Đàn giao hưởng còn lỗi nhịp

13/10/20184:00 SA(Xem: 4784)
Đàn giao hưởng còn lỗi nhịp

ĐÀN GIAO HƯỞNG CÒN LỖI NHỊP
Nguyên Cẩn

dan giao huongBản giao hưởng chưa hòa nhịp

Có ai đó đã từng ví việc điều hành đất nước như điều khiển một dàn nhạc giao hưởng bằng cả hai tay mà các thành viên chính phủ, từ cao xuống thấp, là những nhạc công góp phần trong bản hòa tấu ấy. Thử nhìn lại nền lập pháp và hành chính quốc gia hiện nay, chúng ta thấy bản giao hưởng với nhiều âm giai hùng tráng cất lên nhưng vẫn còn những giai điệu “lạc lõng”, chỏi tai do nhiều nhạc công muốn làm soloist (nghệ sĩ độc tấu) nên lỗi nhịp hay chưa chịu tấu đúng khúc nhạc phân công cho mình, khiến cho bản giao hưởng còn khó nghe và làm người nghe cảm thấy không hài lòng hay khó chịu. Chúng ta đang phối hợp theo hướng nào: lửa hay nước?

Nhìn tổng thể thì dường như chúng ta đang hướng về việc dùng “lửa” nhiều hơn, nghĩa là pháp trị. Thế nhưng, ngay cả pháp trị cũng chưa thể nói là hiệu quả. Chả thế mà có quan chức tuyên bố rằng “Tình hình tham nhũng hiện nay đang ổn định (?). Trong các cuộc tiếp xúc với cử tri, các đại biểu Quốc hội đều nghe những băn khoăn như: “… đang có tình trạng ở Trung ương ‘lò cháy đùng đùng’ nhưng dưới địa phương lại im ắng, hiện tượng ‘trên nóng dưới lạnh’ đặt ra vấn đề ai chạy chạy ai?” hay “tình trạng thu hồi tài sản tham những rất ít, rất thấp, không xứng với kỳ vọng, tình trạng kê khai tài sản quan chức cũng nửa vời, không triệt để…”.

Làm sao để chuyển “lửa” về địa phương? Chống tham nhũng phải triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp để Đảng trong sạch và đất nước phát triển - là tâm nguyện không chỉ của cử tri quận ABC nào đó mà là của cả nước.

Trong khi chờ đợi, việc cần làm ngay là “khoan thư sức dân” trong việc thu-chi thì chúng ta thấy một điều nghịch lý: hô hào cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao mức sống nhưng tình trạng “lạm thu” diễn ra đều khắp. Người ta thu từ đứa bé đi học mẫu giáo, bắt phải đóng rất nhiều khoản tiền mà có trường đầu năm đã thu đến hàng tỷ (theo phóng sự trên TV kênh TTXVN), cho đến người nông dân một nắng hai sương, dưới chiêu bàixây dựng nông thôn mới”. Vietnam Net ngày 11 tháng 8 thuật lại chuyện ở một xã “… ngoài chục loại phí theo quy định, mỗi hộ phải còng lưng đóng từ 3-4 triệu đồng xây dựng nông thôn mới”. Không chỉ số tiền phải nộp đã là gánh nặng mà cách xã ấn định nộp đến hai nấc: “450.000 đồng tiền làm đường bê-tông mỗi nhân khẩu, tiền xây nhà văn hóa 50.000 đồng/khẩu; thu thêm mỗi hộ 500.000 đến 700.000/sào làm kênh mương nội đồng. Chưa hết, xã quy định các đối tượng từ 6 tháng tuổi (!) đến 60 tuổi đều phải nộp, kể cả hộ nghèo; thôn quy định thêm các đối tượng tàn tật cũng có nghĩa vụ đóng góp (!). Không nộp thì bêu tên lên loa công cộng (?). Từ một chủ trương tưởng rằng rất hay rất đúng, kẻ thi hành đã biến chính sách ấy thành ra ‘ác mộng’ với dân nghèo” (Mời đọc thêm bài “Để chính sách đừng thành cái ách” của Danh Đức trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 23/8/2018).

Rồi còn bao nhiêu bất cập trong lãnh vực giao thông với những trạm BOT mà không phải trạm nào cũng hợp lý, thuận lòng dân.

Như vậy là tính nhất quán trong điều hành đất nước đã không được tuân thủ. Có lần cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã dùng cụm từ khá hình tượng “trên bảo dưới không nghe” để mô tả căn bệnh của nền hành chính hiện nay; cụ thể là sự trì trệ trong cải tiến thủ tục hành chính.

Tính khoa học, hợp lýmục đích

Kế sách nào cũng phải đảm bảo các tính chất kể trên, nên việc tràn lan giấy phép con, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp và nhân dân là “tệ nạn” cần khắc phục và cải tiến ngay.

Các doanh nghiệp phàn nàn vì quá nhiều loại quy định gây lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức, ví dụ như trong hội thảo giữa Sở Nông nghiệp TP.HCM với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, có người đã nêu lên nghịch cảnhkiểm định bó rau muống 10.0000 đồng tốn gần ba triệu”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, gần như bắt buộc, tất cả các bộ ngành phải tinh giảm thủ tục hành chính, giấy phép con, cụ thểít nhất 50% sao cho doanh nghiệp có thể “thở “và hoạt động.

Điều này không mới vì việc cắt giảm giấy phép và quy định hành chính (de-regulation) đồng thời cải cách hệ thống quy định hành chính về kinh doanh (regulatory reform) là biện pháp cốt lõi để cải cách nền kinh tế của bất cứ đất nước nào, cụ thể như thời điểm tháng 1/1998 Hàn Quốc thống kê có 11.000 quy định hành chính về kinh doanh. Chỉ sau một năm rà soát, hơn 5.000 quy định kinh doanh đã được bãi bỏ; gần 2.500 quy định khác được sửa đổi. Kết quả là, Hàn Quốc không những vượt qua khủng hoảng mà còn duy trì được đà tăng trưởng mạnh để vững chắc bước vào nhóm các nước phát triển như hiện nay.

Trong khi đó, đến tháng 7/ 2018 nghĩa là chỉ còn một tháng nữa là đến hạn cuối phải báo cáo Thủ tướng, thì các bộ ngành mới chỉ rà soát và cắt giảm 738 điều kiện, còn hơn 2.600 điều kiện cần cắt giảm mà vẫn phải chờ!

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, hầu hết các bộ đã xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh với tỷ lệ đạt từ 33% đến hơn 50%. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết nhưng chưa được đề cập trong phương án đơn giản hóa, cắt giảm; mặt khác là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh này lại phát sinh thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác. Cụ thể, ngày 1/3/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Nghị định 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, 11 điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa nhưng phát sinh thêm 115 điều kiện kinh doanh bổ sung(!). Mới có 9 bộ có tỉ lệ cắt giảm trên 50%. Có nhiều bất cập chủ yếu liên quan đến danh mục cắt giảm, khiến xảy ra tình trạng ách tắc nhiều lô hàng xuất khẩu thuỷ sản của một số doanh nghiệp tại TP.HCM qua Cảng sân bay Tân Sơn Nhất do hải quan cửa khẩu yêu cầu phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch mới được thông quan, điều này vô lý bởi khác với Luật Thú y 2015 và Thông tư 26/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Rất nhiều nguyên nhân có thể kể ra, tuy nhiên, phải kể đến lý do chính: việc giao cho các bộ tự rà soát và sửa đổi các loại giấy phép sẽ không thể hiệu quả do tính xung đột về lợi ích của các bộ. Giấy phép là quyền lợi, là “nồi cơm” của nhiều bộ ngành. Do đó, không ai “lấy đá ghè chân mình”.

Lấy dẫn chứng về năm 2017, chúng ta phải bỏ ra 36 triệu ngày công và 14.300 tỷ để thực hiện các quy định, thủ tục về quản lý chuyên ngành nhưng chỉ phát hiện 0,06% lô hàng có vi phạm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ trong công tác kiểm tra chuyên ngành phải làm thực chất, đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo, tránh hình thức, không sửa đổi theo kiểu cơ học, không nên dùng câu chữ để lách, không nên chuyển đổi các điều kiện kinh doanh thành những tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm soát.

