Nhà có ba bà chị

13/06/20183:43 CH(Xem: 4980)
Nhà có ba bà chị
KHỔ RĂNG MÀ KHỔ RỨA
Giác Minh Luật
Nhà xuất bản Hồng Đức 

Nhà có ba bà chị

 

Có những niềm hạnh phúc thật giản đơn mang tên “Hạnh phúc khi có chị”, vì mỗi khi không có mẹ thì chị chính là người con gái tuyệt vời nhất để ta được yêu thương, được cưng chiều và để được... làm nũng.

Mấy chị đẹp lắm, đẹp như những nàng tiên ở cung trời Đao Lợi do làm bể chén ngọc trong buổi yến tiệc nên bị Ngọc Hoàng cho đày xuống trần gian để chịu tội. Mặc dù bị lưu đày nhưng vốn là cốt tiên nên sắc đẹp vẫn tuyệt trần, khác lạ nên đã làm biết bao người phải điên đảo, nghiêng thùng đổ nước. Nói xong, ba bà chị của tôi cười thinh thích, ríu rít móc tiền ra trả cho bà thầy bói. Vì bà này nói linh và đúng quá, phán như trong phim Bao Công kỳ án xử trảm Quách Hòe.

Kể từ đó, mấy chị đi đâu cũng nói mình là người cốt tiên hay tiên nữ bị đọa, nên tôi mà cãi lời là mấy chị cứ bảo: - Sau này mấy chị hổng (không) thèm dắt em về trời nữa, mấy chị đi một mình, lúc đó đừng có mà nài nỉ van xin - xớ...

Có lần tôi cũng bức xúc, bảo không tin, mấy chị lại phân bua giải thích: - Em có xem phim Tiên nữ núi Linh Sơn không? Bà thầy bói nói mấy chị giống như cô tiên nữ trong phim á, mặc đồ trắng bay lòng vòng có đầy phép thuật biến hóa. Nên khi nào mấy chị được phục hồi chức tiên lúc đó thì đừng có hòng mà chị chị em em nha - Hổng thèm.

Nhưng tôi cũng tin, nên mỗi lần mẹ nhờ biểu chuyện gì như đi chợ, giặt đồ, rửa rau củ, mấy chị cũng đùn đẩy cho tôi làm hết chỉ vì “chị là tiên nên chị có quyền” - Ôi! Ông trời có mắt thì ngó xuống mà coi - tình này - cảnh ấy - ai thấu cho chăng. Vào một ngày nọ, mấy chị kiếm đâu ra mấy khúc vải trắng (chắc là đồ tang của người ta bỏ lại), trùm từ đầu đến chân rồi nhảy từ trên bức tường của nhà hàng xóm xuống dưới đất bay lượn như những nàng tiên thướt tha uốn theo chiều gió trông thật xinh đẹpvi diệu làm sao, lúc đó tôi đứng bên dưới vỗ tay cổ vũ hòa reo trong niềm hãnh diện tự hào khi được làm em của những nàng tiên xinh đẹp. Đến khi bà Tư hàng xóm mở cửa ra la to dõng dạc thanh tao:

- Ôi! Mấy con điên.

Mấy chị hốt hoảng ôm nhau chạy tán loạn, theo sau nguyên một bầy chó bẹc-giê (Berge) vừa sủa, vừa hì hục dí theo hòa cùng tiếng la hét, sợ hãi đã tạo nên một bản hùng ca trầm hùng để thức tỉnh những nàng tiên còn đang mơ mộng trong giấc ngủ say mới chợt tỉnh
giấc nồng.

Nhờ vậy mà từ đó trở đi, mấy chị không còn lên mặt với tôi nữa, không còn bảo chị là tiên nữ núi Linh Sơn mỗi khi ngượng ngùng nhớ lại hình ảnh ôm nhau chạy trong bộ đồ tang trắng như những linh hồn vất vơ vất vưởng trong phim Ma cà rồng. Đúng là đời có ai ngờ khi mọi tội lỗi và niềm uất hận đều dồn lên một mình bà thầy bói già tội nghiệp. Ai biểu, hễ là con gái trong xóm thì ai cũng đều được bà phán cho cái danh hiệu “Tiên mắc đọa”, còn con trai thì là Thiên Bồng nguyên soái đam mê tửu sắc gì gì đó! Một phút lên mây chính là đây.

Một ngày nọ, tôi được một cô bạn trong xóm cho mượn một cuốn kinh Phật để đọc, đánh vần từng chữ thấy thích quá tôi chuyển sang tụng, vừa đọc, vừa tụng không chưa đủ, bắt chước mấy thầy ở chùa, tôi chuyển sang đánh, đánh chuông, rồi thêm đánh mõ, với giọng đọc tụng trầm ấm thanh thao vốn có hòa theo tiếng chuông mõ ngân vang đã tạo nên một thứ âm thanh kỳ diệu đến lạ thường, đã làm cho biết bao người thêm tò mò tìm đến để xem thử âm thanh lạ kỳ này phát ra từ đâu mà sao nghe thấy thích thú và êm dịu đến thế, như tiếng đàn bầu của một chàng hoàng tử đang đánh từng cung sầu nhớ thương đầy lưu luyến được gởi trọn với nỗi nhớ, niềm thương trong từng âm điệu du dương đầy tâm sự. Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy thích thú vô cùng nên đọc càng to hơn, đánh càng mạnh bạo hơn để cố tâm đánh thức cõi lòng của những người trần thế sớm mau thức tỉnh quay về nơi bờ giác. Lén lút quay người lại để nhìn về phía sau lưng - Ôi! Sự thật sao quá phũ phàng khi chẳng có ai, ngoài mấy bà tiên của tôi cười hí ha hí hửng đứng đằng sau la to:

- Thằng Trúc nó bị ma nhập rồi, má ơi! 

Nghĩ mà buồn cho nhân thế, sao quá si mê và lầm lỗi, biết khi nào mới chợt ngộ ra nguồn lý chơn. Thôi kệ! Nghĩ tới đó tôi cũng kịp nhẹ lòng tha thứ cho mấy chị để bình tâm tụng cho hết thời kinh đêm trong nỗi sầu tơ vương đang còn đọng lại trên mí mắt, kể từ đó tôi tạm thời nghỉ chơi với mấy chị một tuần cho chừa cái tội dám phỉ báng người tu học Phật, và cũng để bình tâm suy nghĩ lại cuộc đời mình.

Nhắc đến cái tên Trúc thì càng buồn hơn. Đã bao lần hỏi mẹ tại sao lại đặt con tên Trúc giống y như tên con gái. Mẹ cứ cười nhẹ mà bảo: - Đặt con tên Trúc là may mắn lắm rồi, chứ hồi xưa ba con còn định đặt con tên Liễu - Lê Văn Liễu. Ôi thôi! Ba mẹ có hiểu chăng nỗi lòng con trẻ.

Tình chị em bắt đầu sứt mẻ trầm trọng khi trong xóm rộ lên những bộ phim Hàn Quốc yêu đương lãng mạn, mất trí nhớ tạm thời, phát hiện ung thư giai đoạn cuối, tai nạn giao thông, tỉnh dậy ngơ ngác hỏi đây là đâu (trong bệnh viện chứ đâu), rồi ôm nhau khóc, vài câu nói hẹn thề nếu có kiếp sau thì xin là gì gì đó của nhau... - hết phim.

Vậy đó, mà đã lấy đi nước mắt của mẹ và ba chị gái của tôi biết bao nhiêu mà kể, đêm nào cũng khóc, khóc sướt mướt, khóc trong nghẹn ngào, khóc sưng cả mắt, khóc trong sự đồng cảm như chính cuộc đời mình vậy. Đêm nào cũng thế, thấy thương và lo cho mẹ và mấy chị vô cùng, vì bà ngoại mà bắt gặp là coi như xong. Mẹ đi đường mẹ - chị đi đường chị - em đi đường em - theo sau là tiếng la thanh tao bỏm bẻm nhai trầu của ngoại vọng theo chiều gió.

Cũng chính từ đây mà ba chị đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn con đường thoát tục của một người con trai hiền lành, đức hạnh. Chị thì đem kinh đi giấu, người thì lấy chuông mõ đi cất, mẹ thì tịch thu luôn cái áo dài lam đã cho mượn mấy tháng trước. Thôi, thế là thôi! Cho chừa cái tội đã làm cho mấy chị bao lần tuột cảm xúc trong những phút giây cao trào của đoạn chia ly đầy nước mắt giữa một cuộc tình đau thương trong bộ phim Anh em nhà bác sĩ - ngay những lúc xúc động nghẹn ngào đầy lãng mạn như thế mà tôi lại vang vọng tiếng kinh cầu Bát-nhã hòa theo tiếng chuông mõ rền vang: - Sắc tức thị không - không tức thị sắc - thọ tưởng hành thức - diệt phục như thị. Mỗi lần như thế, mấy chị ở sau nhà nói vọng lên một thứ âm thanh chua chát mà nghe đau cả lòng:

- Bớt bớt cái mỏ lại, tụng kinh gì mà còn hơn hát đình, hát hội.

Kể từ đó, tôi đã đem lòng hờn giận mấy chị, sao lại nỡ buông lời đau thương đến thế. Tôi nghĩ thầm trong bụng: trong khi mấy đứa bạn trong xóm, đứa nào cũng nhuộm đầu vàng đầu xanh, ăn chơi lêu lổng (cái thời mà tóc kiểu Hàn Quốc thịnh hành) còn mình thì vẫn giữ nguyên kiểu tóc 4-6 truyền thống, còn sớm giác ngộ tu hành, ăn chay niệm Phật, vậy mà mấy chị lại đành lòng buông lời đắng cay. 

Nên mỗi lần bị mẹ la: - Con gái con lứa gì to cái đầu rồi mà không biết làm gì cả, sau này về nhà chồng rồi lúc đó bị mẹ chồng chửi trên đầu trên cổ mới thấy nhục hả. Tôi bó tay với mấy bà ngũ đậu rồi đó (ngũ đậu là từ địa phương chỉ có người miền Trung mới hiểu). Mỗi lúc như thế, tôi khoan khoái vô cùng, như mượn gió bẻ măng, mượn trăng về nhà.

Đến khi ba mất, các chị không còn thơ ngây, không còn thời giờ để cùng tôi vui đùa hái hoa bắt bướm như trước nữa, tôi cũng không còn giận hờn gì các chị. Vì từ đây, các chị phải nai lưng ra cày, làm đủ thứ việc để kiếm tiền phụ giúp mẹ lo lắng cho gia đình, cho trách nhiệm của một người con gái đã bắt đầu đặt trên đôi vai yếu mềm trong sự cố gắng từng ngày, từng giờ lang thang trên những con đường trong cuộc mưu sinh đầy cam khổ cùng với mẹ để có được chút ít tiền mà lo cho đàn em nhỏ như tôi được tiếp tục đi học.

Mỗi sáng khi tiếng gà sớm chưa kịp gáy là các chị tự đánh thức nhau dậy để bắt đầu chia nhau mỗi người một hướng dắt theo chiếc xe đạp bên mình, đội chiếc nón lá cũ kỹ trên đầu bước đi trong sương lạnh cùng với nỗi cô đơn trong sự hy sinh và bản lĩnh. Mỗi sáng sớm tôi đều thức dậy cùng để mở cửa, cứ như thế khi nhìn các chị bước đi khuất dần trong bóng đêm mờ mờ sáng với những cơn gió lạnh thấu tim mà miệng tôi chỉ muốn thốt lên: - Chị ơi! Đừng đi nữa, ở ngoài trời lạnh lắm chị à. Nhưng rồi tôi lại lặng thinh và vội gạt đi dòng nước mắt nhìn theo bóng dáng các chị mờ nhạt đi ở cuối
con đường.

Một thời gian sau...

Tôi đi xuất gia tu học, mỗi lần mẹ gọi vào tôi đều hỏi thăm sức khỏe của các chị, mẹ than thở bảo: - Mấy chị của sư dạo này lớn hết rồi, ai cũng bắt đầu tập tành yêu đương tình cảm bồ bịch trai gái, chị lớn mới quen cái cậu nào đó mà mẹ không hài lòng lắm, mẹ nói là lo lắng cho công việc, sự nghiệp trước đi để khi nào gia đình mình ổn định mọi thứ rồi thì mới dám tính tới chuyện chồng con, vậy mà cứ ham hố đua đòi, sư là người xuất gia nên khuyên bảo giùm mẹ một tiếng biết đâu các chị nghe theo. Mẹ order (luôn lời khuyên) bảo: Sư cứ nói Phật pháp cho mấy chị nghe: đời là bể khổ, tình là dây oan, khổ đau gì gì đó này nọ biết đâu mấy chị sẽ tỉnh ngộnghe lời sư khuyên. Mà sư nhớ là đừng nói với mấy chị là mẹ bảo sư nói nha. - Mô Phật - Dạ, kính nghe
lời mẹ.

Định bụng gọi về để nói chuyện với chị thì mẹ vừa cúp máy, đúng lúc chị lớn gọi vào bảo:

- Báo sư tin vui, chị đã được “thiên chức làm mẹ rồi”.

- Ối trời! Phật ơi, con phải sống sao!

Tôi đáp: Rồi chị nói cho mẹ biết chưa?

- Chưa sư à, chị mừng lắm, nhưng sao chị sợ quá, mẹ mà biết là chắc cạo đầu chị mất. Sư coi giúp giùm chị khuyên bảo mẹ chấp nhận tình yêu của chị với cái anh Năm hàng xóm, chị cũng 25 tuổi đời rầu (rồi) mà mẹ cứ cấm cản không cho chị tiến tới, nghe bà ngoại kể hồi đó mẹ mới có 18 tuổi là đã đòi lấy chồng, còn ba thì mới có 19 tuổi gì đó (trời! nghe như sét đánh ngang tai) chị năn nỉ thế nào mẹ cũng không chịu, sư là người xuất gia nên chắc mẹ sẽ nghe theo sư. Sư cứ nói với mẹ là duyên
nghiệp của mỗi người thì trời đã định sẵn rồi sao mà cấm cản được, ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên, đúng không sư. Sư cứ nói với mẹ như vậy giùm chị là được. Mà sư nhớ là đừng nói với mẹ là chị bảo sư nói nha. Còn mọi chuyện để chị tính tiếp.

Tôi chỉ biết im lặng, dạ dạ, ừ ừ cho chị vui, nhưng cũng để phần nào an ủi và thấu hiểu nỗi niềm của chị, chứ biết làm sao đây, khi nước mắt chảy dài trên mi người trong cuộc giữa một bên là mẹ, một bên là chị - ta biết phải sống sao.

Thế là, các chị cũng lần lượt lấy chồng và ai cũng sống tha phương lập nghiệp mỗi người một nơi, mỗi năm một lần tôi về thăm quê (Bình Thuận) là các chị đều họp mặt lại đông đủ để thăm hỏi sau một năm xa cách, lần nào cũng bắt mấy chị phải đi quy y Tam bảo, mấy chị cứ đáp: - Có chồng, có con rồi sao mà quy y được sư, chị không muốn làm sư cô chải tóc bên bờ suối - rồi xúm nhau cười khúc khích.

Ngồi giải thích đủ thứ lý lẽ, dẫn chứng bao nhiêu câu chuyện (đã được chuẩn bị sẵn) xong mấy chị mới hiểu và chấp nhận quy y. Thế là buổi lễ quy y cho các chị cũng được diễn ra một cách trang nghiêm long trọng đúng vào dịp lễ lớn của năm, đứng bên ngoài cửa nhìn vào trong niềm hãnh diện tự hào, là tôi đã hướng dẫn được gia đình hướng Phật tu hành, biết quy y Tam bảo để trở thành người Phật tử thuần thành, nghĩ đến đó mà lòng mừng như trẩy hội.

Làm lễ xong thấy các chị chắp tay trang nghiêm bước ra theo hàng, tôi hớn hở vui mừng vội đến hỏi: - Thầy đặt pháp danh cho các chị là gì? Mấy chị ai cũng với vẻ mặt ngơ ngác; Chị Hai đáp: - Pháp danh là gì sư?; Chị Ba nhảy vào: - Là cái tên trong đạo mà hồi nãy thầy mới đặt đó; Chị Tư tiếp lời: - À! Mấy chị cũng không để ý nữa. Chắc quên rồi sư.

Ôi! Mấy người con gái của đời tôi! Khổ răng mà
khổ rứa.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20336)
12/10/2016(Xem: 18287)
26/01/2020(Xem: 10841)
12/04/2018(Xem: 19056)
06/01/2020(Xem: 9880)
24/08/2018(Xem: 8548)
12/01/2023(Xem: 2916)
28/09/2016(Xem: 24245)
27/01/2015(Xem: 23892)
11/04/2023(Xem: 2148)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.