5. Chương Bồ Tát Phổ Nhãn

16/05/20153:24 CH(Xem: 4917)
5. Chương Bồ Tát Phổ Nhãn

KINH VIÊN GIÁC LƯỢC GIẢNG 
Đại Phương Quảng Viên Giác Liễu Nghĩa Kinh 
Đời Đường, nước Kế Tần, Sa Môn Phật Đà Đa La dịch 
ĐƯƠNG ĐẠO 
THIỆN TRI THỨC 2015

Chương Bồ Tát Phổ Nhãn

 Bồ tát Phổ Nhãn thưa hỏi về Chánh Kiến.

Bấy giờ, Bồ tát Phổ Nhãn ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, quỳ thẳng chấp taybạch Phật rằng:
Thế Tôn đại bi, xin diễn nói cho các Bồ tát trong hội này cùng tất cả chúng sanh đời rốt sau thứ lớp tu hành của Bồ tát. Phải tư duy thế nào? Phải an trụ giữ gìn (trụ trì) thế nào? Với chúng sanh chưa ngộ phải hành phương tiện nào để đều được khai ngộ?
Bạch Thế Tôn! Khi nghe Phật nói Tam muội này, chúng con nếu khôngphương tiện chân chánh và suy nghĩ chân chánh thì tâm sanh mê muội, bèn chẳng thể ngộ nhập tánh Viên Giác. Xin Phật từ bi vì chúng con và chúng sanh đời rốt sau mà tạm nói phương tiện tu hành.
Nói xong, năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lập lại ba lần.

Hai chương trước nói thẳng pháp môn Viên đốn. Một là ngài Đại Trí Văn Thù, khai mở đại trí thấy suốt chân lý: biết đó là hoa đốm giữa hư không tức không có sanh tử luân hồi. Hai là Đại Hạnh Phổ Hiền, chỉ thẳng hạnh thành tựu chân lý: Biết huyễn tức lìa, chẳng khởi phương tiện; lìa huyễn tức Giác, cũng không thứ lớp.
Nhưng với chúng ta, chưa thể một lần mà thấy suốt được, chưa thể một lúc mà biết tất cả là huyễn để tức khắc trọn lìa được, ngài Bồ tát Phổ Nhãn mới xin Phật tạm chỉ bày phương tiện tiệm tu, thứ lớp công phu mới có thể dần dần ngộ nhập Đại quang minh tạng Viên Giác vốn chánh định này. Tạm biết Viên Giác này là giác địa thanh tịnh, là bản tâm của tất cả chúng sanh mà chưa khai ngộ được, chưa an trụ giữ gìn được, vì có những phiền não chướngsở tri chướng ngăn che với tự tâm Viên Giác, nên ngài Phổ Nhãn từ bi hỏi giúp chúng ta phương tiện chân chánh để tu hành.
Phải tư duy thế nào cho chánh đúng, cái gì cần phải giữ gìn, cái gì cần phải phá bỏ. Câu hỏi này nhằm phá bỏ những tà kiến thô ngăn che tánh Viên Giác và mở ra cái thấy đúng. Khai ngộ tánh Viên Giác rồi, thì phải an trụ giữ gìn thế nào. Câu hỏi này nhằm từ bỏ những tà hạnh (lối sống sai lầm) khiến chúng sanh chống trái, nghịch lại với tánh Giác sẵn có của mình, không an trụ trong đó được. Tất cả để đối trị với cái thấy lầm lạc hiện giờ của chúng ta. Để đối trị, chữa lành con mắt có bệnh thấy ra hoa đốm, phải trừ bệnh đồng thời khai mở con mắt thấy đúng, con mắt huệ, con mắt thấy khắp mà ngài Phổ Nhãn (Con mắt thấy khắp) là đại diện.

Đức Phật nói phương tiện tu hành.

Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Phổ Nhãn
Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông có thể vì các Bồ tátchúng sanh đời rốt sau thưa hỏi Như Lai thứ lớp tu hành, suy nghĩ, trụ trì, cho đến tạm nói các thứ phương tiện. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.
Khi ấy Bồ tát Phổ Nhãn hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Các Bồ tát mới học và chúng sanh đời rốt sau muốn cầu Tâm Viên Giác thanh tịnh Như Lai, cần phải chánh niệm, xa lìa các huyễn. Trước theo hạnh Xa ma tha (pháp chỉ) Như Lai, kiên trì giới cấm, sắp xếp an ổn trong chúng, ngồi thiền nơi tĩnh thất.

Trong tánh Viên Giác, tất cả sự tướng đều là huyễn. Biết huyễn tức lìa, lìa huyễn tức Giác. Nhưng với người mới học, đã lâu vẫn sống trong huyễn mà cho là thật, trái với tánh Giác, thường hiệp với trần tướng huyễn hoá, nghe Phật dạy tất cả đều huyễn thì vẫn chưa tin được, chưa thể thật thấy biết được, Vậy thì làm sao để biết đúng như thật, làm sao để biết huyễn?
Bởi thế, ngài Phổ Nhãn xin Phật chỉ dạy pháp phương tiện để ra khỏi cơn mê, giấc mộng sanh tử trầm luân này.
Giờ đây để trở lại với lẽ thật, với con người thật sự xưa nay của mình, bèn phải giữ vững chánh niệm: quyết xa lìa các huyễn, quyết không bị vọng tưởng và vọng tướng lôi kéo, quyết an định tâm mà quán sát để biết tất cả là huyễn.
Đó là pháp Chỉ (dừng lại), hạnh Xa ma tha của Như Lai. Để có được cái tâm định này trước khi quán huyễn, tu huyễn, phải giữ gìn giới cấm, sắp xếp cho những người chung quanh, rồi ngồi thiền nơi tĩnh thất yên vắng.
Một khi thân tâm đã an định, hành giả quán sát thân tâm, vì chính bộ máy thân tâm này tạo ra các huyễn. Ngoài thân tâm này, chẳng có huyễn nào cả.

Quán thân như huyễn.

Thường liên tục nhớ nghĩ như vầy: Thân hiện giờ của ta do bốn đại hoà hợp mà có. Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não… chất dơ bẩn đều thuộc về đất. Nước bọt, máu mủ, nước mắt, mồ hôi, đờm dãi, tinh khí, nước tiểu… đều thuộc về nước. Nhiệt độ trong thân thuộc về lửa. Chuyển động thuộc về gió.
Bốn đại lìa nhau thì cái thân hư vọng này có được chỗ nào? Bèn biết thân này rốt ráo không có thực thể, hoà hợp mà có tướng, thật đồng như huyễn hoá”.

Thân không có hiện hữu nội tại, do hoà hợp mà thành nên vô tự tánh. Chính vì vô tự tánh nên mỗi chúng ta đều kinh nghiệm sự sanh, già, bệnh, chết của thân.
Thường liên tục nhớ nghĩ là thường xuyên quán sát, không để hở một giây phút cho tư tưởng vọng niệm chấp thân này là thật có lọt vào phá hoại chánh kiến. Có thế mới diệt trừ thân kiến (cái thấy có thân) lâu đời ràng buộc ta vào một bọt sóng thay vì thấy mình là cả đại dương. Liên tục quán sát hết ngày này qua ngày nọ mới làm tan rã thân kiến mà nhập vào dòng giải thoát.
Bốn đại vốn chẳng đến nhau, không có tự tánh, thân này vốn chẳng thể hoà hợp, như lông rùa sừng thỏ làm sao kết hợp với nhau để tạo thành thế giới, ta –người; trong mộng làm sao nói chuyện được thân. Bốn đạihoa đốm vọng thấy giữa hư không, không thể nào nói được là lìa hay hợp. Thân này làm sao có được, hiện đây là không tịch, chứng biết thế liền được con mắt pháp thanh tịnh. Thân này và đối tượng của nó là thế giới, duyên sanh nên như huyễn, giống như những cây lau gác nhau, có không đều chẳng phải, bèn đó là Vô sanh.
Liên tục quan sát cho kỹ thì những tướng xuất hiện đều có bản chất như huyễn, bèn ngay nơi sự xuất hiện của các tướng mà giải thoát. Còn niềm vui nào hơn! Thế giới này cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết để giải thoát là như vậy.

Quán tâm như huyễn

Bốn đại duyên sanh bèn vọng có sáu căn. Sáu căn bốn đại trong ngoài hợp thành mà vọng có duyên khí, tích tụ ở trong, dường như có tướng duyên theo, giả gọi là tâm.
Thiện nam tử! Cái tâm hư vọng đó nếu khôngsáu trần bèn chẳng thể có. Bốn đại phân rả thì không trần nào có thể có. Các thứ duyên theo trần ở bên trong, mỗi thứ đều tiêu tan, rốt ráo không có tâm duyên nào có thể thấy.

Quán thấy thân như huyễn nhưng cái tâm quán sát đó cũng là như huyễn. Bốn đại giả hợp theo nghiệp bèn vọng có sáu căn. Bốn đại ở ngoài, sáu căn ở trong giả hợp với nhau bèn vọng có duyên khí. Duyên khí tích tụ dần dần đậm đặc mà thành ra dường như có tướng. Các tướng do duyên theo bóng dáng sáu trần giả hợp tích tụ này được gọi là tâm.
Duyên khí là gì? Ở đây chúng ta cần chú ý đến nguyên lý tâm khí bất nhị của Phật giáo.
Tâm cởi trên khí như người cỡi trên ngựa. Cả hai thành một. Người thế nào ngựa thế ấy, và ngược lại. Những hình ảnh, âm thanh… của sáu trần đi vào tâm, và tâm đó có cơ sở vật chất của nó là khí, cả hai kết hợp thành hình như có thật, thành “dường như có tướng duyên theo”. Đây là bóng dáng của sáu trần.
Tâm thanh tịnh đến đâu thì khí thanh tịnh đến đó, và ngược lại. Thế nên thực hành là tịnh hoá cái tâm khí đã bám theo duyên này bằng cách quán thấy chúng là duyên sanh như huyễn. Khi thật sự thấy duyên khí là duyên sanh như huyễn, tâm khí trở lại thanh tịnh, cho nên dù có duyên mà chẳng nhiễm ô.
Xét từ phân đoạn nào tạo ra cái tâm hư vọng này đều thấy nó là duyên sanh từ nhiều thứ. Và duyên sanh từ nhiều thứ nên như huyễn.
Ngày nay chúng ta đều biết giác quan (các căn) và hệ thống thần kinh mỗi loài đều khác nhau, thế nên thế giới được mỗi loài kinh nghiệm thì khác nhau. Thế giới (bốn đại, sáu trần) có là do những nguyên tử, thậm chí lượng tử. Nguyên tử thì gần như trống rỗng, có những hạt chỉ sống vài phần triệu giây. Nguyên tử thì không màu, không hương vị. Thế mà các giác quanhệ thống thần kinh của chúng ta đã diễn dịch biển nguyên tử và lượng tử ấy thành một thế giới cứng đặc, bất động, đủ màu sắc và hương vị.
Đã vậy, mỗi người đều có những ấn tượng riêng, cảm xúc riêng, suy nghĩ riêng nên thế giới đó càng chia chẻ, phân mảnh. Tôi thích màu này, anh ghét màu này. Tôi ưa nhanh, anh ưa chậm… Thế giới được mỗi người kinh nghiệm theo những phiền não đã tích tập: tham, sân, si, kiêu căng, đố kỵ, nghi ngờ, sợ hãi… Thành ra thế giới loài người chỉ có một loại kinh nghiệm, giờ đã biến thành nhiều thế giới riêng của từng người. Nói thế giới tôi là đúng, thế giới anh là sai, đó là một cái thấy như huyễn.
Nhưng như huyễn của Phật giáo còn đi sâu hơn nữa: từ nguyên tử đến con người, mỗi cái căn, trần, thức đều là duyên sanh, sự tạm thời hoà hợp của chúng cũng là duyên sanh. Tất cả là duyên sanh nên vô tự tánh, và vô tự tánh nên như huyễn. Như một cầu vồng, duyên sanh từ ánh sáng của mặt trời, mặt trời ở một vị trí thích hợp, từ một thấu kính là một trận mưa, từ vị trí của người nhìn…Chúng ta có thể thấy một cầu vồng, nhưng không thể cầm nắm nó, không thể xác định được nơi chốn của nó, và nó chỉ hiện hữu chốc lát rồi tan biến.
Khi thấy tâm là như huyễn, sự chạy theo các đối tượng như huyễn của nó bèn dừng lại. Lúc ấy tâm đạt đến bản tánh của nó là Vô niệm. Vô niệmtrạng thái vốn giải thoát của tâm. Hay nói theo kinh này, đó là tâm Viên Giác thanh tịnh.
Tóm lại, thân tâm chính là chướng ngại. Nó được tạo ra bằng tham, sân si, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ…. Phương tiện để tiêu trừ khối khổ uẩn này là liên tục quán huyễn. Quán huyễn được đến đâu, nghiệp chướng được tiêu trừ đến đó, và tánh Viên Giác hiện ra tới đó. Còn khi ngừng quán huyễn thì vô minh liền tích tập, dòng tâm thức sanh tử lại tiếp tục chảy, bánh xe sanh tử khổ não tiếp tục lăn.

Huyễn diệt, tánh Giác hiện

Thiện nam tử! Nơi chúng sanh kia do huyễn thân diệt nên huyễn tâm cũng diệt. Do huyễn tâm diệt nên huyễn trần cũng diệt. Do huyễn trần diệt nên sự việc “huyễn diệt”cũng diệt. Sự việc “huyễn diệt” diệt nhưng cái chẳng phải huyễn (tánh Viên Giác) chẳng diệt. Thí như lau gương, bợn nhơ hết thì ánh sáng hiện.
Thiện nam tử! Phải biết thân tâm đều là bợn nhơ hư huyễn, tướng nhơ vĩnh viễn diệt thì mười phương đều thanh tịnh.

Biết thân tâm là vô tự tánh, như hoa đốm hư huyễn vô sở hữu giữa không trung, thì kiến chấpthân tâm tách biệt, đứng riêng bèn diệt. Thân huyễn tâm huyễn đã diệt thì thế giới huyễn hoá (huyễn trần) cũng diệt. Thân, tâm, thế giới đã diệt thì sự diệt mất của tất cả các huyễn cũng diệt, như chưa từng có, vì chưa từng có chỗ sanh ra. Còn có chút tâm diệt huyễn, chút tâm biết có huyễn đã diệt, thì tâm ấy chưa hoàn toàn là huyễn.
Khi ấy tánh Viên Giác hoàn toàn hiện diện, xưa nay thanh tịnh khắp mười phương, không đợi huyễn diệt mới có, không vì huyễn hiện mà không, gọi đó là cái “chẳng phải huyễn”.
Kinh Kim Cương nói: “Lìa hết thảy tướng gọi là chư Phật”.
Diệt là diệt “bợn nhơ hư huyễn, tướng nhơ”, và khi tướng nhơ vĩnh viễn diệt thì mười phương đều thanh tịnh. Nghĩa là diệt cái vọng, chứ chẳng phải diệt cái chân, cái chân thì chẳng thể nào diệt được, cũng chẳng thể nào lập ra được. Ở đây chúng ta hiểu thêm nghĩa về từ “như huyễn” thường được nói trong các kinh. Như huyễn là chẳng phải có (thường) chẳng phải không (đoạn), chẳng phải sanh chẳng phải diệt, chẳng phải đến chẳng phải đi….
Nếu biết thân tâm thế giới như huyễn đều hoá hiện từ bản tâm đại quang minh tạng, hiện hữu trong đó thì chứng biết ngay tất cả huyễn chính là đại quang minh tạng. Bóng nào chẳng phải là gương nhưng bóng chẳng thể bám dính vào gương, ánh sáng của gương chẳng hề thêm bớt, sạch dơ. Trái lại, ánh sáng vô nhiễm, thanh tịnh của gương là nền tảng cho mọi hình tướng, mọi bóng tha hồ huyễn hiện. Lục Tổ Huệ Năng khi thấy Tánh, thấy ra tấm gương này, bèn thấy muôn pháp chưa từng lìa ngoài Tự Tánh, hơn nữa, tự tánh lưu xuất ra, sanh ra muôn pháp, liền thốt lên rằng:

Nào ngờ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh
Nào ngờ Tự Tánh vốn không sanh diệt
Nào ngờ Tự Tánh vốn tự trọn đủ
Nào ngờ Tự Tánh vốn không động lay
Nào ngờ Tự Tánh hằng sanh muôn pháp.

Khi thật thấy thân tâm là huyễn hiện trong gương tâm Viên Giác, thì thân tâm ấy là Hoá thân, còn gương tâm ấy chính là Pháp thân.

Tánh Giác vừa Tịch vừa Chiếu: Tịch tịnhNhư huyễn

Thiện nam tử! Ví như ngọc báu ma ni thanh tịnh ánh chiếu ra năm màu tùy mỗi phương mà hiện, thế nhưng những người ngu si không biết, thấy ngọc ma ni thật có năm màu.
Thiện nam tử! Cũng như vậy tánh Viên Giác thanh tịnh ứng hiện ra nơi thân tâm tùy theo mỗi loại, thế mà người si mê lại cho rằng Viên Giác thanh tịnh thật có tướng thân tâm, do đó chẳng thể xa lìa huyễn hóa.
Thế nên ta nói thân tâm là bợn nhơ hư huyễn. Đối trị, xa lìa bợn nhơ hư huyễn gọi là Bồ tát. Nhơ hết đối tiêu, thì không có cái gì gọi là đối trừ bợn nhơ hư huyễn.
Thiện nam tử! Bồ tátchúng sanh đời rốt sau chứng được các huyễn nên các ảnh tượng huyễn hoá diệt mất. Bấy giờ liền được thanh tịnh không có phương khắp cả hư không vô biên.

Ngọc ma ni chiếu ra năm màu. Năm màu là các nguyên tố căn bản, các đại. Các đại ấy là đất, nước, lửa, gió, không. Năm đại này được ánh chiếu ra từ ngọc báu tâm Viên Giác nên là duyên sanh, không thật.
Thấy ngọc ma ni thật có năm màu, năm màu khác với ngọc ma ni, năm khác với một, một khác với năm, đó là cái thấy huyễn hóa. Cái thấy thật là tất cả chỉ là ngọc ma ni Viên Giác, không có cái gì hai, không có cái gì khác.
Thân tâm mỗi chúng ta là do năm đại hòa hợp ứng hiện tùy theo nghiệp của mỗi người mà có. Năm màu, năm dại đã không thật thì thân tâmthế giới chúng ta duyên sanh từ đó lại càng không thật nữa. Thấy thân tâmthế giới của mình là thật có chứ không phải là sự ứng hiện theo nghiệp từ tâm Viên Giác, cái thấy có thật này là cái thấy huyễn hóa, mà Kinh nói là “bợn nhơ hư huyễn”.
Biết được năng lực “ứng hiện của tâm Viên Giác thanh tịnh” là then chốt để tu hành Như Huyễn, để biết “ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức”. Nếu tin và biết rõ năng lực “ứng hiện của tâm Viên Giác thanh tịnh” này, bèn tức khắc “biết huyễn tức lìa, chẳng khởi phương tiện; lìa huyễn tức giác,cũng không thứ lớp”.
Ví như cái đèn kéo quân, trong cùng là bóng đèn sáng. Vòng thứ nhất chúng ta dán hình những con người, con trâu, con cá… là “duyên nghiệp” của mỗi loài. Khi vòng thứ nhất này xoay tròn, tất cả thế giới người, trâu, cá hiện ra, chuyển động trên vòng thứ hai bất động. Chúng ta thấy thế giới ấy chuyển động trên vòng thứ hai này.
Cái căn bản, cái nền tảng của năm màu với ngọc ma ni, của thân tâm với tánh Viên Giác, của thế giới người trâu cá….với đèn kéo quân, chính là ánh sáng, ánh sáng đồng nhất ở tất cả mọi chỗ, mọi tướng. Ánh sáng thì bình đẳng nhưng khi chiếu ra thành năm màu, chiếu ra thành thân tâm, chiếu ra thành thế giới người trâu cá, sự khác biệt là tùy theo duyên nghiệp. Cho nên năm màu chính là ánh sáng, thân tâm chính là ánh sáng, thế giới đèn kéo quân chính là ánh sáng.
Thấy và tưởng rằng những tướng ấy là thật có, thật khác nhau mà không biết rằng những tướng ấy vốn cùng một ánh sáng được khúc xạ qua duyên nghiệp, cái thấy và tưởng này Kinh Viên Giác gọi là cái huyễn. Chấp chặt vào các tướng có ra do phân biệt hư huyễn ấy mà không biết chúng đã là, đang là và vẫn sẽ là ánh sáng, thì Kinh gọi là bợn nhơ hư huyễn (huyễn cấu). Chúng sanh thì ở nơi huyễn mà không biết bèn thành huyễn cấu. Còn Bồ tát biết là huyễn, đó gọi là huyễn trí như Kinh Hoa Nghiêm nói.
Cho nên khi quan sát thân tâm thấy được rằng nó được ánh chiếu ra từ ánh sáng của tánh Viên Giác hay Đại quang minh tạng, thân tâm trở thành như huyễn, thế là lìa xa bợn nhơ hư huyễn và được giải thoát, vì duyên nghiệp của thân tâm cũng trở thành như huyễn. Ngay giờ đây, nếu thấy tất cả tướng như huyễn đều được ánh chiếu từ nền tảng ánh sáng của tánh Viên Giác, bèn thấy trong ngoài chỉ là ánh sáng nền tảng vô phân biệt, đó là giải thoát.
Với những tư tưởng tạo thành tâm thì cũng như vậy. Chúng là những hơi khí bóng dáng của duyên nghiệp được phản ánh từ ánh sáng căn bảnĐại quang minh tạng. Theo truyền thống Đại Toàn Thiện và Thiền tông, chúng là những Hóa thân của Pháp thânĐại quang minh tạng. Chúng chỉ là sự phô diễn, trò chơi vô tự tánh, bất khả đắc của Pháp thân nên chúng là tự giải thoát.
Nếu ngay đây mà biết tất cả sắc thanh hương vị xúc pháp, tất cả mắt tai mũi lưỡi thân ý chỉ là sự ứng hiện của tánh Viên Giác theo duyên nghiệp mỗi người, liền an trụ ngay trong tánh Viên Giác, thấy rõ tất cả chỉ là bóng sắc trong gương, bóng trăng trong nước, thành phố giữa trời, bèn dùng thân tâm như huyễn mà độ chúng sanh như huyễn, làm tất cả Phật sự như huyễn, đi khắp thế giới như huyễn, tự tại như mặt trăng hiện bóng khắp tất cả chỗ nào có nước mà bóng trăng chẳng thể đắc, thong dong như người huyễn vì chưa từng có sanh vậy.
Khi chứng đắc tất cả đều như huyễn, sự chấp thực vào bóng dáng ảnh tượng diệt mất, bấy giờ tánh Viên Giác hiện tiền trùm khắp hư không vô biên. Thân tâm hữu hạn không còn, bèn đắc thanh tịnh toàn khắp không có phương hướng, khi ấy toàn cả thế giới chúng sanhthân tâm như huyễn của mình.


Khi hình tướng trở thành như huyễn, tâm phân biệt hoàn toàn tiêu diệt, lúc ấy tất cả các hình tướng chuyển hóa trọn vẹn thành tánh: tất cả là tánh, không còn gì là tướng tiền trần phân biệt. Tất cả là vàng, không cách hở mảy mún nào chẳng phải là vàng. Toàn bóng là gương, không chỗ nào không phải là gương. Toàn tướng là tánh Giác, không cái gì không phải tánh Giác.

Tánh Viên Giác hiện thì căn, trần, thức, tất cả các tướng thế gianxuất thế gian đều thanh tịnh.

Tánh Giác tròn đầy sáng suốt đã hiện ra nên hiển bày tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì cái thấy trần thanh tịnh. Cái thấy thanh tịnh thì căn mắt thanh tịnh. Căn mắt thanh tịnh thì thức mắt thanh tịnh. Thức thanh tịnh thì cái nghe trần thanh tịnh. Cái nghe thanh tịnh thì căn tai thanh tịnh. Căn tai thanh tịnh thì thức tai thanh tịnh. Thức thanh tịnh thì cái biết trần thanh tịnh. Như thế cho đến mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều thanh tịnh.
Thiện nam tử! Căn thanh tịnh thì sắc trần thanh tịnh. Sắc thanh tịnh thì thanh trần thanh tịnh. Hương, vị, xúc, pháp cũng lại như vậy.
Thiện nam tử! Sáu trần thanh tịnh thì địa đại thanh tịnh. Địa đại thanh tịnh thì thủy đại thanh tịnh. Hỏa đại, phong đại cũng lại như vậy.
Thiện nam tử! Bốn đại thanh tịnh thì mười hai xứ, mười tám giới, hai mươi lăm cõi đều thanh tịnh. Bởi vì tất cả thế giới đều thanh tịnh nên mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cọng của Phật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều thanh tịnh. Như thế cho đến tám vạn bốn ngàn môn đà la ni, tất cả thanh tịnh.

Tu Viên Giác là lìa xa các bợn nhơ hư huyễn do thức phân biệt tạo ra để trở về tánh Giác chẳng phải huyễn. Một khi chứng được các huyễn, tánh Viên Giác hiện ra. Như khi không còn mê mờ cuồng loạn chạy theo các bóng thì gương sáng hiện ra.
Khi đã loại bỏ được bợn nhơ hư huyễn, thì tất cả sự ánh chiếu ứng hiện của tâm Viên Giác từ trong ra ngoài đều thanh tịnh. Vì tâm Viên Giác vốn thanh tịnh nên tất cả sự ánh chiếu của nó, các căn, trần, thức, bốn đại, mười hai xứ, mười tám giới, cho đến tất cả Phật pháp đều thanh tịnh. Như Duy thức nói, khi Biến kế sở chấp đã diệt thì Viên thành thật tánh và sự chiếu sáng của nó hiện bày thanh tịnh.
Khi thấy được sáu căn, sáu trần, sáu thức, bốn đại, mười hai xứ, mười tám giới, hai mươi lăm cõi đều là sự ánh chiếu, ứng hiện duyên sanh của chính tâm Viên Giác, do đó tất cả đều như huyễn, tâm Viên Giác bèn bày lộ rỡ ràng trước mắt. Và vì tâm Viên Giác vốn thanh tịnh, cho nên tất cả sự ứng hiện của nó đều thanh tịnh.
Vì tánh Viên Giác, hay Như Lai tạng là nền tảng, là cội nguồn của tất cả, để từ đó các pháp thế gianxuất thế gian lưu xuất, nên khi đạt đến tánh Viên Giác thanh tịnh thì tất cả tướng lưu xuất từ đó đều thanh tịnh. Thanh tịnhnhư huyễn, bất khả đắc.
Tánh Viên Giác hiện ra thì trong ngoài đều sáng suốt thanh tịnh. Nguồn ánh sáng đã đạt đến thì từ trong ra đến ngoài đều sáng. Kinh Duy Ma Cật nói: “Tùy tâm này tịnh tức cõi Phật tịnh”.
Chứng ngộ được tánh Viên Giác quang minh thanh tịnh thì tất cả mọi thứ phát xuất từ đó và hiện hữu trong đó đều thanh tịnh. Như thế sáu căn, sáu trần, sáu thức, cho đến hai mươi lăm cõi, và tất cả các pháp xuất thế gian của Ba thừa đều sáng suốt, thanh tịnh. Kinh Kim Cương nói: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp”. Như thế bởi vì tất cả các pháp đều là quang minh, thanh tịnh.
Tánh vàng ấn chứng tất cả các tướng đều chính là vàng, không thể là gì khác và không có vật nào khác ở ngoài vàng. Đây là chỗ Kinh nói: “Tất cả các pháp, tánh tướng bổn lai thanh tịnh”.

Tất cả tướng đều là Viên Giác

Thiện nam tử! Tất cả đều là thật tướng, tánh vốn thanh tịnh, thế nên một thân thanh tịnh. Một thân thanh tịnh thì nhiều thân thanh tịnh. Nhiều thân thanh tịnh như thế cho đến mười phương chúng sanh đều là Viên Giác thanh tịnh.
Thiện nam tử! Một thế giới thanh tịnh thì nhiều thế giới thanh tịnh. Nhiều thế giới thanh tịnh như thế cho đến suốt cả hư không, trùm khắp ba đời, tất cả bình đẳng thanh tịnh chẳng động.

Khi tất cả thanh tịnh thì không những chúng ta hết nghiệp bợn nhơ hư huyễn, mà tất cả chúng sanh đều thanh tịnh, đều hết nghiệp. Cái thấy thanh tịnh này là đại giải thoát, vì không những chúng ta giải thoát mà tất cả chúng sanh đều giải thoát vì tất cả đều nằm trong tâm Viên Giác thanh tịnh. Chúng sanh bổn lai thành Phật thì mới Đại giải thoát, Đại thái bình được.
Tất cả sắc đều là Phật sắc, tất cả thanh đều là Phật thanh, chạm mặt gặp duyên không gì chẳng phải là Thật tướng Tịnh độ. Tất cả các pháp tánh tướng thanh tịnh, xưa chẳng sanh, nay chẳng diệt, hiện tiền tịch diệt, đây là Niết bàn ‘mở mắt liền thấy’ vậy.
Một thân thanh tịnh cho đến nhiều thân, như thế cho đến mười phương chúng sanh đều là tánh Viên Giác quang minh thanh tịnh: đây là cái thấy hoàn trả các tướng huyễn về trong thật tướng ánh sáng thanh tịnh của chúng. Dùng ngôn từ của Mật thừa, đây là Mạn đà la Viên Giác, trong ấy tất cả đều là tánh Viên Giác.
Một khi thấy tánh Viên Giác (ngộ), hành giả phải càng lúc càng đi sâu vào (nhập). Sống cảnh gì, gặp sự gì, đều ‘nhúng’ các tướng vào ánh sáng bổn nguyên Viên Giác, cho đến khi tất cả các tướng đều trở thành ánh sáng bổn nguyên. Kinh nghiệm sự vật gì đều ‘đặt’ nó vào trong ánh sáng của tánh Viên Giác, cho đến khi tất cả pháp giới đều ở trong Đại quang minh tạng.
Tánh Viên Giác vốn toàn khắp, sáng suốt cả hư không, trùm khắp ba đời, trong mỗi vi trần, trong mỗi sát na đều tròn đầy sáng suốt, trọn vẹn bình đẳng thanh tịnh chẳng động. Với người tu hành, các tướng huyễn càng được chứng thì tánh Viên Giác càng mở rộng, ánh sáng càng phóng chiếu thấu thoát, sự chứng nghiệm thanh tịnh càng ngày càng rộng khắp, cho đến khi tánh Viên Giác trùm khắp tất cả không gian thời gian, biến tất cả thành tánh Viên Giác quang minh, thường định, chẳng động.

Tánh tướng đều chẳng động

Thiện nam tử! Hư không bình đẳng chẳng động như thế, ngay đây biết tánh Giác bình đẳng chẳng động. Như thế cho đến tám vạn bốn ngàn môn đà la ni bình đẳng chẳng động, ngay đây biết tánh Giác bình đẳng chẳng động.

Đoạn trên nhấn mạnh đến tánh tướng thanh tịnh. Đoạn này nhấn mạnh tánh tướng chẳng động.
Chỉ cần thấy bốn đại chẳng động thì ngay đây biết tánh Giác bình đẳng chẳng động. Thật không lời nào chỉ thẳng cho bằng. Chỉ cần thấy các tướng bình đẳng chẳng động, ngay đây khỏi hẳn sanh tử. Chỉ cần thấy pháp thế gianxuất thế gian bình đẳng chẳng động, ngay đây liền hết sạch vọng tưởng, chứng nhập Vô sanh.
Người tu ở giai đoạn đầu, dễ lầm lẫn rằng tánh Giác thì bình đẳng chẳng động, nhưng các tướng chẳng phải là bình đẳng chẳng động. Nói rộng ra, Niết bàn thì bình đẳng chẳng động, nhưng sanh tử chẳng phải là bình đẳng chẳng động.
Đến đây cái thấy Phổ Nhãn mới trọn vẹn: tánh Giác thanh tịnh bình đẳng chẳng động mà các tướng cũng thanh tịnh bình đẳng chẳng động. Niết bàn thanh tịnh bình đẳng chẳng động mà sanh tử cũng thanh tịnh bình đẳng chẳng động. Nói theo Đại thừa, Niết bànsanh tử là một vị. Một vị quang minh và thường định. Tất cả bình đẳng chẳng động vì tất cả là Đại quang minh tạng.

Tánh viên mãn khắp cả pháp giới, tướng cũng viên mãn khắp cả pháp giới.

Thiện nam tử! Tánh Giác đầy khắp thanh tịnh chẳng động, tròn đầy nên không có ngằn mé, ngay đây biết sáu căn thanh tịnh đầy khắp pháp giới. Căn đầy khắp ngay đây biết sáu trần thanh tịnh đầy khắp pháp giới. Trần đầy khắp ngay đây biết bốn đại thanh tịnh đầy khắp pháp giới….như thế cho đến tất cả môn đà la ni thanh tịnh đầy khắp pháp giới.
Thiện nam tử! Do tánh Diệu Giác này đầy khắp nên tánh căn tánh trần không hoại, không tạp….như thế cho đến các môn đà la ni không hoại không tạp. Như trăm ngọn đèn chiếu sáng trong một căn nhà, ánh sáng mỗi ngọn đèn đầy khắp, không phá hoại tạp loạn lẫn nhau.

Vì tánh Giác vốn đầy khắp thanh tịnh chẳng động nên tất cả các tướng sanh ra từ đó là căn trần thức cũng đầy khắp thanh tịnh chẳng động mà chẳng hư hoại nhau, tạp loạn nhau. Bản chất, bản tánh của căn trần thức là ánh sáng, cho nên chúng chẳng phá hoại, tạp loạn nhau, vì ánh sáng chẳng phá hoại, tạp loạn ánh sáng. Các tướng, các sự vật vốn là ánh sáng cho nên chúng chẳng phá hoại, chẳng tạp loạn nhau, như tất cả các bóng trong gương đều có bản chấtgương sáng nên tương dung vô ngại với nhau.
Đây là sự vô ngại của tất cả mọi cái hiện hữu, mà hệ thống Kinh Hoa Nghiêm gọi là Sự sự vô ngại. Các sự vật vô ngại với nhau bởi vì chúng là như huyễnquang minh. Càng nhìn thấy sự như huyễnquang minh của thế giới này bao nhiêu thì mọi sự trong thế giới càng vô ngại với nhau bấy nhiêu.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Như sự thấy, nghe, hay, biết, tánh chúng đều toàn khắp, vốn không động lay, nên phải biết kiến đại, không đại với bốn đại địa thủy hỏa phong, sáu đại đó bản tánh viên dung, đều là Như Lai tạng, vốn không sanh diệt.
Trong Như Lai tạng, tánh bốn đạiChân Không, tánh Không là chân đại, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy theo tâm chúng sanh mà ứng với chỗ hay biết.
A Nan, ông trôi chìm, không ngộ cái thấy, nghe, hay biết của ông vốn là Như Lai tạng. Ông hãy nhìn xem cái thấy, nghe, hay, biết… này là sanh là diệt, là đồng là khác, là chẳng sanh diệt, là chẳng đồng khác?
Ông nào có biết, trong Như Lai tạng, cái thấy là tánh Giác tròn sáng. Tánh Giác tròn sáng hiển lộ ra thành cái thấy, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy theo tâm chúng sanh mà ứng với lượng hay biết. Như một căn thấy thấy khắp pháp giới, thì cái biết nghe, biết ngửi, biết cảm giác, biết các pháp, đều là cái diệu đức sáng rỡ toàn khắp pháp giới, tròn đầy cả mười phương hư không, nào có riêng nơi chốn, chỉ theo nghiệp hiện bày. Thế gian lại không biết, lầm cho là tánh nhân duyên hay tánh tự nhiên. Hết thảy đều chỉ là sự phân biệt đo lường của thức tâm, chỉ có danh tự lời nói, hoàn toàn không có thật nghĩa”.
Nhưng làm sao để thấy pháp giới sự sự vô ngại này? Thức động thì toàn nước thành sóng. Không động tức toàn sóng là nước. Thân này mà không thì thân bèn đầy khắp pháp giới thanh tịnh chẳng động. Mắt chẳng vướng sắc thì mắt bèn đầy khắp pháp giới như gương lớn soi trùm muôn hình tượng, trong đó tất cả các sắc đều hiện bày thanh tịnh chẳng động.
Có thức động thì phân chia thành tướng hoại diệt, tạp loạn lẫn nhau, không động tức bình đẳng đầy khắp pháp giới, mà các tướng vẫn nguyên là các tướng, vô ngại lẫn nhau mà không hoại, không tạp.

Tất cả vốn là tánh Giác

Thiện nam tử! Vì thành tựu tánh Giác nên phải biết Bồ tát chẳng dính dáng pháp ràng buộc, chẳng mong cầu pháp giải thoát, không chán bỏ sanh tử, không ưa mến Niết bàn, chẳng kính người giữ giới, chẳng khinh người phá giới, chẳng trọng người tu lâu, chẳng khinh người mới học.
Vì sao thế? Vì tất cả vốn là Giác vậy.
Ví như ánh sáng con mắt thấy suốt cảnh hiện tiền, ánh sáng ấy đầy khắp không có chỗ yêu ghét. Vì sao thế? Thể của ánh sáng vốn không hai, nên không có ưa ghét vậy.

Viên GiácĐại Tịch diệt, Đại Giải thoát cho nên Bồ tát thành tựu tánh Giác chứng nghiệm các pháp vốn tịch diệt, vốn giải thoát, nhẹ nhàng không trọng lực như hoa đốm giữa hư không.
Tất cả là huyễn thì còn gì là ràng buộc, giải thoát, sanh tử, Niết bàn, ưa ghét, kính khinh? Khi đã đạt đến ánh sáng của tánh Giác thì chỗ nào không có ánh sáng, cái gì không nằm trong ánh sáng, cái gì không phải là ánh sáng? Thế nên, tất cả đều là ánh sáng, tất cả đều là tánh Giác.
Một khi đã ở trọn vẹn trong tánh vàng, Bồ tát chẳng có thể làm gì được nữa, chẳng có thể suy nghĩ phân biệt gì được nữa. Đâu cũng là vàng, có chỗ nào là cao là thấp, có chỗ nào là dơ là sạch, có cái gì khác ngoài vàng để khinh để trọng, có chỗ nào cho phân biệt huyễn hóa? Đâu cũng là vàng, mắt thấy cái gì thì cái đó là vàng, không còn một khe hở nào cho sự phân biệt, không còn một ly cách ngăn nào cho bất kỳ thái độ nào.
Ví như trong ánh sáng, tất cả các vật đều sáng, ánh sáng ấy đầy khắp, không có chỗ cho sự phân chia ta người, thân tâmthế giới. Trong pháp giới tánh vàng ấy, tất cả thế giới chúng sanh chưa từng cách hở mảy lông, hết thảy thời gian không gian không lìa ngoài Nhất Niệm.

Cái thấy rốt ráo trong tánh Giác.

Thiện nam tử! Các Bồ tátchúng sanh đời rốt sau tu tập tâm đây được thành tựu thì thật ra trong ấy không có tu cũng không có thành tựu, vì tánh Viên Giác vốn chiếu khắp, tịch diệt không hai. Trong tánh Viên Giác đó trăm ngàn vạn ức vô số thế giới chư Phật như cát sông Hằng giống như hoa đốm giữa hư không lăng xăng khởi diệt, chẳng phải ‘tức’ chẳng phải ‘lìa’, không ràng buộc không giải thoát.
Mới biết chúng sanh xưa nay thành Phật, sanh tử Niết bàn giống như giấc mộng đêm qua.

Khi thấy tất cả các tướng đều như hoa đốm giữa hư không thì các tướng vốn tự giải thoát, bấy giờ tánh Viên Giác chiếu khắp, tịch diệt không hai. Đã là hoa đốm thì không có tu, không có chứng, chẳng phải tức, chẳng phải lìa, không ràng buộc, không giải thoát. Trong đó chưa từng có thân tâmthế giới, chưa từng có khổ đau và giải thoát, nên sanh tử Niết bàn giống như giấc mộng đêm qua.
Tâm Viên Giác là đại giải thoát, bởi vì lúc ấy những cõi Phật của Báo thânHóa thân chư Phật cũng đều như hoa đốm, chẳng phải tức, chẳng phải lìa, không ràng buộc không giải thoát, chẳng dính dáng gì đến tâm Viên GiácPháp thân như hư không mười phương.
Hoàn toàn không dính dáng, hoàn toàn giải thoát như vậy, chỉ vì bổn nguyện độ sanh mà Bồ tát trở lại các thế giới ấy. Cho nên sự trở lại, sự độ sanh chỉ là công việc huyễn của người huyễn.
Chứng được tất cả là hoa đốm như huyễn, thì cái chẳng phải huyễn hiện ra tròn đầy, chưa từng thiếu hụt, chưa từng sanh diệt, chưa từng dơ sạch, chưa từng thêm bớt. Cái chẳng phải huyễn vốn viên mãn ấy nhiếp tất cả mọi sự, tất cả mọi tướng vào trong công đức chưa từng thiếu hụt, chưa từng sanh diệt, dơ sạch, thêm bớt của mình để tất cả là Viên Giác. Do vậy, trong thật tướng ấy, không những chúng sanh bổn lai thành Phật, mà tất cả bổn lai thành Phật, vì chưa từng có giấc mộng sanh tử luân hồi.

Cái nhìn khắp cả: Phổ Nhãn

Thiện nam tử! Như giấc mộng đêm qua, phải biết sanh tử Niết bàn không khởi không diệt, không đến không đi. Chỗ chứng ấy không được không mất, không lấy không bỏ. Người chứng ấy không làm ra, không ngừng dứt, không để mặc, không trừ diệt. Trong cái chứng ấy không người chứng không chỗ chứng, rốt ráo không có sự chứng, cũng không có ai chứng: trọn cả pháp tánh bình đẳng chẳng hoại.
Thiện nam tử! Các Bồ tát như vậy tu hành, như vậy thứ lớp, như vậy tư duy, như vậy trụ trì, như vậy phương tiện, như vậy khai ngộ, như vậy cầu pháp, cũng chẳng mê muội.

Hư không kia chưa từng sanh ra hoa đốm, có đâu chờ hoa đốm diệt để hư không sạch sẽ. Sanh tử loạn xạ chưa từng sanh ra, lấy đâu diệt mất để có được Niết bàn tịch diệt. Mới tỉnh khỏi giấc mộng muốn xa lìa luân hồiước mong đạt đến Niết bàn trong giấc mộng.
Tham thiền cho thấu triệt mới thấy được cái ‘không khởi không diệt, không đến không đi, không được không mất, không lấy không bỏ, không làm ra, không ngừng dứt, không để mặc, không trừ diệt, không tu không chứng’, chính là tánh Viên Giác, cái “một là tất cả, tất cả là một” này.
Thấy huyễn bèn thấy được cái nền tảng của huyễn tức là cái không khởi không diệt, không lấy không bỏ này. Ngược lại càng an trụ trong cái nền tảng không khởi không diệt, không lấy không bỏ thì càng thấy được cái huyễn. Cái gọi là huyễn bấy giờ cũng không sanh không diệt, không lấy không bỏ, không đến không đi.
Khi thấy một tướng là huyễn, ánh sáng Viên Giác thấu thoát qua hình tướng ấy. Như vậy ánh sáng Viên Giác càng ngày càng thấu thoát, càng ‘mở rộng ra’, cho tới lúc thu nhiếp toàn cả pháp giới vào trong sự thanh tịnh, bình đẳng, chẳng động bổn lai của nó.
Tánh Viên Giác chính là cái như vậy bổn lai. Nên các Bồ tát như vậy tu hành, như vậy thứ lớp, như vậy tư duy, như vậy trụ trì…. Tu hành tất cả mà không gì ra ngoài tánh Viên Giác bổn lai. Bởi thế, tu hành mà không tu hành, thứ lớp mà không thứ lớp, trụ trì mà không trụ trì, chứng đắc mà không chứng đắc….

Bài kệ trùng tuyên

Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:
Phổ Nhãn ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Thân tâm đều như huyễn
Thân tướng thuộc bốn đại
Tâm tính về sáu trần
Bốn đại mỗi thứ lìa
Cái chi là hòa hợp?
Như thế tiệm tu hành
Tất cả đều thanh tịnh
Chẳng động, khắp pháp giới
Không: làm, dừng, mặc, diệt
Cũng không có người chứng.
Tất cả thế giới Phật
Giống như hoa hư không
Ba đời đều bình đẳng
Rốt ráo không đến đi.
Bồ tát mới phát tâm
chúng sanh đời sau
Muốn cầu Phật nhập đạo
Phải như vậy tu tập.

Chương Phổ Nhãn khai mở cái thấy chân thật, cái thấy trong tánh Viên Giác, dứt sạch vô minh huyễn hóa.
Biết huyễn tức lìa, lìa huyễn tức Giác. Biết huyễn đến đâu thì tánh Giác hiện ra đến đó. Bởi vì huyễn chưa hề lìa Giác, huyễn ở đâu thì Giác ở đó.
Và tánh Giác, nói theo Thiền sư Cảm Thành, đời thứ nhất dòng Thiền Vô Ngôn Thông Việt Nam, thì: “Khắp tất cả chỗ”, “Chưa từng che dấu”. Nghĩa là chúng ta vẫn sống trong tánh Giác đây,vẫn thấy tánh Giác mỗi giây phút đây, vẫn kinh nghiệm “sanh tử Niết bàn không khởi không diệt, không đến không đi, giống như giấc mộng đêm qua” đây, vẫn thường xuyên có cái thấy Phổ Nhãn “chúng sanh bổn lai thành Phật” đây.
Chỉ một tánh Giác bổn lai này là Nền tảng, Con đường và Quả của Bồ tát. Con đường được khai triển trong Nền tảng, và Quả là Nền tảng bổn lai.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 58770)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :