Ông Hai

17/02/20152:36 SA(Xem: 10805)
Ông Hai

ÔNG HAI

Minh Mẫn

 

blankKhông ai biết tên thật của ông, họ chỉ gọi ông là ông Hai. Những ai đến chùa Phật Quang, đường Đào Duy Từ, quận 10, kế sân vận động Thống nhất cũ của Sài gòn, đều bắt gặp người đàn ông lưng còng, tay chân cong vẹo, đi đứng khó khăn, khổ người khô khốc.

Hình như ông ngoài 50 thì phải, không ai đoán được tuổi của ông; ông ít nói và ông ít thân thiện với ai. Trong chùa, ngoài 10 vị sư, còn có 3 vị ni lớn tuổi, có gần chục em nam sinh viên ở trọ đi học. Ông là người đàn ông duy nhất tật nguyền, hai ông còn lại trên dưới 50, vẫn còn khỏe, phụ giúp việc nặng cho chùa.

- Thưa ông Hai, gia đình ông ở đâu? Con cái thế nào? Ông vào chùa công quả bao lâu rồi? Một tín đồ đến chùa lễ phép tìm hiểu

- Tôi không có gia đình, tật nguyền thế nầy làm sao có gia đình, vào chùa khá lâu, khi HT trụ trì cũ chưa viên tịch. – ông trả lời mà mắt vẫn chăm chú vào bịch cơm, bịch thức ăn đang chia phần để đem ra bố thí kẻ đói khổ ngoài đường mỗi ngày.

Công việc hàng ngày ở chùa, ông Hai phụ nhà bếp đổ rác, nhặt rau,làm vệ sinh các tầng lầu, thay nhang đèn. Gần 10 giờ sáng, ông Hai xuống bếp xúc một thau cơm trắng và đồ ăn, đem lên lầu thờ vong, ngồi ngoài vỉa hè phía sau để chia cơm vào bịch nilon.

- Thưa ông Hai, cơm nầy do chùa nhờ ông phân phối hay ông tự xin chùa để làm từ thiện?

- Chùa không nhờ tôi mà tôi cũng không xin cơm chùa để làm từ thiện – ông vẫn không ngước mắt nhìn người hỏi

- Vậy tiền đâu ông làm?

- Ai đến chùa cúng lễ, họ cho tiền, tôi để dành mua gạo và rau củ gửi chùa nấu.

Ông nằm dưới nền gạch với chiếc chiếu cũ rách, trước kia có người cho ông cái ghế xếp, nay ghế đã gãy, ông vào một góc tầng trệt với tài sản duy nhất là mấy bộ đồ cuộn làm gối, chiếc chăn đen đúa. Chân không có dép, đầu không đội nón. Mỗi lần ra khỏi chùa, không lẫn vào ai với cái lưng còng cố gượng thẳng, hai tay khẳng khiu bơi bơi để giữ thăng bằng, gương mặt cằn cổi với cái đầu đầy gân chạy dọc xuống cổ. Cặp chân teo, khô, da sạm mốc cố giữ thân mình cho khỏi chúi về trước. Hai tay cầm 10 túi cơm chay, đi về hướng sân bóng đá, ông trao cho người bán vé số ngồi xe lăn, bác xe ôm, chị nhặt ve chai, cháu bé đi xin... toàn là những “khách hàng” thường xuyên của ông mỗi người một bịch. Tuy thân thể thường đau nhức, nhưng ông Hai không ngày nào thiếu vắng trên đoạn đường Nguyễn Kim. Hình bóng ông quá quen thuộc với người dân lao động địa phương.

Một người gần chùa biết chuyện, tâm sự: - Trước kia gia đình ông Hai ở khu cầu Ông Lãnh, bị giải tỏa đi kinh tế mới, bố bị cây rừng ngã đè, không bao lâu sau vì không có tiền về Thành phố chạy chữa, chấn thương cột sống, bại liệt toàn thân, mẹ bị sốt rét, người em của ông còn nhỏ, quá đói, ăn phải nấm độc đã chết, một mình ông, tuổi mới lớn, phải làm thuê cuốc mướn lo cho gia đình. Lúc trẻ lưng ông đi đứng thẳng thớm như mọi người, do hằng ngày còng lưng trên nương rẫy, làm việc nặng nhọc, ăn uống thiếu dinh dưỡng, mỗi ngày lưng ông còng thêm một ít, khi dừng việc cuối ngày, ông đứng thẳng lưng lên cảm thấy hơi khó chịu vì các khớp khô cứng, cứ thế lâu dần năm tháng, ông không còn đi thẳng lưng được để khuân vác tại các bến bãi.

Cha mẹ qua đời, ông về lại Thành phố lây lất sống. Một buổi tối mưa lạnh, ông co quắp bên hông chùa chờ giấc ngủ muộn, thầy trụ trì nhìn thấy, gọi ông vào cho làm công quả tùy sức. Từ dạo ấy, ông không nhớ đã bao mùa mưa nắng, chỉ biết cứ tiếng Đại hồng chung khuya là ông đến thắp nhang các bàn thờ, ngồi một góc khuất để niệm Phật. Tối đến, sau thời Tịnh độ, ông chui vào một góc tìm giấc ngủ say. Việc chùa không ai nhắc nhở, ông tự nguyện luôn tay luôn việc.

Gia đình nhà đám làm tuần 49 ngày ở chùa, các cô gái nhà đám tổ chức cúng Trai Tăng, họ nhìn ông với sự xót thương như một người thân, thường xuyên dúi vào tay ông những tờ bạc xanh lớn nhất

- Tiền con gửi ông Hai mua chiếc ghế bố để nằm, sao ông không mua? Để con mua hén. - Cô Hạnh thay mặt nhà đám thăm hỏi ông.

- Thôi cô à. Cám ơn quý cô đã nghĩ tình lo cho tôi, còn nhiều người khổ hơn tôi đang lây lất ngoài xã hội. Tôi được nương náu ở chùa là phúc lắm rồi. Đâu dám xài phí đồng tiền của bá tánh. Dùng tiền đó tôi mua gạo để nấu cơm bố thí hàng ngày. - Cô Hạnh lại tiếp tục nhét vào tay ông như những tuần trước, ông lí nhí cám ơn.

- Ông đã nghèo còn lo cho người nghèo, không để dành tiền khi ốm đau mà có. – Cô Hạnh nhắc ông.

- Trời sinh voi sinh cỏ cô à. – Ông thật thà đáp.

Trai Tăng vừa mãn, ông Hai cũng vừa về tới chùa, trên tay cầm một túi gạo, một ít bịch nilon mới và rau củ quả để làm cơm từ thiện vào ngày mai.

Gia đình nhà đám nhìn ông Hai, trao đổi với nhau: Lòng từ bi và làm từ thiện đâu đợi phải đại gia tỷ phú, trong tầm tay, gói cơm miếng canh để chia sớt cho người nghèo khổ quanh ta cũng thể hiện tấm lòng nhân ái, tại sao ta không làm được như ông Hai!!!

 

MINH MẪN

16/02/2015





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21204)
12/10/2016(Xem: 19152)
26/01/2020(Xem: 11778)
12/04/2018(Xem: 19990)
06/01/2020(Xem: 10869)
24/08/2018(Xem: 9380)
12/01/2023(Xem: 3794)
28/09/2016(Xem: 25047)
27/01/2015(Xem: 26112)
11/04/2023(Xem: 3050)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :