THẮNG MAN GIẢNG LUẬN
Śrīmālā-siṃhanāda-sūtra-vyākhyā
Tuệ Sỹ dịch và giảng
PHẦN HAI
PHIÊN DỊCH
KINH VĂN
勝 鬘 師 子 吼 一 乘 大 方 便 方 廣 經
THẮNG MAN SƯ TỬ
HỐNG NHẤT THỪA ĐẠI PHƯƠNG TIỆN
PHƯƠNG QUẢNG
KINH
ŚRĪMĀLĀ-SIṂHANĀDA-SŪTRA
宋 中 印 度 三 藏 求 那 跋 陀 羅 譯
TỐNG TRUNG ẤN ĐỘ
TAM TẠNG CẦU-NA-BẠT-ĐÀ-LA Hán dịch
TUỆ SỸ Việt dịch
& Chú thích
CHƯƠNG MƯỜI HAI:
ĐIÊN ĐẢO VÀ
CHÂN THẬT
[608]
«Bất tư nghì, là diệt đế,[609] vượt ngoài đối tượng[610] của hết thảy tâm thức của chúng sinh, và cũng không phải cảnh giới trí tuệ[611] của hết thảy A-la-hán và Bích-chi-Phật. Cũng như người mù bẩm sinh không thấy được các sắc, con nít bảy ngày không thấy được mặt trời. Khổ diệt đế cũng như vậy, không phải là sở duyên của tâm thức của hết thảy phàm phu, cũng không phải là cảnh giới trí tuệ của hai thừa. Thức của phàm phu là sự điên đảo của hai kiến chấp.[612] Trí của hết thảy A-la-hán và Bích-chi-Phật thì vốn thanh tịnh.[613] Biên kiến,[614] là phàm phu đối với năm thủ uẩn[615] mà thấy là ngã, vọng tưởng chấp trước,[616] sinh ra hai kiến chấp, đó gọi là biên kiến; tức là thường kiến và đoạn kiến. Thấy rằng các hành là vô thường,[617] ấy là đoạn kiến chứ không phải chánh kiến. Thấy rằng Niết-bàn là thường, ấy là thường kiến chứ không phải chánh kiến.»[618]
«Do vọng tưởng kiến chấp cho nên chủ trương như vầy: đối với các căn ở nơi thân,[619] phân biệt, tư duy[620] thấy rằng trong hiện tại chúng hủy hoại,[621] mà không thấy dòng tương tục của sự hữu,[622] do đó khởi lên đoạn kiến. Vì vọng tưởng kiến chấp vậy. Đối với tâm tương tục[623] mà ngu tối, không tỏ rõ, không biết cảnh giới ý thức có gián đoạn trong từng sát-na,[624] nên khởi thường kiến. Vì do vọng tưởng kiến chấp vậy.»
«Vọng tưởng kiến chấp này, đối với nghĩa kia,[625] hoặc thái quá hoặc bất cập, phát sinh phân biệt với những ý tưởng dị biệt,[626] hoặc cho là đoạn hoặc cho là thường.»
«Chúng sanh điên đảo, đối với năm thủ uẩn vốn vô thường mà tưởng là thường, vốn khổ mà tưởng là lạc, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh. Tịnh trí của hết thảy A-la-hán, Bích-chi-Phật, hoặc có chúng sanh do tin lời Phật, đối với cảnh giới của nhất thiết trí[627] và Pháp thân của Như Lai vốn chưa từng được thấy, mà khởi lên ý tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh; đấy không phải kiến chấp điên đảo, cho nên gọi là chánh kiến. Vì sao? Pháp thân của Như Lai là thường ba-la-mật,[628] ngã ba-la-mật, tịnh ba-la-mật và lạc ba-la-mật. Đối với Pháp thân của Phật mà thấy như vậy thì gọi là chánh kiến.[629] Ai có chánh kiến tức là con chân thật của Phật, từ miệng Phật sinh, từ Chánh pháp sinh, từ Pháp mà hóa sinh,[630] thừa hưởng di sản của pháp.»[631]
«Bạch Thế Tôn, tịnh trí ấy là trí ba-la-mật[632] của hết thảy A-la-hán, và Bích-chi Phật. Tịnh trí ấy tuy là tịnh trí nhưng đối với diệt đế kia vẫn chưa phải là cảnh giới, huống chi là bốn y trí.[633] Vì sao? Ba thừa sơ nghiệp[634] mà không ngu mê đối với pháp[635] thì sẽ có thể giác ngộ, sẽ chứng đắc nghĩa ấy. Chính vì thế mà Thế Tôn nói bốn y cho họ. Bạch Thế Tôn, bốn y này là pháp thế gian.
«Bạch Thế Tôn, một y là tất cả y chỉ, là tối thượng xuất thế gian đệ nhất nghĩa y, đó là diệt đế.»[636]