THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 12
(Chiêm bái các di tích tại Sāvatthī)
Bài: Lâm Nhược Vân | Ảnh: Gió
Kỳ 1 | Kỳ 2 | Kỳ 3 | Kỳ 4 | Kỳ 5 | Kỳ 6 | Kỳ 7 | Kỳ 8 | Kỳ 9 | Kỳ 10 | Kỳ 11 | Kỳ 12 | Kỳ 13 | Kỳ 14 | Kỳ 15 |
Những bàn chân dày cui chai sạn sau lộ trình gần hai ngàn cây số mà chúng tôi đi trong hơn hai tháng đã phồng rộp dưới cái nắng bốn mươi độ. Cây cối hai bên đường héo úa, dường như càng ủ rũ hơn theo tiếng quạ kêu trưa. Do dừng lại khá lâu tại Kusinārā nên chặng đường về Sāvatthī chúng tôi phải đi sáu mươi cây số một ngày. Trời không một chút gió và trên đầu không một đám mây, mọi người phải bước nhanh trên những đôi chân đã rướm máu ấy.
Chúng tôi đến Sāvatthī đã hơn bảy giờ tối mà trời vẫn hưng hửng sáng. Vài quán nước lụp xụp ven đường thoảng mùi bột chiên thơm nức. Đoạn đường dài làm mọi người mệt nhoài và đói. Tìm được khoảng đất phù hợp vị trưởng đoàn ra hiệu dừng lại để nghỉ qua đêm. Mọi người dựng lều trong lặng lẽ và chia nhau làm luôn phần cho những vị sức khoẻ yếu hay chân đau nhiều còn tụt lại đằng sau. Các giếng mùa này khô hạn, chỉ đủ nước rửa mặt tuy vậy không ai tỏ ra khó chịu vì dơ.
Chúng tôi có cuộc họp Tăng lúc chín giờ tối. Vị trưởng đoàn nói về sự kham nhẫn, tinh tấn mà một vị đệ tử Phật cần có trên con đường tầm cầu giải thoát để động viên mọi người. Rồi sau đó, sư ấy giới thiệu sơ lịch sử những di tích Phật Giáo tại Sāvatthī cho những người mới như tôi. Mười giờ, cuộc họp tan. Trăng huyền treo nghiêng nghiêng trên đỉnh đầu. Mọi người trở lại lều rồi nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ mặc những tiếng khỉ xa xa đang réo rắt gọi bầy.
Đức Phật đã thuyết gần chín trăm bài kinh và sống tại Sāvatthī qua hai mươi lăm mùa An Cư nên di tích Phật Giáo còn lại rất nhiều. Sáng hôm sau, cả đoàn đến chiêm bái Kỳ Viên Tịnh Xá. Móng, nền và tường gạch thấp còn lại trong một khuôn viên rộng lớn đủ để chúng tôi mường tượng về những gì từng hiện diện nơi đây. Bước đi trên những con đường được lót gạch, tôi nhớ đến vị cận sự nam Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) với tín tâm bất động đã dùng vàng rải khắp khu đất này để mua và xây dựng nên Kỳ Viên Tịnh Xá cúng dường Đức Phật. Tịnh xá đã tồn tại đến giữa thế kỷ mười hai sau Tây Lịch dù phải trải qua nhiều thăng trầm, biển đổi của thời gian. Phật Giáo luôn phát triển mạnh tại Sāvatthī dưới sự hộ độ của các vua Gaharawala. Nhiều bia ký về các vị vua trên được tìm thấy tại di tích này. Chúng tôi tụng kinh và hành thiền rất lâu tại hương thất của Đức Phật và cội bồ đề Ānanda. Đây chính là cây Bồ Đề được ngài Ānanda trồng theo sự đồng ý của Đức Phật để thiện nam, tín nữ có nơi đảnh lễ những khi Ngài vắng mặt. Bồi hồi nhìn thân cây to lớn vươn lên giữa trời xanh tôi như thấy hình dáng Người Cha Hiền Từ đang mở rộng đôi vòng tay che chở cho những đứa con của mình trên bước đường ngược dòng sinh tử.
Những ngày sau đó, đoàn lần lượt đi chiêm bái tháp thờ Anāthapiṇḍika và bảo tháp thờ vị thánh tăng Aṇgulimāla. Tôi dừng lại khá lâu bên một tấm bảng nhỏ ghi những câu kinh của Ngài Aṇgulimāla "Này Bà chị, vì rằng tôi từ khi sanh ra trong dòng Thánh chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn!". Ngài Aṇgulimāla từng là một tướng cướp hung bạo, giết người cắt ngón tay xỏ làm tràng hoa đã bỏ ác hành thiện khi được Đức Phật độ hoá. Mọi người trang nghiêm tụng kinh và cúng dường hoa lên bảo tháp rồi ra về khi mặt trời chìm dần vào cuối chân trời. Tôi nán lại chép những câu kinh ấy lên một bức tượng nhỏ luôn mang theo bên mình như một món quà ý nghĩa cho riêng tôi.
Đoàn giã biệt Sāvatthī. Dặm lữ và bụi đường sẽ cuốn chúng tôi đi rất xa nhưng những câu chuyện và lời dạy của Đức Phật tại vùng đất này mãi là tư lương cho mọi người trên con đường Tìm Về Chính Mình!
Lâm Nhược Vân
Ảnh: Gió
_______________________________
Ghi chú của BBT:
Vài nét về Thành Xá-vệ
Theo Chú giải, có 8 thánh tích cần đến chiêm bái:
- Tứ Động Tâm: Lumbini (Lâm-tì-ni), Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng), Sarnath (Lộc Uyển), Kusinara (Câu-thi-na)
(Trường bộ, 16; Trường A-hàm, 2)- Bốn nơi khác: Rajagaha (Vương Xá), Vesali (Tỳ-xá-ly), Savatthi (Xá-vệ), Sankassa
Xá-vệ (Savatthi, Sravasti, Sharvasti) là một trong sáu thành phố lớn thời Đức Phật, được ghi trong kinh điển: Campà (Chiêm-bà), Ràjagaha (Vương Xá), Sàvatthi (Xá-vệ), Sàketa (Sa-kỳ), Kosambi (Kiều-thương-di, Câu-diệm-bi), Bàrànasi (Ba-la-nại).
Theo Chú giải, trong 25 năm cuối khi còn tại thế, Đức Phật thường ngụ tại 2 tinh xá trong thành Xá-vệ: 19 năm tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) do ông Cấp Cô Độc (Anathapindika) dâng cúng, và 6 năm tại tinh xá Đông Các (Pubbarama) do bà Tỳ-xá-khư Lộc Mẫu (Visakha Migaramata) dâng cúng.
Trong thời Đức Phật, Xá-vệ là kinh đô của xứ Kiều-tất-la (Kosala), trong triều vua Ba-tư-nặc (Pasenadi). Vua là một Phật tử thuần thành và hết lòng ủng hộ đạo pháp. Em gái của vua Ba-tư-nặc là một trong những bà vợ của vua Bình-sa (Bimbisara), xứ Ma-kiệt-đà (Magadha). Vì thế, có sự giao hảo tốt giữa 2 quốc gia lớn nhất của Ấn Độ thời bấy giờ.
Theo ông F.L. Woodward, dịch giả kinh điển Nikaya của hội Pali Text Society, trong 4 bộ thuộc tạng Kinh, có 871 bài kinh do Đức Phật giảng tại Xá-vệ: 844 bài tại Kỳ Viên, 23 bài tại Đông Các, và 4 bài tại các làng lân cận, được phân chia như sau:
- Trường bộ: 6 bài;
- Trung bộ: 75 bài;
- Tương ưng bộ: 736 bài; và
- Tăng chi bộ: 54 bài.
Ngày nay, Xá-vệ thuộc bang Uttar Pradesh, gần thị trấn Balrampur, cách thành phố Lucknow 120 km về phía đông bắc, và cách biên giới Nepal-Ấn Độ khoảng 40 km.