- Lời Mở Đầu
- Phần Giới Thiệu
- 01. Phẩm Tựa
- 02. Phẩm Phương Tiện
- 03. Phẩm Thí Dụ
- 04. Phẩm Tín Giải
- 05. Phẩm Dược Thảo Dụ
- 06. Phẩm Thọ Ký
- 07. Phẩm Hóa Thành Dụ
- 08. Phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký
- 09. Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký
- 10. Phẩm Pháp Sư
- 11. Phẩm Hiện Bảo Tháp
- 12. Phẩm Đề Bà Đạt Đa
- 13. Phẩm Khuyên Trì
- 14. Phẩm An Lạc Hạnh
- 15. Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất
- 16. Phẩm Như Lai Thọ Lượng
- 17. Phẩm Phân Biệt Công Đức
- 18. Phẩm Tùy Hỷ Công Đức
- 19. Phẩm Pháp Sư Công Đức
- 20. Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát
- 21. Phẩm Như Lai Thần Lực
- 22. Phẩm Chúc Lụy
- 23. Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- 24. Phẩm Diệu Âm Bồ Tát
- 25. Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- 26. Phẩm Đà-la-ni
- 27. Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- 28. Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Phần Tổng Luận
- Phần Phụ Lục
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012
Chương Thứ Năm
Phẩm DƯỢC THẢO DỤ
Download Giọng Đọc: Nguyên Hà & Mỹ Ngân
Dược là thuốc trị bệnh, thảo là thảo mộc (cỏ khô) cũng ví như chúng sinh thế tục. Ở đây, đức Phật lại đưa ra một thí dụ nữa lấy dược thảo là những cây thuốc làm ví dụ để chửa bệnh thân và tâm của chúng sinh. Ngày xưa không có thuốc chế bằng chấc hóa học như thuốc Tây ngày nay, mà bằng những rễ cây khô đủ loại thường được hiểu là thuốc Nam hay thuốc Bắc.
Trong phẩm Tín Giải, các Tôn giả Đại Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề và Ca Chiên Diên trình bày sự kính mộ về lòng đại từ bi và năng lực thiện xảo của đức Phật qua ẩn dụ về anh chàng Cùng khổ. Các ngài thấu hiểu đức Phật dùng phương tiện để dẫn dắt chúng sinh tùy theo khả năng và trình độ thể chứng của họ, nhưng cứu cánh vẫn là Nhất thừa Phật đạo.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo ông Ca-diếp và các đại đệ tử:
-Tốt lắm, Ca-diếp ! Ông khéo nói được công đức chơn thật của Như Lai. Đúng như lời các ông, Như Lai còn có vô lượng vô số công đức khác, dù các ông có nói suốt ức kiếp đi nữa cũng không hết được.
-Ca-diếp, nên biết ! Như Lai là vua của các pháp, nói ra lời gì đều không sai không dối. Đối với tất cả các pháp Phật dùng sức trí tuệ và phương tiện mà diễn nói. Pháp Phật nói phát xuất từ “Nhất thiết chủng trí”. Như Lai biết chỗ quy thú của tất cả pháp; rõ biết tâm hành của chúng sanh và thường đem trí tuệ mà chỉ bày cho.
Trong mười đại đệ tử Phật, Tôn giả Phú Lâu Na là vị giảng sư rất nổi tiếng. Mỗi khi đức Phật thuyết ngắn gọn hoặc khó hiểu thì tôn giả giảng giải rộng nghĩa cho tất cả mọi người. Vì thế ngài rất nổi tiếng là người nói pháp rất giỏi và rất dài nên được đức Phật công nhận là đệ nhất thuyết pháp. Tôn giả thuyết pháp siêu tuyệt như thế không phải là do ngài có khoa ăn nói, cũng không phải là ngài phải có kiến thức thâm sâu về Phật pháp mà Tôn giả có khả năng quán căn cơ của mình. Quán căn cơ ở đây là thấy biết được căn cơ, chủng tánh của đối tượng nghĩa là khả năng và kiến thức của đối tượng tới mức nào thì ngài chỉ thuyết đến mức đó, không thiếu không thừa. Đối tượng có kiến thức thấp thì không nói cao làm họ chới với, đối tượng cao thì không nói thấp khiến họ chán nản.
Sự phát triển trí tuệ dựa theo Phật giáo Đại thừa là tùy theo khả năng nhận biết chân tướng của nhân sinh vũ trụ.
1)Đối với phàm nhânthì họ nhìn cuộc đời, thế gian vũ trụ bằng nhục nhãn tức là bằng đôi mắt thịt nghĩa là cái gì có hình sắc, kích thước, âm thanh, mùi vị…thì họ cho là thật. Họ tin thân mình là thật nên còn chấp ngã, tin thế gian vũ trụ là thật nên còn chấp pháp. Vì còn chấp ngã, chấp pháp nên tham-sân-si, mạn nghi, tà kiến phát tác mà tạo ra nghiệp để phải chịu quả khổ đời đời.
2)Nhất Thiết Trí: Các vị Thanh văn không nhìn đời bằng nhục nhãn như phàm nhân mà họ nhìn thế gian bằng Pháp nhãn. Họ thấy thân mình là không thật, là tạm bợ, là dơ dáy, là cội nguồn của những nỗi khổ nên họ cố tu để chứng đắc giải thoát Niết bàn. Chẳng những nhìn thân mình không thật mà họ còn nhìn cả thế gian vũ trụ cũng không thật nên chán ngán cuộc đời và tránh xa bụi trần ô nhiễm. Vì thế hàng Thanh văn không còn chấp Ngã tức là có Ngã Không, nhưng vì còn thấy có pháp môn để tu, có Niết bàn để chứng, có đạo quả Bồ-đề để đắc nên họ vẫn còn chấp Pháp tức là Pháp có. Cho nên cái trí tuệ của họ không phải là trí tuệ giải thoát tự tại mà vẫn còn dính mắc của Pháp nên trí tuệ nầy là Nhất Thiết Trí.
3)Đạo Chủng Trí: Đối với các vị Bồ-tát thì họ nhìn thế gian vũ trụ bằng Tuệ nhãn tức là họ hành thâm bát nhã ba-la-mật để thấy rằng ngũ uẩn là không. Dưới mắt của họ thì thế gian vũ trụ là do duyên khởi tạo thành nên tất cả đều là giả huyễn, là không thật, là Không. Vì ta là giả, là không thật nên họ có ngã không. Ta không thật thì người và thế gian vạn vật cũng không thật nên họ có pháp không. Vì thế dưới mắt của Bồ-tát thì thế gian vũ trụ là Không. Mặc dù biết thế gian là Không, nhưng Bồ-tát vẫn còn chấp cái Không nên tâm không được hoàn toàn tự tại và trí tuệ chưa hoàn toàn sáng suốt triệt để nên cái trí tuệ nầy gọi là Đạo Chủng Trí.
4)Nhất Thiết Chủng Trí: Hàng Thanh văn thì chấp “Pháp Có” và các vị Bồ-tát thì vẫn còn chấp “Không”. Nếu bây giờ bỏ được chấp Pháp có và chấp Không tức là không còn chấp có pháp môn để tu, có Niết bàn để chứng, có quả vị Bồ-đề để thành và không còn chấp thế gian vũ trụ là Không thì có được trí tuệ viên mãn, dung thông tự tại mà nhà Phật gọi là Nhất Thiết Chủng Trí. Nhất Thiết Chủng Trí thì thấy vạn pháp là Có nhưng không phải là Có thật, còn Không nhưng không phải là không của cái trống không. Vì vạn pháp do nhân duyên hòa hợp nên vạn pháp sanh và khi nhân duyên tan rã chia ly thì vạn pháp diệt. Thế thì vạn pháp do nhân duyên hòa hợp nên sanh sanh diệt diệt, diệt diệt sanh sanh mà người được Nhất Thiết Chủng Trí thì luôn luôn tự tại trước sự sanh diệt, diệt sanh của hiện tượng vạn pháp nên không cần phải tiêu cực như hàng Thanh văn và cũng không cần phủ nhận tất cả như các vị Bồ-tát mà phải thấy vạn pháp nầy có mà không phải có thật. Mặc dầu không phải có thật mà hiện giờ nó vẫn có vì thế nên người có Nhất Thiết Chủng Trí làm bất cứ cái gì cần làm để giúp đở cho tất cả chúng sinh mặc dù chúng sinh là không có thật. Đây chính con đường trung đạo dung thông giữa cái Có và cái Không và chỉ có Phật mới đạt được cái trí tuệ nầy.
Đức Phật xác định với Tôn giả Đại Ca Diếp rằng Ngài là vua của các Pháp. Lời nói của Như Lai là chân thật, không bao giờ hư dối nghĩa là nói có là thật, nói không cũng là thật, nói Tiểu thừa là thật mà nói Đại thừa cũng là thật. Đối với tất cả các pháp, đức Phật luôn dùng trí tuệ, dùng phương tiện thiện xảo mà diễn bày chánh pháp, nhưng tựu trung vẫn nhắm thẳng vào một mục đích tối hậu là đưa người tu đạt được nhất thiết trí. Đức Phật là bậc toàn giác nên Ngài biết nguyên nhân nào dẫn dắt chúng sinh đi trong vòng sinh tử luân hồi, nhân nào đưa chúng sinh đến chỗ giải thoát Niết bàn. Ngài quán thấy tận cùng cội nguồn của các pháp hữu vi sinh diệt và pháp vô vi thanh tịnh bất sanh bất diệt xuất thế gian. Từ đó Ngài thấy biết rất rốt ráo rõ ràng tâm sở hành của chúng sinh tức là nguyện vọng sở cầu của chúng sinh cho nên việc độ sinh không bị chướng ngại. Vì thế Ngài mới là vua của các pháp, là bậc y Vương, là bậc đáng được thế gian tôn kính.
-Ca-diếp! Ví như trong cõi tam thiên đại thiên đất đai sông núi sanh ra cây cối lùm rừng và các thứ cỏ thuốc, chủng loại, tên gọi, màu sắc đều khác. Một vầng mây đen, bủa giăng trùm khắp và mưa xuống khắp nơi nhuần thắm. Cây cối, lùm rừng, các thứ cỏ thuốc, cây lớn, cây vừa, cây nhỏ, thứ nên thuốc, thứ không nên thuốc, tùy hạng thượng, trung, hạ mà hấp thụ nước khác nhau. Một vầng mây tuôn mưa, tùy giống loại mà sanh trưởng, đơm bông kết trái. Dù một cõi đất sanh, một trận mưa thấm mà cây cỏ đều sai khác.
Thế giới chúng ta đang sống nằm trong Thái Dương Hệ chỉ có một mặt trời, một mặt trăng, một núi Tu Di, bốn châu thiên hạ. Một ngàn thế giới như thế là một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới trở thành trung thiên thế giới và sau cùng một ngàn trung thiên thế giới mới thành một đại thiên thế giới. Thế mà kinh nói trong cõi tam thiên đại thiên thế giới nghĩa là có đến ba ngàn tỷ thế giới chúng ta đang sống.
Ở trong sơn, hà, đại địa, mặt đất sinh ra đủ loại cây cối, hoa, cỏ màu sắc, tên gọi khác nhau. Tinh thần Pháp Hoa là tinh thần bình đẳng cho nên Phật ví dụ ở đây cũng thế. Cho dù thế giới có rộng biết bao, bầu trời che phủ khắp ba ngàn tỷ thế giới vẫn như nhau, mưa xuống cũng đều như nhau. Tất cả cây cối từ nhỏ đến lớn, bé nhất là những loài cỏ và to lớn như những cây đại thụ cũng từ đất sinh ra và cũng nhận nước của trận mưa rưới đều. Cây lớn có thân lớn rễ lớn thì hấp thụ nước nhiều hơn, cây nhỏ có thân nhỏ rễ nhỏ thì dĩ nhiên hấp thụ nước ít hơn. Tuy hấp thụ lượng nước ít nhiều khác nhau, nhưng tất cả cây cỏ đều phát triển hay đơm hoa kết quả như nhau. Ở đây, kinh ví dụ ba loại cây cỏ dược thảo khác nhau. Loại cây cỏ lớn ví như tâm hồn, tư tưởng của các bậc Bồ tát, những cây cỏ bậc trung ví cho tư tưởng của hàng Duyên Giác và sau cùng những cây cỏ, loại dược thảo nhỏ bé ám chỉ cho tư tưởng của hàng Thanh Văn. Cho dù có ba loại cây cỏ, loại dược thảo khác nhau từ lớn đến bé, nhưng tất cả cũng đều hưởng những giọt nước mưa như nhau mặc dầu ba loại cây cỏ đó hấp thụ nước mưa trưởng dưỡng khác nhau bởi vì căn tánh khác nhau, chủng tánh khác nhau. Thậm chí ngoài ba loại cây cỏ từ bé xíu đến to lớn ở trên còn có những loài cỏ cây không phải là dược thảo mà là những loài cỏ dại, lùm rừng ví như hạng bạc địa phàm phu cũng vẫn tiếp nhận được những giọt mưa như những loài cây khác mà không mang lại sự lợi ích gì cho thế gian nghĩa là họ cũng nghe chân lý từ đức Phật, nhưng suốt đời vẫn chìm đắm trong lục dục thất tình, lấy khổ làm vui nên lăn lộn trong sinh tử luân hồi.
Đức Phật ví dụ căn cơ của chúng sinh có cao có thấp cũng như cây cỏ có giống nhỏ giống lớn. Nhưng tất cả cây cỏ cũng từ đất sinh ra cũng như chúng sinh tuy có căn tánh bất đồng, nhưng ai ai cũng đều có Tri Kiến Phật giống y như Phật. Mưa là ám chỉ cho giáo pháp đức Phật dạy chung cho tất cả chúng sinh. Chúng sinh vì căn cơ không đồng, kẻ cao người thấp nên sự nhận biết sâu hay cạn chớ Phật pháp bình đẳng không cao không thấp. Do đó, căn cơ chúng sinh sai biệt nên pháp trở thành sai biệt. Thí dụ trong một pháp hội, vị pháp sư thuyết giảng nhưng có người nghe rất thích thú say mê còn có người buồn chán buồn ngủ. Vị pháp sư chỉ giảng một âm thanh, một đề tài tức là Phật pháp bình đẳng, nhưng sự lãnh thọ khác nhau nên kết quả không giống nhau, kẻ thích người không.
Đến đây chúng ta thấy rằng Phật quở rầy Thanh Văn, Duyên Giác mà tại sao trước đây Phật lại dạy thành Thanh Văn, Duyên Giác? Tại sai chính Phật lại tự mâu thuẩn chính mình? Đoạn kinh này giải thích rõ ràng rằng trước đây vì căn cơ chủng tánh của họ còn thấp, chưa thể hấp thụ tư tưởng Đại thừa nên Phật dùng phương tiện chỉ dạy họ thành Thanh Văn, Duyên Giác. Lý do Phật quở là vì khi các vị thành Thanh Văn, Duyên Giác thì tưởng mình đã thành tựu quả vị cứu cánh tối thượng nên không muốn tiến tu nữa. Nhưng đối với đức Phật, bản hoài và nhân duyên Ngài xuất hiện trên thế gian này là đưa chúng sinh tiến thẳng về Đại thừa để hoàn thành Phật đạo chớ không dừng lại ở Thanh Văn, Duyên Giác.
Lịch sử truyền pháp của đức Phật cũng thế, Phật pháp vốn bình đẳng không sai khác, nhưng căn tánh chúng sinh không giống nhau nên Phật mới nói pháp Thanh Văn, Duyên Giác. Nhưng cho dù là ở cung vua phủ chúa hay mái tranh nghèo của người nông phu cũng cây đại thọ trong rừng già hay cộng cỏ bé xíu bên lề đường thì cũng hấp thụ cơn mưa giống nhau. Cây lớn, cộng cỏ cũng từ đất cũng như chúng sinh vốn đã có sẵn tri kiến Phật cho nên cây lớn hấp thụ nhiều nước mưa hơn cộng cỏ, nhưng cả hai đều nhờ nước mưa mới phát triển được nghĩa là nếu không có tri kiến Phật thì không bao giờ có thể tu thành Phật. Cho dù hấp thụ nhiều nước hay ít nước vì cây lớn hay cộng cỏ cũng như Tiểu thừa hay Đại thừa, nhưng cứu cánh vẫn như nhau là tiến thẳng về Nhất thừa Phật đạo để thành Phật. Trong đạo Phật, chỉ có một vị là vị giải thoát cũng như nước mưa có một công năng là nuôi dưỡng các loài thảo mộc, làm cho mọi loài được sinh trưởng. Pháp Phật cũng thế, tuy Phật có nói tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng sinh diệt, nhưng cứu cánh rốt ráo vẫn là đưa chúng sinh thành tựu nhất thiết chủng trí tức là thành Phật.
Dựa theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, chúng sinh phải tin vào Phật tánh, vào Tri Kiến Phật, vào Chơn tâm thường trú của chính mình cho nên nếu tu hành theo lời Phật dạy là trở về với Chơn tâm, Phật tánh của mình toàn vẹn chớ Phật không cho ai cái gì hết. Vì thế đạo Phật mới gọi là đạo tự giác cho nên chúng sinh không cần phải cầu nguyện, van xin, cầu lạy ai hết bởi vì bớt được một phần phiền não có được một phần an lạc Niết bàn, hóa giải được một phần vô mình thì có được một phần trí tuệ thế thôi. Bằng chứng là trong kinh Lăng Nghiêm, khi Phật thọ trai mà các tỳ kheo không no nghĩa là Phật ăn chỉ có Phật no, còn tỳ kheo nếu muốn no thì phải tự mình đi khất thực chớ Phật không làm phép cho họ được. Cũng như cả đời Tôn giả A Nan tuy làm thị giả cho đức Phật mà không chịu tu Thiền na mà chỉ lo học rộng hiểu nhiều cho đến lúc đức Phật nhập diệt vẫn chưa chứng được Thánh quả A la hán. Do đó học Phật không thành Phật được mà học Phật để rồi thực hành mới tu chứng thành Phật được.
-Ca-diếp, nên biết ! Như Lai hiện ra đời ví như vầng mây lớn nổi lên ấy. Giữa trời, người, A-tu-la… trong ba ngàn thế giới, Phật đường hoàng tuyên bố:
-Ta là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Người chưa được độ thì làm cho được độ. Người chưa tỏ ngộ thì làm cho ngộ. Người chưa an thì làm cho an. Người chưa có Niết Bàn thì làm cho chứng. Đời nầy và đời sau Phật đều biết đúng như thật. Ta là bậc nhất thiết trí, bậc nhất thiết kiến, là bậc tri đạo, bậc khai đạo, bậc thuyết đạo. Hàng trời, người, A-tu-la đều nên đến để nghe và học pháp.
Bấy giờ có vô số chúng sanh đến với Phật để nghe pháp. Như Lai xét căn tánh thông minh hay ám độn, tinh tấn hay giải đãi, tùy cơ, vừa sức mà nói pháp, khiến các chủng lọai đều được sự lợi lành. Hiện đời được an ổn, lần lần tiến lên đường đạo, đời sau được sanh vào quốc độ thánh thiện an vui.
Đến đây chúng ta thấy hình như đức Phật vẫn còn cái “Ta” tức là tự khen mình, nhưng kỳ thật không phải như vậy chỉ vì đức Phật muốn chỉ cho chúng sinh những công đức rộng lớn của đấng Như Lai. Ngài đã làm lợi ích cho chúng sinh trong vô số kiếp mới thành Phật. Đức Phật Thích Ca cũng phải tu hành trải qua ba A tăng kỳ kiếp nghĩa là chính Ngài cũng phải thực hành Bồ-tát Vạn hạnh rốt ráo để cứu độ chúng sinh trải qua hằng hà vô số kiếp thì mới thành Phật. Vì thế Phật dạy rằng : ”Trong cõi tam thiên đại thiên thế giới này, không có nơi nào mà không có dấu chân ta và cũng không có chỗ nào mà không có xương ta để lại”. Đây mới chính thật là cuộc hành trình vô cùng vô tận với tâm nguyện cứu độ tất cả chúng sinh còn lặn hụp trong biển đời sinh tử trầm luân của chư Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đến khi đạt được đạo quả viên tròn. Do đó muốn thành tựu đạo quả Bồ-đề, chư Bồ-tát phải trải thân ra cứu độ chúng sinh trong hằng hà vô lượng kiếp thì mới thực hành Lục độ Vạn hạnh được viên mãn.
Thế nào là Như Lai? Tiếng Phạn là Thatãgata có thể chia làm hai phần: Thứ nhất nghĩa là nương theo đạo Chân như để đến Phật quả Niết bàn. Nghĩa thứ hai là từ Chân lý mà đến (như thật mà đến) và thành Chánh giác. Vì đức Phật theo Chân lý mà đến và từ Chân như mà hiện thân nên tôn xưng đức Phật là Như Lai.
-Ứng Cúng: Đáng được hưởng sự cúng dường của trời và người.
-Chánh Biến Tri: Biết vạn pháp duy tâm là chánh tri, biết tâm sinh vạn pháp là biến tri.
-Minh Hạnh Túc: Có trí tuệ quang minh, tu hành công hạnh trọn vẹn tròn đầy.
-Thiện Thệ: Đã đi đến nơi tốt lành.
-Thế Gian Giải: Thông hiểu mọi kiến giải của thế gian một cách tự tại.
-Vô Thượng Sĩ: Bậc không ai sánh bằng.
-Điệu Ngự Trượng Phu: Bậc đại trượng phu điều phục và chế ngự được tất cả chúng sinh.
-Thiên Nhân Sư: Thầy của chư thiên và loài người.
-Phật: Đấng hoàn toàn giác ngộ.
-Thế Tôn: Là bậc tôn kính ở thế gian và xuất thế gian.
Đức Phật có những đức hạnh và năng lực toàn hảo như thế khiến cho chúng sinh chưa đạt được trạng thái tâm thức tự tại khi phải đối đầu với những đổi thay của cuộc sống đạt được trạng thái tâm thức tự tại. Khiến cho người chưa được Niết bàn có được Thường, Lạc, Ngã, Tịnh tức là có được cái vui “Tịch diệt”. Đức Phật biết hiện tại, quá khứ và cảnh giới vị lai đúng như sự thật. Ngài biết mọi sự vật một cách hoàn hảo, hiểu rõ thực trạng của mọi sự vật, thấy được con đường tu đạo để khai ngộ, giảng kinh thuyết pháp, khai diễn mọi pháp môn tu hành. Những ai chưa đạt được chứng ngộ sẽ đạt được chứng ngộ ấy. Đừng nên hiểu câu kinh “Người chưa được độ thì làm cho được độ. Người chưa tỏ ngộ thì làm cho ngộ. Người chưa an thì làm cho an. Người chưa có Niết Bàn thì làm cho chứng” theo tinh thần tiêu cực là “Phật độ, Phật cho, Phật thưởng” mà nên thấu hiểu trên phương diện tích cực nghĩa là Phật giúp chúng sinh phương tiện, Phật nói giáo pháp, Phật chỉ cách tu hành để chúng sinh đạt thành cứu cánh còn thực hành hay không là tùy ở chúng sinh. Do đó, nếu chúng sinh không y giáo phụng hành, không có ngộ, không có chứng, không có Niết bàn thì họ phải chịu khổ thế thôi chớ Như Lai không hề đau khổ. Đó là có đi mới có đến, có ăn mới no chớ người khác không ăn cho mình no được. Vì thế Như Lai thương tất cả chúng sinh mà như không thương ai hết, coi như không thương ai hết mà thương tất cả. Có như thế thì tâm Ngài mới thường trụ Vô thượng Niết bàn được chứ. Bằng không, thấy người khổ mình cũng khổ theo thì làm gì còn Niết bàn. Cũng như ánh sáng mặt trời chiếu xuống thế gian, ánh sáng chiếu rọi cùng khắp mà như không chiếu cho riêng ai, không hề chiếu rọi cho ai mà chiếu soi cho tất cả.
Sau khi đức Phật nhập diệt, các đại đệ tử của Ngài ghi nhớ và 500 năm sau đó ghi chép lại thành tam tạng kinh điển truyền lại cho đời sau. Nhờ đó tuy ngay nay, chúng ta không có duyên đối diện với đức Thế Tôn, nhưng chúng sinh cũng được gặp Phật pháp. Tuy chúng ta không tỏ ngộ như người xưa, không được Niết bàn an vui vĩnh viễn như người xưa, nhưng người đệ tử Phật ngày nay cũng có những giờ phút an lạc, cũng biết buông xả vật chất giả tạm phù du mà không luống tiếc, cũng biết mở rộng tâm Bồ đề để cứu giúp chúng sinh, cũng biết hướng dẫn mọi người cùng tới chỗ an lạc tự tại. Khi tâm được tự tại thì chắc chắn thể chất cuộc sống của con người tự nhiên sẽ thay đổi tốt hơn.
Phật nói Ngài là bậc Nhất Thiết Trí tức là trí tuệ Phật biết cùng khắp tất cả. Ngài là bậc Nhất Thiết Kiến là thấy được tất cả. Ngài là bậc Tri Đạo nghĩa là người hướng đạo để dẫn chúng sinh đến nơi an lạc Niết bàn. Ngài là bậc Khai Đạo nghĩa là người mở đường cho chúng sinh nương theo đó mà đi. Ngài là bậc Thuyết Đạo tức là người nói con đường cho chúng sinh biết để đi. Vì thế chúng sinh hãy đến để nghe, nghe rồi để biết, biết rồi để tu hành mà thành tựu trí tuệ Bồ đề. Đức Thế Tôn thấu biết ai là người độn căn, giải đãi, ai là bậc thượng trí lợi căn nên Ngài tùy theo căn cơ chủng tánh của họ mà giảng nói để mọi người cùng có lợi ích. Ngài không bỏ sót một ai, người thông minh Phật độ, kẻ dại khờ Phật cũng độ, người siêng năng Phật độ, kẻ lười biếng Phật cũng độ. Cho nên bất ai đến với Phật đều có lợi lành, thân tâm được an ổn, cuộc sống thanh thoát nhẹ nhàng và dĩ nhiên tương lai sẽ vô cùng tươi sáng ví cũng như đám mưa rưới khắp tất cả cỏ cây, không phân biệt lớn nhỏ, tùy theo giống của mỗi loại mà hấp thụ và từ đó phát triển đơm hoa kết quả.
Như Lai thuyết pháp chỉ có một tướng, một vị, nghĩa là tướng giải thoát, tướng viễn ly, tướng Niết Bàn tịch diệt, quy về tướng KHÔNG, rốt ráo đến bậc “ Nhất thiết chủng trí”, vì Như Lai biết chủng tánh, thể tướng của chúng sanh nhớ gì, nghĩ gì, tu gì, nhớ thế nào, nghĩ thế nào, tu thế nào, Như Lai đều thấy biết đúng như thật, còn cây cối lùm rừng cỏ thuốc không tự biết thánh thượng, trung, hạ của nó. Phật biết như vậy, rồi xem xét tâm ưa muốn của từng đối tượng mà dắt dẫn, cho nên không dạy liền cho chúng sanh về “Nhất thiết chủng trí”.
Pháp Phật chỉ có một tướng, một vị là tướng giải thoát, vị giải thoát. Con người có khổ, có biết bao phiền não, có lặn hụp trong biển sinh tử cũng bởi vì không thể viễn ly. Mà viễn ly cái gì?
Giáo lý đức Phật là đơn giản, không phức tạp, dễ áp dụng, nhưng thực hành để thành tựu trí tuệ Bồ-đề thì không dễ đòi hỏi hành giả phải có một ý chí sắc đá để viễn ly. Viễn ly những thói hư tật xấu, viễn ly những tham đắm dục tình, viễn ly những tham vọng đê hèn, viễn ly những ý nghĩ bất thiện…Càng viễn ly thì con người càng gần với an lạc thanh tịnh Niết bàn.Khi đã biết nó là những nguyên nhân của đau khổ, là những sợi dây trói buộc thì con người chỉ cần buông xả, cắt bỏ thì đau khổ chấm dứt, phiền não tiêu trừ. Nên quán rằng thật tướng của vạn pháp là vô tướng tức là tướng Không nên lòng không dính mắc bởi vì thế gian là phù du giả tạm, có đó rồi mất đó, duyên kết là có duyên tan là mất không có chi là bền chắc cả. Vì thế tướng giải thoát là tướng lìa xa tham sân si, phiền não, chấp trước, lìa xa sắc, tài, danh, lợi. Tướng diệt là diệt sạch hết mọi vọng niệm để tâm được thanh tịnh tự tại mà hướng đến bậc Nhất Thiết Chủng Trí tức là trí tuệ viên mãn tròn đầy của đức Phật. Nhờ trí tuệ này, Ngài biết tất cả nguyên nhân, nguồn gốc của vạn pháp, của các loài từ hữu tình đến vô tình chúng sinh. Vì thế giáo lý Nhân Duyên là Chân lý của đạo Phật. Trên thế gian này không có cái gì tự nhiên mà có mà tất cả đều do nhân duyên kết hợp, tác tạo mà thành. Đó là cái này cái kia tác động, duyên khởi sinh ra cái nọ. Cứ như thế mà trùng trùng duyên khởi kiến tạo cái thế giới hữu hình này. Trong Phật giáo, nhân quả là nói về thời gian nghĩa là có nhân thì một ngày nào đó sẽ thành quả. Còn nhân duyên là nói về không gian, có nhân duyên kết tụ thì sẽ có kết quả hình thành. Khi cộng nhân quả và nhân duyên lại với nhau thì có vũ trụ tức là bao trùm gồm cả không gian vô cùng vô tận và thời gian vô thỉ vô chung.
Tuy Phật biết căn cơ chủng tánh chúng sinh, từ độn căn đến thượng trí, nên Ngài chỉ dẫn dắt từng phần chớ chưa thể đem trí tuệ của Phật ra dạy được. Một lần nữa, Phật xác định có giáo lý tam thừa chỉ là phương tiện của Như Lai, nhưng có một điều quan trọng là trong khi Như Lai dạy giáo lý tam thừa thì vẫn có mầm của giáo lý Đại thừa trong đó chỉ vì chúng sinh không hề để ý đến đó thôi.
Những gì đức Phật dạy phát xuất từ đời sống kinh nghiệm và chứng đắc của bản thân vì thế Ngài dạy chúng sinh những ý chí sắc đá, trí tuệ cao siêu, đức sống vị tha, sự thoát ly và đặc biệt là sống đời gương mẫu làm lợi ích cho mình, cho người. Con người vĩ đại đó, tấm lòng đại từ đại bi đại trí tuệ đó, phương pháp giáo dục siêu việt đó của đức Phật đã làm cho thế giới kính phục Ngài như một đạo sư siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại. Đạo Phật là đạo thực hành nên đức Phật không dạy chúng sinh những giáo lý ảo tưởng, hoang đường mà Ngài dạy những phương trình, những công thức rất thực dụng để chúng sinh tùy theo căn cơ, sở nguyện của mỗi người mà áp dụng để có thực chứng. Càng loại bỏ các lậu hoặc, các tập khí con người càng an lạc mà không cần phải cầu nguyện, cúng tếchi cả.Đức Phật khi còn tại thế đã cực lực chống đối lối cúng tế nghi lễ phức tạp của Bà la môn và tôn thờ thần thánh một cách mù quáng. Đó là một trong những nguyên nhân đạo Phật ra đời để thổi một luồng sinh khí mới vào trong xã hội phong kiến, đẳng cấp, kỳ thị của Ấn độ lúc bấy giờ. Ngài xiễn dương tình thần khách quan bình đẳng qua tư tưởng Pháp Hoa vì ai cũng đều có máu đỏ và nước mắt cùng mặn, vì ai cũng có Tri Kiến Phật giống y như Phậtcho nên thay vì kỳ thị, xua đuổi con người nên gần lại với nhau, cùng nhau xoa dịu những mãnh đời bất hạnh.
-Ca-diếp! Sự nhận thức của các ông hi hữu. Các ông đã biết rõ Như Lai tùy cơ nghi nói pháp khó tin, khó hiểu, nay mà các ông đã tin tốt và tiếp nhận tốt.
Đến đây, đức Phật tán thán các Tôn giả Đại Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Mục Kiền Liên và Tu Bồ Đề về sự hiểu biết thâm ý của Như Lai. Đó là chỗ Phật tùy cơ nghi nói pháp cho nên mới có tam thừa, nhưng cứu cánh vẩn là Phật thừa để đưa tất cả chúng sinh cùng hướng về Phật quả.
Đức tin mà Phật nói ở đây là tin vào giáo lý Phật Đà, tin vào lời dạy chân thật của đức Phật vì Ngài là người đã chứng đạo thấy cứu cánh giải thoát giác ngộ, là vị thầy cao cả và sau cùng tin rằng mình đi theo đúng con đường Phật vạch ra thì sẽ có được giải thoát giác ngộ như Phật. Vì thế giáo lý đạo Phật rất khó nghe, khó hiểu, khó tin, khó hành, nhưng nếu chúng sinh nghe được, hiểu được, tin được và hành được thì đây chính là sự cúng dường Phật, Pháp cao thượng nhất.
Bấy giờ đức Thế Tôn tuyên lại nghĩa trên bằng một bài kệ:
Ca-diếp ! Ông nên biết
Ta dùng các nhân duyên
Và nói nhiều thí dụ
Để chỉ bày đạo Phật
Đó là phương tiện của ta
Các đức Phật cũng thế
Nay ta vì các ông
Nói việc chân thật nầy
Quả chứng của Thanh Văn
Chưa phải thật diệt độ
Đạo sở hành của các ông
Phải là Bồ tát đạo
Học tu tiến lên dần
Tất cả sẽ thành Phật.
Tóm lại, bản hoài của Phật là muốn tất cả chúng sinh viên thành Phật đạo tức là thành Phật chớ không phải tu theo Thanh Văn, Duyên Giác. Mà muốn đạt thành bổn nguyện đó, chúng sinh phải trải thân hành Bồ Tát đạo, tu Lục độ Vạn hạnh viên mãn, chuyển bánh xe Đại thừa.