Nguyện Cầu Bình An Đầu Năm - Thích Phước Đạt

18/01/201112:00 SA(Xem: 37085)
Nguyện Cầu Bình An Đầu Năm - Thích Phước Đạt

tuyentapmungxuan


Tất cả mọi thất bại hay thành công trên cuộc đời đều bắt nguồn từ tâm. Tâm cũng là gốc của sanh và tử, là cội nguồn của mọi bất hạnh cũng như hạnh phúc.

Vậy mà tới khi sống gần hết cuộc đời, người ta mới sợ hãi cảm nhận cuộc đời mình đã và đang sống thật vô nghĩa. Bởi hết thảy những danh vọng, tiền tài suốt đời mình đeo đuổi đều là hư giả, bèo bọt; như giọt sương mai, như hoa tàn héo rơi vãi trên mặt đất, như giọt mưa lạnh ban đêm. Những hình ảnh quen thuộc này, được vua Trần Nhân Tông ghi nhận như sau:

“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn,
Hoa tận vũ tình sơn tịch mịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn...”

(Ý nghĩ chạy theo thị phi, như theo hoa rơi ban sớm/Tâm chạy theo danh lợi, như theo mưa đêm lạnh/ Hoa rụng hết, mưa tạnh, còn lại cảnh núi non vắng lặng/ Một tiếng chim kêu, xuân lại tàn...)

Xem ra, sống giữa vòng danh lợi hào nhoáng mà tâm vẫn an trú trong tự tại, xem danh lợithị phi như mưa lạnh chiều đêm, như hoa rơi ban sáng, chứng tỏ ngài Trần Nhân Tông đã biết sống tỉnh thức hàng giờ, hàng phút, mọi lúc, mọi nơi.

Thế nên, trong thời khóa hàng ngày, chúng ta thường tụng bài kinh kỳ an “Nguyện ngày an lành, đêm an lành. Đêm ngày sáu thời được an lành. Tất cả các thời đều an lành. Xin nguyện Tam bảo thường gia hộ/Xin nguyện Từ bi thường gia hộ/ Xin nguyện Hộ pháp thường ủng hộ”, mục đích là thực thi đời sống hướng nội thông qua việc hành trì tịnh hóa thân khẩu ý để thân tâm an lạc trong mọi môi trường và hoàn cảnh.

Ta thường nói, một năm khởi đầu bằng một tháng, một tháng khởi đầu bằng một ngày. Kể từ ngày mồng một Tết đến hết tháng Giêng, mọi người Phật tử đều lên chùa cầu nguyện Phật Tổ gia hộ để thân tâm an lạc, gia đình khương thái, xã hội thanh bình. Nhưng trọng điểm vẫn là ngày rằm tháng Giêng, nó trở thành ngày lễ hội kỳ an của đồng bào ta. Vào ngày này, dù Phật tử hay không Phật tử đều lên chùa khấn nguyện cho mình và cho những người thân yêu của mình được sống an lành, hạnh phúc. Và như thế, lễ hội kỳ an đã trở thành ngày hội kết nối sự yêu thươnghiểu biết, được khởi đầu bằng sự chuyển hóa thân tâm.

Thế nên đã là Phật tử thì phải sống trọn vẹn trong giờ phút hiện tại, chính là giờ phút sống đích thực nhất, bởi lẽ, quá khứ đã trôi qua, tương lai lại chưa đến. Chỉ có sống hết lòng trong hiện tại, mới có thể sống đích thực, sống có hiệu quả và cũng mới biết tâm mình, và cách thức vận dụng tâm mình sao cho tốt đẹp nhất.

Các thiền sư nói: “Gánh nước cũng là Thiền, bửa củi cũng là Thiền”. Sao vậy? Vì gánh nước và bửa củi mà có sự chú tâm, chánh niệm về đương tại, đó chính là tu. Con người sở dĩ không an tâmlo lắng vì tâm luôn dao động theo trần cảnh đang diễn tiến. Nguyễn Công Trứ thường nói:

“Ở nhà lại muốn ra đi,
Ra đi lại nghĩ ở nhà khi hơn”.

