IV. Thay lời kết

02/02/20163:45 SA(Xem: 2566)
IV. Thay lời kết

MỤC LỤC ĐẠI TẠNG KINH TIẾNG VIỆT 
Biên soạn: Nguyễn Minh Tiến 
Nhà xuất bản: Tôn Giáo 2016

IV. Thay lời kết

 

Người xưa có nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.” Nhiều năm qua, thao thức với công trình phiên dịch kinh điển sang Việt ngữ nên chúng tôi cũng đã có những cơ duyên gặp gỡ với nhiều người cùng tâm nguyện.

Khoảng tháng 4 năm 2009, Bác sĩ Trần Tiễn Huyến, Chủ tịch Tuệ Quang Foundation, đã chủ động liên lạc tìm đến nhà tôi cùng hai người em là Trần Tiễn Khanh, Trần Tiễn Tiến. Chúng tôi đã cùng nhau trao đổi rất nhiều về công việc phiên dịch kinh điển. Sự tương đồng rõ rệt giữa chúng tôi là cùng mong muốn sớm hoàn thành một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt. Tôi còn nhớ câu nói rất cảm động của Bác sĩ Huyến: “Tôi chỉ mong sao có thể hoàn thành Đại Tạng Kinh Tiếng Việt trước khi nhắm mắt.” Tuổi cao sức yếu, ông vẫn không ngừng nghỉ trong công việc, thật đáng kính phục biết bao.

Trước đó, nhóm Tuệ Quang đã có lần họp báo vào tháng 7 năm 2006 tại TP HCM, công bố thành quả của việc phiên âm kinh điển bằng máy vi tính và dự kiến sẽ dùng các bản dịch của máy để chỉnh sửa, hiệu đính, nhằm rút ngắn thời gian phiên dịch. Tuy nhiên, đây chính là chỗ khác biệt giữa chúng tôi. Trong khi nhóm Tuệ Quang rất tin tưởng và đặt nhiều hy vọng vào hướng đột phá này, thì bằng kinh nghiệm bản thân, chúng tôi cho rằng việc đó hoàn toàn không thể thực hiện được, bởi việc chỉnh sửa, hiệu đính một “bản dịch máy” sẽ mất nhiều công sức hơn cả việc trực tiếp dịch từ nguyên bản. Còn nếu nôn nóng muốn nhanh hơn mà chỉ làm việc trau chuốt văn từ cho thuận ý, chắc chắn sẽ cho ra những bản dịch sai lệch, không đủ độ tin cậy

Tuy nhiên, nhân lần tiếp xúc này, nhóm Tuệ Quang đã tặng tôi một DVD ghi các file PDF phiên âm Hán Việt kinh điển. Chính khi xem qua các bản PDF này, tôi đã nảy ra ý tưởng: Vì sao chúng ta không phát triển một chức năng trực tiếp phiên âm trên máy người dùng thành file Word (dễ sử dụng hơn) hoặc tốt hơn nữa là trên một website trực tuyến? Công trình của chúng tôi hiện nay đã được gợi ý từ lúc đó.

Vì thế, chúng tôi thấy rõ sự lợi ích của việc chia sẻ thông tin giữa các dịch giả, nhóm dịch giả. Nhưng do khác biệt về quan điểm thực hiện như đã nói, tôi đã không trực tiếp tham gia nhóm Tuệ Quangtiếp tục công việc theo cách của mình. Gần đây, tôi được biết là nhóm Tuệ Quang vẫn tiếp tục công việc xây dựng Đại Tạng Kinh, nhưng không chú trọng nhiều đến việc dịch máy nữa, mà nhờ đến sự giúp sức của nhiều dịch giả, trong đó có cư sĩ Nguyên Huệ, tức dịch giả Đào Nguyên.

Anh Đào Nguyên đã chuyển dịch hoàn chỉnh tạng Luận trong Đại Chánh tạng (Tập 26 đến Tập 30) và cũng đã tiếp tục với các phần sớ giải. Đóng góp của anh cho công việc này thật rất lớn. Tôi và anh đã trao đổi qua điện thoại khá nhiều trước khi tôi tìm đến gặp anh ở tư gia, tại TP HCM. Ngoài việc chia sẻ cùng nhau những hiểu biết, kinh nghiệm trong phiên dịch kinh điển, chúng tôi cũng trao đổi nhiều về định hướng, cách làm... và có nhiều tương đồng. Tuy nhiên, do đang làm việc với tư cách một thành viên trong nhóm Tuệ Quang nên anh đã không thể chia sẻ cùng tôi các dịch phẩm đã hoàn tất, và đó là lý do trong bản mục lục này còn thiếu rất nhiều dịch phẩm của anh. Hy vọng sau khi nhóm Tuệ Quang đã công bố các dịch phẩm này, chúng tôi sẽ có điều kiện để thu thập bổ sung.



Cũng trong lần gặp gỡ này tôi mới biết anh đã từng làm việc rất lâu cũng như giữ vai trò quan trọng trong công trình Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Và theo giới thiệu của một số thân hữu, tôi cũng đã tìm đến một tịnh thất ở Thủ Đức, gần chùa Pháp Bảo (trụ sở chính của Linh Sơn Pháp Bảo), để gặp Sư cô T.T., đệ tử Hòa thượng Tịnh Hạnh và là người giúp Hòa thượng xử lý các công việc ở Việt Nam. Vào lúc đó, Hòa thượng chưa viên tịch nhưng đang ở Đài Loan.

Tôi và Sư cô T.T. đã trao đổi khá nhiều về việc phiên dịch kinh điển. Tôi có đề cập đến trang Đại Tạng Kinh Tiếng Việt trực tuyến và đề nghị đưa các dịch phẩm của Linh Sơn Pháp Bảo lưu hành trên mạng Internet, nhưng Sư cô cho biết Hòa thượng chưa cho phép, đợi sau khi việc in ấn phát hành hoàn tất mới làm việc này, và dự tính sẽ xây dựng một website riêng của Linh Sơn Pháp Bảo, thay vì lưu hành ở những nơi khác. Và đây là lý do có rất ít dịch phẩm của Linh Sơn Pháp Bảo được thu thập trong bản mục lục này. 

Gần đây nhất, tôi lại có cơ duyên tiếp xúc với Thượng tọa Thích Nhật Từ, khi thầy tìm đến nhà tôi cũng với mục đích chính là trao đổi về việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt. Chúng tôi đã có hơn nửa ngày bàn bạc hết sức thoải mái, nơi “văn phòng” làm việc của tôi là một chiếc bàn đá đặt dưới bóng cây ngoài sân. Hầu hết những ý tưởng được tôi nêu ra trong bài viết này đều đã trực tiếp trình bày với thầy, và thầy cũng là người khuyến khích tôi nên chấp bút viết ra tất cả để có thể dễ dàng hơn trong việc trao đổi, chia sẻ với những ai đồng cảm trong công việc.

Sau khi nghe tôi trình bày những nhận xét và nêu các giải pháp, thầy Nhật Từ cho biết là thầy tán thành hầu hết các ý kiến đó. Thế nhưng, vấn đề khó khăn lớn nhất vẫn là phải thực hiện bằng cách nào? Nhiều dịch giả có tâm huyết khác khi có dịp trao đổi cũng thường bày tỏ sự băn khoăn với chúng tôi về một giải pháp khả thi để những điều hợp lýhiệu quả có thể được thực hiện trong việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt. 

Khiếm khuyết lớn nhất của chúng ta hiện nay là chưa có được một tổ chức đủ tầm vóc và uy tín để quy tụ hoặc tạo ảnh hưởng đến cộng đồng dịch giả. Không một cá nhân nào có đủ khả năng làm điều này, và các nhóm dịch giả lẻ loi cũng không đủ sức. Đó là giới hạn của những hoạt động riêng rẽ, tự phát. Vì thế chúng ta cần có một tổ chức đầu tàu, dẫn dắt, với vai trò chủ đạo trong công việc. Một tổ chức như thế hiện nay vẫn còn chưa thấy xuất hiện

Và khi chưa có được một tổ chức có đủ tầm vóc, uy tín để dẫn dắt cả cộng đồng, có lẽ mọi ý kiến đề xuất hay giải pháp cũng chỉ đều là lý thuyết hoặc ước mơ mà rất khó lòng biến thành hiện thực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nêu lên những điều này trong một tinh thần lạc quan, mong đợi một kỳ tích, một điều nhiệm mầu sẽ sớm xảy ra, bởi khi tấm lòng của biết bao Phật tử Việt Nam vẫn luôn khao khát mong đợi, thì dù sớm hay muộn, chắc chắn cũng sẽ có một ngày tất cả chúng ta đều được thỏa nguyện.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.