- Lời Đầu Sách
- Giảng Đề Kinh
- Giảng Văn Kinh 1
- Giảng Văn Kinh 2 Thập Thiện
- Giảng Văn Kinh 3 Sát Sanh
- Giảng Văn Kinh 4 Trộm Cướp
- Giảng Văn Kinh 5 Tà Hạnh
- Giảng Văn Kinh 6 Vọng Ngữ
- Giảng Văn Kinh 7 Nói Hai Lưỡi
- Giảng Văn Kinh 8 Ác Khẩu
- Giảng Văn Kinh 9 Ỷ Ngữ
- Giảng Văn Kinh 10 Tham Dục
- Giảng Văn Kinh 11 Sân Hận
- Giảng Văn Kinh 12 Tà Kiến
- Giảng Văn Kinh 13 Thập Thiện Và Bố Thí
- Giảng Văn Kinh 14 Thập Thiện Và Lục Độ Ba-la-mật
- Giảng Văn Kinh 15 Thập Thiện Và Từ Bi Hỉ Xả
- Giảng Văn Kinh 16 Thập Thiện Và Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo
- Giảng Văn Kinh 17
KINH THẬP THIỆN
GIẢNG GIẢI
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1997
THẬP THIỆN VÀ BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO
ÂM:
Niệm xứ trang nghiêm cố, thiện năng tu tập Tứ niệm xứ quán. Chánh cần trang nghiêm cố, tất năng đoạn trừ nhất thiết bất thiện pháp, thành nhất thiết thiện pháp. Thần túc trang nghiêm cố, hằng linh thân tâm khinh an khoái lạc. Ngũ căn trang nghiêm cố, thâm tín kiên cố, tinh cần phỉ giải, thường vô mê vọng, tịch nhiên điều thuận đoạn chư phiền não. Lực trang nghiêm cố, chúng oán tận diệt, vô năng hoại giả. Giác chi trang nghiêm cố, thường thiện giác ngộ nhất thiết chư pháp. Chánh đạo trang nghiêm cố, đắc chánh trí tuệ, thường hiện tại tiền. Chỉ trang nghiêm cố, tất năng địch trừ nhất thiết kiết sử. Quán trang nghiêm cố, năng như thật tri chư pháp Tự tánh. Phương tiện trang nghiêm cố, tốc đắc thành mãn vi vô vi lạc.
DỊCH:
Dùng Niệm xứ trang nghiêm nên khéo tu tập Tứ niệm xứ quán. Dùng Chánh cần trang nghiêm nên hay đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện. Dùng Thần túc trang nghiêm nên hằng khiến cho thân tâm nhẹ nhàng vui vẻ. Dùng Ngũ căn trang nghiêm nên lòng tin sâu xa kiên cố, siêng năng không biếng nhác thường không mê vọng, vắng lặng điều hòa đoạn dứt các phiền não. Dùng Ngũ lực trang nghiêm nên các oán dứt sạch, không gì hoại được. Dùng Giác chi trang nghiêm nên thường khéo giác ngộ tất cả các pháp. Dùng Chánh đạo trang nghiêm, nên được trí tuệ chân chánh thường hiện ở trước. Dùng Chỉ trang nghiêm nên dứt sạch tất cả kiết sử. Dùng Quán trang nghiêm, nên hay biết như thật Tự tánh của các pháp. Dùng Phương tiện trang nghiêm, nên chóng được thành tựu viên mãn cái vui hữu vi vô vi.
GIẢNG:
Tới đây Phật nói gọn, người tu Thập thiện mà còn tu thêm Ba mươi bảy phẩm trợ đạo thì có được những công đức như sau:
Người tu Thập thiện lại còn khéo tu Tứ niệm xứ thì đối với bốn pháp: quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã chóng được viên mãn. Người tu Thập thiện lại còn khéo tu Tứ chánh cần thì hay dứt trừ tất cả các pháp ác, thành tựu tất cả pháp lành. Vì tâm chưa móng khởi niệm ác, đã lo gìn giữ không cho phát khởi. Nếu tội ác đã lỡ sanh thì cố gắng đoạn trừ tận gốc rễ, không cho nó tái sanh nữa. Đồng thời siêng năng làm phát sanh những điều lành vừa móng khởi nơi tâm, trở thành hành động lợi ích thiết thực cho mình cho mọi người. Và phải thường xuyên phát triển điều lành ấy thêm tăng trưởng thuần thục, thì pháp ác đoạn dứt, pháp lành thành tựu.
Người tu Thập thiện lại còn khéo tu Tứ như ý túc thì thân tâm được khinh an vui vẻ. Phàm người tu hành phải có chí nguyện, chí nguyện đó là tâm mong muốn thành Phật một cách thiết tha. Sau khi đã phát tâm mong cầu quả vị Phật rồi, phải tinh tấn thực hành pháp tu mình đã chọn. Khi tinh tấn thực hành pháp tu, thì thân tâm nhẹ nhàng an định dần dần, không còn tán loạn. Sau đó sẽ được nhất tâm, trí tuệ bừng sáng thấu suốt được Thật tướng của các pháp.
Người tu Thập thiện lại còn khéo tu Ngũ căn thì được lòng tin Tam Bảo một cách kiên cố, trên đường tu hành siêng năng tu tập không giải đãi, thường không mê vọng, hằng nhớ giới pháp đã thọ, nên tâm thường thanh tịnh, điều phục đoạn dứt phiền não.
Người tu Thập thiện lại còn khéo tu Ngũ lực thì có đức tin mạnh mẽ, có sức mạnh bất thối trên đường tu, nhớ giới pháp một cách sâu xa, có định lực phi thường, có thần lực của trí tuệ vô biên, trí thế gian không thể sánh kịp. Nhờ năm thần lực phi thường vừa kể mà khéo đoạn diệt được mọi oán thù.
Người tu Thập thiện lại còn khéo tu Thất giác chi thì không bị lạc vào tà pháp, khéo chọn chánh pháp khế hợp với căn cơ của mình, nên việc tu hành không bị chướng ngại, thường xuyên tiến bộ, không bị thối chuyển, không tự mãn, không bỏ dở mục đích mà mình đã nhắm. Nhờ siêng năng tu hành nên đoạn dứt phiền não, thân tâm vui nhẹ không tạp loạn, an định, thấy rõ Thật tướng của tất cả pháp, buông xả mọi kiến chấp về ngã và pháp, được giải thoát.
Người tu Thập thiện lại còn khéo tu Bát thánh đạo thì lúc nào cũng tư duy, thấy biết, nói năng, hành động, nuôi mạng sống phù hợp với chánh pháp của Phật, luôn luôn tinh tấn nhớ nghĩ pháp tu, đi sâu vào thiền định đạt đến Niết-bàn giải thoát.
Người tu Thập thiện lại còn khéo tu Chỉ, nên dứt sạch mọi kiết sử như tham, sân, si… từng trói buộc sai khiến, làm cho con người khổ đau triền miên trong sanh tử. Người tu Thập thiện lại còn tu Quán thì trí tuệ sáng suốt thấy biết các pháp đúng như thật. Người tu Thập thiện lại còn khéo dùng phương tiện để giúp người được lợi lạc về mặt hữu vi hay vô vi thì chóng thành tựu viên mãn cái vui Niết-bàn.
Tóm lại, Phật dạy người tu Thập thiện lại còn biết tu Lục độ vạn hạnh thì sau này sẽ thành tựu quả vị Bồ-tát, quả vị Phật. Tu thêm Tứ vô lượng tâm, Tứ nhiếp pháp, thì được công đức vô lượng vô biên như đã nêu ở trước. Tu thêm Ba mươi bảy phẩm trợ đạo thì thành tựu quả A-la-hán, Bích-chi Phật. Phật dạy tu Thập thiện là gốc, nếu tiếp tục tu các pháp vừa kể thì mới được công đức như đã nêu.