- Lời Đầu Sách
- Giảng Đề Kinh
- Giảng Văn Kinh 1
- Giảng Văn Kinh 2 Thập Thiện
- Giảng Văn Kinh 3 Sát Sanh
- Giảng Văn Kinh 4 Trộm Cướp
- Giảng Văn Kinh 5 Tà Hạnh
- Giảng Văn Kinh 6 Vọng Ngữ
- Giảng Văn Kinh 7 Nói Hai Lưỡi
- Giảng Văn Kinh 8 Ác Khẩu
- Giảng Văn Kinh 9 Ỷ Ngữ
- Giảng Văn Kinh 10 Tham Dục
- Giảng Văn Kinh 11 Sân Hận
- Giảng Văn Kinh 12 Tà Kiến
- Giảng Văn Kinh 13 Thập Thiện Và Bố Thí
- Giảng Văn Kinh 14 Thập Thiện Và Lục Độ Ba-la-mật
- Giảng Văn Kinh 15 Thập Thiện Và Từ Bi Hỉ Xả
- Giảng Văn Kinh 16 Thập Thiện Và Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo
- Giảng Văn Kinh 17
KINH THẬP THIỆN
GIẢNG GIẢI
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1997
THAM DỤC
Nhất |
: |
Tam nghiệp tự tại, chư căn cụ túc cố. |
Nhị |
: |
Tài vật tự tại, nhất thiết oán tặc bất đoạt cố. |
Tam |
: |
Phước đức tự tại, tùy tâm sở dục vật giai bị cố. |
Tứ |
: |
Vương vị tự tại, trân kỳ diệu vật giai phụng hiến cố. |
Ngũ |
: |
Sở hoạch chi vật, quá bản sở cầu, bá bội thù thắng, do ư tích thời, bất san tật cố. |
Thị vi ngũ. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, tam giới đặc tôn, giai cộng kính dưỡng.
DỊCH:
Lại nữa Long vương, nếu xa lìa tham dục thì được thành tựu năm món tự tại. Những gì là năm?
1. Ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ.
2. Của cải tự tại, tất cả oán tặc không cướp đoạt được.
3. Phước đức tự tại, tùy lòng ưa muốn vật dụng có sẵn đầy đủ.
4. Vương vị tự tại, đồ vật quí lạ, đều được dâng hiến.
5. Được nhiều vật thù thắng, gấp trăm lần lòng mong cầu, vì thuở xưa không bỏn sẻn ganh ghét.
Đó là năm món tự tại. Nếu hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật đặc biệt được ba cõi thảy đều cung kính cúng dường.
GIẢNG:
Ở đây Phật dạy người nào lìa tham dục thì được năm món tự tại:
1. Tam nghiệp tự tại, chư căn cụ túc cố: Tam nghiệp là thân miệng ý. Tự tại là không bị ràng buộc, không bị cái gì làm chướng ngại. Do lìa tham dục nên thân khẩu ý không bị ràng buộc hay chướng ngại, các căn: mắt, tai, mũi, lưỡi đầy đủ không thiếu bộ phận nào.
2. Tài vật tự tại, nhất thiết oán tặc bất đoạt cố: Người không tham thì được phước báo có tiền của dư thừa, dùng xài thoải mái, không bị oán tặc cướp đoạt.
3. Phước đức tự tại, tùy tâm sở dục vật giai bị cố: Người không tham thì được phước đức đầy đủ, tùy tâm ước muốn, mọi vật dụng đều có đầy đủ.
4. Vương vị tự tại, trân kỳ diệu vật, giai phụng hiến cố: Người không tham thì được phước báo là ngôi vua tự tại vững vàng, tất cả những đồ vật quí giá được người dâng hiến đầy đủ.
5. Sở hoạch chi vật, quá bản sở cầu, bá bội thù thắng, do ư tích thời, bất san tật cố: Người không tham lam được phước báo là những vật mong ước, được hơn chỗ mình mong cầu gấp trăm lần, vì thuở xưa không có lòng san tham tật đố, bỏn sẻn.
Đó là năm món tự tại của người tu giữ giới không tham dục. Đây nói cho dễ hiểu là hạn chế lòng tham tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Nếu muốn thành Phật hay muốn tu cho có tiến bộ, muốn có nhiều công đức thì không kể ở đây, vì những ước muốn này có ý nghĩa hướng thượng, không làm cho người đọa lạc. Trong phạm vi ngũ dục người nào khởi lòng tham đắm là mắc phải lỗi. Còn người nào lìa tham dục sẽ được năm món tự tại kể trên. Do quả báo như thế, nên đời này có những người làm ít mà được nhiều thì biết đời trước không tham lam bỏn sẻn. Còn người nào muốn nhiều mà được ít thì biết đời trước tham quá nên đời này quả báo không như ý. Chẳng hạn như học mà thi rớt là do lỗi đời trước tham danh, nên đời này cầu mà không được, tham tài, tham sắc… cũng vậy. Tóm lại trong năm món đó, nếu trước tham lam thì bây giờ không được như ý. Ngược lại, nếu giữ trọn vẹn hoặc được phần nào thì bây giờ tương đối được như ý.