy sắc, không giữ tướng chung, không giữ tướng riêng thì không có sự đam mê, luyến ái, dẫn đến khổ đau. Chính những hoạt động của tâm như vui, yêu thích, không vui, ghét bỏ dẫn tới những ý muốn khác nhau, đưa đến các cảm thọ khác nhau. Thế nên, Phật dạy: “Thọ thị khổ”.

Vấn đề là giữ tâm, điều tâm để được an lạc. Khi tham khởi thì biết là tâm đang tham. Khi tâm si khởi thì biết đó là tâm si đang vận hành. Nếu tâm tán loạn thì biết là tâm tán loạn, nếu định tĩnh thì biết đó là tâm định tĩnh v.v... Quá trình tu tập tâm nếu được duy trì bền bỉ, những niệm ác dần dần vơi đi, các tạp niệm cũng bớt xuất hiện, tư tưởng dễ tập trung hơn, dễ vào định hơn.

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) nói về tâm như sau:

“Tâm hoảng hốt, dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên làm tên”.

(Kệ 33)

“Như cá quăng lên bờ,
Vất ra ngoài thủy giới,
Tâm này vùng vẫy mạnh,
Hãy đoạn thế lực ma”.

(Kệ 34)

Hai câu kệ trên ví tâm người như con cá bị vứt ra khỏi nước, luôn luôn vùng vẫy, hoảng hốt, dao động, rất khó kiểm soátchế ngự. Thế nhưng người có trí tuệthể chế ngự được tâm, kiểm soát được tâm theo đúng các biện pháp mà Phật chỉ bày.

Vấn đềtu tập để làm chủ tâm:

“Ý dẫn đầu các pháp, 
Ý làm chủ, ý tạo, 
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động, 
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo”.

(Kệ 1)

Nếu tâm nghĩ ác, thì lời nói và hành động cũng ác, và tức thì, lời ác và hành vi ác sẽ đem lại đau khổ một cách tất yếu chẳng khác bánh xe lăn theo vết chân bò, không sai lệch chút nào. Ngược lại:

“Nếu với tâm thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình”.

Nếu tâm được trong sạch, lời nói và hành động thiện lành thì an lạc sẽ đến với chúng ta như hình bóng, không bao giờ tách rời.

Đây là ý nghĩa cầu anđạo Phật hướng đến. Như hoa nở vào mùa xuân sau những đêm đông lạnh giá; cũng vậy, con người khéo phòng hộ tâm, điều phục tâm, giữ tâm thanh tịnh hàng ngày, mỗi giờ phút thì lúc nào cũng được an lạc, hạnh phúc. Đây cũng là lời nhắn nhủ của các vị thiền sư “Bình thường tâm thị đạo”, cứ giữ tâm cho bình thường thì lo gì sự bất an đến với tự thân mỗi người.

Đạo Phật đến để mà thấy, thấy để mà tu, tu để được an lạc. Hy vọng đầu năm lên chùa cầu nguyện, mỗi người đều gặt hái phước trí đến với chính mình, hay nói theo cách dân gian là “lên chùa hái lộc đầu năm” để được an khang, thịnh vượng.
 
Thích Phước Đạt 
(Giác Ngộ Online)

Tạo bài viết
01/12/2014(Xem: 20158)
24/12/2014(Xem: 13532)
24/12/2014(Xem: 14398)
23/02/2015(Xem: 8805)
06/02/2016(Xem: 6589)
13/01/2011(Xem: 74222)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: