- 1. Lời Nói Đầu
- 2. Nguồn Gốc Kinh Pháp Cú
- 3. Vô Thường Và Vô Ngã
- 4. Nhân Quả Và Nghiệp Báo
- 5. Luân Hồi
- 6. Tam Độc: Tham, Sân, Si
- 7. Ái Dục
- 8. Giới, Định, Tuệ
- 9. Người Ngu Và Người Trí
- 10. Tam Quy Và Ngũ Giới
- 11. Thập Thiện
- 12. Lục Độ Ba La Mật
- 13. Tứ Diệu Đế Và Bát Chánh Đạo
- 14. Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả
- 15. Mầu Áo Cà Sa
- 16. Hương Vị Giải Thoát
- 17. Nghệ Thuật Thuyết Pháp
- 18. Đạo Phật Là Đạo Yêu Đời
- 19. Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi
- 20. Tài Liệu Tham Khảo
TÌM HIỂU KINH PHÁP CÚ
(DHAMMAPADA)
Tâm Minh Ngô
Tằng Giao
Diệu Phương Xuất
Bản - 2006
GIỚI, ĐỊNH, TUỆ
Có nhiều hạnh tu khác nhau. Có nhiều pháp môn khác biệt. Nhưng không một hạnh tu và pháp môn nào ra khỏi Giới Định Tuệ.
Giới Định Tuệ có trong “Tam Vô Lậu Học”. “Tam” là ba. “Vô” là không. “Lậu” có nghĩa là phiền não. Do vậy, “tam vô lậu học” là ba môn học giúp chúng ta vượt khỏi sự trói buộc của mọi phiền não, hoàn toàn tự tại, đưa đến giác ngộ, chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn.
Giới Định Tuệ là nếp sống đạo hạnh và trí tuệ được tập trung và đề cao trong Kinh Pháp Cú, một nếp sống hướng thượng mang lại hạnh phúc cho bản thân mình và cho người khác. Giới Định Tuệ là đạo hạnh của cả người xuất gia lẫn người tại gia.
GIỚI LUẬT
Trong Đạo Phật, “Giới” có nghĩa là những điều luật để phòng ngừa và tránh cho
thân thể, lời nói và tâm ý khỏi phạm điều quấy, đồng thời dứt dừng điều ác
(phòng phi, chỉ ác) hoặc ngưng điều ác và làm điều thiện (chỉ ác, tác thiện).
Vậy giới là những quy luật, những quy tắc cần phải hành trì, là hàng rào phân định giữa thiện và ác, là phương pháp điều trị những tội lỗi do thân, miệng, ý phát sinh ra, hầu đem lại lợi ích cho mình và cho người. Giới là kỷ cương của Phật Pháp, là mạng sống của Tăng Già: “Giới luật còn thì Phật Pháp còn. Giới luật là thọ mạng của Phật Pháp”.
Khi sắp nhập Niết Bàn, Đức Phật đã ân cần dạy các đệ tử: “Này các Tỳ kheo, sau khi ta nhập diệt, các thầy phải tôn kính, trân trọng giới luật, như người mù mà được sáng mắt, người nghèo mà được châu báu; phải biết rằng giới luật là vị đại sư cao cả của các thầy. Nếu ta còn sống ở đời thì cũng chẳng khác gì giới luật này”.
Nhưng giới luật không phải là những điều răn cấm mà Đức Phật ban hành, bắt buộc
hàng tín đồ phải tuân hành, nếu không là có tội. Phật Giáo không quan niệm có
sự ban thưởng điều lành hay trừng phạt điều dữ mà chỉ truyền dạy lý nghiệp báo,
tức định luật nhân quả. Gieo giống nào sẽ gặt quả nấy.
1. Thoạt tiên Đức Phật dạy con người nên cố tránh không làm các điều ác, điều
bất thiện. Một người lái buôn nhập đoàn cùng đi với nhiều vị Tỳ kheo. Trong lúc
ấy vài tướng cướp muốn giựt tiền của anh nên nấp chờ trong rừng. Anh được báo
tin, vội ngưng lại không đi qua nơi phục kích đó. Anh khuyên các vị Tỳ kheo nên
quay trở về cho an toàn. Lúc về, các vị Tỳ kheo bạch lại với Đức Phật về cố
gắng bất thành của các tên cướp. Nhân đó Đức Phật khuyên dạy:
(Pháp Cú
123)
Tựa như một kẻ đi
buôn
Có mang nhiều của
nhưng không bạn bè
Tránh đường nguy
hiểm chẳng đi,
Hay người tham
sống chẳng khi nào gần
Tránh liều thuốc
độc vô ngần,
Chúng sinh noi đó
lo thân tâm mình
Tránh xa điều ác
cho nhanh.
Vị Tỳ kheo nọ không lưu tâm đến những lỗi lầm nhỏ mà thầy thường hay phạm, như tính tình cẩu thả, không chịu giữ gìn kỹ lưỡng các đồ dùng trong chùa. Mặc dầu các bạn đồng môn nhiều lần khuyên giải, thầy vẫn một mực bỏ lửng, không để ý. Khi câu chuyện đến tai Đức Phật Ngài khuyên dạy thầy không nên xem thường lỗi lầm và điều ác dù là nhỏ. Người dại dột làm ác mỗi lần một chút, lâu ngày sẽ bị cái ác thâm nhiễm trọn vẹn:
(Pháp Cú 121)
Chớ khinh điều ác
nhỏ nhoi
Cho rằng: “Quả báo
mình thời chịu đâu!”
Nhớ rằng giọt nước
nhỏ lâu
Mỗi ngày một chút
cũng mau đầy bình,
Người ngu gom góp
vào mình
Bao điều ác nhỏ
dần thành họa to.
Một người có phẩm hạnh chân chánh muốn từ bỏ đời sống trần tục để xuất gia theo Phật. Mỗi lần thảo luận với vợ đều bị bà vợ ngăn cản. Khi thì nói đang có mang chờ sinh đẻ đã. Khi sinh xong lại nói chờ con trưởng thành. Một ngày ông quyết tâm thọ lễ xuất gia và sớm thành đạt đạo quả A La Hán. Sau đó vợ và con ông cũng lần hồi gia nhập vào giáo hội và đắc quả A La Hán. Đức Phật nhân cơ hội đó nói lên lời lên án điều ác và ca tụng điều thiện, khuyên người đạo đức không nên tìm thành công bằng phương tiện bất chính:
(Pháp Cú
84)
Đừng vì mình hay
vì người
Ham cầu con cái,
ham nơi ruộng tiền
Hay ngai vàng để
ngự lên
Mà dùng mưu kế đảo
điên ở đời,
Muốn thành công
chớ hại ai
Thấy điều bất
chính lầm sai tránh đường
Sống đời đức hạnh
thơm lừng
Rạng vầng trí tuệ,
ngát hương đạo mầu.
Một thiếu phụ nổi cơn ghen hành phạt tàn nhẫn một tỳ nữ có dan díu với chồng bà bằng cách bắt trói, cắt tai, cắt mũi, nhốt phòng kín. Trong khi hai vợ chồng đến tịnh xá nghe Đức Phật thuyết Pháp, người tớ gái được thân nhân giải cứu, đến bạch lại tự sự với Đức Phật. Đức Phật khuyên dạy:
(Pháp Cú 314)
Đừng làm ác, chẳng
lợi gì!
Gieo đi độc ác,
gặt về khổ đau
Làm lành, làm tốt
cho mau
Không hề hối tiếc,
trước sau đẹp lòng.
2. Sau khi tránh làm điều ác thời Đức Phật dạy là nên nắm ngay lấy mọi cơ hội để làm việc lành, việc thiện theo chánh hạnh vì những hành động như thế sẽ ảnh hưởng tốt đẹp đến hạnh phúc trường cửu của ta. Tâm hướng thiện là tâm hướng về các loại hành động như bố thí, trì giới, hành thiền, cung kính bậc trưởng thượng, phục vụ, hồi hướng phước báu, hoan hỉ với phước báu của người khác, nghe giáo pháp, truyền bá giáo pháp và củng cố chánh kiến v.v… :
(Pháp Cú 169)
Thực hành chánh
hạnh chuyên cần
Đừng theo đường
ác, chớ làm điều sai
Ai theo chánh pháp
đời này
Niềm vui mãi hưởng
kéo dài đời sau.
Một bà tín nữ tuy nghèo nhưng giàu tâm đạo, cúng dường vật thực đến một vị A La Hán đang đứng khất thực trước túp lều của mình. Sau khi cúng dường xong bà đó đi quanh gốc cây để trở vào lều thời bị rắn cắn, bà chết và tái sinh vào cảnh trời. Từ nhàn cảnh ấy, vị Trời, trước kia là bà tín nữ nghèo, trở xuống lau dọn tịnh thất cho vị A La Hán để báo đáp ơn sâu và cũng để tăng trưởng thêm phước báu cho mình. Vị A La Hán ngăn cản, sợ người ngoài hiểu lầm mà đàm tiếu. Bà buồn. Đức Phật thấy vậy khuyên dạy bà rằng vị A La Hán tự chế như vậy là cần thiết, còn phần bà thời:
(Pháp Cú 118)
Đã làm việc thiện,
việc lành
Hãy nên tiếp tục
thực hành hăng say
Hãy vui với việc
lành này
Tâm hay làm thiện
có ngày hưởng vui.
Trong ngày đầu tiên Đức Phật trở về nơi chôn nhau cắt rốn, thành Ca Tỳ La Vệ, liền sau khi thành đạo, Ngài đi trì bình trong các đường phố. Đức vua cha là vua Tịnh Phạn, nghe tin ấy lấy làm nhục nhã, lật đật chạy đến hỏi Đức Phật tại sao nỡ lòng làm nhục hoàng gia, đi khất thực trên những con đường mà trước kia Ngài chỉ đi bằng kiệu vàng. Lúc ấy Đức Phật lưu ý vua rằng đó là chánh hạnh của chư Phật, những người đến trước Ngài và Đức Phật đọc:
(Pháp Cú 168)
Luôn hăng hái, chớ
buông lung
Sống theo chánh
pháp vô cùng tịnh thanh
Những người chánh
hạnh thực hành
Đời này cảm thấy
thân mình an vui
Đời sau sung sướng
thêm thôi.
Được biết Đức Phật mỗi khi thọ trai xong thường thuyết Pháp, một người thiện trí nọ đi khắp làng của mình, cổ động cho mọi người cúng dường vật thực đến Đức Phật và chúng Tăng, kẻ ít người nhiều, tùy phương tiện. Khi đến nhà một trưởng giả, nhã ý của ông bị hiểu lầm, và ông trưởng giả chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Đến lúc mọi việc đã hoàn tất tốt đẹp, người thiện trí họp tất cả lại để tỏ lòng tri ơn. Ông trưởng giả cũng đến dự, nhưng với ý định sẽ giết người thiện trí nếu vị này có lời khinh rẻ vì ông không đóng góp đúng theo sức. Tuy nhiên, người thiện trí vẫn cám ơn đồng đều tất cả mọi người và cầu chúc mọi người được hưởng phước báu dồi dào. Ông trưởng giả thấy vậy ăn năn và xin sám hối. Nghe câu chuyện này, Đức Phật giảng về giá trị của hành động thiện, dầu chỉ là điều thiện nhỏ, đừng tưởng rằng nó sẽ không đem lại kết quả tốt cho ta:
(Pháp Cú
122)
Chớ khinh điều
thiện nhỏ nhoi
Cho rằng: “Quả báo
mình thời hưởng đâu!”
Nhớ rằng giọt nước
nhỏ lâu
Mỗi ngày một chút
cũng mau đầy bình,
Người hiền trí
chứa tâm mình
Bao điều thiện nhỏ
dần thành phước to.
Và rồi Đức Phật nói lên một cách tóm tắt, nhưng hết sức chính xác và cô đọng, hướng đi chung cho con người. Đây là một thái độ rất dứt khoát giữa thiện và ác, một sự lựa chọn giữa đêm đen tượng trưng cho bất thiện, và trời sáng tượng trưng cho thiện pháp. Đây cũng là con đường hướng thiện, phương pháp tu thân, đưa đến tự tâm chói sáng. Đạo Phật có thể được coi là tóm tắt trong câu sau này:
(Pháp Cú
183)
Chớ làm điều ác
bao giờ
Làm điều lành tốt
người chờ, người mong
Giữ tâm, giữ ý
sạch trong
Là lời Phật dạy
ghi lòng chớ quên.
3. Tán thán giới hạnh: Để nói lên tính chất ưu việt của giới pháp, các bản nghi thức truyền giới thường nêu ra những ví dụ như: “Giới như đám đất tốt, muôn hạt giống lành từ đất mà sinh ra, giới như thuyền bè đưa người qua bể khổ, như chuỗi ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân”. Hoặc nói “Giới là thuyền bè đưa qua biển khổ, là thềm thang bắc qua bờ sinh tử”. Nhưng câu phổ biến nhất là: “Giới như bộ áo giáp kiên cố để bảo vệ sự tấn công của lục trần”. Trong Kinh Pháp Cú này, chúng ta được nghe những lời tán thán rất tuyệt đẹp đối với những người có giới hạnh.
Thầy A Nan nhận thấy có ba loại hương rất ưu việt là hương gỗ chiên đàn, hương rễ cây và hương hoa, cả ba thứ hương đều chỉ bay xuôi theo chiều gió. Thầy muốn biết mùi thơm nào có thể vừa cùng bay xuôi theo chiều gió vừa bay được ngược chiều gió. Đức Phật dạy rằng hương thơm của giới đức là đệ nhất và bay cùng khắp nơi, theo chiều gió cũng như ngược chiều gió:
(Pháp Cú
54)
Hương thơm hoa quý
vườn kia
Ngược chiều gió
thổi dễ gì thoảng bay,
Hương người đức
hạnh thơm thay
Dù cho ngược gió
dâng đầy muôn phương.
(Pháp Cú 55)
Muôn hương tỏa
ngát thơm tho
Từ vườn hoa quý,
từ hồ sen thanh
Dễ chi hơn được
hương lành
Do người đức hạnh
lưu danh cho đời.
Vua Trời Đế Thích, giả làm người thợ dệt nghèo, dâng vật thực đến Đại đức Ca Diếp. Đại đức lúc ấy đang tìm một người thật nghèo để giúp cho người ấy có cơ hội cúng dường ngài. Đức Phật giải thích rằng chính giới đức trong sạch của ngài Ca Diếp là sức hấp dẫn đưa vua Trời Đế Thích đến. Hương trầm, hương lài, hương sen đều là hương tuyệt diệu, nhưng không thể sánh bằng hương người đức hạnh:
(Pháp Cú 56)
Hương thơm hoa quý
thua xa
Hương người đức
hạnh chan hòa vượt trên
Xông lên mãi tận
chư Thiên
Tỏa ra ngan ngát
khắp miền trời cao.
Người giữ giới, không những chỉ được tán dương là tối thượng mà còn được xem là người có sức mạnh đương đầu với Ác Ma. Hai anh em xuất gia theo Đức Phật. Anh nhiệt tâm tu hành, dứt khoát với mọi ràng buộc ở thế gian. Người em, nhà sư trẻ, kém niềm tin, bắt chước anh đi tu nhưng nghĩ trong lòng là chỉ tu tạm thời rồi sẽ rủ anh bỏ tu. Người em luôn luôn tưởng nhớ đến dục lạc và sau đó sa ngã trước sự khuyến dụ của những bà trước kia là vợ thầy nên cuối cùng hoàn tục. Đức Phật chê trách kẻ không giữ giới, chỉ nghĩ đến tận hưởng khoái lạc không kiềm chế tình cảm, ăn uống không tiết độ, biếng nhác thời sẽ bị dục vọng lôi cuốn:
(Pháp Cú 7)
Ham theo lạc thú
nổi trôi
Giác quan buông
thả sống đời mê say
Uống ăn vô độ hàng
ngày
Lại thêm biếng
nhác, chẳng hay chuyên cần
Con người bị cuốn
đến gần
Ma vương dục vọng
ngàn lần hại ta
Như cơn gió lốc
thổi qua
Cây cành nghiêng
ngả, lá hoa tơi bời.
Trái lại, người anh, vị Tỳ kheo lớn tuổi, thì tu hành cố gắng và đắc quả A La Hán. Vợ thầy trước kia hết lòng đưa thầy vào trong vòng trụy lạc nhưng đều thất bại. Đức Phật ngợi khen người kiên trì giữ giới, không chủ tâm tìm khoái lạc và biết kiểm soát tình cảm, ăn uống có tiết độ, siêng năng và chuyên cần, dục vọng không dễ gì thắng họ:
(Pháp Cú
8)
Nhận ra ô uế thân
người
Giác quan kiềm
chế, sống đời tịnh yên
Uống ăn điều độ
giữ gìn
Lại thêm bền vững
đức tin, chuyên cần
Người đâu dễ bị
cuốn gần
Ma vương dục vọng
ngàn lần thua ta
Khác gì cơn gió
thổi qua
Núi cao, vách đá
khó mà lung lay.
Một trưởng lão thất vọng vì bệnh hoạn khiến cho việc thiền định tu tập bị trở ngại sáu lần. Đến lần thứ bảy ngài quyết tâm thà chết chứ không chịu ngã lòng. Ngài toan tự cắt cổ bằng dao cạo đầu thì chứng đắc được quả vị A La Hán. Sau đó ngài nhập diệt. Ma vương, thể hiện cho dục vọng và sự xấu xa tội lỗi, cố tìm coi ngài tái sinh đi về đâu. Đức Phật ghi nhận rằng Ma vương không thể tìm thấy dấu vết thần thức tái sinh của một vị A La Hán vì vị này đã nhập Niết Bàn. Đức Phật mới nói rằng:
(Pháp Cú
57)
Ai hằng ngày chẳng
buông lung
Lại thêm giới hạnh
vô cùng thanh cao
Có nguồn trí tuệ
dạt dào
Thân tâm giải
thoát há nào sợ chi
Ma vương dòm ngó
dễ gì.
Và cuối cùng giới còn có khả năng vừa đem đến an vui, sung sướng, hạnh phúc cho người giữ giới, vừa mang lại ánh sáng cho người giữ giới. Người tốt thì danh được vang xa và sẽ tỏ rạng trước mắt mọi người như núi cao hùng vĩ. Còn người xấu xa tội lỗi dù ở gần mọi người nhưng cũng không ai muốn nhìn đến. Con gái của ông trưởng giả Cấp Cô Độc về làm dâu trong một gia đình không theo Phật Giáo. Nhà chồng hay mời đạo sĩ lõa thể về nhà để cúng dường và yêu cầu cô chăm lo dâng cúng các vị đạo sĩ, nhưng cô từ chối vì cho rằng lõa thể là khiếm nhã. Cha chồng nổi giận. Thấy cô ca tụng ân đức của Đức Phật và các vị đệ tử của Ngài, bà mẹ chồng muốn gặp nên bảo nàng thỉnh các Ngài về nhà để cúng dường ngày hôm sau. Cô là một tín nữ có tâm đạo nhiệt thành. Cô đem hương hoa lên lầu cao hướng về nơi Đức Phật an trú để cầu nguyện và cung thỉnh Ngài. Lúc ấy ông Cấp Cô Độc vừa nghe thuyết Pháp xong, cũng thỉnh Đức Phật đến nhà để ông cúng dường. Đức Phật trả lời rằng Ngài đã nhận lời thỉnh cầu của con gái ông trước rồi. Trưởng giả Cấp Cô Độc lấy làm ngạc nhiên vì ông đã gả con gái đi lấy chồng xa. Đức Phật mới nói rằng:
(Pháp Cú
304)
Người lành dầu ở
chốn xa
Vẫn luôn tỏ rạng
như là núi cao,
Còn như người ác
lạ sao
Dù cho kề cận ai
nào thấy đâu
Như tên bắn giữa
đêm thâu.
Giới trong giáo lý Phật Giáo, không mang tính cố chấp, cứng nhắc như là giới điều của các tôn giáo khác, mà mang nghĩa tự nguyện, thiết thực đem lại lợi ích cho mình và người, nhằm nuôi dưỡng và phát triển tín tâm của mình và người. Như thế nếu thực hành đúng giới luật tất nhiên thân tâm giải thoát được mọi sự ràng buộc và không sinh khởi ra hành vi trái lẽ phải. Nhờ có sức mạnh của giới học mà có thể vượt trên sự chi phối của ngoại cảnh, của nội tâm, để tìm đến sự thật, để đạt tới chỗ giải thoát chân thật.
Giới như đèn sáng lớn soi sáng đêm tối tăm, như gương báu sáng chiếu rõ tất cả
các pháp. Giới là bậc thang đầu của đạo quả giác ngộ, là nền tảng của thiền
định và trí tuệ, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là thuyền bè để đưa
người qua bể khổ sanh tử, là kho tàng vô lượng công đức.
Giới Luật là tiền đề cho Thiền Định. Từ nơi nếp sống giới đức này, người hành
giả không có hối hận nên tâm được hân hoan, nhờ tâm hân hoan, đưa đến hoan hỷ,
nhờ tâm hoan hỷ nên thân được khinh an, nhờ thân khinh an đưa đến lạc thọ, nhờ
lạc thọ tâm được định tĩnh nhất tâm. Đó là tiến trình từ Giới Luật đưa đến Thiền
Định.
THIỀN ĐỊNH
“Thiền định” là do ghép chữ Phạn “Thiền na” với chữ Nho “Định lự”. Thiền na hay
định lự hoặc Thiền Định là tu tập bằng phương pháp tập trung tư tưởng, tâm trí
vào một đối tượng duy nhất không cho tán loạn, để tâm trí được vắng lặng và
mạnh mẽ, hầu quan sát và suy xét một vấn đề cho đến cùng cực và do đó nghiệm ra
được chân lý.
Thiền định là sự tập trung tinh thần để thực hiện bốn bậc thiền quán, từ “sơ
thiền” đến “tứ thiền”. Trong đệ nhất thiền, mọi dục vọng và tư tưởng xấu bị loại
trừ, chỉ còn những tình cảm vui tươi, hạnh phúc và những hoạt động của trí tuệ
tư duy. Trong đệ nhị thiền, mọi hoạt động của trí tuệ bị loại trừ, tâm hồn trở nên
bình thản, hòa lẫn với tình cảm vui tươi và hạnh phúc. Trong đệ tam thiền, tình
cảm vui tươi tan biến đi chỉ còn lại trạng thái bình thản hòa lẫn với hạnh
phúc. Trong đệ tứ thiền, mọi ý niệm về hạnh phúc và đau khổ không còn nữa,
không lạc không khổ, trạng thái bình thản an nhiên thuần túy hoàn toàn phát
hiện.
Thiền định là con đường dẫn đến giác ngộ tối thượng cho nên Đức Phật đã dạy các đệ tử rất nhiều phương pháp thiền định qua các kinh. Đức Phật cũng đã tán thán thiền định khá nhiều trong tập Kinh Pháp Cú.
Trước hết, nói về Giới và Định song tu. Truyện tích kể rằng vài thầy Tỳ kheo xuất gia lúc tuổi đã cao, muốn rút vào rừng hành thiền. Đức Phật nhìn thấy mối hiểm nguy, khuyên các ông nên mời theo một vị Sa di nhỏ tuổi, đã đắc quả A La Hán. Một đám cướp hay biết có người ở trong khu rừng, đến bảo các thầy phải chọn một người để chúng bắt đi giết tế thần. Từ già đến trẻ, tất cả đều tình nguyện hy sinh để cứu mạng những vị khác, nhưng rốt cuộc chính ông Sa di nhỏ tuổi nhất được chấp thuận. Các tên cướp dẫn ông về sào huyệt và chuẩn bị sẵn sàng hành quyết. Vị Sa di ngồi lại, yên lặng nhập đại định. Tên đầu đảng rút gươm, chém hai lần, nhưng cả hai lần đều thất bại. Chúng kinh hồn hoảng sợ, quỳ xuống đảnh lễ ông, nghe ông giảng giáo pháp và xin xuất gia. Vị Sa di làm lễ xuất gia cho mấy tên cướp xong, an toàn trở về tìm các thầy Tỳ kheo kia và tất cả cùng nhau trở về thuật lại đầu đuôi câu chuyện với Đức Phật. Nhân đó Đức Phật đề cao thiền định và dạy các tên cướp mới xin tu hành này về giá trị của đời sống đạo hạnh “sống ngắn ngủi mà đạo đức quý hơn sống lâu mà buông lung”:
(Pháp Cú
110)
Cho dù sống đến
trăm năm
Chỉ hay phá giới,
không chăm tu thiền
Chẳng bằng sống
một ngày liền
Mà luôn giữ giới,
mà chuyên tu thiền.
Vào thời Đức Phật tại thế xã hội Ấn Độ được chia thành bốn giai cấp chính. Đứng đầu là giai cấp Bà La Môn. Thứ nhì là giai cấp dòng dõi của vua chúa. Thứ ba là giai cấp buôn bán bình dân. Cuối cùng là giai cấp dân bần hèn, tôi tớ lao động. Theo luật và phong tục của thời ấy thì chỉ có ba giai cấp đầu là có quyền đọc kinh, học đạo thôi. Còn giai cấp thứ tư thời không có quyền gì và phải làm nô lệ cho ba giai cấp trên.
Bà La Môn là giai cấp cao nhất và được trọng vọng nhất. Đây là các tu sĩ học hành uyên bác, giới hạnh nghiêm túc. Văn hóa và học thuật của Ấn Độ đều ở trong tay giai cấp này. Tập tục di truyền giai cấp theo huyết thống, cha mẹ thuộc giai cấp nào thời con cháu cũng giữ giai cấp ấy. Nhưng “Đạo Phật là đạo đại bình đẳng” nên Đức Phật muốn bãi bỏ tập tục này. Phật chủ trương phải căn cứ vào tư cách và đạo đức của từng người. Ngài muốn cải cách xã hội, muốn tạo một xã hội công bằng hơn, trong đó mọi người đều có cơ hội vươn lên tùy theo khả năng và đạo đức của mình. Không phải con nhà dòng dõi Bà La Môn là đương nhiên xứng với danh xưng đó mà phải hành thiền và trong sạch. Một người trong giai cấp Bà La Môn nghe thấy Đức Phật thường gọi các đệ tử của Ngài là Bà La Môn. Ông nghĩ rằng ông ta cũng đáng được xưng hô như thế vì ông vốn sinh trưởng trong một gia đình Bà La Môn. Ông đến bạch hỏi Ngài. Ngài giải đáp rằng người ta không trở thành Bà La Môn chỉ vì dòng dõi. Ai tu thiền định, đã thành đạt mục tiêu tối thượng, chứng được quả vị A La Hán, mới xứng đáng được gọi là Bà La Môn:
(Pháp Cú
386)
Siêng năng ẩn dật
tu thiền
Nhiễm ô dứt bỏ,
não phiền buông trôi
Tu tâm nhiệm vụ
xong xuôi
Mục tiêu tối
thượng tuyệt vời đạt nhanh
Bà La Môn thật
xứng danh!
Đức Phật khuyên chúng sinh phải tự tu tập để giác ngô, hãy theo đường thiền định. Ngài không giác ngộ giùm ai được. Ngài không độc đoán ép buộc ai bước vào con đường giải thoát này. Phải tự mình trực tiếp hiểu biết và khám phá ra chân lý mới là động lực giúp chúng sinh đủ lòng tin và sự kiên nhẫn để noi theo:
(Pháp Cú 276)
Các ngươi phải tự
gắng công
Ta là thầy dạy chỉ
đường mà thôi
Con đường giác ngộ
tuyệt vời,
Tự ngươi thiền
định theo nơi đúng đường
Thoát ra khỏi lưới
Ma vương.
Thiền định là một pháp môn nhằm điều phục tâm, huấn luyện tâm, và do vậy nhiều khi chữ “Tâm” được dùng thay cho chữ thiền định. Ở đây chúng ta chứng kiến vai trò quan trọng của sự tu tập, huấn luyện, điều phục tâm trong đời sống của người Phật tử tại gia và xuất gia. Tâm con người thường yếu đuối và vô định, tâm rất khinh động, theo các dục quay cuồng, nhưng điều phục tâm không phải là đơn giản. Ai chế ngự được tâm mình thì mới thoát khỏi vòng trói buộc của dục vọng. Một thiện tín có nhiệt tâm tu học, xuất gia theo Đức Phật, nhưng sớm thấy rằng đời sống thiêng liêng đạo hạnh rất là khó khăn, vì giới luật quá nhiều. Thầy bất mãn và có ý muốn hoàn tục. Đức Phật khuyên thầy không nên lo âu vì giới luật nhiều hay ít nữa mà chỉ cần lo một việc mà thôi, đó là hãy kiểm soát và canh phòng tư tưởng, canh chừng cái tâm của mình:
(Pháp Cú
36)
Tâm phàm phu cứ
xoay vần
Chạy theo dục vọng
muôn phần đảo chao
Tinh vi, khó thấy
được nào
Chỉ riêng người
trí lo âu thật tình
Canh phòng nghiêm
ngặt tâm mình
Cho nên hạnh phúc,
an bình mãi thôi.
Ông cậu xuất gia sống đời thiêng liêng. Cháu còn nhỏ, được nhận vào làm Sa di. Ngày kia có người dâng đến cháu hai bộ y. Cháu dâng lại cậu một bộ, nhưng cậu từ chối, không nhận. Người cháu có ý buồn và, khi đang quạt cho cậu, nảy sinh ra ý nghĩ muốn rời bỏ đời tăng sĩ. Rồi, theo dòng tư tưởng, thầy mơ: “Sẽ bán bớt một bộ y, lấy tiền mua một con dê. Dê đẻ thành một bầy. Thầy có tiền. Thầy sẽ cưới vợ và có con. Thầy sẽ dắt vợ và con đến chùa lễ cậu. Trên đường đến chùa, bỗng nhiên vợ làm con bị rớt xuống đất. Thầy nổi giận, lấy cây đánh vợ”. Vừa quạt vừa mơ như thế, thầy quơ cây quạt nhằm ngay vào đầu ông cậu. Thầy lấy làm hổ thẹn buông cây quạt xuống, bỏ chạy. Cậu chụp cháu lại, đem đến Đức Phật. Nhân cơ hội này, Đức Phật mô tả rằng tâm con người có bản chất vô thường, luôn luôn trôi chảy:
(Pháp Cú
37)
Tâm phàm phu cứ
lao mình
Âm thầm, đơn độc
du hành rất xa
Nào đâu hình dạng
phô ra
Hang kia ẩn náu
thật là thẳm sâu,
Tâm ai điều phục
được mau
Thoát Ma trói
buộc, lụy đâu dục tình.
Một tên trộm bị lính giải đi hành hình. Một thiếu phụ gia đình giàu có đem lòng thương, xin tiền cha mẹ để chuộc tội cho hắn và sau này về làm vợ hắn. Hắn không yêu thương gì bà, chỉ muốn tiền của bà. Về sau tên trộm đưa bà đến một đỉnh núi cao, bên bờ vực thẳm, mưu toan cướp giựt tất cả nữ trang của bà rồi xô bà luôn xuống hố sâu. Hết lời van lơn nhưng vô hiệu quả, cuối cùng bà xin tên trộm để cho bà lạy một lần chót. Hắn đồng ý. Đứng về phía sau tên trộm bà lừa thế đẩy hắn xuống hố. Về sau bà xuất gia. Sau khi gặp Đại đức Xá Lợi Phất, được nghe Pháp, bà đắc quả A La Hán. Các vị Tỳ kheo thảo luận với nhau không hiểu được tại sao bà đã đánh lừa xô chết một tên cướp và chỉ nghe vài lời của giáo pháp mà đắc được đạo quả A La Hán. Lúc bấy giờ Đức Phật giải thích về hiệu năng của lời “chân lý” và tầm quan trọng của sự tự khắc phục. Chiến thắng nhiều tên trộm chẳng đáng gì so với chiến thắng tên trộm “dục lạc” của chính mình, tự thắng mình là điều đáng phục:
(Pháp Cú 103)
Thắng ngàn, ngàn
địch chiến trường
Chẳng bằng tự
thắng bản thân của mình
Thắng mình oanh
liệt thật tình
Mới là chiến thắng
xứng danh hàng đầu.
Một Bà La Môn thắc mắc cho là Đức Phật chỉ biết đến “được” chứ không biết đến “mất”. Anh ta đi hỏi Ngài. Đức Phật bèn hỏi anh sinh sống thế nào. Anh đáp rằng sống bằng nghề cờ bạc mà kết cuộc có lúc ăn lúc thua, lúc thắng lúc bại. Đức Phật giải thích rằng chuyện đó không quan trọng, cái chiến thắng thật sự là tự thắng chính bản thân mình:
(Pháp Cú
104 - 105)
Những người tự
thắng bản thân
Vẻ vang hơn thắng
địch quân hiểm nghèo
Thắng mình phải
tiết chế nhiều
Bỏ lòng dục vọng,
bỏ điều tham lam,
Dù ma quỷ, hay
thiên thần
Chẳng ai thắng nổi
khi cần đua tranh
Với người tự thắng
chính mình.
Một cậu bé bảy tuổi xuất gia làm Sa di. Ngày kia, theo thầy đi trì bình, cậu để ý thấy những người nông dân dẫn thủy nhập điền, những người thợ chuốt tên, những người thợ mộc đang hành nghề. Cảnh tượng ấy khiến cậu nghĩ đến tiềm năng hùng hậu của con người. Cậu nêu lên nhiều câu hỏi cho ông thầy. Sa di ấy tự nghĩ “Những vật vô tri vô giác như nước, như gỗ còn có thể uốn nắn và kiểm soát được, tại sao ta lại không thể kiểm soát được cái tâm của ta?”:
(Pháp Cú
145)
Những người tưới
nước chăm lo
Đào mương dẫn nước
vào cho khắp miền,
Những người thợ
vót cung tên
Cung tên lo uốn
triền miên tháng ngày,
Những người thợ
mộc khéo tay
Xẻ cây, uốn ván
thẳng ngay tài tình,
Còn như người trí
tinh anh
Chăm lo kiểm soát
thân mình cho nhanh.
Sau khi nghĩ vậy, cậu rút vào tịnh thất, chuyên chú hành thiền và đắc quả A La Hán trong lúc chỉ có bảy tuổi. Đức Phật nhân đó đề cao đức tính tự kiểm soát lấy mình, tự điều phục tâm mình.
Thiền định là kỷ luật tâm linh cần thiết cho nên dùng thiền định để chăn giữ, gạn lọc tâm là nền tảng đạo đức, nhằm mang lại hạnh phúc an lạc cho loài người. Chính vì thế, Đức Phật dạy rằng kẻ phóng dật coi như chết, còn người chuyên niệm theo thiền định thời không chết.
Một hoàng hậu có tật ganh tỵ, làm cho một người trong sạch, là một vương phi, mà bà coi là tình địch, bị thiêu đốt đến chết. Khi vua nghe được câu chuyện đau thương ấy thì vua bắt hoàng hậu phải chịu một cực hình còn tệ hại hơn nữa, cũng cho đến chết. Các vị Sư muốn hiểu trong hai bà, ai thật sự chết và ai thật sự còn sống. Đức Phật dạy rằng người tuy còn sống nhưng buông lung, phóng dật, không thận trọng, không giữ tâm chuyên niệm, gây nhiều tội ác như hoàng hậu phải được xem là đã chết. Trái lại người có tâm chú niệm, hiền từ, biết tu tập theo chánh pháp như vương phi thời luôn luôn đưọc coi là sống:
(Pháp Cú 21 -
22)
Người chuyên niệm,
chẳng buông lung
Coi như sống mãi,
thoát vòng tử vong
Kẻ phóng dật, kẻ
buông lung
Coi như đã bị mệnh
chung lâu ngày
Sống mà như chết
nào hay,
Người hiền trí
biết điều này từ lâu
Cho nên gìn giữ
trước sau
Dám đâu phóng dật,
há nào buông lung
Luôn luôn cảnh
giác vô cùng
Nhập vào cõi thánh
vui mừng, bình an.
Chính nhờ điều phục tự tâm mà an lạc luôn luôn đến với người thiền định. Ở Ấn Độ, vào một khoảng thời gian nào trong năm, có ngày lễ của kẻ ngu. Chúng trét tro phân đầy mình, đùa giỡn, ăn nói tục tĩu, cộc cằn, với bất luận ai, trong bảy ngày. Vào thời kỳ ấy, Đức Phật và các môn đệ Ngài ở lại trong tự viện. Khi thời gian bảy ngày chấm dứt, những vị thiện tín mang vật thực đến chùa cúng dường, nghĩ rằng chắc các Ngài phải trải qua mấy ngày không vui. Đức Phật dạy rằng kẻ ngu dầu có hành động cuồng dại như thế nào, bậc thiện trí phải luôn luôn giữ tâm chánh niệm, canh giữ tâm niệm như kho tàng vĩ đại nhứt:
(Pháp Cú 26)
Kẻ ngu si bị đắm
chìm
Trong đời phóng
dật, trong miền buông lung
Nhưng người hiền
trí tìm đường
Chăm lo gìn giữ
tâm đừng buông lung
Tựa người bạc bể
tiền rừng
Chăm lo báu vật, trông
chừng quý kim.
(Pháp Cú 27)
Chớ nên chìm đắm
xuôi theo
Buông lung, phóng
dật là điều chẳng hay,
Chớ nên dục lạc mê
say
Hãy nên tỉnh giác
tâm này cho mau
Tu thiền định thật
chuyên sâu
Mới mong phước
báu, mới cầu bình an.
Khi dùng tâm niệm đẩy lui phóng dật, người trí thoát khỏi phiền não, vượt lên tận đền đài trí tuệ và nhìn xuống đám người đau khổ, như người khéo trèo núi, lên đến đỉnh tuyệt cao, nhìn trở tại đám vô minh còn ở dưới đất bằng. Vì hai nếp sống khác nhau nên các bậc hiền trí có cái nhìn rất đặc biệt, rất sai khác đối với những kẻ ngu si vô trí. Một lần nọ tôn giả Đại Ca Diếp cố gắng vận dụng thiên nhãn để tìm hiểu lý do sinh và tử của chúng sinh. Đức Phật xuất hiện trước mặt ngài và dạy rằng tôn giả đừng mất thời giờ làm việc đó vì chúng sinh cứ sinh tử rồi lại tử sinh thật là vô lượng đếm sao cho xuể, chỉ có một vị Phật mới thông suốt được toàn thể các kiếp sinh tồn. Chư vị A La Hán, đã thoát khỏi mọi phiền não, dùng nhãn quan siêu phàm của các ngài để từ bi nhìn lại đám đông chúng sinh vô minh còn phải chịu sinh tử triền miên, nghĩa là còn ở trong vòng đau khổ:
(Pháp Cú 28)
Nhờ trừ được hết
buông lung
Những người hiền
trí sẽ không lo gì:
- Tựa như bậc
thánh hiền kia
Lên đài trí tuệ
nhìn về dưới chân
Thấy bao nhiêu kẻ
ngu đần
Trăm bề đau khổ,
bội phần lo âu,
- Tựa người leo
tới núi cao
Cúi nhìn muôn vật
lao xao dưới ghềnh
Đắm chìm trong
chốn vô minh.
Trong quá khứ xa xôi có một người giàu tinh thần phục vụ xã hội, cùng với một nhóm bạn hữu, đã tận dụng trọn đời sống mình trong công tác từ thiện như đắp đường, xây cầu, cất nhà tạm trú cho khách bộ hành. Bản thân giữ đúng bảy điều giới luật trong suốt đời mình. Sau khi chết, quả lành của hành động thiện đưa vị ấy tái sinh làm vua Trời Đế Thích:
(Pháp Cú 30)
Nhờ tinh tấn,
chẳng buông lung
Khiến cho Đế Thích
thành ông thánh hiền
Được làm chủ cõi
chư thiên
Muôn người cùng
cất tiếng khen ngợi hoài,
Kẻ phóng dật bị
chê bai
Mọi người khinh
miệt, chẳng ai nể vì.
Một tăng sĩ vào rừng hành thiền, nhưng thất bại. Thầy đi trở về yết kiến Đức Phật để xin chỉ dạy thêm. Trên đường đi, thầy gặp một đám lửa rừng to phừng phừng vồ tới, thiêu đốt tất cả cây cối lớn nhỏ. Cảnh tượng này thức tỉnh thầy, gợi ý rằng chính thầy cũng phải mạnh dạn và vững vàng tiến lên như đám lửa rừng để thiêu đốt tất cả trói buộc lớn nhỏ bằng lửa “Bát chánh đạo”. Đức Phật đọc tư tưởng thầy và, rải một tia sáng đến, khuyên dạy:
(Pháp Cú
31)
Tỳ Kheo sợ tính
buông lung
Chuyên tâm chú
niệm, dốc lòng chuyên tu
Tiến mau biết mấy
cho vừa
Đốt tiêu phiền não
tựa như lửa hồng,
Đốt dây to nhỏ
chập chùng
Từ lâu trói buộc
người trong luân hồi.
Có một tăng sĩ độ lượng, sống thanh đạm và tri túc. Hằng ngày đi khất thực ông thường quay về làng cũ, nơi đây thân nhân của ông đã chờ sẵn để cúng dường vật thực. Ông chẳng ham tham dự các cuộc đại bố thí của trưởng giả Cấp Cô Độc hay của vua Ba Tư Nặc. Các Tỳ kheo khác cho rằng ông chưa cắt đứt được dây luyến ái với gia đình. Đức Phật giải thích rằng sở dĩ vị ấy được như vậy là nhờ trong quá khứ đã có kết hợp chặt chẽ với Ngài và ghi nhận rằng những ai có nếp sống như thầy Tỳ kheo kia là đã đứng trước Niết Bàn:
(Pháp Cú 32)
Tỳ Kheo sợ tính
buông lung
Chuyên tâm chú
niệm, dốc lòng tu thân
Niết Bàn đã tiến
đến gần
Hố sâu đọa lạc
trăm phần thoát qua.
Một cậu bé phải ngủ một mình dưới gầm xe ở cạnh bãi tha ma vì cha cậu đi tìm bò bị thất lạc, không quay lại kịp. Có con quỷ dữ tới muốn ăn thịt cậu. Cậu vội đọc câu đã quen miệng: “Nam Mô Phật”. Quỷ kinh sợ thối lui. Về sau chính con quỷ ấy lại ra tay giúp cậu. Vua nghe câu chuyện, đến hầu Đức Phật và bạch hỏi vậy suy niệm về phẩm hạnh của Phật có đủ oai lực để xua đuổi những âm hồn xấu không. Để giải thích Đức Phật dạy mọi người phải luôn luôn suy niệm để tự giác ngộ và lo tu thiền định:
(Pháp Cú 301)
Những người đệ tử
Phật Đà
Đêm ngày tỉnh giác
để mà nghĩ suy
Về niềm vui lớn kể
chi:
Lo tu thiền định
sớm khuya chuyên cần.
Vài vị tu sĩ trải qua một thời gian an cư kiết hạ trong một ải trấn ở biên thùy và thấy ở đây đời sống thiếu tiện nghi vì mọi người đều phải rộn rịp canh chừng kẻ địch. Khi các thầy trở về bạch lại với Đức Phật, Đức Phật khuyên dạy các thầy nên tự canh phòng thân tâm mình như người ta canh phòng một ải trấn ở biên thùy:
(Pháp Cú
315)
Tựa như thành ở
biên cương
Trong ngoài phòng
thủ kỹ càng nghiêm minh
Ta nên phòng hộ
thân mình
Chớ nên chểnh mảng
mặc tình buông lung
Buông lung nguy
hiểm vô cùng
Đọa đày địa ngục
trong chừng phút giây.
Một nông dân nghèo, chỉ có mảnh vải rách đắp thân và cái cày để đi cày thuê,
sống đời cực khổ. Người này xin xuất gia. Đem quần áo cũ và cái cày ra bỏ dưới
gốc cây gần chùa. Nhiều lần thầy ấy định hoàn tục, nhưng cuối cùng lấy quần áo
rách và cái cày làm đề mục, thầy cố gắng hành thiền và đắc quả A La Hán. Giảng
về thành quả tốt đẹp của thầy Đức Phật dạy rằng người biết tự điều chế sẽ sống
an lạc:
(Pháp Cú 379)
Tự mình hãy kiểm
soát mình
Tự mình dò xét
chân thành bản thân
Tự mình giác tỉnh
canh phòng
Tỳ Kheo sẽ sống vô
cùng an vui.
Trong sự thực hành thiền định cần phải áp dụng những pháp môn sau đây: Hoặc điều hòa hơi thở, y theo hơi thở ra vào, khiến tâm không loạn động; Hoặc tịnh niệm, giữ niệm cho trong sạch an tĩnh, khiến tâm an trụ vào một niệm thanh tịnh; Hoặc thiền định, dùng sự suy nghĩ mà nghiên cứu, tìm xét cho đến nhất cảnh thanh tịnh. “Định học” đem lại cho tâm trí khỏi tán loạn, tối tăm, trí tuệ được phát triển và năng lực được phát sinh, nếu biết thực hành đúng phương pháp của nó. Và Thiền Định là cơ sở cho Trí Tuệ sinh khởi.
TRÍ TUỆ
Từ thiền định, người tu tiến dần đến trí tuệ. Mục đích của Đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí tuệ mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc, đến bờ giải thoát và giác ngộ. Do vậy vai trò của trí tuệ chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của Đức Phật. Chúng ta có thể nói Đạo Phật là đạo của người trí, là đạo của tuệ giác.
Trước hết chúng ta nên phân biệt hai hạng người. Một hạng người rất uyên bác trong Đạo Phật, hiểu biết về kinh điển rất nhiều, nhưng chỉ có nghiên cứu Đạo Phật, không có hành trì. Nói về hành thiền thời rất giỏi nhưng không hành thiền. Trình bày rất hay về diệu dụng của trí tuệ, nhưng không phát triển trí tuệ. Hạng người này chưa được gọi là có trí tuệ. Một hạng người khác, có lòng tín thành, hành trì theo những giới cấm trong Đạo Phật, nhưng chỉ có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, người ấy vẫn có khả năng bị tham sân si chi phối và do vậy, chưa được xem là người có trí tuệ.
“Tuệ” là phân biệt sự, lý, lựa chọn các pháp, dứt sự nghi ngờ, chứng lý chân thật. Tuệ là khả năng khai sáng của tâm trí, quán chiếu sự vật, thể nhập và chứng ngộ chân lý. Tuệ là pháp sáng suốt của tự tâm, luôn luôn thường còn và ai ai cũng sẵn có, chỉ vì mê mờ nên không tự biết, làm cho trí tuệ không được phát triển.
Trong thực tế thời thiền định và trí tuệ không bao giờ rời nhau. Kinh Pháp Cú có nhiều lời vừa đề cao thiền định vừa ca ngợi trí tuệ. Một vị Tỳ kheo đã đắc quả A La Hán trong rừng, đi về viếng Đức Phật. Trên đường về, sau cả ngày đi mỏi mệt, thầy ngồi trên một tảng đá bằng phẳng và nhập định. Cùng đêm ấy, có năm trăm tên cướp vào làng hành nghề xong cũng leo lên tảng đá và, trong bóng tối, thấy vị sư ngồi, ngỡ gốc cây khô, chúng để những đồ đạc đã cướp được ở quanh thầy, có thứ treo lên đầu, lên vai thầy, rồi nằm xuống đá ngủ. Đến sáng sớm thức dậy, chúng mới hay mình lầm, xin sám hối. Được thầy giảng cho nghe về chánh pháp chúng cảm phục và xin xuất gia luôn. Kế đó thầy trò cùng nhau kéo về thăm Đức Phật. Nghe câu chuyện Ngài dạy:
(Pháp Cú 111)
Cho dù sống đến
trăm năm
Không còn trí tuệ,
không chăm tu thiền
Chẳng bằng sống
một ngày liền
Mà đầy trí tuệ, mà
chuyên tu thiền.
Một vị Tỳ kheo có tài học rộng, thông suốt giáo pháp, nhưng Đức Phật vẫn gọi là ông thầy “trống rỗng” để khuyến khích thầy cố gắng đạt đến đạo quả A La Hán. Vị tăng sĩ hiểu ý, rút vào rừng sâu thanh vắng hành thiền. Chấp nhận lời khuyên của một Sa di trẻ tuổi, thầy tinh tấn thực hành thiền định để đắc quả A La Hán. Đức Phật dùng tuệ nhãn thấy vậy, hiện thân đến trước thầy và dạy rằng:
(Pháp Cú
282)
Tu thiền trí tuệ
phát sinh,
Bỏ thiền trí tuệ
rời mình trôi ngay
Ai mà thông suốt
điều này
Biết so lợi hại,
dở hay đôi đường
Tự mình nỗ lực
tăng cường
Thêm phần trí tuệ
ngát hương thơm lành.
Một vị Tỳ kheo ngồi trong giảng đường thuyết Pháp cho mẹ và nhiều người khác nghe. Cùng lúc ấy có bọn tướng cướp xông vào nhà bà mẹ. Tên đầu đảng thì ở lại cạnh bà canh chừng và định tâm sẽ giết bà nếu bà trở về trước khi chúng cướp xong. Người làm trong nhà bà ba lần chạy đến chùa báo tin, nhưng ba lần, bà đuổi người nhà đi, bảo không nên làm rộn bà trong khi nghe Pháp. Tên chúa đảng lấy làm khâm phục tâm đạo của bà, chạy đi tìm các tên đồng bọn để ra lệnh phải hoàn trả lại tất cả những gì đã lấy. Xong, tất cả đến xin sám hối với bà và đều xin xuất gia. Nhân chuyện này Đức Phật dạy:
(Pháp Cú
372)
Khi mà trí tuệ
thiếu rồi
Thời bao thiền
định trôi xuôi theo dòng,
Khi mà thiền định
chẳng còn
Thời bao trí tuệ
theo dòng trôi xuôi,
Ai mà định, tuệ đủ
đôi
Sóng vàng đưa lối
kề nơi Niết Bàn.
Theo Kinh Pháp Cú thời những người Phật tử trung kiên đang sống giữa đám chúng sinh mê muội, đã đem trí tuệ soi sáng thế gian, như hoa sen thanh khiết mọc lên giữa đám bùn nhơ. Phật giáo không lên án ai một cách vĩnh viễn, không khi nào cho ai là người phải chịu hư hỏng buông lung mãi mãi, không thể cải hóa, vì tánh cách cao thượng luôn luôn ngủ ngầm bên trong mỗi người, dầu là người thấp hèn cách nào, cũng như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục vượt lên nhưng vẫn giữ mình trong sạch và tinh khiết. Một tín đồ của một hệ thống tín ngưỡng lõa thể âm mưu thỉnh Đức Phật và các môn đệ của Ngài tới cúng dường với mục đích làm cho mọi người bị sụp vào hầm than hồng đào ngầm bên dưới và do đó bị hạ nhục. Đức Phật phát giác mưu đồ và cảm hóa kẻ đó rồi kêu kẻ đó đến nghe Pháp. Đức Phật giải thích rằng vì kém trí tuệ nên nhiều người không nhận thức được sự cao thượng của các môn đệ Ngài. Đức Phật so sánh những kẻ ấy với người mù và bậc thiện trí như người có mắt:
(Pháp Cú 58 -
59)
Như từ trong đống
bùn nhơ
Bên đường nước
đọng, ai ngờ nở ra
Hoa sen phô sắc
mặn mà
Tỏa hương thanh
khiết gần xa đẹp lòng,
Khác chi giữa chốn
bụi hồng
Giữa phường mê
muội ngập trong não phiền
Nảy sinh Phật tử
trung kiên
Rạng soi trí tuệ
khắp miền nhân gian.
Một nông dân xuất gia sống đời thiêng liêng vì nghĩ rằng đời sống ở chùa sẽ được dễ dàng hơn. Sau đó, sáu lần thầy hoàn tục và sáu lần đều xin trở lại. Lần thứ bảy trở về nhà khi nhìn thấy hình ảnh vợ anh đang mang thai, nằm ngủ, bụng phình, ngáy ồ ồ, nước dãi chảy, thật là bất tịnh, anh nông dân thật sự nhàm chán thế tục. Anh trở lại chùa và xin xuất gia với những vị tăng sĩ không mấy hoan hỉ chấp nhận một người đã nhiều lần ra đi và trở lại. Sau cùng, anh được thọ “cụ túc giới” và cố gắng chuyên cần, sớm thành đạt đạo quả A La Hán. Các vị Tỳ kheo đồng môn không tin, bạch với Đức Phật và Ngài giải thích trạng thái “tâm” của anh, trước và sau khi chứng ngộ Niết Bàn:
(Pháp Cú 38)
Người không an
định được tâm
Không rành chánh
pháp, không thông đạo mầu
Lòng tin lại chẳng
bền lâu
Tất nhiên trí tuệ
dễ đâu hoàn thành.
Trí tuệ ở đây chính là sự nhìn đúng sự thật của cuộc sống, nhìn đúng sự thật nhân sinh và vũ trụ; nó không bao giờ xem xét sự vật bằng cảm quan, bằng suy lường, bằng cảm nhận; mà nó nhìn sự vật, hiện tượng qua sự thể nghiệm thiền tập và đi vào chánh định, chánh kiến.
Trí tuệ có thể phân tích ra thành ba loại: Trí tuệ phát sinh bằng cách nghe lời dạy của người khác; trí tuệ theo lối hiểu biết phát sinh do sự suy luận; và trí tuệ có được bằng lối thiền định để được khai thông, sáng suốt. Hai loại đầu chỉ cho ta sự sáng suốt về lý luận thế gian. Do hai phương pháp ấy ta chỉ có thể hiểu biết sự vật trong phạm vi mà triết lý có thể thấu hiểu đến như phân biệt thiện, ác; những gì nên làm, những gì không nên làm. Đối với loại thứ ba, nhờ thiền định ta có thể chứng được bằng trực giác những chân lý ngoài phạm vi lý trí. Trạng thái chú tâm vào đề mục thiền định không phải là tâm trạng mơ màng, tiêu cực, mà là một sự nỗ lực, linh động, tích cực. Chính nhờ thiền định ta có thể vượt qua mọi cảnh giới vật chất, nhờ thiền định ta có thể đặt mình vào đời sống kỷ cương, tự kiểm soát thân tâm, tự mình giác ngộ và sáng suốt hoàn toàn. Thiền định là thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí. Loại trí tuệ này được Đức Phật tán thán rất nhiều.
Đức Phật khuyên người thiện trí hãy cố thoát ra khỏi thế gian này. Ba mươi vị tỳ kheo đến hầu Phật, nghe Pháp và đắc quả A La Hán cùng các thần thông. Lúc về, các vị đó bay đi. Đại đức A Nan thấy họ vào mà không thấy họ ra và cũng không thấy họ ở đâu hết nên bạch hỏi Đức Phật. Cùng lúc ấy có những con thiên nga đang bay trên không trung. Đức Phật ghi nhận rằng chư vị A La Hán có năng lực thần thông cũng bay giữa không trung như loài thiên nga:
(Pháp Cú 175)
Thiên nga tung
cánh thảnh thơi
Chỉ bay theo hướng
mặt trời hừng đông,
Người quyền phép
nhờ thần thông
Chỉ bay lượn giữa
hư không dễ dàng,
Riêng người trí
lớn vô vàn
Dẹp trừ dục vọng
Ma quân kia rồi
Mới bay khỏi thế
gian thôi.
Bậc thiện trí thoát ra khỏi thế gian này nhờ chinh phục được Ma vương dục vọng. Đó là các vị A La Hán, nhập Đại Niết Bàn, thoát được khỏi sinh tử, không còn tái sinh trở lại trên thế gian nữa.
Như vậy, trí tuệ vô lậu khác hẳn với trí tuệ thế gian hay tri thức thế gian.
Trí tuệ vô lậu là con đường giải thoát hoàn toàn, là nguồn sống an lạc, hạnh
phúc chân thật, mà trí tuệ thế gian chỉ là yếu tố trợ duyên.
Ba công năng chính của trí tuệ như sau:
1. Dứt trừ phiền não: Phiền não là ngọn lửa luôn luôn ngủ ngầm và bốc cháy trong con người chúng ta bất cứ lúc nào. Nó có công năng thiêu đốt mọi hạnh lành, mọi công đức mà chúng ta đã tạo. Phiền não là do mê lầm phát sinh. Khi trí tuệ đã có thì mê lầm phải mất, như khi ánh sáng phát ra thì bóng tối tất phải tan biến. Mê lầm đã mất thì phiền não tất không còn phát sinh nữa.
2. Chiếu sáng sự vật: Sự vật bị vô minh che khuất, như màn sương sớm che phủ cảnh vật, như mây phủ che lấp mặt trăng khiến trái đất bị bao trùm trong bóng tối. Nay trí tuệ phát chiếu vào sự vật, chẳng khác gì khi ánh sáng mặt trời lên, thì màn sương ắt phải tan biến, khi mây tan đi thì trăng sáng hiện ra và trái đất lại sáng sủa, lúc bấy giờ thực tướng thực tánh của sự vật được lộ bày như thật. Phật Giáo chỉ sử dụng một lưỡi gươm, đó là gươm trí tuệ, và chỉ công nhận một kẻ thù, đó là vô minh.
3. Thể nhập chân lý: Khi bị vô minh phủ lấp, ngăn che thì ta với người, ta với vật tưởng như riêng biệt, sai khác. Nay nhờ trí tuệ soi sáng, thấy rõ được tâm cảnh đều chân không, nên thể nhập được chân lý, giác ngộ hoàn toàn. Phật Giáo xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc bằng trí tuệ chứ không phải bằng đức tin.
Trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật cũng đã thiết tha nhắn nhủ rằng: “Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố chở khỏi biển già, đau, chết; là ngọn đèn lớn chói sáng vô minh hắc ám; là liều thuốc hay chữa hết thảy bệnh tật; là chiếc búa sắt chặt gãy cây phiền não. Vậy các ngươi phải lấy sự nghe, sự suy nghĩ, sự tu tập mà tự tăng ích cho trí tuệ mình”.
“Đạo Phật là đạo trí tuệ” vì vị giáo chủ đã tỏ ngộ chân lý tuyệt đối và giảng dạy cho đồ chúng những gì Ngài biết bằng trí tuệ siêu xuất của mình. Nền khoa học cách đây hơn 25 thế kỷ vẫn còn sơ khai, con người chưa có kính hiển vi hay kính viễn vọng, cũng chưa có phi thuyền không gian, thế mà Đức Phật đã biết trong ly nước có vô số vi trùng, trong vũ trụ có hằng sa thế giới. Những lời dạy của Ngài về vũ trụ nhân sinh, cho đến nay vẫn là chân lý. Và khi khoa học càng tiến bộ, càng chứng minh sự đúng đắn của mọi điều Ngài tuyên thuyết trước đây.
GIỚI, ĐỊNH, TUỆ
Giới Định Tuệ là ba môn học căn bản nhất trong hệ thống giáo dục Phật Giáo. Bởi vì toàn bộ giáo lý Phật Giáo không nằm ngoài phạm vi Giới Định Tuệ. Do vậy, nói học Phật là học Giới Định Tuệ, tu Phật là tu Giới Định Tuệ
Giới, Định và Tuệ, ba môn vô lậu học, chỉ có trong giáo lý của Đức Phật. Ba môn học này giúp cho hành giả vượt khỏi sự trói buộc của phiền não, hoàn toàn tự tại; là phương tiện giúp cho hành giả không bị rớt trong ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới, tâm không bị ràng buộc bởi mọi lậu hoặc, không dừng lại ở phước báo nhân thiên.
Trên cơ sở phân tích, có thể nói rằng, từ Giới sinh Định, từ Định phát Tuệ. Nhưng thực ra đây không phải là ba giai đoạn công phu theo thứ tự trước sau mà Giới, Định và Tuệ có mối quan hệ hỗ tương, trùng trùng nhân quả và tương quan mật thiết với nhau như một vòng tròn khép kín, không thể tách rời nhau. Cho nên, Đức Phật đã nhiều lần thuyết pháp với Giới Định Tuệ; cái mà chúng ta cần phát triển gần như đồng bộ tùy theo khả năng từng người.
Truyện tích kể rằng một thanh niên nghèo khổ, chỉ có một bộ đồ rách và một cái tô bể, treo tất cả tài sản của mình trên cây, rồi đến chùa xin thọ lễ xuất gia. Sau đó nhiều lần anh hoàn tục, rồi trở lại giáo hội. Cuối cùng, nghĩ tới hoàn cảnh khốn cùng mà anh phải chịu nếu còn hoàn tục nữa, anh gia công hành thiền và đắc quả A La Hán. Đức Phật giảng về tâm bất mãn của anh trước kia và đức chuyên cần sau này. Ngài dạy rằng “Biết tự kiềm chế là khôn ngoan. Hãy nỗ lực sám hối như ngựa đã hay còn thêm roi. Hãy nhiệt tâm chuyên cần với niềm tin chân chính, trau giồi trí tuệ và đạo đức, thiền định, giữ giới, tri và hành đạo một cách tích cực để tiêu trừ mọi khổ đau”:
(Pháp Cú
144)
Giống như ngựa
giỏi chạy hăng
Thêm roi thúc giục
lại càng hay hơn
Ngươi mau giữ giới
chuyên cần
Niềm tin, đạo đức
quyết tâm giữ gìn,
Trau dồi trí tuệ
vững bền
Pháp môn thiền
định nên chuyên thực hành
Theo và hành đạo
nhiệt thành
Để mau tiêu diệt
ngọn ngành khổ đau.
Chỉ nội trong một buổi sáng mà một thiếu phụ mất những người thân yêu gần gũi nhất của bà gồm chồng, hai con, cha mẹ, anh chị em trong một trường hợp vô cùng thê thảm. Bà phát điên và chạy cùng đường. Đức Phật từ bi an ủi bà và dạy “Trước cái chết, những người thân cũng chẳng thể làm gì để giúp đỡ được. Người hiền trí ngay khi còn khoẻ mạnh, nên giữ gìn giới luật, và dọn dẹp cho thật sạch sẽ các chướng ngại trên con đường đưa tới Niết Bàn”:
(Pháp Cú 288 -
289)
Tử thần khi đến
kêu mình
Bà con thân thuộc
cũng đành bó tay
Cha con tình có
tràn đầy
Dễ gì giúp được nhau
ngay lúc này.
Khi ta hiểu lẽ
trên đây
Người nào giới
hạnh hàng ngày luôn theo
Lại thêm trí tuệ
cao siêu
Sẽ mau mở lối đi
nhiều hương hoa
Niết Bàn chốn đó
tìm qua.
Tóm lại, chủ đích của Đạo Phật là muốn toàn thể chúng sinh giác ngộ được sự thật, sống theo sự thật, để được tự tại và giải thoát. Nhưng, muốn được thế cần phải lấy sự hành trì làm căn bản, mà nguyên tắc chính của tất cả sự hành trì là Giới, Định và Tuệ. Vậy chúng ta nên đặc biệt chú trọng vào ba môn đó mà thực hành. Vì chỉ có sự thực hành theo đúng nguyên tắc căn bản mới đưa đến mục đích giải thoát và giác ngộ của Đạo Phật. Giới, Định, Tuệ là ba môn học không dời đổi, là chìa khóa mở cửa ngõ Niết Bàn giải thoát.