- Lời giới thiệu và Lời mở đầu
- Chương 1. Chút kỷ niệm thuở ấu thời
- Chương 2. Phương tây
- Chương 3. Thức tỉnh và xuất gia
- Chương 4. Học hạnh một người tu
- Chương 5. Cái tu trong xã hội tân tiến
- Chương 6. Tập học cuộc đời
- Chương 7. Cám dỗ
- Chương 8. Tiền tài
- Chương 9. Sắc đẹp
- Chương 10. Danh vọng
- Chương 11. Cái ăn
- Chương 12. Ngủ
- Chương 13. Tình yêu
- Chương 14. Dục vọng và đam mê
- Chương 15. Ra đi
TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU
Thích Hạnh Nguyện
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
CHƯƠNG 1
CHÚT KỶ NIỆM THUỞ ẤU THỜI
Sự trưởng thành của một người là sự trưởng thành tâm thức của họ, và tâm thức ấy không thể lưu xuất ra từ sự không hiểu biết. Sự trưởng thành của một người là sự trưởng thành ý chí của họ, và ý chí ấy không thể lưu xuất ra từ việc không chủ ý.
Sự trưởng thành của một người là sự trưởng thành tác lực muốn làm của họ, và việc muốn làm ấy không thể là kết quả của sự tự nhiên.Gurdjeff (1873-1949)
Tôi không ngờ mình đã trở thành người lớn thật sự khi trở lại xóm làng xưa, và lặng lẽ đứng nhìn những em nhỏ đang nô đùa bên lúm cây, hàng phượng vĩ trong sân trường. Những ánh mất hồn nhiên, những nụ cười đong đẩy vẻ ngây thơ tinh nghịch là hình ảnh của tôi một thời trong dĩ vãng. Với con người tôi, dĩ vãng đã như không muốn còn hiện hữu vì cái ký ức mờ nhạt đến bạc bẽo của tôi gần như không thể cho tôi hình dung hay khái niệm bất cứ một điều gì trong cái quá khứ yên bình thuở ấu thời. Chỉ có về lại thấy người, trông cảnh xưa mới làm cho tôi lưu luyến và hồi tưởng được đôi điều.
Nhớ về một kỷ niệm, có lẽ thường là một kỷ niệm nào đó in đậm trong ký ức nơi mình, ở đó nếu không phải là một kỷ niệm đau buồn thì cũng là một kỷ niệm gì thật thú vị giữa hai cảm giác ấy là một dòng tư tưởng nối dài từ bờ mé hiện tại theo về nẻo quá khứ. Có những lúc hồi tưởng lại tôi thấy mình được sảng khoái đê mê trong những ký ức nhạt nhòa nhưng thật kỳ diệu; nhưng cũng có lúc hồi tưởng lại chỉ để thấy đau nhói nơi con tim, và chút vị mặn chát ươn ướt nơi đầu môi, khoé mắt. Trong tâm cảm ấy đôi khi tôi không muốn nhớ về một kỷ niệm, mà muốn nó hãy nằm sâu trong ký ức dĩ vãng của một thời.
Dòng đời quả là một dòng nước trôi chảy không ngừng nghỉ; nó như thật vô tình và có lúc lãnh đạm gần như đến phũ phàng. Nhớ hồi tôi còn nhỏ, tôi say mê và nhìn ngắm những người lớn như ba tôi, má tôi một cách thèm thuồng.
Đối với tôi người lớn quả là một con người kỳ diệu và phi thường. Người lớn có thể làm ra được tất cả vì người lớn có tiền, có của cải, có đầy đủ sức mạnh của sự hiểu biết và do đó người lớn không cần đi học. Thật tuyệt vời làm sao khi tôi thấy ba tôi và má tôi nào có đi học đâu mà vẫn giỏi quá chừng. Người hiểu biết mọi thứ, am tường đủ mọi chuyện và thường kể cho tôi nghe không biết bao là chuyện thần thoại kể cả chuyện "Ngàn lẻ một đêm,".
Am từ văn phòng quân đội về, tôi thường sà vào lòng, tay bá cổ ba tôi và một hai đòi kể chuyện.
Tôi được ba thương nhất nhà, vì tôi có nét riêng giống ba, giống ngay cả cái nút ruồi nơi rốn. Ba tôi thường đem nó và đưa đó làm đề tài để khoe với má tôi. "Thằng này tôi thương nó nhất nhà vì nó giống tôi, ngay cả cái nốt ruồi nơi rốn này. "Tôi lúc ấy thì càng làm lơn, cởi cả áo ba tôi ra để xem có còn cái gì khác, giống nhau chăng?.
Má tới thì nguýt dài và nói lại ờ! ông thương nó quá mà năm trước khi đi đến nhà người bạn, ông cũng để nó lạc đi đâu mất, làm mọi người trong nhà phải một phen náo loạn. "Thì nó lạc rồi cũng còn đó chứ có ai bắt nó đi đâu mà bà sợ." Ba tôi đáp lại với giọng tỉnh bơ, rõ là thẳng tưng đúng điệu bộ của một kẻ nam nhi, một người trai không để cho những tình cảm thường tình của phụ nữ làm lung lạc".
Còn tôi thì lần lạc năm ấy cũng là một kỷ niệm nhớ đời vì lúc ấy khi ba cùng tôi đi chơi thì gặp một người bạn bên đường, ba tôi đã dừng lại và nói chuyện hăng say với người đó rồi sau bỏ tôi lại và cùng ông ấy mà đi. Tôi loanh quanh lạc lõng và sau đó được người ta đưa về một bốt cảnh sát. Lúc ba tôi về nhà và má tôi hỏi tôi ở đâu, ba tôi mới sực nhớ lại là đã bỏ quên tôi bên đường. Cả nhà tôi quýnh lên và thông báo đến tất cả đồn cảnh sát trong vùng, sau mới biết được tôi đang ở một trạm nọ. Khi ba tôi đem xe ra rước tôi về, lúc ấy hình như tôi cũng còn tỉnh táo lắm, mắt giương tròn xoe nhìn ba với tay khư khư còn kẹp chặt một túi kẹo trên tay.
Ba tôi là một người cha hiền lành nhưng rất nghiêm khắc, ông sống có chừng mực với chính mình, và ngay thẳng với mọi người. Giữa một đời sống không mấy an ổn trong quân đoàn mà ông sống an ổn. Là một người biết đạo và sống say sưa với đạo, ba tôi đôi lúc gần như quên hẳn những việc làm trong văn phòng, và ngay cả lơ đễnh với gia đình. Má tôi đôi khi thấy phải một mình lo lắng chu toàn mọi việc trong nhà, bà bực mình gắt gỏng vì tính vô tâm của ba tôi, nhưng ông chỉ cười xòa cho qua chuyện.
Một thời gian sau, ba tôi tìm được một người giúp việc cho gia đình.
Tôi không biết nhân duyên nào đã đưa ba tôi vào con đường hiểu đạo, và tu tập sống một cuộc đời đạo hạnh như vậy Chỉ nghe má tôi nói lại rằng, ba tôi đã hiểu biết Phật pháp trước khi lập gia đình với má tôi, và người còn muốn cả việc xuất gia đi tu. Má tôi đã khóc lóc nhiều ngày, năn nỉ ba tôi ở lại, và rồi có lẽ không đành lòng với nước mắt của hàng nữ nhi, ba tôi thua cuộc và bỏ ý định đi tu kể từ đó. Những năm sau này khi nghe má tôi kể lại chuyện như vậy tôi mới thấy rằng sự ràng buộc bao giờ cũng có cái giá của nó, nhất là sự ràng buộc vào trong đời sống gia đình vợ con. Một khi đã buộc rồi thì mấy ai có thể thoát được.
Rồi không phải vì có gia đình và bận việc trong quân ngũ, mà ba tôi lơ là với việc đạo, ông cũng dành nhiều thời gian cho sự nghiên cứu học Phật, và thực hành thiền tính mỗi ngày. Ba tôi tu tập rất cao, giảng pháp và làm thơ cũng hay đáo để nên số người theo ba tôi để nghe ông và học đạo cũng nhiều vô ngần. Má tôi ngày nay còn giữ lại hàng mấy trăm bài thơ đạo mà ba tôi đã là lại từ thuở nào. Theo má tôi thì ba tôi có lẽ đã có một sự ấn chứng nào đó nơi đạo, qua đời sống và sự hành trì của người, và bà cũng kể lại rằng trong sự tu tập thiền định, ba tôi đã có lúc nhập định đến ba ngày liền mà không ăn, không uống. Ba tôi thật là giỏi, dưới đôi mắt tôi lúc bấy giờ, ba tôi quả là một con người vĩ đại.
Ngày tôi ra đời cũng là ngày mà ba tôi buộc cả nhà phải ăn chay trường, má tôi kể lại như vậy. Má tôi nói, hôm tôi ra đời những ngọn đèn trong nhà bỗng vụt sáng lên một cách lạ thường, nên ba tôi cho đó là điềm lành và ông đã buộc cả nhà phải ăn chay trường kể từ đó. Sau tôi và các em kế tiếp, cả gia đình tôi đều ăn chay cho đến khi ba tôi mất là năm tôi được 8 tuổi, má và các em tôi mới trở lại việc ăn mặn như trước. Riêng tôi thì không hiểu vì sao vẫn không thể nuốt được những món mặn, nên đã giữ sự chạy lạt ấy mãi cho đến tận bây giờ. Là một con người mẫu mực, ba tôi luôn lấy mình làm gương cho cả gia đình, ông ăn chay thật tình và không hề luyến tiếc những đồ mặn mặc dù có đôi lúc những người lính của ba tôi đem cho một số thịt nai hoặc thịt của một con heo rừng nào đó khi họ đi săn được. Không nể chút tình nào, ba tôi vẫn một lúc chối từ.
