Chương V. Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm

10/10/201012:00 SA(Xem: 43177)
Chương V. Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm

KINH AN BAN THỦ Ý LƯỢC GIẢI 
Thích Đạt Đạo biên soạn

Chương V

KINH NHẬP TỨC XUẤT TỨC NIỆM
(Ànàpànasatisuttam) [5]

(trích: Trung Bộ Kinh, Tập III, HT. Thích Minh Châu dịch, tr.216-228) 

Như vầy tôi nghe,

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Đông Viên (Pubbàrama), Lộc Mẫu giảng đường (Migàramàtupa-sàde), cùng với rất nhiều vị Thượng tọa có thời danh, có danh xưng, như Tôn giả Sàriputta (Xá Lợi Phất), Tôn giả Mahàmoggallàna (Maha Mục Kiền Liên), Tôn giả Mahàkaccàyana (Ma Ha Ca Chiên Diên), Tôn giả Mahàkotthita (Đại Câu Hy La), Tôn giả Mahàkappina (Đại Kiếp Tân Na), Tôn giả Mahàcunda (Đại Thuần Đà), Tôn giả Anuruddha (A Na Luật), Tôn giả Revata (Ly Bà Đa) và Tôn giả Ànanda (A Nan), cùng với nhiều bậc Thượng tọa đệ tử khác có thời danh, có danh xưng. Lúc bấy giờ, các vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo, giảng dạy các vị tan6 Tỳ Kheo. Một số vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo, giảng dạy mười vị tân Tỳ Kheo. Một số vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo giảng dạy hai mươi vị tân Tỳ Kheo. Một số vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo giảng dạy ba mươi vị tân Tỳ Kheo. Một số vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo giảng dạy bốn mươi vị tân Tỳ Kheo, và các vị tân Tỳ Kheo, được các vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo, giảng dạy ý thức rõ ràng những quả vị cao diệu, tiệm thứ, thù thắng đã chứng đạt[6]. Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào ngày Bố Tát, ngày rằm, vào đêm trăng tròn sau Ngày Tự Tứ,[7] đang ngồi giữa trời, với chúng Tỳ Kheo đoanh vây.

Thế Tôn nhìn quanh chúng Tỳ Kheo đang yên lặng, hết sức yên lặng rồi bảo các Tỳ Kheo: “Ta được thoả mãn[8] này các Tỳ Kheo, với đạo lộ này. Tâm ta được thoả mãn, này các Tỳ Kheo, với đạo lộ này. Do vậy này các Tỳ Kheo, hãy tinh tấn hơn nữa, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Ta sẽ ở đây, tại Sàvatthi cho đến tháng tư, lễ Komudi[9]” Những vị Tỳ Kheo địa phương được nghe: “Thế Tôn sẽ ở đây, tại Sàvatthi cho đến tháng tư, lễ Komudi.” Các vị Tỳ Kheo địa phương tụ hợp tại Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn[10]. Và các vị Thượng tọa Tỳ Kheo lại càng khuyến giáo, giảng dạy các vị tân Tỳ Kheo nhiều hơn nữa. Một số vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo, giảng dạy mười vị tân Tỳ Kheo. Một số vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo, giảng dạy hai mươi vị tân Tỳ Kheo. Một số vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo, giảng dạy ba mươi vị tân Tỳ Kheo. Một số vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo, giảng dạy bốn mươi vị tân Tỳ Kheo. Và những vị tân Tỳ Kheo được các vị Thượng tọa Tỳ Kheo khuyến giáo, giảng dạy ý thức rõ ràng những quả vị cao diệu, tiệm thứ, thù thắng đã chứng đạt. Lúc bấy giờ Thế Tôn vào ngày bố tát, ngày rằm, vào đêm trăng tròn, ngày lễ Komudi vào tháng tư, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, xung quanh có chúng Tỳ Kheo đoanh vây.

Rồi Thế Tôn sau khi nhìn xung quanh chúng Tỳ Kheo đang yên lặng, hết sức yên lặng liền bảo các vị Tỳ Kheo: “Hội chúng này, này các Tỳ Kheo, không có lời thừa thải. Hội chúng này, này các Tỳ Kheo, không có lời dư thừa, đã được an trú trong lỏi cây thanh tịnh. Chúng Tỳ Kheo như thế này, này các Tỳ Kheo, hội chúng như thế này, này các Tỳ Kheo, là một hội chúng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay: “Là phước điền vô thượng ở đời.” Chúng Tỳ Kheo như thế này, này các Tỳ Kheo, hội chúng như thế này, này các Tỳ Kheo là một hội chúng bố thí ít được (phước báo) nhiều, bố thí nhiều càng được (phước báo) nhiều hơn nữa. Chúng Tỳ Kheo như thế này, này các Tỳ Kheo, hội chúng như thế này, này các Tỳ Kheo là một hội chúng khó thấy ở đời. Chúng Tỳ Kheo như thế này, này các Tỳ Kheo, hội chúng như thế này, này các Tỳ Kheo là một hội chúng xứng đáng đi nhiều do tuần (yojàna), với một bao lương thực trên vai[11] để đến yết kiến. Chúng Tỳ Kheo này là như vậy, này các Tỳ Kheo! Hội chúng này là như vậy, này các TỳKheo! Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, là những vị A la hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ. Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, giải thoát đã được chứng đạt nhờ chánh trí. Này các Tỳ Kheo, có những bậc Tỳ Kheo như vậy trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hoá sanh, từ ở đấy được nhập Niết bàn, không còn phải trở lui đời này nữa. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham sân si, là bậc Nhất Lai, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, là bậc Dự Lưu, không còn đoạ vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bốn niệm xứ. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bốn chánh cần, các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng hội này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập Bốn như ý túc. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập Năm căn. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm chú tâm tu tập Năm lực. Các hạng Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo nầy. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập Bảy giác chi. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập Thánh Đạo tám ngành. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong cúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập từ tâm[12]. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bi tâm. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập hỷ tâm. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập xả tâm. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bất tịnh. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập vô thường tưởng. Các bậc Tỳ Kheo như vậy, này các Tỳ Kheo, có mặt trong chúng Tỳ Kheo này. Này các Tỳ Kheo, trong chúng Tỳ Kheo này, có những vị Tỳ Kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập nhập tức xuất tức niệm. Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỳ Kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, công đức lớn. Nhập tức xuất tức niệm, được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn. Bốn niệm xứ được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn. Bảy giác chi được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho minh giải thoát (Vijjàvimutti)[13] được viên mãn. Và này các Tỳ Kheo, như thế nào là tu tập nhập tức xuất tức niệm? Như thế nào làm cho sung mãn? Như thế nào là quả lớn, công đức lớn? Ở đây này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo đi đến khu rừng[14], đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và trú niệm trước mặt. Chánh niệm vị ấy thở vô; chánh niệm vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài” hay thở ra dài, vị ấy biết: “Tôi thở ra dài” Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngán” Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn” “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô” Vị ấy tập: “An tịnh thân hành tôi sẽ thở ra” vị ấy tập “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập “ cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra” Vị ấy tập, “Cảm giác tâm, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập “Cảm giác tâm, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “Với tâm thiền định, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với tâm thiền định, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập “Với vô thường tùy quán, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với vô thường tuỳ quán, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “Với ly dục tùy quán, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với ly dục tùy quán, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “ Với diệt tùy quán, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với diệt tùy quán, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập, “Với tùy quán xả ly, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với tùy quán xả ly, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập. Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỳ Kheo, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, được quả lớn, được công đức lớn”.

“Và như thế nào, này các Tỳ Kheo, là nhập tức xuất tức niệm được tu tập? Như thế nào, làm cho sung mãn, khiến bốn niệm xứ được viên mãn?” Khi nào, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài” hay khi thở ra dài, vị ấy biết: “Tôi thở ra dài” hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngắn” hay khi thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn” “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập. Trong khi tùy quán thân trên thân, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỳ Kheo, đối với cái thân[15], ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy này các Tỳ Kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, vị Tỳ Kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Khi nào này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo nghĩ: “Cảm giác hỷ, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập. “Cả giác hỷ, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “Cảm giác lạc, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Cảm giác lạc, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập , “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập. Trong khi tùy quán tho trên các thọï, này các Tỷ Kheo, vị Tỷ Kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ Kheo, đối với các cảm thọ, ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy này các Tỷ Kheo, trong khi tùy quán thọ trên các cảm thọ, vị tỷ kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Khi nào, này các Tỷ Kheo, vị Tỷ Kheo nghĩ: “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập. “Với tâm thiền định, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với tâm thiền định, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập. Trong khi tùy quán tâm trên tâm, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ Kheo, sự tu tập nhập tức xuất tức niệm không thể đến với kẻ thất niệm, không có tỉnh giác. Do vậy này các Tỳ Kheo, trong khi tùy quán tâm trên tâm, vị Tỳ Kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Khi nào này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo nghĩ: “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập, “Quán ly dục... quán diệt ... quán xả ly, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Quán xả ly, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập. Trong khi tùy quán pháp trên các pháp, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Vị ấy, do đoạn trừ tham ưu[16] sau khi thấy với trí tuệ[17], khéo nhìn (sự vật) với niệm xả ly[18]. Do vậy này các Tỳ Kheo, trong khi tùy quán pháp trên các pháp, vị Tỳ Kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỳ Kheo, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho Bốn niệm xứ được viên mãn,”

“Và Bốn niệm xứ, này các Tỳ Kheo, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho Bảy giác chi được viên mãn? Này các Tỳ Kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, vị Tỳ Kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy, niệm không hôn mê của vị ấy được an trú. Trong khi niệm không hôn mê của vị ấy cũng được an trú, này các Tỳ Kheo, trong khi ấy niệm giác chi được bắt đầu khởi lên với vị Tỳ Kheo, trong khi ấy, vị Tỳ Kheo tu tập niệm giác chi. Trong khi ấy niệm giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập đi đến viên mãn. Này các Tỳ Kheo, trong khi trú với chánh niệm như vậy, vị Tỳ Kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy. Này các Tỳ Kheo, trong khi trú với chánh niệm như vậy, vị Tỳ Kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy trạch pháp giác chi được bắt đầu khởi lên, với vị Tỳ Kheo. Trong khi ấy, vị Tỳ Kheo tu tập trạch pháp giác chi. Trong khi ấy trạch pháp giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập đi đến viên mãn. Này các Tỳ Kheo, trong khi vị Tỳ Kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với vị Tỳ Kheo. Này các Tỳ Kheo, trong khi vị Tỳ Kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với vị Tỳ Kheo ấy, trong khi ấy tinh tấn giác chi được bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, trong khi ấy vị Tỳ Kheo tu tập tinh tấn giác chi. Trong khi ấy, tinh tấn giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập đi đến viên mãn. Hỷ không liên hệ đến vật chất được khởi lên nơi vị tinh tấn tinh cần. Này các Tỳ Kheo, trong khi hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên nơi vị Tỳ Kheo tinh tấn tinh cần, trong khi ấy hỷ giác chi bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, trong khi hỷ giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập, trong khi ấy hỷ giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập đi đến viên mãn. Thân của vị được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỳ Kheo, trong khi vị Tỳ Kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, trong khi ấy, khinh an giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập, trong khi ấy, khinh an giác chi được vị Tỳ Kheo làm cho đi đến sung mãn. Một vị có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỳ Kheo, trong khi vị Tỳ Kheo có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, trong khi ấy định giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập, trong khi ấy định giác chi được vị Tỳ Kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly. Này các Tỳ Kheo, trong khi vị Tỳ Kheo với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, trong khi ấy xả giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập, trong khi ấy xả giác chi được vị Tỳ Kheo làm cho đi đến sung mãn.”

“Này các Tỳ Kheo, trong khi quán thọ trên các cảm thọ... như trên... quán tâm trên tâm....như trên....quán pháp trên các pháp, vị Tỳ Kheo an trú, nhiệt tâm, tĩnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời, trong khi ấy niệm của vị ấy được an trú, không có hôn mê. Này các Tỳ Kheo, trong khi niệm của vị Tỳ Kheo được an trú, không có hôn mê, niệm giác chi trong khi ấy được bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, niệm giác chi trong khi ấy được vị Tỳ Kheo tu tập, niệm giác chi trong khi ấy, được vị Tỳ Kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy an trú với chánh niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Này các Tỳ Kheo, trong khi an trú với chánh niệm như vậy, vị ấy suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ, tinh tấn không thụ động bát đầu khởi lên nơi vị ấy. Này các Tỷ Kheo, trong khi vị Tỷ Kheo suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ, và tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy, tinh tấn giác chi trong khi ấy bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, tinh tấn giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập, tinh tấn giác chi được vị Tỳ Kheo làm cho đi đến sung mãn. Đối với vị tinh cần tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Này các Tỳ Kheo, trong khi vị Tỳ Kheo tinh cần tinh tấn và hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên, hỷ giác chi trong khi ấy bắt đầu được khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, hỷ giác chi trong khi ấy được vị Tỳ Kheo tu tập, hỷ giác chi trong khi ấy được vị Tỳ Kheo làm cho đi đến sung mãn. Thân của vị được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỳ Kheo, trong khi vị Tỳ Kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, trong khi ấy khinh an giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập, trong khi ấy khinh an giác chi được vị Tỳ Kheo làm cho đi đến sung mãn. Một vị có tâm khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỳ Kheo, trong khi vị ấy có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ kheo, trong khi ấy định giác chi được vị ỳ Kheo tu tập, trong khi ấy định giác chi được vị Tỳ Kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly. Này các Tỳ Kheo, trong khi vị Tỳ Kheo với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ Kheo, trong khi ấy xả giác chi được vị Tỳ Kheo tu tập, trong khi ấy xả giác chi được vị Tỳ Kheo làm cho đi đến sung mãn.”

“Này các Tỳ Kheo, Bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho Bảy giác chi được sung mãn.”

“Và này các Tỳ Kheo, Bảy giác chi tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh giải thoát được viên mãn. Ở đây[19] này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập niệm giác chi, liên hệ đến viễn ly[20] liên hệ đến ly tham, liên hệ đến diệt, hướng đến xả ly. Tu tập trạch pháp giác chi....như trên......tu tập tinh tấn giác chi.....như trên......tu tập hỷ giác chi......như trên.....tu tập khinh an giác chi.....như trên....tu tập định giác chi......như trên.... tu tập xả giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đế ly tham, liên hệ đến diệt, hướng đến xả ly. Này các Tỳ Kheo, Bảy giác chi, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh giải thoát được viên mãn.”

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỳ Kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

[5] Kinh Hán tạng tương đương là Trị ý kinh (Đại 1,919).

[6] Trong khi tu thiền với các nghiệp xứ Kammatthana. Xem M.A. iv. 137. D.1.233.

[7] Lễ Tự tứ tổ chức sau mùa an cư.

[8] Araddha, giải thích là Tuttha. M.A. 137.

[9] Komudim Càtumasinim xem B.D.ii. 157. Số 3.iv.137 nói, gọi là Komudi vì có sen trắng và gọi Càtumasini vì là cuối tháng tư mùa an cư.

[10] Sau ngày rằm Kattika.

[11] Putosenàpi M.A. iv . 139 chép Putamsena. Xem G.S.ii .192.số 1.

[12] Xem M.i.424 v.v... 

[13] Vijjàvimutti,như S.v. 28.335.

[14] Xem M.Kinh số 10; M.425 A.v. III. và Anapana Samyutta (S.v.311).

[15] Kàyesu.M.A. iv: 140 – đây chỉ cho một trong bốn đại và đây chỉ cho phong đại ( Vàyokàya). Hay thân này thuộc về sắc pháp. Ở đây hơi thở được xem thuộc về thân vì gồm vào trong các xúc. Vị này hoặc xem phong đại là 1 trong bốn thân hay xem hơi thở là 1 trong 25 sắc pháp.

[16] Sự triền cái của dục vọngtham,sự triền cái của sân là ưu.

[17] Sau khi biết được đã đoạn trừ, mới đến quán những gì là vô thường, viễn ly đoạn diệt và đọan trừ.

[18] Ajjhupekkhita vị ấy nhìn đối tượng tu hành hay sự vật, không bị chúng ảnh hưởng, với niệm xả ly M.A.iv.142.

[19] Xem M.iii.275.

[20] M.A.iv.144 nói trong kinh này, nhập tức xuất tức niệm, thuộc về thế gian, đưa đến sự viên mãn bốn niệm xứ cũng thuộc thế gian. Và bốn niệm xứ đưa đến sự viên mãn bảy giác chi cũng thuộc thế gian. Và bảy giác chi đưa đến chứng đạt cứu cánh niết bàn và quả giải thoát nhờ chánh tri.

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57236)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.