Điểm về chỉ số chất lượng quy định pháp luật về kinh doanh (Regulatory Quality) - nằm trong bộ chỉ số WGI (Worldwide Governance Index) do Ngân hàng Thế giới thực hiện
- cho thấy Việt Nam kém khá xa so với Thái Lan, Indonesia chứ chưa nói đến Hàn Quốc, Singapore. Các sách vở tài liệu về quản trị hiện nay đều nhấn mạnh đến việc quản trị theo định hướng SMART với những yêu cầu sau khi đề ra kế hoạch hay chính sách:
- S: Specifi c, cụ thể, rõ ràngdễ hiểu,
- M: Measurable, đo lường được, nghĩa là phải định lượng cụ thể,
- A: Achievable, có thể đạt được bằng chính khả năng của mình,
- R: Realistic, thực tế, không viển vông,
- T: Time bound, có quy định thời hạn để đạt được mục tiêu đã vạch ra.

Chữ “M” còn có nghĩa động viên (Motivation), điều này sẽ luôn thôi thúc, tạo ra niềm mong muốn cháy bỏng, tập trung mọi hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu, nỗ lực phấn đấu để đạt được kế hoạch .

Kế hoạch cần được lên chi tiết và tốt nhất nên tính mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi người trong guồng máy sẽ làm những công việc gì để hoàn thành kế hoạch đó. Vậy thì các kế sách từ Thủ tướng xuống Bộ trưởng và xuống các bộ phận tham mưu và thực hiện bên dưới phải có báo cáo sơ kết, tổng kết từng tháng từng quý… Sao có thể kéo dài vô hạn định một quyết định của Thủ tướng mà không thực hiện? Kèm theo đó là biện pháp chế tài, khen thưởng kỷ luật song song. Nếu chúng ta cứ nhân nhượng, cả nể, dun g dưỡng tình trạng nhùng nhằng như hiện nay thì e rằng chúng ta khó đuổi kịp các nước Đông Nam Á, thậm chí phải cạnh tranh với Lào và Campucchia trong một tương lai không xa, chưa kể phải xây dựng được những KPI (Key Performance Indicator, Chỉ số Đo lường hiệu quả Công việc) căn cứ vào những mục tiêu theo kế hoạch.

Tình trạng dư thừa công chức

Trong khi giấy phép còn ngổn ngang thì đội ngũ những người làm công chức tiếp tục tăng phình, đến mức chín người dân nuôi một công chức. Ở những nước khác là từ 40 người dân đến 160 người dân mới nuôi một công chức.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã ví nền công vụ nước ta giống như chiếc đò dọc chỉ có khách lên chứ rất ít người xuống. Thực tế cho thấy, sau năm năm thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ/CP, tinh giản chưa thấy đâu mà chúng ta lại có thêm mới 56.000 biên chế. Có người lại ví nền công vụ giống như chiếc xe khách quá tải, mà tài xế - thủ trưởng đơn vị - dù biết thế vẫn tiếp tục đón khách. Cảnh sát giao thông (tức cơ quan chức năng) khi phát hiện cũng chỉ lập biên bản xử phạt mà không có bất kỳ hành động nào để giảm tải khách trên xe.

Mặc dù dự thảo nghị định đã nói rõ, chúng ta có hơn 11 triệu người “ăn lương nhà nước”, chỉ dự kiến giảm 100.000 thôi mà khoảng 80% trong đó bị giảm theo hướng giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và chỉ 20% giải quyết thôi việc do năng lực không đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, bản thân con số công chức kém năng lực giữa báo cáo chính thứctruyền thông đưa ra đã có độ vênh rất lớn. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, còn truyền thông đưa ra là có tới 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và khoảng 30% phải cầm tay chỉ việc. Chính tình trạng “sai số” này đã khiến cơ quan chức năng khó đưa ra được lời giải chính xác cho bài toán tinh giản. Ở các quốc gia khác, đây là chuyện bình thường. Thử xem Hy Lạp đã giảm số nhân viên chính phủ từ 913.000 người năm 2009 xuống còn 681.000 người năm 2013 và mục tiêu đến cuối năm 2014 cắt giảm thêm 15.000 công chức. Bồ Đào Nha cũng thực hiện kế hoạch cắt giảm 30.000 nhân viên trong khi Chính phủ Australia đang thực hiện chương trình cắt giảm 14.000 công chức thời vụ để tiết kiệm ngân sách.

