Chương 09

19/05/201012:00 SA(Xem: 22176)
Chương 09

THỦ LĂNG NGHIÊM KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Pháp Sư Thích Từ Thông

 

Tập III

CHƯƠNG THỨ CHÍN

1. Trời Sắc giới 
2. Trời Vô Sắc giới 
3. Bốn loài A Tu La 
4. Tu hành chỉ là một phương tiện để diệt vong qui nhơn 
5. Trên bước đường tu phải cảnh giác các hiện tượng khuấy nhiễu của ma. 
6. Những hiện tướng thuộc phạm vi Sắc ấm 
7. Những hiện tướng thuộc phạm vi Thọ ấm 
8. Những hiện tướng thuộc phạm vi Tưởng ấm 

I - TRỜI SẮC GIỚI 

A Nan ! Người nào giữ được thân không làm việc dâm dục và không nhớ nghĩ, lòng ái nhiễm không sanh thì đã vượt ra cõi Dục làm bạn bè với hàng Phạm hạnh, gọi đó là trời Phạm chúng.

Người đã trừ được tập quán ngũ dục, tâm ly dục hiện tiền vui vẻ thuận theo các luật nghi, có thể thực hành Phạm đức gọi đó là trời Phạm phụ.

Thân tâm thanh tịnh, uy nghi không thiếu, giới cấm trong sạch, có trí sáng suốt, thống lãnh Phạm chúng, làm đại Phạm vương, gọi đó là trời Đại phạm.

Nầy A Nan ! Ba hạng người trời đó khổ não không bức bách được; tuy không phải chơn chánh tu pháp tam ma đề của đạo Phật, nhưng tâm có thanh tịnh, những đam mê sai phạm của Dục giới không lay động được họ, gọi đó là hàng trời Sơ thiền.

A Nan ! Các hàng Phạm thiên khi thống lãnh Phạm chúng lại tu tập Phạm hạnh được viên mãn làm cho tâm yên lặng không động; do sự yên lặng thân tâm được sáng suốt, gọi đó là trời Thiểu quang.

Hào quang sáng suốt thêm nhiều, chói sáng vô lượng cõi làm cho các thế giới đó ánh hiện trong suốt như ngọc lưu ly. Hạng người như thế gọi là trời Vô lượng quang.

Duy trì hào quang tồn tại vĩnh viễn, biến thành phương tiện giáo hóa cho chư Thiên, và ứng dụng vô cùng. Hạng người như thế gọi là trời Quang âm.

A Nan ! Ba hạng người trời, các thứ lo buồn không bức bách được. Tuy chưa phải chơn chánh tu pháp tam ma đề của đạo Phật, nhưng thân tâmthanh tịnh, những sai lầm thô động đã dẹp xuống được. Hạng người như thế gọi là hàng trời Nhị thiền.

Nầy A Nan ! Trời Nhị thiền phát huy vận dụng hào quang trong việc giáo hóa làm tỏ rõ lẽ nhiệm mầu, tăng trưởng hạnh tinh tiến, thể nhập với cái vui yên tĩnh, gọi đó là trời Thiểu tịnh.

Cảnh thanh tịnh hiện tiền bao la không bờ mé, thân tâm khinh an vui trong cái vui yên tĩnh, gọi đó là trời Vô lượng tịnh.

Thế giớithân tâm hoàn toàn thanh tịnh; cảnh giới thù thắng hiện tiền vui trong cái vui hoàn toàn vắng lặng, gọi đó là trời Biến tịnh.

A Nan ! Ba hạng người trời đó đầy đủ công hạnh tùy thuận, thân tâm yên tĩnh được cái vui vô lượng; tuy không phải chơn chánh tu pháp tam ma đề của đạo Phật, nhưng thân tâm yên ổn sống trong hoan hỉ, gọi đó là hàng trời Tam thiền.

Lại nữa A Nan ! Từ trời tam thiền đã hóa giải được những bức bách của thân tâm, hạn chế được nhiều nguyên nhân khổ. Họ thường quán xét cái vui vẫn là vô thường tạm bợ. Vì vậy họ phóng xả cả hai tâm vui khổ thô trọng, phúc đức thanh tịnh được sanh ra, gọi đó là trời Phúc sanh.

Hạng người tâm phóng xả khá tròn đầy, sự hiểu biết cao xa, thanh tịnh, không gì trở ngại. Họ có thể tùy thuận chơn lý nhiệm mầu. Hạng người đó gọi là trời Phúc ái.

A Nan ! Ông hãy chín chắn mà nhớ ghi. Sau khi thành tựu quả Phúc ở cõi trời Phúc ái, từ đó có hai con đường tẻ.

Một là dùng cái tâm sáng suốt thanh tịnh vô lượng tiếp tục tu chứng, an trụ nơi phúc đức viên mãn sáng suốt thì gọi đó là trời Quảng quả.

Hai là dùng cái tâm yếm thế chán cả khổ vui, nghiền ngẫm, ôm ấp cái tâm phóng xả không ngừng, thân tâm diệt tận dứt bặt ý nghĩ chận đứng tư duy trải năm trăm kiếp thọ mạng. Hạng người nầy lấy sanh diệt làm nhơn tu cho nên không thể phát minh chơn tánh bất sanh bất diệt. Vì vậy, nửa kiếp đầu họ quán diệt, nửa kiếp sau không còn sức khống chế, họ trở lại sinh hoạt với ý thức tư duy, người như thế gọi là người vô tưởng.

A Nan ! Bốn hạng người trời đó, những thứ khổ vui của thế gian không lay động được, dù đó chưa phải là chỗ bất động chơn thật của đạo Phật, nhưng họ vẫn có được cái sở đắc ở nội tâm thanh tịnh, hạng người như thế gọi là trời Tứ thiền.

A Nan ! Ngoài ra còn có năm hạng Trời khác gọi là năm bậc Bất hoàn (ngũ bất hoàn thiên cũng gọi là ngũ Tịnh cư thiên). Năm bậc nầy đã dứt hết tập khí chín phẩm tư hoặc ở cõi Dục rồi, khổ vui thô trọng không còn, cảnh giới biệt lập, an trú nơi tâm phóng xả, gọi đó là trời Vô phiền.

Phóng xả đến độ tự tại không còn ý niệm năng xả, sở xả, người như vậy gọi đó là trời Vô nhiệt.

Thấy bằng cái thấy thanh tịnh, nhận thấy thế giới mười phương đứng lặng, không còn những cấu nhiễm trầm trọng trước trần cảnh, hạng nầy gọi là trời Thiện kiến.

Sự thấy biết thanh tịnh hiển hiện hiện tiền và thường sử dụng cái tri kiến đó không còn ngăn ngại, người như thế gọi là trời Thiện hiện.

Quán sát cùng tận các cực vi, thấu triệt rốt ráo tánh của sắc pháp; tri kiến rộng sâu không bờ mé, hạng người như thế gọi là trời Sắc cứu cánh.

A Nan ! Những bậc trời Bất hoàn đó chỉ riêng có bốn vị Thiên vương của cõi Tứ thiền có kính nghe nhưng không thấy biết. Cũng như hiện thời các Thánh đạo tràng ở nơi rừng sâu, đồng rộng trên thế gian là những nơi trú trì của các vị A La Hán, nhưng con người thô thiển thế gian không thể nào thấy được.

A Nan ! Mười tám loài trời đó, tâm thường ở trong định, không bám víu trần cảnh; song chưa hết cái lụy của hình hài; từ đấy trở về gọi là cõi trời Sắc.

II - TRỜI VÔ SẮC GIỚI [^]

Lại nữa, A Nan ! Ở đỉnh cao của cõi Sắc có hai con đường tẻ:

Một là hạng người dựa trên tâm phóng xả mà phát minh được trí tuệ. Trí tuệ sáng suốt nhận thức được chân lý, kiến, tư hoặc bị triệt tiêu thì được xuất ly trần thế thành A La Hớn lần đến Bồ tát thừa. Hạng người như thế gọi là Hồi tâm Đại A La Hớn.

Hai là dựa trên tâm phóng xả, thành tựu được "cái đạo phóng xả" đâm ra nhàm chán cái thân, cho rằng thân là một thứ ngăn ngại và dụng công diệt tưởng triệt tiêu cái ngăn ngại ấy vào hư không vô biên; hạng người như thế là trời không xứ

Các thứ chất ngại không còn bị vướng mắc, nhưng chưa diệt được cái vô ngại. Họ còn bảo lưu A lại da thức và một vi tế thức mạt ra. Hạng người như thế gọi đó là trời Thức xứ.

Ý niệm sắc không đã diệt, cái niệm diệt cũng xả ly; chỉ còn ý niệm vắng lặng không còn gì nữa. Hạng người như thế gọi đó là trời Vô sở hữu.

Thực tánh vốn bất động, lại dùng ý niệm diệt mà diệt đến cùng. Cái không thể diệt hết, phát minh nhận cho là hết. Vì vậy hình như hết mà không phải hết. Giống như còn mà chẳng phải còn. Hạng người như thế gọi đó là trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hạng Phi tưởng phi phi tưởng xứ nầy, ý muốn xét thấu cái không, nhưng không cùng tột được lý không. Nếu dựa theo pháp tư duy của trời Bất hoàn để nhận thức lý không. Hạng người như thế gọi là Bất hồi tâm độn A La Hớn.

Hạng khác, dựa trên tâm niệm yếm thế phát huy cái vô tưởng của trời Vô tưởng và bọn ngoại đạo để nghiền ngẫm, nhận xét lý không, đè nén tri thức hướng đến chỗ ngoan không mà không biết trở về. Đó là hạng si mê lầm lạc, không nghe học chánh pháp, rốt cuộc sẽ sa vào trong luân hồi lục đạo, khổ não ưu bi không có ngày chấm dứt.

A Nan ! Các cõi trời đó, vốn là những người phàm phu có tạo thiện nhơn cho nên họ hưởng sự báo đáp bằng thiện quả như vậy. Đến khi sự báo đáp thiện quả ấy hết rồi thì có thể trở lại luân hồi theo dòng nhân quả mới.

A Nan ! Các cõi trời tứ không nhân tâm vắng lặng định tĩnh hiện tiền, không còn dính mắc với sắc pháp, gọi đó là trời Vô sắc giới. 

Tất cả người trời, không hiểu được cái "diệu giác minh tâm". Vì chứa nhóm cái vọng mà vọng sanh ra ba cõi, mà trong đó vọng có bảy loại chúng sanh, chủng tử loài nào thì vọng kết hình hài tùy loại thọ báo.

III - BỐN LOÀI A TU LA[^]

A Nan ! Trong ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc đó, còn có bốn loại A Tu La:

Có thể từ loại quỷ sanh. Loại A Tu La nầy sanh ra từ loài quỷ, do có tâm bảo hộ chánh pháp của Phật mà có được thần thông, du hành tự tại trong hư không. Loài nầy sanh từ trứng, thuộc A Tu La trong loài quỷ.

Có thể từ loài trời sanh, hạng người trời kém đức phải sa đọa vào cảnh giới ở gần mặt trời, mặt trăng. Loại A Tu La nầy sanh từ thai, thuộc loại A Tu La trong loài người.

Có thể từ biến hóa sanh, loại A Tu La nầy có sức mạnh đến chỗ không còn biết sợ ai. Nó có thể tranh quyền với Phạm thiên, Đế thíchTứ thiên vương kể cả chiến đấu nhằm đạt mục đích cho mình. Loại A Tu La nầy do biến hóa mà sanh, thuộc A Tu La trong loài Trời.

Có thể từ thấp khí sanh, loại A Tu La nầy thấp kém, sanh trong lòng biển lớn, lặn trong vực sâu, ban ngày có thể dạo đi trên hư không đêm thì ngủ dưới nước. Giống A Tu La nầy do thấp khí sanh, thuộc A Tu La trong loài súc sanh.

IV - TU HÀNH CHỈ LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN ĐỂ DIỆT VỌNG QUI CHƠN[^]

Nầy A Nan ! Xét cho cùng, bảy loại: Địa ngục, quỷ, súc sinh, người, tiên, A Tu La, Trời đều là những hiện tướng hữu vi chìm đắm trong tối tăm vô an bất ổn. Tất cả chỉ là hư vọng. Hư vọng thụ sanh, hư vọng theo nghiệp, hư vọng thọ khổ. Ở trong tâm tánh mầu nhiệm, thanh tịnh, sáng suốt, tròn đầy của con người, tìm mối manh gốc rễ của những khổ đau hư vọng đó, thì không sao có được. Nó chuyển sanh, huyễn diệt như hoa đốm trong hư không. Nó chẳng dính dáng gì với thể tánh tịnh minh vốn có của con người !

A Nan ! Những chúng sanh đó do không nhận được tâm tánh bản lai của mình thanh tịnh. Chỉ vì "vọng" mà tạo ra bất thiện nghiệp: Sát, đạo, dâm. Hạng tốt hơn thì ngược lại: Bất sát, bất đạo, bất dâm. Có sát, đạo, dâm thì là quỉ, không sát, đạo, dâm gọi là trời. Có, không thay nhau "vọng" hiện tướng luân hồi tương tục.

Nếu khéo tu tập xa ma tha, tam ma bát đề và thiền na thì tâm tánh nhiệm mầu, vắng lặng tròn sáng tự bản dĩ lai; lúc đó tìm cái bất sát, bất đạo, bất dâm hãy còn không có, thì sát, đạo, dâm không có môi trường sanh khởi.

A Nan ! Nếu không đoạn trừ được ba nghiệp không lành của thân, khẩu, ý thì mỗi chúng sanh đều có phần tội riêng mình. Từ những cái riêng tương tợ hợp thành cái đồng phận chung tương tợ cho nên cảnh địa ngục khổ đau không phải là không có chỗ nhất định. Tất cả đều là do vọng kiến của tự mình sanh ra, mà vọng thì không chơn, không thể truy nguyên nguồn gốc được.

Người học đạo, muốn được Bồ đề, Niết bàn điều cốt yếu là phải diệt trừ lậu hoặc, kiến tư hoặc, trần sa hoặc, vô minh hoặc chưa hết, dù có được thần thông thì đó cũng là những công dụng hữu vi của thế gian. Tập khí mê lầm chưa hết thì rốt cuộc cũng lạc vào đường ma. Dù có ý trừ vọng nhưng càng chồng chất vọng nhiều thêm. Như Lai gọi đó là hạng người đáng thương xót !

*

* *

TRỰC CHỈ

Thấy có tam giớiluân hồi trong thất thú chỉ vì một chữ vọng mà ra.
Tự tánh Bồ đề của con người vốn không có vọng.

Cảnh giới địa ngục cũng có thể nói là có. Có nơi chốn, có hình phạt có đau khổ rõ ràng; nhưng rồi cũng có thể nói là không có. Địa ngục có là nói với những người tạo những vọng nghiệp qua thân, miệng, ý của mình. Cảnh giới trời thì ít có người khái niệm và hình dung được chánh xác ở đâu. Theo khái niệm phổ biến của đa số người hiểu một cách giản dị thì trời cách cõi đất ta ở vừa cao và vừa xa, xa lắm. Đối với người có nhiều hiểu biết thì người ta có thể chấp nhận có thể "xa". Nhưng "cao" thì khuyên nên xét lại. Cảnh giới người trời có thể ở xa cảnh giới của ta. Xa 100 năm, 1.000 năm hoặc hiện thời người ta cũng có thể nói đến 6.000.000.000 năm ánh sáng… Dãy ngân hà được các nhà Thiên văn học phát hiện mới nhất của thời đại, cách cảnh giới loài người trên quả địa cầu là 6 tỉ năm ánh sáng. So với dãy ngân hà trên dưới 3 tỉ ngôi sao, đã được phát hiện từ trước, vừa dài, vừa rộng lớn gấp 6 lần. Đó là tri kiến là chuyện của các nhà khoa học, thiên văn học chớ chưa phải của nhà Phật học. Nhà Phật học không dùng đơn vị tốc độ ánh sáng ước độ rộng xa mà dùng cái từ "Hằng hà sa số bất khả thuyết, bất khả thuyết vô lượng vô biên A tăng kỳ thế giới. Thế giới ở trong cái không gian vô tận, thời gian vô cùng, nhà Phật học nói vậy đó".

Thế giới nhiều như vậy, chẳng lẽ chỉ dành riêng cho 28 cảnh giới của người, trời ở thôi sao ? Phí phạm ! Tất nhiên các loài người, trời có quyền sanh sống, hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật có quyền sanh sống, có quyền hoạt động theo nghiệp vụ của mình. Ngoài ra các loại chúng sanh khác cũng tùy nghiệp, tùy nguyện của mình đều có quyền khai thác đất đai lập nghiệp để sanh sống. Vì vậy, cho nên nói trời ở xa, hàng Thanh văn, Duyên giác ở xa, Bồ tát, Phật vẫn có thể ở xa quả đất của con người thì không phải là chuyện không có lý. Chẳng lẽ những "thiên thể" những "hành tinh" "định tinh" nhiều "bất khả thuyết" như vậy, mà bỏ hoang hết cả hay sao ? Chẳng lẽ chỉ có quả địa cầu bé tí nầy sanh sống được thôi sao ?

Cho nên đối với nhà Phật học, với cái hiểu biết cho rằng: Trời ở xa các bậc A La Hớn, Bồ tát, Phật ở xa là sự hiểu biết đúng, sự hiểu biết phổ biến của những người "đệ tử bình dân" chưa nếm được tí cái hương vị giải thoát giác ngộ của đạo Phật.

Cái khó hiểu của đạo Phật và cũng là cái kết quả lớn lao của người đệ tử Phật chơn chính, là phải xác định bằng trí tuệ bằng sự thực chứng của bản thân, rằng: chính ta là con người và cũng là trời, vừa là Thanh văn, La Hớn, vừa là Duyên giác, vừa là Bồ tát và có thể vừa là Phật. Rồi cũng chính ta vừa là người, vừa là súc sanh, vừa là ngạ quỷ, vừa ở địa ngục nữa. Tất cả là ta, tất cả tùy thuộc nơi ta và tất cả của chính ta.

Hiểu như vậy là cái hiểu của nhà Phật học; Nhà Phật học là nhà Phật họcthực chứng, nhà Phật họctư duy sâu, trí tuệ đạt đến ba la mật rồi vậy.

V - TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG TU PHẢI CẢNH GIÁC CÁC HIỆN TƯỢNG KHUẤY NHIỄU CỦA MA[^]

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo đại chúng và ông A Nan rằng: các ông là Thanh văn, Duyên giác đã hồi tâm hướng thượng về Vô thượng Diệu giác Bồ đề. Như lai đã chỉ dạy các ông pháp tu chân chánh. Nhưng các ông còn chưa biết hết những ma sự phức tạp trong lúc tu chỉ quánthiền na. Nếu cảnh ma hiện ra mà không biết thì chẳng những tu tập không đúng mà còn rơi vào tà kiến. Khi đã rơi vào tà kiến thì sẽ bị ngũ ấm ma, thiên ma hoặc quỉ thần, ly mị vọng lượng khuấy nhiễu mà không biết lầm cho là hiện tượng chứng đắc của mình. Thế thì chẳng khác nhận giặc làm con, tai hại không lường trước được. Bọn Vô văn tỳ khưu đắc định Tứ thiền, nói là chứng Thánh, đến khi phước báo Chư Thiên hết, suy tướng hiện ra rốt cuộc vẫn thọ luân hồi, vẫn sa vào địa ngục.

Giờ đây các ông hãy chín chắn lóng nghe và khéo suy nghĩ Như Lai sẽ vì các ông mà nói.

Nầy A Nan ! Mười hai loại chúng sanh trong thế gian hữu lậu, tâm thể vốn tròn đầy giác ngộ sáng suốt, nhiệm mầu cùng với chư Phật trong mười phương không hai không khác. Chỉ vì vọng tưởng mà các ông mê chân lý thành có sự lỗi lầm, si ái phát sanh.

Trong lúc các ông tu thiền định thể nhập tam ma đề tâm được thông suốt hợp với các vị La Hớn, Bồ tát và chư Phật trong mười phương làm cho tất cả ma vương, quỷ thần, thiên ma đều thấy chỗ ở của mình vô cớ chuyển rung như sắp đổ vỡ. Vì vậy các thiên ma, quỷ thần, ly mị vọng lượng, yêu quái, ác tinh đến mà khuấy nhiễu. 

Các bọn ma tuy có giận dữ, nhưng chúng chỉ là một bọn trần lao, tâm các ông trong diệu giác tịnh minh, thì sự khuấy phá đó như gió thổi ánh sáng, như dao chém nước, như đánh hư không, không hại được người tu chánh pháp. Khi nào chúng khuấy phá được là do người chủ ngũ ấm, nội tâm sai lầm thì khách ma bên ngoài mới nhiễu hại được. Ví như binh phù tướng ấn bị truất bãi tướt lột hết rồi thì hiệu lệnh của vị Tể tướng chẳng ai nể sợ nữa.

VI - NHỮNG HIỆN TƯỚNG THUỘC PHẠM VI SẮC ẤM [^]

Phật bảo ! Nầy A Nan ! Trong lúc người tu hành tĩnh tọa chỉ tức vọng niệm, vọng niệm lắng thì tâm ly niệm được sáng ra; lúc bấy giờ động tĩnh không tương cang, sự nhớ quên dường như một. Đó là lúc sắp đi sâu vào chánh quán. Trạng thái yên tĩnh của tâm làm cho hành giả giống như người mắt tỏ trong chỗ tối tăm. Trí hiểu biết được tịch tĩnh nhưng tâm chưa phát ra sáng suốt. Đó là hiện tướng thuộc phạm vi sắc ấm.

Chừng nào trước mắt sáng tỏ, mười phương rỗng rang không còn tối tăm nữa; đó là kết quả bước đầu thiền giả loại hết sắc ấmvượt qua kiếp trược.

Nầy A Nan ! trong lúc tư duy chân lý tìm xét lẽ nhiệm mầu thân tâm như thể tách rời ra không gì ngăn ngại. Đó là hiện tướng trong sáng của tự tánh tràn ra, là công dụng kết quả của thiền giả tự nhiên. Thiền giả phải cảnh giác tự tâm đừng cho đó là sự chứng đắc, càng không nên tự mãn rằng mình được quả Thánh hiền.

Nếu không chấp thì đó cũng là cảnh giới tốt, bằng tự mãn tự cao cho rằng mình chứng đắc quả vị Thánh hiền thì tự mình lầm lạc rơi vào tà kiến.

Nầy A Nan ! Trong phạm vi sắc ấm thiền giả còn phải đề cao cảnh giác với những hiện tượng như sau:

Khi thiền giả tu tập xa ma tha, tam ma bát đề tâm đứng lặng và sáng suốt, bấy giờ chợt thấy mười phương đại địa hóa thành vàng ròng. Tất cả mọi vật hóa thành Như Lai, Phật. Lại thấy Phật Tỳ lô giá na ngồi trên đài Thiên quang có hàng ngàn đức Phật vây quanh. Trăm ức cõi nước cùng vô số hoa sen đồng thời hiện ra trang nghiêm đẹp đẽ…

Cũng do dụng công tư duy thâm hậu đè nén vọng tâm thái quá bỗng nhiên thấy mười phương hư không thành sắc thất bảo trang nghiêm, sự vật không ngăn ngại nhau ảnh hiện đủ sắc màu: xanh, vàng, đỏ, trắng mỗi mỗi hiện ra.

Có lúc tâm đứng lặng, trí sáng phát sanh, vào giữa đêm đen lại thấy mọi vật tỏ rõ như ban ngày và mọi vật vẫn y nhiên không chút gì thay đổi. Đó là công dụng của tâm đứng lặng phát sanh. Thiền giả không được vui mừng và cũng không chấp mắc…

Có lúc gán ép cái tâm đưa vào hội nhập với hư không, tứ chi thân thể bỗng dưng như cây như cỏ: lửa đốt không nóng, dao cắt không đau. Thậm chí có lúc lửa đốt không cháy; cắt thịt như chẻ cây. Đó là hiện tượng trần tiêu, tứ đại tán. Thiền giả không được vui mừngkhông chấp chặt.

Lại cũng do công dụng tập trung tư tưởng quán chiếu chơn tánh dồn ép thái quá, bỗng nhiên thấy mười phương sông núi đại tòng lâm đều thành cõi Phật, đầy dẫy thất bảo, chiếu sáng khắp cùng. Lại chư Phật Như Lai đông như số cát sông Hằng đầy khắp cõi hư không, ngự trong lâu đài hoa lệ. Dưới thấy địa ngục, trên có thiên cung thông đồng không ngăn ngại. Đó là những tư tưởng ưa thíchchán ghét chứa nhóm lâu đời bị dồn ép bộc lộ hóa thành ra thế. Thiền giả phải biết, không sanh tâm vui mừng dụng ý bảo thủ chấp nê.

Lại cũng do tư duy sâu sắc dồn nén cái tâm, bỗng dưng giữa đêm đen thấy rõ chợ búa, làng mạc, bà con quyến thuộc phương xa tụ hợp hoặc nghe tiếng nói từ hư không vọng đến. Đó cũng là hiện tượng dồn ép tâm thái quá mà ra. Thiền giả không được vui mừng cũng đừng cho là điều chứng Thánh.

Cũng do sức tư duy nghiên cứu dồn nén căng thẳng về mặt lý trí bỗng thấy vị thiện tri thức hiện đến thân hình và dáng vẻ có thể đổi thay hoặc như trẻ, hoặc như giả, lúc quắc thước phương phi, lúc như trầm ngâm tư lự… Có lúc lại biết thuyết pháp, dạy đời làm cho nhiều người nghe và lầm tưởng là người chứng đắc thánh quả. Thực chất đó là do tâm bị loài ly mị, thiên ma ám hợp không phải chánh chơn của trí tuệgiải thoát.

A Nan ! Phật dạy tiếp: Mười thứ cảnh giới như thế có thể hiện ra trong lúc Thiền giả tu tập Xa ma tha, tam ma bát đề. Tất cả đều do sắc ấmcông dụng dồn nén vọng tâm mà sanh ra như vậy. Những người có chủng tánh ngoại đạo, chủng tánh phàm phu không được học chánh pháp của Như Lai, trong lúc lập chígắng sức tu hành lại gặp những cảnh như vậy họ sanh tâm vui mừng cho là đắc đạo, là chứng Thánh quả. Rồi họ tiếp tục khư khư bảo thủ tự kềm hãm thần thức mình trong những cảnh ấy, hy vọng hưởng lấy y cái thiền vị do mình tu tập thành tựu.

A Nan ! Mười cảnh giới đó vẫn là kết quả do công dụng của thiền na. Thiền giả biết, không chấp thủ, không tự mãn ở đó, thì đó vẫn là cảnh giới tốt không có hại gì. Nhưng nếu sanh tâm chấp thủ, tự mãn cho đó là kết quả cứu cánh mà mình đã đạt đến, lại tự phong Thánh, phong thần thì mắc phải tội đại vọng ngữ. Rốt cuộc rồi vẫn không ra khỏi luân hồi mà lại phải đọa vào ngục vô gián !

Sau Như Lai diệt độ, các ông nương theo lời dạy nầy truyền bá lại cho đời sau, đừng để thiền na, ly mị vọng lượng được dịp khuấy phá người tu. Đó là cách giữ gìn chánh pháp, che chở cho những chúng sanh phát tâm tu hành cầu vô thượng đạo.

VII - NHỮNG HIỆN TƯỚNG THUỘC PHẠM VI THỌ ẤM [^]

Phật bảo: A Nan ! Thiền giả tu pháp xa ma tha tam ma bát đề hết sự trở ngại về sắc ấm rồi, chợt thấy tâm Phật hiện vào tâm mình, tâm mình và tâm Phật như bóng hiện trong gương. Sự giải thoáttrí tuệ dường như có được, nhưng cụ thể thì chưa được phát huy công dụng - Giống như tâm trạng người bị mộc đè - Tay chân y nguyên, thấy nghe không sai, nhưng tâm bị khách tà thành ra không cử động được. Đó là trạng thái của thiền giả còn lệ thuộc trong phạm vi Thọ ấm.

Khi mộc hết đè thì thân tâm không hoàn toàn lệ thuộc nữa, người đó sẽ thấy biết mặt mình và ở đi tự tại. Tự tâm nhận biết Phật tâm, Phật tâm không ngoài tự tâm, cho nên Phật tâm không phải như bóng hiện trong gương, hiểu rõ như thế, thì thiền giả mới hết sự trở ngại của thọ ấm đồng thời đã vượt qua kiến trược.

A Nan ! Trong lúc tu xa ma tha tam ma bát đề tâm rất sáng suốt và cũng do sự đè nén vọng tâm thái quá, bỗng nhiên phát sanh lòng thương vô hạn. Thương tất cả mọi người, mọi loài, cho đến muỗi mòng, kiến mối, xem như con đỏ của mình: có lúc còn khóc than thảm thiết nước mắt nước mũi tuôn trào khi nhìn thấy các loại côn trùng ăn nuốt cấu xé lẫn nhau. Đó có thể được coi là bình thường, do dụng công đè nén quá độ. Biết thì không có lỗi gì. Giác tĩnh không mê thì tự nó tiêu hết. Nếu không biết, lầm tưởng là mình chứng đắc thì bị giống ma sầu bi xâm nhập tâm can, thấy người thì đau xót, thương khóc muốn đem "bi tâm" ban bủa khắp trần gian. Đó là hiện tượng lầm lạc mất chánh thọ sẽ bị chìm đắm trong luân hồi.

Lại nữa, A Nan ! Thiền giả hết sắc ấm, bấy giờ thọ ấm tỏ rõ, những cảnh tốt đẹp hiện ra trước mắt. Vì cảm kích quá độ, bỗng ở trong đó sanh lòng dũng mãnh vô hạn, ý chí bằng như Phật. Họ cho rằng tam a tăng kỳ trong một niệm có thể vượt qua. Đó là công dụng lấn lướt quá mức mà sanh ra như thế. Biết thì không có lỗi gì. Không chấp thủ thì lần lần tự nó tiêu mất. Chấp thủ cho là chứng đắc thì giống ma ngông cuồng xâm nhập tâm can, gặp ai khoe nấy, ngã mạn cống cao, trên không còn thấy có Phật, dưới chẳng thấy có người. Thế là lầm lạc sai mất chánh thọ, sẽ bị chìm đắm trong luân hồi.

Lại có thiền giả tu tập thiền định, thọ ấm được tỏ rõ, tiến lên không có chỗ chứng mới, lui về mất sở đắc cũ, trí lực suy kém lơ lững trong chỗ lững lơ, không có gì để nương tựa, bỗng dưng tâm sanh khô khát, lúc nào cũng thầm nhớ không nguôi rồi cho như thế là cái đức tinh tấn. Đó là trạng thái không trí tuệ của những kẻ tu hành lầm lạc. Biết thì hành giả không có lỗi gì. Nếu đam mê chấp thủ thì có giống ma nhớ, ám nhập vào tâm can, ngày đêm như nắm cái tâm treo vào một chỗ khắc khoải nhớ nhung. Hạng tu hành như thế sai mất chánh thọ, sẽ chìm đắm trong biển luân hồi.

Có hạng thiền giả tu tập thiền định sắc ấm hết, thọ ấm tỏ rõ. Sức tuệ quá nhiều, sức định thì ít: Trí tuệ quá mạnh mẽ và sắc bén, bằng lòng với thắng tánh đó, rồi tự ngờ mình là Phật Lô Xá Na. Đó là kết quả của sự dụng tâm mà quên suy xét, nên đam mê tri kiến của mình. Biết thì hành giả chẳng có lỗi gì. Nếu nhận đó là điều chứng Thánh quả thì bị giống ma hạ liệt tri túc ám nhập tâm can. Hễ thấy người tự xưng mình được vô thượng đệ nhất nghĩa đế. Hạng người như thế, sai mất chánh thọ sẽ bị chìm đắm trong luân hồi lục đạo.

Lại có thiền giả chuyên tâm thiền định. Sắc ấm tiêu rồi thọ ấm tỏ rõ, chỗ chứng mới chưa được, tâm đắc cũ đã mất, tâm bỗng sanh lòng lo buồn vô hạn. Tự thấy mình như ngồi giường sắt, như uống nước đồng sôi, chán nản không muốn sống, mong cầu người khác giết mình để được giải thoát. Đó là hiện tượng của sự tu hành sai lạc chánh pháp. Hành giả biết thì không có lỗi gì, nếu đam mê cho là chứng Thánh thì có giống ma ưu phiền ám nhập tâm can, tay cầm dao mác tự cắt thịt mình, thích được bỏ mạng. Đó là hiện tượng tu thiền lầm lạc sai mất chánh thọ sẽ bị chìm đắm trong biển luân hồi.

Lại có trường hợp, hành giả định tâm chuyên chú trong sáng chẳng có việc gì, bỗng dưng cái mừng vô hạn sanh ra, không sao ngăn được. Đó là hiện tượng khinh an đến với thiền gia, nhưng vì thiếu trí tuệ không đủ sức tự chế tâm mình. Nếu biết thì hành giả chẳng có lỗi gì, còn ham mê cho là chứng Thánh thì có giống ma thích vui mừng ám nhập vào tâm can, hễ thấy người thì cười. Đi ngoài đường tự ca tự hát, tự múa và nói là mình được vô ngại tự tại giải thoát. Đó là biểu hiện của sự tu hành lầm lạc, sai mất chánh thọ sẽ bị chìm đắm trong biển luân hồi sanh tử ưu bi…

Lại có trường hợp thiền giả đi sâu trong thiền định, bỗng nhiên lòng đại ngã mạn phát ra. Từ đó thường biểu lộ các thứ: mạn, mạn quá mạn, t?liệt mạn, tăng thượng mạn. Người nầy xem thường cả hàng Thanh văn, Duyên giác, bất kính cả chư Phật. Nguyên dothắng giải quá cao mà không đủ trí tuệ để kềm chế. Hành giả biết thì không có lỗi gì, nếu mê chấp cho là chứng Thánh thì bị giống ma đại ngã mạn ám nhập vào tâm can, không tin tam bảo, phá hỏng kinh tượng. Đó là hiện tượng lầm lạc, sai mất chánh thọ sẽ bị chìm đắm trong luân hồi.

Lại có trường hợp định tâm sáng suốt, tỏ ngộ từng phần chân lý, được sức tùy thuận, tâm bỗng sanh ra trạng thái khinh an vô lượng rồi cho rằng mình chứng Thánh. Đó là nhân có trí tuệ mà có sự khinh an. Hành giả không chấp thì không có lỗi, nếu mê chấp sẽ có giống ma khinh thanh ám nhập tâm can, sanh lòng tự mãn không cầu tiến lên nữa, sai mất chánh thọ sẽ bị chìm đắm.

Lại có trường hợp tâm trụ thiền định, tâm tỏ ngộ được tánh trong sáng và rỗng rang của vạn pháp. Bấy giờ vô cớ bỗng dưng quay lại hướng về tánh đoạn diệt bác không nhân quả, chủ trương ngoan không, chấp thủ lý không cho rằng vạn pháp đoạn diệt. Hành giả biết thì không lỗi gì, mê thì có giống ma ngoan không vào trong tim, gan chê bai người tu hành giữ giới, phá các luật nghi, thích ở nhà cư sĩ, uống ăn thô tạp, làm hạnh bất chánh. Thậm chí ăn đồ bất tịnh vì cho rằng tất cả đều không. Đó là hiện tượng lầm lạc, sai mất chánh thọ sẽ bị chìm đắm…

Lại có trường hợp thiền giả chú tâm trong định nghiền ngẫm về tánh trong sáng rỗng rang ghi sâu vào tâm thức, bỗng nhiên tâm sanh lòng yêu vô hạn. Yêu quá phát điên, làm chuyện tham dục. Đó là hiện tượng sắp được định sâu, nhưng không có tuệ để tự chế nên sa vào ngũ dục. Hành giả tỉnh biết thì không có lỗi gì, nếu mê chấp thì có giống ma ngũ dục ám hợp vào tâm can, rồi cho sự dâm dụcBồ đề, lại dạy các đệ tử bình đẳng làm việc dâm dục, gọi những người hành dâm là những người nối giòng pháp tử. Khi ma chán chường rời bỏ thân thể, không còn uy đức thì thầy trò sa vào lưới pháp luật của quốc gia xã hội. Đó là hiện tượng sai lầm rời xa chánh thọ sẽ bị chìm đắm luân hồi.

A Nan ! Mười thứ cảnh hiện ra trong thiền định như vậy đều do thụ ấm và công dụng tác động giao xen mà hiện ra như thế. Chúng sanh tham mê hiện tượng lạ không biết suy xét tự cho rằng mình đã chứng lên quả Thánh, thành tội đại vọng ngữ phải đọa tam đồ. Nếu có học hiểu kinh giáo tuân theo lời dạy bảo của Như Lai. Khi gặp những cảnh như thế sanh ra phải tự nhủ lòng: đó là cảnh vọng, không được sanh tâm ham hố, không được móng ý duy trì thì tự nó tiêu tan, thiền giả chẳng có lỗi gì. Móng ý tham cầu, trăm người như một lầm lạc đường tà tự chiêu khổ lụy không khỏi luân hồi. Sự tu hành cần khổ, luống công còn chuốt vào mình tai ương, khổ não, mất đi chánh thọ, sẽ bị luân hồi khó có ngày ra.

VIII - CÁC HIỆN TƯỢNG THUỘC PHẠM VI TƯỞNG ẤM [^]

Phật bảo: Nầy A Nan ! Các thiền giả tu xa ma tha, tam ma bát đề vượt qua thọ ấm, khi thọ ấm hết rồi, dù chưa hết mê lầm, nhưng tâm có thể tách rời khỏi hình hài như chim ra khỏi lồng. Từ đó tiến lên trải qua nhiều hạnh vị và được "ý sanh thân". Ý sanh thân có nghĩa là được tùy ý đi ở không còn bị ngăn ngại. Đó là hiện tượng thuộc phạm vi Tưởng ấm.

Đến lúc hết động niệm, vọng tưởng được tiêu, cái tâm giác minh như phủi hết bụi nhơ, dùng trí sáng có thể soi rọi biết được đoạn đường sanh tử của mình trong nhiều giai đoạn. Đó là hiện tượng của hành giả hết rồi tưởng ấm.

Nầy A Nan ! Thiền giả được vượt qua thọ ấm, định tâm tăng tiến sáng suốt và rỗng rang. Và trong khi tiếp tục tu tập Tam ma đề bỗng nhiên tâm ham muốn cầu được công dụng thiện xảo linh thiêng… Thừa dịp vọng tâm sơ hở nầy, thiên ma mượn xác một người khác gá vào và tự khoe mình chứng đắc Niết bàn Phật, đến trước thiền giả hay Phật thuyết pháp. Do uy lực của thiên ma, người nầy hiện lúc trẻ, lúc già, lúc làm tỳ kheo, lúc làm Đế thích, lúc hiện phụ nữ, lúc ở trong nhà tối hiện ánh hào quang. Thiền giả ngu mê kia lầm tưởng là Bồ tát, nghe lời dạy bảo, kính cẩn tin theo, chánh tâm lay chuyển, phá hủy luật nghi làm chuyện dâm dục. Người thiên ma ưa nói chuyện huyễn hoặc để bịp đời như: thời cuộc biến đổi, đao binh sắp xảy ra, hồng thủy sẽ đến, hỏa tai thiêu cả nhân gian… Đó là giống quái quỷ tuổi già thành ma khuấy rối người tu hành. Khi ma chán rồi, bỏ không gá nữa thì Thầy và đệ tử ngu si đều sa vào lưới luật pháp của quốc gia, và kiếp kiếp xiêu lạc trong luân hồi.

Lại có người đang tu tập tam ma đề bỗng dưng sanh tâm thích đi chơi: thả cho tư tưởng bay đi cảnh nầy xứ nọ. Thừa dịp vọng tâm sơ hở của thiền giả, thiên ma gá vào thân một người khác và tự khoe mình đã được Vô thượng Niết bàn, đến trước thiền giả thích đi chơi kia, trải tòa thuyết pháp. Do uy lực của thiên ma làm cho thiền giả và nhiều người nghe pháp tự thấy mình được ngồi trên hoa sen báu, thân thể biến thân sắc vàng sáng chói. Cả thính chúng cảm phục và được sự an vui chưa từng có. Thiền giả si mê kia tưởng lầm đó là Bồ tát cung kính nghe tin theo lời dạy bảo, làm việc dâm dật, hủy báng chánh pháp. Ma ưa nói: Phật nầy giáng thế chỗ kia. Phật kia độ người chỗ nọ… Người nầy là Bồ tát hóa thân, người kia Thánh mẫu xuống trần độ thế… Những người tu hành vô trí tin theo. Đó là loài bạt quỷ tuổi già thành ma khuấy rối người tu hành. Khi ma chán rồi không gá nữa thì Thầy và đệ tử đều sa vào lưới pháp luật của quốc gia, tất nhiên sau đó luân hồi kiếp kiếp.

Lại có thiền giả trong khi tĩnh tọa trong tam ma bát đề tâm được định tĩnh rồng rang, bỗng nhiên tâm sanh ước vọng muốn cho tâm mình khế hợp chân lý tức thì có được sự ứng hiện hiển linh. Thừa cơ hội sai trái của thiền giả, thiên ma cho tinh thần gá vào một người khác, và tự xưng rằng mình đã được Vô thượng Niết bàn, đến chỗ thiền giả hâm mộ khế hợp chơn lý trải tòa thuyết pháp. Thân hình của tất cả mọi người không có gì thay đổi, nhưng trước khi nghe pháp mọi người tự thấy được túc mệnh thông, hoặc tha tâm thông, hoặc biết và nói những chuyện tốt, xấu, tai ương, hay phúc đức của thế gian. Hoặc làm cho mọi người thấy cảnh chư Thiên, cảnh địa ngục, hoặc cho mọi người vốn không học hành lại biết tụng kinh, nói đạo lý… khiến cho ai cũng vui vẻ, kính phục nghe theo lời thuyết pháp xảo ngụy của thiên ma. Thiền giả trong lúc si mê, lầm tưởng đó là Bồ tát, cung kính tôn trọng và thay đổi lập trường bỏ mất chánh thọ, học làm theo những điều tham dục mà miệng thì ưa nói chuyện Phật. Rằng Phật ở cõi kia, Phật kia giáng trần xứ nọ. Phật nam, Phật nữ, Phật thiệt, Phật giả chủ đích để bịp người tu hành. Đến khi ma chán rồi không gá nữa thì lúc đó Thầy và bọn đệ tử lần lượt sa vào lưới pháp luật của nhơn gian. Người tu hành biết không ham mê thì chẳng có lỗi gì và hiện tượng ấy dần dần tự nó tiêu diệt, bằng không biết bị rơi vào đường tà kiến lạc vào đường địa ngục luân hồi.

Lại có thiền giả trong khi tập trung tư tưởng trong sáng chuyên chú trong tam ma đề, bỗng dưng tâm sanh đam mê hiểu biết tận tường về căn nguyên của mọi sự vật hiện tượng. Thiên ma nhờ dịp đó, cho tinh thần gá vào một người khác, tự nhiên nói được kinh pháp và tự xưng rằng mình đã được Vô thượng Niết bàn Phật. Rồi Thiên ma nầy đến chỗ thiền giả tham cầu hiểu biết ấy trải tòa thuyết pháp. Do uy lực của thiên ma khiến cho mọi người ai nghe cũng đều kính phục. Mọi người đồng ý theo lời dạy của ma rằng Bồ đề Niết bàn, pháp thân Phật chỉ là cái thân xác hiện tiền, không có cái gì khác. Cha sanh con, con sanh cháu, rồi cha con sanh nhau đời nầy sang đời khác, không mất, đó là pháp thân thường trụ chớ không có cõi Phật, cõi Bồ tát, cõi Trời nào khác. Những người tu hành si mê đem thân mạng qui y nghe theo những điều đó, thay đổi lập trường, hủy bỏ chánh pháp tu theo tà kiến rối loạn chánh thọ làm việc tham dục. Ma ưa thuyết giáo: mắt, tai, mũi, lưỡi là tịnh độ, hai căn nam nữ là chỗ làm cho con người được Bồ đề Niết bàn. Bọn ngu si vô trí đều tin những lời dạy ô uế đó. Thực chất nó là Cổ độc quỷ và thắng ác quỷ, tuổi già thành ma khuấy rối người tu hành. Khi ma khuấy chán rồi bỏ thân không gá nữa thì thầy ma, trò ma đều sa vào lưới pháp luật của nhơn gian. Người đệ tử Phật chơn chánh biết trước không đam mê theo thì cũng chẳng có lỗi gì. Si mê theo nó thì lạc vào tà kiến sai mất chánh thọ bị đọa địa ngục, luân hồi khó dứt !

Lại có thiền giả tâm được rỗng rang, trong lúc tu tam ma đề bỗng dưng tâm ham thích nổi lên muốn biết việc quá khứ, vị lai, nghiền ngẫm mọi hiện tượng mong được thầm cảm linh ứng để thỏa mãn yêu cầu. Thiên ma thừa dịp đó cho tinh thần gá vào một người khác, nói được kinh pháp và tự cho là mình đã được Niết bàn Vô thượng. Ma đến trước thiền giả tham cầu linh ứng kia trải tòa thuyết pháp, khiến cho thính chúng tự cảm thấy thân mình như được trăm ngàn tuổi, tham ái tâm nổi dậy sanh lòng trọng kính ma và không thể rời bỏ được; đem thân làm nô bộc, cúng dường tứ sự không biết mệt mỏi. Mọi người bằng lòng tôn trọng đó là bậc tiên sư, sanh lòng ái pháp dính như keo sơn và được cái chưa từng có. Thiền giả vô trí lại lầm tưởng là Bồ tát hiện đến độ mình, gần gũi, nghe lời dạy bảo sai quấy của ma, hủy phá luật nghi làm việc tham dục bỏ mất thanh tịnh, sai lầm chánh thọ. Thực chất đó là giống lệ quỷ tuổi già thành ma khuấy phá người tu. Khi ma khuấy chán rồi, rời bỏ thân người không gá nữa, thì thầy và đệ tử ma đều bị sa vào lưới pháp luật của thế gian. Người tu hành biết thì tự nó tiêu tan, bằng đam mê cho là chứng đắc thì sai mất chánh thọ đọa vào địa ngục.

Lại có thiền giả định tâm đứng lặng, tập chú tam ma đề, bỗng dưng tâm ưa thích chỗ vắng vẻ, muốn sự khắc khổ, ham làm việc cần lao. Thừa dịp đó, thiên ma cho tinh thần gá vào một người khác, nói được kinh pháp, và tự xưng mình đã được Vô thượng Niết bàn. Ma đến trước thiền giả ham thích khắc khổ, trải tòa thuyết pháp, làm cho thiền giả và nhiều người như tự biết nghiệp cũ, biết về kiếp trước của mình. Ma chỉ người nầy kiếp trước là cọp, người nọ kiếp trước là rắn, người kia kiếp trước là rùa… Ma sai bảo mỗi người tự hiện tướng tựa hồ như thật, do đó mọi người hết lòng kính phục nghe theo những lời dạy bảo xằng bậy của ma. Người nào móng tâm trái ý nó, nó biết và dùng thể lực mà uy hiếp. Ma lại hiện ra như người tu hành khắc khổ, tinh tấn trong việc cần lao, để chê bai tỳ khưu, mắng nhiếc đồ chúng, phô bày việc xấu của người khác. Ma thường nói chuyện họa phúc, hên xui, nói chuyện may rủi của gia đình người đúng y chuyện nhà của ma vậy. Thực chất đó là giống Đại lực quỷ tuổi già thành ma khuấy phá người tu hành, khi ma khuấy chán rồi, rời bỏ thân người kia không gá nữa thì thầy ma, đệ tử ma đều sa vào lưới pháp luật của thế gian. Người tu thiền biết thì ma tự tiêu tan, đam mê ái nhiễm thì sa vào tà kiến luân hồi rồi vào địa ngục.

Lại nữa, có thiền giả tâm được đứng lặng, trong lúc chuyên chú tam ma đề để tâm tìm hiểu muốn biết về túc mạng. Thừa dịp đó Thiên ma gá vào một người nào đó, nói được kinh pháp thông thạo và tự xưng đã chứng được Niết bàn. Ma đến trước thiền giả và nhiễu, trải tòa thuyết pháp. Do thế lực của ma khiến cho những người nghe pháp có được châu báu hoặc ma hiện thân thú vật, miệng ngậm châu ngọc đem cho. Ma lại có thể chỉ chỗ nầy chôn châu báu, chỗ nọ có vật quí chói sáng, khiến cho các người nghe pháp của nó được cái chưa từng có. Ma chỉ ăn cây thuốc, không ăn cơm hoặc một ngày chỉ ăn ít đậu, mè mà thân hình vẫn tốt đẹp; Vì vậy mọi người đều kính phục, tuyệt đối nghe lời. Ma phỉ báng Tỳ khưu, mạt sát đồ chúng. Ma lại chỉ nơi kia là chỗ của các Thánh, chỗ nọ của những người linh hiển… Thâ? chất đó là loại quỷ thần rừng núi, hoặc thổ địa thần hoàng tuổi già thành ma khuấy phá người tu hành, xúi giục làm bậy hủy phá luật nghi Phật dạy. Khi ma chán rồi, rời bỏ thân không gá nữa thì thầy, trò đều sa vào lưới pháp luật của thế gian. Người tu thiền phải biết để cảnh giác thì chúng tự tiêu tan, bằng ham mê thì bỏ mất chánh thọ sai trái chánh kiến sa vào địa ngục.