Rõ ràng, ở nhà thì nghĩ chuyện ra đi. Ra đi lại nghĩ chuyện ở nhà. Hay như trong Truyện Kiều: “Ma đưa lối quỷ dẫn đường”. Thực ra không có ma quỷ nào dẫn Kiều vào các chốn đoạn trường cả, mà chỉ vì Kiều sống không tỉnh giác, khi cần quyết định thì tâm lại nghĩ vơ vẩn đâu đâu, cho nên Kiều mới phải lạc lối vào những chốn đoạn trường.

Vậy nên, mỗi người cất bước chân lên chùa kỳ an đầu năm là tự thân cất bước đi vào miền đất an tịnh, nơi đó khởi dầu cho sự chuyển hóa thân tâm. Ở đó thân và tâm không dao động khi tiếp xúc với sáu trần. Chẳng hạn khi mắt nhìn thấy sắc, không giữ tướng chung, không giữ tướng riêng thì không có sự đam mê, luyến ái, dẫn đến khổ đau. Chính những hoạt động của tâm như vui, yêu thích, không vui, ghét bỏ dẫn tới những ý muốn khác nhau, đưa đến các cảm thọ khác nhau. Thế nên, Phật dạy: “Thọ thị khổ”.

Vấn đề là giữ tâm, điều tâm để được an lạc. Khi tham khởi thì biết là tâm đang tham. Khi tâm si khởi thì biết đó là tâm si đang vận hành. Nếu tâm tán loạn thì biết là tâm tán loạn, nếu định tĩnh thì biết đó là tâm định tĩnh v.v... Quá trình tu tập tâm nếu được duy trì bền bỉ, những niệm ác dần dần vơi đi, các tạp niệm cũng bớt xuất hiện, tư tưởng dễ tập trung hơn, dễ vào định hơn.

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) nói về tâm như sau:

“Tâm hoảng hốt, dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên làm tên”.

(Kệ 33)

“Như cá quăng lên bờ,
Vất ra ngoài thủy giới,
Tâm này vùng vẫy mạnh,
Hãy đoạn thế lực ma”.

(Kệ 34)

Hai câu kệ trên ví tâm người như con cá bị vứt ra khỏi nước, luôn luôn vùng vẫy, hoảng hốt, dao động, rất khó kiểm soátchế ngự. Thế nhưng người có trí tuệthể chế ngự được tâm, kiểm soát được tâm theo đúng các biện pháp mà Phật chỉ bày.

Vấn đềtu tập để làm chủ tâm:

“Ý dẫn đầu các pháp, 
Ý làm chủ, ý tạo, 
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động, 
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo”.

(Kệ 1)

Nếu tâm nghĩ ác, thì lời nói và hành động cũng ác, và tức thì, lời ác và hành vi ác sẽ đem lại đau khổ một cách tất yếu chẳng khác bánh xe lăn theo vết chân bò, không sai lệch chút nào. Ngược lại:

“Nếu với tâm thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình”.

Nếu tâm được trong sạch, lời nói và hành động thiện lành thì an lạc sẽ đến với chúng ta như hình bóng, không bao giờ tách rời.

Đây là ý nghĩa cầu anđạo Phật hướng đến. Như hoa nở vào mùa xuân sau những đêm đông lạnh giá; cũng vậy, con người khéo phòng hộ tâm, điều phục tâm, giữ tâm thanh tịnh hàng ngày, mỗi giờ phút thì lúc nào cũng được an lạc, hạnh phúc. Đây cũng là lời nhắn nhủ của các vị thiền sư “Bình thường tâm thị đạo”, cứ giữ tâm cho bình thường thì lo gì sự bất an đến với tự thân mỗi người.

Đạo Phật đến để mà thấy, thấy để mà tu, tu để được an lạc. Hy vọng đầu năm lên chùa cầu nguyện, mỗi người đều gặt hái phước trí đến với chính mình, hay nói theo cách dân gian là “lên chùa hái lộc đầu năm” để được an khang, thịnh vượng.
 
Thích Phước Đạt 
(Giác Ngộ Online)





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 61415)
18/01/2011(Xem: 89451)
07/02/2015(Xem: 13209)
27/01/2015(Xem: 26118)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :