KINH VIÊN GIÁC LƯỢC GIẢNG
Đại Phương Quảng Viên Giác Liễu Nghĩa Kinh
Đời Đường, nước Kế Tần, Sa Môn Phật Đà Đa La dịch
ĐƯƠNG ĐẠO
THIỆN TRI THỨC 2015
Chương Bồ Tát Kim Cương Tạng
Bồ tát Kim Cương Tạng thưa hỏi Bổn lai thành Phật sao lại có các thứ vô minh
Bấy giờ Bồ tát Kim Cương Tạng ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, quỳ thẳng chấp tay mà bạch Phật rằng:
Thế Tôn đại bi, Ngài đã khéo vì tất cả chúng Bồ tát nêu rõ nhân địa pháp hạnh thứ lớp phương tiện Viên Giác thanh tịnh Đại đà la ni Như Lai, mở vẹt mê mờ cho chúng sanh. Tại pháp hội này chúng con nhờ Phật từ bi khai hóa mà huyễn nhặm được sạch, mắt huệ thanh tịnh.
Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sanh xưa nay thành Phật thì sao lại có mọi thứ vô minh? Nếu chúng sanh vốn có các vô minh, thì do nhân duyên gì mà Như Lai lại nói bổn lai thành Phật?
Mười phương chúng sanh vốn thành Phật đạo mà sao lại sanh vô minh? Như vậy thì tất cả Như Lai bao giờ lại sanh tất cả phiền não?
Xin Thế Tôn chẳng bỏ lòng đại từ khắp suốt, khai mở tạng bí mật cho các Bồ tát và cho tất cả chúng sanh đời rốt sau được nghe pháp môn liễu nghĩa kinh giáo như vậy, vĩnh viễn đoạn dứt nghi ngờ, hối lỗi.
Nói xong năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lập lại ba lần.
Kim Cương Tạng nghĩa là Tạng Kim Cương, tức là kho báu bất sanh bất diệt của chư Phật, là Pháp thân của chư Phật vậy. Trong tạng kim cương nghĩa là trong tánh Viên Giác, chỉ ròng một chất bất sanh bất diệt, chưa hề có nhuốm lấm, nhiễm ô, chưa từng có vô minh vọng khởi, vậy thì vô minh từ đâu sanh và thế nào là vô minh?
Bồ tát Kim Cương Tạng đã thấu nhập Pháp thân Kim cương của chư Phật mới vì Bồ tát sơ học và chúng sanh đời sau nêu câu hỏi về vấn đề vô minh để xin Đức Phật khai mở tạng Kim Cương bí mật đó. Chúng sanh bổn lai thành Phật đó chính là tạng Kim Cương xưa nay thanh tịnh bình đẳng chẳng động vậy.
Chương này cũng giống như trong Kinh Lăng Nghiêm, khi ngài A Nan đã đại ngộ, chứng nhập Pháp thân, nhưng tập khí hữu lậu chưa trừ hết, ngài Phú Lâu Na mới thị hiện hỏi Phật: Tất cả đều là Như Lai tạng, thanh tịnh bản nhiên, sao bỗng dưng sanh ra có núi sông, đất đai, các tướng hữu vi theo nhau dời đổi, hết rồi lại có? Câu hỏi của ngài Phú Lâu Na tương tự với câu hỏi của ngài Kim Cương Tạng: Thanh tịnh bổn nhiên, xưa nay vốn đã thành Phật, sao bỗng dưng có cả thảy vô minh? Hỏi về vô minh để trừ hết tập khí hữu lậu vậy.
Bồ tát Kim Cương Tạng có ba câu hỏi:
1/ Chúng sanh bổn lai thành Phật, nghĩa là xưa nay vẫn ở trong tạng Kim Cương, đều thuần ròng một chất kim cương, thế thì sao lại có mọi thứ vô minh? Đây là câu hỏi về thực tướng của vô minh. Nếu rõ thực tướng của vô minh, ắt chúng sanh bổn lai thành Phật vậy.
2/ Nếu chúng sanh vốn có vô minh, thì vì sao Phật lại nói bổn lai thành Phật? Đây là câu hỏi về thực tướng của chúng sanh. Nếu rõ thực tướng của chúng sanh, ắt xưa nay chưa hề có vô minh vậy.
3/ Mười phương chúng sanh vốn thành Phật đạo, thế thì sao lại có vô minh? Nếu thế thì tất cả Như Lai chừng nào lại sanh các thứ vô minh? Đây là câu hỏi về thực tướng của chư Phật, tức là hỏi về thực tướng Kim cương. Nếu rõ thực tướng Kim cương của chư Phật, ắt là hết sạch nghi hoặc, tiêu tan tất cả mộng tưởng hoa đốm điên đảo mà thật chứng tất cả bổn lai thành Phật, tất cả vốn là Giác vậy.
Tâm sanh tử luân chuyển không thể biết được tánh Viên Giác bất động
Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Kim Cương Tạng: Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau mà thưa hỏi phương tiện rốt ráo bí mật sâu xa của Như Lai. Đó chính là giáo huấn tối thượng Đại thừa liễu nghĩa cho Bồ tát, khiến các Bồ tát tu học ở mười phương và tất cả chúng sanh đời rốt sau được đức tin quyết định, vĩnh viễn đoạn dứt nghi ngờ, hối lỗi. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.
Khi ấy Bồ tát Kim Cương Tạng hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Tất cả thế giới có bắt đầu có chấm dứt, có sanh diệt, trước sau, có không, tụ tán, khởi dừng, niệm niệm tương tục,tuần hoàn qua lại, thảy thảy lấy bỏ, tất cả những thứ đó đều là luân hồi.
Chưa ra khỏi luân hồi mà nghĩ bàn Viên Giác thì tánh Viên Giác kia cũng thành lưu chuyển. Nếu khỏi được luân hồi thì không có các chuyện đó.
Ví như con mắt động thì thấy nước lặng trong thành ra xao động, lại như con mắt cố định thì thấy đốm lửa quay thành một vòng tròn, mây bay mà thấy mặt trăng chạy, thuyền chuyển mà thấy bờ đi, cũng đều như thế.
Thiện nam tử! Trước khi chuyển xoay chưa ngừng mà muốn vật kia đứng lại còn không thể được, huống chi lấy cái tâm sanh tử dơ nhiễm luân chuyển chưa thanh tịnh mà quán sát tánh Viên Giác Như Lai thì làm sao thấy tánh Viên Giác kia khỏi luân chuyển. Bởi thế các ông mới sanh ra ba điều nghi lầm đó.
Được đức tin quyết định là thể nhập vào tánh Viên Giác kim cương, vì ở trong tánh Viên Giác mới có đức tin quyết định. Thấy tánh Viên Giác rõ ràng, mới vĩnh viễn đoạn dứt nghi ngờ.
Cái thấy có sự bắt đầu có sự chấm dứt, có sanh diệt, trước sau, có không, tụ tán, khởi dừng là cái thấy hư vọng tạo ra sanh tử luân hồi. Cái thấy hư vọng này niệm niệm tương tục tạo ra ảo tưởng là có một cái ngã tương tục. Khi đã có một cái ta làm chủ thể và thế giới ở ngoài ta làm đối tượng, bèn có thảy thảy lấy bỏ, tức là có hành động nghiệp.
Mắt động thì thấy nước lặng thành xao động, mắt cố định thì thấy đốm lửa được quay thành một vòng tròn bất động, nhìn yên vào đám mây thì thấy mặt trăng chạy, ngồi trên thuyền chuyển thì thấy bờ đi, đây là những thấy lầm của con mắt. Con mắt động hay tĩnh đều thấy sai. Tâm chuyển động thì thấy có sự chuyển động của cảnh bèn thấy có sanh tử vì sanh tử luân hồi là sự chuyển động. Tâm trụ vào một chỗ thì các chỗ khác lại có đi.
Đó là cái tâm sanh tử dơ nhiễm luân chuyển tạo ra sanh tử không thật có như hoa đốm giữa hư không. Tâm sanh tử tự dơ nhiễm và tự luân chuyển vì những cái thấy có sanh diệt, trước sau, có không, lấy bỏ… sai lầm và hư vọng của nó. Đem cái tâm sanh tử dơ nhiễm và luân chuyển này mà tìm kiếm Viên Giác vô sanh thì càng thêm sanh tử dơ nhiễm và luân chuyển.
Để chữa lành cái tâm sanh tử này, phải có đức tin quyết định: tất cả mắt tai mũi lưỡi thân ý và đối tượng của chúng, sắc thanh hương vị xúc pháp đều là hư vọng như hoa đốm giữa hư không. Ngay nơi đức tin quyết định này tánh Viên Giác hiện bày: chưa từng có đầu cuối, sanh diệt, trước sau, có không, lấy bỏ. Nghĩa là sanh tử Niết bàn đều là giấc mộng đêm qua.
Hư không chưa từng sanh ra hoa đốm
Thiện nam tử! Thí như bệnh nhặm huyễn, vọng thấy ra hoa đốm giữa hư không. Nhặm huyễn hết rồi bèn chẳng thể hỏi: bệnh nhặm lòa đã hết, đến khi nào lại sanh ra tất cả nhặm huyễn? Vì sao thế? Vì bệnh nhặm và hoa đốm hai thứ ấy vốn chẳng ăn nhập gì với nhau.
Cũng như hoa đốm trong hư không khi diệt giữa hư không thì không thể nói: hư không bao giờ lại sanh ra hoa đốm? Vì sao thế? Hư không vốn không có hoa đốm nên chẳng thể nào có chuyện sanh ra hay diệt mất.
Sanh tử Niết bàn đều là sanh ra diệt mất. Tánh Viên Giác vốn nhiệm mầu tròn đầy sáng soi, tuyệt chẳng bao giờ có bệnh nhặm hay hoa đốm.
Thiện nam tử! Phải biết hư không chẳng phải tạm có tạm không, huống là tánh Viên Giác Như Lai tùy thuận là bản tánh bình đẳng của hư không đó ư.
Các đoạn ở đây, Đức Phật trả lời một lượt cả ba câu hỏi nghi lầm.
“Vốn chẳng ăn nhập gì với nhau”, nguyên tiếng Hán là “phi tương đãi”, nghĩa là chẳng đợi nhau, chẳng đối đãi với nhau, chẳng phải cái này nương nhờ cái kia mà sanh, cái kia cũng chẳng hề sanh ra cái này.
Bệnh nhặm và hoa đốm chẳng ăn nhập gì với nhau vì cả hai đều không có tự tánh. Nơi con mắt không thật có bệnh nhặm, cũng như hư không không thật có hoa đốm.
Con mắt không từng sanh ra bệnh nhặm, cũng như hư không không từng sanh ra hoa đốm. Thế nên bệnh nhặm là huyễn (huyễn ế) mà hoa đốm cũng là huyễn. Bệnh nhặm không từ đâu sanh ra, thế mà lại hỏi: hư không bao giờ lại sanh ra hoa đốm? Nơi đây mà thấu rõ cái chỗ từ đó ngài Kim Cương Tạng nêu lên ba câu hoa đốm để khai thị cho chúng sanh ắt phải cười to mà đắc vô sanh pháp nhẫn.
Sanh tử Niết bàn là hoa đốm vọng thấy giữa hư không, làm gì có chuyện sanh ra diệt mất. Tánh Viên Giác hằng tròn đầy sáng khắp, trong đó chưa bao giờ có hoa đốm sanh tử Niết bàn, cũng chưa bao giờ có nhặm lòa vô minh. Đây là nghĩa ‘bổn lai thành Phật’, ‘mười phương chúng sanh vốn thành Phật đạo’.
Cho nên cái nghi ngờ, hối lỗi của chúng ta thật đáng tức cười: ở nơi hoa đốm chưa từng có mà lại hỏi bao giờ hoa đốm sanh, hoa đốm diệt; nơi sự nhặm lòa không nguyên do, không gốc rễ mà lại hỏi bao giờ cái nhặm lòa kia có trở lại. Nếu rõ biết tất cả chỉ là vọng thấy, nhặm lòa cũng chỉ là huyễn nhặm, thì đâu còn gì để mà hỏi thêm về cái bao giờ của mọi sự sanh diệt, có không, tụ tán, tương tục, qua lại, lấy bỏ…; đâu còn gì để thiết tha về số phận của hoa đốm; đâu còn gì để quan tâm về hiện hữu của sanh tử luân hồi.
Đây mới thật là: “Biết huyễn tức lìa, chẳng khởi phương tiện. Lìa huyễn tức giác, cũng không thứ lớp” vậy.
Tánh vàng vốn thành tựu xưa nay, không thể hư hoại
Thiện nam tử! Như nấu quặng vàng, vàng chẳng phải do nấu mà có. Khi đã thành vàng thì chẳng trở lại làm quặng, dù trải qua thời gian không cùng tánh vàng cũng không hoại. Không thể nói vàng chẳng phải vốn thành tựu xưa nay. Tánh Viên Giác của Như Lai cũng như vậy.
Đức Phật dùng vàng để ví dụ cho tánh Viên Giác.
Tánh vàng vốn thành tựu xưa nay, dầu ở trong khoáng hay đã hết khoáng, chẳng bao giờ hòa chung làm một với khoáng. Bởi thế mới có thể nấu lọc vàng ra khỏi khoáng được. Tất cả chúng sanh vốn có Phật tánh Viên Giác, dầu lẫn với vô minh hay đã hết vô minh, chẳng bao giờ Phật tánh hòa nhập làm một với vô minh. Bởi thế mới có thể tu hành gạn lọc được.
Tánh vàng không phải do nấu mới có, Phật tánh không phải do tu tập mà thành . Vàng xưa nay vẫn vốn là vàng, không do chế tạo, không trộn lẫn, không cấu bẩn, thấy biết hay không thấy biết là tùy nơi ta tự che lấp hay không. Tánh vàng không phải do chưa nấu mà không có, Phật tánh không phải do vô minh mà không: vàng hay Phật tánh xưa nay chưa từng bị nhiễm ô, mới biết vô minh xưa nay chưa hề có thật thể.
Thật biết tánh Viên Giác vàng ròng vốn sẳn đủ, vốn toàn thiện, vốn viên mãn, chẳng đợi tu tập mới có, chẳng vì vô minh vô tự tánh huyễn hóa mà không. Tánh tướng, sắc thanh, trời đất núi sông hiện đều là vàng, mỗi vi trần mỗi thế giới đâu cũng là vàng, mới biết tất cả xưa nay vốn viên thành Phật đạo. Tất cả chưa từng rời khỏi Pháp thân Đại Nhật Như Lai một sát na nào, cách hở một mảy bụi nào, sao lại có thể có được chuyện ‘a tăng kỳ kiếp tu hành’, ‘vô minh bao giờ trở lại’, ‘chúng sanh thành Phật, Phật thành chúng sanh’ vọng tưởng điên đảo kia ư?
Tâm Viên Giác vốn tự viên thành
Thiện nam tử! Tâm Diệu Viên Giác của tất cả Như Lai vốn không có Bồ đề và Niết bàn, cũng không có thành Phật và chẳng thành Phật, không có luân hồi hay chẳng luân hồi hư vọng nào cả.
Thiện nam tử! Đến như cảnh giới Niết bàn trọn vẹn của bậc Thanh Văn, thân tâm ngôn ngữ trọn đều đoạn diệt mà còn không thể đến được chỗ thân chứng kia, huống là có thể lấy cái tâm suy nghĩ phân biệt mà đo lường được cảnh giới Viên Giác Như Lai.
Như lấy lửa đom đóm mà đốt núi Tu Di thì rốt cuộc chẳng hề hấn gì. Dùng tâm luân hồi bèn sanh cái thấy luân hồi, thế thì có bao giờ vào được biển đại tịch diệt Như Lai. Thế nên ta nói tất cả Bồ tát và chúng sanh đời sau trước phải đoạn dứt căn bản luân hồi vô thủy.
Có phân biệt vọng thấy ra sanh tử bèn có vọng tưởng đi vào Niết bàn. Có phân biệt vọng thấy chúng sanh bèn có vọng tưởng thành Phật. Đâu biết tánh Viên Giác lìa tứ cú tuyệt bách phi, một mảy trần cũng chẳng lập, một sát na cũng chẳng thành, muôn vàn niệm tưởng có không cũng Hư không Kim Cương Tạng bất động như núi Tu Di. Viên Giác lìa khỏi mọi hoạt động phân biệt của tâm, ý, ý thức, lìa khỏi mọi niệm và dứt niệm, có tướng và không có tướng. Đây là Đại giải thoát của Viên Giác.
Trong Viên Giác mà vừa định khởi niệm thì hư không đã tràn đầy hoa đốm, vừa định diệt niệm bèn có ngay mặt trăng thứ hai. Bậc Thanh Văn lấy Niết bàn mà bỏ sanh tử, trong khi trong tánh Viên Giác sanh tử vốn là tịch diệt, sanh tử chưa từng có. Chính cái không lấy không bỏ này là tự do vô thượng của bậc Bồ tát. Vì trong Tâm Diệu Viên Giác của tất cả Như Lai thì không có sanh tử và Niết bàn, không có vô minh và giác ngộ. Nói cách khác, sanh tử và Niết bàn, vô minh và giác ngộ cùng một bản tánh, bản tánh ấy là Tâm Diệu Viên Giác của chư Phật.
Khi biết rằng mọi khởi tâm động niệm chỉ là lửa đom đóm không hề hấn gì đến núi Tu Di, lấy cái tâm suy nghĩ phân biệt để mong đo lường cảnh giới Viên Giác thì hư không càng sanh thêm hoa đốm, sanh tử luân hồi lại chồng thêm sanh tử luân hồi, khi ấy không khởi niệm cũng không diệt niệm, không dấu tích, mà tùy thuận biển đại tịch diệt Như Lai.
Hoa đốm không bao giờ kết thành quả
Thiện nam tử! Có suy nghĩ phân biệt là vọng từ tâm khởi, chúng đều là hơi khí bóng dáng vọng tưởng duyên theo sáu trần, chẳng phải tâm thể chân thật, cũng như hoa đốm trong không.
Lấy cái suy nghĩ phân biệt đó mà tìm hiểu cảnh giới Phật thì chẳng khác gì mong chờ hoa đốm giữa hư không kết thành trái quả ở hư không, chỉ càng thêm vọng tưởng, làm sao có được.
Thiện nam tử! Tâm huyễn hóa hư vọng lắm cái thấy dối lầm đó không thể thành tựu được phương tiện Viên Giác. Phân biệt như thế thì chẳng phải câu hỏi chính đúng.
Tâm Viên Giác nào có luân hồi, chỉ duy cái vọng tâm phân biệt nghĩ suy thấy có đến có đi, có sanh có diệt, có tăng có giảm… vọng thấy có luân hồi. Các hoạt động của vọng tâm giả hợp bằng hơi khí bóng dáng duyên theo sáu trần như huyễn ấy sanh ra luân hồi hoa đốm. Trong tánh Viên Giác thanh tịnh chẳng động, là chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả chư Phật, lại thấy ra hơi khí bóng dáng duyên theo mà có ra sanh diệt, đến đi, tụ tán, tiếp nối, lấy bỏ. Đây là cái vọng thấy luân hồi. Dấy sanh ra cái vọng thấy có hoa đốm luân hồi rồi khởi tâm làm việc với chúng, chặt đứt chúng, tịnh hóa chúng, chuyển hóa chúng… thì chẳng khác nào chờ đợi hoa giữa hư không kết thành trái của hư không.
Vọng thấy có hoa đốm rồi chờ hoa đốm kết trái, vọng thấy có sanh tử rồi ngồi chờ sanh tử diệt để thành quả Niết bàn, có điên đảo nào bằng.
Ngộ nhập chỗ này bèn dứt bặt, hết hẳn mọi tạo tác. Ngay đây biết Vô sanh pháp nhẫn là gì.
Cái tâm hư vọng sanh ra hoa đốm luân hồi kia không thể rõ biết được tánh Viên Giác. Nhìn hư không nó chỉ thấy hoa đốm chứ không thấy hư không. Cho nên mọi câu hỏi, mọi việc làm về hoa đốm đều không chính đúng. Mọi câu hỏi, mọi việc làm khởi từ cái tâm vọng tưởng sanh ra hoa đốm này đều là việc làm vô ích, hư huyễn, như chờ đợi đến lúc hoa không kết thành trái của hư không.
Sao chẳng quay lại hỏi thẳng cái vọng tâm sanh ra cái thấy hoa đốm kia. Vọng tâm phân biệt có thật hay không? Hoa đốm do vọng tâm phân biệt có thật hay không? Hỏi liên tục câu hỏi ấy tức là tham thiền. Chính ngay nơi câu hỏi ấy cái vọng tâm hoa đốm kia phải tan rả như bóng tối tiêu tan trước ánh sáng mặt trời để thấy rằng Viên Giác xưa nay như hư không vốn tự thành tựu vậy
Bài kệ trùng tuyên
Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:
Kim Cương Tạng nên biết
Tánh tịch diệt Như Lai
Chưa từng có đầu cuối
Nếu lấy tâm luân hồi
Suy nghĩ thành luân chuyển
Chỉ đến mé luân hồi
Chẳng thể vào biển Phật.
Ví như nấu quặng vàng
Vàng không đợi nấu có
Tuy bổn lai là vàng
Nhờ nung mà thành tựu.
Một phen thành vàng ròng
Không trở lại làm quặng
Sanh tử và Niết bàn
Phàm phu cùng chư Phật
Đồng là tướng hoa đốm
Tư duy là huyễn hóa
Huống lời hỏi hư vọng
Nếu rõ được tâm này
Bèn thấy ra Viên Giác.
Ngài Kim Cương Tạng vì muốn chúng sanh hết sạch nghi lầm nơi tánh Viên Giác mà thị hiện đưa ra những câu hỏi, Đức Phật bèn dựa theo những câu hỏi ấy mà chỉ rõ thật tánh của Viên Giác và thật tướng của vô minh. Chương này cũng chỉ ra tánh Viên Giác, nhưng trong mối tương quan với tâm thức tạo ra luân hồi hoa đốm của chúng sanh.
Cần thấy cái tâm tạo ra huyễn hóa ấy chẳng làm gì được, trái lại càng xoay xở thì càng thêm trói buộc, như con kén cứ nhả tơ để tự trói buộc mình, càng thêm vọng tưởng. Khi thấy rõ sự bất lực và phá hoại của tâm vọng tưởng phân biệt này, người ta chỉ còn cách buông bỏ nó. Ngay khi buông bỏ, nghĩa là thấy nó không thật có, người ta thấy ra tánh Viên Giác. Đó là cái ‘đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt’. Nơi ấy không có sanh tử và Niết bàn.
Còn ôm giữ cái tâm phân biệt hư vọng ấy là còn ôm giữ cái thế giới sanh tử bị cắt lìa từng mảnh xung đột nhau gây khổ đau. Trong tâm Viên Giác tất cả là vàng thì tâm phân biệt thấy có phàm phu bên này, chư Phật bên kia, sanh tử bên này Niết bàn bên kia thì tâm ấy chỉ là hoa đốm. Dựa vào tâm phân biệt hoa đốm ấy mà chờ những trái quả của hoa đốm thì biết bao giờ hết điên đảo. Còn nếu trong một khoảnh khắc mà thật chứng biết vọng tâm là huyễn, thì “Biết huyễn tức lìa, lìa huyễn tức giác”, bèn là hết việc làm điên đảo.
Vàng vốn sẳn có, chúng sanh thế giới xưa nay nguyên là vàng. Đây là Tâm Diệu Viên Giác của tất cả chư Phật.
Một khi đã buông bỏ cái tâm mà hoạt động của nó sanh ra hoa đốm, nhìn lại chúng sanh, liền tuôn trào đại bi không dứt. Chúng sanh thật đáng thương, cứ mãi tạo ra hoa đốm giữa hư không để rồi còn chờ đợi hoa không ấy sanh ra quả không, hết đời này sang đời khác.