Thích Đạt Ma Phổ Giác
Chúng tôi dung hợp ba pháp tu Phật, Tổ và Bồ-tát trên thành một đường lối tu cụ thể như sau:
Trước khi đi vào từng phương pháp, chúng tôi xin nhắc lại lời Phật dạy trong kinh Chuyển Pháp Luân, người tu theo đạo giác ngộ giải thoát, đầu tiên phải tránh xa hai cực đoan hưởng thụ lợi dưỡng và khổ hành ép xác. Đây là điều kiện tiên quyết, mọi hành giả dù tu theo tông phái nào cũng phải tránh xa hai cực đoan trên, thì mới có thể thành tựu đạo quả đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai cũng không kém phần quan trọng mà ai cũng phải biết, đức Phật chỉ rõ cho chúng ta khổ là một thực tại luôn đeo đẳng con người bởi sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ, thân năm uẩn thịnh suy khổ và sầu bi, ưu phiền, khổ não bởi do nhiều nguyên nhân khác.
Đức Phật nêu ra nỗi khổ niềm đau của kiếp người để cho chúng ta phải nhận thức rõ ràng về Khổ Đế, kế đến Phật chỉ nguyên nhân vì sao chúng ta khổ! Khổ là do tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến, bởi do ta luyến ái tham đắm dục vọng cho rằng mình là ta, là của ta, nên từ đó luân hồi sinh tử nối tiếp nhau không có ngày thôi dứt.
Vậy muốn dứt khổ phải làm sao? Diệt đế tức là thể nhập Niết-bàn vô sanh chấm dứt luân hồi sinh tử khổ đau, theo kinh pháp Hoa là thể nhập tri kiến Phật, theo kinh Hoa Nghiêm thể nhập trí huệ Phật, còn theo tinh thần của Phật hoàng Trần Nhân Tông thì “phản quan tự kỷ” tức quay lại chính mình để nhận ra ông chủ.
Muốn thể nhập Niết-bàn vô sanh thì phải thấu triệt tám phương pháp tâm linh mầu nhiệm đó là: Chánh kiến, chánh tư duy thuộc về trí tuệ. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về giữ giới. Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc về định lực.
Tám nguyên tắc hành động Bát Chánh Đạo không phải là một tiến trình sắp xếp theo thứ tự nhất định, như việc yếu tố này phải đứng trước yếu tố kia. Trên phương diện thiết lập để tu học, tám yếu tố này được chia ra làm ba nhóm rõ ràng:
-Nhóm giới luật được liên kết nhau bởi chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Người xuất gia hay tại gia đều phải gìn giữ giới luật tinh nghiêm, bởi giới giúp cho ta ngăn ngừa việc xấu ác. Giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra, giới như thầy thuốc giỏi, chữa được các loại bệnh, giới như ngọc minh châu, phá tan mọi si mê tối tăm, giới như thuyền bè, đưa người vượt qua biển khổ. Giới làm trang nghiêm và có khả năng phát triển định lực và trí tuệ đồng thời. Giới luật của Phật giáo giúp cho người tu hành chân chính, ngăn ngừa việc xấu ác và hay làm các việc thiện lành tốt đẹp bằng cách giữ tâm ý thanh tịnh.
-Nhóm định lực được kết hợp hài hòa bởi chánh tin tấn, chánh niệm và chánh định. Siêng năng tinh cần, nổ lực hành trì, nhiếp tâm buông xả, chánh niệm tỉnh giác trong từng phút giây không lơi là giải đãi thì thành tựu định lực kiên cố.
-Nhóm trí tuệ được chiêm nghiệm và tu tập bởi chánh kiến và chánh tư duy. Người tu hành có giới, có định lực nếu không có trí tuệ khai mở thì khó mà buông xả hết các tạp niệm vi tế. Muốn vậy chúng ta phải tư duy chiêm nghiệm quán chiếu thấy thân tâm hoàn cảnh hay ta, người, chúng sinh đều giả có, nhờ vậy mới thể nhập Niết-bàn hay sống với tâm Phật sáng suốt ngay nơi thân này.
