KINH VIÊN GIÁC
LUẬN GIẢNG
Thích Thông Huệ
Nhà xuất bản Tôn
Giáo, Hà Nội 2006
Chánh văn và Lược giải
I- PHẦN CHỨNG TÍN
“Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Thế Tôn nhập vào thần thông Đại quang minh tạng, Tam muội chánh thọ, là nơi tất cả Đức Như Lai Quang Nghiêm trụ trì, cũng là Giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh. Ở cảnh giới này, thân tâm hằng vắng lặng, bổn tế bình đẳng viên mãn khắp mười phương, tùy thuận cảnh giới bất nhị; và ở nơi cảnh bất nhị đó, hiển hiện các cõi Tịnh độ, cùng với hàng Đại Bồ tát gồm cả thảy mười muôn người cùng nhau câu hội. Tên của các vị Bồ tát đó là: Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Phổ Nhãn, Bồ tát Kim Cang Tạng, Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Thanh Tịnh Huệ, Bồ tát Oai Đức Tự Tại, Bồ tát Biện Âm, Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng, Bồ tát Phổ Giác, Bồ tát Viên Giác, Bồ tát Hiền Thiện Thủ.v.v... đều là những bậc thượng thủ, cùng các quyến thuộc đều nhập chánh định, đồng an trụ trong pháp hội bình đẳng của Như Lai”.
Phần này được coi như phần tựa hay phần duyên khởi của kinh. Thông thường, trong những bản kinh Đại thừa, mở đầu có phần duyên khởi, tóm lược hết đại ý của toàn bộ kinh. Để dễ nhận được yếu chỉ của kinh, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ phần này.
Đại ý phần đầu này muốn nói đến tâm Viên Giác, là chỗ chúng ta không thể dùng tình thức, dùng tâm phân biệt để đo lường. Không thể dùng tình thức để nói, không thể dùng vọng tâm để nghe, nên Đức Phật và đại chúng đều phải nhập chánh định, nghĩa là phải an trụ nơi tâm Viên Giác mới có thể thuyết và nghe được kinh này. Hôm nay, nghe đến kinh Viên Giác, chúng ta cũng phải lắng sâu tâm thức, bặt hết các duyên, lắng nghe một cách tập trung và chăm chú mới hiểu được đôi phần, mới thâm nhập được tinh thần của kinh muốn nói.
Theo thông lệ, trong các kinh Đại thừa đều có nói đến lục chủng chứng tín hay lục chủng thành tựu. Đây là sáu điều kiện để xác chứng niềm tin cho người nghe (lục chủng chứng tín), hoặc sáu điều kiện để thành tựu niềm tin (lục chủng thành tựu). Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát sáu điều kiện này trong đoạn kinh đã dẫn ở trên.
“Như thị ngã văn”: thường được dịch “Tôi nghe như vầy”. Thực ra, từ “như vầy” của tiếng Việt không lột tả được hết ý nghĩa của từ chữ Hán “như thị”. Nghe với trạng thái “như thị” nghĩa là không có người nghe và đối tượng nghe, nhưng lại có cái biết chiếu diệu hư minh để thể hội chỗ yếu lý, yếu chỉ của kinh. Cái nghe đó chính là văn thành tựu. Phải nghe trong trạng thái như thị mới khế hợp với pháp như thị, là pháp vượt thoát tất cả mọi khái niệm ngôn ngữ, tất cả tư lự phân biệt. Pháp đó chính là pháp tánh, là vi diệu pháp, là trung đạo đế, đệ nhất nghĩa đế, mà chúng ta không thể dùng tình thức để hiểu. Pháp như thị đó, chính là pháp thành tựu.
“Một thời...”: Vì sao không để thời gian cụ thể ngày tháng năm nào, mà chỉ để một cách chung chung như vậy? - Chúng ta đã biết, giờ giấc ở nước này không giống ở nước khác do đặc điểm địa dư, ngày tháng dương lịch cũng khác với ngày tháng âm lịch; nên nếu đưa ra thời gian cụ thể tại Ấn Độ nơi Phật thuyết pháp, thì khi bản kinh được truyền qua các nước khác, giờ giấc sẽ bị sai lệch. Một lý do quan trọng hơn, thường từ ngữ được sử dụng trong kinh chứa đựng một triết lý rất sâu xa. Thời gian không cố định, trôi chảy như một dòng sông, thời gian là một ý niệm do vọng tưởng sinh ra nên nó không có thực thể. Do vậy, sự quy định về ngày tháng, về ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng là ảo tưởng. Trong kinh chỉ ghi “Một thời...” là để đánh bạt tất cả mọi ý niệm về thời gian, để siêu vượt được thời gian. Thời ở đây, chính là thời thành tựu.
“Đức Thế Tôn”: Dịch từ tiếng Phạn “Bà Già Bà”; có lúc gọi là Bà Già Phạm, Bạc A Phạm, Bạc Già Phạm. Thế Tôn là một trong mười hiệu của các vị Phật (Như Lai - Ứng Cúng - Chánh Biến Tri - Minh Hạnh Túc - Thiện Thệ - Thế Gian Giải - Vô thượng sĩ - Điều Ngự Trượng Phu - Thiên Nhân Sư - Phật Thế Tôn). Đức Phật là chủ pháp hội, là người đề xướng và nói lên tinh thần Viên Giác này. Ngài là bậc toàn giác, đã chứng triệt Viên Giác, nên mới có thể nói Kinh Viên Giác. Nói cách khác, Phật đã “tâm thông nên thuyết thông”. Tuy nhiên, Ngài không có ý niệm mình là người nói pháp, và các vị trong pháp hội là những người nghe pháp; bởi vì nếu có ý niệm đó, Ngài đã chấp vào tứ tướng, không phải là Phật nữa. Không có người nói pháp và không có đối tượng nghe pháp mới là chủ thành tựu.
“...nhập vào thần thông Đại quang minh tạng, Tam muội chánh thọ, là nơi tất cả Đức Như Lai Quang Nghiêm trụ trì”: Đây là ngôn ngữ của Ấn Độ, nghe rất khó hiểu. Thần thông là gì? - Kinh A Hàm mô tả thần thông là đi xuyên vách xuyên đá, thăng thiên độn thổ..., và mọi người thường cũng hiểu như thế. Nhưng ở đây, thần thông diễn tả sự tự tại vô ngại. Đức Phật nhập vào thần thông Đại quang minh tạng, nghĩa là trí huệ lưu xuất từ tự tâm Viên Giác của đức Phật trùm khắp pháp giới. Thần thông và trí huệ lấy Như Lai tạng làm thể, tức lấy tâm Viên Giác làm thể. Cho nên, chữ “tạng” kèm theo có nghĩa là cái kho, từ đó thần thông và trí huệ được lưu xuất. “Tam muội” là chánh định, “chánh thọ” cũng là chánh định. Chánh định của Phật là đại định, tức là đi đứng nằm ngồi đều ở trong định. Chánh định này cũng là nơi quang nghiêm trụ trì của tất cả Như Lai. Quang nghiêm trụ trì là gì? . - “Quang” là hào quang, tượng trưng cho trí huệ; “Nghiêm” là trang nghiêm; “Trụ trì” là an trụ nơi tự tánh Viên Giác để giữ gìn tự tánh đó. Chỉ khi nào có trí huệ mới an trụ và giữ gìn được Viên Giác. Không chỉ riêng Phật Thích Ca mới nhập vào chánh định này, mà cả mười phương chư Phật ba đời cũng đều ở trong định ấy. Điều này nói lên sự bình đẳng của chư Phật, khi đã thành tựu Phật quả.
Nhưng nếu nói chánh định chỉ có ở chư Phật, vậy còn chúng sanh thì sao? - Trong kinh đã nói: “...cũng là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh”. Tất cả chúng sanh đều có cái Quang-minh đó, cái tánh Viên Giác đó, nhưng vì quên và xa rời tánh Viên Giác, nhập vào trần cảnh rồi tạo nghiệp và thọ khổ. Đức Phật đã xác chứng, tánh Viên Giác là bình đẳng giữa chư Phật và chúng sanh, dù chúng sanh luân hồi trong lục đạo thì tự tánh vẫn không bao giờ mất. Chúng ta cần tin tưởng điều này một cách kiên định thì mới vững tiến trên con đường giác ngộ và giải thoát.
“Ở cảnh giới này, thân tâm hằng vắng lặng, bổn tế bình đẳng viên mãn khắp mười phương”: Bổn tế là bờ mé khởi thủy ban đầu, nghĩa là chỗ cùng tột. Nếu thân tâm của chúng sanh đạt đến trạng thái như thị, thì thể tánh cũng tịch tịnh và bình đẳng đến tột cùng như chư Phật; chỗ này viên mãn khắp mười phương. Một hòn bọt đang trôi nổi trên biển, nếu cho cái tướng bọt đó là thật nó, thì nó xa rời biển cả; nhưng nếu nhận ra nó cũng có đủ tánh ướt như biển, thì trong khoảng sát-na, nó sẽ lấy biển làm tự thể. Chúng ta cũng vậy, chỉ là một hòn bọt trên biển chân như, với chánh báo và y báo như thế này; nhưng nếu chúng ta khéo nhận thì tự tánh Viên Giác cũng sẵn đủ ở chúng ta, bình đẳng cùng chư Phật, cho nên nói viên mãn mười phương. Chúng ta học Phật, tinh tấn tu hành, mỗi tâm niệm cũng chỉ để nhận lại cái tự tánh bản hữu của mình, mà mình đã mất đi khi khởi chấp thân tâm này là thật.
“... Tùy thuận cảnh giới bất nhị; và ở nơi cảnh bất nhị đó, hiển hiện các cõi Tịnh độ”: Thông thường ở các bản kinh khác, đều có đề cập đến chỗ nơi Phật thuyết kinh, gọi là xứ thành tựu. Trong kinh này, phần xứ thành tựu lại nói đến một nơi chốn rất kỳ lạ, không thể xác định cụ thể ở đâu trong cõi Ta Bà này: Đức Phật khi ở trong chánh định, Ngài tùy thuận cảnh giới bất nhị, và từ cảnh bất nhị này hiện ra các cõi Tịnh độ. Như vậy, xứ thành tựu ở đây là cõi Tịnh độ. Nhưng vì sao chỉ khi ở trong bất nhị mới có thể an trú nơi Tịnh độ? - Rõ ràng Tịnh độ này là Tịnh độ của tự tâm, Tịnh độ ở tại đây và bây giờ. Chỉ khi nào chúng ta an trú vững chãi trong bất nhị pháp môn, nghĩa là tâm chúng ta không còn ở trong trạng thái lưỡng phân nhị nguyên, không còn phân biệt thiện ác, hơn thua...; thì lúc đó, dù đi đứng nằm ngồi hay nói nín động tịnh, ngay mảnh đất Ta Bà này tức khắc trở thành Tịnh độ. Tất cả sắc là sắc Phật, tất cả tiếng là tiếng Phật.
Khi nói kinh Viên Giác, Phật ở trong trạng thái bất nhị, hiển hiện lên các cõi Tịnh độ. Nếu chúng ta cũng trong trạng thái đó, thì vọng tưởng làm sao có chỗ nảy sinh? Đầu mối của vọng tưởng là lưỡng phân, là nhị nguyên phân biệt; nếu không kẹt hai bên thì vọng tưởng không còn nơi nào gá vào, thấy - nghe - hay - biết đều ở trong Tịnh độ. Như vậy, cõi Tịnh độ này là thế giới mang tính chủ quan. Chỉ có những người đã giác ngộ mới thể nhập được. Đối với các vị ấy, tất cả pháp đều là Phật pháp, cõi Tịnh độ là từ tâm hiện. Đây chính là xứ thành tựu.
“... Cùng với hàng Đại Bồ tát gồm cả thảy mười muôn người cùng nhau câu hội”: Chúng hội trong buổi thuyết pháp này là các hàng Đại Bồ tát, gồm tất cả mười muôn người. Bồ tát thường có hai nghĩa: là một hữu tình chúng sanh đã giác ngộ (Hữu tình giác); sau đó làm lợi ích cho chúng sanh để đạt được công hạnh viên mãn (Giác hữu tình). Các vị Đại Bồ tát trong pháp hội này là những Bồ tát tin được pháp lớn, hiểu được nghĩa lớn, phát tâm lớn, hướng đến quả vị lớn, tu hạnh lớn và chứng được đạo lớn. Các vị muốn triệt chứng Viên Giác đồng đẳng với Phật và muốn đạt đến quả vị Phật mới thôi, không bao giờ chịu ngừng ở Hóa-thành mà phải đến Bảo-sở. Đây là chúng thành tựu.
Như vậy, lục chủng thành tựu chúng ta đã khảo sát qua. Nếu khéo nhận, chúng ta đã thấy rõ tinh thần Bát Nhã ở đây. Cho nên, ngay ở lục chủng thành tựu, chúng ta đã thấy diễn tả đầy đủ về Trung đạo đế, Đệ nhất nghĩa đế rồi.
“... đều là những bậc thượng thủ, cùng các quyến thuộc đều nhập chánh định”: Tên của các vị Bồ tát đã kể trong phần này đều là hàng Bồ tát cỡ lớn. Mỗi vị đều có một số quyến thuộc đi theo, và tất cả pháp hội đều nhập vào chánh định. Số quyến thuộc này là đồ chúng của Bồ tát, vì mỗi vị Bồ tát khi hóa đạo ở phương nào cũng có đồ chúng vây quanh, các Ngài đi đâu cũng đưa họ đi theo. Ở đây có hai điểm đặc biệt cần lưu ý: Một là, trong pháp hội rất thanh tịnh này, người nói pháp là Đức Phật Thích Ca, người nghe pháp là các hàng Bồ tát cỡ lớn. Nhưng dù vậy, vẫn còn rất đông quyến thuộc của Bồ tát cũng được tham dự; điều này khiến chúng ta tin tưởng rằng, nếu chúng ta thành tâm lắng lòng nghe và học kinh Viên Giác, thì chúng ta cũng có phần. Điểm đặc biệt thứ hai, khi Phật nói kinh này có mười muôn Đại Bồ tát đến tham dự, mỗi Bồ tát lại đem theo nhiều quyến thuộc. Như vậy, số thính chúng đông không thể tính được, thì Đức Phật sẽ dùng phương tiện gì để mọi người đều nghe Ngài một cách rõ ràng? - Chúng ta nên biết, kinh Đại thừa thường có những hình ảnh, những lối diễn đạt rất giàu tưởng tượng khi mô tả về pháp giới thanh tịnh bất khả tư nghì, không thể dùng tình thức, sự hiểu biết thông thường mà xét lường được. Đây là tinh thần “núi Tu Di nằm trong hạt cải” hay “mười phương thế giới nằm gọn trên đầu ngọn cỏ”.
“Đồng an trụ trong pháp hội bình đẳng của Như Lai”: Câu này có hai ý nghĩa: Thứ nhất, trong pháp hội của Phật, tất cả mọi người đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp, không có sự khác nhau giữa “nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ”. Lời thuyết pháp của Phật như một trận mưa, tùy theo loại cỏ cây lớn nhỏ mà được thấm nhuần khác nhau. Tùy trình độ tu tập, tùy căn tánh của mỗi người trong pháp hội mà có sự thâm hiểu khác nhau, còn bản ý của Phật chỉ là bình đẳng. Đây là ý nghĩa trên sự tướng. Ý nghĩa thứ hai, là lấy tánh Viên Giác làm chỗ y cứ để nói kinh, để người học kinh thể nhập được. Người nói kinh và người học kinh đều lấy tánh Viên Giác làm tự thể, đây là chỗ bình đẳng giữa Phật và chúng sanh, cũng là ý nghĩa về lý tánh.
Tóm lại, trong pháp hội kinh Viên Giác này, Phật là người nói, hội chúng là người nghe đều là hàng Bồ tát cỡ lớn và quyến thuộc của các Ngài, nhưng không có hàng Nhị thừa câu hội. Chúng ta nên biết, các vị A--la-hán và Duyên Giác không lấy Viên Giác làm chỗ sở chứng. Kinh Viên Giác lại là một bản kinh chuyển tiếp mạnh mẽ từ Tiểu thừa sang Đại thừa để mở đường cho Nhất thừa, nên đi thẳng vào chỗ hạnh nguyện và chỗ sở tu của Bồ tát mà phá cái sở tu và hạnh Nhị thừa. Kinh này khác kinh Pháp Hoa, dù cũng là kinh điển Đại thừa, vì Pháp Hoa thì đưa cả ba thừa quy về Nhất thừa (Hội tam quy nhất), nên Bồ tát, Thanh Văn và Duyên Giác đều là thính chúng trong pháp hội này. Điều này cho thấy, tùy theo căn cơ trình độ của người nghe, mà người thuyết giảng nên nói pháp cho phù hợp. Bởi vì pháp lớn có triết lý rất uyên thâm, mà khi đi vào lý luận thì người có căn cơ nhỏ nghe như khô khan lắm, không thấu hiểu được. Đó cũng là lý do vì sao khi mới học Phật, chúng ta cần học những bài căn bản trước, sau đó mới đến những kinh điển cao siêu, từ đó chúng ta mới bắt nhịp được những điều sâu mầu trong giáo lý tối thượng của đạo Phật.