Nhà Như Lai, Áo Như Lai, Tòa Như Lai

25/05/201012:00 SA(Xem: 21093)
Nhà Như Lai, Áo Như Lai, Tòa Như Lai

LƯỢC GIẢNG KINH PHÁP HOA
Hoà Thượng Thích Thiện Siêu
Tu Viện Kim Sơn ấn hành PL. 2542-1998

 

NHÀ NHƯ LAI, ÁO NHƯ LAI, TÒA NHƯ LAI 

Pháp Hoa là một bộ kinh rất cao quý, tóm thâu tất cả giáo lý mà Phật đã dạy cho đệ tử suốt 45 năm. Trước khi thuyết kinh này, vì căn cơ các hàng đệ tử không đồng, Ngài đã dùng nhiều phương tiện để dẫn dắt họ dần dần đến Nhất thừa đạo. Đến khi căn cơ chúng sanh đã thuần thục, Phật mới nói thẳng đạo Nhất thừa. Nhất thừa đạo không có nghĩa là phủ nhận tất cả những pháp môn phương tiện mà Phật đã nói trước đây, mà chỉ muốn nói rằng, những pháp môn trước kia là những nấc thang, những phương tiện để giáo hóa chúng sanh vào Nhất thừa. Như y sĩ sau khi đã hiểu rõ căn bệnh, hiểu rõ thuốc chữa bệnh, cách chữa bệnh, mới cho bệnh nhân dùng thuốc này thuốc khác. Đức Phật cũng thế, với trí tuệ, Ngài chữa lành mọi căn bệnh của chúng sanh, tuỳ căn cơ mà dùng phương tiện này khác, chứ không phải đem tất cả thuốc cho uống một lúc. Chẳng hạn khi người đau bụng, y sĩ bảo kiêng sữa và cho các thuốc trị đau bụng, sau đó khỏi bệnh, y sĩ lại bảo uống sữa để thêm sức. Nếu bệnh nhân không biểu biết, thì sẽ bảo y sĩ trước sau bất nhất, trước bảo không uống sau lại bảo uống. Phật cũng thế, trước chỉ nói pháp Tứ đế, Nhân vô ngã... để chúng sanh giải thoát sanh tử luân hồi. Khi ngã chấp đã được phá trừ mà pháp chấp chưa trừ thì giác ngộ chưa được rốt ráo, do đó Phật lại dạy thêm, phá trừ pháp chấp để giải thoát hoàn toàn. Nhưng có hàng đệ tử lại nghĩ, trước Phật đã dạy lý Tứ đế để tu chứng Niết-bàn, bây giờ lại nói đó chỉ là phương tiện, còn có pháp Nhất thừa cao hơn nữa. Như vậy là Phật nói trước khác, sau khác, vì nghĩ thế nên trong hội Pháp Hoa, có 5000 Tỳ-kheo tăng thượng mạn bất tín đứng dậy đi ra. Nhân đấy đủ biết, kinh Pháp Hoa là một bộ kinh tối thượng thừa, Phật nói để đưa đệ tử đến Nhất thừa đạo, để ngộ nhập Phật thừa, chỉ dành cho hạng căn cơ đã thuần thục. Cho nên ai viết chép, thọ trì, giảng nói được kinh này thì người ấy công đức vô lượng. Nếu không nhờ có lòng tin lớn, do trồng căn lành từ vô lượng kiếp thì khó mà làm được việc này.

Trong khi đọc tụng giảng nói Pháp Hoa, người ấy ít nhất phải có hiểu biết, thực hành, theo lời kinh dạy thì mới được lợi ích cho người nghe, cũng như người nói, nếu không, sự thọ trì đọc tụng, giảng nói không có lợi nhiều. Như trong pháp hội của đức Lục tổ Huệ Năng, có vị thầy Pháp Đạt một hôm đến tham bái, đảnh lễ Tổ ba lạy mà đầu không sát đất, Tổ quở: Lạy là để phá trừ kiêu mạn, tỏ lòng cung kính, lạy mà đầu không chấm đất chắc trong lòng còn ôm giữ một điều gì ? Pháp Đạt nói: Tụng kinh Pháp Hoa đã được 3000 bộ mà chưa thấy đạo. Tổ dạy: Dù có tụng ba vạn bộ đi nữa mà không hành thì cũng vô ích. Nếu hành được tinh thần Pháp Hoa thì sẽ cùng tôi sánh vai mà đi. Kinh Pháp Hoa đã dạy một hạnh khiêm tốn nhẫn nhục qua điển hình ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh, một vị Bồ-tát mà ra đi gặp ai cũng cung kính cúi đầu nói: "Tôi rất kính trọng các ngài, không dám khinh mạn vì các ngài thực hành đạo Bồ-tát sau sẽ thành Phật". Có người nghe thì hoan hỶ vì cho đó là lời chúc tụng. Có người nghe cũng dửng dưng vì không hiểu Ngài muốn nói gì. Nhưng có người nghe thì nổi sân vì cho rằng Ngài chọc tức mình, nên mắng nhiếc đánh đập, nhưng Ngài vẫn giữ một tâm niệm bình thản đối với tất cả mọi người vì Ngài biết rõ mọi người đều có Phật tánh, biết người nào nghe Kinh Pháp Hoa đều sẽ thành Phật, vì kinh dạy: "Nhược hữu văn pháp giả, vô nhất bất thành Phật". Tất cả chúng sanh, hoặc trong hiện tại, hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, thế nào cũng có lần nghe kinh Pháp Hoa, mà đã nghe được thì sẽ có ngài thành Phật. Vì biết rõ như vậy, nên Ngài cung kính tất cả. Lý do thứ hai khiến Ngài cung kính, kính họ là kính sự hiểu biết của mình, sự hiểu biết đó là mỗi chúng sanh đều có Phật tánh. Thứ ba cung kính họ tức là cung kính lời Phật dạy, phải khiêm cung với tất cả mọi người. Nếu mình khinh người, tức là khinh lời đức Phật dạy, mà cũng khinh luôn cả sự hiểu biết của mình. Điển hình Bồ-tát Thường Bất Khinh ấy đủ làm cho chúng ta từ bỏ tâm kiêu mạn, và thay vì nói bậy, hí luận vô ích, thả tâm ý tán loạn quàng xiên, thì tụng Kinh, chừng ấy cũng được lợi lạc. Nhưng nếu không phá trừ kiêu mạn, thực hành hạnh khiêm cung thì mất rất nhiều công đức của việc tụng đọc. Tụng kinh mà còn cần chú ý học hỏi để thực hành tinh thần Kinh, huống chi giảng nói cho người. Tự tụng đã khó, đem nói cho người lại càng khó hơn. Cho nên đức Phật dạy, ai giảng nói Kinh này, người ấy đã trồng căn lành từ nhiều kiếp. Nhưng muốn cho sự giảng nói kinh này viên mãn lợi ích cả mình lẫn người, thì người giảng nói cần hội đủ ba đức tính như phẩm Pháp sư trong kinh đã dạy. Đó là ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai.

Chúng sanh ở trong tam giới là một cái nhà do nghiệp mình tạo ra, đó là những nghiệp hữu lậu, tham sân si phiền não. Bây giờ người muốn nói kinh Pháp Hoa thì đừng ở trong nhà đó, mà phải lấy tâm từ bi làm nhà. Từ là cho niềm vui, bi là cứu nạn khổ. Cho vui khi thấy chúng sanh yên lành, cứu khổ khi thấy chúng sanh đau khổ. Như ba mẹ thấy con vui khỏe mạnh thì cho thêm áo, giầy... làm cho nó vui hơn, hay hoan hỶ với nó, đó là lòng từ. Nhưng khi nó đau ốm thì săn sóc, cho thuốc men, cơm cháo là bi. Đức Phật cũng vậy, đối với chúng sanh đã có nghiệp quả tốt, Ngài dùng Từ để giáo hóa, vì cái tốt trong tam giới chưa phải giải thoát, nên Ngài đem những thiện pháp xuất thế khiến cho họ tiến tu, đó là lòng Từ. Nhưng đối với những chúng sanh bị nghiệp chướng đau khổ trói buộc, thì Phật dùng những pháp môn dạy chúng ta tu để trừ nghiệp chướng, để hết đau khổ, đó là Bi. Nhưng thực hiện lòng từ bi đó không phải một ngày, hai ngày mà thành được. Kinh đã chia ra ba cấp bực từ bi là:

1. Chúng sanh duyên từ.

2. Pháp giới duyên từ, hay đồng thể đại bi.

3. Vô duyên từ hay Vô duyên đại từ.

Chúng sanh duyên từ: Là lòng từ bi còn tướng đối đãi, có duyên mới phát khởi, ví dụ có thấy chúng sanh đau khổ mới phát lòng thương, khi cảnh khổ qua rồi thì tâm từ bi cũng lặn mất. Lòng từ bi có sinh diệt đối đãi ấy, gọi là chúng sanh duyên từ.

Pháp giới duyên từ: Là Phật, Bồ-tát thấy rằng tất cả chúng sanh sinh tồn đều có tương quan mật thiết với nhau. Ví dụ: Một người đi buôn, một người làm ruộng, một thầy giáo, một học sinh, một người nội trợ... Những người này nếu nhìn một cách phiến diện, chúng ta thấy họ không tương quan gì với nhau, vì mỗi người làm một công việc. Nhưng sự thật thì tất cả những người ấy đều có tương quan sinh tồn, giúp đỡ lẫn nhau. Hiểu được như vậy, thì không còn cái tánh bất chấp quyền lợi chung mà bảo vệ quyền lợi riêng rẽ. Cái biết của chúng ta hiện tại, chẳng hạn như biết làm toán, là nhờ những người trong quá khứ hoặc đã qua đời, hoặc đã đi chỗ khác. Đức Phật tuy đã diệt độgiáo lý của Ngài vẫn còn tác dụng giúp chúng sanh giác ngộ, vẫn là một duyên lành, một làn gió mát cho những ai thực hành theo. Như vậy, giữa Phật và chúng sanh, giữa những người trong một quốc gia hay rộng hơn, nhân loại trên thế giới, suy cho cùng đều có tương quan với nhau, gọi là trùng trùng duyên khởi, hay pháp giới, tức là cái nguyên lý nương nhau mà thành tựu. Căn cứ trên lý "Pháp giới trùng trùng duyên khởi" đó mà phát lòng từ bi thì gọi là pháp giới duyên từ, hay đồng thể đại bi. Lý trùng trùng duyên khởi này luôn luôn hiện hữu nơi sự vật, chúng không bao giờ gián đoạn, hay có hạn lượng, nên từ bi căn cứ trên đó cũng không có sinh diệt, hạn lượng, không phân biệt mình người, thân, sơ, loài người hay loài vật. Hoặc mình có Phật tánh, các người khác, chúng sanh khác cũng đều có Phật tánh. Mình và người khác, chúng sanh khác tuy cách biệt sang hèn nhưng Phật tánh thì vốn đồng nhất thể. Cũng như cánh tay mặt, cánh tay trái, tuy khác nhau nhưng đồng một thân thể. Vậy khi cánh tay trái bị thương, tay phải xức thuốc là dựa trên tính đồng nhất thân thể đó mà làm, chứ không phải phân biệt bỉ thử. Đồng thể đại bi cũng vậy.

Cao hơn tất cả là Vô duyên từ: Là lòng từ bi hoàn toàn không dựa vào một lý lẽ nào để phát khởi, không chờ đợi đối tượng, vô điều kiện. Như mặt trời chiếu sáng, không tính toán lựa chọn chỗ này thì chiếu xuống, chỗ kia không chiếu xuống. Hai đức từ bi sau này bao la như vũ trụ của chư Bồ-tát và Phật, còn Phật tử chúng ta thì chỉ thực hành chúng sanh duyên từ, nhưng đấy cũng là những mục tiêuchúng ta mong mỏi hướng đến, để sau này cũng sẽ có được pháp giới duyên từ và vô duyên từ như chư Phật và Bồ-tát.

Tâm từ bi là cái "Nhà Như Lai", trong đó người nói kinh Pháp Hoa phải ở mới nói kinh được viên mãn. Đó là điều kiện thứ nhất.

Điều kiện thứ hai, là "Mặc áo nhu hòa nhẫn nhục". Đã được tâm từ bi nhưng cần phải phô diễn cách nào? Cần phải có đức tánh mềm mỏng, ái ngữ, chứ không phải chỉ cần có tâm từ bi là được, rồi cứ việc nói lời khó chịu, thái độ gay gắt. Có những bà mẹ thương con, nhưng cũng chính vì lòng thương đó, mà thường đánh mắng nó, không nói lời ôn tồn dạy dỗ, hay thầy giáo vì thương học trò mà đánh đập khi nó làm bài sai... Lòng từ bi thiếu mềm mỏng đó thường dễ gây đau khổ. Vậy ngoài đức từ bi cần phảiái ngữ làm cho mọi người ưa mến thích nghe. Kinh Pháp Hoakinh tối thượng thừa, nan tín nan giải, nếu nói bằng lời thô bạo, cứng cỏi, thì chúng sanh làm sao nghe lọt lỗ tai được. Như viên thuốc chữa bệnh rất hay mà quá đắng, thì phải bọc một lớp đường, mới cho trẻ uống được. Chúng sanh đối với Phật Pháp cũng như trẻ con vậy. Thuốc Pháp Hoa là thuốc đắng tối thượng thừa, nếu không bọc một lớp đường nhu hòa nhẫn nhục thì khó mà đem cho chúng sanh uống được.

Suốt đời đức Phật luôn luôn nhu hòa nhẫn nhục. Như có lần đi khất thực, Ngài gặp một người ác cản chận lại mắng rủa. Ngài vẫn im lặng đứng lại để nghe ông ta nói xong, rồi ôn tồn hỏi: Ở nhà ngươi chắc cũng có khi bà con đến thăm chứ? Người ấy đáp: Có chứ sao không. Ngài hỏi tiếp: Mỗi lần họ đến thăm chắc cũng có khi ngươi dọn quà bánh mời ăn? Có. Và nếu họ không ăn thì phần quà ấy về ai? Người kia đáp: Thì về tôi chứ ai. Khi ấy đức Phật bảo: Cũng thế, nãy giờ ngươi dùng lời thô bỉ mắng Ta, mà Ta không nhận thì những lời ấy hẳn trở về ngươi. Vậy Ta khuyên ngươi đối với ai cũng không nên dùng lời thô bỉ mà nên dùng lời hòa nhã. Nhờ nhu hòa nhẫn nhục mà Phật đã khai hóa cho người ấy. Vì người mắng mình bao giờ cũng mang một thành kiến, hoặc vì thấy bộ tịch mình mà họ không ưa, hoặc vì việc làm của mình động chạm đến quyền lợi của họ, hoặc vì họ nghe lầm, nghe xuyên tạc về mình. Muốn thoát khỏi cảnh sân si, tật đố, cần phải nhu hòa nhẫn nhục mới bình tĩnh để đối phó, chứ mình nóng nảy đáp lại thì không khác gì đổ dầu thêm vào lửa. Nhưng nhẫn nhục của đức Phậtnhẫn nhục trong trí tuệ sáng suốt, nhẫn để giáo hóa, như khi Ngài hỏi lại kẻ đã mắng nhiếc mình. Đức nhẫn này rất cần để vượt mọi khó khăn.

Nhẫn có ba thứ:

1. Nại oán hại nhẫn: Nhẫn trước lời sỉ nhục thù hằn, chuyên gây khó khổ của loài người khác đối với mình.

2. Kham thọ khổ nhẫn: Nhẫn đối với những vật vô tình đem lại thọ khổ cho chúng ta như nóng, lạnh, đói, khát. Nếu người hành đạo nửa chừng bỏ tu vì không chịu nổi những chướng duyên này, ấy là vì không kham nhẫn.

3. Vô sanh pháp nhẫn: Cái nhẫn cao nhất. Vì biết các pháp vốn vô sanh. Đã vô sanh thì lời mắng nhiếc sỉ nhục của người ta nói với mình cũng vô sanh. Ví dụ câu nói: "Anh là đồ ngu", mỗi đơn từ không phải lời mắng, chỉ vì chúng ta đem tâm phân biệt so đo ráp nó lại, chấp cái vô sanh làm sanh, nên mới khó chịu. Nếu biết rõ thực tính của nó là vô sanh, thì nó không thành một lời mắng, lấy đâu mà giận mà khổ. Mọi sự khác cũng vậy, đều vô sanh. Tin được điều đó thì không thấy có điều nhục đế mà nhẫn gọi là vô sanh pháp nhẫn.

Cuối cùng điều kiện thứ ba của người giảng kinh là phải ngồi Toà Như Lai: Ngồi là an trú, tòa Như Lainhất thiết pháp không, "không" đây có nghĩa là vô tự tánh của các pháp. Tất cả các pháp đều vô tự tánh, vì vô tự tánh nên bất khả đắc chứ không phải hoàn toàn là trống không. Đức Phật an trú trong chân không đó nên gọi là ngồi tòa Như Lai. Kinh Kim Cương nói: "có bao nhiêu chúng sanh Ta đều độ cho nhập vô dư Niết-bàn, diệt độ vô số vô biên chúng như vậy mà thật không thấy có chúng sanh nào được độ". Trọn đời Ngài độ sinh mà không thấy có chúng sinh nào được độ, nên sự thuyết pháp độ sinh mới viên mãn. Vì nếu cứ trên mặt giả tướng mà nhìn, thì thấy chúng sanh nhiều vô cùng vô tận, biết đời nào độ cho hết? Nhưng đức Phật ở trong vô tự tánh, trong vô sanh của các pháp mà nhìn, nên không còn thấy tướng chúng sanh, lấy đâu có nhiều có ít? Cho nên Ngài nói pháp cho một người nghe thì cũng như nói cho nhiều người, vì Ngài đem tâm giác ngộ tâm bình đẳng mà nói pháp. Đứng trên tâm niệm bình đẳng đó, thì dù chỉ có một người nghe, Ngài cũng không phiền muộn. Có nhiều người theo, Ngài cũng không hớn hở. Chúng sanh nghe mà hoan hỶ phấn khởi, Ngài cũng không lấy đó làm mừng. Nghe mà uể oải nhác nhớm Ngài cũng không bực bội. Nghe mà dửng dưng Ngài cũng không chấp trước. Thái độ bình đẳng giải thoát đó của đức Phật đối với ba hạng người nghe pháp như thế, gọi là ba niệm đại bi. Nhờ Ngài đã ngộ nhất thiết pháp không, an trú trong đại bi tâm niệm đó, nên Ngài mới có thể nói pháp độ sanh suốt 45 năm, nếu không, việc giáo hóa độ sanh sẽ bị những người biếng nhác giải đãi, người không ưa, làm cho Ngài chán nản.

Tóm lại, ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai là ba đức tính, ba điều kiện để việc đọc tụng, giảng nói kinh Pháp Hoa được rốt ráo viên mãn.

Hòa thượng Thích Trí Thủ trì tụng kinh Pháp Hoa đã có lời nguyện như sau:

"Một lòng kính lạy Phật đà,

Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai,

Con nguyền mặc áo Như Lai,

Con ngồi pháp tọa Như Lai muôn đời".

Phật tử chúng ta trì tụng kinh Pháp Hoa cũng nên noi gương Hòa thượng phát nguyện ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, để cho việc đọc tụng biên chép thọ trì kinh Pháp Hoa được viên mãn lợi ích vậy.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 58737)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.