(Mūlapariyāya Sutta)
Tỳ kheo Chánh Minh
A- DUYÊN KHỞI
Khi trú ngụ tại Ukkaṭṭhā, trong rừng Subhaga, dưới cội đại thọ Sa-la, Đức Thế Tôn thuyết giảng lên kinh này để nhiếp phục sự ngã mạn của 500 vị Tỷ kheo dòng Bà la môn thuộc bộ tộc Licchavī.
B- TÓM LƯỢC BÀI KINH.
Nội dung kinh này nêu lên:
*- Bốn hạng người:
1- Kẻ phàm nhân (puthujjana).
2- Thánh Hữu học (sekkhā).
3- Thánh Lậu tận A La hán (arahaṃ khīṇāsava).
4- Đấng Như Lai (Tathāgato).
*- Hai mươi bốn vấn đề:
- Đất, nước, lửa, gió (4 vấn đề này thuộc về sắc pháp).
- Chúng sanh, chư thiên, Phạm thiên, sanh chủ, Quang Âm thiên, Biến tịnh thiên, Quảng quả thiên, Thắng giả (8 vấn đề này thuộc pháp nhân chế định – puggala paññatti, hay thuộc về danh - sắc pháp).
- Bốn tầng thiền Vô sắc giới, sở kiến, sở văn, sở xúc, sở tri, đồng nhất, sai biệt, tưởng tri tất cả (đồng- dị), tưởng tri Níp-Bàn (12 vấn đề thuộc danh pháp).
Kẻ phàm phu vì không thân cận bậc thánh, lại do tưởng tượng từ 24 vấn đề, nên từ đó sanh khởi thân kiến. Gốc rễ của thân kiến chính là ái, mạn và tà kiến.
Bậc Thánh hữu học, không còn tưởng sai biệt, đối với 24 vấn đề trên các ngài tuy chưa thông suốt nhưng tâm không còn tưởng sai biệt dẫn dắt khiến phải rơi vào thân kiến.
Bậc Thánh A la Hán đã thông suốt 24 vấn đề trên, các Ngài không còn bị tưởng chi phối. đã nhìn thấy đúng thực tướng pháp, các ngài đa đoạn tận ái, mạn do tưởng tạo ra.
Đấng Như Lai, ngoài sự nhận thức đúng như vị Thánh A la hán, Ngài còn biết rõ trọn vẹn 24 vấn đề trên sanh lên do nhân gì? Và chúng sẽ diệt mất do nhân gì, chúng hiện bày có những hình thức như thế nào?.... Đức Thế Tôn liễu tri tất cả như thế đó.