Một con người mẫu mực như thế ấy, lại sớm ra đi khỏi cuộc đời tôi khi tôi còn quá bé bỏng. Mới có 8 tuổi đầu tôi có biết gì đâu khi má tôi được hung tin rằng ba tôi đã bị mất tích trong chiến trận, khi một vài người lính chạy thoát khỏi trận đánh ấy trở về và thuật lại. Má tôi thì xỉu khi được nghe tin này, còn tôi lúc ấy nào cảm nhận được những gì rõ rệt lắm đâu, chỉ biết khóc to lên khi mọi người xúm xít lại nâng đỡ má tôi. Kỷ niệm sau cùng của tôi đối với ba là chút kỷ niệm về câu chuyện "Ngàn lẻ một đêm," đoạn một chàng hoàng tử nọ đi dò dẫm trong một khu rừng ma quái từng hóa người thành đá, để cứu công chúa.
Sự mất mát của ba tôi cũng là sự mất mát của tất cả. Tôi cùng anh chị em khác trong nhà không còn được sung sướng sống trong một căn nhà rộng rãi và tiện nghi ấy nữa.
Đó là căn nhà thuê và má tôi buộc lòng phải trả lại, khi không thể trả đủ với số tiền tử tức ít ỏi mà má tôi nhận được sau sự ra đi của ba tôi. Các anh chị tôi trong nhà phải lao đao, làm lụng giúp má tôi buôn bán thêm để kiếm sống qua ngày và sau cùng nhờ trời Phật thương, má tôi cũng tìm mua được một căn nhà nhỏ khác với số tiền tử, và qua tháng năm cực khổ dành dụm trong các việc làm.
Dưới sự hy sinh lớn lao của má, tôi và các anh em trong gia đình vẫn có được một cuộc sống tạm ổn. Sau những tháng năm đầu anh chị tôi phụ giúp má trong các việc buôn bán, mọi chuyện rồi cũng êm và anh em chúng tôi ai nấy đều được đi học lại. Học hành cũng là một truyền thống của gia đình tôi vì ba tôi đã từng một thời làm thầy giáo, và má tôi thì văn thơ lỗi lạc cũng không phải là kém.
Trong những tháng ngày sống và học hành của tuổi thơ, tôi sống và vui đùa hồn nhiên. Chơi thì cũng dữ mà phá phách thì cũng chẳng kém những đứa bạn cùng thời. Trong các trò chơi tôi thích nhất là trò chơi đá dế. Đá dế với tôi là một thú vui ghê gớm nhất là khi phần thắng thuộc về những con dế của tôi. Tôi thường đi bộ rất xa để bắt dế, có ngày đi hàng mười mấy cây số, ra các cánh đồng tìm tòi, đào bới đổ nước vào các kẽ nứt của đám ruộng mà bắt.
Những con dế tôi chọn thường là những con dế lửa đỏ au, hoặc những con dế than màu đen óng ả. Những chiến công mà các chú dế đem về đã là những nguồn vui vô tận. Má tôi thấy tôi đam mê dế quá đôi khi quên cả bữa cơm nên cũng có rầy la: "nhà mình là nhà ăn chay, sao con ác quá vậy để nó cắn nhau, nó chảy máu và chết thì làm sao? "Tôi đâu chịu thua cãi lại má tôi: "Tại vì nó thích cắn nhau nên con để nó cắn nhau chớ bộ! Má xem nề, tôi dơ con dế lên trước mặt má tôi, nó đâu có bị chảy máu đâu. Anh con chơi đá gà nó mới bị chảy máu chứ."
Má tôi nghe tôi lý luận kiểu đó thì chỉ biết cười trừ. Bà thông cảm với cái niềm vui nhỏ nhoi của con bà.
Tôi đam mê chơi trò đá dế bao nhiêu, thì anh tôi mê trò đá gà bấy nhiêu. Những con gà nòi to tướng không biết tự ở đâu mà anh tôi mang về, và chăm sóc nó rất cẩn thận.
Lo cho nó từng miếng ăn, từng nước uống và tắm rửa lau chùi mồ hôi cho nó nữa. Tôi thì không thích những con gà đó vì anh tôi cưng chiều và lo lắng cho nó còn hơn tất cả những anh em trong nhà. Tôi là em kế mà có bao giờ anh ngó đến hoặc hỏi han săn sóc đâu. Vậy mà nó chỉ là một con gà thì lại được chăm sóc, tôi cũng ghét mấy con gà đó vì nó cứ ham đánh nhau, và cứ sau mỗi trận đánh thì thương tích và máu me đầy mình. Anh tôi phải một phen lo lắng như một cô y tá đang thật tình lo lắng cứu chữa cho bệnh nhân. Rồi khi con gà bị đá thua hoặc bị chết, anh rất thương tiếc nó và đem chôn sau vườn. Mấy con dế tôi nuôi cũng vậy, khi nó bị chết tôi cũng đem ra sau vườn chôn cất rất tử tế, và làm cho nó một nấm mồ thật đẹp.
Vào lứa tuổi mười tám, tuy cũng đã là lớn nhưng tôi vẫn chưa có kinh nghiệm gì với cuộc đời. Tất cả đều được má tôi lo và tôi như sống trọn trong sự đùm bọc yêu thương ấy.
Tôi vẫn sống vô tư với những ham muốn tầm thường vặt vãnh. Một chiếc áo mới vào dịp tết, những bao tiền lì xì và đôi khi nghe theo bạn bè lại cố đòi má tôi mua cho được một chiếc xe đạp mới để khoe cùng chúng bạn. Tôi lúc ấy lại chẳng hình dung ra rằng má tôi, một con người có sức nhẫn lớn đã nai lưng ra làm việc bất kể gió mưa để lo cho gia đình tôi được chu toàn, anh chị em tôi được ăn học đầy đủ. Trong một xã hội mà lúc bấy giờ gần như chỉ có những lớp người lớn, đã trưởng thành và có trách nhiệm là chịu cực khổ, còn ở những lớp tuổi học sinh của chúng tôi gần như chỉ biết chơi đùa và học đòi.
Khi thấy đời sống buôn bán có phần khựng lại, má tôi trong cái lanh lẹ cố hữu đã cố tìm cách đưa anh chị tôi đi ra xứ người. Nhờ trời Phật phù hộ, anh chị tôi đã được tàu Đan Mạch vớt và được đi Đan Mạch sau vài tháng tạm trú ở trại Singapore. Sự ra đi thành công của các anh chị tôi là sự thành công của gia đình tôi. Má tôi từ đó bớt lo phần gánh nặng của gia đình để có thời gian đi chùa, tụng kinh và lễ Phật. Là một phật tử thuần thành, má tôi sống với những gương hạnh tốt để làm mẫu mực cho các con cái noi theo. Nếu cái thú vui của tôi lúc bấy giờ là trò chơi đá dế, thì cái thú vui của má tôi là đi chùa, làm việc phước thiện cúng dường bố thí. Các chùa ở Nha Trang, quý thầy quý cô ai cũng biết đến má tôi và thường hay tới nhà tôi chơi. Riêng tôi thì vẫn chưa có khái niệm rõ rệt gì về chùa chiền, và đời sống xuất gia tu hành. Tôi chỉ biết một điều là cơm chay chùa nấu rất ngon và mỗi lần theo má đến chùa, tôi lại len lén tìm cách thăm nhà bếp trước các bác làm công quả trong chùa ai cũng biết má tôi và quen mặt tôi, vì tôi thường hay xuống bếp. Được một vài trái chuối, quả cam hay chén chè cũng đủ làm tôi sướng tít lên rồi. Tôi đi theo má đến chùa thường nhằm mục đích như vậy.
Tôi cũng thích cảnh chùa với những khu vườn hoa rất tao nhã, hồ sen và các cây ăn trái trĩu quả. Trên các cây luôn có các con ve sầu mà nó kêu ra rả suốt ngày. Tôi ít thấy nó lắm vì nó có cùng một màu với lá cây mà chỉ nghe tiếng kêu. Cảnh sắc thanh tịnh và nhẹ nhàng ở đây cũng làm cho tôi có một cảm mến với chùa chứ không riêng gì đồ ăn. Rồi cũng có những vị thầy vui tính đôi khi kể chuyện đạo cho tôi nghe. Tuy nhiên phải nói là tôi đi chùa là vì má tôi nhiều hơn, má tôi thường hay dẫn tôi đi để cho tôi biết đạo. Có thể là má biết tôi có căn duyên tu hành cũng nên.
Để có thể vun bồi thêm nhiều điều phước thiện, trước khi má chuẩn bị cho tôi và các em đi, má tôi ôm về một chồng kinh, phân phát cho tôi và các em để chép. "Chép kinh có vô lượng công đức," má tôi nói với tôi như vậy và tôi tin má, hì hục lấy giấy mực ra chép mỗi khi có thời gian rảnh rỗi sau các buổi học. Rồi việc chép kinh cũng xong, nhưng tôi không biết là ở việc chép kinh nơi đó có công đức vô lượng hay không? Nhưng sao cứ mỗi lần lên thuyền ra xứ người, tôi đều bị thất bại. Sáu lần đi là sáu lần thất bại, và những lần thất bại thì thật là quê vì cứ mỗi lần sắp sửa ra đi, tôi lại ngỏ lời từ biệt các bạn thân. Nhưng rồi chẳng mấy ngày sau lại gặp mặt tụi nó, tôi nói trong lời ngượng ngập để chữa thẹn: "Sao tao lại xui quá mày ạ! "Những đứa bạn mà tôi thân và tâm đắc nhất cũng có lúc cho tôi những bài học nhớ đời. Có lần tôi khoe nó cái máy chụp hình mới mà anh chị tôi vừa gửi về, tôi cũng chẳng dấu mà đem khoe nó luôn chỗ tôi cất vàng trong lai quần để lúc mang đi. Nó im lặng không nói gì, nhưng rồi một hôm nhân nhà tôi cúp điện, nó ghé thăm và tự do cửa trước lối sau trong nhà như mọi lần. Các em trong nhà có ai để ý đến đứa bạn thân nhất của tôi làm chi, nên không bao ngày sau, nhà tôi phát giác ra chiếc máy chụp hình mất, và cả chiếc quần của tôi có khâu vàng năm chỉ kia cũng không cánh mà bay. Ai ai cũng hoảng, và má tôi thì làm tôi hoảng nhất vì bà khóc lóc và than trách đủ điều. Còn tôi thì thật tình chưa biết ai là kẻ thủ phạm. Một vài tuần trôi qua, một cô bạn học cùng lớp khoe với tôi chiếc máy chụp hình mới mà thằng bạn thân thất của tôi cho mượn. "Đúng là nó đây rồi," tôi kêu thét lên và kể rõ tự sự câu chuyện cho cô bạn ấy nghe. Sự việc lòi ra và thằng bạn thân ấy của tôi lẳng lặng trả lại với lời xin lỗi. Nhưng còn năm chỉ vàng trong lai quần thì sao? không có chứng cớ nhưng tôi vẫn hỏi nó. Nó đáp, "không hề lấy", tôi không nói gì nhưng thầm biết là nó lấy. Sau sự kiện đó, má la tôi quá chừng chừng, những lúc đó tôi suýt có ý định tự tử, bằng cách đâm đầu vào dưới bánh chiếc xe vận tải thường chạy ngang qua nhà.
Tôi đoán là má giận tôi lắm sau những chuyện lộn xộn ấy ra như vậy, nhưng bà đã không đánh đập tôi bao giờ. Có lẽ cách hay nhất để quyết tự sự là cho thằng con phá rối vào chùa tu. Tôi nghe má tôi gợi ý về việc đi tu ở một ngôi chùa của người quen lối xóm. "Đi tu thì cũng được ạ! có sao đâu!". Tôi trả lời theo kiểu phớt tỉnh ăng lê". Tôi không rõ tu hành là phải thế nào, ra sao và để làm gì, tôi biết một khi tôi đi tu là tôi sẽ rời khỏi nhà; để tránh được những không khí căng thẳng trong hiện tại cũng là điều hay.
Thu xếp những áo quần và các đồ đạc cá nhân, tôi theo má đi đến một ngôi chùa làng cách nhà khoảng 5 km. Chùa nằm trong một làng quê với một khu vườn cây thật là rộng, có nhiều cây ăn trái và mồ mả. Không khí yên tĩnh làm tôi cũng thấy thích nhưng còn ông thầy mình đây thì ra sao, tôi chẳng rõ. Má tôi dẫn tôi lại gần ông thầy và nói gửi gắm tôi một vài tuần, nếu được thì xin cho nó xuất gia. Ông thầy làng nhìn ngắm tôi, tôi nhìn ngắm ông thầy, hai bên dường như đang coi tướng lẫn nhau. Tôi đoán là ông thầy xem tướng tá tôi có thuộc loại cày sâu cuốc bẫm hay không, vì ngôi chùa làng đang cần có những người như vậy. Có thể là ông hơi thất vọng cho lứa tuổi 18 bẻ gãy sừng trâu của tôi, vì tôi khi ấy vẫn còn là một con người nhỏ bé tí teo, nói đúng hơn nữa là một con người lùn, loại đẹt. Riêng tôi thì nhận xét ông thầy hơi có vẻ tiêu cực ngay lúc ban đầu chạm mặt: "ông thầy này chẳng có vui tính chút nào, đạo mạo và nghiêm khắc quá."
Má tôi ra về là ông thầy bắt đầu kêu tôi lại dò xét và phỏng vấn. Ông ta hỏi tôi một tràng những câu hỏi về tôi và gia đình, tôi không biết ông hỏi để làm gì, nhưng tôi thì cứ trả lời như cái máy. Sau phần phỏng vấn đặc biệt, các công việc được ông chỉ định và cắt đặt liền. Con phải tưới cây sau vườn, con phải xuống bếp nấu đồ ăn, con phải lau chùi nhà và chánh điện rồi ra sau bếp chẻ củi. Tôi cúi đầu vâng lời, nhưng trong lòng chẳng phục:
Thầy gì đâu mà mới tới là sai liền, sai đủ thứ chuyện như vậy sao làm nổi. Người ta đi tu để được tu học, chớ bộ đến để làm việc hay sao?
Rồi những ngày sau đó là những ngày tôi làm việc liên tục, đôi lúc rảnh tôi muốn học kinh thì thầy lại tránh né. Một lần thấy tôi nhắc hoài, ông thầy đem ra một cuốn kinh cũ mèm, và nói tôi lấy giấy bút ra chép để học. Tôi lại cảm thấy bực mình và bất mãn hơn bao giờ hết, thầm nghĩ trong đầu rằng: "Học kinh mà cũng bắt chép để học, tại sao không đưa luôn cuốn kinh để học có phải tiện hơn không?"
Kể từ đó tôi bắt đầu ghét ông thầy và tìm cách soi mói, tìm những cái xấu của ông để đi bêu nhọ. Tôi thấy ông chiều nào cũng nói chuyện với các bà và các cô thiếu nữ, mà lại nói chuyện gì không biết và nói đến khuya lơ khuya lắc. Tôi không biết là những chuyện gì họ nói nhưng chắc chắn là không phải chuyện đạo và chuyện tốt rồi, vì qua những câu chuyện xầm xì, qua những tiếng cười nắc nẻ, tiếng vỗ tay đen đét tôi có thể đoán ra được. Tất cả những điều mắt thấy tai nghe, cách suy luận của tôi cùng những bất mãn trong lòng qua việc học kinh mà phải chép, đã đưa đến sự việc; một tuần sau tôi cuốn gói ra về.
Má tôi hơi ngạc nhiên khi thấy tôi cuốn gói lẳng lặng vào nhà. Qua lời trình bày và giải thích của tôi, bà chấp nhận nhưng không phải như vậy là qua chuyện. Mấy ngày sau bà lại dắt tôi đi đến một ngôi chùa khác, ngôi chùa mà bà thường hay đến tụng kinh và tôi thì hay xuống bếp. Sau khi đảnh lễ thầy trụ trì xong, má tôi thưa chuyện về việc xin phép cho tôi đi tu, nhưng không may là kết quả chẳng được Thầy trụ trì giảng giải cho má tôi rằng vào thời gian này, nhà nước không cho phép những người trẻ đi tu vì sợ họ trốn quân dịch. Thế là tôi lại lò mò về nhà với lòng phơi phới. Chắc chắn là hết chùa cho tôi đi rồi vì những chùa má tôi quen biết đều chẳng ai dám nhận.
Tìm cách nhổ cái gai trước mắt là cho thằng con rắc rối đi tu không xong, má tôi tính mưu khác bằng cách tìm kế cho tôi ra nước ngoài, chuyện đã chẳng đơn giản khi con người muốn là được. Cái giá phải trả cho những tính toán trong các chuyến đi nước ngoài, là tôi phải đi ngồi tù trong lần đi thứ bảy định mệnh ấy. Một lần ngồi tù là một lần kinh nghiệm nhớ đời. Nếu những kỷ niệm của tuổi thơ không còn lưu lại dấu vết trong tâm tôi, thì kỷ niệm ngồi tù và trải qua thời gian này, quả là một kỷ niệm sâu đậm khó quên. Cho đến giờ đây mà tôi vẫn còn nhớ rõ và ám ảnh khuôn mặt của ông già công an trưởng trại, và những người công an trực. Hình dung lại thời gian này, là hình dung lại cả một cuốn phim tài liệu dài thườn thượt. Ở đó tôi được học nhiều bài học khôn nguôi về đời sống, tình người, về các mặt trái của xã hội.
Khoảng hơn một năm tù, mà tôi đã phải trải qua bốn trại giam khác nhau với bốn sự quản trị khác biệt. Có trại giam tôi chỉ ở một tuần để chờ chuyển tiếp, có trại giam dài và phải sống chật chội trong các buồng giam mà đôi khi số người bị giam đầy hơn cả chỗ chứa. Hai trại sau cùng là một trại cải tạo tội nhân chính trị, và một trại chứa các tội nhân hình sự. Có lẽ một nhân duyên tiền định nào đó đã sẵn rồi, nên tôi trước hoặc sau phải chịu cảnh tù đày trước khi được bước chân sang đến xứ người.
