- Lời Đầu Sách
- Giảng Đề Kinh
- Giảng Văn Kinh 1
- Giảng Văn Kinh 2 Thập Thiện
- Giảng Văn Kinh 3 Sát Sanh
- Giảng Văn Kinh 4 Trộm Cướp
- Giảng Văn Kinh 5 Tà Hạnh
- Giảng Văn Kinh 6 Vọng Ngữ
- Giảng Văn Kinh 7 Nói Hai Lưỡi
- Giảng Văn Kinh 8 Ác Khẩu
- Giảng Văn Kinh 9 Ỷ Ngữ
- Giảng Văn Kinh 10 Tham Dục
- Giảng Văn Kinh 11 Sân Hận
- Giảng Văn Kinh 12 Tà Kiến
- Giảng Văn Kinh 13 Thập Thiện Và Bố Thí
- Giảng Văn Kinh 14 Thập Thiện Và Lục Độ Ba-la-mật
- Giảng Văn Kinh 15 Thập Thiện Và Từ Bi Hỉ Xả
- Giảng Văn Kinh 16 Thập Thiện Và Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo
- Giảng Văn Kinh 17
KINH THẬP THIỆN
GIẢNG GIẢI
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1997
VỌNG NGỮ
ÂM:
Phục thứ Long vương, nhược ly vọng ngữ, tức đắc bát chủng thiên sở tán pháp. Hà đẳng vi bát?
Nhất |
: |
Khẩu thường thanh tịnh ưu-bát hoa hương. |
Nhị |
: |
Vi chư thế gian chi sở tín phục. |
Tam |
: |
Phát ngôn thành chứng, nhân thiên kính ái. |
Tứ |
: |
Thường dĩ ái ngữ an ủy chúng sanh. |
Ngũ |
: |
Đắc thắng ý lạc, tam nghiệp thanh tịnh. |
Lục |
: |
Ngôn vô ngộ thất, tâm thường hoan hỉ. |
Thất |
: |
Phát ngôn tôn trọng, nhân thiên phụng hành. |
Bát |
: |
Trí tuệ thù thắng vô năng chế phục. |
Thị vi bát. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, tức đắc Như Lai chân thật ngữ.
DỊCH:
Lại nữa Long vương, nếu xa lìa vọng ngữ thì được tám pháp trời khen ngợi. Những gì là tám?
1. Miệng thường thanh tịnh thơm mùi hoa ưu-bát.
2. Được người đời tin phục.
3. Mở lời thành chứng, trời người kính mến.
4. Thường dùng lời êm dịu an ủi chúng sanh.
5. Được ý vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh.
6. Nói không sai lầm, lòng thường hoan hỉ.
7. Mở lời tôn trọng, người trời vâng làm.
8. Trí tuệ thù thắng không ai chế phục được.
Đó là tám công đức. Nếu hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật sẽ được chân thật ngữ của Như Lai.
GIẢNG:
Ở đây Phật dạy người nào xa lìa vọng ngữ (nói dối) thì được tám đức mà chư thiên khen ngợi:
1. Khẩu thường thanh tịnh ưu-bát hoa hương: Người không nói dối thì được quả báo tốt là miệng có mùi thơm như mùi hương hoa sen. Vậy người nào miệng thường hôi hám thì biết đời trước đã nói dối nhiều, nên mới có quả báo xấu như vậy.
2. Vi chư thế gian chi sở tín phục: Người không nói dối lúc nào cũng nói lời chân thật, thì có uy tín với mọi người, nên được người đời tín cẩn, kính phục.
3. Phát ngôn thành chứng, nhân thiên kính ái: Người không nói dối, khi mở miệng nói điều gì là có chứng tín rõ ràng, không nói mơ hồ, không nói vu vơ. Nên người, trời luôn luôn kính mến.
4. Thường dĩ ái ngữ an ủy chúng sanh: Người giữ giới không nói dối, thường dùng lời hòa nhã để an ủi người khổ đau được an vui lợi ích.
5. Đắc thắng ý lạc, tam nghiệp thanh tịnh: Người không nói dối được quả báo tốt là tâm ý lúc nào cũng an vui, thanh thản, ba nghiệp thân, khẩu, ý thường trong sạch.
6. Ngôn vô ngộ thất, tâm thường hoan hỉ: Người không nói dối thì khi nói không lầm lỗi. Nếu không lỗi lầm thì không hối hận, không buồn, thường an vui.
7. Phát ngôn tôn trọng, nhân thiên phụng hành: Người không nói dối có thần lực nơi lời nói, mỗi khi nói ra thì trời người đều tôn trọng vâng làm.
8. Trí tuệ thù thắng vô năng chế phục: Người không nói dối thì có trí tuệ thù thắng hơn mọi người, nên không ai có thể áp bức chế phục được.
Phật dạy người biết hướng về quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì khi thành Phật sẽ được chân thật ngữ của Như Lai. Tôi nhắc lại một lần nữa là, mới học qua kinh Thập Thiện thấy như thấp dễ tu. Nhưng nếu tu trọn vẹn, được trời người cung kính tôn trọng thì không phải dễ. Chỉ có một giới không nói dối mà mấy ai giữ được trọn vẹn. Quí vị thử xét lại mình xem, có ai từ thuở bé cho tới lớn chưa từng nói dối một lần không? Tôi nói để quí vị lưu ý mà tu cho chín chắn. Ngay cả người xuất gia cũng coi thường, cho đó là phương tiện nên không gìn giữ nghiêm túc. Tôi khuyên quí vị phải ráng giữ cho đúng, thà chết chớ không nói dối, dù chết mà phước đầy đủ vẫn hơn. Chỉ giữ đúng có một giới mà phước đức như thế, chúng ta không thể lơ là. Người tu dù xuất gia hay cư sĩ đều phải giữ giới. Tu không phải tu cho Phật hay tu cho người nào khác mà là tu cho mình. Đời này mình giữ giới thanh tịnh thì đời này mình được an vui, đời sau cũng được phước đức an vui. Nếu không giữ giới đời này khổ, đời sau cũng khổ. Thế nên phải biết Phật dạy chúng ta tu để được lợi ích là điều căn bản, rồi sau đó mới làm lợi ích cho người.