Người đàn bà đi tìm hạnh phúc

01/10/20174:01 SA(Xem: 6184)
Người đàn bà đi tìm hạnh phúc

Bút ký... 

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM HẠNH PHÚC

 

I

 

        Tôi đang ở nhà sau, bỗng nghe đứa con gái gọi lớn:

- Ba ơi, có cô Lé Mại ghé thăm nè!

Tôi lật đật đi ra:

- Ủa, em về Huế hồi nào?

- Em mới tới, vội tìm đến anh liền à!

Tôi chằm hăm ngó thẳng vào toàn thân người thiếu phụ đối diện, cố ý tìm cho ra một đường nét thân quen cũ, nhưng thất vọng quá:

- Lé Mại, sao em thay đổi nhiều quá! Mới năm sáu năm thôi…

Lé Mại, lộng lẫy với chiếc robe phủ gót chân. Sặc sỡ. Sang trọng. Xâu ngọc trai lơ lửng trên bộ ngực hở gần một nửa. Sống mũi cao thẳng như người Âu Mỹ. Viền mắt tím sen. Lúng liếng đôi đồng tiền khoét sâu hoắm trên má. Nàng nhìn tôi:

- Anh ngạc nhiên lắm à? Mỹ viện nổi tiếng ở Seoul đã mang sắc đẹp lại cho em với cái giá bảy chục ngàn đô thôi!

        Vợ tôi rú lên:

- Đến bảy… chục… ngàn… đô-la ư?

- Này nhé: Đổi khuôn mặt trái soan, nâng sống mũi, sửa con mắt lé, rồi xâm mí mắt, làm hai cái lúm đồng tiền, hấp toàn bộ da mặt, và sửa cái lổ rún. Vị chi cả thảy bảy chục ngàn đô chứ mấy!

        Tôi trầm trồ:

- Hèn chi…

Quay qua vợ tôi, Lé Mại liến thoắng:

- Chị biết không? Đàn bà thì phải đẹp. Lỡ mang bộ mặt xấu xí làm sao kiếm được thằng chồng tử tế?

Tôi cười hóm:

- Bây giờ tân trang xong, chắc các đấng mày râu Saigon chạy theo em như biểu tình chứ gì?

        Lé Mại bấu vào vai tôi đau điếng:

- Anh Chiến cứ chọc em hoài. Chị biết không? Đi sửa sắc đẹp ở Hàn quốc về, em thẳng đến Sở Tư Pháp Thành Phố xin đổi tên. Chứ người đẹp như vầy mà mang cái tên Nguyễn Thị Lé tức Lé Mại, thì ra cái quái gì?

        - Bây giờ em mang tên chi? Tôi ngắt lời nàng.

        - Nguyễn Duyên Lệ Mai. Bảnh chưa?

        Vợ tôi mừng thiệt tình:

        - Phải. Phụ nữ xinh đẹp, lịch thiệp như cô thì phải có cái tên hay ho như vậy mới xứng.

        Tôi càm ràm:

        - Chà, Lệ Mai hay Lé Mại thì cũng là em chứ ai?

        Vợ tôi lừ lừ ngó tôi:

        - Hừm. Cái ông này hủ lậu, quê mùa quá…

        - Chậc, anh Chiến thì vẫn gàn gàn như xưa. Sau khi sửa nhan sắc và thay đổi tên tuổi, em nhận lời cầu hôn của một Việt-Kiều thứ thiệt. Anh ấy tên Huấn. Giám đốc hãng BAXIBATUPRODEX. Tài hoa, đứng đắn, học vị tiến sĩ. Tuổi tác hơi lớn…

        - Gần cưới chưa?

        Tự nhiên nàng ỉu xìu như bánh xe thủng lốp:

        - Em đi Huế chuyến này mà có kết quả tốt, thì cưới liền à…

        Vợ tôi nhíu mày:

        - Hay là…?

        Lệ Mai lắc đầu:

        - Một việc rất hệ trọng quyết định hạnh phúc của em. Anh Chiến giúp em nghen!

        Tôi tần ngần:

-          Chẵng lẽ xinh đẹp và nhiều tiền như em, mà phải lần mò về tận cái xứ mắm ruốc này mới tìm ra lá chủ bài của hạnh phúc hay sao?

-          …

 

        Bất ngờ, nàng rầu rĩ:

        - Em cứ tưởng đàn bà con gái chỉ cần thật tươi mát, quyến rũ, nhất là nhiều tiền bạc thì dễ dàng vớ tấm chồng ngon lành, hạnh phúc như nắm chắc nịch trong tay. Nhưng… chưa đủ. Anh Huấn bảo rằng, thời buổi kinh tế thị trường, đàn bà phải có học vấn cao, trình độ văn hóa đại học, có năng khiếu thưởng thức nghệ thuật, thông thạo ngoại ngữ, rành xã giao và tiếp tân… Một ông tiến sĩ, giám đốc một công ty tầm cỡ quốc tế như anh Huấn, không thể nào chấp nhận người vợ dốt nát, dù em đẹp và giàu có đến mấy đi nữa…

        Quá hứng khởi, tôi vụt mạnh bàn tay lên bàn, suýt đổ tách trà trước mặt:

        - Đúng. Chú Huấn nào đó quả là tay cừ khôi. Hừm, đàn bà thật ngu dốt khi cho rằng tiền bạc và nhan sắc sẽ tạo nên hạnh phúc. Mấy thằng đàn ông cà chớn, mới đủ đần độn để bợ một mụ vợ đẹp, giàu, nhưng chả có chút hiểu biết. Chẵng khác chi sống với con búp bê trát đầy son phấn, biết nhăn nhó, gào thét… nhưng thiếu linh hồn. Chung đụng với con mệ đờn bà như rứa, e tui… đầu hàng gấp!

        Tưởng Lệ Mai giận vì lời nói huỵch toẹt của tôi, té ra nàng tỉnh bơ như không. Vợ tôi lừ đừ nhìn tôi tỏ vẻ hăm he. Nhưng tôi giả vờ không thấy. Hỏi tiếp:

        - Nghĩa là chú Huấn muốn có người vợ có trình độ tương đương đại-học và hiểu biết đủ thứ?

        Vợ tôi nắm tay nàng:

        - Hay là… Lệ Mai chịu khó học bổ túc văn hóa vài năm thôi… Chẳng lẽ vuột mất một ông giám đốc tiến sĩ ngon lành như rứa?

        Tôi thương Lệ Mai quá. Chẳng mong cô em mình là kẻ mới rành cộng trừ nhân chia, mà bỗng chốc cầm mảnh bằng đại học trong tay, chắc ông giám đốc-tiến sĩ sẽ bật ngửa chết giấc. Tôi định phản đối “trò chơi” nguy hiểm ấy, thì nàng lắc đầu:

        - Không được. Chồng em chả ưa cái kiểu học chớp nhoáng cà giựt ấy đâu. Vả lại, em nay bộn tuổi đầu, lại ôm sách vở đi học thì… gay quá! Chỉ có một cách. Ngoài anh Chiến thì chẳng biết cậy ai …

        Tôi cười khoái trá:

        - A di đà Phật... Nhưng việc gì vậy?

- Anh quen ông bác sĩ Huy chứ? Ông này mới ở Mỹ về, đỗ ba bốn bằng tiến sĩ lận…

- Rất thân. Xưa, anh là học trò cũ…

        - À, anh làm ơn giới thiệu em với ổng.         

Nàng vuốt tóc, sửa tư thế ngồi:

        - Nhờ anh cậy bác sĩ Huy giải phẫu hộp sọ. Và thay não…

        Tôi lúng búng:

        - Sao? Mổ sọ, thay não?

        Lệ Mai nghiêm túc bảo:

        - Nghĩa là… bác sĩ Huy sẽ giải phẫu hộp sọ của em. Xong, cấy vào não bộ một chút chất xám nhân tạo mà Hoa-Kỳ vừa phát minh không lâu. Qua ca mổ này, em thực sự trở thành con người mới. Có văn hóa Âu Mĩ thứ thiệt, nền học vấn tương đương sinh viên đại học các nước tân tiến. Khỏi cần bổ túc văn hóa chi cho nhọc xác.

        Tôi rụng rời:

        - A di đà Phật! Em… em… không đùa đấy chứ?

        Lệ Mai vươn vai:

        - Chắc chắn mà. Em thề rằng…

        Tôi luống cuống:

-          Được. Anh tin em. Đừng thề… Anh sẽ đưa em đến gặp bác sĩ Huy tức khắc.

 

        Trong khi vợ tôi gọi taxi, tôi kéo Lệ Mai ra:

        - Mấy năm ni em có thường xuyên niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Âm như anh dặn không?

        Lệ Mai kính cẩn:

- Dạ. Anh đã dặn em thế nào, em cứ vậy mà niệm “Nam mô Quan thế âm Bồ-tát”. Sáng thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Nhiều lúc hễ nhớ đến Ngài em đều niệm!

- Được! Như vậy là tốt lắm rồi. Nhưng phải cố gắng niệm nhiều hơn nữa!

- À này, em niệm danh hiệu Quán Âm lâu ni mà răng chẳng thấy linh nghiệm chi cả. Tại răng rứa anh?

- Ngài có lẽ đã xuất hiện, nhưng em không có “con mắt nhìn thấy” nên em cứ tưởng là Ngài bỏ lơ đứa con đang thành khẩn gọi đến Ngài. Nếu em một lòng tin cậy, em sẽ nhận ra rằng, Ngài vẫn ở bên cạnh em và trong em, giữa đời sống tất bật và ai nấy đều bon chen này…

Hãy gọi đến danh hiệu Ngài luôn luôn. Nam mô Quán thế âm Bồ-tát. Ai có lòng tin thì được cứu. Chắc chắn!

 

II

 

        Biệt thự đồ sộ của bác sĩ Huy tọa lạc trên mảnh vườn khá rộng, cách xa thành phố, với đủ loại cây lưu niên sum suê. Tôi dẫn vợ tôi cùng Lệ Mai theo lối đi rải sỏi xinh xắn. Các dãy nhà cao tầng rập khuôn bệnh viện Mỹ, với tiện nghi sang trọng, lạ mắt. bác sĩ Huy  đang ngồi bên cửa sổ, chăm chú đọc sách, tay cầm cây bút. Tôi nói lớn:

        - Thưa thầy!

- Anh Chiến phải không?

Bác sĩ gỡ kiếng đeo mắt:

        - Mời anh và các chị ngồi.

        Lệ Mai rón rén ngồi, ngỡ ngàng nhìn quanh phòng khách. Tôi xoa tay, thưa:

        - Vâng. Hôm nay con đưa cô em gái về nhờ thầy giúp giải phẫu hộp sọ và thay não. Chẳng hiểu thầy thực hiện khoa này tự bao giờ?

        Bác sĩ Huy gật đầu:

        - Thật ra, chúng tôi mới thí nghiệm trên động vật như khỉ và đười ươi. Còn về con người thì… hãy đợi đấy! Vẫn có nhiều người tình nguyện thay não, nhưng chưa kết quả rõ ràng, tức thời.

        Bác sĩ Huy quay sang Lệ Mai:

        - Trước tiên chúng tôi muốn biết yêu cầu cụ thể của thân chủ.

        Thu hết can đảm, Lệ Mai nói:

        - Ở Saigon, con nghe người ta bảo bác sĩ có thể biến một người ngu dốt, kém học, trở thành kẻ hiểu biết và có văn hóa Âu Mỹ nên con lặn lội đường xa, mong thầy trổ tài  cứu giúp…

        Trong khi bác sĩ ngấm ngầm định bịnh qua ngoại hình thân chủ:

        - Nhưng trước khi hoàn tất hồ sơ bịnh lý, chúng tôi muốn nắm vài ba chi tiết lý lịch, gia thế của cô gì đây nhỉ?

        Vợ tôi thưa:

        - Lệ Mai. Nguyễn Duyên Lệ Mai ạ!

        Bác sĩ gật đầu:

        - Vâng. Cô Lệ Mai sinh trưởng ở đâu?

        Tôi hớt lời:

        - Dạ, ở xóm Trâu, làng An Hòa. Cùng quê với con ạ…

        Thầy vội ghi vào cuốn sổ:

        - Hai cụ thân sinh làm nghề gì?

        Lệ Mai ngượng ngùng:

        - Dạ. Nghề giết mổ xưa nay. Ít ai được học hành tới nơi tới chốn. Cũng may, được ông anh đậu bằng Tiến sĩ Tại chức mà thôi.

        Bác sĩ Huy khoát tay:

        - Tiến sĩ Tại chức à? Không đáng kể. Hồi nhỏ cô làm gì?         

Lệ Mai phẩy mái tóc xù ra phía sau lưng:

        - À à… hồi nhỏ cha mẹ tôi đẻ lia lịa. Cả thảy anh chị em gồm mười bảy người lận. Tuổi thơ tôi quanh quẩn việc ẵm bế mấy đứa nhỏ, nấu cơm, kho cá, Đi học hai ba năm rồi nghỉ. Lớn lên theo nghề may vá. Sau đó vào Sài Gòn buôn bán. Khi sẵn trong tay đôi ba trăm lượng vàng, cũng còn khổ vì kém nhan sắc. Vô mỹ-viện để sửa sắc đẹp xong lại đụng chuyện văn hóa, trình độ… Phải ra Huế gặp bác sĩ để giải phẫu hộp sọ và thay thế não bộ chi đó, mong sao trở nên kẻ có học thức, văn hóa Âu Mỹ, biết hưởng thụ thành quả văn minh hiện đại, và… đám cưới với ông Giám đốc-Tiến sĩ…

        Bác sĩ Huy nhìn thẳng vào mặt Lệ Mai, nói tiếp:

        - Nhưng chúng tôi xin thưa trước cùng thân chủ, Một là: Cô Lệ Mai phải tình nguyện chấp nhận mọi hậu quả nếu có gì xảy ra. Hai, là phải trả một cái giá rất đắt…

        Lệ Mai thót người:

        - Tôi hoàn toàn tình nguyện, chấp nhận mọi sự cố rủi ro đến cho tôi. Còn giá cả bao nhiêu lượng vàng SJC không thành vấn đề!

        Bác sĩ Huy trầm ngâm:

        - Thưa cô, đắt lắm. Đắt hơn cả vàng nữa kia!

        Lệ Mai tái mặt:

        - Bộ ở đây người ta chơi đô-la hay sao chứ? Được. Nếu muốn thanh toán bằng sec hoặc đô-la vẫn được. Có ngay liền à…

        Bác sĩ Huy điềm nhiên lắc đầu:

        - Cái giá quá đắt. Vàng hay đô-la đều không thể mua nổi.

        - Xin bác sĩ cho biết rõ hơn?

        - Chỉ ngại cô sẽ ân hận mà thôi. Này nhé. Chúng tôi sẽ cấy vào não bộ của cô một loại chất xám nhân tạo đồng thời nó sẽ vô hiệu hoá những nơ-ron lưu giữ truyền thốngvăn hóa dân tộc. Như thế, hệ thần kinh mới cân bằng. Nếu cô đồng ý thì ký tên vào Tờ Cam Đoan để chúng tôi hoàn tất hồ sơ cần thiết…

        Quay sang tôi, nàng hỏi:

        - Anh Chiến nè, văn hóatruyền thống là chi rứa?

        Trong lúc thảng thốt, tôi bí. Lấy tay vò đầu bứt tai một lát, tôi nghĩ mãi mà chẳng tìm ra cách giải thích cho đứa em chưa qua lớp hai của bậc tiểu-học này. Lệ Mai thì sốt ruột hỏi tới tấp:

        - Văn hóa là gì? Truyền thống là chi, hở anh Chiến?

        Tôi nổi sùng quát lớn:

        - Xì, từ từ đã nào. Văn hóa là …

        Vợ tôi nín thở. Lệ Mai đứng dậy, dậm chân tía lia:

        - Úi chào. Nghe anh học hành dữ lắm, và đọc sách tụng kinh tùm lum. Rứa mà hỏi mấy chữ cũng không biết!

        Bác sĩ Huy bật cười:

        - À, theo từ điển thì VĂN HÓA nghĩa là những thói lề trong sự phát triển về tinh thần, đạo lý, nghệ thuật, phong tục… phản ánh ra trong đời sống của nhân loại, hoặc một dân tộc, một nhóm người. Còn TRUYỀN THỐNG nghĩa là nếp suy nghĩ hoặc cách sống được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia, trở thành định chế bất-thành-văn trong một xã hội, một đoàn thể, một tôn giáo, một tổ chức… vân vân…

        Lệ Mai ngẩn ngơ, đỏ mặt, liếc mắt qua vợ tôi:

        - Chị bảo anh Chiến thông dịch lại cho em nghe với chứ. Thú thật bác sĩ nói em không hiểu chi cả…

        Vợ tôi quắc mắt:

        - Anh Chiến dịch sao cho dễ hiểu một chút!

        Tôi run lập cập như sắp sửa bước lên đoạn đầu đài:

        - Văn hóa là… truyền thống là…

        Bỗng Lệ Mai búng tay nghe “chóc”, cười tuếch toác:

        - Em hiểu ra rồi anh Chiến ạ. Văn hóa nghĩa là những cái chi có vẻ mơ hồ trong cuộc sống. Và truyền thống tức là xưa bày nay làm, phải rứa không?

