Thư Viện Hoa Sen

Lời Nói Đầu

19/05/201012:00 SA(Xem: 27339)
Lời Nói Đầu

THỦ LĂNG NGHIÊM KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Pháp Sư Thích Từ Thông


LỜI NÓI ĐẦU

Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa. Từ xưa nhẫn nay, khắp chốn tòng lâm, những hàng long tượng trong giới truy lưu đều xem Thủ Lăng Nghiêm kinh là một trong những bộ kinh then chốt trong nền giáo lý Phật. Bộ kinh này có mặt ở Trung Quốc từ đời nhà Đường (618-907). Ngài Bát Lạt Mật ĐếDi Già Thích Ca dịch từ Phạn văn ra Hán văn.

Mãi đến đời nhà Minh (1366-1661) tư tưởng Thủ Lăng Nghiêm, được các giới truy lưu, những hàng long tượng để tâm nghiên cứu rầm rộ một thì. Các tiền bối ra sức phát huy diệu lý của kinh. Mỗi Ngài chú giải, sở thích, sáng tác theo sở kiến, sở ngộ của mình. Có những vị phát huy cái thâm cái diệu tàng ẩn trong kinh làm cho sáng tỏ rõ ràng đem lại cho Phật Tử hậu lai nhiều lợi lạc. Cũng có những vị sớ giải mơ màng, gieo vào lòng người con Phật những tư tưởng huyễn hoặc hoang đường, vô phương lý giải. Do vậy, những bậc thạc đức chân tu cùng thời, Ngài Thích Truyền Đăng phải viết ra hai quyển, nhan đề: Lăng Nghiêm viên thông sớ tiền mao. Nội dung để báo động trong giới truy lưu về sự sai lầm của những nhà sớ giải vô tình đã gieo vào lòng nguời con Phật tư tưởng mê tín dị đoan, con đường giải thoát giác ngộ mơ hồ không hy vọng có ngày hiện thực. Trong lời tựa của bộ "Thủ Lăng Nghiêm chính mạch" thì Ngài Chơn Giám cũng than phiền tương tợ !…

Việt Nam ta, từ những thập niên 30 về sau, phong trào chấn hưng Phật giáo, các trường cao cấp Phật học đều dùng bộ Thủ Lăng Nghiêm trực chỉ của Ngài Hàm Thị mà giảng dạy trong giáo trình.

Qua quá trình tu họcnghiên cứu, bỉ nhân tôi, thấy phần "Trực Chỉ" của bộ kinh này, đại cươngnhận xét, có nhiều ý thú thâm sâu, cũng có thể làm kim chỉ nam cho giới truy lưu giồi mài, tư duytu dưỡng có đem lại được những điều bổ ích. Dù vậy, sự bổ ích đó chỉ nghiêng nặng cho giới truy lưu, cho những người dồi dào đức tin đối với Tôn giáo của mình, đức tin đó được khép kín trong chốn tòng lâm "thanh tịnh" cổ kính "u nhàn".

Cái tâm nhận thức của Tăng tín đồ Phật tử trong xã hội ngày nay đòi hỏi nền giáo lý Phật giáo phải khế cơ, khế lý; nghĩa là phải được cụ thể hóa rõ ràng hơn. Phải biến nền giáo lý đó thành một thứ chất dinh dưỡng đem lại cho con người sự bồi bổ, sự ích lợi cho bản thân, cho gia đình, cho xã hộiđáp ứng yêu cầu tri thức của người đệ tử Phật ngang bằng tầm cỡ của thời đại. Bởi vì, xã hội loài người, vật chất cũng như tinh thần luôn luôn trong tiến trình vận độngchuyển hóa, mà cái gì không tiến tức đã lùi.

Đất nước của chúng ta đang ở trong tiến trình chuyển mình và hoàn toàn đổi mới. Mới về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tất nhiên phải mới cả tư tưởng. Nói đến sự kiện này, tôi thành thật không giấu giếm rằng: Tôi rất may mắn, có phúc duyên, tôi được kịp thời và đúng lúc, hòa mình vào xã hội mới để học tập. Tôi tìm học những cái hay cái mới để bồi dưỡng cho kiến thức của mình. Và sự thật, thời gian qua đem lại cho tôi một kết quả rất bằng lòng, và bằng lòng thật sự, bằng lòng trọn vẹn. Tôi vận dụng những kiến thức của thời đại, dung hòa vào cái vốn liếng Phật học sẵn có của mình. Tôi thấy vô cùng sáng tỏ. Rồi vì đàn em hậu tiến trong giới truy lưu vận dụng vào kinh điển trong giáo trình mà mình đã có, tôi viết thành những giáo án Phật học. Việc làm này tôi chưa dám nói là hoàn bị mọi mặt yêu cầu, nhưng sự thật trước mắt là người học có cái nhìn chính xác hơn đối với lời kinh, ý Phật. Và tự mình gỡ bỏ cho mình những cặp kính ảm đạm mơ hồ, nhìn đâu cũng thấy toàn bộ một màu buồn tẻ hoang đường, huyễn hoặc, siêu hình vô phương lý luận. Tai họa của sự nhận thức sai lầm chơn lý, có nuôi dưỡng trong con người một tâm hồn yếu đuối, làm cho con người mất hết sức tự tin; con người không tin khả năng thành Phật của mình, không tin nổi rằng: mình vốn có Phật tánh. Con người đã mất khả năng tự tin thì suốt cuộc đời mệnh danh là đệ tử Phật nhưng "linh hồn" thì đã gởi gấm cho "đấng siêu nhiên" nào đó ở một thế giới xa xăm ngoài tầm lý luận của trí thức con người. Đó là cái buồn chung cho trong hàng đệ tử Phật lạc lối ngày nay.

Học kinh Thủ Lăng Nghiêm, con người sẽ xác định được vị trí của mình đối với quả vị Bồ Đề Niết Bàn vô thượng. Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta sống bằng "Chơn tâm thường trú" sinh hoạt trong "Thể tánh tịnh minh". Mà tất cả mọi người đệ tử Phật trong chúng ta đều có "Chơn tâm thường trú" và "Thể tánh tịnh minh" ấy. Chỉ khác nhau ở chỗ:

Còn phiền não khách trần hay phủi hết phiền não khách trần vậy thôi.

Cái từ Trực Chỉ trong giáo án "Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương" nầy không lệ thuộc, không tương quan gì với ý tứ của Ngài Hàm Thị ở thời Minh xa xưa bên Trung Quốc. Mà phần trực chỉ nầy, thể hiện từ quá trình học tập trong thời đại mới với những tư tưởng mà tôi rất bằng lòng như đã nói ở trên.

Để trắc nghiệm sự bằng lòng của mình xem có chủ quan không, tôi đem cái nhận thức mới, vận dụng qua nền giáo lý thậm thâm của Phật, tôi giảng dạy cho Tăng Ni trường Phật học Cao cấp cơ sở I ở Thủ đô Hà Nội, từ năm 1981 đến 1985. Lắng nghe dư luận: Kết quả tốt. Tôi đang thí nghiệm tư tưởng đó ở Trường Phật học Cao cấp cơ sở II ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1985 đến nay. Lắng nghe, có kết quả tốt. Tôi giảng cho Tăng Nitín đồ Phật tử ở nhiều giảng đường khá đông đảo ở thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm liên tục. Lắng nghe, đều kết quả tốt.

Nay tôi viết giáo án "Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương" nầy nhằm phục vụ cho đối tượng Tăng Ni sinh Phật học cao cấp. Hiện nay thì tôi đang giảng cho Tăng Ni sinh năm thứ 3 trường Phật học cao cấp cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh. Dù vậy, trình độ của người Phật tử trí thức ngày nay, có rất nhiều người hâm mộ nghiên cứu học tập tư tưởng liễu nghĩa thượng thừa thâm diệu của kinh Thủ Lăng Nghiêm nầy.

Đã là giáo án, tất nhiên còn phải triển khai hướng dẫn rộng thêm nhiều mặt.

Đã là đề cương thì không thể đòi hỏi ở đây những chi tiết quá rộng rãi ở kinh văn nguyên chất.

Tuy nhiên, Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương tương đối đủ sức giúp cho người đọc nắm lấy cái bâu của áo, xách lên cái giềng của lưới, nghĩa là có thể tiếp thụ được cái ý thú thâm diệu, tư tưởng cốt tủy của lời kinh. Dù vậy, sự nhận thức và tiếp thụ đến mức độ nào việc đó còn tùy thuộc một phần ở con người nữa; cũng như trông một viên ngọc kim cương, chắc chắn ai cũng thấy biết được sắc màu của viên ngọc, nhưng đánh giá đúng trọn vẹn màu sắc hay không còn tùy ở sự có biết thay đổi hướng đứng hay không để nhìn viên ngọc của chính mình.

Việc phê phán khen chê, tôi đã có dự trù và sẵn sàng hoan hỉ tiếp thu. Trong kinh Niết Bàn, đức Phật kể câu chuyện năm chàng mù sờ voi… Rồi họ ấu đả với nhau, vì trong đó, không có anh nào cho rằng mình không biết rõ con voi thật. Con voi như cây cột, con voi như cái quạt mo, vẫn chưa phải vô lý, kia mà !

Này ! Các bạn ơi ! Tôi đã thấy được con voi thật ! Nó thường phe phẩy hai tai, nó dẫm tới dẫm lui và tỏ vẻ thèm thuồng, muốn xin những lóng mía của khách nhàn du trong "vườn bách thú" ấy.

Viết tại Huỳnh Mai Tịnh Thất
Mùa thu năm Bính Dần
Ngày 23 tháng 09 năm 1986

Pháp Sư Thích Từ Thông

 

Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 59332)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: