Ni Trưởng Trí Hải - Một Đoá Sen Ngát Hương

03/09/201012:00 SA(Xem: 8793)
Ni Trưởng Trí Hải - Một Đoá Sen Ngát Hương

NI TRƯỞNG TRÍ HẢI

MỘT ĐOÁ SEN NGÁT HƯƠNG

(bài tham luận)

Lật trang sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, thì hình ảnh Ni trưởng Trí Hải (1938 – 2003) rực sáng như một ngôi sao trên bầu trời văn học Phật giáo Việt Nam
 

Ni trưởng là một bậc thông tuệ tài hoa mà phẩm cách lại thanh cao như một đóa sen vi diệu, tinh khiếtthông thái như một nhà “hiền triết”. Tài năng của Ni trưởng đã làm cho Ni trưởng trở thành một trong những vị tu sĩ xuất sắc của nữ giới Phật giáo.
 

blank
Chân dung Ni trưởng Thích nữ Trí Hải
Một đời hiếu học ham tu 
Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc nhiều đời thâm tín Phật giáo. Ni trưởng sinh ngày 9 tháng 3 năm 1938, tại Vĩ Dạ, Tỉnh Thừa Thiên, Huế, miền Trung Việt Nam trong một gia đình có sáu anh em. Thân phụ của Ni trưởng là cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều thuộc dòng dõi vua chúa thời nhà Nguyễn, và thân mẫu là Đặng thị Quê, một người mẹ quá đỗi tuyệt vời mà theo lời tự sự của một nhà văn Việt Nam khi nhắc đến mẹ của Ni trưởng đã viết: “Mệ ơi! Mệ hiền như Phật và chu đáo nhất trên đời”[1].
Khi Ni trưởng tượng hình trong bào thai mẹ mới 3 tháng, thì bà mẹ đã lên chùa Tường Vân, Huế, xin Hòa thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết ban cho thai nhi pháp danh Tâm Hỷ.[2] Người thiếu nữ lớn lên xinh đẹp, dịu dàng với cái tên Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh đã làm rung động bao trái tim của những chàng trai thuở ấy… Nhưng vượt thoát ra khỏi tất cả những cám dỗdục vọng tầm thường, Phùng Khánh đã chọn cho mình một con đường thanh cao nhất. Với thiên tư thông tuệ, tài hoa, phẩm cách thanh cao, người đã nuôi chí xuất trần vào giữa tuổi hoa niên tươi đẹp.
 
blank
Ni trưởng cùng đại gia đình thâm tín Phật
Năm 1960, Ni trưởng Trí Hải tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Sư phạm Huế. Sau vài tháng giảng dạy tại Trường Trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, người xuất dương du học. Năm 1964, Ni trưởng tốt nghiệp Thạc sỹ Văn chương tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Cũng trong năm này, Ni trưởng phát tâm xuất gia với sư bà Diệu Không, một bậc trưởng lão Ni rất nổi tiếnggiới hạnh tại chùa Hồng Ân và đến năm 1970. Ni trưởng thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Vĩnh Gia, Đà Nẵng.
 Mái chùa Hồng Ân đã nuôi dưỡng chí lớn xuất trần của một bậc ni lưu tài đứccho đến nay tất cả pháp lữ vẫn không thể nào quên:“Chúng tôi vẫn còn nhớ bước đầu sơ cơ học đạo, Pháp muội tỏ ra là một người xuất chúng, giỏi giang mọi mặt. Pháp muội được Bổn sư thương yêu hết mực và huynh đệ trân trọng vô cùng…Khi Pháp muội vào miền Nam giành nhiều thời gian cho việc nghiên cứugiáo dục. Chư tôn đức và mọi người thương mến, danh tiếng ngày càng cao làm cho chị em chúng tôi cũng được thơm lây.”[3]
 
blank
Ni trưởng trong thời gian du học tại Mỹ
Ni trưởng Trí Hải là một trong những giảng viên đầu tiên giảng dạy tại Thiền viện Vạn Hạnh và Trường Cao cấp Phật học Việt Nam được thành lập năm 1984, ( nay là Học viện Phật giáo Việt Nam) tại thành phố Hồ Chí Minh. (cần lưu ý rằng đây là nhân vật nữ đầu tiên và duy nhất giảng dạy tại một Học viện Phật giáo trong thời kỳ đó). Tại ngôi trường này, ni trưởng giảng dạy giới luật (Pratimoksa) và đã có nhiều bài thuyết giảng sâu sắc về Trung Bộ Kinh bằng tiếng Anh cho Tăng Ni sinh. Trụ trì 3 ngôi chùa Tuệ Uyển, Diệu Không, Liên Hoa Ni tự, Ni trưởng từng được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê và trưởng ban Giám khảo trong nhiều đại giới đàn tổ chức tại Việt Nam. Đầu tháng 12 năm 2003 với khả năng và tài đức của một vị Ni khiêm cung, đạo hạnh người chính thức được cử làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
 
blank
Ni trưởng đảnh lễ Hòa thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận 
Tháng 12 năm 2003, người đã vĩnh viễn ra đi. Thế hệ Ni giới chúng tôi mất đi một bậc thầy tài đức tuyệt vời, bầu trời văn học Phật giáo Việt Nam vụt tắt một vì sao sáng đẹp; nhưng đúng với nhận định của Hòa thượng Hiển Pháp – một vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam: “Hiện tượng độc đáo Trí Hải tuy hôm nay đã trở thành quá khứ, nhưng quá khứ tốt đẹp luôn là động lực, là sức mạnh để hàng hậu học ni giới phấn đấu học tập, nêu cao đức tính cao quý của người phụ nữ Việt Nam trên bước đường hoằng pháp độ sinh, phục vụ Giáo hội và dân tộc, đem lại an lạc hạnh phúc cho chúng sinh”[4].
Dấn thân cho sự nghiệp giáo dụchoạt động xã hội
Với kiến thức Phật học và thế học uyên thâm, Ni trưởng đặc biệtuy tín trong lĩnh vực văn học Phật giáo với nhiều công trình nghiên cứu, trước tác và dịch thuật có giá trị. Với tài hoa sẵn có, cộng với sự tinh tế trong việc chọn lựa tác phẩm, Ni trưởng đã biến việc dịch thuật thành nguồn vui và niềm hạnh phúc lớn lao cho cuộc đời. Tarthang Tulku Rinponche, tác giả của Làm việc – Một nguồn vui, tập sách được Ni trưởng phiên dịch và xuất bản năm 2000 đã viết: “Nhờ tập sử dụng phương tiện khéo trong mọi việc ta làm, chúng ta có thể chuyển cuộc sống hàng ngày thành một nguồn vui, một thành tích còn hơn cả mọi giấc mơ đẹp nhất của mình”.[5] Ni trưởng đã sống như thế, Người đã để lại trên 100 tác phẩm và dịch phẩm[6]. Đó là một công trình to lớn phản ánh một quá trình làm việc miệt mài, không mệt mỏi bao gồm cả những tác phẩm dịch thuật và trước tác, Ni trưởng đã trở thành một nhân vật nổi bậc của lịch sử văn học Việt nam, đặc biệtvăn học Phật giáo. Đúng với nhận định của Hòa thượng Thiện Nhơn – một cao tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Ni trưởng là một nhà dịch thuật lỗi lạc, một nhà nghiên cứu uyên thâm, am hiểu cả hai hệ thống giáo lý Nam truyền và Bắc truyền của Phật giáo…cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp giáo dụcnghiên cứu Phật học”.[7]

 
 
blank
Năm 1964, Ni trưởng tốt nghiệp Thạc sỹ Văn chương 
tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ 
Ni trưởng Trí Hải với sự tinh tếtrí thông minh xuất chúng, các tác phẩm của Ni trưởng được tuyển dịch từ những tác phẩm Hán cổ, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và cả Hán hiện đại. Nhiều học giả cho rằng, từ xưa đến nayViệt Nam chưa có một vị Ni nào am tường kiến thức Đông Tây kim cổ, giỏi chữ Hán, cổ ngữ Pali và Sankrit, thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức như Ni Trưởng Trí Hải. Người đã vận dụng ngòi bút sáng tạo, linh động, tao nhã và súc tích…thổi vào bản dịch một sức sống mới, khiến cho dịch phẩm trở nên độc đáo, điển hình như của J.D. Salinger, Gandhi , H.Hesse, Will Durant và của Erich Fromm, …đặc biệt phải kể đến “Câu chuyện dòng sông”[8] một tuyệt phẩm rất thâm sâu của nhà văn thi sĩ Hermann Hesse mà Ni trưởng đã dịch từ nguyên văn tiếng Đức khi vừa rời ghế nhà trường. Dưới ngòi bút dịch thuật điêu luyện của Ni trưởng, tác phẩm đã biến thành một kiệt tác văn chương với nội dung khác hẳn với các tác phẩm nhuốm màu triết học hiện sinh (existentialism) của phương Tây đang chiếm lĩnh văn đàn miền Nam Việt Nam lúc đó. “Bản dịch của cô đẹp và chân đến nỗi người đọc có thể đọc đi đọc lại mà vẫn thấy như là một nguyên bản tiếng Việt với lời văn chải chuốt tự nhiên, đầy thơ mộng.”[9] Ngay trong lời tựa dịch phẩm này Ni trưởng đã thể hiện nhận thức về cuộc đời ngay khi còn là một tỳ kheo ni trẻ tuổi: “Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời Thánh ca bay vút lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm sự giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt”[10].
 
blank
Ni trưởng một đời chăm lo công tác xã hộiphiên dịch kinh điển
Với sự hiểu biết sâu sắc và là tác giả của nhiều tác phẩmgiá trị, nhưng Ni trưởng vẫn luôn cần mẫn thực hiện hạnh nguyện của mình như hiện thân của vị bồ tát Quán Âm, lòng từ bi của người đã xoa dịu được nỗi đau của nhân loại.
Ni trưởng tâm sự: "Làm từ thiện không chỉ là ủng hộ về tài chính mà còn có nghĩa là làm giảm thiểu nỗi đau về tinh thần cho họ”. Trước những năm 1975, khi còn tham gia công tác tại học viện, Ni trưởng đã từng làm từ thiện, và cho đến những năm sau 1975 cũng thế. Với trái tim yêu thươnglòng nhân ái vô biên, Ni trưởng vẫn tiếp tục làm nhiều việc cho người nghèo như, những người già, người tàn tật, những bệnh nhân tâm thần và những người dân tộc thiểu số, Ni trưởng đến với họ bằng bức thông điệp ngàn đời của đạo Phật đó chính là lòng từ bi và chất liệu của trí tuệ. Không một ai có thể quên được những giọt nước mắt của Ni trưởng đã lăn xuống khi người nói đến những hoàn cảnh cơ nhỡ của những người cùng khó. Đặc biệtNi trưởng còn chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV trước những ngày mà họ mất, người luôn nói về những nỗi cô đơn của họ và tìm mọi cách để có thể giúp họ có được nội tâm bình an trước khi chết. Trái tim bồ tát của người luôn đau với nỗi đau của nhân loại, đau lòng khi nhìn thấy cả chó hay mèo bị bỏ rơi. Lòng từ chính là một liều thuốc hữu hiệu để có thể cứu khổ cho nhân loại. Lòng từ lớn cũng chính là một trong những năng lực kỳ diệu để người đạt được sự giác ngộ như Ni trưởng đã viết:
Tâm đại bi như hoa,
Nở từ chân không Tuệ,
Đại bi như ánh sáng,
Tỏa từ ngọn đèn Thiền
blank
Ni giới Việt nam luôn tự hào về ni trưởng Trí Hải, nơi người thấp thoáng hồn nghệ sĩ, phóng khoáng trên gương mặt sáng ngời, nụ cười rộng lượng bao dung, một nụ cười có muôn nẻo đi vào giác ngộ.Ni trưởng quả là một ngôi sao sáng, một đóa sen ngát hương của từ bitrí tuệ giữa chốn hồng trần, lòng từ bi và hạnh nguyện vị tha của người đang chiếu soi từng bước chân.
 
Thích nữ Hương Nhũ
[1] Nguyễn Đức Sơn, Ký ức về Phùng Khánh – Phùng Thăng, bản viết tay, 2009. [2] Tưởng niệm Ni trưởng Trí hải (1938 – 2003), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2004 [3]Ibid, 54. [4] Tưởng niệm Ni trưởng Trí hải (1938 – 2003), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2004, 13. [5] Tarthang Tulku Rinpoche, Làm Việc - Một Nguồn Vui, Dịch giả: Thích Nữ Trí Hải NXB TP HCM năm 2000, 6. [6] Ibid, Trí Hải Toàn tập, 16, 17. [7]Ibid, Hòa thượng Thiện Nhơn, Diễn văn Lễ truy phong cố Ni sư Trí Hải lên hàng Giáo phẩm Ni trưởng tháng 12 năm 2003, 48. [8] Phùng Khánh & Phùng Thăng “Câu chuyện dòng sông” ( An Tiêm, 1974) chuyển ngữ từ Siddhartha trong tập Đường về nội tâm (Weg nach Innen) của Hermann Hesse. [9] Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, In Memoriam, Tưởng niệm Ni trưởng Trí hải (1938 – 2003), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2004, 101. [10] Opcit, Lời tựa, 4.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.