- 1. Lời Nói Đầu
- 2. Nguồn Gốc Kinh Pháp Cú
- 3. Vô Thường Và Vô Ngã
- 4. Nhân Quả Và Nghiệp Báo
- 5. Luân Hồi
- 6. Tam Độc: Tham, Sân, Si
- 7. Ái Dục
- 8. Giới, Định, Tuệ
- 9. Người Ngu Và Người Trí
- 10. Tam Quy Và Ngũ Giới
- 11. Thập Thiện
- 12. Lục Độ Ba La Mật
- 13. Tứ Diệu Đế Và Bát Chánh Đạo
- 14. Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả
- 15. Mầu Áo Cà Sa
- 16. Hương Vị Giải Thoát
- 17. Nghệ Thuật Thuyết Pháp
- 18. Đạo Phật Là Đạo Yêu Đời
- 19. Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi
- 20. Tài Liệu Tham Khảo
TÌM HIỂU KINH PHÁP CÚ
(DHAMMAPADA)
Tâm Minh Ngô
Tằng Giao
Diệu Phương Xuất
Bản - 2006
NHÂN QUẢ VÀ NGHIỆP BÁO
NHÂN, DUYÊN VÀ QUẢ
Kinh Pháp Cú nói đến “Luật Nhân Quả”. “Nhân” nghĩa là nguyên nhân, là hạt, tức
hạt giống sinh ra một vật hữu hình hay là sức mạnh sinh ra một vật vô hình.
“Quả” là kết quả, là trái, tức là kết quả hữu hình hoặc vô hình của một hạt đã
gieo trồng. Nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực phát
động ấy. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có. Nếu không có nhân
thì không có quả, nếu không có quả thì không có nhân. Định luật hiển nhiên này
mọi người đều nhận thấy. Định luật nhân quả liên tục kéo dài vô cùng tận, như những
lượn sóng chập chùng trên mặt đại dương. Những đặc tính của “Luật Nhân Quả” như
sau đây:
1. Nhân thế nào thì quả thế ấy: Trong giới hữu hình, vật chất hay trong giới vô
hình, tinh thần đều như vậy. Nếu muốn có quả cam thì ta phải ươm hạt giống cam;
nếu muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Cho đến quả địa cầu cũng thuộc
nhân quả, như các nhà khoa học nói những đám bụi xoáy lâu ngày kết tụ thành quả
địa cầu, thế nên nhiều hạt bụi là nhân, trái đất là quả v.v... Gieo việc làm
tốt tất sau này sẽ thu được kết quả tốt, như chăm học thời sẽ giỏi giang và thi
đậu. Gieo việc làm xấu sẽ thu được kết quả xấu, như lười biếng thời sẽ dốt nát,
trộm cắp sẽ bị tù tội v.v…
2. Trong nhân có quả, trong quả có nhân: Chính trong nhân hiện tại đã có hàm chứa cái quả vị lai; cũng chính trong cái quả hiện tại, đã có hình bóng của nhân quá khứ. Mỗi vật, vì thế, đều có thể gọi là nhân hay là quả. Đối với quá khứ, thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và quả tiếp nối nhau quay tròn như thế mãi.
3. Một nhân không thể tự một mình sinh ra quả: Sự vật trong vũ trụ nầy đều là sự tổ hợp của nhiều nhân duyên. Không có nhân nào có thể tự tác thành kết quả nếu không có sự giúp đỡ của nhiều nhân khác. Những nhân giúp đỡ này gọi là “duyên”. Thí dụ hạt lúa cần có sự giúp đỡ của các “duyên” như đất, hơi ấm, ánh sáng mặt trời, không khí, nước, phân bón, nhân công v.v… mới sinh ra cây lúa. Vậy “duyên” tức là sức mạnh, những cơ hội thuận tiện giúp cho “nhân” sinh sôi, nảy nở.
Nhân nào cũng có đủ cả hai tính cách nhân và duyên, vì nó là nhân để sinh quả của nó và đồng thời cũng là duyên để giúp đỡ các nhân khác sinh ra những quả khác. Thí dụ như ánh sáng mặt trời là nhân sinh ra hơi nóng, nhưng đồng thời cũng là duyên để giúp cho hạt cây mọc, cho hoa lá có sắc mầu, cho mắt người trông thấy cảnh vật v.v...
4. Nhân hữu hình có thể sinh ra quả vô hình và nhân vô hình có thể sinh ra quả hữu hình: Thí dụ nước hữu hình, khi “duyên” với sức nóng biến thành hơi vô hình tản mát trong không khí. Khi gặp sức lạnh, hơi nước vô hình lại biến thành mây hữu hình bay lơ lửng trên bầu trời.
Xác thân hữu hình và tâm linh vô hình của con người cũng liên can và tiếp tục theo nhau như thế. Thí dụ ý nghĩ oán giận (nhân vô hình) tạo ra ý nghĩ trả thù (quả vô hình). Quả vô hình này làm thành nhân sinh ra hành động bạo hành, giết chóc (quả hữu hình). Quả hữu hình này sẽ làm nhân cho những hình phạt tù tội, xiềng xích (quả hữu hình). Tù tội, xiềng xích hữu hình lại làm nhân cho những quả vô hình là buồn phiền, đau khổ. Buồn phiền đau khổ vô hình lại sinh ra những quả hữu hình là xác thân gầy ốm hoặc bị chết v.v…
Như thế nhân quả, quả nhân trong hai giới hữu hình và vô hình, trong hai phần xác thịt và tâm linh đều “duyên” với nhau và “sinh” lẫn nhau, chẳng khác gì chỉ có một giới, một khối duy nhất mà thôi.
5. Sự phát triển từ nhân đến quả có khi nhanh khi chậm: Có khi nhân vừa phát khởi thì quả đã xuất hiện, như khi vừa đánh xuống mặt trống thì tiếng trống liền phát ra. Có khi phải đợi một thời gian ngắn hoặc dài quả mới hình thành, như từ khi gieo hạt giống cho đến khi gặt lúa, từ ngày cắp sách đi học cho đến ngày thành tài.
Vì lý do mau chậm, trong sự phát hiện cái quả, chúng ta không nên hấp tấp, mà cho rằng cái luật nhân quả không hoàn toàn đúng, khi thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả. Có nhân sinh quả ngay trong đời này (hiện báo). Có nhân sinh quả trong đời sau (sinh báo). Và cũng có nhân sinh quả cách nhau nhiều đời (hậu báo). Đối với thế gian thì có ngày giờ, năm tháng và đời này kiếp nọ. Nhưng tất cả những thứ ấy chỉ là những cái “mốc” mà con người tự đặt ra để phân chia một cái gì dài vô tận, không đầu không đuôi, không hình không tướng là “thời gian” mà thôi. Vì thế những cái chết liên tiếp của con người (hay của vạn vật) không ảnh hưởng gì đến những nhân đã gieo trồng. Những nhân này vẫn cứ đeo đuổi cái sức sống của nó trên dòng thời gian vô tận, để khi nào đến lúc, gặp thời sẽ sinh ra quả.
6. Sự sinh hoạt của những nhân có thể cải biến, thay đổi bằng những nhân khác: Khi đã gieo rồi, một nhân sẽ sống theo dòng sống của nó. Nhưng con người có thể gieo nhiều thứ nhân. Nhân này duyên với nhân kia, để cản trở hoặc giúp đỡ sự tăng trưởng và sinh hoa kết quả. Thí dụ một hạt mít, nếu bị đem phơi khô ngoài nắng hoặc cất kỹ trong hộp thật kín sẽ không bao giờ mọc cây, nở hoa và kết trái ra được.
Bởi vậy người ta có thể biến cải nhân này bằng những nhân khác. Người ta có thể
kìm hãm hoặc trừ diệt hẳn đời sống của một nhân bằng cách tạo những nhân khác, tức
là tạo những duyên khác để giúp đỡ hoặc phá hủy.
7. Phân tích hình tướng của nhân quả: Trong thực tế ta thấy nhân quả có trong
những vật vô tri giác như nước bị lửa đốt thì nóng, bị gió thổi thì thành sóng,
bị hơi lạnh thì đông lại. Nhân quả trong loài thực vật như hạt ớt thì sinh ra
cây ớt, cây ớt thì sinh ra trái ớt. Nhân quả trong các loài động vật như loài
chim sinh ra trứng. Trứng là nhân, chờ khi ấp nở thành con là quả. Con chim ấy
trở lại làm nhân, sinh ra trứng khác là quả.
Nhân quả nơi con người: Về phương diện thể chất thời thân tứ đại là do bẩm thụ huyết của cha mẹ và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả, và cứ tiếp nối như thế mãi, nhân sinh quả, quả sinh nhân, không bao giờ dứt. Về phương diện tinh thần thời tư tưởng và hành vi trong quá khứ là nhân, tạo cho ta tính tình tốt hay xấu trong nếp sống hiện tại là quả. Tính tình và nếp sống hiện tại này lại là nhân, để tạo ra những tư tưởng và hành động của ta trong tương lai là quả.
8. Lợi ích đem lại cho chúng ta do sự hiểu biết và áp dụng luật nhân quả: Luật
nhân quả tránh cho ta lòng mê tín dị đoan, tin tưởng sai lầm vào thần quyền.
Luật nhân quả phủ nhận cái thuyết chủ trương rằng “vạn vật do một vị thần sinh
ra và uy quyền thưởng phạt muôn loài”. Theo Phật Giáo thời không hề có một đấng
thiêng liêng nào đứng ra thưởng phạt con người cả. Chính con người tự thưởng hay
tự phạt mình bằng những hành động của chính mình. Ta gặt hái tương xứng với cái
gì mà ta đã gieo. Chính con người tự tạo ra số phận của mình bằng những hành vi
thiện hay ác, tự mình đưa mình lên cõi Niết Bàn hay tự mình đày mình xuống địa
ngục.
Như trên đã nói, thời gian tiến triển từ nhân đến quả, có khi nhanh khi chậm.
Có cái nhân từ đời này, đến đời sau mới hình thành quả v.v... Vậy nếu có người trong
đời hiện tại làm việc hung ác, mà được an lành, là do kiếp trước họ tạo nhân
hiền từ. Còn cái nhân hung ác, mới tạo trong đời này, thì tương lai hay qua đời
sau, họ sẽ chịu quả báo. Còn người đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện,
mà vẫn gặp tai nạn, khổ sở, là do đời trước, họ tạo những nhân không tốt. Cái
nhân hiền từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưởng quả vui.
NGHIỆP BÁO
“Nghiệp” là những hành động, tạo tác do ba nơi “Thân, Khẩu, Ý”. Đức Phật hướng dẫn chúng ta ý thức được sự quan trọng của nghiệp tức là “hành động” của mình làm, vì chỉ có hành động mới là quan trọng, mới là chủ yếu.
Nhân quả nghiệp báo có hai thứ là “biệt nghiệp” và “cộng nghiệp”. Biệt nghiệp là nghiệp báo riêng biệt của mỗi chúng sinh. Cộng nghiệp là nghiệp chung cho nhiều chúng sinh đang cùng sống trong một hoàn cảnh. Như những người sống trong chiến tranh tại một quốc gia thời đều chịu ảnh hưởng chung của chiến tranh. Như sinh ở một nước tiên tiến, thì mọi người đều tương đối được hưởng một đời sống vật chất đầy đủ. Đã sinh chung một gia đình, một xứ sở hay một dân tộc, cố nhiên cái nghiệp quả phải có liên quan với nhau. Một người làm phúc, ngàn người đều được ảnh hưởng, một cây trổ hoa, muôn cây chung quanh đều được thơm lây.
Nghiệp có thể chia ra ba tính cách: lành là “thiện nghiệp”, dữ là “ác nghiệp”, hoặc không lành không dữ là “vô ký nghiệp”. Lành nghĩa là có lợi ích cho chúng sinh trong hiện tại cũng như tương lai. Dữ, nghĩa là có hại cho chúng sinh trong hiện tại cũng như tương lai. Đức Phật dạy:
(Pháp Cú 165)
Làm điều ác cũng
bởi ta
Nhiễm ô cũng vậy
tạo ra bởi mình
Và khi làm những
điều lành
Hoặc là thanh tịnh
cũng mình tạo ra,
Tịnh hay không
tịnh do ta
Chính ta tự tạo,
ai mà khác đâu!
Nói suông không đủ, lời nói phải đi theo với việc làm mới mong có kết quả. Người miệng nói điều lành mà không làm điều lành thì chẳng ích lợi gì cho ai cả, giống như bông hoa đẹp mà chẳng có hương thơm:
(Pháp Cú 51)
Hoa kia sắc đẹp
phô trương
Tiếc rằng chẳng có
chút hương thơm nào
Khác chi người nói
ngọt ngào
Trăm điều hoa gấm,
trăm câu tốt lành
Nói xong không
chịu thực hành
Chẳng đem lợi ích,
cũng thành uổng đi.
Đức Phật dạy câu trên nhân vì có hai bà tín nữ, cùng là mệnh phụ phu nhân trong triều, đến học giáo pháp với Đại đức A Nan. Một bà chăm chú học. Bà kia không tiến bộ nhiều. Ngài mới vạch rõ rằng tựa như cành hoa không hương vị, giáo pháp trở nên vô ích cho người không cố gắng tu học. Kế đó Ngài dạy thêm rằng còn như người miệng nói điều lành và làm được điều lành, đem lại kết quả tốt, như bông hoa tươi đẹp đã có sắc lại thêm hương:
(Pháp Cú
52)
Hoa kia sắc đẹp vô
cùng
Lại thêm hương tỏa
thơm lừng biết bao
Khác chi người nói
ngọt ngào
Trăm điều hoa gấm,
trăm câu tốt lành
Nói xong quyết chí
thực hành
Tương lai kết quả
tạo thành đẹp thay.
Đối với người xuất gia, thuyết pháp suông không đủ. Dù thông suốt nhiều kinh mà không thực hành theo lời dạy, thời chẳng được sự ích lợi của việc tu hành, không khác gì một kẻ chăn bò thuê, cứ sáng sớm dắt bò ra đồng, tối lại lùa bò về chuồng giao cho chủ, ngày ngày chỉ lo đếm bò của người ta mà đổi lấy ít tiền công, nhưng không có con bò nào là của mình, cũng không hưởng được sữa hay thứ gì của bò cả. Người xuất gia như thế không hưởng được phần lợi ích của Sa môn:
(Pháp Cú
19)
Dù cho có tụng
nhiều kinh
Không theo giáo
pháp thực hành sớm hôm
Tu hành lợi ích
đâu còn
Khác chi một kẻ
luôn luôn chăn bò
Chăn thuê nên chỉ
âu lo
Đếm bò cho chủ,
sữa bò hưởng đâu?
Theo Phật Giáo, pháp học sẽ không bổ ích nếu không thật sự thực hành điều đã học, Phật Giáo không phải là một triết học suông mà là con đường giác ngộ duy nhất.
Như vậy, chỉ có hành động, chỉ có nghiệp là quan trọng, vì chính nghiệp mới đem lại kết quả tốt đẹp hay không tốt đẹp cho con người và chính con người mới thật là chủ nhân của nghiệp, tác thành ra nghiệp, và khi nghiệp đã làm rồi, thời không thể nào trốn tránh kết quả của nghiệp. Tạo nghiệp ác không tránh khỏi ác báo.
Một nông dân bị kết tội ăn cắp vì oa trữ những tang vật bị đánh cắp. Trên đường đưa tới pháp trường để bị xử tử, do tác phong đặc biệt của anh, anh được quân lính đưa trở lại trình với nhà vua. Vua ra lệnh đem anh đến trình diện Đức Phật. Đức Phật giải thích rõ ràng sự thật. Anh nông dân vô tội được thả về. Đức Phật giảng dạy về hậu quả của những hành động bất thiện và nói thêm rằng “Người hiền trí chẳng hề làm việc gì mà phải hối tiếc về sau”:
(Pháp Cú 67)
Việc làm chẳng
thiện, chẳng lành
Nếu làm xong lại
tự mình ăn năn
Dầm dề nhỏ lệ khóc
than
Biết rằng quả báo
dữ dằn tương lai.
Ba nhóm Tỳ kheo đến yết kiến Đức Phật. Trên đường đi, nhóm thứ nhất thấy một con quạ đang bay bị thiêu đốt đến chết. Nhóm thứ nhì thấy một thiếu phụ bị liệng từ trên thuyền xuống và chết đắm giữa đại dương. Nhóm thứ ba thì thấy bảy vị Tỳ kheo bị đá rơi xuống bít lối ra nên bị nhốt trong hang đá bảy ngày. Ba nhóm Tỳ kheo xin Đức Phật giải thích. Đức Phật giải rằng trong một tiền kiếp, con quạ là một anh nông dân hung bạo đã thiêu đốt đến chết một con bò lười biếng, thiếu phụ trấn nước một con chó và bảy vị Tỳ kheo là bảy kẻ chăn bò tinh nghịch bít lỗ chui ra của một con kỳ đà ở trong hố suốt bảy ngày khiến kỳ đà suýt chết. Đức Phật thêm rằng không ai tránh được hậu quả của nghiệp ác đã tạo:
(Pháp Cú
127)
Dù bay lên tận
không trung,
Hay là lặn xuống
tận cùng bể khơi,
Chui vào hang thẳm
núi đồi
Khắp trên trần thế
chẳng nơi an toàn
Thoát tay nghiệp
ác chót mang.
Truyện tích kể rằng một người đứng tuổi có tâm đạo nhiệt thành xuất gia theo Đức Phật và tận lực chuyên cần tu niệm. Nếp sống kiên trì cố gắng sớm đưa vị Tỳ kheo ấy đến đạo quả. Nhưng không may vị đó bị mù hai mắt. Ngày kia, khi đi kinh hành vị này vô tình làm chết nhiều côn trùng. Vài vị Tỳ kheo ở nơi khác đến viếng, thấy có dấu máu trên đường kinh hành, mách với Đức Phật rằng vị này đã phạm giới sát sinh. Đức Phật giải thích rằng vị này không cố ý mà chỉ vô tình làm chết những côn trùng ấy. Lúc bấy giờ mọi người đều muốn biết tại sao vị này lại phải bị mù.
Đức Phật thuật rằng trong một kiếp sống trước kia, vị này làm lương y, có chữa bệnh đau mắt cho một thiếu phụ nghèo. Bà hứa đến lúc khỏi bệnh, bà và con gái bà sẽ về làm công trong nhà cho ông lương y. Thuốc quả thật công hiệu, nhưng bà không giữ lời hứa, viện lẽ rằng mắt bà còn tệ hơn trước. Vị lương y ác độc liền nảy sinh một ý tưởng tội lỗi. Để trả thù, ông cho thiếu phụ nghèo một thứ thuốc làm mù luôn cả hai mắt. Do nghiệp ác trong quá khứ, nay tuy vị Tỳ kheo đã đắc quả A La Hán, vẫn phải mang tật mù.
Theo tích truyện này thời đây là phương diện nhân quả tương xứng, gieo giống nào thì gặt giống đó, của định luật nghiệp báo. Một vị A La Hán, dầu đã thanh lọc mọi ô nhiễm, vẫn còn phải gặt hái những quả mà chính ngài đã gieo trong quá khứ xa xôi. Chư Phật và chư vị A La Hán không còn tạo nghiệp mới vì các ngài đã tận diệt mọi căn cội vô minh và ái dục, nhưng cũng như tất cả chúng sinh khác, các ngài không thể tránh khỏi hậu quả dĩ nhiên của những hành động, tốt và xấu, của chính các ngài trong quá khứ.
Đức Phật từng bị vu oan là đã giết chết một nữ tu sĩ theo đạo lõa thể. Kinh sách chép rằng sở dĩ Đức Phật phải chịu tiếng oan như vậy vì trong một tiền kiếp Ngài đã thiếu lễ độ đối với một vị Phật Độc Giác.
Đề Bà Đạt Đa toan giết Đức Phật, lăn đá từ trên núi cao xuống định giết Ngài nhưng đá vỡ làm đôi khi tới nơi và chỉ làm trầy chân Ngài. Kinh sách chép rằng trong một tiền kiếp Đức Phật đã lỡ tay giết chết một người em khác mẹ để đoạt của trong một vụ tranh chấp tài sản.
Theo đúng giáo lý của Đức Phật, ta không thể van lơn cầu cạnh, hay hối lộ, hoặc gian lận bằng cách nào mà thay đổi được định luật nhân quả. Cũng không thể lẩn trốn nơi nào trên thế gian, dầu trên trời rộng mênh mông, giữa đại dương sâu thẳm, hoặc trong thâm sơn cùng cốc mà ta tránh khỏi hậu quả của nghiệp ác đã tạo. Không có vị Trời nào, chí đến Đức Phật đi nữa, có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp. Ta chịu trách nhiệm về nghiệp ác của ta. Quả báo ấy có thể xảy đến tức khắc, thường gọi là quả báo nhãn tiền, hoặc một thời gian lâu sau ngày thực hiện điều ác mới xảy ra.
Một người có tâm đạo đến chùa nghe Pháp suốt đêm và đến sáng, xuống ao rửa mặt. Cùng lúc ấy có tên trộm bị rượt, chạy ngang qua, đánh rơi gói đồ đã trộm bên cạnh anh. Chủ nhà chạy đến đó thấy của cải của mình gần bên ao, tưởng lầm anh là tên trộm nên hô hoán gia nhân bắt đánh anh đến chết. Khi nghe thuật lại câu chuyện, Đức Phật giải thích rằng mặc dầu hoàn toàn vô tội, anh phải chịu một cái chết thê thảm như vậy là do nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ:
(Pháp Cú
161)
Khi mà nghiệp ác
sinh ra
Do mình tự tạo,
khó mà thoát thân
Nghiệp này nghiến
kẻ ngu đần
Kim cương nghiến
đá muôn phần giống nhau.
Đức Phật cho biết rằng trong một tiền kiếp anh nạn nhân nói trên là một vị quan cận thần có dính líu tình ái với vợ một người khác. Ỷ thế làm quan của mình anh vu oan cho người chồng và hại người chồng đến chết để chiếm đoạt người vợ. Vì tội ác đó nên trong đời này anh phải chết thê thảm như vậy.
Kiếp tái sinh của con người tùy thuộc vào hành động. Người thời tái sinh vào bào thai. Nhưng người làm ác sinh vào khổ cảnh, địa ngục. Người phẩm hạnh tốt sinh vào nhàn cảnh, cõi trời. Bậc không ô nhiễm nhập diệt vào Niết Bàn.
Truyện tích kể rằng vị Tỳ kheo nọ thường đến nhà một người chuyên làm nghề kim hoàn và bà vợ người này sắm sửa vật thực để cúng dường. Ngày kia khi tăng sĩ đến, trong lúc chủ nhà đang chặt thịt thời có sứ giả của vua mang một viên hồng ngọc tới để sai làm. Chủ nhà cầm viên ngọc. Máu dính ra viên ngọc. Chủ nhà đi vào trong rửa tay. Một con ngỗng từ phía sau đáp xuống và thấy có máu, tưởng là đồ ăn, nuốt viên ngọc. Chủ nhà trở ra, thấy mất. Cật hỏi vị tăng sĩ. Thầy cho biết mình không có lấy, nhưng vì lòng từ bi sợ ngỗng bị chết, thầy không khai ra con ngỗng. Chủ nhà không tin, đánh đập thầy một cách tàn nhẫn, máu chảy đọng thành vũng dưới đất. Bà vợ can ngăn không được. Ngỗng thấy máu, bay trở xuống để uống. Trong cơn giận dữ chủ nhà đá con ngỗng văng ra chết. Lúc ấy vị Tỳ kheo mới thuật lại tự sự. Chủ nhà mổ bụng ngỗng, tìm ra viên ngọc và xin sám hối. Vị Tỳ kheo sau này chết vì thương tích đó. Thầy nhập Niết Bàn. Vợ chủ nhà sinh lên cõi trời. Chủ nhà bị đọa xuống địa ngục. Khi các Tỳ kheo khác bạch lại đầu đuôi câu chuyện, Đức Phật dạy rằng chính hành động hiện tại quyết định cho sự tái sinh trong tương lai:
(Pháp Cú
126)
Con người sinh tự
bào thai
Và từ nơi đó ra
đời. Lành thay!
Thế nhưng kẻ ác
sinh ngay
Vào miền địa ngục
đọa đầy triền miên,
Những người chính
trực lành hiền
Sau này sẽ được
sinh lên cõi trời,
Nhiễm ô ai diệt
hết rồi
Mới lên được cõi
thảnh thơi Niết Bàn.
Kẻ làm điều ác thời sẽ gặp nhiều phiền muộn trong kiếp này và trong cả kiếp sau. Kẻ ấy sẽ sinh ưu phiền và sầu khổ khi nhìn thấy kết quả xấu của nghiệp ác do mình gây ra. Một người đồ tể, suốt đời sinh sống bằng cách giết heo, phải chịu đau khổ cùng cực trong những ngày cuối cùng của anh. Trước khi lìa trần anh phải lăn lộn trên sàn nhà, kêu la rên siết vô cùng thảm hại, giống như một con heo bị đem ra làm thịt. Đến khi chết, anh tái sinh vào khổ cảnh. Đức Phật dạy:
(Pháp Cú
15)
Đau buồn ngay ở
kiếp này
Kiếp sau cũng lại
tràn đầy buồn đau:
Người làm điều ác
hay đâu
Buồn kia theo mãi
dài lâu bên mình
Quay nhìn việc ác
tạo thành
Chết mòn thân xác,
héo nhanh tâm hồn.
Theo luật nhân quả, những điều mình làm (thân), mình nói (khẩu), hay mình nghĩ (ý) sẽ tạo ra ảnh hưởng tốt hay xấu cho chính mình. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Do vậy, con đường duy nhất là nên tránh xa điều ác. Điều ác, dù là điều ác nhỏ nhặt, cũng không nên xem thường.
Đại đức Đề Bà Đạt Đa, vốn là em họ của Đức Phật, vì tham lam và ganh tị nên âm mưu sát hại Đức Phật nhiều lần, nhưng đều thất bại. Đến khi già yếu, thầy ăn năn hối hận và mong muốn được yết kiến Đức Phật. Trong khi người ta khiêng thầy đi dọc đường thì thầy chết một cách vô cùng thảm hại đau thương rồi bị sa vào địa ngục. Đức Phật dạy:
(Pháp Cú
17)
Kiếp này tràn ngập
khổ đau
Khổ đau cũng lại
kiếp sau ngập tràn
Người gây nghiệp
ác thở than:
“Bao điều gian ác
mình làm trước đây!”
Bây giờ đường ác
đọa đầy
Trầm luân cõi khổ
biết ngày nào xong.
Do vậy, Đức Phật khuyên chúng ta hãy gấp làm điều lành, điều thiện và mau tránh điều ác. Hãy nắm ngay mọi cơ hội để làm điều thiện. Hãy ngăn đừng cho tâm nghĩ đến điều ác. Vì tâm của người biếng nhác trong việc làm điều thiện sẽ có khuynh hướng ưa thích làm việc ác.
Ông Cấp Cô Độc phát tâm bố thí rất trong sạch để hộ độ tăng chúng nên tiêu xài hết phần lớn gia sản của ông. Bị chỉ trích là phung phí tiền của nhưng ông không màng, cứ tiếp tục cúng dường để phát triển tăng sự. Đức Phật khen hạnh bố thí này của ông. Ngài dạy rằng “Người làm ác có thể gặp lành, ngày nào mà quả dữ chưa trổ. Nhưng khi quả trổ, chừng ấy họ mới thấy hậu quả tai hại. Người hành thiện có thể gặp dữ, ngày nào mà quả lành chưa trổ. Nhưng khi quả trổ, chừng ấy người hành thiện sẽ gặp quả phúc”:
(Pháp Cú 119)
Khi mà nghiệp ác
chưa thành
Người làm điều ác
tưởng mình vui thôi!
Đến khi nghiệp ác
tới rồi
Người ta mới thấy
cuộc đời khổ đau.
(Pháp Cú 120)
Khi mà nghiệp
thiện chưa thành
Người làm điều
thiện tưởng mình khổ thôi!
Đến khi nghiệp
thiện tới rồi
Người ta mới thấy
cuộc đời an vui.
Khi đã phân biệt được thiện và ác, khi đã cương quyết tránh xa không làm điều ác, thời chúng ta phải bước thêm một bước nữa. Tránh điều ác chưa đủ, cần phải làm điều lành, cần phải hành động lành, dù là những điều lành nhỏ nhoi nhất. Kẻ trí sở dĩ toàn thiện là nhờ góp nhặt và thực hành điều thiện mỗi lần một ít.
Một người làm vườn mỗi ngày phải cung cấp hoa tươi cho nhà vua. Một hôm trên đường mang hoa đi đến cho vua thời anh bất chợt anh gặp Đức Phật đang cùng chư Tăng đi khất thực. Anh trông thấy cảnh trang nghiêm đó nên phát tâm dâng đến Đức Phật những cành hoa mà anh định mang vào cho vua. Anh làm như thế có thể nguy đến tính mạng anh. Trái với mọi dự đoán, vua rất thỏa thích được biết hành động trong sạch ấy và ban thưởng anh xứng đáng. Nhân cơ hội, Đức Phật giảng về quả lành của những hành động thiện:
(Pháp Cú 68)
Việc làm rất
thiện, rất lành
Nếu làm xong thấy
lòng mình thảnh thơi
Chẳng ăn năn, lại
mừng vui
Tương lai quả báo
đẹp tươi tốt lành.
Một khi đã làm lành, đã hành động thiện, thời quả lành sẽ chờ đợi chúng ta. Một người giàu có ở thành Ba La Nại, nhiều tâm đạo, đã làm nhiều điều lành. Ông bỏ tiền ra xây cất một ngôi đại tu viện tại vườn Lộc Uyển để dâng cúng Đức Phật. Cơ sở kiến trúc này thật đồ sộ. Cho nên ở trên một cảnh trời đã có nơi sẵn sàng để đón rước ông trong khi ông còn sống ở đây. Đức Phật dạy “Người thiện đi từ thế gian này đến thế gian kế được hành động thiện của mình đón rước như người thân thuộc từ phương xa trở về”. Ngài giảng về hành động lành hiện tại và trạng thái an nhàn trong tương lai:
(Pháp Cú
219 - 220)
Hãy nhìn người
khách ly hương
Lâu ngày an ổn từ
phương xa về
Bà con cùng với
bạn bè
Hân hoan chào đón
tràn trề niềm vui,
Người làm lành
cũng vậy thôi
Tạo ra nghiệp
phước để rồi mất đâu
Qua đời này đến
đời sau
Bao nhiêu nghiệp
phước khác nào người thân
Đón mừng họ rất ân
cần.
Khi đã làm lành, đã tạo các nghiệp hiền thiện, người ta có quyền thốt lên nỗi niềm sung sướng an vui khi nhìn thấy kết quả tốt của nghiệp thiện mà mình tạo ra. Một người từng có tâm đạo nhiệt thành và có đời sống đạo hạnh. Ông thường hay bố thí, lại hay dưng thực phẩm và cúng dường các vật dụng cần thiết cho chư Tăng. Các con ông tất cả đều giống tính cha, biết giữ gìn giới đức và chăm lo bố thí. Khi đang hấp hối trên giường, ông thỏa thích nhìn thấy những cảnh trạng hạnh phúc . Sau khi trút hơi thở cuối cùng một cách an vui người ấy tái sinh vào nhàn cảnh. Đức Phật dạy kẻ làm phước, làm thiện sẽ đươc an vui trong kiếp này và kiếp sau, suốt hai kiếp đều an vui:
(Pháp Cú
16)
Vui mừng ngay ở
kiếp này
Kiếp sau cũng lại
tràn đầy mừng vui:
Người làm điều
thiện ở đời
Thấy chân hạnh
phúc khắp nơi theo mình
Quay nhìn việc
thiện tạo thành
Sướng vui dào dạt,
an lành chứa chan.
Người làm điều thiện, điều phước được hạnh phúc trọn đời này và đời sau. Cả hai đời hạnh phúc vì đã tạo phước, và còn hạnh phúc hơn nữa khi kiếp sau được sinh vào cõi lành. Truyện tích kể về cái chết của con gái út của ông Cấp Cô Độc, vị đại thí chủ thời Đức Phật. Trong giờ lâm chung, cô con gái út đó gọi cha là “em” và chết một cách an lành. Ông cha lấy làm buồn nghe con mình, vốn có tâm đạo nhiệt thành, nói những lời mê sảng không có ý nghĩa trong giờ phút quan trọng như vậy. Khi ông bạch lại với Đức Phật thì Ngài giải thích rằng sở dĩ cô gái út của ông gọi ông bằng “em” là vì vào lúc sắp tái sinh cô đã chứng đắc quả vị cao hơn cha mình:
(Pháp Cú
18)
Đầy tràn vui sướng
kiếp này
Sướng vui cũng lại
tràn đầy kiếp sau:
Người làm nghiệp
thiện vui sao
Nhủ lòng: “Mình
tạo biết bao phước lành!”
Kiếp sau sẽ được
tái sinh
Vào nơi hạnh phúc
an bình chứa chan.
Muốn cho niềm an vui tồn tại lâu dài, muốn nuôi dưỡng thiện nghiệp, người trí cần hướng thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp về các việc lành. Người trí chẳng những lo kiểm soát Thân mà còn lo điều phục, bảo vệ Tâm và Ý nữa. Nhân có vài vị tăng sĩ mang guốc đi qua lại làm ồn ào Đức Phật liền ra lệnh cấm mang guốc và khuyên thêm là các thầy nên giữ gìn ba nghiệp là “Thân, Khẩu, Ý” cho thật trong sạch:
(Pháp Cú
234)
Những người trí,
những kẻ hiền
Luôn lo kiểm soát,
giữ gìn tấm thân
Lời ăn tiếng nói
lo luôn
Lại lo cho ý, cho
tâm của mình
Chăm lo ba nghiệp nhiệt
tình.
Điều ác là những điều nào bắt nguồn từ ba căn bất thiện là tham, sân, và si. Những điều nào kết hợp với ba căn thiện là lòng quảng đại hay tâm bố thí (không tham), thiện ý hay tâm từ (không sân) và trí tuệ (không si) được xem là điều thiện, là việc tạo ra nghiệp thiện. Câu Pháp Cú sau đây nói rõ hơn con đường ấy, với một vài chi tiết:
(Pháp Cú 185)
Chớ nên phỉ báng
một ai
Đừng gây tổn hại
cho người xung quanh
Giữ gìn giới luật
nghiêm minh
Uống ăn chừng mực
cho thành thói quen
Lánh riêng sống
chỗ tịnh yên
Chuyên tu thiền
định, hướng miền thanh cao
Lời chư Phật dạy
lành sao!
Chúng ta có thể nói, lời dạy đầu tiên của Đức Phật là chớ có làm điều ác. Đối với ác, đối với bất thiện, cần có một nhận định dứt khoát. Một chàng thanh niên mới cưới vợ lấy làm bất mãn với hạnh kiểm dâm ô ngoại tình của người vợ trẻ. Chàng lánh mặt không dám gặp ai. Cũng chẳng đi chùa. Một hôm vào ngày rằm anh đến tịnh xá Trúc Lâm. Khi chàng đem câu chuyện bạch lại với Đức Phật, Ngài nhân cơ hội khuyên dạy luôn chúng Tăng:
(Pháp Cú
242)
Hư thân, mất nết,
hạnh tà
Vết nhơ đối với
đàn bà tính hoang,
Lòng người keo
kiệt, tham lam
Vết nhơ của kẻ
không ham cúng dường,
Nhưng riêng tội
ác, bất lương
Luôn là một vết
nhơ trong cõi này
Và luôn trong cõi
tới đây.
Những người làm ác, người dùng vũ khí để hại người vô tội và không có gì để tự vệ, kẻ ác tâm đó không thể nào tránh được một trong các loại khổ sau đây đang chờ đợi họ:
(Pháp Cú 137 -
140)
Ai dùng gậy gộc,
gươm đao
Hại người lương
thiện, thoát nào đớn đau
Mười điều khổ não
trước sau
Tự mình lại sẽ
rước vào thân thôi:
“Một là thống khổ
kinh người,
Hai là thương tích
khắp nơi thân mình,
Ba là bệnh nặng
thật tình,
Bốn là tán loạn,
thần kinh rối bời,
Năm là tai họa
trong đời
Vua, quan áp bức,
hại thời tránh đâu,
Sáu là tội nặng
ngập đầu
Bị người vu cáo
dài lâu, phiền hà,
Bảy là quyến thuộc
trong nhà
Bà con ly tán xót
xa bội phần,
Tám là tài sản xa
gần
Tiêu ma giây phút,
nát tan sớm chiều,
Chín là sẽ bị hỏa
thiêu
Cửa nhà cháy hết,
tiêu điều tang thương,
Mười là chết khó
tránh đường
Đọa vào địa ngục,
diêm vương đón chờ”.
Đức Phật dạy câu trên nhân cái chết của ngài Mục Kiền Liên. Ngài là đại đệ tử
của Đức Phật. Bọn ngoại đạo lõa thể thuê bọn cướp giết người bao vây nơi trú
ngụ của ngài định hãm hại ngài, ngài trốn thoát được. Chúng mưu hại lần thứ
hai, ngài cũng thoát hiểm. Đến lần thứ ba ngài quán thấy trong tiền kiếp mình
có phạm tội ác nay phải chịu nốt quả báo còn sót lại nên ngài không trốn tránh
nữa. Ngài bị bọn cướp bắt, đánh đập tàn nhẫn và sau đó qua đời. Nhà vua truy
lùng bọn cướp, bắt
được cả bọn, đem thiêu sống. Các vị Tỳ kheo tiếc thương, mới tới hỏi Đức Phật
tại sao một người giới đức cao dày như Mục Kiền Liên mà lại chết thảm như thế.
Đức Phật mới kể rằng: “Trong một tiền kiếp cha mẹ Mục Kiền Liên đều bị mù loà,
sống nhờ con phụng dưỡng. Ngài thờ phụng cha mẹ rất hiếu thảo. Đến khi có vợ,
ngài nghe lời nói xúi bẩy của vợ mới dẫn cha mẹ vào rừng đánh chết và dàn cảnh
như là cướp giết chết. Vì tội ác đó Mục Kiền Liên phải sa vào địa ngục trong
nhiều đời. Đến nay vào đời cuối cùng còn phải chết vào tay bọn cướp để đền tội
ác.”
Phật Giáo giảng dạy trách nhiệm của mỗi người đối với chính mình, và tính cách dĩ nhiên phải có, không thể lẩn tránh, của định luật nhân quả. Ta phải gặt hái hậu quả của nghiệp đã tạo. Nhưng không nhất thiết bắt buộc phải gặt hái tất cả hậu quả của tất cả những hành động trong vòng luân hồi. Nếu phải vậy ắt không thể có giải thoát, không thể thoát ra khỏi vòng sinh tử.
Nếu trước kia ta dù sống buông lung, phóng dật, nhưng về sau ta biết tỉnh giác chuyên cần, biết quét dọn sạch sẽ các vọng tưởng phiền não trong tâm thời vẫn được tán dương. Thầy Tỳ kheo nọ từ sáng đến chiều chỉ lo quét dọn trong chùa. Về sau, thực hành theo lời khuyên của một vị A La Hán, thầy chỉ quét dọn vào buổi sáng, rồi lên đường đi khất thực, trở về thọ trai xong là rút vào tịnh thất chuyên cần hành thiền nhập định. Sau đó thầy đắc quả A La Hán. Khi đề cập đến sự thay đổi thái độ của thầy, Đức Phật dạy:
(Pháp Cú 172)
Người nào trước
sống buông lung
Sau không phóng
dật, một lòng chuyên tu
Như trăng thoát
khỏi mây mù
Sáng soi trần thế,
đẹp phô ánh vàng.
Tiến xa hơn nữa nếu mà ta cố gắng tạo một nghiệp tốt thật mạnh thời đôi khi ta
có thể ngăn chận được nghiệp xấu trổ quả. Nghiệp xấu đưa con người đến khổ
cảnh, nhưng khổ cảnh không phải là địa ngục trường cửu mà chúng sinh bắt buộc
phải ở trong đó một cách vĩnh viễn. Đến lúc trả xong nghiệp xấu, kẻ bất hạnh
cũng có thể tái sinh vào một cảnh giới khác, an vui hạnh phúc, nhờ các thiện
nghiệp đã tạo.
Truyện tích kể rằng anh chàng Vô Não bị các bạn đồng học ganh tị nên đặt điều nói xấu, vu oan là anh gian díu với vợ của thầy. Thầy lập mưu là sẽ truyền cho anh một bí quyết huyền diệu, nhưng anh phải giết người. Vô Não đã giết nhiều nhân mạng để lấy ngón tay xâu lại thành chuỗi đeo ở cổ cho đủ một trăm ngón. Được Đức Phật cảm hóa. Về sau, không những anh trở thành một vị Tỳ kheo giàu lòng từ bi mà còn đắc quả A La Hán và nhập Niết Bàn sau khi viên tịch. Các vị Tỳ kheo khác muốn biết làm sao một kẻ sát nhân như vậy có thể đắc quả A La Hán. Để giải đáp, Đức Phật nói:
(Pháp Cú
173)
Người nào làm
những việc lành
Xóa mờ nghiệp ác
của mình thuở xưa
Như trăng thoát
khỏi mây mù
Sáng soi trần thế,
đẹp phô ánh vàng.