Lại có thiền giả tâm được đứng lặng, chuyên chú tam ma đề bỗng dưng tâm ham mê biến hóa thần thông, mong được thần lực linh hiển. Thừa dịp đó, thiên ma cho tinh thần gá vào một người khác, nói được kinh pháp và tự xưng chứng được Vô thượng Niết bàn. Ma đến chỗ thiền giả mong cầu thần thông biến hóa, trải tòa thuyết pháp và tay cầm lửa đưa cao đốt trên đầu mọi người, thế mà không ai thấy nóng. Ma lại hiện ngồi lơ lững trên hư không, hoặc hiện đi trên mặt nước, hoặc vào trong bình, hoặc ở trong đáy, hoặc vượt qua cửa sổ, hoặc đi thông suốt qua tường mà không chút ngăn ngại. Chỉ trừ binh khí gươm đao thì chưa được tự tại. Ma tự xưng mình là Phật, chịu Tỳ khưu lễ bái, chê bai thiền luật, mắng nhiếc đồ chúng, khuyến khích sự hành dâm, bảo những sự ôm ấp hành lạc với nhautruyền pháp. Thực chất đó là giống Hải tinh, Sơn tinh, Phong tinh, Thổ tinh và loài tinh m?của cây cỏ sống nhiều kiếp trong trời đất, hoặc do loài Tiên đã chết lâu năm, hình hài không nát, loài quái quỷ gá vào. Bọn ấy tuổi già thành ma khuấy rối người tu hành. Khi khuấy phá chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử ma, thầy ma đều sa vào lưới pháp luật. Người tu hành biết thì chúng tự tiêu tan, đam mê thì sai mất chánh thọ, đọa lạc địa ngục luân hồi vĩnh kiếp.

Lại có thiền giả định tâm đứng lặng, chuyên trụ tam ma đề bỗng dưng tâm thích vào chỗ diệt tận, nghiên cứu tánh biến hóa, tham muốn cái rỗng không sâu nhiệm. Thừa dịp đó thiên ma cho tinh thần gá vào một người khác, nói được kinh pháp và tự xưng mình được Vô thượng Niết bàn, đến chỗ thiền giả tham cầu rỗng không ấy trải tòa thuyết pháp - Ở giữa chỗ đông đảo ma bỗng biến mất thành không, từ không hiện ra có lúc hiện thân mình trong suốt như lưu ly, có lúc dủi tay hiện ra mùi thơm chiên đàn, lúc đưa tay xuống hiện ra mùi phẩn tiểu cứng chắc như đường phèn. Lúc thuyết pháp nói không có nhân, không có quả, chết rồi là hết không có thân sau, khuyến khích mọi người làm việc dâm dục. Và do uy lực của ma những người làm việc dâm dục cũng được cái rỗng không chưa từng có. Thực chất đó là những tinh khí nhật nguyệt bạc thực, vàng, đá, cỏ, cây, quy, phượng, lân, hạc trải qua ngàn vạn năm không chết là các loài tinh trong các quốc độ, đến lúc tuổi già thành ma khuấy rối người tu hành. Khi ma khuấy chán rồi, rời bỏ thân người không gá nữa, thì thầy ma, trò ma tất cả đều sa vào lưới pháp luật của nhân gian. Thiền giả tu hành, biết cảnh giác thì tự nó tiêu mất, bằng đam mê theo chúng lạc vào tà khiến sai mất chánh thọ đọa vào địa ngục vĩnh kiếp luân hồi.

Lại có thiền giả tâm được rỗng rang đứng lặng, chuyên chú trong tam ma đề, bỗng nhiên sanh tâm ham sống, thích gian khổ, muốn quan sát sự vật tinh vi mong cầu nhiều tuổi, vượt ra cái sống phần đoạn cầu được thường trụ. Thừa dịp ấy, thiên ma cho tinh thần gá vào một người khác, nói được kinh pháp, và tự xưng mình chứng được Vô thượng Niết bàn. Đến trước thiền giả và chỗ đông người, ma diễn trò huyễn hoặc, đến chỗ cách xa trăm dặm lấy một vật làm tin rồi trở về trong giây lát. Hoặc ở trong một căn nhà, mà bảo người đi thử, đi mãi đi hoài mà từ vách bên nầy không đến được phía vách bên kia. Do vậy nhiều người tu hành, các thiền giả hết lòng cung kính tin theo, cho đó là Phật sống hiện ở đời. Được nước, ma tuyên bố thập thương chúng sanh là con đỏ của ta, ta sanh ra chư Phật, ta sanh ra thế giới, ta là Phật đầu tiên tự sanh ra đời, không do tu hành đắc đạo. Thực chất bọn nầy chính là ma trụ thế Tự tại thiên cùng loại với bọn Giá văn trà, Tỳ xá đồng tử ở cõi Tứ thiên vương, thích cái rỗng không chúng nó đến ăn tinh khí người tu hành. Bọn đó có thể hiện làm gái đẹp khêu gợi rủ ren người tu hành làm việc dâm dục, hành sự theo ma không lâu thì tâm can khô kiệt, tinh thần rối loạn, miệng nói lảm nhảm. Những ai rơi vào đường cám dỗ của ma, cuối cùng thầy ma, trò ma đều rơi vào lưới pháp luật của thế gian. Thiền giả biết cảnh giác thì ma tự tiêu mất, bằng mê muội nghe theo sai mất chánh thọ trái đạo Bồ đề sẽ đọa địa ngục vĩnh kiếp luân hồi.

A Nan ! Ông nên biết, mười thứ ma ấy đời sau cách xa chánh pháp, chúng có thể hiện ra trong giới xuất gia của đạo Phật, hoặc gá vào thân người thế gian, hoặc có thể tự hiện. Dù với hình thức nào, chúng cũng tự xưng là đã chứng được Vô thượng chánh biến tri giác. Các loại ma nầy đều khen ngợi sự dâm dục; thầy ma cùng đệ tử ma dâm dục truyền nhau. Mê hoặc nhau thấm sâu tâm can lưu luyến nhau, ít thì chín đời, nhiều thì trăm kiếp, khiến cho người tu hành chân chánh trở thành quyến thuộc của ma, sau khi chết phải làm dân ma mất hết chánh trí đọa vào địa ngục.

A Nan ! Ông hãy phát nguyện vào đời ngũ trược, tung vải lòng đại bi dạy dỗ chúng sanh phát khởi lòng chánh tín, tu theo chánh pháp để được Vô thượng chánh biến tri, xa lánh tà ma ngoại đạo. Được vậy, là ông đã đền đáp ơn Phật. Mười thứ cảnh giới như thế hiện ra trong thiền định đều do tưởng ấm che chướng mà sanh ra, tác hợp với công dụng tu tam ma đề dồn nén vọng tâm hiện những cảnh đó, chứ không phải là hiện tướng chứng quả hay thành Bồ tát, thành Phật gì. Những người tu thiền không học, chưa nghe lời răn dạy của Như Lai, phần nhiều bằng lòng khi gặp những cảnh giới như vậy và cho là mình đã chứng đắc. Đó là sai lầm nguy hại lớn lao.

A Nan ! Sau Như Lai diệt độ ông nên đem những lời dạy nầy của Như Lai truyền bảo cho chúng sanh hậu thế, khiến cho hiểu rõ nghĩa đó, không để cho thiên ma có dịp khuấy rối. Đó là cách che chở, hộ trì cho chúng sanh, cho những người phát tâm đi vào con đường Vô thượng chánh tri giác.

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 58778)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :