Tiêu Sơn Tự Và Sự Ngộ Nhận Tông Phái Về Như Trí Thiền Sư

11/05/201112:00 SA(Xem: 8885)
Tiêu Sơn Tự Và Sự Ngộ Nhận Tông Phái Về Như Trí Thiền Sư


TIÊU SƠN TỰ VÀ SỰ NGỘ NHẬN TÔNG PHÁI VỀ

NHƯ TRÍ THIỀN SƯ
Phạm Tuấn (Viện Hán Nôm)


Chùa Tiêu Sơn nằm trên ngọn núi cao thõng mình xuống dòng Tiêu Tương hiền hoà. Ngày nay, dòng sông Tiêu không còn nữa, người ta ngăn dòng chảy lại tại để thành các ao hồ thả sen và cấy lúa. 
blank

Tham quan chùa Tiêu không thể không ngắm nhìn những tháp cổ uy nghilịch sử ngàn xưa của văn hoá vùng Kinh bắc mà hằng thường trong tâm thức người Việt hàng nghìn năm nay. 

Chúng tôi thăm tháp, ngẫm về hình tích truyền tông kế phái của ngôi chùa, nhưng đến nay chẳng còn gì, di sản để lại ngàn xưa tại của di tích có lẽ còn bí mật trong những ngôi tháp cổ và huyền tích lịch sử thời Lý về nay trên mảnh đất thiêng liêng

Di sản Hán nôm của chùa chỉ còn lại một tấm bia đá “Lý gia linh thạch” và những câu đối hoành phi còn mới mầu sơn thời gian. Truy nguyên trầm tích cho văn hoá lịch sử ngôi chùa quả là điều bất khả, nhưng một vài điểm xuyết cho tông pháitruyền thừa cũng như gắn bó với những phát hiện nơi Nhục thần Bồ tát nơi tháp cổ Viên Huệ Như Trí thiền sư cũng không phải là điều khó khăn trong nghiên cứu thư tịch truyền thống mà vẫn còn những ngộ nhận bất cập cho mảnh đất Tiêu sơn.

Tấm bia đá mới dựng bằng chữ Quốc ngữ bên tháp Viên Huệ năm 2004 bởi tổ đình Long Động Yên tử kỉ niệm về việc khai mở phục chế nhục thân thiền sư Như Trí đóng cửa lại cho những nghiên cứu tìm tòi về lịch sử ngôi chùa và tháp thờ tự nơi đây. 

Tuy nhiên tấm bia có một số thông tin không đúng sự thật, cũng như dẫn theo các bài giới thiệu về Thiền sư Như Trí với chùa Tiêu Sơn trên khắp các mạng Internet hoặc tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3 – 2008 đều ghi chép Thiền sư Như Trí thuộc dòng thiền Lâm Tế, nối tổ Chân Nguyên

Hay chính xác hơn là Như Trí là vị sư tu theo pháp môn thiền Trúc Lâm Yên Tử. Việc bia tháp nêu nội dung như trên là hết sức sai lầm, bởi thiền sư Như Trí không hề thuộc tông Lâm Tế mà thuộc tông Tào Động và truyền phái từ chính tông Tào Động về trụ trì tại ngôi chùa này. Hiện nay vẫn còn một số tài liệu Hán Nôm ghi rõ tông phái của vị thiền sư này.

Trước tiên nói về Phật giáo nước nhà vẫn tồn tại hai tông cơ bản là Lâm TếTào Động. Truyền tông lập phái ở chùa Tiêu Sơn gắn với huyền sử về Vạn Hạnh thiền sư và việc dựng đô thời Lý, nhưng thư tịch không để lại gì để xác lập cụ thể tông phái, mà chỉ nằm trong mối giao thoa tông giáo chính trị Lý Trần. 

Hoặc chăng, điều kiện thời đại lịch sử cũng như yếu tố tự thân của chùa chiền Việt Nam nói chung đã không bảo lưu được tông phái trọn vẹn. Đồng thời tính ỷ lạiphương pháp nghiên cứu còn nhiều bất cập dẫn đến thường ngày các nhà nghiên cứu chúi đầu vào các bộ sách Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng toạ Mật Thể và Việt Nam Phật giáo Sử luận của Nguyễn Lang mà hậu thân của nó là tác phẩm Thiền Sư Việt Nam của Hoà thượng Thanh Từ và vô vàn bài luận Phật giáo mà không hề có chuyện nghiên cứu trên đa dạng phương thức Động bằng đi thực tế và Tĩnh bằng cách ngồi lì trên các thư viện đọc sách hoặc các chùa chiền nghe kể truyền tông kế phái. 

Tất cả cho thấy sự thiếu hụt trong nghiên cứu văn hoá Phật giáo Việt Nam nói chung của người Việt không chỉ trong truyền thống mà đến tận ngày nay.

Về tấm bia dựng bên tháp Viên Huệ viết bằng chữ quốc ngữ dựng năm 2004 bởi Thiền Phái Trúc Lâm với tiêu đề ghi “Tháp Viên Tuệ thờ nhục thân Thiền sư Thích Như Trí”. Nội dung tấm bia cho biết: “Sư sống vào khoảng cuối thế kỉ 17 qua đầu thế kỉ 18, từng trụ trì tại chùa Tiêu, có thể là đệ tử nối pháp của Thiền sư Chân Nguyên trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử theo dòng kệ truyền pháp: “minh chân như tính hải, kim tường phổ chiếu thông, chí đạo thành chính quả, giác ngộ chứng chân không”. Tiếp nối tinh thần phục hưng Thiền phái Trúc Lâm của Thiền sư Chân Nguyên…”. 

Từ tấm bia đặt ra vấn đề tông phái cũng như truyền thừa chùa Thiên Tâm liệu có đúng là truyền từ Chân Nguyên không, cũng như tông phái chùa chiền miến bắc nói chung? 

Về vấn đề tên tháp mà các nhà khảo cổ tìm thấy trong mộ tháp hiện chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy bản chụp cũng như bản gốc nên không rõ chữ Hán là gì, nhưng các bài giới thiệu đều phiên là Viên Tuệ.

Đành rằng âm đọc giống nhau, nhưng chữ Hán có khi khác, hoặc chăng tương thông nghĩa. Trước điều kiện đó, chúng tôi căn cứ vào Khoa cúng tổ chùa Thiên Tâm và phiên tên hiệu tháp của ngài là Viên Huệ tháp 圆惠塔. Trong bài viết này chúng tôi dùng từ Viên Huệ tháp. 

Từ các vấn đề đặt ra cho truyền tông phái chùa Thiên Tâm núi Tiêu Sơn chúng tôi đưa ra các biện minh dưới đây:

Từ bài kệ bia tháp đến Lâm Tế tông phái thế kỉ 17 – 18 ở miền Bắc.

Về bài kệ truyền thừa tông phái mà tấm bia bên tháp ghi cho là truyền từ Chân Nguyên Thiền sư là không hoàn toàn chính xác cho chính truyền thừa dòng Lâm Tế ở Đại Việt trong giai đoạn thế kỉ 17 đến nay. Bài kệ này được tâm bia đá tại tháp Viên Huệ Như Trí thiền sư năm 2004 ghi là:

“Minh chân như tính hải
Kim tường phổ chiếu thông
Chí đạo thành chính quả,
Giác ngộ chứng chân không”. 

Bài kệ này từ khi ra đời mà chúng tôi không rõ tài liệu nào ghi chép đầu tiên về bài kệ này và cho là của Minh Hành thiền sư (chứ không phải Chân Nguyên) được Thượng Toạ Mạt Thể đưa vào trong Việt Nam Phật giáo sử lược đã không được phát triển theo mạch truyền tông nối tổ đúng chức năng kệ truyền phái của nó. Trong khi đó mạch truyền Lâm Tế Đại Việt vẫn đi theo bài kệ truyền từ trước của Trí Bản Đột Không là:

智慧清淨 
道德圓明
真如性海
寂照普通 

Trí tuệ thanh tịnh 
Đạo đức viên minh
Chân như tính hải
Tịch chiếu phổ thông”.

Về truyền thừa theo bài kệ này, kể cả phái xuất từ dòng Long Động – Quỳnh Lâm đều tuân theo mà truyền tông nối phái. Đơn cử cho mạch nối này còn được các kinh sách ghi chép lại như Kế đăng lục của Như Sơn, Thiền uyển truyền đăng lục của Phúc Điền, bia chí truyền thừa chùa Quỳnh Lâm, chùa Long Động Yên Tử, chùa Bảo Quang, Chùa Hàm Long, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh. 

Chúng tôi đơn cử bia Kết Liên hoa tuyển Phật đồ chùa Bảo Quang Bụt Mọc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh viết rằng: 

“… Chuyết Chuyết truyền thụ cho Minh Lương. Minh Lương truyền thụ cho Chân Nguyên. Chân Nguyên Tuệ Đăng Hoà thượng truyền thụ cho Như Thích Thiền sư, là khai sơn thuỷ tổ của chùa (Bụt Mọc). Môn nhân đệ tử Như Bảo tháp Sa di Tính Chất. Chùa Tịnh Minh Tính Tân, Chùa Ngô Xá Sa di Tính Như, Tháp Tịnh Trĩ Tỳ khưu Tính Hoàn, Tháp Kim Cương Tỳ khưu Tính Tín - đốt 1 ngón tay, Am Lan Nhãsa di Tính Hiệu, Tháp Báo Đức sa di Tính Thân, Tính Thường, Tính Ý, Cháu dòng Thích ở tháp Bồ Đề thuộc chùa Bảo Quang là Tỳ khưu Hải Lượng Thích Tinh Tinh, Đệ tử Tỳ khưu Tịch Khâm Thích Thân Thân, Tỳ khưu Tịch Hy Thích Hoa Hoa, Sa di Tịch Khê, Tịch Hạnh, Tịch Phẩm, Tịch Triết, Đời cháu dòng Thích hệ thứ là Chiếu Nhượng, Chiếu Bản, Chiếu Thiểu, Chiếu Thiện, Chùa Viên Giác - Tỳ khưu Hải Thuần Thích Hiệu Hiệu, Đệ tử Tịch Miễn, Tịch Trang, Tịch Vọng, Tịch Quảng, Tịch Hải….”.

Bia dựng ngày lành tháng tốt năm Lê Cảnh Hưng thứ 24 (1763) và được lưu thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm số 22161. Thông qua văn bia cho thấy truyền thừa tông phát Lâm tế từ Viên Văn Chuyết Chuyết đến hàng đệ tử con cháu về sau đúng theo bài kệ của Trí Bản Đột Không, tức từ hàng chữ Tính chữ Hải truyền xuống chữ Tịch chữ Chiếu chứ không phải theo bài kệ của Minh Hành là xuống chữ Kim, Tường. 

Đồng thời, Chân Nguyên – vị tổ kế tông quảng phái Trúc Lâm ở chùa Long Động và Quỳnh Lâm mà nay tháp thờ ngài còn ở 2 chùa đã chép lại bài kệ tông Lâm Tế của Trí Bản Đột Không cũng như truyền tông kế phái ghi chép rõ ràng trong chính tác phẩm Kiến Tính Thành Phật của ông chứ không phải bài truyền phái của Minh Hành

Tất cả cho thấy vấn đề của tông phái Lâm Tế miền Bắc thế kỉ 17 – 18 là truyền tông lập phái theo bài kệ của Trí Bản Đột Không từ thời cuối Minh Trung Quốc. Cũng như, chúng tôi ngạc nhiên về việc Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Long Động - Yên tử ngày nay lại không hề biết về truyền thừa tông phái của chính chùa Long Động - Yên Tử từ trước theo bài kệ nào? 

Trong khi, chùa Long Động - Yên Tử còn lưu giữ khá tốt hệ thống bia chí truyền tông phái thông qua các tháp tổ. Mặc nhiên, qua nghiên cứu cho thấy chính chùa Long Động - Yên Tử cũng truyền thừa theo bài kệ của Trí Bản Đột Không.

Tông phái của Như Trí Thiền sư

Thiền sư Như Trí không phải là thiền sư phái Lâm Tế. Căn cứ theo khoa Cúng tổ của chùa Thiên Tâm cũng như tổ đình chùa Hồng Phúc thì Thiền sư Như Trí kế đăng theo tông Tào Động

Sự ngộ nhận thành tông Lâm Tế của Thiền Phái Trúc Lâm chùa Long Động Yên Tử qua tấm bia và các bài viết liên quan đến khôi phục nhục thân cho thiền sư dẫn đến các tài liệu gần đây viết về chùa Tiêu hoặc thiền sư Như Trí đều mặc nhiên ghi Thiền sư thuộc tông Lâm Tế mà không cho một minh chứng xác thực.

Từ cái sai của một nhận định, dẫn đến cả một giai đoạn mấy năm nay, giới nghiên cứu học thuật tông giáo nói chung ngộ nhận tông phái chùa Thiên Tâm núi Tiêu sơn. Cụ thể sự tiếp nối tông phái theo Tiêu Sơn cúng tổ khoa như sau:

Khoa cúng liệt kê chư tổ của chùa từ tổ Vạnh Hạnh, tổ Thuỷ Nguyệt Thông Giác, tổ Chân Dung Thông Diễn, tổ Tuệ Sơn tháp sắc tứ Chân Tâm Hải Thuần, tổ Tịnh Giác Hoà thượng Từ Sơn Hành Nhất, tổ Bản Lai Hoà thượng Tính Chúc Đạo Chu, tổ Phổ Quang tháp Chính Tín Hoà thượng Hải Anh Nghiễm Nghiễm Viên Minh, tổ Chân Như tháp Hoà thượng tự là Tịch Khẩn Thích Cẩn Cẩn, tổ Thường Chiếu tháp Hoà thượng Hải Điện Mật Đa, tổ Tịnh Quang tháp sắc tứ Đạo Nguyên hoà thượng Thanh Lãng Khoan Dực Phổ Chiếu, Viên Quang tháp khâm ban Tịch Lâm Thích Sâm Sâm Vô Trước, tổ Nam mô Viên Huệ tháp Hoà Thượng Như Trí thiền sư Hoá thân Bồ tát (tờ 13a), tổ Mam mô Viên Dung tháp Hoà thượng Tính Hải thiền sư hoá thân bồ tát, tổ Nam vô Chân Hậu tháp Hoà thượng Hải Trinh. 

Tiêu Sơn Thiên tâm cúng tổ khoa, kí hiệu AC. 2025, lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách do Hoà thượng Tịnh Từ viết lại năm Tự Đức thứ 3 (1850). Như vậy, theo khoa cúng của chính chùa Thiên Tâm thì Thiền sư Như Trí thuộc tông Tào Độngcụ thể là kế tông phái từ tổ đình Hồng Phúc Hoè Nhai.

Đồng thời theo Thiền Uyển truyền đăng lục quyển hạ tờ 23a được soạn bởi Phúc Điền hoà thượng về truyền thừa chùa Thiên Tâm như sau: “Khai sơn thuỷ tổ chùa Thiên Tâm núi Tiêu ở Yên Phong Bắc Ninh là Vạn Hạnh tổ sư. Truyền xuống đời thứ 2 là Như Trí. Truyền xuống đời thứ 3 là Tính Dũng đại sư. Truyền xuống đời thứ 4 là Hải Trinh đại sư. Truyền xuống đời thứ 5 là Đồng Giáo Cánh Chủ Tịch Lâm tổ sư. Truyền xuống đời thứ 6 là Tịch Quang Chiếu Trí đại sư. Truyền xuống đời thứ 7 là Phổ Thuận Đại sư. Truyền xuống đời thứ 8 là Thông Tuệ Đại sư”.

So sánh 2 văn bản Cúng tổ và Thiền uyển truyền đăng lục cho thấy Như Trí là đệ nhất tổ dòng Tào Động vào thế kỉ 17 – 18 ở chùa Tiêu Sơn. Đồng thời khẳng định, Thiền sư Như Trí không thuộc tông Lâm Tế. Tông phái có thể giao thoa, nhưng truyền tông lập tổ trong chùa chiền đến nay vẫn bảo nguyên truyền thống tông phái khu biệt. Lâm Tế tôngTào Động tông vẫn là 2 tông phái chính phát triển đến tận ngày nay ở Việt Nam

Cũng như các tài liệu tìm được đến nay không rõ năm mất của thiền sư mà chỉ biết năm thị tịch thông qua tấm bia bài vị trong tháp nhục thân ghi là tịch năm 1723 đời Lê Dụ Tông. 

Đến nay miền Bắc vẫn tồn tại song song hai tông ThiềnLâm TếTào Động, biện minh cho rõ ràng đôi khi là việc bất lực bởi sự giao thoa, nhưng những kiến giải phải được đọc trên đa chiều thông tin và sự minh xác của lịch sử vẫn là việc có thể. 

Bài viết của chúng tôi khẳng định: Như Trí thiền sư là vị sư tu theo tông Tào Động ở miền Bắc trong giai kì cuối thế kỉ 17 đầu thế kỉ 18. Đồng thời, khẳng định tiếp biến trong nghiên cứu đòi hỏi sự chứng thực và sự hiểu biết rõ ràng để các vấn đề được sáng tỏ hơn trong giới thiệu rộng rãi, tránh nhầm lẫn đáng tiếc cho thế hệ sau từ tăng chúng Chân đế đến Tục để muôn phương, phỏng cổ tham quan cũng được hiểu rõ tông phái kế truyền và bản lai chân thật của lịch sử tượng tháp.

Phạm Tuấn (Viện Hán Nôm) 

Tài liệu tham khảo

1. Tiêu sơn cúng tổ khoa, kí hiệu. A. 2025, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.
2. Cúng tổ khoa chùa Hoè Nhai, chùa Ngọc Quán - Hà Nội tàng bản.
3. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số kỉ niệm Phật đản tháng 5/ 2008
4. Kết liên hoa tuyển Phật đồ, bia chùa Bảo Quang, xã Nam Sơn huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh, thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm số: 22161.
5. Sự thực tông Lâm tế Đại Việt, tạp chí nghiên cứu Phật học, số 2 năm 2008.
6. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, bản lưu Ngọc Quán Thiền viện.
7. Việt Nam phật giáo sử luận –Nguyễn Lang, nxb Văn Học, HN, 2000.
8. Việt Nam Phật giáo sử lược, Mật Thể, Minh Đức tái bản, Sài gòn, 1967.
 
(Theo vietimes.com.vn)

CHÙA THIÊN TÂM (CHÙA TIÊU)
http://www.thuvienhoasen.org/cvn-habac-thientam.htm
http://www.thuvienhoasen.org/cvn-chuatieuson.htm

09-16-2008 12:23:46

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2023(Xem: 4128)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.