Mở ngoặc đơn ở đây nói chuyện vua Lê Thánh Tông ngày trước khi nhận thấy bộ máy cai trị cồng kềnh, nhiều lớp khó kiểm soát, đã quyết định cải cách hành chính. Cụ thể, vua đưa ra bản “Hiệp định Quan chế” tức văn bản chính thức về cải tổ bộ máy sao cho “lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, uy quyền không bị lạm dụng, lẽ phải không bị lung lay… khiến trăm họthói quen theo đạo, giữ phép, không có lầm lỗi làm điều trái nghĩa, phạm hình, để theo trọn cái ý chí của Thái tổ, mà giữ được an trị lâu dài…”. Qua đó, vua bỏ hết các chức quan và cơ quan trung gian như Thượng thư sảnh, Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh, Khu Mật viện… vua trực tiếp nắm quyền chỉ đạo mọi công việc quan trọng của nhà nước cũng như liên hệ với các cơ quan thừa hành. Người thay vua chỉ đạo khi cần là các thái sư, thái phó thái bảo… Đặc biệt, vua đề cao công tác thanh tra nên lập ra ngoài Ngự sử đài là các Khoa chuyên giám sát các quan trong sáu Bộ. Vua chia cả nước thành 12 đạo Thừa tuyên; mỗi Thừa tuyên có ba ty ngang hàng nhau: Đô ty, Thừa ty và Hiến ty. Hiến ty có chức năng thanh tra, giám sát, luôn đi sâu tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm sự tập trung quyền lực cao nhất của trung ương. Chúng ta nên nhớ đất nước dưới triều đại Lê Thánh Tông bước vào một thời thịnh trị.

Xa hơn, chúng ta nhớ Đức Phật từng nêu ra bảy điều kiện thịnh suy của một quốc gia như sau:
1. Thường gặp gỡ và hội họp;
2. Hội họp, giải tán trong tinh thần đoàn kết;
3. Không ban hành những đạo luật chưa từng được ban hành; không hủy bỏ những đạo luật sẵn có, tôn trọnggiữ gìn những truyền thống quý báu;
4. Kính trọng các bậc trưởng thượng;
5. Không có những bất công, tôn trọng phụ nữ;
6. Thờ phụng, ghi nhớ công đức tổ tiên, những bậc có công;
7. Cung kính, hộ trì, noi gương các bậc Thánh. Đó là những yếu tố làm nên sự hưng thịnh của một quốc gia. (Tăng chi bộ kinh III, chương Bảy pháp)

Về phương pháp lãnh đạo, quản lýđiều hành một tổ chức, làm lợi ích cho số đông, Đức Phật dạy Tứ nhiếp pháp: Bố thí nhiếp; Ái ngữ nhiếp; Lợi hành nhiếp; Đồng sự nhiếp. Bốn phương pháp nhiếp hóa này có thể dùng riêng lẻ tùy trường hợp hoặc sử dụng phối hợp một cách khéo léo (Tham khảo thêm: Tứ nhiếp pháp trên http://thuvienhoasen.org).

Quả thật, nếu áp dụng thực thi được những lời tiền nhân chỉ bảo thì những người lãnh đạo sẽ là những người đức độ anh minh, áp dụng chính sách có khi khoan thư như nước, có khi quyết liệt như lửa, nhưng luôn nhận được sự ủng hộ của muôn dân, nhất là vì đưa ra những chính sách hợp lòng dân, giúp phát triển bền vững. Một khi xã hội an cư lạc nghiệp thì nền chính trị yên ổn, vững mạnh, lo gì đất nước không cường thịnh, sánh vai với bè bạn năm châu.

Nguyên Cẩn | Văn Hóa Phật Giáo số 305 15-9-2018

Thư Viện Hoa Sen


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/12/2013(Xem: 26213)
01/09/2014(Xem: 16740)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.