HẠNH PHÚC ĐÂU PHẢI LÀ MỘT MÌNH
Trần Kiêm Đoàn
Một ngày đầu mùa Xuân đẹp như hôm nay, cả thế giới không còn sự háo hức với những lễ hội Mùa Xuân “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” vì bóng đen của đại dịch Covid-19 đang ngồi lù lù trước cửa và khắp các nẻo đường. Có lẽ trong số 7 tỷ người trên hành tinh nầy, phần đông đang chờ và có người đang mơ ước “phép lạ” của kỷ nguyên khoa học kỹ thuật, đó là được chích thuốc vắc-xin chủng ngừa Covid, bởi đó được coi như thể là một lối thoát hiểm duy nhất trong hầm tối nhân loại đang đợi chờ… cứu rỗi.
Ở Mỹ, hai loại Vaccine được xem hàng đầu thế giới là Pfyzer và Moderna. Theo thông tin y khoa thì sau khi được chích hai liều (2 doses) cách nhau khoảng một tháng, khả năng chống dịch sẽ lên tới 95%.
Được miễn nhiễm dịch bệnh ai mà không thích!
Cặp “Bồ già” chúng tôi đã được chích hai mũi Pfyzer. Theo thống kê của cơ quan phòng chống lây nhiễm dịch tễ CDC Mỹ trong ngày mồng 6 Tết Tân Sửu 2021 thì số dân được chích 2 mũi chưa tới 5% tổng dân số - 328 triệu - của Hoa Kỳ.
Chúng tôi tự hỏi: “Mình làm gì mà được ưu tiên chích vắc xin?” Câu trả lời hiện ngay là:
- Già!
Ai muốn được ưu tiên thì cứ việc tự già đi… thoải mái!
Nếu tự do được đổi tuổi trẻ để lấy tuổi già cho được chích Vaccine thì có ai đổi không hỉ?! Tôi tin là chẳng ai muốn tới sát cái chết vì tuổi tác để thay cho cái chết vì dịch bệnh cả.
Tất nhiên, vẫn có người “cá ngoài lừ” muốn biết về cảm nhận rất thật của người đã được chích trọn hai mũi vắc xin thuốc chủng ngừa cảm thấy như thế nào? Có cảm thấy được hạnh phúc hơn chăng?
Này nhé, khi chưa chích thì chỉ hơi lo lo, nghĩa là cái lo nhẹ nhàng. Thường chỉ có một điều đơn giản là làm sao được chích vaccine càng sớm càng tốt để có khả năng tránh ngừa dịch bệnh. Nhưng khi được chích rồi thì có vô số cái lo ùa đến mà trước đó mình không hề nghĩ tới.
Cái lo thứ nhất là: Thuốc chỉ có khả năng miễn nhiễm 90-95%. Nghĩa là vẫn còn 10% bị lây nhiễm như mọi người chưa chích. Cái 10% đó bây giờ lại thành gã khổng lồ ám ảnh. Ra đường, vào đám đông có cả trăm, cả nghìn… người. Liệu trong số đó có bao nhiêu “phần trăm” là không truyền bệnh và mình có “gặp hên” tự bảo vệ 90% an toàn hay lại rủi ro dính vào 10% nguy hiểm. Do đó, cái bản năng sinh tồn sau khi được chích thuốc chủng ngừa cũng đang thức dậy mạnh mẽ hơn nên mình cũng cảm thấy lo phay pháy hơn. Đó là chưa nói hiện tượng
Cái lo thứ hai là: Gia đình, bè bạn, người thân có người chích, người không. Nay mình được chích rồi, nhưng vi khuẩn Covid vẫn có khả năng bám trên người, vẫn vào trong hốc mũi… thì bản thân mình được chích thuốc có thể tránh được, nhưng liệu mình bất cẩn truyền bệnh cho người khác thì lại “ác” hơn xưa (?!). Do đó, khi chưa chích chỉ cẩn thận cho mình thôi, nhưng khi chích rồi thì phải cẩn thận chi li cho bao nhiêu người khác quanh mình. Mệt thật!
Và cái lo thứ ba là: Với “thân thế mới” (5%) trong một hoàn cảnh xã hội và thế giới còn đang lao đao, lận đận kéo dài suốt cả năm qua với bóng đen dịch bệnh (95%) còn ngự trị trước mắt thì mình có làm gì được hay hơn, tốt hơn và vui hơn cho riêng mình không? Có thể nào mình thưởng thức riêng trong chuỗi sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của đời sống như hội họp gia đình, gặp gỡ người thân, thăm viếng bạn bè, du lịch trong nước và ngoài nước như Tôn Ngộ Không cầm thiết bảng chu du một mình ngoài Nam Hải không?
“Chưa sang sông chỉ thấy bóng con đò; sang sông rồi mới thấy chuyện hai bờ!”
Tôi còn nhớ câu chuyện khoa học giả tưởng nói đến sự đắc thắng, sung sướng của một nhân vật chiến thắng và tiêu diệt tất cả để còn lại một mình trên trái đất nầy và thành người Bất Tử. Cái sung sướng của tham vọng được độc quyền làm chủ thế giới này đã từng ngày, từng tháng nhường bước cho nhu cầu được sống, chia sẻ và nương tựa tình người. Nhưng thế giới chỉ còn một mình Bất Tử. Anh ta tìm kiếm, kêu gào, mong ước một người thứ hai nhưng không có. Tuyệt vọng, anh ta tìm cách tự tử nhưng không thể nào chết được vì đã là người Bất Tử! Trong cơn điên loạn anh ta lao vào hố núi lửa để tự hủy nhưng vẫn “bị” sống trong hỏa ngục. Anh gào lên và một giọt nước mắt từ trái tim nhỏ xuống. Giọt nước mắt chân thành tuyệt đối đã gặp được nguồn năng lượng yêu thương tạo ra mầm sống…
Sáng nay, ngồi lặng lẽ một mình bên chén trà “nâu” Ô Long của Đài Loan mà nhớ màu xanh của chén trà Móc Câu, Bắc Thái… tôi suy nghĩ đến hạnh phúc và những con đường đi đến hạnh phúc hay phương tiện đi tìm hạnh phúc nhưng vẫn mơ hồ không biết đâu là bờ bến.
Tôi liếc nhìn màn hình có ghi biểu đồ cập nhật tình hình Covid của thế giới, Mỹ và
Bình trà cạn rồi mà chưa nghĩ ra được điều gì đáng đồng tiền bát gạo về hạnh phúc nhưng mình cảm thấy một điều rằng: Hạnh phúc là suối nguồn chung hưởng. Hạnh phúc đâu phải chỉ là khi đạt được điều mong muốn một mình.
Trần Kiêm Đoàn