THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 8
(Chiêm bái các di tích tại Vesālī)
Bài: Lâm Nhược Vân | Ảnh: Gió
Kỳ 1 | Kỳ 2 | Kỳ 3 | Kỳ 4 | Kỳ 5 | Kỳ 6 | Kỳ 7 | Kỳ 8 | Kỳ 9 | Kỳ 10 |
(Từ Bồ Đề Đạo Tràng đến thành Vương Xá (Vesālī) dài 80 Km và
từ thành Vương Xá (Rajgir) đến Nalanda dài 12 km)
Đã hơn một tháng kể từ khi khởi hành, đoàn chúng tôi hạ trại tại một bìa rừng quang đản cách không xa làng mạc. Chúng tôi dừng lại nơi này từ trưa hôm qua. Sau khi độ thực và nghỉ ngơi, tranh thủ lúc mặt trời còn ấm áp, mọi người vào làng xin nước để tắm giặt và cạo tóc. Chúng tôi cần làm lễ bố-tát vào sáng nay trước khi tiến về chiêm bái các di tích tại Vesālī.
Sau khi tụng giới và độ ngọ xong, chúng tôi quét dọn lại khu vực nghỉ ngơi trước khi lên đường. Đã quen lắm những cánh đồng cải vàng-đến đỗi, có sư trong đoàn nhất định gọi chuyến hành trình này nên đổi tên thành “Đi Qua Mùa Hoa Cải” thay vì “Theo Dấu Chân Phật”. Thế nhưng, cứ mỗi khi băng qua những cánh đồng rực rỡ hoa vàng ấy, tôi luôn bắt gặp trong lòng mình những điều mới mẻ. Tôi quên luôn cả việc chánh niệm trên mỗi bước chân. Lòng miên man trôi theo những ký ức ở phía cuối chân trời xa tít tắp. Nơi đó có thằng bé tôi lon ton, những chiều ba mươi tết ngồi cạnh mấy vồng hoa cải mà thơ thẩn. Nơi đó có dáng ông tôi còng lưng xới đất, gieo xuống những hạt cải li ti. Dăm ba hôm sau, hạt nẩy mầm, thành những vồng xanh mơn mởn. Cây nhỏ thì ông nhổ vào làm rau sống, lớn chút thì luộc với nấu canh. Ông luôn để lại vài khóm tốt nhất, gần tết sẽ ra hoa. Ông thường bảo "chỗ này để dành, không được ăn để còn thu lại hạt giống, qua năm sau có cái mà gieo tiếp"; và đương nhiên, thằng bé tôi nghe lời ông, không nhổ mấy khóm cải ấy! Căn nhà ba người: ông, bà và cháu quá đơn sơ, mùa xuân về có thêm mấy khóm hoa vàng-sẽ rất đẹp! Và biết đâu, vì hoa đẹp mà người bé tôi mong nhớ sẽ về!
Chúng tôi còn thấy cả một đàn nai bên kia ruộng lúa mạch, xa xa cứ tưởng là trâu vì chúng to và đen lắm, nhưng khi đến gần nhìn cặp sừng mới biết là nai. Mất rừng, chúng về đồng sống với người dân. Thấy người mà chúng vẫn cứ điềm nhiên lạ. Vài ba chú nai con thì hơi e dè, nép mình sau lưng bố mẹ chúng như sợ có ai đó trong chúng tôi sẽ bất chợt lao ra ôm nó chạy mất... Những vùng đất chúng tôi đi qua, dân chúng thiệt nghèo, nhưng họ không khổ. Có lẽ, họ vẫn còn thiếu miếng cơm để no bụng, thiếu mảnh áo để ấm thân, nhưng tình thương yêu, tôn trọng dành cho mọi sự sống luôn dạt dào trong tim. Họ chia cho cánh chim trời hạt thóc, chia cho đàn thú rừng một khoảng bình yên. Nhìn muôn thú vui vầy quanh mình không lo âu, họ thấy cuộc đời mình đầy đủ.
Chúng tôi cũng đến được Vesālī vào buổi chiều hôm đó. Cả đoàn hạ trại tại một khoảng đất trống. Theo như chỉ định của vị trưởng đoàn, chúng tôi sẽ ở lại đây ba đêm để chiêm bái các di tích Phật Giáo nơi này.
Vesālī thưở xưa là một thành phố lớn, dân cư đông đúc và được cai trị bằng một nền dân chủ cộng hoà phồn hoa thịnh mậu. Đức Phật đã nhập hạ tại đây hai lần: hạ thứ năm và hạ cuối cùng trong cuộc đời của Ngài. Đây cũng là nơi đánh dấu cho sự khởi nguồn của hội chúng tỳ khưu ni. Vesālī ngày nay được xác định là vùng đất có tên Basadha, thuộc phía bắc bang Bihar. Người không, cảnh không, tất cả giờ chỉ còn là những vết dấu điêu tàn của thời gian, nhưng chúng tôi không buồn vì điều đó. Chúng tôi đến đây không phải vì tìm kiếm chút gì của ảo ảnh xa xưa. Đến, đi chỉ để chúng tôi tìm về ý nghĩa đích thực của sự lang thang, du tử, học bài học đầu tiên của một đời sống sa môn hạnh- giản đơn, vô sản. Chúng tôi dành hai ngày để lần lượt chiêm bái, tụng kinh và hành thiền tại các di tích: Bảo tháp Ānanda, trụ đá Asoka, hồ Markata-Hrida (tương truyền hồ này được 500 con khỉ đào để trữ nước dâng cúng lên Đức Phật), tháp Licchavī (đây là bảo tháp do bộ tộc Licchavī xây dựng để thờ cúng xá lợi của Đức Phật), pháo đài Visāla (đây là dấu tích còn sót lại của nước cộng hoà Vajjī).
Sáng sớm ngày thứ ba, chúng tôi ôm bát vào làng khất thực. Sau khi nhận được chút ít khoai tây hầm, bánh japati nóng và gạo chúng tôi chào từ biệt Vesālī mà không quên gởi lại tấm lòng tri ân sâu sắc đến mảnh đất khô cằn mà quá đỗi thân thương này.
"- Bình bát, cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh, xem người thế
Mây trắng, hỏi đường qua
Mây trắng đến miền xa
Vui sao cảnh không nhà
Bánh cơm ngoài cuộc thế
Thong dong tháng ngày qua
Con đường này muôn lối
Đi nơi nào thì đi
Dặm trần không tên tuổi
Mây trời bay vô vi...!”
(MĐTTA)