Nói rộng ra là Bát Chánh Đạo tám con đường tâm linh mầu nhiệm, nói gọn lại là giới-định-tuệ đầy đủ. Do đó, trí tuệ là một phương tiện tu tập thiện xảo, hầu giúp mọi người thức tỉnh để mở mang tâm trí, và thấy biết đúng như thật.
Bát-chánh-đạo là tám con đường ngay thẳng, hay là tám phương pháp tâm linh mầu nhiệm, luôn giúp người tu hành chân chính đạt đến an lạc, hạnh phúc trong đời sống hằng ngày. Trong đạo Phật, bát-chánh-đạo được xem như phương pháp số một, giúp chúng ta biết cách dứt trừ phiền muộn, khổ đau để đạt đến an vui, tự tại, giải thoát.
Bây giờ chúng ta đi sâu vào để phân tích giới-định-tuệ đầy đủ. Cụ thể là năm giới cho người cư sĩ tại gia, nếu mình giết hại, trộm cướp, nói dối, tà dâm, uống rượu say sưa hay xử dụng ma túy. Chúng ta chỉ cần phạm một trong năm điều này thì chắc sẽ không được định, bởi vậy người tại gia nói tu sau khó quá, mình không giữ được năm giới trọn vẹn thì làm sao có định lực?
Đây là một thực tế mà ít ai tìm hiểu kỹ càng, nghe ai nói tu ba tháng sáu tháng thành Phật, có người ấn chứng thọ ký cho, ham quá chúng ta bỏ cha bỏ mẹ, bỏ vợ bỏ chồng, bỏ con bỏ cái để rồi cuối cùng rơi vào si mê tà kiến mà chẳng được gì.
Quý vị nên nhớ giới-định-tuệ đầy đủ mới thành tựu phật pháp, có giới, có định mà không có trí tuệ trở thành định si, nên rất sợ tiếp xúc làm việc giúp đỡ người khác, chỉ được lợi ích cho riêng mình. Có giới, có trí tuệ thì thông suốt hết mọi sự việc nhờ chiêm nghiệm, quán chiếu, soi sáng nhưng lại lăng xăng không được định tâm.
Thiền theo lời Phật dạy có hai phương pháp hỗ tương cho nhau là Thiền Chỉ và Thiền Quán. “Chỉ” là trụ tâm vào một chỗ như niệm Phật, niệm Bồ-tát, niệm hơi thở. “Quán” là dùng nhận thức để xem xét thân tâm, vạn vật nhằm biết rõ bản chất thật-hư của nó.
Thiền Chỉ với mục đích dừng tâm vọng niệm lăng xăng nhờ chú tâm vào một chỗ nên được định. Thiền Quán giúp hành giả phát sinh trí tuệ nên buông bỏ được phiền não tham-sân-si, nhưng nếu quán hoài thì lăng xăng, không an định. Do đó, khi tu Thiền chúng ta phải biết dùng Chỉ và Quán để dung hoà thân tâm. Khi thì ta dùng Chỉ, khi thì ta dùng Quán để điều hoà tâm vọng động.
Chỉ nhiều thì được định nhưng không có trí tuệ nên không thể buông xả tâm phải-quấy, đúng-sai, tốt-xấu, do đó cũng không thể thành tựu đạo pháp. Có trí tuệ nhiều thì tâm lăng xăng, không an định, do đó phải quay về Trung đạo để sống với tâm Phật sáng suốt của mình.
Khi hai pháp Chỉ và Quán đã được dung thông thì mỗi hành giả phải xả để không trụ vào bên nào mà thể nhập Phật tính sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, sự vật như thế nào thấy rõ như thế đó nên thấy chỉ là thấy, thấy tức biết, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Thiền theo lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thứ lớp từ thấp đến cao, tuỳ theo căn cơ, trình độ của mỗi người mà ứng dụng tu theo dưới nhiều cấp độ khác nhau.
Đây là sự hiểu biết thông suốt toàn diện về mọi mặt từ thân, tâm và mọi hiện tượng sự vật, giúp ta thức tỉnh để vượt thoát sự ràng buộc ra khỏi cái thấy biết sai lầm, tham lam, ích kỷ, oán giận, thù hằn, ngu si, mê muội thuộc về chủ nghĩa cá nhân.
Người tu theo tông chỉ Phật, Tổ và Bồ-tát sẽ trì niệm hồng danh Bồ-tát. Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát theo điệu nhạc, âm điệu nhẹ nhàng để hành giả niệm theo, chúng ta nên nhớ miệng niệm tai lắng nghe, bước đầu chỉ làm một việc như thế. Phương pháp trì niệm Bồ-tát Quán Thế Âm dùng để thực tập ở các đạo tràng hoặc chùa.
Khi về nhà quý Phật tử sẽ ứng dụng hai cách: Nếu chúng ta cứ niệm Bồ-tát liên tục thì lâu ngày sẽ được nhất niệm tương ưng, nhưng nếu ta chỉ an trú trong niệm Bồ-tát hoài như vậy sẽ có định lực mà không có trí tuệ thấy biết đúng như thật, do đó vẫn còn phiền não tham-sân-si. Muốn dứt hẳn phiền não khổ đau chúng ta phải quán sát, soi sáng lại câu niệm Bồ-tát coi nó thật hay không? Khi ấy chúng ta sẽ thấy còn niệm là còn sinh tử luân hồi, nên hành giả trở về pháp tu trung đạo thể nhập tính nghe thường hằng mà thành tựu đạo pháp. Đó là phương pháp hành trì của Bồ-tát Quán Thế Âm “phản văn văn tự tính”, thế nên kinh Lăng Nghiêm nói nhĩ căn là viên thông hơn tất cả.
Để thấu triệt tinh thần tu học của Phật, Tổ và Bồ-tát, chúng ta khi quán sát suy nghiệm theo lời Phật dạy: Thấy các pháp thế gian này hư ảo giả có bởi sự vô vô thường, vô ngã, duyên sinh mà thành tựu Bát chánh đạo hay nói gọn lại là giới-định-tuệ đầy đủ mà thể nhập Niết-bàn vô sanh.
Chúng ta ứng dụng trì niệm Bồ-tát Quán Thế Âm bằng cách xoay lại tính nghe thường hằng của mình mà thành tựu đạo Vô thượng Chánh Đẳng Giác.
Và cuối cùng là quay lại chính mình theo tinh thần phản quan của Phật hoàng Trần Nhân Tông mà sống với Phật tính sáng suốt ngay nơi thân này. Chính vì vậy, chúng tôi soạn ra quyển sách này là chủ trương dung hợp tinh ba của Phật, Tổ và Bồ-tát, bằng cách vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn mọi người tu trong bộn bề công việc, tu trong đời sống gia đình và xã hội, với phương châm “tốt đạo đẹp đời”.
Đức Phật đã vô số kiếp hành Bồ-tát đạo mới thành tựu Phật pháp. Bồ-tát Quán Thế Âm lăng nghe tiếng kêu cứu khổ của chúng sinh mà đi vào đời để đem niềm vui đến cho mọi người và sẻ chia nỗi khổ niềm đau để làm vơi bớt bất hạnh. Phật hoàng Trần Nhân Tông khuyên mọi người gìn giữ năm giới tu mười điều lành, phá bỏ các tập tục mê tín, tập tục giết hại….
Chúng tôi cô đọng lại bằng những pháp tu như sau:
1-Trì niệm Bồ-tát Quán Thế Âm bằng cách xoay lại chính mình để nhận ra tính nghe thường hằng.
2-Thấy các pháp là hư dối không thật.
3-Thấy các pháp là Phật pháp.
Đây là ba phương tiện chúng tôi tạm lập ra từ thấp đến cao. Tùy theo khả năng của mỗi người mà biết cách áp dụng để việc tu hành của mình đạt được kết quả tốt đẹp như ý muốn.