Thực 03. Giới Thiệu Bát Nhã Tâm Kinh

19/05/201012:00 SA(Xem: 24047)
Thực 03. Giới Thiệu Bát Nhã Tâm Kinh

THỰC TẠI HIỆN TIỀN
Viên Minh

Bát Nhã Thiền Viện Ấn Tống 1993

 

GIỚI THIỆU BÁT NHÃ TÂM KINH

Bài kinh chúng ta không cần tìm hiểu gốc gác ở đâu, thuộc tông phái nào. Điều đó có cần thiết để chúng ta tìm hiểu không? Chân lý vốn không có biên cương xứ sở, không có lý lịch nên chúng ta có lẽ không cần biết xuất xứ. Chân lý là cái muôn thuở nên nó không thuộc độc quyền của ai, phải vậy không? Chỉ có điều chúng ta biết rõ, bài kinh này nói được, xuyên suốt, từ giáo lý Nguyên Thủy cho đến Tiểu Thừa, Đại Thừa, Thiền Tông và rồi trở lại tinh thần Nguyên Thủy. Tất cả những vấn đề tinh yếu đều nằm trong bài kinh Bát Nhã này cả. Do đó, mình không ngại bài kinh này thuộc tông phái nào, không quan trọng lắm. Mình sẽ lấy cái sườn kinh này mà chỉ bày sự thật. Hễ sai mình nói sai. Hễ đúng thì mình nói đúng, chẳng sợ gì cả. Vì chân lý mà mình làm, không ngại gì hết.

Cái sườn của kinh Bát Nhã này hầu như đầy đủ toàn bộ giáo lý của đạo Phật. Quý vị đừng nghĩ rằng kinh điển của chúng ta quá nhiều. Không có nhiều đâu. Quý vị có nhớ vị Thiền Sư nào đó, sau khi "ngộ" rồi, ông mới nói: "Ồ, tưởng là cái gì dữ dội, té ra cái đạo của thầy ta thì có gì nhiều đâu!" [Ngài Lâm Tế khi ngộ đạo có nói: "Thì ra Phật Pháp của Hoàng Bá không nhiều"]. Đại khái vậy, thật ra chẳng có gì nhiều "Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỷ" hoặc "Vô tâm đạo dị tầm" mà. Khi mình thấy rồi thì chỉ có giây phút tịch diệt hiện tiền ngay tại đây chính là đạo, ngoài ra không cầu gì nữa hết. Cầu là vì không biết rằng ở đó đã đủ hết rồi. Cho nên, ở đây, trong bài kinh Bát Nhã này đã nói đủ những điều cơ bản cốt tử nhất về sự thật. Vậy chúng ta cứ đem ra tham khảo với nhau xem cái thực của một số vấn đề trong kinh Bát Nhã nói là cái gì? Mình sẽ tìm từng chữ nhưng không phải là dịch nghĩa theo lối luận giải chi chi đó. Vì cứ đem kinh mà giảng kinh thì được cái gì. Ở đây cách làm việc của chúng ta là đem cái thực ra, chứ không phải lấy kiến giải chồng chất kiến giải, lấy kinh chồng chất lên kinh như nhiều người đã từng làm.

Ví dụ có bài kinh viết: có 5 cái ly, 10 cục phấn, hai cái bàn... thì bây giờ việc của mình cứ đem 5 cái ly ra, đem 10 cục phấn, 2 cái bàn ra mà xem, chứ không lấy tự điển ra mà dịch nghĩa văn tự kia để làm gì. Nhưng mà có thể, để cho quý vị thấy rằng, điều mà chúng ta đưa ra, không phải là "thứ dỏm", thì lúc ấy chúng ta sẽ lấy kinh để chứng minh chúng ta có thể viện dẫn tất cả kinh điển Nguyên Thủy, Tiểu Thừa, Đại Thừa, lẫn Thiền Tông để chứng minh. Nhưng không phải lấy tất cả kinh đó ra mà giảng. Phương cách của chúng ta là đưa sự thật ra trước, rồi lấy kinh để chứng minh sau, tức là lấy lý để so sánh với cái thực (cái sự).

Sự thật ↔ Kinh
(Sự) ↔ (Lý )

Chứng minh

Bát Nhã Tâm Kinh có rất nhiều bản. Bản kinh đang lưu truyền ở Việt Nam hiện tại tương đối chính xác, ta sẽ y cứ ở bản đó. Cái đề không quan trọng, chúng ta sẽ đi thẳng vào kinh văn:

- Quán tự tại
- Bồ Tát
- Hành
- Thâm bát nhã ba la mật đa (Gambhirāpaññā paramitā)
- Chiếu kiến 
- Ngũ uẩn
- Giai không

Ban đầu chúng ta đọc lướt qua bài kinh Bát Nhã này ghi ra những điều quan trọng, những sự thật cần nói rõ.

