THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 14
(Thánh tích Sarnath, nơi Đức Phật Chuyển Pháp Luân)
Bài: Lâm Nhược Vân | Ảnh: Gió
Kỳ 1 | Kỳ 2 | Kỳ 3 | Kỳ 4 | Kỳ 5 | Kỳ 6 | Kỳ 7 | Kỳ 8 | Kỳ 9 | Kỳ 10 | Kỳ 11 | Kỳ 12 | Kỳ 13 | Kỳ 14 | Kỳ 15 |
Chúng tôi đến Sanath sau những ngày bộ hành vội vã. Hàng hoá bày bán hai bên đường đa dạng và đẹp mắt: dấu hiệu nhận diện đầu tiên của vùng đất có kinh tế phát triển. Khách hành hương tấp nập, đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng khuôn mặt ai cũng thấp thoáng nụ cười hoan hỷ và mộc mạc. Với sự tín thành và lòng cung kính, mọi người chậm rãi tiến về con đường Vārāṇasī-Gazipur. Và không xa phía trước là bảo tháp Dhammeka uy nghiêm vươn cao giữa nền trời xanh thẳm, đó chính là nơi mà mọi khách hành hương đang hướng đến.
Sarnath là một trong bốn thánh tích quan trọng đối với hàng đệ tử Phật. Cũng như những Thánh Tích lớn khác, Sarnath (còn gọi là Vườn Nai hay vườn Lộc Giả) được quy hoạch thành một công viên sạch đẹp với những nền móng còn lại của rất nhiều liêu thất và bảo tháp. Các di tích cổ nhất được khai quật tại đây vào thời đại đế Asoka. Đức vua Asoka cùng hoàng gia đã đến chiêm bái nơi này khoảng 300 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn. Đức vua cho xây dựng rất nhiều công trình, trong đó có hai bảo tháp lớn là Dhammeka và Dhammarājika. Một trụ đá cao với đỉnh trụ là tượng bốn con sư tử cũng được đức vua cho dựng cạnh hương thất Mūlagandha của Đức Phật. Ngoài ra, rất nhiều tượng Phật và các bức phù điêu hoạ tiết được tìm thấy khiến nơi đây thành điểm thu hút cộng đồng khách quốc tế nhờ bản sắc tôn giáo cùng với sự phong phú về di sản nghệ thuật.
Hoà theo dòng người trong sắc trời hoàng hôn nhạt nắng, chúng tôi đến chiêm bái và tụng kinh tại hương thất Mūlagandha. Sau đó, đoàn chậm rãi nhiễu ba vòng quanh bảo tháp Dhammeka trong niềm kính ngưỡng và xúc động sâu xa. Chính tại nơi đây, sau khi giác ngộ, Đức Phật đã thuyết giảng bài pháp đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân cho năm anh em Kiều Trần Như (kodañña): "Hỡi nầy các Tỳ Khưu, có hai cực đoan (anta) mà hàng xuất gia phải tránh: Sự dể duôi trong dục lạc... Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh...Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ con đường Trung Đạo (Majjhima Patipada), là con đường đem lại nhãn quan, tri kiến, đưa đến an tịnh, giác ngộ và Niết Bàn...". Lời kinh ấy như tiếng hống con mãnh sư vang lên giữa khu rừng hoang vu của nhận thức và truyền thống. Lời kinh ấy đã lần đầu tiên vén mở một đạo lộ bất tử giữa tam giới khổ đau bằng con đường trung đạo tám nhánh có khả năng dẫn lối cho chúng sanh tìm về nơi trong sáng, tịch tịnh của tự tánh. Lời kinh ấy chính là tinh yếu của trí tuệ và từ bi đã được Ngài hun đúc qua hơn 20 A-tăng-kỳ bằng thân, tâm của chính mình... lời kinh ấy sau 2500 năm vẫn như còn được nghe thấy từ những nền gạch đá rêu phong này!
Trời tối nhanh. Khách hành hương thưa dần. Một đàn cò trắng vội vàng bay về phía dãy núi xa xa cắt ngang hoàng hôn một vệt khói bạc. Chúng tôi vẫn quỳ lại nơi đó rất lâu, rất lâu...
Sarnath là thánh tích cuối cùng trong chuyến hành trình Theo Dấu Chân Phật của chúng tôi. Không phải hiện tại, mà dường như có cái gì đó trong sâu xa thôi thúc gắn kết tôi với mảnh đất này, tự dưng lại thấy buồn khi mà chặng đường còn lại có thể đếm được bằng những bước chân.
Ôi! Những bước chân ngàn năm có một
Theo gót Người mà cứ ngỡ chiêm bao
Dấu Chân Phật giữa nhân gian bất diệt
Du tăng đầu-đà hướng ánh trăng sao!
Tạm biệt Sarnath!
Tôi sẽ xa nhưng rồi sẽ trở lại nơi này.
Lâm Nhược Vân
Ảnh : GióBài đọc thêm:
Một Buổi Chiều Êm Ả Ở Vườn Lộc Uyển (Tâm Linh)
- Từ khóa :
- Theo Dấu Chân Phật
- ,
- Kỳ 14