        Như người vừa thoát nạn đắm tàu, tôi đáp ngay:

        - Phải. Gần gần như thế…

        - Vậy em bằng lòng kí vào Tờ Cam Đoan, sẵn sàng đánh đổi văn hóatruyền thống Việt Nam để lấy văn hóahọc thức Âu-Mỹ.Trước mắt là chớp được ông chồng Giám đốc-Tiến sĩ cái đã…

 

 

III

 

        Bác sĩ Huy dẫn chúng tôi sang Phòng Lưu Trữ Chất Xám Nhân Tạo, trang bị máy lạnh và lồng kính sáng choang. Bác sĩ giới thiệu đủ kiểu chất xám do y học Hoa Kỳ chế tạo đồng thời giảng giải nguồn gốc của phát minh, và hiệu quả thiết thực của mỗi thứ. Tôi không ngờ nhân loại tiến triển dường ấy. Hèn chi càng ngày người ta càng hạnh phúc, sung sướng. Như Lệ Mai chẵng hạn. Nàng tíu tít, trầm trồ tựa đứa trẻ được mẹ mua cho bộ quần áo mới. Chỉ bác sĩ Huy vẫn luôn trầm tĩnh:

        - Đây là chất xám nhân tạo mệnh danh “KIẾN THỨC VÀ VĂN HÓA TÂY PHƯƠNG”. Khi được cấy vào não-bộ, thì chúng ta trở nên thông tháithực dụng như người Mỹ vậy. Vừa nói, bác sĩ vừa chỉ ngón tay vào những cụm điện-tử nhỏ bằng hạt mè nằm trong lồng kính. Đây là mẫu chất xám mới nhất vừa còm-măng về, gọi là con bọ AUTOMATIC. Nếu được cấy vào não, tức khắc chúng ta biến thành những Robot cùng những sinh hoạt rất ư tự động hóa hoàn toàn. Kia là mẫu chất xám LÝ LUẬN NHỊ NGUYÊN, dành cho những ai muốn trở thành tay tư duy xuất sắc, cừ khôi. Đằng ấy là I.C NGỤY TÍN NGỤY BIỆN, dành cho những thân chủ muốn bẻ phải thành trái, đổi trắng thay đen, uống cong sự thật. Và hấp dẫn nhất vẫn là loại chất xám gọi là MAKING MONEY, có thể giúp chúng ta kiếm tiền chớp nhoáng, đương nhiên giá cả hơi đắt một tí…

        Lệ Mai sửng sốt:

        - Té ra có loại chất xám giúp mình kiếm tiền dễ dàng ư?

        Nàng bỗng nhìn bác sĩ Huy với vẻ mặt tình tứ:

        - Bác sĩ làm ơn cấy thêm cho em nhiều chất xám ấy nhé. Em còn trẻ, còn ham làm giàu…

        Bác sĩ Huy đắn đo:

        - Chậc, cô sẽ trả cái giá rất đắt. Cô sẽ đánh mất những thứ quý báu của đời người mà chẳng bao giờ tìm kiếm lại được…

        - Em chấp nhận mọi giá, để trở thành người giàu có, ăn ngủ trên đống đô-la suốt đời…

        Bác sĩ Huy thở dài, băn khoăn:

        - Bên Mỹ gởi mẫu chất xám MAKING MONEY này về tới đây đã lâu, nhưng chúng tôi chưa thực hiện cho một thân chủ nào cả. Dù tự nguyện đi nữa. Lý do: lương tâm không cho phép…

        - Tại sao? Lệ Mai tiếc hùi hụi nói.

        - Nếu cô muốn, chúng tôi sẽ vâng theo ý định của cô. Nhưng cô bắt buộc đánh mất một thứ gọi là TÂM LINH. Khi chất xám này được cấy vào não-bộ, nó sẽ phát huy tác dụng của nó, đồng thời triệt tiêu tất cả năng lực tâm linh trong con người của cô. Cô nghĩ sao?

        Quay sang tôi, nàng hỏi:

        - Tâm linh là chi rứa, anh Chiến?

        Tôi cà lăm:

        - Ơ, tâm linh là… những quyền lực siêu nhiên trong ta, khiến ta khác với loài vật. Và có khả năng biến cuộc đời mình thành thánh-thiện hơn, cao thượng hơn, giải thoát tự tại…

        Nàng phụng phịu:

        - Anh lại “hét tiếng Tây” nữa rồi. Em chẵng hiểu tí ti…

        - Tâm Linh là thứ năng lực vô hình, mà chỉ có tu tập mới phát huy và cải biến…

        Nàng nổi nóng ngắt lời:

        - Em hiểu mà. Tâm Linh tức là sống như mấy bà ni-cô và mấy ông thầy chùa phải không?

        Vốn tính dễ duôi, tôi gật đại cho xong:

        - Phải. Phải.

        - Vậy thì em cóc cần. Tâm Linh đáng giá quái gì đâu? Mất thì thôi. Bỏ hết. Có nhiều tiền mới sướng.

        Sau khi ký rẹt rẹt vào cả đống giấy tờ, Lệ Mai đương nhiên ở lại đó khoảng hai tuần lễ, để đợi giải phẫu. Tôi chào bác sĩ Huy rồi cùng vợ ra về.

        Xong xuôi, Lệ Mai đáp máy bay vô Sài Gòn.

        Từ đó, vợ chồng tôi không nghe tin tức gì về nàng. Nhớ đến người em nghiệp chướng sâu dày, chỉ loanh quanh lẩn quẩn trong đồng tiền, sắc đẹp, danh vọng, vật chất - tôi chỉ biết âm thầm cầu nguyệnNam mô A di đà Phật... Nam mô Quán thế âm Bồ-tát…

 

IV

 

        Và chuyện đời lu bu khiến tôi quên hẳn Lệ Mai. Nàng như một hành khách đường dài bỗng ghé tạt qua sân ga lẻ, chẵng để lại dấu vết nào.

        Năm nào đó, tôi vào Sài Gòn thăm mấy anh bạn đạo, tiện dịp, tôi lên Đà Lạt thăm quý thầy. Cả tháng sau mới lò mò về tới Huế. Vợ tôi càu nhàu:

        - Chà, đi chơi sướng nhỉ? Ở nhà có việc quan trọng mà vắng anh…

        Tôi sửng sốt:

        - Chi rứa?

        - Cậu Thung mất rồi.

        - Ủa, mất hồi nào?

        - Gần tháng nay. Lé Mại… ủa quên, Lệ Mai dẫn chồng ra chịu tang. Mà tức cười lắm…

        Tôi tửng tửng bưng bó nhang bước vào cổng nhà cậu mợ. Vừa thấy từ đằng xa, mợ tôi gào lên:

        - Thằng Chiến đó phải không?

        - Thưa mợ, con ở Sài Gòn mới về. Thiệt có lỗi quá xá…

        Không đợi tôi cắm nhang lên bàn thờ, mợ níu áo, khóc ròng:

        - Úi chao, Khổ quá, cháu ơi là cháu ơi…

        Tôi sượng sùng, gắt:

- Chuyện chi thế mợ? Từ từ nói cháu xin nghe…

Tôi kéo mợ, ngồi xuống ghế, dỗ dành:

        - Lé Mại có về chịu tang chứ?

        Tức thì mợ rống to:

        - Mụ cô cha cái con Lé Mại. Chết khuất mắt thì thôi. Hắn về gây đủ chuyện động trời, làm tau mất mặt với sui gia, làng nước, bà con…

        Cả nhà nghe to tiếng, vội vã chạy túa lên đủ mặt. Tôi hỏi:

        - Lé Mại nó làm sao?

        Mợ giành nói trước, nước mắt chưa khô:

        - Cũng trông con cái về cho đông đủ. Nhưng nó quậy gớm quá. Chịu không thấu. Thằng Chiến biết không? Ai đời đám ma cha nó, mà nó lại bận quần cụt với cái may-dô mỏng tanh. Lại không chịu bịt khăn tang… Đi mô cũng kè kè cái máy chụp hình, hở tí liền bấm tách tách. Sui gia họ tới chia buồn, họ hỏi ai rứa. Tau nói con gái tui đó. Họ bưng miệng cười sặc sặc. Ốt dột chi lạ, Chiến à…

        Nhác trông O Móm lảng vảng xung quanh, tôi hỏi:

        - O làm ơn kể đâu đuôi tui nghe với.

        O Móm ôm bụng cười sặc sụa:

        - Anh Chiến biết không? Nghe Lé Mại sắp tới Huế, cả nhà cùng vợ chồng chị xuống sân bay Phú Bài đón. Bề nào cũng có ông rể Việt-kiều thứ thiệt, lại Giám đốc hãng chi chi đó. Tất cả ùa ra chào. Lé Mại xổ toàn tiếng Mỹ, chẵng ai hiểu ất giáp chi hết. Cô ả lại ôm chồng chị mà hun chụt chụt. Chị thì thấy trơ trẽn quá…

        Chú Bường chen ngang:

        - Anh Chiến à, khi Lé Mại về thấu nhà rồi, nó cũng chẵng biết lạy vong linh cha nó nữa. Mình thắp nhang thơm như ri, mà nó hỏi đốt cái chi thối quá. Hồi xưa, mợ Thung biết nó ưa ăn món mắm nêm, nên lần này dọn ra đãi. Nó khịt mũi, bảo đổ đi. Thức ăn gì thối ghê, lại mất vệ sinh nữa…

        Tôi thở dài:

        - Bậy quá.

        Nãy giờ ngồi im, mợ Thung đột nhiên vỗ vai tôi:

        - Chiến nè, hình như nó bị ma nhập hay sao chứ. Nó không còn là Lé Mại hồi xưa nữa…

        Tôi ráng chịu trận suốt buổi sáng. Rồi cùng vợ chào cả nhà ra về. Dọc đường, vợ tôi cười khì:

        - Em thấy Lé Mại thay đổi hoàn toàn. Ăn nói, đi đứng đều rặt phong cách Mỹ. Cả nhà mợ Thung đều chạy trối chết. Cô ả trông quý Thầy tụng kinh ra vẻ lạ lùng lắm. Hỏi em rằng: mấy ông kia hát cái gì nghe ồn ào quá vậy. Em nói Quý Thầy tụng kinh cầu siêu cho cậu, cô ả hỏi tại sao lại tụng kinh mà không mở nhạc Jazz cho vui? Em bí rị. Chả biết trả lời on đơ chi cả…

        Tôi thản nhiên:

        - Gì nữa? Em cứ nói…

        - Chưa hết. Lúc sang ở nhà mình, cô ả nghe thằng Soái hò ru em, cũng càm ràm: mầy hát cái gì nghe khó chịu quá hà. Bỏ đi. Ngày đưa quan tài ra huyệt, cô ả cũng mặc cái quần đùi, chướng mắt thật. Chú Huấn hình như tỉnh táo hơn, tỏ vẻ mắc cỡthái độ luông tuồng của vợ mình… Chậc, có anh thì hay biết mấy. Vì xưa nay cô ả chỉ quý trọng một mình anh Chiến thôi …

        Tôi chép miệng:

        - Có anh cũng thế thôi…!

        Từ đó, tôi không biết gì về Lé Mại cả. Không biết ở trong cảnh sang giàu, kiếm tiền và ăn chơi - nàng còn nhớ niệm danh hiệu Nam mô Quán thế âm Bồ-tát không?

 

        V. -

Có nhiều người, mình ngỡ rằng đã mất tích không để lại dấu vết, nhưng té ra vẫn còn sống nhởn nhơ bên cạnh mình. Nhiều kẻ tưởng đã chết lâu rồi, nhưng sau một biến cố bất ngờ, bỗng thấy họ lừng lững xuất hiện như bóng ma trêu chọc cặp mắt của mình!

Lệ Mai cũng vậy. Gia đình tôi đều đinh ninh nàng đã bị xóa tên khỏi ký ức của mọi người thân quen – nhưng không ngờ một ngày kia nhận được tin tức không mấy vui về nàng.

Hôm nọ, chú Bường rú xe gắn máy tìm tôi. Chưa kịp vào nhà, đã la lớn:

- Lé Mại nổi cơn điên. Bỏ nhà đi lang thang thấu tận Bình Dương. Công an tạm giữ chờ anh Huấn đến bảo lãnh. Anh Huấn gọi điện ra, yêu cầu anh Chiến phải vô Saigon gấp!

        Thế là tôi đi ngay và đến Saigon chiều hôm ấy. Ông Huấn ra đón tại sân bay Tân Sơn Nhất.

- Chào chú Huấn, khoẻ chứ?

- Chào anh. Chậc, vợ chồng tôi làm phiền anh quá! Tự nhiên Lệ Mai như hoá thành người khác, nói năng và hành động không kiểm soát được, lại còn quậy phá lung tung. Mỗi lần lên cơn thì cứ nhắc tên anh và đọc danh hiệu Nam mô Quán thế âm Bồ-tát liên hồi như vậy.

        Tôi trầm ngâm:

        - Chú Huấn này, hai người sống chung với nhauhạnh phúc không?

        Ông Huấn cười vui:

        - Dạ. Sống với phụ nữ nào, ta cũng được năm mươi phần trăm thôi. Còn năm mươi phần trăm là, ta phải chịu đựng. Và ta phải tìm lối thoát cho riêng mình! Chắc anh có nhiều nếm trải, và hiểu Lệ Mai rất kỹ, nên em không cần tâm sự nhiều!

        Tôi thắm thiết bắt tay anh chàng Huấn rất chặt:

        - Không ngờ chú là người đàn ông có ý tưởng xuất sắc như vậy!

Tôi chợt vỗ vai Huấn, nói:

- À, này, đừng bi quan. Lệ Mai khi lên cơn mà còn nhớ danh hiệu Quán Âm, là còn có cơ may cứu chữa được. Chú Huấn hãy yên tâm!

        - Thiệt hả anh? Sao thế?

        - Kẻ nào còn có đức tin tức là còn khả năng làm người sống trên đời. Kẻ nào mất đức tin thì coi như là kẻ đã chết, mặc dù chúng ta chưa quẳng y vô quan tài, vậy thôi!

        - Xin cảm ơn anh!

 

* * *

Tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Ông Huấn giới thiệu:

- Đây là ông Chiến, người anh họ của bệnh nhân Lệ Mai. Có biết ít nhiều về việc thay não, có thể cung cấp cho chúng ta vài chi tiết cụ thể…

Bác sĩ trưởng khoa thần kinh nói:

        - Chào ông. Theo như sự điều tra của chúng tôi thì bác sĩ Huy đã qua đời trong một tai nạn vào hai năm trước. Do đó, bây giờ chỉ có ông Chiến là người duy nhất biết rõ về bệnh tình của cô Lệ Mai. Vậy, mong ông cung cấp cho bộ phận giải phẩu để mọi sự được tiến triển tốt đẹp.

        Tôi cứ thành thật khai rõ tất cả những gì mình biết. Tôi đã đưa Lệ Mai đến gặp bác sĩ Huy như thế nào và nàng đã cam đoan tự nguyện cho phép cấy những thiết bị nhân tạo ra sao…

Rốt cuộc, sau một cuộc hội chẩn, hội đồng phẩu thuật đã đi tới kết luận: Phải lấy ra tất cả những thiết bị nhân tạo đã được bác sĩ Huy cấy vào và đưa bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường

Tôi phải kiên nhẫn, chịu khó ăn ngủ ngoài bệnh viện như các thân nhân khác. Và có đủ thời gian để xưng niệm danh hiệu A di đàdanh hiệu Quán Âm như chưa hề thành kính, chân thành đến như thế.

        Cuối cùng, cuộc giải phẩu đã hoàn tất. Khoảng một tháng đợi chờ trong đức tin và lòng thương mến, nàng đã hồi phục. Như vậy, qua một thời gian xa cách, tôi sẽ được gặp lại Lệ Mai. Dĩ nhiên còn có chú Huấn nữa, mợ Thung và chú Bường từ Huế mới vào.

Ai nấy đều nhường cho mợ Thung thăm hỏi trước tiên. Và tôi là người chót bẹt.

 

Cánh cửa phòng mở ra, nàng nằm trên giường có vẻ bình thản. Tôi nhẹ nhàng bước vào. Ngồi bên cạnh và nhìn nàng. Không nói.

Sau một khoảng thời gian im lặng, hình như rất lâu. Không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã cạn khô. Không biết bao nhiêu niềm đau đã rũ cánh trên gò má u buồn.

 Với giọng dịu dàng, tôi nói nhỏ:

- Cô em gái, suốt đời em đã đi tìm hạnh phúc. Và đã hạnh phúc chưa?

Với cặp mắt trong veo, ngời ánh lửa đức tin, Lệ Mai nói thì thào dường như chỉ để mình tôi nghe:

- Anh Chiến à! Bây giờ, hạnh phúc của em là: Nam mô Quán thế âm Bồ-tát…

Tôi mỉm cười. Yên lặng.

Và không có gì để nói nữa! Trong đáy lòng không gợn sóng, tôi bỗng thì thầm cho riêng mình: Nam mô A di đà Phật… Nam mô Quán thế âm Bồ-tát…

 

     

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20335)
12/10/2016(Xem: 18287)
26/01/2020(Xem: 10837)
12/04/2018(Xem: 19052)
06/01/2020(Xem: 9875)
24/08/2018(Xem: 8547)
12/01/2023(Xem: 2915)
28/09/2016(Xem: 24244)
27/01/2015(Xem: 23871)
11/04/2023(Xem: 2146)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.