KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG
Thích Đạt Ma Phổ Giác
TỪ BỎ VĨNH VIỄN GIAN THAM TRỘM CƯỚP
Đạo đức thứ hai: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa mọi sự trộm cắp, tôn trọng sở hữu hợp pháp của người, những gì không cho thì không được lấy; vui thích bố thí, cứu người giúp đời vượt qua nghèo khổ; lúc bố thí thì không cầu đền đáp. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng không bị tâm lý tham lam, bỏn sẻn, keo kiệt che lấp, sống trong liêm khiết, giàu lòng vị tha.
Ý thức được những khổ đau do gian tham trộm cướp, lường gạt lấy của người dưới nhiều hình thức, người Phật tử chân chính nguyện mở rộng tấm lòng thương xót, không xâm hại tài sản vật chất của người khác, để đem lại niềm vui sống cho tất cả mọi người. Chúng ta phải ý thức dù là một cây kim, cọng chỉ nếu không phải của mình hay người khác không cho, thì ta không được tự ý lấy làm của riêng.
Trộm có nghĩa là canh me, rình rập lén lấy không để cho người khác thấy. Cướp có nghĩa là công khai, ngang nhiên cưỡng đoạt lấy trước mặt mọi người. Cân non bán thiếu, trốn thuế, lường gạt đều gọi là trộm. Lợi dụng quyền cao chức trọng tham ô, hối lộ, ăn chặn bắt chẹt người phải đưa tiền của đều gọi là cướp.
Tham lam muốn chiếm lấy của người làm của riêng cho mình, là do thói quen lười biếng làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, là nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau. Có biết bao người đau khổ vì bị mất của, bị lừa đảo mà túng quẫn dẫn đến tự sát.
Lại nữa, tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình, bao nhiêu năm tháng chắt chiu dành dụm, giờ thì đội nón ra đi. Sự mất mát tài sản làm cho gia đình trở nên thiếu thốn, khó khăn, nghi ngờ lẫn nhau, có thể dẫn đến tan nhà nát cửa. Sự đền trả xứng đáng của quả báo này là nghèo cùng vô số kiếp và nếu có nhiều tiền của thì cũng không thể tự do sử dụng tiêu xài.
Chúng ta nên nhớ của phù vân khó bao giờ tồn tại, bởi sống trên sự đau khổ của người khác. Nhan nhãn mỗi ngày có những vụ lừa đảo, lường gạt trong xã hội mà báo chí thường đăng tải, là do lòng tham muốn quá đáng của con người. Con người vì lòng tham lam quá đáng nên mới dễ bị người khác lường gạt.
Người Phật tử chân chính khi đã tin sâu nhân quả rồi, thì không khởi tâm trộm cắp của người khác dưới mọi hình thức. Nếu ta không tỉnh thức trong từng phút giây, thì lòng tham lam sẽ che mờ tâm trí ta, dẫn đến bị tù tội chịu thống khổ vô cùng. Những thủ đoạn tinh vi, như gian dối, lường gạt, ăn chặn của người khác, tham nhũng, hối lộ, chiếm đoạt tài sản... xảy ra hằng ngày.
Chỉ khi nào ta không khởi tâm trộm cắp, muốn chiếm đoạt của người khác, đó là một nghiệp lành cao cả mà ít ai làm được vì lòng tham lam, ích kỷ. Khi ấy, những hiện vật trưng bày ở những nơi công cộng như đường sá, vườn hoa, công viên, nhà mát, khu di tích lịch sử... ở đâu đều còn nguyên vẹn ở đó, được mọi người thích thú chiêm ngưỡng.
Quả báo của sự trộm cướp nặng thì nghèo cùng vô số kiếp hoặc làm thân súc vật để đền trả cho người, nhẹ thì ruộng vườn, nhà cửa, tài sản bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất phá hủy. Chúng ta hãy nên tin sâu nhân quả làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau.
Nhân trộm cướp là việc làm xấu ác, cả thế giới loài người đều không chấp nhận nên có luật pháp chế tài, phạt tù, nặng thì tử hình, huống hồ là luật nhân quả luôn âm thầm chi phối.
Trên thế gian này, người được giàu sang, phú quý, hiển vinh, công thành danh toại là nhờ biết tu nhân tích phước từ nhiều đời trước. Trên đời này không có việc gì ngẫu nhiên, đương nhiên, khi không, tự nhiên mà thành. Ngoài việc không gian tham trộm cướp lường gạt của người khác, ta còn phải biết bố thí, giúp đỡ sẻ chia.
Muốn được giàu sang nhiều của cải vật chất ta phải biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ tùy theo khả năng của mình. Nếu ta không có khả năng về vật chất để thực hành bố thí, thì ta phát tâm hoan hỷ khi thấy người khác làm việc thiện ích. Người bố thì thì được phước giàu sang, người tuỳ hỷ vui theo việc làm tốt của người khác thì không bị tâm thương ghét, ganh tỵ, tật đố làm tổn hại.
Vậy bố thí, cúng dường có ý nghĩa gì? “Bố thí” tiếng Phạn là Dana, có nghĩa là sự cho; còn theo từ ngữ Hán Việt “bố” là cùng khắp, “thí” là cho, nghĩa là cho cùng khắp không giới hạn. Thông thường, ta chỉ bố thí cho người thân, rộng hơn nữa là cho người nghèo khổ, ít ai bố thí cho người ta đang ghét bỏ hay hận thù.
Từ ngữ “cúng dường” là nói trại của hai chữ “cung dưỡng”, có nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi. Về nội dung thì bố thí hay cúng dường chỉ là một, không có gì là sai khác. Tuy cùng chung một nghĩa cử, một hành động, nhưng người ta dùng hai từ khác nhau để cho phù hợp với đối tượng thọ nhận; ta cho với lòng hảo tâm, thương cảm thì gọi là bố thí; còn cho với lòng ngưỡng mộ, tôn kính thì gọi là cúng dường.
Thí dụ, cha mẹ là hai đấng sanh thành mang nặng đẻ đau, nuôi ta khôn lớn, lo cho ta ăn học tới nơi tới chốn, dựng vợ gã chồng, tạo cho ta gia tài sự nghiệp, ta phải có trách nhiệm cúng dường cha mẹ khi tuổi già hay lúc bệnh hoạn, ốm đau… (nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi cha mẹ.)
Tại sao ta phải cúng dường người tu hành chân chánh? Cha mẹ làm nên thân ta, thầy Tổ giúp ta biết được điều hay lẽ phải để vượt qua cạm bẫy cuộc đời, không rơi vào hố sâu tội lỗi. Vì vậy, từ cúng dường được dùng đối với các bậc trưởng thượng, tôn kính như cha, mẹ, thầy Tổ… là những người có công nuôi dưỡng, dạy dỗ, chỉ dạy, giúp ta nên người.
Ngoài từ ngữ bố thí, cúng dường còn có nhiều từ ngữ khác như kính tặng, kính biếu… để nói lên lòng tôn kính của người cho. Từ ngữ “bố thí” được người Việt
Giới không gian tham trộm cướp thể hiện tinh thần trong sạch liêm khiết của người Phật tử tại gia, đóng góp vào sự công bằng cho xã hội. Căn bản của sự tu hành là diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy, nguyên nhân chính là do lòng tham lam sai sử, bởi sự chấp ngã nhiều đời của mình.
Vị đệ tử áo trắng thường ưa thích bố thí, giúp đỡ người khác, tìm niềm vui trong sự sẻ chia đóng góp và khi bố thí mà chúng ta không cầu đền đáp. Bố thí ở đây là hiến tặng niềm vui cho kẻ khác, bởi vì sự thực tập này bất nguồn từ tâm niệm từ bi, thương xót bình đẳng mà ta có thể giúp người cứu vật, không phân biệt và mong cầu đền đáp.
Có ba hình thức bố thí. Trước hết là bố thí vật chất, tức bố thí những gì thuộc sở hữu của mình. Ai cũng tham lam hay muốn chiếm hữu của người khác. Do đó rất khó để chúng ta mở lòng ra bố thí cho người khác một cách hoan hỷ. Ngoài việc giúp đỡ, sẻ chia quan tâm đến người khác, chúng ta còn phải thương yêu, chăm sóc bảo vệ cuộc sống cho mình và người thân.
Thứ hai là bố thí pháp. Thông thường chúng ta hay có xu hướng nghĩ rằng chỉ có những vị thầy lớn mới có khả năng bố thí pháp. Thực ra người xuất gia hay cư sĩ đều cũng có thể bố thí pháp, bằng cách này hay nhiều cách khác. Bố thí pháp là chia sẻ năng lực bên trong, để giúp mọi người làm vơi bớt nỗi đau về tinh thần.
Thứ ba là bố thí niềm tin chân chính. Có niềm tin chân chính thì người ta sẽ không còn sợ hãi, vu vơ bởi những niềm tin mù quáng trong mê tín. Phật gọi là bố thí vô úy, tức không sợ hãi mọi vấn đề đúng sai trong cuộc sống. Phương pháp này giúp cho người tại gia bỏ các tà kiến sai lầm, thiết lập niềm tin chân chính về nhân quả.
Kế đến là bố thí Ba-la-mật là gì? Tại sao ta phải thực hành bố thí Ba-la-mật? Bố thí Ba-la-mật là bố thí vật chất lẫn tinh thần. Khi ta đem của cải, vật chất hay sự hiểu biết tặng cho người khác vô điều kiện, không có bất cứ một dụng ý hay yêu cầu nào. Nói cách khác, bố thí Ba-la-mật là cho những gì khó cho; dù đau khổ đến tận cùng ta vẫn một lòng quyết chí không buồn khổ, không ân hận hay nuối tiếc khi cho những gì khó cho.
Nhờ giữ giới không gian tham trộm cướp và hay bố thí giúp đỡ người khác, nên ta dần hồi chuyển hóa được tâm tham lam ích kỷ, sống liêm khiết trong sạch và giàu lòng vị tha.
Nguyên tắc đạo đức thứ hai là xa lìa hành động không cho mà lấy. Đây là nguyên tắc mà người cư sĩ tại gia phải giữ gìn. Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự không cho mà lấy, chấm dứt sự không cho mà lấy, thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp. Vị này không bị tâm trạng tham lam che lấp, luôn luôn bảo hộ sự liêm khiết của mình và diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy.
Ở đây, chúng ta thấy vấn đề không phải chỉ là không được phép lấy những gì không được sự đồng ý của người khác, mà còn phải biết phát khởi tâm bố thí, tìm thấy niềm vui trong sự bố thí ấy. Đây thực chất mới là phương pháp diệt trừ tâm tham lam, bỏn sẻn vốn được xem là cái gốc do si mê chấp ngã mà ra.