Trong cảnh nữa tối nữa sáng ấy, con người ta với những khuôn mặt thật đã dần dần hiện ra. Có những người chức phận cao sang trước đây giờ lại sống tủi nhục bị người xa lánh, khi đem tâm bán mình để làm ăn-ten hầu kiếm thêm được chút phần lợi lộc cho thân nhân. Có những người tuy tầm thường nhưng thẳng thắn, cương trực không bao giờ chịu khuất phục và luồn cúi với giám thị. Có người tỏ đầy ắp ân tình đối với những bạn cùng khổ với nhau, có người gian trá, tham lam và độc ác không thể nào diễn tả được. Đi vào trong tột cùng của cái khổ, kìm kẹp và khảo tra người ta mới thấy được cái bản chất thật của con người.
Bản chất ấy thường làm theo những đòi hỏi và sai khiến của cái ngã, mà một người nếu không có được sáng suốt, sẽ rất dễ quên mình bán rẻ lương tâm. Nếu trong sự sáng suốt ấy, họ có thêm những hành trang tâm linh qua quá trình hiểu biết và tu tập, họ sẽ là một ánh đèn sáng giữa đêm đen. Trong trại giam ở Trần Phú Nha Trang, tôi thấy được điều này khi phòng giam tôi có một vị sư cũng bị bắt vì tội vượt biên. Thầy ấy trạc tuổi ba mươi, có đôi mắt thật sáng và nụ cười hiền hòa. Trong cảnh đoạ đày và tranh giành từng miếng ăn của một người bị mắc nạn, thầy có vẻ như sống với thế giới riêng của thầy. (Thế giới của sự bình thản) đôi khi dường như có vẻ lạnh lùng đối với những cảnh xô bồ trong buồng giam. Và có lúc thế giới của thầy lại là một thế giới từ ái, hoan hỷ và chia sẻ ấy là những lúc thầy được các phật tử ở chùa đi thăm nuôi và vào những giờ phút ấy thầy tỏ vẻ thân thiện và hòa đồng cùng mọi người. Những tù nhân cũng đã không tha và bỏ quên lòng độ lượng hiếm có này, họ đến thăm thầy và tìm cách xin thầy nhiều đồ, nhất là trong những dịp thăm nuôi như vậy, thế là chẳng mấy chốc đồ đạc của thầy bay đi hết.
Một người có sự hiểu biết, có tình thương và hy sinh cá nhân mình cho nhiều người, nhiều người đã tìm thấy được tình thương ấy chỉ có ở nơi một người trong cảnh tận cùng của thiếu thốn và khổ đau. Tôi lúc ấy chẳng có một hiểu biết gì về đạo, nhưng cũng thầm có một cảm nhận rằng: Vị thầy ấy thật là tốt bụng. Tôi không hiểu rằng ở những kiếp sống trong quá khứ tôi có gieo nghiệp giam cầm người hay không, nhưng ở kiếp này trong lứa tuổi mới bước vào cuộc đời tôi phải chịu cảnh tù đày. Phải chăng định mệnh muốn dạy cho tôi biết rõ thêm về cuộc đời, qua các tủi nhục của đau thương và lòng người man trá. Và thật vậy, vì có môi trường nào đáng học hơn bằng môi trường của cảnh tù tội, một môi trường mà ở đó người ta không học qua các chữ nghĩa của sách vở, của kiến thức tầm chương trích cú mà phải học qua kinh nghiệm của mồ hôi và nước mắt. Tôi đã trưởng thành từ đó, vì tôi nhận thức được con người và cuộc đời qua lăng kính của khổ đau. Tôi bỗng nhiên không thấy mình ngây thơ và bé bỏng nữa, vì môi trường sống chung quanh buộc tôi phải có cái nhìn, và phải biết suy tư. Giữa đám đông của những người tù tội, tôi thấy mình lạc loài.
Qua những tháng năm sống chịu đựng trong lao tù, tôi càng nhận chân được hơn cái giá trị của sự tự do và tình mẫu tử thiêng liêng, vì trong thời gian tủi nhục ấy có ai thương tôi, để ý và săn sóc cho tôi ngoài má tôi đâu. Tôi đã quên đi những lần tôi làm má buồn và chính tôi cũng hay thường giận dỗi má. Giờ đây trong khoảng cô đơn và trống vắng, tôi chợt nhận ra rằng chỉ có tình mẫu tử là cao cả và đẹp đẽ nhất trên đời.
Tôi còn nhớ lần bị giam trong khám ở Nha Trang, má đến thăm nuôi với giỏ quà đầy ắp trên tay, qua song sắt tôi nhìn được má tôi với dáng điệu buồn rầu, và đôi mắt dường như muốn rơi lệ. Hai má con tôi xúc động một hồi lâu mà chẳng nói nên lời. Tôi biết má tôi đau khổ và thương tôi lắm, vì có lẽ bà mặc cảm và ân hận, do vì bà đưa tôi đi mà tôi phải chịu cảnh tù tội. Còn tôi thì nhìn bà với sự ái ngại và xót xa, vì bà cứ phải thăm nuôi tôi hoài, và chịu cảnh đớn đau khi nhìn con mình qua những song sắt. Rời trại ở Trần Phú, tôi lại bị chuyển đi đến trại A 30, một trại giam các phạm nhân chính trị và hình sự với nhiều án năm tù, rồi lại chuyển đi trại Bình Sơn là một trại cải tạo giam giữ hình sự và những người vượt biên. Đoạn đường gió bụi hàng mấy trăm cây số, cũng không ngăn cản má tôi đi thăm nuôi tôi mỗi tháng một lần. Tôi vào những lúc ấy chỉ biết ngậm ngùi buồn thảm khi thấy má tôi xa xa, trên vai gồng gánh những giỏ quà đến thăm tôi trên một đoạn đường bộ hàng mấy cây số. Tất cả những giỏ quà, gói thăm nuôi đây là những gì mà mồ hôi, nước mắt má tôi đem lại. Tất cả giờ đây chỉ còn là chút dư âm của một thời gian mà tôi còn mãi nhớ.
Khoảng 3 tháng sau khi tôi được thả ra, câu chuyện ra nước ngoài lại được xới lên. Tôi vẫn muốn đi vì một khi dự định đi có ai bao giờ nghĩ mình sẽ bị bắt. Thật là lạ, cảm giác được đi đã là một liều thuốc kích thích mạnh, xóa nhòa đi những nổi sợ hãi và ám ảnh khác còn lại trong tâm. Dường như khi một người nào đó có những ý tưởng này, thì họ cũng đều bị cám dỗ và ám ảnh bởi những chuyến đi phiêu lưu như vậy.
Sóng và gió đã làm mọi người phờ phạc hẳn ra sau mấy ngày lênh đênh trên biển cả. Ai nấy đều rũ cả người ra, vì phải ngồi bó gối chật ém trên con tàu gần như chở quá tải. Con người dường như đùa với tử thần khi ra đi kiểu này, và tôi trong cơn nửa mê nửa tỉnh ấy chỉ thấy lòng nhẹ bẫng khi con thuyền ngày một xa khỏi bến bờ của Việt Nam. Dầu là cỡ nào tôi cũng chịu đựng được, miễn rằng phải đến được bờ bên kia đại dương.
Sau bảy ngày đêm run rủi phó thác cho biển trời, mọi người đã đến được đảo Lubang thuộc Phi Luật Tân một cách an toàn.
Thời gian tôi ở trại cũng là thời gian tôi tập tễnh bước ra thế giới bên ngoài, thế giới của tự do, của màu sắc, âm thanh và là một thế giới đầy quyến rũ. Dưới ánh mắt tôi tất cả đều đẹp vì lạ, vì tôi đã chưa từng trải và thấy qua một cách tùy thích khi còn ở bên quê nhà. Do có anh chị tôi trước đây đi và đã ở bên Đan Mạch, nên tôi và các em được tiếp tế một cách đầy đủ. Tôi bỗng trở thành một chủ nhân thật sự của đồng tiền, và hai em gái tôi phải chịu sự chi phối của tôi qua đồng tiền tôi lãnh về. Thật là thú vị khi lần đầu tiên tôi được nắm trọn đồng tiền trên tay với trọn đầy quyền quyết định. Tôi cũng không đến nỗi tệ khi không quên lo lắng và chăm sóc cho em tới với những bộ quần áo mới, và các vật dụng cần thiết. Có điều tôi cũng xài cho riêng mình một chút, với cái máy radio và walkman mà em tôi không thể nào có được. Đó là những gì tôi sống ích kỷ cho riêng mình, thời gian dần qua, tôi và các em cũng rời trại tạm cư để bay đến một quốc gia xa lạ nằm bên kia quả địa cầu. Có một chân trời nào đó đang sáng phía trước mặt.
Sự hy sinh, tảo tần và đức tận tụy của má tôi đã được đâm hoa kết trái. Anh chị, tôi và các em sẽ được đoàn tụ. Ai trong anh em chúng tôi cũng vui sướng, cảm thấy hạnh phúc khôn tả. Bên kia quê nhà, khi má tôi nhận được tin ngày ra đi của tôi và các em để đoàn tụ với anh chị bên Đan Mạch, chắc bà cũng vui lắm. Tôi biết đã mấy năm rồi má tôi chỉ trông đợi ngày này. Còn tôi thì đêm ấy ở trại, cứ trằn trọc và thao thức mãi. Sao tự nhiên đêm nay trời lại lâu sáng!