THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 10
(Chiêm bái Lumbinī và bảo tháp Rāmagāma)
Bài: Lâm Nhược Vân | Ảnh: Gió
Kỳ 1 | Kỳ 2 | Kỳ 3 | Kỳ 4 | Kỳ 5 | Kỳ 6 | Kỳ 7 | Kỳ 8 | Kỳ 9 | Kỳ 10 |
Từ Kushinaga (Câu Thi Na) nơi Đức Phật Niết Bàn đến Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật Đản sanh dài 165 km, nếu đi xe hơi mất khoảng 4 tiếng.)
Con đường về Lumbinī ngập ngừng hoa nắng. Chúng tôi thong thả bộ hành xuyên qua những xóm làng đầy gió,bụi. Mất hai ngày dưới cái nắng oi ả cả đoàn mới đến được Lumbinī. Cứ ngỡ Lumbinī cũng giống như bao Thánh Tích mà chúng tôi đã đi qua- hoang tàn, trơ trụi vậy mà Lumbinī lại khác. Một vùng đất lớn có dựng tường rào bao quanh. Các cổng chính vào ra được đánh số để dễ phân biệt và có người bảo vệ cả ngày lẫn đêm. Lumbinī như một công viên rộng lớn với cây to, cây nhỏ, những hồ nước trong và những hàng liễu rũ xanh rì rào. Từng còn đường rộng được trải nhựa. Những nóc chùa, tháp nhiều màu sắc và kiểu dáng của từng nước được xây dựng công phu với nét văn hoá đặc trưng riêng.
Chúng tôi xin được ở lại trong khuôn viên của một ngôi chùa Thái, mọi người nhanh tay sắp xếp mọi thứ để chuẩn bị cho kịp giờ độ ngọ. Phần đa mọi người đều dựng lều quanh những gốc cây để tránh bớt cái nóng như thiêu đốt. Tôi chọn cho mình góc nhỏ không có tán cây, nhưng lại gần mấy luống rau của chùa: sà lách, cải, đậu, dưa leo. Chúng xanh mơn mởn, nhìn thôi cũng đã mát!
Cả đoàn dành thời gian hết buổi chiều hôm đó để chiêm bái nơi Đức Phật Đản Sanh. Công tác xây dựng và trùng tu còn đang được tiến hành nên chúng tôi phải xếp hàng một khi tiến vào Điện Thờ Hoàng Hậu Māyā Devī - Đây là một trong ba công trình chính được đức vua Asoka cho xây dựng khi viếng thăm nơi này. Dấu tích cổ xưa chỉ còn là những nền gạch đất cũ. Điểm chính của công trình là bức tượng mô tả cảnh hoàng hậu Māyā vin cành sāla và hạ sanh Hoàng Tử.
Vin cành lộc thắm - mẹ khai duyên
Bảy bước, nhân gian trổ phước điền
Ngưỡng vọng, Phạm thiên che lọng trắng
Tín thành, Long chúa cúng mưa tiên
Cỏ cây bát ngát hương tinh khiết
Mây nước lung linh sắc diệu huyền
Mở chốt càn khôn, thông hữu hạn
Nắm vầng nhật nguyệt, tỏ vô biên
Hoa đơm mật hạnh thơm ba cõi
Pháp thắp bi tâm sáng sáu miền
Mệnh hậu, Māyā chơi Đẩu Suất
Vô ưu từ đó nở không viên! (*)
Chúng tôi không được phép dừng lại quá lâu vì còn phải nhường chỗ cho nhiều đoàn hành hương và khách tham quan khác phía sau. Một khoảnh lặng yên ngắn ngủi giữa chốn thiêng liêng, nơi khởi nguồn của một kiếp sống vĩ đại, đầy chân thật mà mầu nhiệm của một vị Phật cũng khơi dậy lên trong chúng tôi niềm hỷ an, tịnh tín lạ thường. Tôi thấy một vị sư già trong đoàn quỳ lặng lẽ nơi một góc khuất. Đôi vai rủ nhẹ. Ánh mắt đau đáu nhìn vào bức tượng. Trên gương mặt xạm đen,dạn dày mưa nắng ấy lại bừng lên nét hồn nhiên ngây dại như ánh mắt của một kẻ tha hương, đày đoạ, mong nhớ nay bỗng thấy mình ngồi lại giữa cố hương!
Thời gian còn lại, chư tăng chiêm bái, tụng kinh và thiền hành tại hồ nước Sakyan và tại trụ đá của vua Asoka. Đoàn ở lại Lumbinī thêm một ngày để mọi người có thời gian tham quan chùa tháp của các nước xây dựng tại đây rồi lại ra đi khi trăng khuya vẫn còn vằng vặc sáng
Đoàn đến được Rāmagāma là chiều muộn ngày hôm sau. Vài sư trong đoàn bị lạc đường và phải đến gần chín giờ đêm mới đến. Trăng đêm như một dải lụa kashmir vàng nhạt khoác lên miền quê yên ả này một lớp áo lóng lánh, thanh thiết. Giọng sư trưởng đoàn nhẹ nhàng hoà quyện cùng tiếng giun dế réo ca vang lên trong một không gian huyền ảo như một bản hợp âm hoàn hảo. Dù không rành tiếng Thái nhưng tôi vẫn hiểu vị trưởng đoàn đang nói cho mọi người về nguồn gốc của tháp Rāmagāma. Đây là công trình thờ một trong tám phần Xá- Lợi Phật nguyên thuỷ. Vị ấy còn nói về câu chuyện Thần Rồng đã hiện ra ngăn cản không cho vua Asoka khai mở bảo tháp lấy Xá -Lợi phân chia ra nhằm tôn trí lại khắp nơi vì Tộc Rồng muốn phụng thờ và bảo vệ ngôi bảo tháp này. Sau phần giới thiệu lịch sử chúng tôi cùng nhau đọc một thời kinh dài an lành. Chúng tôi ngồi thiền và đi kinh hành quanh bảo tháp cho đến tận khuya, sương rơi ướt cả tăng bào mọi người mới trở lại lều của mình để nghỉ ngơi.
Sáng sớm, chúng tôi ôm bát vào làng gần đó để khất thực gieo duyên. Dân quanh vùng này nghèo nhưng dễ mến. Thấy các sư họ rất cung kính. Họ gọi mọi người trong nhà ra chào hỏi và xin được đặt bát. Vật phẩm cúng dường chủ yếu là gạo. Họ đặt vào mỗi bình bát nhiều gạo lắm. Gạo không trắng trong chỉ đùng đục, còn lẫn cả vỏ trấu nhưng gạo rất thơm. Gạo thơm mùi bùn đất. Gạo thơm mùi cực nhọc. Gạo thơm mùi của những tấm lòng chân quê mộc mạc... Cả đoàn chậm rãi tụng kinh phúc chúc cho từng người, từng nhà.
Từ giã Nepal, từ giã Rāmagāma thiêng liêng, từ giã vùng đất bình yên đầy gió này chúng tôi lại cất bước, bộ hành thẳng tiến về Kusinārā. Bước chân dần xa. Lòng tôi vẫn nhớ như in những mặt người khắc khổ, những tấm lòng rộng rãi, những nụ cười trong veo, những bàn tay đen xù xì, chai sạn, những chân chất, những hồn nhiên, những chân thành... Những hạnh phúc giản đơn chưa cạn đến đáy đã lại đầy nơi những người dân này!