TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Đương Đạo
Thiện Tri Thức
Thọ Ký
Chỉ riêng những tựa đề các phẩm có chữ Thọ Ký đã chiếm hết ba phẩm trong hai mươi tám phẩm của kinh Pháp Hoa : phẩm Thọ Ký thứ sáu, phẩm năm trăm Đệ Tử Được Thọ Ký thứ tám và phẩm Thọ Ký Các Vị Vô Học Và Hữu Học thứ chín.
Trước hết, ngay trong phẩm Thí Dụ thứ ba, đức Phật đã thọ ký cho ngài Xá Lợi Phất “sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn, nước tên Ly Cấu, kiếp tên Đại Bửu Trang Nghiêm…” Tiếp theo trong phẩm Thọ Ký thứ sáu, ngài Ma Ha Ca Diếp được thọ ký thành Phật rồi đến các đệ tử, đến tất cả các vị A La Hán Vô học cho đến các vị còn trong bậc tu học. Rồi đến phẩm Trì thứ mười ba, các vị Tỳ kheo ni cũng được thọ ký sẽ thành Phật. Như thế, đức Phật đã “tổng nói tất cả Thanh Văn đều đã được thọ ký”.
Trong phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát – tiền thân của đức Thích Ca Mâu Ni – với những người mắng nhiếc, đánh đập, ném gậy đá vào mình, ngài chạy tránh đi “mà vẫn to tiếng xướng rằng : Tôi chẳng dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật.” Đây là sự thọ ký rộng rãi cho bốn chúng.
Đặc biệt trong phẩm Đề Bà Đạt Đa thứ mười hai, đức Phật đã thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa, người được xem là cực ác vì phá hoại Phật đệ nhất, sẽ thành Phật. Cũng trong phẩm đó, Long Nữ, chúng sanh không phải loài người lại là thân nữ đã thành Phật trước tất cả chúng hội.
Trong phẩm Pháp Sư thứ mười, “Phật bảo Dược Vương : Sau khi Phật nhập diệt nếu có người nào nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhẫn đến một bài kệ, một câu đủ nghĩa, hay nhẫn đến chỉ có được một niệm tùy hỷ mà thôi, Như Lai cũng thọ ký cho tất cả sẽ được thành Phật.”
Qua những điều trên, chúng ta thấy tất cả mọi người, mọi chúng sanh, không phân biệt cấp bậc tu hành, không phân biệt nam nữ, không phân biệt nghiệp báo, không phân biệt trí hay ngu, không phân biệt các loài đều được thọ ký thành Phật. Với việc thọ ký cho tất cả đều được thành Phật, chúng ta đã loáng thoáng thấy được ý nghĩa Nhất Thừa là gì, và sự vĩ đại của Nhất Thừa là thế nào.
Bây giờ mỗi một chúng ta nghĩ gì, cảm nhận gì khi biết đức Phật đã thọ ký làm Phật cho mỗi chúng ta – dù trực tiếp (biết đâu trong chúng ta chẳng có người đã từng gặp những tiền thân của Phật như Bồ tát Thường Bất Khinh) hay gián tiếp (tức là qua kinh Pháp Hoa chúng ta đang học tập, đọc tụng). Chúng ta có tin rằng mình là một Diệu Pháp Liên Hoa, một thực thể vốn đã là hoa sen Phật tánh và công việc ở đời của nó chỉ là việc triển nở hoa sen đó, nghĩa là sống tâm mình là tâm Pháp Hoa, khẩu mình là khẩu Pháp Hoa và thân mình là thân Pháp Hoa.
Sống một cuộc đời đã được thọ ký có nghĩa là sống được Phật tánh nền tảng của cuộc đời mình và những đức hạnh biểu lộ của Phật tánh đó, tức là từ bi, hỷ xả, nhẫn nhục ba la mật, rộng lượng, lòng tốt, khoan dung v.v…
Trước hết, chúng ta tin chắc Phật tánh hiện diện ở nơi thân tâm và dần dần chúng ta nhận ra sự hiện diện thường hằng của nó. Bằng đức tin, bằng trí huệ phân biệt, bằng thiền định hoặc bằng những khả năng khác của thân tâm hoặc bằng sự khai thị của một vị thầy, chúng ta nhận ra ở trong tận đáy sâu thẳm của hiện thể mình một cái gì không biến đổi, không sanh diệt, có bản chất là ánh sáng (nói theo ngôn ngữ kinh điển là trí huệ), tỏa hương thơm của tình thương (là từ bi), luôn luôn trẻ trung, tươi mát và mới mẻ, tịch lặng không bờ, bình an không bến. Ở giữa sự xao động của thân tâm, của cảnh vật, của đến đi, có một cái gì hằng hằng bất động, một nền tảng bất động của tất cả mọi sự. Tham thiền chính là nhận ra, an trụ và sống toàn diện trong nền tảng đó. Rồi chúng ta thấy cái thực tại quý báu và thân yêu đó nơi sự vật, nơi cây cối, nơi bầu trời, nơi gương mặt của mỗi người, bất cứ chốn nào, lúc nào. Đó là bước khởi đầu cho đời sống Pháp Hoa.
Rồi dần dần, chính đó là giới luật, thiền định, trí huệ và từ bi của chúng ta. Giới nghĩa là cái gì làm cho mờ đi, mất đi cái thấy về cái đó, điều ấy chúng ta không làm. Chúng ta luôn luôn tiếp thông, giữ gìn cái đó, như vậy là giới. Định là chúng ta luôn luôn thiền định, luôn luôn nối kết và an trụ trong cái đó. Huệ là luôn luôn thấy cái đó ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào… Ngoài cái đó ra chúng ta không thể tìm được sự giải thoát cho những phiền não của mình ở một nơi nào khác. Cái đó là nguồn an ủi thật sự, là nguồn chữa lành cho mọi khổ đau, là giải pháp và giải đáp cho mọi vấn nạn từ thấp nhất đến cao nhất có thể có của cuộc sống chúng ta. Khi nào chúng ta khủng hoảng, chán nản, khổ đau… chỉ cần tương thông, nối kết lại với nền tảng của mình, cái nền tảng mà nhờ đó đức Phật đã thọ ký cho mình. Cuộc đời của một hành giả Pháp Hoa là sống một cách cụ thể với cái đó, nghĩa là tiếp xúc, trò chuyện, thỉnh ý kiến, làm quen, thân cận và trở thành một với cái đó – bởi vì cái đó là vị đạo sư bên trong, đức Phật bên trong của mỗi người.
Tóm lại, nền tảng cho sự thọ ký là nền tảng bất sanh bất diệt, cái Phật tánh nền tảng vốn sẵn nơi mỗi chúng ta. Và nếu chúng ta tin vào đạo Phật thì cuộc đời chúng ta chẳng bao giờ lìa ngoài nền tảng Phật tánh ấy, từ chập chững, sai sót, hở sót cho đến thuần nhất một vị trong Phật tánh ấy. Con đường của sự thọ ký là cuộc đời thế phàm của chúng ta, làm sao để ‘nước’ Phật tánh ấy tắm gội, thấm sâu đến tận ngóc ngách của thân tâm, toàn bộ những phương diện của đời sống chúng ta. Quả của sự thọ ký là đứa con cùng tử đã hoàn toàn trở về nhà, nhận lấy vương quốc của cha mình, nhận lấy sự tự do vô tận và quyền lực vô tận nơi cha mình, và sống cuộc đời mình với cha là một.
Cho nên sống đời Pháp Hoa là khéo léo phối hợp cuộc đời thế phàm của mình với Phật tánh và muôn hạnh muôn đức của nó. Sự phối hợp đó phải nhuần nhuyễn như nhồi bột với nước. Còn “khéo” (thiện) là một chữ hay dùng trong kinh điển Đại thừa để chỉ cho đời sống và công việc của Bồ tát. Chúng ta sẽ còn học mãi chữ “khéo” này.
Sống được trong nền tảng, trong bản tánh của toàn bộ tâm thức mình, dần dần chúng ta biết được cái vị của đời sống, cái một vị của toàn bộ Phật pháp. Điểm cốt yếu là chúng ta biết được Cái Đó, khai thị ngộ nhập vào cái đó. Cái đó là cái để quy y : tự quy y Phật, tự quy Pháp, tự quy y Tăng. Cái đó chính là Tam Bảo thường trực ở nơi chúng ta.
Trong từng giây phút của cuộc sống này, Phật đã thọ ký cho chúng ta cái đó. Mỗi giây phút của cuộc đời chúng ta là mỗi giây phút được ban phước trong sự thọ ký ấy. Thế thì hãy sống cuộc đời được ban phước trong từng niệm niệm được thọ ký để thấy cuộc đời mình, từ thể, tướng, dụng đều là Pháp Hoa.
Khi thấy một người nào, thậm chí là người đối địch với chúng ta, chúng ta nghĩ gì khi biết đức Phật đã thọ ký cho họ ? Có phải là sự phân biệt, thương ghét đều tiêu tan mất, chỉ còn một niềm lạc quan vô tận giữa ta và người đó ? Sự làm tiêu tan những chướng ngại, những kết bế tắc nghẽn giữa chúng ta và người khác sẽ tạo thành một khoảng trống không gian đầy tiềm năng, đó là tác dụng của Trí Huệ. Và sự lấp đầy khoảng trống ấy, một trường tương thông giữa chúng ta và người khác, đó là tác dụng của Từ Bi. Với Trí Huệ và Từ Bi, chúng ta có thể đi vào thế giới Pháp Hoa.