Ví dụ: Quán Tự Tại Bồ Tát. Có những chữ mà mình cần phải thấy, tôi xin dùng chữ "thấy", vì chữ "hiểu" nhiều khi có vẽ lý trí quá. Vậy chúng ta phải thấy Quán Tự Tại là sao? Bồ Tát là gì?

Xưa nay có nhiều người tự xưng là tu hạnh Bồ Tát có chắc đã biết Bồ Tát là gì không? Còn nếu giả sử mình hiểu Bồ Tát theo tư kiến nào đó hoặc tin vào kinh nào đó rồi mình hành, thì có khi không phải hành Bồ Tát mà hành cái gì đâu đâu, vì mình có thấy Bồ Tát cho thật đúng đâu mà hành Bồ Tát cho đúng, phải thế không?

- Chiếu kiến
- Ngũ uẩn
- Giai không

Chiếu kiến là sự thấy, nhưng thường thì chúng ta cứ đọc phớt qua rồi tưởng tượng, chứ có thấy "giai không" là gì đâu. Ngũ uẩn thì mình cứ kể vanh vách: sắc, thọ, tưởng, hành, thức chứ cũng chẳng thấy ngũ uẩn là cái gì. Ngũ uẩn không thấy là cái gì thì làm sao mà thấy ngũ uẩn giai không được.

- Độ
- Nhất thiết khổ ách.

"Khổ ách" là những gì chúng ta cần phải thấy rõ. Và xin thưa quý vị rằng, chừng ấy là hết kinh Bát Nhã! Còn đoạn sau thì chỉ như "phụ đề Việt ngữ" mà thôi. Vì đoạn sau chỉ giải thích, nói cho rõ thêm chi tiết, thế thôi.

Sắc bất dị không, không bất dị sắc
Sắc tức thị không, không tức thị sắc
Thọ
Tưởng
Hành
Thức diệc phục như thị

Tất cả những cái này chúng ta phải nhìn sâu, phải thấy rõ như ban ngày từng diễn biến nơi chính mình mới được.

Thị chư pháp không tướng
Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm

Không tướng hay là cái không? Không tướng là cái gì? Sao lại gọi là không tướng?

Vì sao không tướng lại là không sanh diệt, không cấu tịnh, không tăng giảm? Tại sao như vậy?

Thị cố không trung, vô sắc... vô pháp
Không trung là ở đâu? Không trung là cái gì? Trong không trung vì sao không có:

(1) Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
(2) Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. 
(2) Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ?

(1) là ngũ uẩn, (2) là lục căn, (3) là lục trần. Lục cănlục trần gọi là 12 xứ.

nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.

Từ nhãn giới đến ý thức giới là 18 giới:

Nhãn giới - sắc giới - nhãn thức giới 
Nhĩ giới - thanh giới - nhĩ thức giới 
Tỷ giới - hương giới - tỷ thức giới 
Thiệt giới - vị giới - thiệt thức giới 
Thân giới - xúc giới - thân thức giới 
Ý giới - pháp giới - ý thức giới 

Trong cái không (không trung) không có vô minh, cũng không có vô minh hết (vô vô minh diệc vô vô minh tận)... cho đến không có lão, tử, cũng không có chuyện hết lão, tử (nải chí vô lão tử diệc vô lão tử tận).

Tức là không có thập nhị nhân duyên:

Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.
(Không có 12 nhân duyên cũng không có chuyện chấm dứt 12 nhân duyên).

Vô khổ, tập, diệt, đạo (tức là không có Tứ Diệu Đế).

Trong không, không có Tứ Đế. Vì sao? Trong những buổi hội thảo, chúng ta sẽ quan sát tận tường tất cả những điều trên theo nguyên tắc thấy ra cái thực là cái gì.

Còn nữa:

Vô trí diệc vô đắc (trí và đắc)
vô sở đắc
Bề Đề Tát Đỏa
Y Bát Nhã Ba La Mật Đa
Tâm vô quái ngại
Vô hữu khủng bố
Viễn ly điên đảo mộng tưởng
Cứu cánh Niết Bàn 

Quý vị đừng tưởng Niết Bàn là quá xa xôi, quá viễn vông. Niết Bàn là cái mà mình cần phải thấy ngay trước mắt.

Tam thế Chư Phật 
Y Bát Nhã Ba La Mật Đa
Đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề

Lưu ýTam Thế Chư Phật đều y cứ vào Bát-Nhã Ba-La Mật-Đa để đắc A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề.

A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề là âm của những từ:

Anuttara: A-Nậu-Đa-La.
Sammā: Tam-Miệu. 
Sambodhi: Tam-Bồ-Đề.

đều có nghĩa là "Vô Thượng Chánh Đẳng Giác".

Thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chơn thiệt bất hư.

Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, Tức chú thuyết chú viết: "Yết-đế, yết-đế, ba la yết-đế, ba la tăng yết-đế, Bồ-Đề Tất-Bà-Ha".

Câu này mật ý là gì? Chúng ta đều cần phải thấy rõ. Tất cả những kinh điển Nguyên Thủy cũng đều nói đến những vấn đề này. Vì những vấn đề này chính là cái thực của Đạo, chính là Đạo. Và tất cả những kinh luận của Tiểu Thừa, Đại Thừa cả hàng ngàn năm cũng nói những điều này, chẳng có chi khác. Do đó, kinh điển quá nhiều, nhưng nếu chúng ta theo dõi cuộc hội thảo này, có thể 2 hoặc 3 tuần gì đó thì hy vọng chúng ta sẽ nắm được những vấn đề cương yếu trong kinh điển của đạo Phật. Thấu suốt được bài kinh này là hầu như thấu suốt tôn chỉ của kinh điển. Nói vậy chắc quý vị sẽ bảo là hơi quá đáng. Nhưng mà không phải vậy. Sở dĩ nhiều là do bàn luận, lý giải, bàn qua bàn lại đó thôi. Tuy nhiên, không có kinh gì, luận gì mà đi ra ngoài những vấn đề này. Những vấn đề này nói trong kinh Bát Nhã. Nếu chúng ta thấy được cái thực rồi, tất nhiên mọi bàn luận sẽ trở nên vô nghĩa, phải vậy không? Cứ thẳng thắn nói vậy.

Kinh điển Nguyên Thủy không thôi, mình đọc một đời cũng không hết, kinh điển Tiểu ThừaĐại Thừa nữa thì không bao giờ mình đọc hết được cả. Hiện nay, mình chỉ dịch được một số thôi, nhưng nếu dịch hết không biết bao kiếp mới đọc xong. Thế nhưng, nếu có người thấy sự thật rồi thì cho họ đọc họ cũng không thèm đọc. Đấy là sự thật.

Người ta đã thấy sự thật, họ thực hành, nghĩa là họ thuận theo sự thực ấy để họ sống, họ sống với cái thực. Và, khi mà mình sống thực, thì mình thấy ra còn hơn kinh điển nói. Vì sao? Vì điều cặn bã Thánh nhân - như ông thợ mộc nói - có nghĩa lý gì so với cái thấy, cái biết đời sống phong phú của Thánh nhân, phải vậy không? Khi mà mình sống với cái thực, thì mình sẽ thấy lại những điều mà chính Thánh nhân thấy. Do đó, chúng ta không phải hiểu đạo Phật qua kinh điển mà hiểu đạo Phật qua chính sự thật. Đấy là mục đích duy nhấttối hậu của những buổi hội thảo này vậy.

Bây giờ còn chừng nửa tiếng nữa, có ai hỏi gì không? Hoặc nếu thấy tôi trình bày chủ quan quá thì cũng cứ thẳng thắn đứng dậy mà nói... Không có ai nói, ai hỏi gì sao?

Những buổi hội thảo của chúng ta từ đây về sau sẽ rất chặt chẽ, xin báo trước như vậy. Trừ phi quá bận còn không quý vị nên cố gắng tham dựtheo dõi liên tục. Nếu nghỉ một buổi là gián đoạn mất, khó mà thấy toàn bộ được. Vì nó chặt chẽ từng khâu một. Thấy cái này thì thấy cái kia, không thấy cái này thì không thấy cái kia.

Bắt đầu buổi hội thảo sau, thực sự mới là vào chính đề. Còn những điều chúng ta vừa bàn ở trên, nghe ghê gớm vậy chứ chẳng có gì quan trọng cả. Tinh thần học sự thật của chúng ta cần phải được trang bị một cái gọi là "nói thẳng thắn không sợ đụng chạm ai cả". Vậy chúng ta phải chuẩn bị tinh thần. Muốn thấy sự thật thì phải đập đổ tất cả những cái mà trước nay mình hiểu sai lầm, có phải vậy không?

Hồi xưa, Đức Phật có một trong những pháp bất úy gọi là "Thuyết chướng ngại đạo vô sở úy". Nguyên Thủy, Tiểu Thừa hay Đại Thừa gì cũng đều công nhận điều đó cả. Nghĩa là cái gì chướng ngại cho đạo, cho sự tu hành giải thoát thì cứ vạch trần, chẳng sợ gì hết, dù điều đó xưa nay người ta tôn sùng đưa lên mây xanh mà sai thì mình cứ thẳng thắn mà nói sai. Người muốn thấy chân lý phải thẳng thắndũng cảm như vậy. Phải xóa hết tất cả mọi ranh giới, mọi quan điểm của các tông phái.

Vì có một điều chắc chắn như thế này: nếu còn cố chấp tông phái thì không thể nào thấy được chân lý. Đấy là điều chắc chắn 100% chứ không phải 99% đâu. Tuy nhiên, mình có thể cứ ở tông phái này hoặc tông phái kia, không sao cả. Vì sao vậy? Vì cái đó chỉ thuộc vấn đề tổ chức thôi. Tổ chức thì nó có tính cách "nhập gia tùy tục". Thí dụ: tôi ở Nguyên Thủy thì tôi phải mặc y, phải đi khất thực. Tôi phải làm những chuyện mà bên Phật giáo Nguyên Thủy người ta làm. Chuyện đó mình tự tại vô ngại chớ có sao đâu. Nhưng hễ mà tôi cố chấp cho chuyện đó là một cái gì ghê gớm lắm thì tôi không thể nào thấy Đạo được. Bởi vì chính khi mình sống Đạo, thì chỉ có Đạo, có sự sống giác ngộ mà thôi, ngoài ra không có bất cứ cái gì lảng vảng vô đó được hết. Hễ mà còn lảng vảng cái gì đó, một chút xíu thôi, một lý tưởng chẳng hạn, thì thành ra hoài công vô ích. Xin lặp lại không có gì chen vô đó được, dù là chen vô một lý tưởng cao đẹp cách mấy cũng đều là phá hoại sự thật mà mình đang sống. Cho nên quý vị hãy sẵn sàng để mà phá!

Còn một việc nữa mà chúng ta cần ghi nhậngiả sử tôi có trình bày sự thật, mà quý vị thấy ra được sự thật thì đó là sự thật khách quan mà mỗi người tự thấy biết, tự giác ngộ, chứ không phải là sự thật chủ quan do tôi đưa ra. Chân lý là cái chung của mọi người. Xin nhớ cho như vậy!

Đức Phật, Ngài đã từng phủ nhận vai trò giáo chủ với một đặc quyền nào đó về chân lý, một bậc Đạo Sư, chúng ta tôn xưng Ngài như vậy mà thôi. Ngài luôn bảo Ngài là người chỉ đường. Người chỉ đường - người khải thị khác với ông thầy theo nghĩa đưa ra một mực thước, một khuôn khổ bắt học trò phải theo. Đạo Phật chứ không phải bàng môn tả đạo mà bắt con người lệ thuộc vào tông phái, vào giáo hệ, lệ thuộc vào ông thầy, vào đấng giáo chủ, vào uy quyền của thần linh, lệ thuộc vào một chủ thuyết giáo điều.

Đức Phật dạy như thế này, trong kinh Nguyên Thủy, coi như là một tuyên ngôn đặc thù của đạo giác ngộ:

"Attāhi attano nātho,
Ko hi nātho parosiyā.
Attanā'va sudantena,
Nātham labhati dullabham". (Dhammapada - Pháp cú kinh)

Câu ấy đúng là câu tuyên ngôn như Thiền Tông nói: "Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật" vậy. Câu trên nghĩa như thế này: "Ta chính là Thượng Đế của ta, không ai khác có thể là Thượng Đế của ta được. Một khi đã thuần tịnh thì ta chính là Thượng Đế hy hữu". Ở đây cần một vài giải thích:

- Atta là ta: chữ ta này chỉ là danh xưng chứ không phải là bản ngã. Một câu nói phải có chủ từ, động từ, chứ đừng tưởng vô ngã là không có tôi, không có anh, rồi nói trỗng, không phân biệt đâu là tôi, là anh, là chị, người ta sẽ bảo mình điên mất.

- Nātho: chữ này rất đặc biệt, vừa có nghĩa là nơi nương nhờ, nơi nương tựa, vừa có nghĩa là Thượng Đế.

- Hi: một từ dùng để nhấn mạnh, khẳng định "chắc chắn vậy, quả thực vậy".

Trở về y cứ nơi chính mình để thấy cái thực. Cái thực ấy chính là pháp, là Thượng Đế tối thượng. Thượng Đế tối thượng ấy quả thực không lệ thuộc ông thầy, lệ thuộc giáo hệ, tông phái, chủ trương, quan điểm, tổ chức, hình thức... hoặc với tất cả những gì bàn luận phù phiếm lăng xăng của cuộc đời, của thế gian pháp.

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 58737)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.