III. Hiệu quả của pháp luật triều Lý:
Nói tóm lại, pháp luật triều Lý đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo rất nhiều, nhất là ở các điểm khoan hồng và nhân đạo đối với phạm nhân. So sánh với các nền pháp luật trong thời đại đó, chúng ta thấy các nước phong kiến khác đều áp dụng những hình phạt rất nặng nề và ác nghiệt, nhất là đối với tội phản nghịch chống chế độ của vương quyền đương thời. Trong khi nền pháp luật triều Lý đã áp dụng một nền pháp luật nhuốm đượm một tinh thần rộng rãi và khoan dung. Đó là do sự ảnh hưởng lòng từ bi của đạo Phật, vì như chúng ta đã biết dưới thời Lý, Phật giáo được tôn sùng và ảnh hưởng sâu đậm vào các tầng lớp vua chúa, quí tộc cũng như trong dân chúng. Nhất là trong dân gian, Phật giáo có ảnh hưởng rất tốt, các hành động phi pháp được giảm bớt, hành vi tàn bạo ít dần, là do những quan niệm từ bi hỉ xả, và những hành động ăn năn, sám hối tội lỗi vẫn được thực hành luôn luôn trong đời sống hàng ngày. Do vậy, nên qua các triều đại Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông là những triều đại thịnh trị nhất, mà bằng chứng cụ thể là năm 1054, Lý Thánh Tông đã xuống chiếu đốt bỏ các hình cụ trừng phạt nhân dân, đó là biểu trưng cho một sự ổn định quốc gia mà luật pháp đã giữ một vai trò quan trọng vậy.
Nhờ áp dụng chính sách khoan dung trong pháp luật, nên triều đại nhà Lý đã thu phục được nhân tâm. Thật vậy, trong nhân dân ai ai cũng hướng về Lý triều với lòng khâm phục về chính sách cai trị dân, nên triều Lý đã kéo dài trên hai thế kỷ (1010 - 1225) và trong suốt hai thế kỷ đó đế nghiệp nhà Lý rất vững vàng, nhân dân sống trong cảnh ấm no và an lạc. Do đó, nên khi thời cuộc đổi thay, nhà Trần chiếm ngôi vua của họ Lý vào năm 1225 dưới thời Lý Chiêu Hoàng, triều Lý đã đi vào lịch sử, mà trong quần chúng nhân dân vẫn còn lưu luyến tiền triều; trong dân gian, người dân đã diễn tả tâm trạng lưu luyến ấy qua hai câu ca dao sau đây:
"Trống chùa ai đánh thùng thùng,
Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng."
(Ca dao)