Giáo tài này được giảng dạy trong một học kỳ, gồm 44 tiết học, chia làm 22 buổi học, mỗi buổi học 2 bài thiền kệ.
Về quy cách biên soạn, mỗi bài thiền kệ được cấu trúc gồm 5 phần như sau: (i) Nguyên tác và phiên âm, (ii) Dịch nghĩa, (iii) Chú thích từ ngữ, (iv) Giải thích gợi ý, và (v) Câu hỏi thảo luận. Tiêu đề của từng bài trong tổng số 52 bài là do tôi đặt, dựa vào nội dung của bài kệ, có khi sát với nguyên tác của từng kệ, nhưng cũng có trường hợp, tựa đặt chi tiết hơn, để làm rõ nghĩa của bài thiền kệ hơn.
Trong phần “chú thích từ ngữ”, tôi giới thiệu các thuật ngữ Phật học chính trong từng bài thiền kệ, gồm chữ Hán, tiếng Sanskrit và Pali nếu có và giải thích nội dung của từng mục từ. Đối với những từ được lặp lại từ lần thứ hai trở đi, nội dung của mục từ được giải thích trong lần xuất hiện đầu tiên. Đối với các lần xuất hiện sau đó, người học hãy truy lại lần xuất hiện đầu để ôn lại nội dung của mục từ.
Mục “giải thích gợi ý” như tên gọi của nó nhằm gợi lên vài ý tưởng để chiêm nghiệm về nội dung bài thiền kệ. Vì là lời giảng miệng trực tiếp được phiên tả nên lời giải thích trong mục này chỉ là “gợi ý”, theo nghĩa tham khảo. Hoàn toàn không có ý bắt buộc người dạy dựa vào, cũng như không bắt buộc người học phải học thuộc, như nguyên tác Hán văn và dịch nghĩa.
2. NGUỒN GỐC CỦA TÁC PHẨM
Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu (毘尼日用切要) do Luật sư Độc Thể (读体律师, 1601-1679) hiệu là Luật sư Kiến Nguyệt (见月律师), chuyên hoằng truyền giới luật ở núi Bảo Hoa, tuyển soạn (寶華山弘戒比丘讀體彙集). Tác phẩm này là tuyển tập các bài thiền kệ về luật nghi hàng ngày cho người xuất gia.
Các bài thiền kệ trong Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu này được tuyển trích từ Phẩm Tịnh Hạnh (净行品) trong kinh Hoa Nghiêm (華嚴經), phối hợp với 38 câu thần chú trong kinh điển Mật tông (密教经典中之咒). Đến thời vua Càn Long nhà Thanh (清乾隆), tổ sư thứ bảy của Bảo Hoa Sơn (宝华山) là luật sư Thích Phước Tựu ( 释福聚) đưa tác phẩm này vào Đại tạng tân toản tục Tạng Kinh (大藏新纂续藏经), quyển 60, tác phẩm thứ 1115.[1]
Luật sư Độc Thể đã biên soạn tác phẩm này vào khoảng những năm 1644 -1661. Dù không xác định được niên đại ra đời phần ứng dụng, nhu cầu thực tập các bài thiền kệ này là rất cần thiết trong chốn thiền môn. Hơn 350 năm qua, tác phẩm luật này đã trở văn bản ứng dụng luật nghi không thể thiếu đối với người xuất gia trong các tự viện Đại thừa tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc. Riêng tại Việt Nam, tất cả các vị xuất gia theo Đại thừa đều học thuộc lòng các bài thiền kệ chính niệm này từ lúc mới tập sự xuất gia.
Trong bản nguyên tác chữ Hán, phần lớn mỗi bài thi kệ có 4 câu. Một số bài có số câu và chữ nhiều hơn. Thỉnh thoảng, dưới mỗi bài thi kệ có một câu thần chú với mục đích trợ giúp người thực tập đạt được chính niệm trong đi, đứng, nằm, ngồi. Câu thần chú là phương tiện cột tâm, giúp ta làm chủ tâm. Những bài thi kệ không thuộc nội dung vừa nêu, thường không có câu thần chú.
Số lượng các bài thiền kệ và thần chú trong nghi thức này là 52 bài, khi dịch ra tiếng Việt chúng tôi tìm được và bổ sung câu thần chú nguyên tác bằng tiếng Sanskrit và đặt sau các bài thiền kệ trong bản dịch tiếng Việt. Đọc các câu thần chú nguyên tác Sanskrit sẽ thuận hơn là đọc phiên âm Hán Việt. Người chưa quen với ngữ âm Sanskrit có thể sử dụng ngữ âm Hán Việt để đọc các câu thần chú đính kèm. Vì mục đích của thần chú là giúp chúng ta đạt được chính niệm, do đó, đọc ngữ âm nguyên tác hay phiên âm Hán Việt, giá trị chính niệm đạt được cũng như nhau.
3. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Luật sư Độc Thể (读体律师), hiệu là Luật sư Kiến Nguyệt (见月律师) là người nổi tiếng trùng hưng Luật tông trong giai đoạn cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh (明末清初). Ngài họ Hứa (许), sinh năm 1601 (tức niên hiệu Vạn Lịch 29 của nhà Minh - 明万历二十九年) tại Sở Hùng (楚雄), huyện Vân Nam (云南). Mẹ của ngài họ Ngô (吳), mến mộ Phật pháp, một đêm nằm mộng thấy cao tăng Ấn Độ vào nhà, khi tỉnh giấc liền sinh ra ngài. Thuở nhỏ, tổ Độc Thể thích du lãm sơn thủy, cốt cách hơn người, thông tuệ đặc biệt, rất giỏi hội họa,[2] thích vẽ hình Bồ-tát Quan Âm.[3]
Năm 1632 (tức niên hiệu Sùng Chinh thứ 5 -崇祯五年), lúc 32 tuổi, khi đọc Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm (世主妙嚴品), giác ngộ chân lý, ngài xin thế phát xuất gia với tổ Hạo Như (亮如) tại núi Bảo Hồng (宝洪 山), được đặt pháp danh là Độc Thể.[4]
Năm 1639, Luật sư Tam Muội (三昧律師) mời ngài làm Giám viện (监院) của Núi Bảo Hoa (宝华山) ở Nam Kinh (南京). Từ đó, ngài chuyên giảng dạy giới luật cho đại chúng. Năm 1645 (tức niên hiệu Thuận Trị thứ hai nhà Thanh -清顺治二年), trước lúc thị tịch, luật sư Tam Muội mời ngài kế nhiệm pháp tịch (继任法席), từ đó, chính thức làm Trụ trì núi Bảo Hoa suốt hơn 30 năm, cho đến ngày qua đời.
Trong thời gian làm trụ trì núi Bảo Hoa, ngài có công trùng tu Điện tháp, xây dựng giới đàn (戒坛), mỗi năm truyền giới vào mùa xuân và mùa thu, kết hạ an cư, trở thành bậc mô phạm (模范). Vào ngày 22 tháng giêng, năm 1679 (tức niên hiệu Khang Hy thứ 18 - 康熙十八年), ngài thị tịch ở núi Bảo Hoa, trụ thế 79 năm, tăng lạp trải qua 48 mùa kết hạ.
Đóng góp to lớn của tổ Độc Thể là làm thạnh phái Luật Thiên Hoa (千華律), phục hưng giới luật (復興戒律), cải cách tùng lâm (改革叢林). Các tác phẩm về giới luật của tổ Độc Thể được xem là điển phạm của tùng lâm Phật giáo Trung Quốc vào giai đoạn cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh (明末清初佛教叢林之典範),[5] góp phần phát triển Tăng đoàn Phật giáo Trung Quốc, và gây ảnh hưởng tích cực đến truyền thống giới luật của các nước theo Phật giáo Đại thừa, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các tác phẩm tiêu biểu của luật sư Độc Thể gồm có 12 bộ sau đây: (i) Tỳ-ni chỉ trì hội tập (毗尼止持会集), 16 quyển, (ii) Tỳ-ni tác trì tục thích (毗尼作持续释), 15 quyển, (iii) Truyền giới chính phạm (传戒正范), 4 quyển, (iv) Sa-di-ni luật nghi yếu lược (沙弥尼律仪要略), 1 quyển, và (v) Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu (毗尼日用切要), 1 quyển, (vi) Thế độ chính phạm (剃度正范), 1 quyển, (vii) Tăng hành quy tắc (僧行规则), 1 quyển, (viii) Tam quy, ngũ, bát giới chính phạm (三归,五、八戒正范), 1 quyển, (ix) Hắc bạch bố-tát(黑白布萨), 1 quyển, (x) Xuất u minh giới (出幽冥戒), 1 quyển, (xi) Đại thừa huyền nghĩa (大乘玄义), 1 quyển, (xii) Dược Sư sám pháp (药师忏法), 1 quyển. Năm tác phẩm đầu là các sáng tác về giới luật đều được đưa vào Tục tạng (续藏).
4. Ý NGHĨA TỰA ĐỀ VÀ Ý NGHĨA THỰC TẬP
Tựa đề “Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu” (毘尼日用切要) có thể dịch nôm na là “Cương yếu luật nghi hằng ngày”. “Tỳ-ni” (毗尼) là phiên âm Trung Quốc từ chữ “Vinaya” trong tiếng Pali và Sanskrit, có nghĩa là “Luật” (律), hay luật nghi (律仪). “Oai nghi” là phần nhỏ của luật nghi. Luật nghi là hệ thống giới luật mà người xuất gia ta thực tập, bao gồm oai nghi và tất cả các quy định về sự tu học của tăng đoàn, nhờ đó, phát triển giới hạnh, có tác dụng chuyển hóa, nuôi lớn tâm bồ-đề, hướng đến giác ngộ và giải thoát.
“Nhật dụng” (日用) là hành trì thường ngày từ khi mở mắt tỉnh thức sau một giấc ngủ dài đến khi ta lên giường ngủ để phục hồi sức khỏe cho ngày hôm sau. Hầu như mỗi tích tắc trôi qua trong ngày, người xuất gia đều sử dụng các bài thiền kệ để trải nghiệm chính niệm hiện tiền.
Cụm từ “Tỳ-ni nhật dụng” (毗尼日用) chỉ cho các giới luật mà người xuất gia cần tuân thủ hằng ngày (日常应遵守). Từ “thiết yếu” (切要) có nghĩa là “cương yếu” (纲要) hay “yếu lĩnh” (要领), tức những cương yếu quan trọng nhất.
Căn bản hành trì của Tỳ-ni nhật dụng là làm chủ bốn oai nghi trong đi, đứng, nằm, ngồi, từ sáng sớm đến chiều tối, mà người xuất gia cần thực tập. Đây là sinh hoạt thường nhật trong chính niệm của người xuất gia với lý tưởng cao đẹp, nhằm hướng đến một phương trời cao rộng, theo đó, thân và tâm của người xuất gia trở nên thanh tịnh và cao quý.
Tỳ-ni nhật dụng là các thực tập có khả năng giúp người xuất gia thiết lập chính niệm hiện tiền trong mọi sinh hoạt, bao gồm thức dậy, mặc áo, ăn cơm, đi, đứng, ngồi, nằm, nói, nín, thức, ngủ v.v… nhờ đó, thân hành và tâm hành của người xuất gia trở nên thanh tịnh và đáng tôn kính.
Tỳ-ni là các luật nghi của người tu, là chiếc bè của đời sống đạo đức. Thiếu nó, con đường lội qua biển sinh tử luân hồi của người xuất gia không gì đảm bảo. Thực tập luật nghi, ta sẽ được an vui và hạnh phúc. Nên phát nguyện và nỗ lực hành trì luật nghi để có được chính niệm hiện tiền.
Đừng xem thường các luật nghi nhỏ vì nó là những chiếc phao phòng hộ, giúp ta không đánh mất chính niệm, làm chủ được sáu giác quan, làm chủ hoàn toàn được cảm xúc, ý niệm, tâm tư, nhận thức và các hành vi.
Không thực tập các oai nghi, nền tảng giới hạnh thanh cao của người xuất gia không được đảm bảo, đời sống thiền định, chuyển hóa nội tâm sẽ bị giảm đi. Để gột bỏ tham, sân, si và những thói quen mang tính bản năng, người xuất gia cần thực tập oai nghi tế hạnh. Thực tập trọn vẹn các luật nghi, ta có được chính định, phát triển tuệ giác. Mối quan hệ ba chiều giữa đạo đức, thiền định và trí tuệ không thể tách rời trong đời sống người xuất gia.
Thực tập oai nghi và tế hạnh hàng ngày của người xuất gia là điều kiện cần thiết, giúp người xuất gia nuôi lớn chính niệm và tâm bồ-đề. Trên nền tảng đời sống giới hạnh thanh tịnh thì tuệ giác được phát sinh. Kết quả tu tập hành trì chính niệm giúp ta có mặt trọn vẹn trong hiện tại, đạt được hạnh phúc bây giờ và tại đây. Thực tập chính niệm trong các oai nghi giúp ta có nhiều tiến bộ về đạo đức, thiền định và trí tuệ, vốn là các yếu tố cần thiết nhằm giúp một người xuất gia trở thành chân nhân và thánh thiện, mang lại hạnh phúc cho con người.
5. KHÁI LƯỢC NỘI DUNG TÁC PHẨM
Để giúp người học nắm bắt được nội dung, trong loạt 6 bài giảng về tác phẩm này, tôi đã phân chia thành 6 chủ đề như sau:
(i) Thực tập buổi sáng hạnh phúc: Trong phần này, chúng tôi sử dụng 7 bài kệ đầu (Tảo giác, minh chung, văn chung, trước y, hạ đơn, hành bộ bất thương trùng, xuất đường). Các bài kệ này là sự trải nghiệm chính niệm từ lúc ta mở mắt, làm những công việc đầu tiên trong ngày như dộng đại hồng chung, nghe tiếng chuông tỉnh thức, mặc áo tràng hay mặc pháp phục, bước chân xuống giường đi những bước đi trong ngày, thực tập lòng từ bi để các bước đi của chúng ta không hại các loài côn trùng vi tế. Sau đó, ta rời khỏi phòng ngủ, làm các Phật sự cần thiết. Buổi sáng có chính niệm là buổi sáng an lành.
(ii) Thực tập chuyển hóa bất tịnh: Phần này ứng dụng 6 bài thi kệ (đăng xí, tẩy tịnh, khử uế, tẩy thủ, tẩy diện, ẩm thủy) liên hệ đến nước và chức năng rửa sạch các phẩn uế và chất bất tịnh. Nhờ sự tu tập đó, thân và tâm được trang nghiêm, có nhiều giá trị Phật sự. Các bài thực tập trong phần này liên hệ đến những động tác dơ và sạch. Dơ là đối tượng quán chiếu, thực tập chuyển hóa các bất tịnh trong tâm, nếu nhờm gớm sẽ dẫn đến tình trạng phớt lờ. Có chính niệm và trí tuệ, ta sẽ thấy rác có thể trở thành hoa, bùn nhơ nước đọng trở thành dữ liệu cho hoa sen thơm ngát.
(iii) Lên chùa lạy Phật: Hay “Lễ bái trên điện Phật” là nội dung 7 bài thi kệ (ngũ y, thất y, đại y, ngọa cụ, đăng đạo tràng, tán Phật, lễ Phật) liên hệ đến y hậu, tọa cụ và lễ bái. Để lễ bái trang nghiêm, phải mặc y hậu, lên điện Phật, sử dụng tọa cụ, dùng kệ tán dương và lễ bái Phật với lòng thành kính.
(iv) Chính niệm trong ăn uống: Gồm 12 bài kệ (Cúng tịnh bình, quán thủy chơn ngôn, thọ thực, thọ thực 2, xuất sinh, đại bàng, thị giả tống thực, văn khánh thinh, ứng khí, tam đề, ngũ quán, kết trai) liên hệ đến văn hóa ẩm thực trong thiền môn,
(v) Chính niệm trong sinh hoạt: Gồm 10 bài kệ (tẩy bát, triển bát, thọ sẩn, thủ dương chi, tước dương chi, sấu khẩu, xuất tích trượng, phu đơn tọa thiền, đoan tọa, thụy miên). Thực tập chính niệm trong sinh hoạt hàng ngày bắt đầu từ những việc đơn giản như rửa chén bát, dùng tăm xỉa răng, nhận phẩm vật cúng dường, cầm gậy chống đi, trải tọa cụ, ngủ nghỉ trên giường… Tất cả những việc làm đơn giản này tạo ra uy nghiêm cho người hành trì chính niệm.
(vi) Chính niệm trong cuộc sống: Gồm 10 bài kệ (Thủ thủy, kiến đại hà, kiến kiều đạo, dục Phật, tán Phật, nhiễu tháp, khán bệnh, thế phát, mộc dục, tẩy túc). Khi nhìn dòng nước, con sông, cây cầu hoặc đang lúc ta khen ngợi Phật, làm lễ tắm Phật vào ngày rằm Phật đản, nhiễu tháp Phật, thăm các vị cao tăng, thăm bệnh một người đồng tu, người Phật tử, hay những hoạt động bình thường như cạo tóc mỗi nửa tháng một lần, tắm rửa hàng ngày, rửa chân trước khi đi ngủ, khi đi lao động về… trải nghiệm chính niệm trong các tình huống vừa nêu được xem là cần thiết đối với người xuất gia.
Thực tập tỳ-ni giúp người xuất gia đạt được chính niệm trong từng cử chỉ. Người xuất gia nào bỏ rơi Tỳ-ni thì năng lượng chính niệm sẽ bị đánh mất. Thực tập ứng dụng các bài thi kệ trong đời sống sẽ giúp người xuất gia trải nghiệm niềm an vui, vững chải và thảnh thơi.
6. CẤU TRÚC CỦA BÀI KỆ TỲ-NI
Phần lớn các bài thiền kệ gồm có 4 câu và được cấu trúc như sau: (i) Câu đầu là quán chiếu thực tại, (ii) Câu hai là cầu cho chúng sinh, (iii) Các câu cuối nêu ra quyết tâm chuyển hóa phiền não, đạt được kết quả an lạc.
Dựa vào tình huống cụ thể, các sự việc liên hệ đến đời sống như thức dậy, mặc áo, ăn cơm, uống nước, vào nhà vệ sinh, đi, đứng, nằm, ngồi… ta liên tưởng bằng sự quán chiếu phương pháp tâm linh, diệt trừ các phiền não đối lập, tiêu cực so với đối cảnh hiện tiền ta đang có mặt như thực tại.
Phát nguyện thường liên hệ đến lòng từ bi, hướng tâm vươn lên nhằm đạt được sự vô ngã và vị tha. “Cầu cho tất cả chúng sinh” khác hoàn toàn với sự cầu nguyện thông thường, vốn lấy mình làm nền tảng, lấy người thân, người thương, bà con và những mưu cầu cho bản thân mình làm chính. Khi phát nguyện, lòng từ bi của ta sẽ được lớn mạnh. Tâm vị tha, dấn thân nhập thế, giúp đời cứu người sẽ trở thành những bước thực tập rất cần thiết cho hành giả có kinh nghiệm phát triển tâm linh.
Dựa vào nội dung câu đầu tiên, sự quán chiếu tu tập gắn liền với hai câu cuối, thường mang nội dung tâm linh đặc biệt hơn, sâu sắc hơn, vượt lên trên giới hạn của thực tại.
Người thực tập cần nhớ ba nội dung căn bản trên để khi thực tập dễ đạt được kết quả. Việc học thuộc lòng các bài thiền kệ nhật dụng này rất cần thiết, giúp ta trở thành những người có chính niệm trong mọi nơi và mọi lúc.
Càng tinh tấn thực tập tỳ-ni nhật dụng lâu ngày, việc thực tập sẽ trở thành automatic, một loại thói quen không còn mang tính điều kiện. Mỗi tích tắc trong đi, đứng; nằm, ngồi; nói, nín; động, tịnh; thức và ngủ, người thực tập tỳ-ni đều nương vào các luật nghi để có chính niệm và tỉnh thức, bây giờ và tại đây.
Chùa Giác Ngộ, 20-4-2015
Thích Nhật Từ
[1] Tham chiếu:《毗尼日用切要》,收入《卍續藏》冊106。
[2]《一夢漫言》卷上云:見月幼時有「小吳道子」之譽。頁1。
[3]參陳垣《明季滇黔佛教考》(臺北:彙文堂出版社, 1987),目錄,頁2~3。
[4]《新續高僧傳》卷29〈清江寧寶華山隆昌寺沙門釋讀體傳〉,頁940。
[5]參《寶華山志》卷12,方亨咸〈見月和尚傳〉,頁509。
Chính Niệm Trong Từng Cử Chỉ PDF